You are on page 1of 3

1.

Đặt tiêu đề cho khổ thơ : Cảnh cồn bến hoang vắng trong nắng chiều
2. Tâm sự cảm xúc của cái tôi trữ tình :
Theo tác giả, đây là bài thơ được cảnh sông nước mênh mông của sông Hồng gợi tứ. Huy Cận đã
có lần tâm sự: “Một chiều mùa thu năm 1939, tôi đi dạo trên bờ sông Cái bằng xe đạp, có đoạn
dắt xe đi bộ thấy buổi chiều trên đê và sông đẹp quá: nắng chiều đã nhạt, mây đùn phía núi xa
và man mác một nỗi buồn khó tả, nửa như gần gũi, nửa xa vời, quạnh hiu”. Vì vậy, bức tranh
thiên nhiên được khắc họa trong bài thơ này gần như đã trở thành cổ điển mà linh hồn của nó là
một nỗi buồn đìu hiu, mênh mang, cô đơn bao trùm. Qua mỗi khổ thơ, tác giả điểm thêm một
nét buồn, gợi thêm một tâm sự. Tất cả những điều ấy cứ trở đi trở lại như sóng nước, vẫn là bát
ngát mênh mang nhưng phủ trùm bởi hoang vắng và tàn tạ, lụi tắt, bơ vơ, nổi trôi, chia lia, phiêu
bạt, bềnh bồng.

3. Các yếu tố nghệ thuật và ý nghĩa :


Nếu khổ thơ thứ nhất là sự nhói buốt bởi cái nhìn nhỏ nhoi và hữu hạn của kiếp người trong sự
“vô thủy vô chung” của không gian sông nước mênh mông thì khổ thơ thứ hai lại choáng váng
trước cái thăm thẳm vô cùng của vũ trụ qua không gian nơi cồn nhỏ. Hai câu thơ mở đầu khổ
thơ thứ hai đã vẽ nên một không gian hoang vắng, hiu quạnh.
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”

Từ láy “lơ thơ” diễn tả sự thưa thớt, rời rạc của những cồn đất nhỏ nhoi mọc lên giữa dòng
tràng giang. Trên những cồn đất nhỏ đó, mọc lên những cây lau, sậy, khi gió thổi qua thì âm
thanh phát ra nghe não ruột. Từ láy“đìu hiu” như càng khắc sâu thêm nỗi buồn hiu hắt làm
câu thơ chùng xuống như một tiếng thở dài man mác. Với việc sử dụng nghệ thuật đảo ngữ
cùng từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đặc biệt gợi cảm tác giả đã vẽ nên một bức tranh nơi cồn nhỏ vừa
thưa thớt, hoang vắng, lạnh lẽo vừa gợi nên một nỗi buồn mênh mang, cảm giác của con người
thoáng buồn khi đứng trước tầm nhìn rộng. Đây là sự cảm nhận bằng thị giác. Bên cạnh đó, tác
giả còn có sự cảm nhận bằng thính giác: cảm nhận về âm thanh cuộc sống tiếng chợ chiều. Sự
hoang vắng, tĩnh mịch của không gian như càng được tô đậm thêm qua câu thơ “đâu tiếng làng
xa vãn chợ chiều”. Có thể nói, đây là một câu thơ có nhiều cách hiểu, “đâu” là đâu có, là phủ
nhận âm thanh của tiếng chợ chiều hay là đâu đó, gợi lên âm thanh yếu ớt của tiếng chợ. Nhưng
có lẽ dẫu hiểu theo cách nào đi chăng nữa thì câu thơ vẫn gợi lên trong lòng người đọc nỗi buồn,
sự hoang vắng, tàn tạ, thiếu vắng đi sự sống của con người. Chợ vốn là là hình ảnh của không
gian sống, là biểu tượng của tộc sống nhộn nhịp, đông đúc. Nhưng chợ ở đây, cũng là chợ chiều
đã vãn. Cảnh vật héo buồn, sinh hoạt và cuộc sống của con người cũng đi dần vào thế nghỉ ngơi,
vào sự buồn bã hiu quạnh. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh khiến cảnh vật như thiếu vắng hơi ấm
của cuộc sống con người, cần lắm tìm đến sự tri ân. Từ “đâu” mang nhịp chậm, giọng buồn
nhuốm sầu. Không gian được thắp lên màu nắng, tăng thêm cả về chiều rộng, độ cao, chiều sâu.
Từ đó tác giả đã gợi ra một không gian từ mặt nước đến đáy sông, không gian được đẩy đến tận
cùng, khắc họa nỗi buồn, cô đơn của con người trước cuộc đời. Tác giả như không tìm thấy sợi
dây liên hệ với cuộc đời, mang đến sự vô vọng.
Nếu hai câu thơ đầu khổ hai gợi lên không gian cồn nhỏ vắng vẻ, hiu quạnh thi dường như trong
câu ba và câu bốn, không gian ấy như được mở rộng cả về bốn phía làm cho cảnh vật vốn đã
vắng vẻ lại càng thêm cô liêu và tĩnh mịch hơn.
“Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Không gian thơ càng trở nên rợn ngợp và ám ảnh hơn khi tứ thơ đột ngột được nhấc bổng lên
để toả ra đôi bờ và phía “cồn nhớ”, “làng xa” gợi cảm giác về vũ trụ quá rộng nhưng rỗng và
lạnh. Không gian trong thơ cổ thường bị đập bẹp với hai chiều cao - thấp. Huy Cận cũng làm như
vậy nhưng khi diễn tả chiều rộng, ông bổ sung thêm chiều sâu “sâu chót vót” khiến không gian
được dựng dậy, mở rộng về tứ phía tạo không gian hình lập phương ba chiều đầy ám ảnh. “Sâu
chót vót” là cụm từ độc đáo, vừa diễn tả độ sâu, vừa diễn tả độ cao. Những chuyển động đối lập
nhau: lên - xuống cùng với cách tạo vế đối “nắng xuống” - “trời lên”; “sông dài” – “trời rộng” tạo
cảm giác như một chiếc tù giam lỏng dồn nén con người ở giữa cảm thấy ngột ngạt, bí bách và
chán chường trong sự vận động xoay guồng của tạo hóa, kết hợp cùng cụm từ “sâu chót vót” đã
thực sự đẩy không gian lên thăm thẳm, vũ trụ cứ mở ra mãi đến vô cùng, vô tận. Đứng trong
một không gian khiến con người ta choáng ngợp đến thế, liệu ai có thể chịu được nỗi cô đơn ?
Con người chúng ta quá nhỏ bé, lẻ loi đến tội nghiệp, chính vì thế mà sinh ra cảm giác “cô liêu”
khi bị vây quanh bởi bốn bề vắng vẻ. Hình ảnh “bến cô liêu” với âm hưởng man mác của hai chữ
“cô liêu” ấy, một lần nữa lại gợi ra một nỗi buồn nhân thế, cho ta thấy được tâm trạng buồn bã,
băn khoăn, ngơ ngác trước những ngã rẽ của cuộc đời. Thi nhân cảm nhận rõ sự nhỏ bé, lẻ loi,
cô độc của một kiếp người giữa dòng đời rộng lớn, luôn luôn có niềm khát khao hoà hợp, cảm
thông giữa người với người. Đây không phải là nỗi buồn của cá nhân ông mà là cảm xúc chung
của cả một thế hệ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ đầu thế kỉ XX.

4. So sánh :
Một hình ảnh được trở đi trở lại, trở thành nguồn cảm hứng vô tận của biết bao thi sĩ xưa nay,
ta không thể không nhắc tới hình ảnh dòng sông. Dòng sông được khai thác dưới nhiều góc độ.
Nếu khi xưa dòng sông là phương tiện gợi ra cho chúng ta nỗi ám ảnh về thời gian. Đó là "sông
lớn ngoài hiên luống chảy hoài" (Đằng cương các - Vương Bột), là "sông Hoàng Hà từ trên trời
xuống, cuồn cuộn chảy ra biển không trở lại" (Tương tiến tửu - Lý Bạch). Có khi, dòng sông lại gợi
ấn tượng về con đường đời, về thời cuộc. Lý Bạch nhìn những người kéo thuyền trên sông,
thấy "nước đục không uống được" mà lòng tan nát, "lệ trào như mưa" (Đinh đô hộ ca).  Ở góc
độ khác, dòng sông mênh mông khiến cho đất thêm dài, trời thêm rộng. Vũ trụ bao la bao nhiêu,
con người càng bé nhỏ, cô đơn và đau khổ bấy nhiêu. Liễu Tông Nguyên vẽ ra dòng sông buốt
giá cùng một nỗi cô đơn:

"Thiên sơn điểu phi tuyệt


Vạn kinh nhân tung diệt
Cô chu thôi lạp ông
Độc điếu hàng giang tuyết"
                           (Giang Tuyết)
(Giữa ngàn non, chim bay tắt bóng
Trên đường muôn ngả, dấu người vắng tanh
Thuyền trơ trọi, ông già nón lá áo tơi
Một mình ngồi thả câu trong tuyết trên sông lạnh)
                           (Tuyết trên sông)
Bài thơ là một bức tranh thủy mặc: cảnh tượng đẹp trong hoang vắng và hiu hắt. Vũ trụ bao la
đến độ không một dấu chân người, không một cánh chim bay. Thời gian như đóng băng. Con
người hiện diện đấy, lặng lẽ và trơ trọi, mặc cho tuyết rơi đầy trên sông lạnh.
Tới thời kì hiện đại, cho dù dòng sông được nhìn theo nhiều góc độ khác, ta vẫn bắt gặp hồn thơ
của Huy Cận gửi gắm qua dòng sông “Sông dài, trời rộng, bến cô liêu” như được giao thoa với
hồn thơ của Liễu Tông Nguyên vậy. Hai vị thi nhân đều hướng tới một dòng sông dài cùng vũ trụ
được mở ra rợn ngợp khiến con người trở nên bé nhỏ đáng thương và “cô liêu” đến tột cùng.
Song ta vẫn không thể không kể tới những biểu hiện khác được các thi nhân khai thác qua góc
nhìn tinh tế của họ về dòng sông, giống như dòng sông trở thành người bạn tâm tình chuyên chở
tâm tư con người qua bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm :
“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng”.
(Tống biệt hành – Thâm Tâm)
Không đưa qua sông là đưa tới đâu không rõ. Chỉ thấy hình ảnh dòng sông hiện lên ngăn cách
đôi bờ. Một bên là hiện thực, một bên là ảo vọng. Thế nên, tiếng sóng dội lên hay cũng chính là
tiếng lòng đang cuộn trào đó.
Đến với bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của nhà thơ Tế Hanh người đọc mới trọn vẹn nhận
được dòng sông, nó thân thuộc, đầy đủ và gợi nhớ biết bao kỉ niệm ta đã từng kí thác ở nơi này:
“Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!”
(Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)
Ta lớn lên cùng dòng sông. Năm tháng trôi đi,càng có thêm nhiều kỉ niệm. Và một ngày kia ta rời
xa dòng sông ấy, kỉ niệm trở thành sợi dây gắn kết giữa ta và dòng sông; giữa ta và quê hương.
Dòng sông đã trở thành quê hương, nguồn cội từ bao giờ! Câu hỏi của Tế Hanh không phải để
hỏi mà để khẳng định tấm lòng thủy chung, son sắt của dòng sông đối với con người đấy thôi.
Sông không bao giờ thay đổi, trăm năm hay nghìn năm dòng nước vẫn xanh và không ngừng
tuôn chảy.

You might also like