You are on page 1of 4

Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới với hồn thơ tiêu

biểu cho tiếng nói thiết


tha, tình yêu cuộc sống, con người và rạo rực khát khao giao cảm với đời. Thơ Xuân Diệu tinh tế,
gợi cảm, độc đáo trong chất liệu cũng như trong bút pháp thi ca. "Vội vàng" không chỉ là thi phẩm
đặc sắc nhất trong tập “Thơ thơ” - bài thơ đầu tay Xuân Diệu dành tặng cho thế gian, mà còn là bài
thơ hay nhất trong cuộc sống sáng tác của ông. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc trào dâng, vừa
là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. Điều đó được khắc họa đặc biệt ở 13 câu thơ
đầu, nét bút của Xuân Diệu đã vẽ lên bức tranh thiên nhiên mùa xuân đặc sắc sinh động thể hiện tình
yêu thiết tha, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế:
“Tôi muốn tắt nắng đi

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.”
Bài thơ “Vội vàng” nằm trong tập “Thơ Thơ”, xuất bản năm 1938 là bài thơ tiêu biểu của tập
thơ nói riêng, của hồn thơ Xuân Diệu nói chung. “Vội vàng” là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống
hết mình, hãy quý trọng từng phút giây của cuộc đời, nhất là những năm tháng tuổi trẻ của một hồn
thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt. Ngay từ nhan đề bài thơ đã cho ta thấy một cái gì đó hối hả,
vội vã, ta cảm nhận được lòng ham sống đến cuồng nhiệt của nhà thơ với một quan niệm mới về thời
gian, tuổi trẻ và hạnh phúc, một khát vọng sống cao đẹp đồng thời cũng là một triết lí sống mà nhà
thơ mang đến. Đó là một thái độ sống gắn bó, yêu quý cuộc đời, sống mãnh liệt, sống hết mình, trân
trọng tuổi trẻ, mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những vang động của cuộc đời. Thế nhưng vội
vàng không đồng nghĩa với lối sống chỉ biết đến hưởng thụ mà là phải biết tận hưởng một cách cao
đẹp, nâng niu và sáng tạo.
Mở đầu bài thơ là một khổ ngũ ngôn thể hiện một ước mơ muốn kì lạ của thi sĩ. Ước muốn
phi lí, tha thiết muốn đoạt quyền tạo hóa của một hồn thơ yêu đời:
“Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi”
Chỉ riêng bốn câu thơ ấy mang thể ngũ ngôn, đây là thể thơ phù hợp cho việc diễn tả cảm xúc
đặc biệt của Xuân Diệu. Câu thơ ngắn kết hợp với nhịp điệu gấp gáp, dồn dập tựa như những cơn
sóng đang trào dâng dữ dội trong lòng nhà thơ. Đại từ nhân xưng “Tôi” vang lên cùng điệp ngữ “Tôi
muốn”, “cho” được nhắc lại hai lần, kết hợp với các động từ mạnh “tắt”, “buộc” đã làm nổi bật khao
khát mãnh liệt của nhà thơ. Đó là khao khát “tắt nắng”, “buộc gió” để giữ lại sắc màu – “Cho màu
đừng nhạt mất”, để lưu lại mùi hương – “Cho hương đừng bay đi”. Đó là khát vọng muốn đoạt
quyền của tạo hóa, để buộc hương hoa tươi thắm mãi bên đời, để giữ lại mãi cái “thời tươi”, mơn
mởn xuân thì của tạo vật, để bất tử hóa cái đẹp của nhân gian. Ngông cuồng hơn cả là nhà thơ
“muốn” vũ trụ ngừng quay, thời gian dừng lại để thi nhân tận hưởng được những phút giây tuổi trẻ
của đời mình. Khát vọng ấy của Xuân Diệu thể hiện một cái tôi khát khao khẳng định mình một cách
mạnh mẽ, độc đáo và tấm lòng yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt say mê. Bởi trong hoàn cảnh
xã hội 1930 – 1945 phần lớn các nhà thơ khác chỉ muốn trốn trành hiện tại, lãng quên hiện tại thì
riêng Xuân Diệu vẫn mở lòng mình ra với thiên nhiên, thậm chí muốn níu giữ vẻ đẹp vĩnh hằng của
thế gian này.
Dường như với ông, cuộc sống là cả một hạnh phúc lớn lao, kì diệu, sống là để tận hưởng và
cống hiến. Với tâm hồn cao cả của một thi sĩ, Xuân Diệu đã khám phá ra vẻ đẹp phơi phới đầy tình
tứ ở những cảnh vật thiên nhiên nhiên quen thuộc quanh ta:
“Của ong bướm này đây tuần tháng mật

“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Nhà thơ Thế Lữ đã từng nói: “Xuân Diệu say đắm với tình yêu và hăng hái với mùa xuân, thả
mình bơi trong ánh nắng, rung động với bướm chim, chất đầy trong tim mấy trời thanh sắc” cũng
bởi vậy mà ông đã cảm nhận về mùa xuân bằng tất cả sự tinh tế nhất của tâm hồn. Thiên đường trên
mặt đất vừa như một mảnh vườn tình ái vạn vật đang lúc lên hương, vừa như một mâm tiệc với thực
đơn quyến rũ. Nếu như những nhà thơ lãng mạn chỉ muốn sống một cuộc sống thoát khỏi nơi trần
thế, trốn khỏi cõi hư vô hão huyền, bồng lai tiên cảnh như Chế Lan Viên hay Thế Lữ từng viết:
“Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
Một vì sao trơ trọi cuối trời xa!
Ðể nơi ấy tháng ngày tôi lẩn tránh
Những ưu phiền, đau khổ với buồn lo!”
(Những sợi tơ lòng – Chế Lan Viên)
“Trời cao xanh ngắt. Ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai”
(Tiếng sáo Thiên Thai – Thế Lữ)
Thì Xuân Diệu đã “Đốt cảnh bồng lai và xua ai nấy về hạ giới”. Lầu thơ của ông được xây
dựng trên mặt đất bằng một tấm lòng trần gian. Bảy câu thơ trên là một bức tranh thiên nhiên mùa
xuân được vẽ nên bằng một hồn thơ có “cặp mắt xanh non biếc rờn”. Cảnh vật đang vào độ thanh
tân, diễm lệ, bức tranh hội tụ đầy đủ hương thơm, ánh sáng, màu sắc, âm thanh và được nhà thơ cảm
nhận bằng tất cả các giác quan. Cảnh vật hiện lên đều có đôi, có cặp: Ong bướm rộn ràng trong
“tuần tháng mật”; hoa khoe sắc giữa “đồng nội xanh rì”; lá trên “cành tơ phơ phất” – căng tràn sức
sống thanh tân, những chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển; chim yến, chim oanh hội hè rộn rã; ánh
sáng bình minh đẹp rực rỡ, trong sáng như cái chớp mắt dưới làn mi huyền của người con gái đẹp…
Có lẽ do ảnh hưởng từ thơ ca Phương Tây, Xuân Diệu đã nhìn thiên nhiên qua lăng kính của tình
yêu, qua cặp mắt xanh non biếc rờn của tuổi trẻ. Thiên nhiên cảnh vật đều nhuốm màu tình tứ, tràn
ngập xuân tình. Vườn xuân đã biến thành vườn yêu, vườn của ái ân, hạnh phúc. Tuần trăng mật của
yêu đương chồng vợ trở thành mùa của ong bướm dập dìu. Tiếng hót say sưa của chim yến, chim
oanh quấn quýt bên nhau trở thành “khúc tình si” – khúc ca của tình yêu say đắm. Bình minh xuân
diễm lệ mang gương mặt của người đẹp kiều diễm với áng rèm mi đầy quyến rũ.
Đặc biệt, câu thơ từ 5 chữ chuyển về 8 chữ, cùng nghệ thuật đảo ngữ và điệp từ “này đây”
được nhắc lại đến 5 lần như vừa giới thiệu, vừa mời gọi mọi người quan sát, thưởng thức vẻ đẹp trù
phú, dồi dào của cuộc sống. Với Xuân Diệu mỗi ngày mới là một ngày vui, một niềm vui. Niềm vui
đó đã được hình tượng hóa để trở thành thần Vui: “Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa”.
Bằng giọng thơ mượt mà, êm dịu như một cánh hồng nhung, thiên đường trên mặt đất của
Xuân Diệu không phải là thế giới xa xăm, lạ lẫm mà là những điều thân quen ở quanh ta khi mùa
xuân đến. Vẻ đẹp ấy được nhìn qua “cặp mắt non xanh biếc rờn” và được sàng lọc qua tình yêu của
người nghệ sĩ mang tình yêu thiên nhiên, cuộc sống đến cháy bỏng:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
Thiên đường trên mặt đất thắm sắc, ngát hương và tràn đầy ánh sáng, nay được Xuân Diệu
khép lại bằng lối văn vô cùng độc đáo và gợi cảm. Tháng giêng thanh tân, diễm lệ, tràn đầy ánh
sáng, màu sắc, hương thơm đã trở thành “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Trong thơ ca cổ
điển ta thường lấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho cái đẹp, mọi cái đẹp trong vũ trụ phải đem so
sánh với cái đẹp của thiên nhiên. Bởi vậy khi miêu tả nét đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã lồng vào
biết bao nhiêu cái đẹp của thiên nhiên:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây tua nước tóc tuyết nhường màu da”
Ở đây, Xuân Diệu đã đem đến một so sánh mới mẻ, độc đáo và táo bạo: dùng hình ảnh cụ thể
của: “cặp môi gần” để so sánh với đơn vị thời gian trừu tượng, vô hình – “tháng giêng”, tháng bắt
đầu mùa xuân căng tràn sức sống, đầy hương thơm của sự quyến rũ, ngọt ngào… Thi sĩ đã nhìn
thiên nhiên qua lăng kính của tình yêu, qua cặp mắt của tuổi trẻ. Lấy vẻ đẹp của con người làm
chuẩn mực cho cái đẹp thiên nhiên nơi trần thế.
Có thể nói, chỉ với Xuân Diệu, vẻ đẹp của mùa xuân mới hiện lên nguyên vẹn và tươi non đến
thế. Bức tranh thiên nhiên mà thi sĩ vẽ là một thiên đường đầy mật ngọt, hương thơm và men say
tình ái. Bức tranh ấy cũng đồng thời thể hiện quan niệm nhân sinh tiến bộ tích cực của nhà thơ:
Thiên đường không ở đâu xa vời mà hiển hiện ngay trước mắt chúng ta qua bức tranh thiên nhiên
mùa xuân căng tràn sức sống và vị ngọt của tình yêu. Đó cũng là lí do nhà thơ muốn níu kéo sự trôi
chảy của thời gian.
Nhưng ngay lúc thi sĩ đang ngây ngất mê đắm vô cùng trong niềm tận hưởng mật ngọt tình
yêu nơi thiên đường trần thế, đang thỏa thuê với bữa tiệc lớn của trần gian và reo lên “tôi sung
sướng” thì cũng chính là lúc thi nhân ngừng lặng với cảm giác “vội vàng một nửa”:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”
Câu thơ được thi nhân ngắt làm hai, thể hiện niềm vui một cách không trọn vẹn. Nhà thơ đã
nhận ra rằng điều sung sướng ấy thật ngắn ngủi biết bao. Chính dự cảm mơ hồ về sự mong manh và
ngắn ngủi của kiếp người đã khiến cho thi nhân phải sống tận hưởng một cách vội vàng. Từ trạng
thái vui tươi phấn chấn đầy yêu đời “tôi sung sướng” bỗng xuất hiện dấu chấm, như một điềm báo
trước một sự hụt hẫng lo lắng phía sau. Dấu chấm giữa dòng khiến câu thơ như bị chẻ đôi, một bên
là niềm vui sướng hân hoan, một bên là vực thẳm của sự hoài nghi, lo âu. Ta có thể thấy niềm vui
như chùng xuống, khựng lại và không trọn vẹn. Bởi, Xuân Diệu phát hiện rằng điều sung sướng mà
ông đang tận hưởng ấy ngắn ngủi biết bao, mong manh biết bao. Thời gian chảy trôi tuyến tính một
đi không trở lại. Trước sự chảy trôi của thời gian, có được bao nhiêu lâu để đắm chìm hân hoan cho
giây phút hiện tại. Chính vì dự cảm mơ hồ về sự mong manh, ngắn ngủi của kiếp người đó khiến cho
thi nhân sống vội vàng tận hưởng:
“Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”.
Dù bất lực trước dòng chảy thời gian, trước quy luật của thiên nhiên nhưng Xuân Diệu không
bi quan về cuộc sống mà ông đã tìm đến một cách giải quyết tuyệt vời. Đó chính là đừng tiếc nuối
cho tương lai mà hãy tận hưởng sống hết mình cho giây phút hiện tại. Bởi tương lai chắc chắn sẽ
đến, thời gian chắc chắn sẽ đến, mùa xuân sẽ qua cũng như mùa hạ sẽ đến, con người vốn không thể
thay đổi được những điều hiển nhiên ấy. Hai câu thơ được xem như hai cái bản lề khép mở tâm trạng
vừa vồ vập đắm say vẻ đẹp của cuộc sống tình yêu, vừa là linh cảm bất an, băn khoăn âu sầu của nhà
thơ. Vì thời gian qua mau, tuổi trẻ một đi không trở lại, quả thật Xuân Diêu là nhà thơ của những
cảm quan tinh tế về thời gian, có tâm hồn tha thiết yêu thiên nhiên, cuộc sống, niềm say mê ngây
ngất trước cảnh thiên nhiên tười đẹp, tràn đầy nhựa sống. Qua đó, tác giả thể hiện một quan niệm
mới: trong thế giới này đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu.
Với thể thơ tự do, sử dụng nhiều biện pháp tu từng, ngôn ngữ thơ chọn lọc, hình ảnh thơ cũng
đầy mới mẻ và sáng tạo… Tất cả đã tạo nên một đoạn thơ hay mang đậm phong cách thơ Xuân
Diệu. Thi sĩ đã vẽ nên một bức tranh đầy hương sắc, tràn đầy sức sống và rạo rực xuân tình. Đó là
một thiên đường đầy mật ngọt. Nó không tồn tại xa vời trong hư ảo. Nó hiển hiện với hơi thở sống,
nhịp điệu sống, nhịp tim, nhịp thở phập phồng. Nó ở ngay trước mặt người, giữa trần thế vui tươi,
mời gọi con người mở lòng tận hưởng say sưa. Đoạn thơ thể hiện tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu đời,
yêu cuộc sống thiết tha, say mê, cùng quan niệm nhân sinh tích cực, tiến bộ của nhà thơ.
Trong “Thi nhân Việt Nam” Hoài Thanh từng nhận xét: “Chưa bao người ta thấy xuất hiện
cùng một lúc một hồn thơ rộng lớn như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng trúng như Huy
Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị
như Chế Lan Viên,... và tha thiết, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Chẳng lẽ tự nhiên mà Hoài
Thanh lại ưu ái Xuân Diệu đến vậy, chỉ có thể là do những cống hiến to lớn của ông dành cho thi
đàn văn học Việt Nam đặc biệt là qua thi phẩm “Vội vàng”. Bài thơ là lời giục giã hãy sống mãnh
liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây từng phút của cuộc đời mình nhất là những năm tháng
tuổi trẻ. Tư tưởng ấy được thể hiện qua bàn tay nghệ thuật điêu luyện, là sự kết hợp nhuần nhuyễn
giữa mạch cảm xúc và mạch lí luận, giọng điệu say mê, sôi nổi nhưng sáng tạo độc đáo về ngôn từ
và hình ảnh. Cũng bởi lẽ thế “Vội vàng” dù đã được sáng tác những năm 30 của thế kỉ trước nhưng
vẫn vang vọng, đọng lại trong lòng hậu thế những vần thơ tựa như mật ngọt đầy tinh túy khiến ta
phải ghi nhớ mãi cái tên Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình trong làng thi ca Việt!

You might also like