You are on page 1of 7

ĐOẠN 1: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền suôi mái nước song song


Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Mở đầu bài thơ là bức tranh sông nước buồn vắng và tâm trạng của nhà thơ:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”

Câu thơ mở đầu tác giả đã nhắc lại nhan đề “tràng giang” với cách điệp vần “ang” gợi lên sự ngân vọng vang xa, cổ
kính, khắc họa vẻ đẹp của một dòng sông muôn thuở vĩnh hằng. Cảnh tượng hiện ra trước mắt thi nhân là một dòng sông
mênh mông, bất tận với từng gợn sóng nhỏ nối tiếp nhau lan dần xa. Những con “sóng” gợn nhẹ nơi dòng sông mang
màu tâm trạng “buồn điệp điệp”. Từ láy “điệp điệp” cùng với tính từ “buồn” vừa gợi tả được cảnh sóng nước lăn tăn vừa
gợi lên không khí u sầu, nỗi buồn da diết, khắc khoải, tầng tầng lớp lớp, nối tiếp nhau chẳng thể nào dứt. Tưởng chừng
như nhẹ nhàng nhưng lại trĩu nặng vô bờ, thấm đẫm và lan tỏa trong từng thức cảnh. Câu thơ sử dụng bút pháp “lấy động
tả tĩnh” – ngoại cảnh mà có tâm cảnh, có một sự giao thoa, đồng vọng giữa thiên nhiên với con người, giữa sóng nước
tràng giang với cảm xúc trong tâm hồn thi sĩ.

Cùng với hình ảnh sóng nước là hình ảnh con thuyền đang lênh đênh xuôi theo dòng , được phác họa qua một vài
nét đăng đối cổ điển nhưng không có cái ung dung tự tại của tâm thế cổ điển - hình tượng thơ vẫn tỏa ra cái buồn ảo não
của thi nhân lãng mạn:

“Con thuyền xuôi mái nước song song”

Nổi bật giữa dòng sông là hình ảnh con thuyền trong trạng thái “xuôi mái” – một con thuyền không chèo lái, tự
do trôi dạt theo con nước tràng giang. Đây là một thi liệu quen thuộc trong thi ca tự cổ chí kim khi viết về đề tài sông
nước. Nó thường là hình ảnh ước lệ cho sự lênh đênh, trôi dạt, lẻ loi:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm


Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Trong câu thơ này, bức tranh thơ đẹp nhưng thật buồn vì hình ảnh "con thuyền xuôi mái" đem lại cảm giác buông
xuôi, phó mặc, con thuyền vô định, không người chèo lái thể hiện sự lênh đênh, trôi dạt, lẻ loi. Vậy là dòng sông tuy có
thêm hình ảnh con thuyền mà vẫn lạnh lẽo, hoang vắng, thậm chí còn buồn hơn vì thế “song song” giữa thuyền và nước
gợi lên sự xa cách chia lìa vĩnh viễn, không gặp gỡ, không giao cảm, nhắc tới cảm giác thiếu vắng hình bóng con người.
Hình ảnh con thuyền hay nói cách khác là hình ảnh của chính nhà thơ trong tâm thế cô đơn, tâm trạng buông xuôi, chán
chường. Đó cũng là nét tâm lí chung của những người trí thức sống trong cảnh tối tăm khi đất nước mất chủ quyền mà
chưa tìm thấy đường đi cho cuộc đời mình.

Hai câu thơ kết hợp làm cho không gian vừa mở ra theo bề rộng, vừa vươn theo chiều dài. Tác giả tiếp tục khắc
họa nỗi chia li qua câu thơ:
“Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”

Hai vế đối xứng “thuyền về” – “nước lại” là một hình ảnh thực, diễn tả sự di chuyển ngược chiều giữa thuyền và
nước khi thuyền trôi về phía trước, nước rẽ ngược về phía sau. Câu thơ vẽ ra hình ảnh con thuyền như mất hút vào cõi xa
xôi giữa mênh mông sóng nước, giữa dòng tràng giang chia đi “trăm ngả” ngầm chứa biểu hiện về sự nghịch ngược éo
le, gợi cảm nhận về sự chia lìa vĩnh viễn. Nghệ thuật ẩn dụ đem đến cảm nhận tràng giang mênh mang như nỗi sầu ngổn
ngang, nỗi sầu lan tỏa khắp mọi hướng, trong không gian, trong cả hồn người và trong lòng thi sĩ:

“Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Sự đối xứng giữa “mấy dòng” và “trăm ngả” càng làm sông nước thêm bao la rợn ngợp, và do đó càng làm nổi rõ sự
tương phản với “một cành củi khô” đơn lẻ.  “Cành củi khô” – hình ảnh rất mới, rất hiện thực giữa rất nhiều những thi
liệu đậm chất Đường thi mà tác giả dùng trong bài thơ. Phép đảo ngữ từ “củi” lên đầu câu thơ nhấn mạnh sự tầm thường,
nhỏ bé, không còn sức sống. Kết hợp từ đặc biệt: “một” – đơn độc, “cành” – nhỏ bé, “khô” – cạn kiệt sức sống, nhấn
mạnh hơn nữa đến tận cùng sự nhỏ bé, tầm thường vô giá trị. Đặt trong tương quan đối lập: “mấy dòng” – không gian
lớn rộng vô cùng, kết hợp động từ “lạc” chỉ sự mất phương hướng, chứa đựng trong đó cả nỗi hoang mang, lo lắng. Có
thể nói, hình ảnh "củi một cành khô" là hình ảnh ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời và
một cái tôi thơ mới cũng cô đơn, hoang mang trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Đó cũng chính là hình ảnh sáng tạo
mới mẻ góp phần tạo nên phong cách, chỗ đứng riêng cho Huy Cận trên thi đàn Thơ Mới.

ĐOẠN 2: Nếu khổ thơ thứ nhất là cái nhìn cận cảnh của nhà thơ trước dòng sông mênh mông để thấy từng gợn sóng
từng cành củi khô trôi dạt thì khổ hai là cái nhìn bao quát toàn cảnh sông dài, trời rộng đến bâng khuâng:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu


Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bến cô liêu”

Trong khổ thơ này, bức tranh cảnh vật sông nước được mở rộng về đôi bờ và bầu trời. Những cồn cát trên sông nhấp
nhô “lơ thơ” như nối tiếp dài ra, gió chiều nhè nhẹ thổi “đìu hiu” gợi buồn da diết. Cồn là một bãi đất nằm ở giữa sông,
nó vốn đã gợi sự đơn độc, trơ trọi; đã thế lại còn là “cồn nhỏ” càng gợi sự lẻ loi, đơn chiếc và gợi buồn. Nghệ thuật đảo
ngữ đã đảo trật tự cú pháp thông thường, đặt từ láy “lơ thơ” lên đầu câu thơ càng gợi sự hoang vắng của cảnh vật. Riêng
từ “đìu hiu”, Huy Cận nói ông học được trong “Chinh phụ ngâm” gợi nhớ trong lòng người đọc một vần thơ cổ:

“Non Kì quạnh quẽ trăng treo


Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò”

Các nhà thơ mới coi trọng tính nhạc trong thơ, vận dụng nghệ thuật phối âm, hòa thanh rất thần tình, tạo nên những
vần thơ giàu âm điệu, nhạc điệu. Hai câu thơ đầu của khổ thơ có điệp âm “lơ thơ” và “đìu hiu”, có vần lưng: “nhỏ - gió” ,
có vần chân: “hiu – chiều” làm ta liên tưởng đến câu thơ của Xuân Diệu:
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều”..
(Thơ duyên)

Trước cảnh vật hoang vắng, thi sĩ đi tìm dấu hiệu cuộc sống con người như một lẽ tự nhiên. Câu thơ thứ hai của khổ
thơ bắt đầu nhắc đến các dấu hiệu của cuộc sống con người nhưng có vẻ như nhắc đến chỉ là để phủ nhận. Nghệ thuật lấy
động tả tĩnh “đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” đã làm nổi bật sự ngạc nhiên, chút bâng khuâng của người lữ khách về cái
vắng vẻ, cái hoang vắng của đôi bờ tràng giang.

Câu thơ có thể được hiểu theo hai hướng khác nhau xuất phát từ hai cách hiểu về từ “đâu”. “Đâu” có nghĩa là đâu đó
hoặc có nghĩa là đâu có. Trước tiên, câu thơ được hiểu như một câu hỏi, một lời thở than cảnh vật Tràng giang quạnh
vắng đến mức ngay cả âm thanh của một buổi chợ chiều từ cái làng xa nào đó vẳng lại cũng không có. Ngoài ra, có thể
hiểu theo cách khác là đâu đó giữa không gian cảnh vật Tràng giang vẳng lại âm thanh xao xác của một buổi chợ chiều.
Dù có âm thanh nhưng cảnh vật không trở nên vui tươi và sống động hơn, trái lại càng trở nên vắng lặng hơn.

Dù hiểu theo cách nào thì câu thơ vẫn là để tô đậm nỗi buồn và bức tranh cảnh vật hoang vắng, hiu hắt. Tuy vậy, đặt
trong hệ thống toàn bài thơ, thì cách hiểu thứ nhất có phần phù hợp hơn, vì trong suốt bài thơ Huy Cân dường như muốn
phủ nhận sự tất cả những gì thuộc về cuộc sống con người. Không có âm thanh của buổi chợ chiều cùng hệ thống với các
ý thơ như “không một chuyến đò ngang”, “không cầu gợi chút niềm thân mật”, “không khói hoàng hôn”.

Trong bài thơ, bức tranh cảnh vật tràng giang càng lúc càng được mở rộng, đến hai câu thơ sau của khổ thơ thứ hai
thì không gian cảnh vật tràng giang đã vụt lớn lên, mở rộng đến vô cùng, vô tận:

“Nắng xuống trời lên sâu chót vót”

Trời đã về chiều, nắng từ trên cao chiếu rọi xuống đẩy bầu trời lên cao hơn và vẻ đẹp của bầu trời cao xanh ấy đã
bao lần đi vào thi ca dân tộc:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”
(Thu Vịnh)
“Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng”
(Xuân Diệu)
Để diễn tả chiều cao của bầu trời Tràng giang, Huy Cận không dùng từ “cao” thông thường mà sử dụng từ “sâu”. Từ
“sâu” vừa gợi chiều cao vừa gợi thăm thẳm, hun hút đến vô cùng của bầu trời chiều. Từ láy “chót vót” càng tô đậm hơn
chiều cao đến không cùng, không tận ấy. Ở đây, một lần nữa nhà thơ lại miêu tả một chuyển động ngược hướng: “nắng
xuống – trời lên” như để tô đậm thêm tính chất phân li của cuộc đời vốn đã được nhắc đến trong khổ thơ thứ nhất ở cảnh:
“thuyền về nước lại”. Thế nên thi sĩ tả cảnh suy cho cùng là để thể hiện tâm trạng là nỗi buồn, sự cô đơn, nhỏ bé trước
cuộc đời và vũ trụ bao la.

Dòng sông như dài thêm ra, bầu trời như rộng thêm ra, bến đò hay bến lòng như cô liêu hơn, xa vắng, quạnh hiu
hơn. Lời đề từ nhà thơ đã viết: "Bâng khuâng trời rộng, nhớ sông dài", cảm hứng ấy đã được lấy lại ở câu thơ:

“Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”


Một không gian ba chiều đã được mở ra mà chiều nào cũng không có giới hạn. Cùng với cái cao, cái sâu hun hút của
bầu trời chiều tràng giang là bề rộng đến bao la bát ngát của trời đất, vũ trụ và chiều dài đến vô cùng, vô tận của dòng
sông. Tất cả gợi bức tranh cảnh vật tràng giang mênh mông đến rợn ngợp.

Giữa cảnh vật Tràng giang hùng vĩ, mênh mông, hoang vắng xuất hiện một cái “bến cô liêu”, tức là một cái bến
trơ trọi, vắng vẻ không có một bóng người. Nghệ thuật đối lập, cụ thể là đối giữa sự mênh mông của cảnh vật tràng giang
với sự trơ trọi, nhỏ bé của cái bến để tô đậm thêm cái hai chiều, vừa tô đậm thêm cái bát ngát của dòng trường giang, vừa
tô đậm là cái nhỏ bé hoang vắng của cái bến. Mà cô liêu ở đây không chỉ là sự cô liêu của cái bến mà còn được hiểu là sự
cô liêu của hồn người. Nỗi buồn của Huy Cận trong khổ thơ này là tâm lí tự nhiên của một con người cảm thấy mình nhỏ
bé trước thiên địa vô thủy vô chung.

ĐOẠN 3: Theo mạch cảm xúc của hai khổ thơ trước, khổ thơ thứ ba càng tô đậm lên nỗi niềm tâm trạng của tác giả:

“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng


Mênh mông không một chuyến đò ngang
Khồng cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xa tiếp bãi vàng”

Lần này hiện lên là hình ảnh hàng bèo quen thuộc. Trong thơ xưa nó chính là hiện thân cho kiếp người trôi nổi,
lênh đênh lưu lạc của con người:

“Giữa dòng lưu lạc cánh bèo lênh đênh”


(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Điều đặc biệt, trong thơ Huy Cận là không phải một cánh bèo mà là vô số những cánh bèo “hàng nối hàng” – trôi
nổi, lênh đênh. Đó không chỉ là hình ảnh thực trên dòng sông Hồng mùa nước nổi mà còn là biểu tượng cho những kiếp
người, những phận đời, trong thời cuộc này, trên đất nước này cũng đang nổi trôi, vô định, bơ vơ, lạc lõng mất phương
hướng giữa dòng đời.

Nếu trong khổ thơ đầu, nỗi buồn của Huy Cận mang tính riêng tư, ông nhìn thấy số phận cá nhân mình qua hình
ảnh “con thuyền xuôi mái”, “củi một cành khô” thì đến khổ thơ này nỗi buồn cá nhân đã hòa cùng nỗi sầu nhân thế, cái
tôi cá nhân đã cảm nhận được điệu buồn chung của mọi kiếp người. Xuân Diệu đã từng nhận xét: Cái khối sầu trong hồn
Huy Cận chính là “cái lớp sầu chất chứa dưới đáy hồn nhân thế”. Tiếng nói sầu thương của nhà thơ không chỉ là tiếng
của một cõi lòng vốn cô đơn mà đó là tiếng chung cho cả thế nhân (nỗi sầu nhân thế):

“Mênh mông không một chuyến đò ngang


Không cầu gợi chút niềm thân mật”

Hai câu thơ không chỉ bộc lộ cảnh tượng hoang vắng, quạnh quẽ của dòng sông, bộc lộ nỗi cô đơn trong lòng mà
còn đặc tả một thế giới hoang lạnh, hoàn toàn thiếu vắng hơi ấm của sự sống con người. Hình ảnh “cầu”, “đò” là những
hình ảnh gợi sự kết nối, giao lưu. Vậy mà tác giả nhắc tới những sự vật đó, không phải là để khẳng định cái có mà là để
miêu tả cái không có, không tồn tại qua điệp từ “không” hai lần. Không cầu, không đò hay chính là không có sự kết nối
của con người, hay chính là sự cô đơn, hoang vắng đến tột cùng.

Trong sự vắng lặng đó không gian vẫn tiếp tục được trải ra đến vô cùng của bờ xanh với bãi vàng:

“Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”

Bức tranh xuất hiện những gam màu vốn không đen tối nhưng lại chẳng thể làm cảnh sắc thêm tươi sáng, thêm
sức sống. Dường như hai bờ sông là một thế giới tách biệt với những bờ bãi kia, những cánh bèo cũng vì thế mà chẳng
biết trôi dạt về đâu. Trước một cảnh sắc như thế lòng người sao có thể vui tươi, háo hức. Hay cũng vì lòng người nhiều
tâm tư trĩu nặng mà cái nhìn với cảnh cũng thấm đẫm ưu tư.

ĐOẠN 4: Nếu như ba khổ thơ trước nhà thơ chủ yếu miêu tả cảnh vật Tràng giang mênh mông vô tận với hình ảnh
dòng nước, bờ bãi, cái cồn, cái bến… rồi mở rộng ra lên bầu trời và qua cảnh vật để nói đến tâm trạng thì trong khổ thơ
cuối cùng này, cảnh vật và tâm trạng được miêu tả chia đều trong bốn câu thơ. Trong đó, hai câu đầu miêu tả cảnh vật và
hai câu sau miêu tả tâm trạng:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc


Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Hai câu thơ đầu của khổ thơ cuối cùng tiếp tục miêu tả bầu trời tràng giang vào thời điểm cụ thể là vào lúc chiều
tà:

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc


Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”

Bức tranh thiên nhiên được gợi lên trong hai câu thơ thật là kỳ vĩ, hoành tráng. Thường thì buổi chiều hay gợi
cho ta sự tàn tạ, ảm đạm nhưng cảnh chiều ở đây lại thật rạng rỡ. Những đám mây trắng cuộn lên ở phía chân trời thành
một không gian rộng lớn bàng bạc. Từ láy “lớp lớp” gợi liên tưởng đến về những đám mây chiều tầng tầng lớp lớp chồng
chất lên nhau. Theo Huy Cận từ “đùn” trong câu thơ được ông học trong bài thơ “Thu hứng” của nhà thơ Đỗ Phủ:

“Mặt đất mây đùn cửa ải xa”

Từ “đùn” gợi chuyển động của những đám mây cứ cuộn lên và mở rộng ra mãi. Tuy nhà thơ Huy Cận đã sử dụng
hình ảnh trong thơ cổ nhưng câu thơ vẫn có vẻ đẹp riêng rất hiện đại.

Đối lập giữa con thuyền và cành củi, cánh bèo trôi vô định ở những khổ thơ trước để nhấn mạnh sự nhỏ bé của
chúng trước sự mênh mông, rộng lớn bát ngát của cảnh vật Tràng giang. Còn đến hai câu thơ này, ta lại thấy nghệ thuật
đối lập giữa hình ảnh cánh chim và hình ảnh bầu trời tràng giang. Sự đối lập ấy tô đậm sự khoáng đạt của bầu trời chiều
nhưng cũng cho thấy sự bé nhỏ, đơn chiếc của cánh chim. Giữa nền trời màu bạc khoáng đạt ấy cánh chim chỉ là một
chấm đen nhỏ bé, đơn chiếc. Đã là “cánh nhỏ” mà lại chao nghiêng nên nét thanh mảnh của cánh chim càng dễ biến mất
giữa khoảng không vô tận.

Huy Cận là người chịu ảnh hưởng khá nhiều của thơ ca truyền thống. Thơ ca xưa nay khi miêu tả buổi chiều
thường nhắc đến hình ảnh cánh chim bay giữa bầu trời chiều. Đó là hình ảnh “Chúng điểu cao phi tận” trong thơ Lí Bạch
và trong ca dao Việt Nam có câu:

“Chim bay về núi tối rồi”

Trong thơ Nguyễn Du cũng có hai câu thơ miêu tả cảnh chiều cũng nhắc đến hình ảnh cánh chim:

“Chim hôm thoi thót về rừng


Đóa trà mi đã ngậm trăng nửa vành”

Cảnh hoàng hôn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng có cánh chim:

“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi”

Cái hay trong câu thơ miêu tả cánh chim chiều của Huy Cân là màu sắc hiện đại. Sắc hoàng hôn bát ngát trên
trang thơ, cánh chim bé bỏng nghiêng chao gợi lên bao nhiêu xúc cảm. Con chim dường như chao nghiêng đôi cánh để
kéo bầu trời xuống hay là đôi cánh của nó đang chao nghiêng đi vì sức nặng của buổi chiều đang buông, bóng tối đang
lấn dần. Đặc biệt, hình ảnh bầu trời và cánh chim ít nhiều khiến người đọc cảm nhận được sự nhỏ bé của con người trước
trời đất vũ trụ bao la.

Câu thơ hay là ở chỗ đã hiện đại hóa được một hình ảnh thơ đậm chất cổ điển. Chất hiện đại của câu thơ nằm ở
dấu hai chấm thần tình. Dấu hai chấm giữa câu thơ đã gợi mối quan hệ giữa cánh chim và bóng chiều, thể hiện buổi
chiều tối dần, màn đêm bắt đầu buông xuống khiến con chim chao nghiêng cánh, vội càng tìm về với tổ ấm. Bức tranh
cảnh vật được gợi lên từ hai câu thơ ít nhiều cũng gợi cả tâm trạng và tâm trạng vẫn là nỗi buồn. Có thể nói, nỗi buồn
chính là tâm trạng xuyên suốt trong bài thơ này.

Hai câu thơ tiếp theo là tâm trạng nhớ quê của tác giả. Tâm trạng ấy vốn đã được gợi ra từ hình ảnh cánh chim
bay về tổ trong buổi chiều tà ở hai câu thơ trước nhưng đến hai câu thơ này mới trở nên rõ ràng hơn.

“Lòng quê dợn dợn vời con nước


Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”

Trong thơ ca xưa nay, thi liệu cánh chim nhỏ bé, đơn chiếc giữa bóng chiều tà luôn gợi cho những kẻ xa nhà, lữ thứ
nỗi nhớ nhà nhớ quê và niềm khao khát được sum họp gia đình. Hình ảnh cánh chim giữa cảnh vật Tràng giang mênh
mông bát ngát cũng là sự tiếp nối của thơ ca cổ điển, cũng gợi cho Huy Cận tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê.

Nối tiếp mạch thi cảm của người xưa, Huy Cận chính là “một người của đời, một người ở giữa loài người”, tình cảm
cảm xúc trong thơ ông suy cho cùng vẫn là những tình cảm cảm xúc của con người nói chung. Sức sống lâu bền của
Tràng giang chính là bởi có lẽ nó đúng là một tác phẩm có giá trị như quan niệm của nhà văn Nam Cao: “Một tác phẩm
thật có giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung của cả loài người”.
Hai câu thơ này được Huy Cận lấy lại ý trong bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn


Trên sông khỏi sóng cho buồn lòng ai”

Thôi Hiệu là nhà thơ đời Đường và lầu Hoàng Hạc là một di tích lịch sử, một cảnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh
nằm ngay trên bờ sông Trường giang ở Trung Quốc. Từ lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu ngắm cảnh hoàng hôn mà nhớ nhà,
nhớ quê hương da diết. Hai câu thơ của Huy Cận cũng nói về tâm trạng của con người trước cảnh sông nước vào buổi
chiều tà, cũng chính là tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê hương. Tuy nhiên so với thơ Thôi Hiệu thì thấy tâm trạng của người
xưa là có sự tác động của ngoại cảnh, phải nhìn thấy khói sóng ở trên sông mới thấy nhớ quê nhà. Còn tâm trạng nhớ
nhà, nhớ quê trong hai câu thơ của Huy Cận thì không hề chịu sự tác động của yếu tố ngoại cảnh nào. Tâm trạng ấy như
thể đã có sẵn ở trong lòng, có sẵn trong từng con sóng của dòng Tràng giang. Bởi vậy có thể nói cảm xúc thơ của Huy
Cận có phần sâu sắc hơn và nỗi nhớ nhà nhớ quê cũng thường trực hơn. Đúng như nhà thơ Huy Cận tâm sự: Vì lúc đó tôi
buồn hơn là Thôi Hiệu buồn.

Nhà thơ còn lưu ý người đọc về hai chữ “dợn dợn”. Theo ông, có người đọc chệch thành “dờn dợn” mà “dờn dợn”
thì nó chẳng có ý nghĩa gì. Còn từ láy “dợn dợn” thì không chỉ thể hiện nỗi buồn, nỗi nhớ nhà nhớ quê có trên từng con
sóng của dòng Tràng giang mà hơn nữa, “dợn dợn” còn thể hiện cảm giác rợn ngợp của con người trước cảnh đất trời
mênh mông, vô tận, tô đậm thêm cảm giác vũ trụ trong bài thơ.

Toàn bộ bài thơ Tràng giang đã miêu tả cảnh vật sông nước mênh mang vô tận. Cảnh vật nhìn chung là vắng lặng
không có dấu hiệu của sự sống con người, không có lấy một âm thanh. Khổ thơ cuối khép lại bài thơ bằng hai nét vẽ
động, đó là chuyển động của cánh chim, của đám mây chiều. Có nét vẽ động nhưng bức tranh cảnh vật không trở nên
sinh động hơn, vui tươi hơn mà chỉ tô đậm thêm nỗi buồn đang đầy vơi trong lòng thi sĩ. Có thể thấy rất rõ, trong nỗi
buồn, sự bất lực của chính mình, Huy Cận đã viết lên những dòng thơ ca hết về non sông đất nước. Ông đúng là người
thi sĩ mà B.Shelly từng nhắc đến: “Thi sĩ là một con chim sơn ca ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm
vui cho sự cô độc của chính mình”.

You might also like