You are on page 1of 5

Nếu Xuân Diệu được mệnh danh là chủ soái dòng Tây thì nhà thơ Huy Cận

được
coi là chủ soái dòng Đường. Sinh thời, một trong những gương mặt xuất sắc của
phong trào thơ Mới, còn được mệnh danh là “hồn thơ ảo não” ấy cũng đã tự nhận
mình có ảnh hưởng không nhỏ của thơ ca cổ điển, nhất là thơ Đường. Bởi vậy sáng
tác của ông luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa 2 yếu tố cổ điển và hiện đại. Bài
thơ “Tràng giang”, ra đời vào năm 1939, in trong tập “Lửa thiêng” đã xuất sắc thể
hiện một cái tôi đa sầu đa cảm qua màu sắc nghệ thuật rất đặc trưng đó
Vẻ đẹp cổ điển chính là những đặc sắc, những tinh hoa của văn học trung đại được
thể hiện qua quan niệm nghệ thuật, hệ thống thể loại, những đặc trưng về thi pháp
và cách sử dụng thi liệu. Còn vẻ đẹp hiện đại lại là sự mới mẻ, đổi mới theo hình
thức văn học phương Tây, có những cách tân so với đặc trưng thi pháp của thơ ca
trung đại. Thơ Huy Cận lại hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp hài hòa của cả 2 yếu
tố cổ điển và hiện đại, hay nói cách khác, Huy Cận đến hiện đại từ truyền thống.
Vẻ đẹp cổ điển và hiện đại thể hiện ngay trong khổ 1 bài thơ với cảnh sông nước
mênh mang, nỗi sầu vạn ảo và cảm xúc của thi nhân về sự nhỏ bé, mong manh của
kiếp người trong thơ ca cổ điển nhưng cũng rất mới mẻ, hiện đại của hiện thực, đời
sống
Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Sóng gợn là do gió nhưng “sóng… buồn điệp điệp” thì sóng ấy đâu còn là hình ảnh
của thiên nhiên nữa mà là sóng trong lòng người. Từ láy “điệp điệp” không chỉ
diễn tả một không gian sông nước đang mở rộng ra bốn phía với những vòng sóng
đang loang ra, lan xa, gối lên nhau xô đuổi đến tận chân trời mà còn thể hiện nỗi
buồn như đang tỏa lan theo dòng nước. Sự vô biên của không gian còn được mở ra
về chiều dài với hình ảnh con thuyền thả mình buông xuôi theo những luồng nước
song song, rong ruổi về mãi cuối trời : “Con thuyền xuôi mái nước song song”.
Câu thơ thấp thoáng âm hưởng Đường thi khi gợi nhớ cảnh sông nước trong bài
Đăng cao của Đỗ Phủ :
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
Cũng dùng những từ láy nguyên để gợi tả không gian nhưng trong khi “thi thánh”
Đỗ Phủ đặt chúng ở gần cuối câu thì Huy Cận lại đẩy xuống hẳn cuối câu để tạo dư
ba, nghĩa là lời thơ đã ngừng mà ý hướng, âm hưởng vẫn cứ tiếp tục vang mãi.
Cách tổ chức hai câu thơ cũng tuân theo phép đối ngẫu khá phổ biến của thơ
Đường : buồn điệp điệp - nước song song. Cách tổ chức này tạo ra vẻ cân xứng,
sóng đôi, kết hợp với cách sử dụng từ láy như vừa nói trên đã khiến cho thi cảm và
thi ảnh như chảy mãi vào vô tận để rồi tiếp tục với biết bao sầu thương vô hạn :
“thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. Sự gắn kết song song như không dời xa giữa
con thuyền và dòng nước đến câu thơ này không còn. Nỗi buồn chia tay như đang
lan rộng ra khắp không gian mênh mang sóng nước : “sầu trăm ngả”. Hình ảnh con
thuyền và dòng sông ở đây lại gợi nhớ hình ảnh dòng sông và con thuyền trong thơ
Trương Kế đời Đường :
Trăng tà, chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Phong Kiều dạ bạc)
Song nếu con thuyền đơn côi trên bến đậu sông trăng trong thơ Trương Kế chỉ chỉ
gợi lên nỗi buồn cô quạnh thì con thuyền trong thơ Huy Cận như mang cả nỗi sầu
của trời mây sông nước. Sự chia ly giữa con thuyền và dòng sông dường như chỉ là
một phần trong cái thế giới đang chia xa của tràng giang mà câu thơ đề từ đã gợi
mở : “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Sự xuất hiện của hình ảnh “cành củi
khô” đơn côi “lạc mấy dòng”, theo đó, cũng là tất yếu dù nó không “Đường thi”
cho lắm. Theo Xuân Diệu, câu thơ thứ tư “thể hiện nét hiện thực, thực tế nôm na
chân thật đến sống sít”. Câu thơ xuất hiện có vẻ bất ngờ nhưng lại không hề ngẫu
nhiên. Huy Cận kể lại : để “Củi một cành khô lạc mấy dòng” hiện diện trong Tràng
giang như ngày hôm nay, ông đã phải trăn trở, lựa chọn, “sắp đặt” chữ nghĩa và
sửa chữa đến 7 lần. Chẳng thế mà từng từ, từng tiếng trong câu thơ đều mang
nhiều tầng nghĩa, đều gợi lên kiếp đời tàn tạ, nhỏ nhoi, cô đơn lạc lõng giữa cái
mênh mông vô định. Nhịp thơ trúc trắc 1-3-1-2 phá cách của thể thơ thất ngôn cổ
điển cùng phép đảo ngữ tương phản (một cành củi khô – mấy dòng nước) đã làm
tăng ấn tượng về sự đơn côi của kiếp người. Cảm giác về vũ trụ bao la, phóng
khoáng mà con người thì quá ư nhỏ bé, tội nghiệp. Nếu coi dòng sông là dòng đời
thì hình ảnh cành củi khô kia chính là thân phận nhỏ bé, mong manh của con
người. Hình ảnh có phần “thô ráp”, “sống sít” của đời thường ấy đi vào những câu
thơ mang âm hưởng Đường thi như đã đưa ta trở về hiện tại với những ám ảnh về
thân phận nhỏ nhoi, phiêu dạt, lạc loài của đời sống con người.
● Khổ 2
Khổ 2 là sự tiếp nối mạch cảm xúc ở khổ một, thậm chí được phát triển lên
mức cao hơn, sâu hơn. Bức tranh thiên nhiên Tràng Giang từ những nét chấm phá
ban đầu chỉ có mênh mang sông nước giờ đã có thêm đất, thêm người. Nhưng bức
tranh ấy càng mở rộng bao nhiêu thì sự hiện diện của những sinh thể sống trong nó
càng bé nhỏ, đơn cô, lạnh lẽo và hiu quạnh bấy nhiêu.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Cảm giác trống vắng, hiu quạnh xuất hiện ngay từ câu thơ đầu. Câu thơ có ba tính
từ được đặt ở ba vị trí đầu – giữa và cuối câu thì cả ba tính từ đều không diễn tả
niềm vui. Mở ra là thưa thớt (“lơ thơ”), tiếp nối là “nhỏ” bé, mong manh và khép
lại là hiu hắt, vắng lặng (“đìu hiu”). Giữa câu thơ là hai hình ảnh gợi buồn liên
tiếp : “cồn nhỏ”, “gió đìu hiu”. Câu thơ đem đến cảm giác chạm vào đâu cũng
buồn bã. Mở ra là nỗi buồn và khép lại cũng gặp nỗi buồn. Buồn vì sự nhỏ bé, đìu
hiu của cảnh vật hay chính là nỗi buồn về số kiếp nhỏ bé của con người trong cõi
trời đất ? Có lẽ là cả hai. Đến câu thơ thứ hai, nỗi buồn lại được thể hiện ở cái
“xao xác” của chợ chiều từ một làng xa nào đó. Thật không gì vui bằng lúc chợ
đông và buồn khi chợ chiều tan tác. Hình ảnh chợ chiều vẫn đi về trong những
sáng tác văn học của các nhà thơ, nhà văn lãng mạn. Hơn một lần ta bắt gặp hình
ảnh chợ chiều trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, giờ đây nó lại thấp thoáng trong
“Tràng giang” như để tô đậm sự tĩnh lặng của thiên nhiên, sự tàn tạ của kiếp người.
Trong câu thơ cũng có xuất hiện của âm thanh nhưng từ “Đâu” – từ để hỏi, mang
tính phiếm chỉ lại khiến ta cảm thấy cái âm thanh ấy thật xa xôi, mơ hồ. Có lẽ, âm
thanh ấy là âm thanh vọng lên từ tâm tưởng, từ niềm khao khát sự sống tươi vui,
nhộn nhịp của nhà thơ. Hai câu đầu của khổ thơ này vẫn là không khí cổ điển với
những hình ảnh quen thuộc trong thơ xưa : “cồn nhỏ”; “gió đìu hiu”; ‘chợ chiều”…
Những hình ảnh thể hiện cảm giác trống vắng này gợi nhớ một ý thơ trong “Chinh
phụ ngâm:
Non Kì quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Chính tác giả “Tràng giang” thừa nhận là đã học được từ “đìu hiu”này trong
“Chinh phụ ngâm”. Và cũng như thơ xưa, sự vật ở đây càng bé nhỏ càng làm tôn
thêm cái bao la, ngát của sông nước. Không gian bao la dường như có thể nuốt
chửng tất cả, cuốn xô tất cả. Không gian ấy còn được nới rộng thêm và đột ngột
được đẩy lên cao hơn trong hai câu cuối :
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng, bến cô liêu
Không gian được mở ra ở nhiều chiều kích, từ chiều dọc với cả hai hướng lên
xuống, bỗng đổi sang chiều dài rồi quay sang chiều ngang. Thêm một chiều “sâu
chót vót” của không gian vũ trụ. Cách diễn đạt “sâu chót vót” ở đây khá độc đáo.
Thông thường phải là “cao chót vót”. Nhưng nếu nói “cao chót vót” thì chỉ thuần
túy diễn tả được chiều cao còn “sâu chót vót” thì không chỉ tả được chiều cao mà
còn gợi được chiều sâu thăm thẳm, khôn cùng, nhờ đó mà như vẽ lên cái thiên địa
vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận. Lẽ tự nhiên, không gian càng cao, càng dài,
càng rộng thì cảnh vật càng thêm vắng lặng, hiu hắt, con người càng trở nên nhỏ
bé, rợn ngợp trước cái vũ trụ rộng lớn. Vì thế không có gì lạ khi giữa sông dài, trời
rộng – giữa cái mênh mông của đất trời, “bến” tất phải “cô liêu”. Không thấy hình
ảnh con người nhưng cái bến cô liêu như đang mang nặng nỗi sầu muộn ngàn năm
của con người trước cái vô biên của vũ trụ. Nỗi buồn ở đây thấm thía trong lòng
người và lan tỏa vào không gian. Nhà thơ đã dùng thiên nhiên như một thứ ngôn
ngữ để diễn tả nỗi buồn vô hạn trong lòng người, diễn tả cái cảm giác “bâng
khuâng trời rộng nhớ sông dài”.
Người ta nói, Tràng giang mang âm hưởng Đường thi. Điều đó không chỉ
đúng trên tổng thể toàn bài mà dường như còn đúng trên từng “đơn vị không gian”
của văn bản thơ. Khổ thơ này cũng cho thấy rất rõ điều đó. Ở đây, Huy Cận đã học
các nhà thơ Đường cách xây dựng tứ thơ bằng việc dựng lên các quan hệ, mà cụ
thể là quan hệ giữa cái vô cùng (sông nước, bầu trời) với cái hữu hạn (cồn nhỏ,
bến cô liêu). Bút pháp “họa vân hiển nguyệt” tả không gian thiên địa vô cùng vô
tận (vân) nhưng kỳ thực là nhằm thể hiện rõ sự cô đơn, trống trải, sự bơ vơ của cái
“tôi” lãng mạn (nguyệt). Hình thức của cổ thi được sử dụng khá linh hoạt trong hai
câu thơ tạo nên sự hài hòa về hình ảnh và nhịp điệu. Cùng với việc vẽ ra những
chuyển động ngược hướng (nắng xuống- trời lên), các dấu phẩy ngăn cách câu thơ
thứ tư thành ba phần biểu thị ba hình ảnh độc lập (sông dài, trời rộng, bến cô liêu)
đã diễn tả tính chất phân ly của sự sống trên đời. Đặc biệt, chữ “sâu” trong cụm từ
“sâu chót vót” có thể coi là nhãn tự của cả câu thơ thứ 3 vì nó thể hiện được cái
thần tình trong bút pháp miêu tả, không chỉ diễn tả độ cao của bầu trời mà còn
muốn biểu hiện cảm giác chới với, rợn ngợp của con người khi đối diện với cái
hun hút, thăm thẳm của vũ trụ.

Kết luận
Một nhà văn nước ngoài đã từng nói “Văn chương vượt ra ngoài quy luật của
sự băng hoại. Chỉ mình nó là không thừa nhận cái chết”. Văn chương có thể trường
tồn vì nó nói lên được những nỗi niềm phổ quát và sâu xa của tâm hồn con người.
Tràng giang có lẽ là một trường hợp như thế vì nó đã chạm tới những miền sâu
thẳm của cõi lòng nhân loại xưa cũng như nay. Dường như, ở bất cứ đâu và bất cứ
thời đại nào, khi phải đối diện với cái vô cùng, vô tận của thiên địa tuần hoàn, khi
phải đối mặt với cái hữu hạn của kiếp người trong vũ trụ mênh mông, rộng lớn,
con người thường nảy sinh cảm giác rợn ngợp và nét buồn lo, sợ hãi. Và Tràng
giang, trong niềm thiết tha với thiên nhiên tạo vật, còn có tình cảm thiết tha với
giang sơn đất nước.

You might also like