You are on page 1of 4

VỘI VÀNG

Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh đã có nhận xét tinh tế về nhà thơ Xuân
Diệu rằng : “Xuân Diệu không quan niệm tình yêu chỉ là sự giao cảm xác thịt mà
còn là sự giao cảm của những linh hồn mà đấy mới là cái khát vọng cao nhất, cái
đích cao nhất trong tình yêu”. Xuân Diệu đã mang đến cho làng Thơ mới Việt Nam
một bộ áo mới mẻ, một “cảm hứng dạt dào chưa từng thấy ở chốn non nước lặng lẽ
này, Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống
quýt, muốn tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi của mình”. Vội vàng là một thi phẩm
xuất sắc tiêu biểu cho hồn thơ của Xuân Diệu, tác phẩm đã thể hiện đầy đủ những
cung bậc cảm xúc tình yêu, qua đó ta thấy được tình yêu tha thiết đối với cuộc
sống của nhà thơ về một thiên đường ngay trên mặt đất với bao nguồn hạnh phúc
kì thú qua 13 câu thơ đầu:
“Tôi muốn tắt nắng đi
……………………………….
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong tất cả các nhà thơ mới, một nhà thơ lớn
xuất sắc, độc đáo của nền thơ hiện đại Việt Nam. Xuân Diệu là nhà thơ khát khao
giao cảm với đời. Tác phẩm của ông luôn có sự hòa quyện giữa cổ điển – hiện đại,
trữ tình – lí luận. Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã để lại cho đời một sự nghiệp
sáng tác đồ sộ và có giá trị qua loạt thơ văn như tập “Thơ thơ”, “Gửi hương cho
gió” trong đó nổi bật lên thi phẩm “Vội vàng”. Bài thơ “Vội vàng” trích trong tập
Thơ thơ (1938). Bài thơ là tiếng nói của một tầm hồn yêu đời yêu người tha thiết,
khao khát sống vội vàng để hưởng thụ hạnh phúc để mùa xuân mãi là tuổi trẻ, là
hạnh phúc của cá nhân mỗi người.
Mở đầu bài thơ là ước muốn kì lạ đến ngông cuồng của tác giả, có lẽ người viết
thơ ấy muốn níu giữ tất cả những gì mong manh nhất của hương sắc cuộc đời:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Đó là những ước muốn lạ kì bởi “tắt nắng”, “buộc gió” là quyền năng của tạo hóa.
Thi sĩ như muốn tước đoạt đi quyền của tạo hóa để giữ lại cái đẹp cho đời. Điệp
ngữ “tôi muốn” cùng thể thơ ngũ ngôn với tiết tấu nhanh, dứt khoát đã thể hiện
khát khao giao cảm với đời một cách mãnh liệt của tác giả. Những ước muốn
tưởng chừng không thể ấy được bộc lộ một cách chân thành bởi nó bắt nguồn từ
tình yêu tha thiết với cuộc sống. “Tắt nắng” để màu đừng phai nhạt, “buộc gió”
cho hương đừng bay đi. Hóa ra trong niềm ao ước tưởng chừng như kì lạ ấy là
khao khát bất tử hóa cái đẹp của nhà thơ, để giữ cái hương sắc giữa cuộc đời. Hình
ảnh cuộc sống đi vào thơ của Xuân Diệu như một thứ ánh sáng kì diệu được khúc
xạ qua lăng kính tình yêu tinh khôi, tươi trẻ, làm lay động lòng người.
Càng yêu đời, càng luyến tiếc trước dòng chảy vô hình của thời gian, thi nhân đã
chỉ ra cho ta những gì tinh túy nhất của cuộc đời với thái độ nâng niu, trân trọng
của một trái tim yêu cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cưa
Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần!”
Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp hiện lên trước mắt ta đậm hương sắc và âm thanh.
Vạn vật đang ở độ xanh tươi nhất, đẹp đẽ nhất. Tất cả chim chóc, ong bướm, hoa
lá như vực dậy để hưởng thức cảnh xuân mượt mà, êm ả. Cảnh vật không còn tĩnh
lặng mà trở nên linh động qua liên tưởng độc đáo của thi sĩ. “Tuần tháng mật” –
khoảng thời gian đẹp nhất trong tình yêu nay trở thành mùa của ong bướm dập dìu
lãng mạn. Tiếng hót của chim yến anh đã hóa thành “khúc tình si” làm hút hồn
biết bao người yêu cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Ánh nắng nay cũng được nhân hóa
như trở thành một nàng tiên e lệ với ánh mi dài cuốn hút vạn vật. Thi sĩ đã khéo
léo chọn ra thời điểm rạo rực nhất “tháng giêng” và tươi mới nhất “mỗi buổi
sớm” để bức tranh phong cảnh càng thêm tinh khôi, đẹp đến nao lòng. Nhà thơ
qua đó còn tạo nên một thiên đường của xúc cảm. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác
được nhà thơ tinh tế sử dụng linh hoạt từ xúc giác “tuần tháng mật” , thính giác
“khúc tình si” và thị giác “ánh sáng chớp hàng mi”. Tất cả hòa quyện lại làm nên
một thiên đường ngay trên mặt đất với bao điều kì thú. Đặc biệt là hình ảnh
“tháng giêng ngon như một cặp môi gần” gợi cho ta một nét đẹp tuyệt vời lôi
cuốn.Cảm nhận được sự sống xuân thì đang ở dạng phồn thực khiến cho các giác
quan bất chợt thăng hoa, thi nhân đã có 1 so sánh đặc biệt tình tứ qua hình ảnh
thơ đầy táo bạo. Đây cũng là một nét độc đáo trong thơ ca Việt Nam khi tác giả
dùng cái nhìn thấy được để so sánh với cái vô hạn của thời gian, cái đẹp của con
người nay đã trở thành chuẩn mực cho cái đẹp của tự nhiên. Câu thơ đặc sắc ấy
lấp lánh một vẻ đẹp độc đáo. Qua đó ta thấy được một thiên đường được nhà thơ
vẽ ra trước mắt chúng ta lôi cuốn đến kì diệu.Ẩn sau những câu thơ bay bổng ấy,
ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời tha thiết của một trái tim thi
sĩ nhạy cảm.
Ngay thời khắc đỉnh cao của sự giao hòa cùng vạn vật, cảm giác tiếc nuối thời
gian vẫn song hành tồn tại. Mạch thơ vui đang dạt dào chảy bỗng vấp phải một
dấu chấm cắt giữa câu thơ:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Dấu chấm xuất hiện giữa câu thơ đầu như sự ngăn cách giữa hai thái cực cảm
xúc. Nhịp thơ 3/5 đã thể hiện cảm xúc hụt hẫng của thi nhân khi nhận ra quy luật
thời gian, để mong muốn được sống “vội vàng” để tận hưởng niềm vui cuộc sống.
Trong một câu thơ nhưng lại chứa đựng hai tâm trạng của thi sĩ: “Tôi sung sướng”
- “Nhưng vội vàng một nửa”. Dấu chấm ở giữa câu đã phân tách nhà thơ thành hai
nửa: nửa sung sướng và nửa vội vàng và ở đây Xuân Diệu muốn sống thật “vội
vàng”. Thường thì con người ta khi ở độ tuổi trung niên mới nuối tiếc về tuổi xuân
trẻ đã qua. Thế nhưng ở đây Xuân Diệu vẫn còn mùa xuân, vẫn đang ở thời son trẻ
mà đã trở thành nuối tiếc, đã vội nay lại càng vội hơn: “Tôi không chờ nắng hạ mới
hoài xuân”. Tác giả hạnh phúc nhưng vội vàng để thâu tóm hương sắc cuộc đời, để
mau chóng tận hưởng những gì tươi đẹp nhất chốn nhân thế. Cuộc sống càng tươi
đẹp bao nhiêu thì nhà thơ lại cảm thấy mình rơi vào bấy nhiêu nỗi bi kịch – bi kịch
của một cuộc sống hữu hạn được dồn tụ lại trong câu thơ. Thi nhân vội vàng vì
thiên nhiên quá đỗi kiều diễm, vì một cuộc sống quá yêu, vì một tuổi trẻ nồng cháy
mãnh liệt. Cảm thức của thi sĩ về thời giann, về mùa xuân, về thời thanh xuân tươi
trẻ rất đỗi hồn nhiên, mới mẻ khiến ta phải vội vàng cuống quýt, để sống trọn từng
phút giây, để mãn nguyện vì mình đã có một lần tồn tại ý nghĩa.
Đoạn thơ trên dưới ngòi bút tài hoa, tinh tế của nhà thơ mới Xuân Diệu đã để lại
dấu ấn nghệ thuật đặc sắc. Nhịp thơ nhịp nhàng biến đổi uyển chuyển linh hoạt
theo dòng cảm xúc dồn dập, hối hả pha lẫn sự cuồng nhiệt với các biện pháp tu từ
nhân hóa, so sánh, ẩn dụ làm bật lên nét đep cuộc đời. Nét riêng trong giọng thơ
Xuân Diệu đã truyền đạt trọn vẹn cái đắm say trong tình cảm của tác giả. Thông
qua “Vội vàng”, tác giả đã tìm được con đường ngắn nhất đến với trái tim người
đọc, để những câu thơ du dương bay bổng mãi tồn tại trong đời.
Với một giọng thơ đầy táo bạo nhưng đầy đắm say, lãng mạn, Xuân Diệu đã
mang đến cho ta một thiên đường ngay trên mặt đất với bao điều kì thú, mang đến
cho ta một tình yêu cuộc sống, tình yêu tuổi trẻ nồng nàn hương sắc. Vội vàng ấy
còn là lời giục giã đối với tất cả những ai đang sống rằng chúng ta chỉ có 1 lần duy
nhất để sống, hãy tích cực mở rộng lòng mình để tận hưởng những gì tốt đẹp nhất.
“Thơ hay là cùng một lúc phải đạt được cả ba phẩm chất: Giản dị, xúc động và ám
ảnh”. Vội vàng là một bài thơ như thế. Những vần thơ đã khép lại nhưng trong ta
vẫn hiện hữu bao dòng cảm xúc rạo rực như đang chạy đua với thời gian cùng
Xuân Diệu. Những vần thơ “vội vàng” sẽ mãi vang vọng trong tâm trí ta và để lại
những dư âm không bao giờ dứt.

You might also like