You are on page 1of 7

“Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rạt rào chưa từng thấy ở chốn non nước lặng

lẽ này, Xuân Diệu say đắm tình


yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi của mình” (Trích
“Thi nhân Việt Nam”). Nhận định của nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đánh giá về những đặc sắc chủ yếu trong
sáng tác của nhà thơ Xuân Diệu - gương mặt tiêu biểu và có nhiều đóng góp nổi bật cho sự phát triển của phong
trào thơ Mới. Một trong những tác phẩm thể hiện rõ điều này chính là “Vội vàng”. Qua bài thơ, chúng ta thấy được
tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, lòng ham sống mãnh liệt cùng quan điểm sống tích cực của tác giả.
Trước hết, bài thơ “Vội vàng” đã thể hiện ý nguyện, tâm thế và mong muốn hành động của tác giả trước bước đi
của thời gian:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.”
Trước vòng quay “một đi không trở lại” của dòng thời gian, tác giả Xuân Diệu muốn nắm bắt và giữ lấy từng khoảnh
khắc qua việc muốn “tắt nắng” để sắc màu không phôi pha, muốn “buộc gió” không cho hương sắc bay đi. Điệp
ngữ “Tôi muốn” được nhắc lại hai lần đã khẳng định ý nguyện của cái “tôi” tha thiết muốn giữ lấy vẻ đẹp chóng tàn
phai của thiên nhiên; đồng thời làm nổi bật tâm hồn của một thi sĩ yêu đời, say mê thiên nhiên và trân trọng, nâng
niu cuộc sống. Và tình yêu tha thiết, mãnh liệt này đã được phác họa rõ nét hơn ở những câu thơ tiếp theo:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Bằng biện pháp nghệ thuật liệt kê kết hợp nhịp điệu thơ nhanh và dồn dập, mọi thanh âm, mọi sắc màu, hình ảnh
của bức tranh thiên nhiên đều hiện hữu sinh động trước mắt người đọc. Điệp từ “Này đây” vang lên đầy say mê,
thể hiện mọi giác quan của người thi sĩ đều rung lên để đón nhận, để tận hưởng vẻ đẹp của tạo hóa, của đất trời
trong sức xuân và sắc xuân. Đó là những vẻ đẹp hữu hình như “hoa của đồng nội xanh rì”, “lá của cành tơ phơ
phất”. Đó còn là vẻ đẹp vô hình như khúc ca tình yêu mang âm điệu say mê cuồng nhiệt của cặp “yến anh”, là
nguồn sáng vội vã chớp qua hàng mi,.... Đặc biệt, Xuân Diệu đã so sánh “tháng giêng” - khái niệm thời gian vô hình
như “cặp môi” – sự vật cụ thể trong mối quan hệ “ngon” – “gần” để đem đến một cảm nhận vô cùng độc đáo, mới
mẻ, khiến cho bức tranh thiên nhiên nơi trần gian hiện lên đẹp đẽ, tươi mới, căng tràn sức sống như “một thiên
đường trên mặt đất”. Thi nhân vận dụng mọi giác quan để tận hưởng vẻ đẹp của tạo vật, thiên nhiên nhưng vẫn
không quên đi ý thức về sự trôi chảy của thời gian: “Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Bởi vậy, ông đắm say,
cuồng nhiệt cùng cảnh sắc đất trời nhưng vẫn không ngừng chiêm nghiệm về dòng thời gian trôi, về tình yêu và
tuổi trẻ:
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lạị
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”
Là một nhà thơ với thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, Xuân Diệu không chỉ thấy được quy luật tuần hoàn của
dòng thời gian: “Xuân tàn, hạ tới, thu hết, đông sang” mà còn nắm rõ “phép biện chứng” mang tính tuyến tính,
“một đi không bao giờ trở lại” của từng phút giây. Qua cách cảm nhận: “xuân đương tới” – “xuân đương qua”,
“xuân còn non” – “xuân sẽ già”, dòng chảy vô hình của thời gian đã được khắc họa rõ nét, khiến cho dù thi nhân
đang cảm nhận mùa xuân tươi đẹp, căng tràn sức sống cũng chính là mùa xuân đang ở viễn cảnh “sẽ già”, sẽ tàn
phai, sẽ héo úa. Nhưng điều đặc biệt nhất trong quan niệm của Xuân Diệu chính là thời gian vũ trụ không đồng
nhất với thời gian của đời người, nghĩa là “xuân qua” rồi xuân sẽ lại “tới” trong sự tuần hoàn của đất trời, nhưng
tuổi trẻ, đời người thì “chẳng hai lần thắm lại”. Bởi vậy, ông cho rằng điều đẹp nhất của con người chính là tuổi trẻ
và tình yêu. Và từ đó, “ông hoàng thơ tình” luôn nuối tiếc mùa xuân, nuối tiếc tuổi trẻ bằng lòng ham sống, lòng
yêu đời mãnh liệt cùng quan niệm sống “vội vàng” và chủ động chạy đua với thời gian:
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây thâu và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều”
Điệp từ “Ta muốn” được đặt ở đầu câu vang lên đầy dõng dạc, kết hợp với hàng loạt động từ theo cấp độ tăng
tiến: “ôm”, “riết”, “say”, “thâu” đã làm nổi bật tư thế chủ động tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống ở độ tươi mới
nhất, căng tràn nhất của cái “tôi” trữ tình. Lòng ham sống cùng niềm say mê cuồng nhiệt đó chính là động lực để
thôi thúc Xuân Diệu “sống vội vàng, sống cuống quýt” (theo cách nói của nhà phê bình văn học Hoài Thanh), nhưng
sự vội vàng đó không hề tiêu cực bởi nhịp sống đó luôn gắn bó mật thiết với niềm vui sống và tinh thần lạc quan
của tác giả. Đây là một quan điểm sống tích cực, tiến bộ và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với mỗi một con
người.
Như vậy, qua việc phân tích bài thơi vội vàng, chúng ta có thể thấy được tài năng của thi sĩ Xuân Diệu trong cách sử
dụng ngôn từ và vận dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật. Tất cả các yếu tố đó kết hợp với nhau trong sự
hài hòa, tinh tế, góp phần khắc họa hình tượng nhân vật trữ tình với tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng niềm ham
sống, lòng yêu đời cuồng nhiệt và nổi bật hơn cả là quan niệm sống “vội vàng” chạy đua với thời gian để nắm bắt
lấy những gì đẹp nhất của tuổi trẻ, của tình yêu.
2. Khác với hồn thơ sôi nổi, nhiệt huyết gắn với công cuộc đổi mới sau cách mạng tháng 8. Thơ Huy Cận những năm
trước cách mạng lại mang nét u sầu, buồn bã trước thời cuộc. Chẳng thế mà "Tràng giang" ra đời lại khắc họa nét
cô đơn của cá thể trước không gian bao la của thiên nhiên. Cùng với nét u buồn khắc khoải trước không gian mênh
mông, bài thơ còn là nỗi nhớ quê hương, thương đất nước đang chìm trong tang thương của thi sĩ.
Bài thơ được sáng tác vào năm 1939 in lần đầu tiên trên báo "Ngày nay" sau đó in trong tập "Lửa thiêng" - tập thơ
đầu tay của Huy Cận. Cũng chính tập thơ này đã đưa ông trở thành gương mặt tiêu biểu của phong trào "Thơ mới"
thời kì đầu.
Ngay khi đọc tên bài thơ "Tràng giang" người ta có thể hình dung được tư tưởng và tâm tư mà tác giả gửi trong đó.
Tiêu đề gợi ra một con sông dài, mênh mông, bát ngát. Tuy nhiên, ẩn sau hình ảnh sông dài còn là những mảnh đời
bấp bênh, trôi nổi, u sầu. Câu đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" tiếp tục khẳng định nỗi niềm u uất,
không biết tỏ cùng ai của nhân vật trữ tình trước không gian bao la của dòng sông.
Khổ đầu tiên đến với người đọc bằng hình ảnh con sông buồn, chất chứa những nỗi niềm khó tả
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng."
Vừa mới đọc khổ đầu tiên, người đọc thấy được không khí u sầu, buồn bã thông qua các từ "buồn", "sầu", "lạc
cành khô". Câu thứ nhất miêu tả sóng, câu thứ hai tả những dòng trôi, những luồng nước trên mặt sông. Nếu như
câu thứ nhất gợi được những vòng sóng đang loang ra, lan xa, xô đuổi nhau đến tận chân trời, thì câu thứ hai lại vẽ
ra những luồng nước cứ song song, rong đuổi mãi về cuối trời. Trong câu thứ nhất "sóng gợn" là những vòng sóng
nhỏ, lăn tăn. Nhưng chỉ cần một gợn sóng ấy thì Tràng giang đã "buồn điệp điệp". Từ láy hoàn toàn "điệp điệp"
như diễn tả nỗi buồn chồng chất lên nhau, hết lớp này đến lớp khác. Hình ảnh con thuyền "xuôi mái nước song
song" lại gợi về cảm giác đơn độc trên dòng nước mênh mông vô tận.
Hai câu thơ kết hợp làm cho không gian vừa mở ra theo bề rộng, vừa vươn theo chiều dài. Tác giả tiếp tục khắc họa
nỗi chia li qua câu thơ thứ ba. "Thuyền" và "nước" vốn dĩ là hai hình ảnh gắn bó, khăng khít với nhau nhưng qua
con mắt của nhân vật trữ tình thì lúc này hai hình ảnh ấy không còn song hành với nhau nữa. "Sầu trăm ngả", nỗi
buồn, sự u hoài, buồn bã càng ngày càng dâng lên. Với câu thơ thứ tư tác giả sử dụng biện pháp đảo ngữ "củi một
cành khô" để nói về sự cô đơn, trơ trọi của "củi". Số từ "một" chỉ một mình, cô đơn cùng với tính từ "khô" - hết
nhựa sống, càng làm cho hình ảnh khô héo hơn. Tác giả thật tài tình khi đã sử dụng nghệ thuật đối "một" - "mấy"
như nhấn mạnh hơn sự cô độc của củi trên dòng sông. "Lạc mấy dòng" không chỉ diễn tả nỗi niềm cô đơn của củi
mà còn nói đến sự bấp bênh, trôi nổi khi "lạc" hết dòng sông này đến dòng sông khác. Nét độc đáo của câu thơ
không chỉ là phép đối mà còn ở cách ngắt nhịp 1/3/3. Với cách ngắt nhịp ấy "củi" xuất hiện "độc lập" và điều đó
càng làm rõ hơn tình cảnh lẻ loi của sự vật này. Có thể nói, hình ảnh " củi một cành khô" đã phần nào nói lên tâm
trạng thi sĩ - một con người tài hoa nhưng vẫn đang loay hoay giữa cuộc sống bộn bề. Như vậy, chỉ với khổ thơ đầu
tiên bức tranh thiên nhiên buồn, sầu thảm đã hiện rõ. Nét bút kết hợp giữa cổ điển và hiện đại cũng phần nào giúp
người đọc rõ hơn về tâm trạng của thi sĩ.
Khổ thơ thứ hai tiếp tục là khung cảnh buồn nhưng mang nét đìu hiu, thiếu sức sống.
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu."
Huy Cận thật khéo léo khi sử dụng hai từ láy trong cùng một câu thơ để miêu tả cảnh hoang vu, vắng vẻ hai bên bờ
sông: "Lơ thơ" - thưa thớt, ít ỏi, " đìu hiu" - vắng lặng, ít người. Trên "cồn nhỏ" làn gió phảng phất không khí buồn,
ảm đạm của chốn ít người, thiếu sức sống. Nó u sầu đến nỗi không nghe thấy tiếng ồn ào của phiên chợ chiều.
"Đâu" diễn tả cảm giác mơ hồ, không xác định được điểm tựa để bám víu. Như vậy, chỉ qua vài nét chấm phá của
nhà thơ đã hiện lên bức tranh quê thê lương, thiếu sức sống. Đến với hai câu thơ tiếp, dường như tác giả mở rộng
tầm nhìn ra qua biện pháp đối "nắng xuống" - "trời lên" đã làm không gian mở rộng về chiều cao, có một khoảng
không gian đang giãn nở ra ở giữa. Hai động từ ngược hướng "lên" và "xuống" mang lại cảm giác chuyển động.
Nắng càng xuống thì bầu trời càng được kéo cao hơn. Và điểm nhấn chính là "sâu chót vót" - không gian mở rộng
cả về chiều sâu. "Chót vót" vốn là từ láy độc quyền khi nhắc đến chiều cao. Còn đã nói tới sâu thì người ta hay dùng
"sâu hun hút" hoặc " sâu thăm thẳm",...Chính cách dùng từ ngữ đặc sắc của Huy Cận đã gợi ra khoảng không vũ trụ
sâu thăm thẳm, đó cũng là lúc nỗi buồn, cô đơn của nhà thơ dâng lên cao, trở nên vô cùng vô tận. Một góc nhìn
đầy thú vị, mới mẻ. Câu thơ cuối cùng thi sĩ dùng không gian rộng để nói về nỗi cô đơn, vắng vẻ. "Bến cô liêu" -
buồn, thưa thớt trơ trọi giữa không gian rộng lớn của sông, trời. Toàn cảnh khổ hai là một màu cô đơn, vắng vẻ, đối
lập với hình ảnh cảnh vật thưa thớt là không gian mênh mông, nhấn mạnh hơn nỗi u sầu vạn cổ.
"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng."
Hình ảnh trong khổ thơ thứ ba đã bước đầu có chuyển động với động từ "dạt", nhưng sự vật đi kèm với động từ
này là "bèo". "Bèo" vốn là hình ảnh tượng trưng cho sự bấp bênh, chìm nổi, không có nơi ở ổn định. Đã thế cụm từ
"hàng nối hàng" càng diễn tả sự vô định, chông chênh khi hàng này đến hàng khác "nối đuôi" nhau. Không gian đối
lập với thực tại của cảnh vật. Tác giả mong ngóng có thể nhìn thấy chuyến đò để cảm nhận được sự sống. Nhưng
đáp lại sự mong chờ ấy là "không một chuyến đò ngang". Ở khổ thơ này, thi sĩ sử dụng nhiều từ phủ định: "không
đò" và giờ tiếp đến là "không cầu". Hình ảnh chiếc cầu gợi lên dáng vẻ miền quê, mang nỗi niềm "thân mật".
Nhưng vì hình ảnh này không có nên thành ra cảm giác xa lạ, cô đơn được cảm nhận rõ. Với câu thơ cuối của khổ
tác giả sử dụng nhiều màu sắc để chấm phá cho bức tranh. "Bờ xanh tiếp bãi vàng" - sắc tranh tươi sáng, nổi bật
nhưng đi kèm với từ láy "lặng lẽ" làm chìm màu sắc này xuống. Giờ đây hai hình ảnh này không còn được tươi tắn
như màu sắc ban đầu của nó. Từ láy này cũng làm cho không khí đìu hiu "lây lan" từ vật này sang vật khác. Tất cả
sự vật đều nhấn chìm trong cô độc.
Nếu như ba khổ thơ đầu tiên là bức tranh thiên nhiên buồn, vắng lặng thì khổ thơ cuối cùng chính là tâm tư, tấm
lòng của thi sĩ
"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."
Xuyên suốt bài thơ tác giả liên tục sử dụng thủ pháp nghệ thuật là từ láy. "Lớp lớp" - chồng chất lên nhau, "đùn" là
đè lên làm cho một vật gì đó hạ thấp xuống. Như vậy, với câu thơ đầu khổ bốn tác giả lại vẽ tiếp bức tranh quê
hương với hình ảnh rộng lớn nhiều lớp mây đè lên núi bạc. Hình ảnh "chim nghiêng cánh nhỏ" gợi cảm giác nhỏ bé,
bơ vơ. "Nghiêng" - không vững vàng. Hình ảnh này đối lập với vế ở sau "bóng chiều sa". Trên nền bóng chiều rộng
lớn là hình ảnh cánh chim nhỏ lo âu, còn đang mơ hồ cho con đường tìm nơi trú của mình. Hình ảnh cánh chim này
đã từng bắt gặp trong "Quyện điểu quy lân tầm túc thụ" (Mộ - Hồ Chí Minh), tạm dịch "Chim mỏi về rừng tìm chốn
ngủ". Đến với câu thơ thứ ba tác giả đã nói lên nỗi lòng nhớ quê của mình. "Dợn dợn" là gợi lên, dấy lên, có nỗi
niềm khó nói. Cứ mỗi khi nhìn thấy "con nước" là lòng yêu quê hương của tác giả lại dâng lên. Tuy nhiên, nét đặc
sắc lại nằm ở câu thơ cuối cùng: "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Hơn nghìn năm trước Thôi Hiệu cũng từng
chạnh lòng nhớ quê mà thốt lên rằng:
"Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu."
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
Nỗi buồn của hai thi sĩ có một số điểm khác nhau. Ở Thôi Hiệu do nhìn thấy khói sóng trên dòng sông nên buồn và
nhớ về quê nhà, còn ở Huy Cận không nhìn thấy khói nhưng nỗi nhớ nhà vẫn dâng lên da diết. Nếu như Thôi Hiệu
nhớ nhà là do đang xa xứ, đang ở xứ người còn nỗi nhớ của Huy Cận xuất phát từ một người đang đứng trên mảnh
đất của mình nhưng bơ vơ, lạc lõng. Nỗi nhớ thương cũng xuất phát từ sự bất lực, ngán ngẩm của bản thân thi sĩ
trước thời cuộc.
Đặc sắc nghệ thuật trong "Tràng giang" trước hết phải nói tới sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố Cổ điển (thơ
Đường thi) và yếu tố thơ mới. Trong bài thơ tác giả sử dụng nhiều từ Hán Việt như tràng giang, bến cô liêu,...cùng
với đó là đề tài thiên nhiên cổ kính, hoang sơ, cái tôi bé nhỏ trước thiên nhiên mênh mông mang đậm yếu tố
Đường thi. Yếu tố thơ mới được thể hiện thông qua cái tôi giàu cảm xúc, hình ảnh sinh động giàu sức gợi. Bên cạnh
đó việc sử dụng các từ láy, phép đối cũng góp phần làm rõ hơn sự bé nhỏ của con người trước vũ trụ rộng lớn.
Với "Tràng giang", Huy Cận không chỉ mang đến bức tranh thiên nhiên rộng lớn, mênh mông mà qua đó tác giả còn
nhấn mạnh sự cô đơn của "cái tôi" trước ngân hà rộng lớn. Sự đối lập này phần nào nói lên tình cảnh lẻ loi, sự trôi
nổi của những kiếp người. Đồng thời tác giả bộc lộ nỗi niềm nhớ quê hương, tình cảm thiết tha với đất nước của
mình.
Bài thơ đây thôn Vĩ Dạ được ra đời từ một nguyên cớ rất đặc biệt. Khi Hàn Mặc Tử lâm bệnh nặng chờ đợi những
giây phút đến với tử thần ở trại phong Quy Hòa, Quy Nhơn, thì nhà thơ đã bất ngờ nhận được một tấm bưu ảnh do
người bạn gái là Hoàng Thị Kim Cúc gửi tặng từ thôn Vĩ Dạ. Tấm bưu ảnh ấy có phong cảnh sông nước đêm trăng,
có thuyền và bến. Phía sau kèm theo mấy lời thăm hỏi để an ủi nhà thơ lúc này đang mang căn bệnh hiểm nghèo.

Đối với người bình thường tấm bưu ảnh chỉ là một quan hệ xã giao thăm hỏi nhau nhưng với Hàn Mặc Tử thì có ý
nghĩa rất riêng. Nó đã cho nhà thơ được yêu người trong mộng với một tình yêu sâu kín nỗi lòng. Vì thế mà, kiệt
tác "Đây thôn Vĩ Dạ" đã ra đời. Khổ thứ nhất mở đầu là câu hỏi của một người con gái.

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" Thực ra đây là một lời trách yêu, một sự dỗi hờn thể hiện nỗi trông ngóng da diết
của cô gái ở thôn Vĩ. Nhưng trong thực thế thì không có người con gái nào đang trực tiếp đối với Hàn Mặc Tử cả.
Lời nói dịu dàng và chứa đầy yêu thương ấy chính là những dòng chữ trong tấm bưu ảnh kia, nó xôn xao, sống dậy,
nó trở thành giai điệu và phát ra tiếng nói.

Ở câu thơ thứ hai chúng ta hết sức bất ngờ vì lời mới vừa cất lên thì ngay lập tức Hàn Mặc Tử đã có mặt ngay ở
không gian thôn Vĩ Dạ. Rõ ràng đây là một cuộc hành trình trong tâm thức. "Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên"
Câu thơ này xuất hiện hai từ "nắng". Một cái nắng được phát hiện được miêu tả "nhìn nắng hàng cau" và một cái
năng tinh khôi mới mẻ, nó khiến nhà thơ phải xuýt xoa reo lên như trẻ con "nắng mới lên". Đây không phải là thứ
nắng của mặt trời mà ngày nào chúng ta cũng thấy. Đây là một thứ nắng rất mới vì nó xuất hiện trong buổi bình
minh. Nó thắp nên trên những hàng cau.

Từ trước đến nay người ta đều cho rằng điểm nhìn của Hàn Mặc Tử là từ xa đến gần. Người du khách thấy được
nắng hàng cau và càng đến gần khu vườn càng thấy màu xanh ngọc của là cây. Thực ra ông trở về bằng tâm thức
thì không nhất thiết phải có một cuộc dạo chơi như vậy.

Đôi mắt của Hàn Mặc Tử đang ở trên cao, trên khu vườn thôn Vĩ. Nhà thơ đang xé toạt vòm trời đen để nhìn thấy
bình minh nắng mới diệu kì thắp lên từ thôn Vĩ Dạ. Không gian nơi có người mình yêu là một khu vườn địa đàng, là
nơi có nhiều phép màu cổ tích. Về với thôn Vĩ là trút được những nỗi phiền muộn đớn đau. Vì thế nên tâm thức
của Hàn Mặc Tử đã đáp xuống khu vườn thôn vĩ.

"Vườn ai mướt qua xanh như ngọc" Câu thơ có đến hai lần xuýt xoa, kinh ngạc. Đã "vườn ai mướt quá" lại còn phát
hiện ra cái "mướt quá" ấy là "xanh như ngọc". Tất cả đều non tơ, tất cả đều xanh tươi, mọi chiếc lá ở đây đều xanh
như ngọc. Nó không chỉ cho ta cảm nhận bằng thị giác mà còn cho ta cảm nhận tiếng va chạm của những chiếc lá
ngọc. "Lá trúc che ngang mặt chữ điền".

Câu thơ cuối khổ một là câu thơ có nhiều cách hiểu khác nhau. Có người cho rằng "mặt chữ điền" chính là khuôn
mặt của người con gái đã mời Hàn Mặc Tử về chơi thôn Vĩ. Bời vì "vườn ai" chính là vườn của em, nhìn thấy khuôn
mặt của em trong khu vườn ấy thì rất hợp lí.

Nhưng nhà thơ Chế Lan Viên - bạn của Hàn Mặc Tử đã rất bất mãn với cách hiểu này, ông cho rằng mặt chữ điền có
thể không xấu nhưng nhất định đó là gương mặt không theo chuẩn mực cái đẹp của người Việt Nam khi đánh giá
phụ nữ. Cũng có ý kiến lại nói là "mặt chữ điền" là viên gạch có bốn ô vuông thường được xây trên bức bình phong
của những ngôi nhà ở thôn Vĩ.

Thực ra nếu đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta sẽ bắt gặp nhiều hình tượng, thế giới kì lạ. Việc nhà thơ gặp mình trong
quá khứ cũng như trong tương lai là rất phổ biến. Vì thế dù thật khó tin nhưng ở đây Hàn Mặc Tử đã gặp lại chính
mình với gương mặt chữ điền thời còn là chàng trai tài hoa nổi danh trên đất Huế.

Nhà thơ muốn yêu một tình yêu trong trắng, thanh thản, đắm say thì phải trở lại là con người của quá khứ, phải là
một nhà thơ đa tình phong lưu thời còn ở Huế. Nói đúng ra là nhà thơ muốn quên mình trong hiện tại với căn bệnh
hiểm nghèo để được yêu. Hình tượng "lá trúc che ngang" càng cung cấp cho gương mặt chữ điền ấy những nét
ngang tàng, phóng khoáng mạnh mẽ của người đàn ông. Lá trúc trong quan niệm xưa chính là biểu hiện cho người
quân tử.

Nếu khổ thơ thứ nhất cho chúng ta ấn tượng về buổi sáng thì khổ thơ thứ hai cho chúng ta ấn tượng vè buổi chiều
ở một không gian trống rỗng ngoài thôn Vĩ Dạ và sau đó là buổi tối với cảnh sông nước con thuyền tràn ngập ánh
trăng. Cả bốn câu thơ phần nào gợi cho chúng tôi về phong cảnh xứ Huế nhưng thực ra mọi hình tượng đều tồn tại
trong những quan hệ nghịch lí, trái tự nhiên. "Gió theo lối gió, mây đường mây".

Câu thơ thứ hai không chỉ là nghịch lí mà còn là một sự trớ trêu. Lẽ tự nhiên hoa bắp lay động thì mặt nước phải
gợn sóng. Thế nhưng ở đây chỉ có hoa bắp lay động cùng giò để dòng nước một mình buồn thiu. Chẳng thà xa mặt
cách lòng như gió với mây còn hơn đứng bên cạnh nhau mà cho nhau nhiều đắng cay, tủi cực.
Nếu khổ thơ đầu ta cảm nhận một tình yêu sắp nảy nở tuyệt vời nhưng đến khổ thơ sau thì ta lại gặp một cuộc tình
tan nát chia phôi. Thông qua cách nói nóng gió, Hàn Mặc Tử đã chua chat phủ định người mời mình về thăm thôn
Vĩ. Đó là một kể phụ tình bỏ rơi những lời hẹn ước, làm tan nát trái tim của kẻ yêu thương tin tường dại khờ.

Người yêu trong mộng của Hàn Mặc Tử khi thì mời đón dành sẵn một thế giới yêu thương chờ đợi, khi thì trở
thành một kẻ phụ tình phũ phàng rất lạnh lùng. Và thật bất ngờ con người ấy bỗng dung hiện ra thật nhân từ và độ
lượng.

"Thuyền ai đậu bến sông trăng đó


Có chở trăng về kịp tối nay?"

Hình tượng trăng trong thơ Hàn Mặc Tử xuất hiện rất nhiều. Trăng muôn đời là biểu tượng của hạnh phúc, đặc biệt
là hạnh phúc lứa đôi. Quá khao khát hạnh phúc nên hai câu thơ của Hàn Mặc Tử tràn ngập ánh trăng: bến trăng,
sông trăng, thuyền trăng, chở trăng.

Nhân vật "ai" ở đây chỉ có thể là người mời Hàn Mặc Tử về thăm thôn Vĩ. Người ấy đang cắm thuyền ở bến sông để
chờ đợi lấy được nhiều ánh trăng hạnh phúc và sẽ chở trăng về cho nhà thơ tối nay. Đó là sự yêu thương cao cả, là
sự thấu hiểu đến tường tận những khao khát của Hàn Mặc Tử.

Thế nhưng chữ "kịp" ở đây lửng lờ một câu hỏi: liệu có chở kịp trăng về trong tối hôm nay? Có thể kip và cũng có
thể không còn kịp nữa... Tối nay là một khái niệm thời gian ngắn ngủi. Hàn Mặc Tử biết rằng sự sống của mình chỉ
còn lại những giây phúc ngắn ngủi ở trần thế, sẽ có người đem hạnh phúc đến cho nhà thơ nhưng nếu đến trễ thì
hạnh phúc ấy thật vô nghĩa.

"Mơ khách đường xa, khách đường xa" Mở đầu khổ thơ thứ ba là một câu thơ thật đặc biệt. Khách vốn đã xa lạ mà
nhà thơ còn lặp đến hai lần sự xa lạ ấy "khách đường xa, khách đường xa". Thế mà, lại có một giấc mơ về người
khách không quen ấy. Thực ra đây là người mời Hàn Mặc Tử về thăm thôn Vĩ nhưng nhà thơ hiểu rằng người ấy
ngoài tầm tay với của mình. Con người đó càng lúc càng trở nên xa lạ và càng không níu kéo được nên Hàn lại càng
gửi gắm vào giấc mơ. Có thể thấy tâm sự này qua những vần thơ khác của Hàn:

"Người đã đi rồi không níu lại


Tình yêu chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi đến dại khờ".

Bởi muốn tìm một tình yêu trong mộng để được sống có ý nghĩa trong những giây phút cuối đời nên tâm trạng của
Hàn Mặc Tử luôn có những đối cực. Ban đầu là hi vọng tràn trề rồi lại trách móc coi người mình yêu là kẻ phụ tình;
liền sau đó nhà thơ thấy người con gái mời mình về thăm thôn Vĩ thật chung tình, sẵn sàng cắm thuyền đợi chờ
mong ánh trăng hạnh phúc đến cho mình.

Tiếp theo, Hàn Mặc Tử tuyệt vọng nhìn người yêu mình như "khách đường xa". Nhưng cũng liền sau đó, nhà thơ
thấy người ấy quay trở lại với mình, cô gái ấy hoàn toàn trong trắng và thánh thiện. Đại từ "em" thật giản dị, gần
gũi biết bao: "Áo em trắng quá nhìn không ra".

Câu thơ vừa sáng bừng lên niềm hi vọng thì nó đã cho Hàn Mặc Tử cảm nhận ngay sự tuyệt vọng. Đáng lẽ "áo em
trắng quá" thì anh phải nhìn rất rõ em. Thế nhưng áo em càng trắng bao nhiêu thì anh lại càng không nhìn ra bấy
nhiêu. Thực ra anh không dám nhìn bởi vì em quá trong trắng, thanh cao...
Mặc cảm khi yêu thương là một quy luật. Nhưng tôn thờ để rồi mặc cảm như Hàn Mặc Tử là do có nguyên nhân từ
cuộc đời riêng. Nhà thơ hiểu hoàn cảnh thực tại của mình, vì thế mà dù nhân vật "em" trở lại với mình, nhà thơ
cũng không dám yêu. Hàn Mặc Tử phải tự khước từ với tình yêu của mình. Câu thơ thứ ba nhuốm màu sắc bi quan
của một triết lí nhân sinh: "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh". Nguyễn Gia Thiều đã từng viết:

"Con quay búng sẵn lên trời


Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm"

Đời người là một con quay đã búng sẵn, chính bản thân ta cũng không thể điều khiển được số phận của ta. Trong
mối quan hệ với người khác thì ta chỉ nắm bắt được "nhân ảnh" chứ không thể là chính người đó. Hàn Mặc Tử cũng
vậy, nhà thơ hiểu rằng mình không chủ động được với chính mình, mình không thể nhìn thấy rõ hình ảnh của người
yêu.

Thi sĩ hiểu rằng sương khói của cuộc đời đang xóa nhòa "nhân ảnh" của nhân vật "em"... Đó là một nhận thức thật
chua chat, ngậm ngùi, nó để lại sự trống vắng như một trong hoang mạc trong tâm hồn Hàn Mặc Tử. Đây chính là
nguyên nhân khiến cho thi sĩ thốt ra một câu hỏi bơ vơ tuyệt vọng không có chỗ nào để bám víu: "Ai biết tình ai có
đậm đà?".

Hai đại từ "ai" ở câu thơ này tạo nên nhiều cách hiểu: không biết em có hiểu được chính tình yêu của em đậm đà
hay không? Không biết bản thân anh có biết được tình yêu của chính mình đậm đà không? Liệu em có biết tình anh
đậm đà không? Liệu anh có biết tình em có đậm đà không?

Một câu hỏi trong thơ nhưng ẩn chứa biết bao nhiêu câu hỏi đằng sau nó, càng hỏi càng thấy "mờ nhân ảnh", càng
tuyệt vọng. Càng tha thiết một tình yêu đậm đà Hàn Mặc Tử càng thấy sự đổ vỡ tuyệt vọng với tình yêu. Vì thế mà
cảm hứng chủ đạo của "Đây thôn Vĩ Dạ" chính là cảm hứng đau xót về một tình yêu tuyệt vọng.

Mọi sự tuyệt vọng đều cho người ta bi quan, riêng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại dạy cho ta giá trị nhân
văn cao cả. Nhà thơ níu kéo cuộc sống này bằng tình yêu, dù đó là một tình yêu tuyệt vọng. Chúng ta không gặp
hoàn cảnh bi đát như Hàn Mặc Tử, nên chúng ta cần phải biết sống như thế nào, yêu như thế nào trong cuộc đời
tuyệt đẹp ở trần thế đáng sống này.

You might also like