You are on page 1of 5

SỰ CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ TRONG PHONG CÁCH THƠ CỦA HUY CẬN

THỂ HIỆN QUA PHÂN TÍCH KHỔ THƠ ĐẦU CỦA HAI BÀI THƠ “TRÀNG
GIANG” VÀ “ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ”

Nam Cao đã từng nói: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một
vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi,
khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." Sáng tạo là một yếu
tố mà lịch sử văn học luôn trân trọng. Văn học không cho phép người nghệ sĩ lặp lại
người khác và lặp lại chính bản thân mình. Nhờ đó, ta biết đến Nam Cao với một Lão Hạc
chết trong sự đau đớn, một Chí Phèo lưu manh, tha hoá.Và Huy Cận cũng là một nhà thơ
không ngừng đem đến cho đời những cái nhìn mới.

Trước Cách mạng tháng Tám, Huy Cận được biết đến như là một trong những nhà thơ
tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới. Tiếng thơ của ông “ảo não” mang nặng “nỗi sầu
vạn cổ”, “nỗi buồn thiên thu’, thấm đượm cả nỗi sầu nhân thế và tấm lòng yêu nước thầm
kín của thi sĩ.Cùng với đó là sự kết hợp của chất cổ điển và hiện đại làm nên một vẻ đẹp
riêng độc đáo. Nhưng tựu chung lại, có thể thấy nổi bật lên trong thơ Huy Cận là khát
vọng được hoà nhập giữa cá thể và vũ trụ, con người và thiên nhiên. Sau Cách mạng,
cũng vẫn mang ước vọng lớn lao ấy, nhưng được ngọn gió cách mạng thổi vào những
luồng sinh khí mới, thơ Huy Cận tràn ngập niềm hân hoan, hoà mình vào cuộc chiến đấu
của đất nước, và sự hồi sinh từng ngày của quê hương.Thơ Huy Cận trước Cách mạng,
căn bản là tiếng nói sầu muộn của cái tôi phi hòa điệu. Trái lại, sau cách mạng, là tiếng
nói của một cái tôi hân hoan luôn thấy được hòa điệu với cuộc đời lớn. Nếu ở chặng sau,
tập tiêu biểu là Trời mỗi ngày lại sáng, bài điển hình là Đoàn thuyền đánh cá, thì ở chặng
trước, tập nổi bật là Lửa thiêng với bài kết tinh là Tràng giang.

Tràng giang được gợi cảm hứng từ một buổi chiều cuối thu nơi bờ nam bến Chèm, trước
khung cảnh sống Hồng đang mùa nước lớn. Chàng thi sĩ chứng kiến những cánh bèo,
cành củi đang trôi nổi giữa dòng nước mênh mông mà gợi ngay lên một tứ thơ. Bao trùm
bài thơ dường như là một nỗi buồn mênh mang vô tận của thi sĩ khi đứng trước thiên
nhiên, đất nước và cuộc đời. Ngay từ nhan đề bài thơ đã gợi ra chất cổ điển rất riêng của
Huy Cận. Nhà thơ dùng một từ Hán – Việt để đặt nhan đề cho bài thơ của mình. Từ Hán
Việt có tác dụng lớn nhất là gợi ra không khí cổ điển, trang trọng và phảng phất chất
Đường thi. Không những vậy thay vì dùng “Trường giang” Huy Cận biến âm dùng Tràng
giang, hai âm “ang” được đặt liên tiếp là âm mở vừa gợi được cái dài rộng của không gian
vừa gợi được cái mênh mang, bát ngát man mác xúc cảm trong lòng độc giả. Bên cạnh đó
“Tràng giang” còn có sức khái quát.Nó không phải là một con sông cụ thể nào, không
phải con sông của đời thường mà dường như là con sông của lịch sử, của văn học, của thi
nhân và còn là con sông cuộc đời. Bước qua nhan đề, người đọc lại gặp ngay lời đề từ
“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” như bao trọn cảm hứng của toàn bài thơ. Đó là
không gian của trời rộng sông dài, là cảm xúc của bâng khuâng thương nhớ. Thế cho nên
nếu toàn bài thơ là không gian rộng lớn là cảm xúc thoáng buồn thì cũng hoàn toàn là hợp
lý.
Trong mạch cảm xúc như thế khổ một mở ra một không gian sông nước rộng lớn mênh
mang:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp


Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Nét cổ điển của bài nằm ở cách tác giả chọn thi liệu, ở khổ thơ đầu, hình ảnh thơ không
mới mẻ mà là những thi liệu hết sức quen thuộc trong thơ cổ như: Sóng nước,
thuyền.Những con sóng khẽ gợn, nối tiếp nhau đến vô cùng, vô tận, tầng tầng lớp lớp
không dứt.Chuyển động của con sóng chỉ là “gợn” rất khẽ, rất nhỏ dường như tan đi trong
cái không gian mênh mông của sông của trời. Con sóng đi cùng với tràng giang đã không
còn là con sóng thực mà dường như mang một lớp nghĩa ẩn dụ mới. Nó gợi đến nỗi buồn
trong tâm hồn con người trước sự dài rộng của không gian,sóng nước mà cũng là sóng
lòng.Cùng với hình ảnh sóng nước là hình ảnh con thuyền đang lênh đênh xuôi theo dòng.
Hình ảnh này như gợi đến kiếp sống nổi lênh của một lớp người bé nhỏ trong xã hội. Đây
cũng là một thi liệu quen thuộc gần như đã trở thành chuẩn mực trong văn học. Trong thơ
Đường, ta đã từng bắt gặp hình ảnh con thuyền và dòng sông đầy ám ảnh, trĩu nặng cái
tình của người đưa tiễn:
Cô phàm viễn cảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
(Lí Bạch)
Ở đây,con thuyền của Huy Cận không còn là con thuyền mang vẻ đẹp kĩ vĩ nữa mà nó
thoáng vẻ mênh mang gợi cái chia lìa xa cách:

Con thuyền xuôi mái nước song song


Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Con thuyền thì nhỏ bé, hữu hạn mà dòng sông thì rộng lớn vô hạn. Cái hữu hạn đối với
cái vô hạn dường như càng tô đậm cảm giác nhỏ bé cô đơn. Hơn thế nữa thuyền và nước
vốn là những sự vật gắn bó nước chảy thuyền trôi vậy mà ở đây lại bị chia tách với hai
chuyển động ngược chiều về hai phía khác nhau. Cặp từ láy “điệp điệp”, “song song” ở
hai câu thơ trước đã tô đậm ấn tượng về nỗi buồn mênh mang đang lan trên mặt nước, lại
càng có tác dụng hơn khi tạo nên cấu trúc câu song ứng và rồi đến câu thơ thứ ba thì hai
vế đối song ứng được dồn vào một câu thơ. “Thuyền về” đối với “nước lại” như nhấn vào
cảm giác chia lìa đôi ngả cùng với nỗi ‘sầu trăm ngả’ lan toả khắp không gian. Và phải
chăng vì sự chia lìa đó mà dòng sông tràng giang càng thêm u buồn lặng lẽ?
Nếu ba câu thơ đầu mở ra một không gian Đường thi mang đậm chất cổ điển thì câu thơ
thứ tư lại mang dáng vẻ của thơ ca hiện đại:

Củi một cành khô lạc mấy dòng

Hình ảnh cảnh củi khô đang trôi dạt giữa dòng nước mênh mang như một nét chấm phá
thực sự đặc biệt, như một họa tiết nổi bật trên nền thi liệu cổ, và có lẽ, thi liệu này đến
Huy Cận mới tinh tế đến thế.Cành củi khô bộc bạch hết cái giản đơn, mà thâm chí có
phần thô kệch hơn so với những tùng, cúc, trúc, mai đầy trang nhã. Tuy nhiên, chính cái
dung dị, đời thường lại mới chính là cái độc đáo, khác biệt và mới của Thơ mới.Nghệ
thuật tăng tiến nhưng ý nghĩa giảm dần càng như nhấn mạnh hơn vào cành củi khô, nhỏ
bé, khô héo, cạn kiệt sức sống. Ý thơ này có lẽ vừa được khơi nguồn từ hình ảnh thực khi
nhà thơ đứng ở bờ nam bến Chèm giữa mùa nước lớn, những cành cây khô trôi từ thượng
nguồn về bến sông. Nhưng có lẽ nó còn mang một lớp nghĩa ẩn dụ khác. Nó gợi về một
lớp người lúc bấy giờ trong xã hội. Ý thơ này càng được làm rõ hơn với từ “lạc” dường
như là sự trôi nổi vô định, mất phương hướng. Một cành củi khô héo không sức sống mà
vẫn bị giằng xé, chao đảo giữa dòng nước mênh mang của cuộc đời. Và nếu vi dòng
trường giang như dòng đời, thì cành củi khô này chính là cành củi của thân phận, của kiếp
người - một kiếp người bế tắc, bấp bênh, lạc lõng, mất phương hướng trước hiện thực xã
hội tàn khốc.Hình ảnh này thể hiện sức sáng tạo của Huy Cận khi ông đã mang vào thơ
một hình ảnh rất đời, rất thực tạo ra một hình ảnh mới giàu sức gợi, đậm chất hiện đại phá
vỡ tính ước lệ và cổ xưa của thơ Đường. Như vậy khổ thơ thứ nhất đã gợi lên không gian
mênh mông rộng dài của sông nước, gợi thân phận nhỏ bé mất phương hướng giữa cuộc
đời của một lớp người, gợi được nét buồn phảng phất mênh mang. Đồng thời, khổ thơ vừa
mang vẻ đẹp cổ điển lại vừa hòa quyện nét hiện đại mới mẻ, tạo nên một bức tranh thiên
nhiên giàu sức gợi.Có thể thấy,vào thời điểm này, Huy Cận dường như không tìm được
sự tri âm, đồng điệu mà “xuôi, lạc, trăm ngả”. Có lẽ vì vậy mà khi nhận xét về cái tôi cá
nhân lúc bấy giờ, Hoài Thanh mới gọi Huy Cận là điển hình cho sự “ảo não”.

Cũng là hình ảnh con thuyền nhưng đến với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” không còn nỗi
buồn lẻ loi, cô đơn mà thay vào đó là một sức sống mới. Đó là sức sống của thiên nhiên
đất nước buổi hoàng hôn tráng lệ:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa”

Ngay từ những vần thơ đầu tiên, Huy Cận đã mang đến cho bạn đọc một âm hưởng khoẻ
khoắn của bài ca lao động. Mặt trời cuối ngày từ từ “xuống biển”, mang theo những tia
nắng cuối cùng của một ngày, như một “hòn lửa” khổng lồ. Biện pháp so sánh “mặt trời
như hòn lửa” được sử dụng đầy thi vị và độc đáo đến lạ thường. Nếu nói thơ là hoạ thì
quả thật thi sĩ đã mang đến một bức tranh tuyệt mỹ của cảnh hoàng hôn trên biển. Ánh đỏ
của mặt trời chiều như nhuộm cả một vùng mây nước rồi ngụp lặn nơi biển khơi rộng lớn.
Hoàng hôn nhưng vũ trụ không hề gợi cảm giác tàn lụi mà lại chuyển động khoẻ khoắn.
Điều này khác xa phong cách của Huy Cận trước cách mạng tháng Tám – một con người
luôn cô đơn, nhỏ bé, một mình ôm “mối sầu vạn cổ” đối diện với vũ trụ bao la, rợn
ngợp.Thiên thiên giờ đây như ngôi nhà của vũ trụ được nhân hóa qua động từ “cài then”:
sóng biển như chiếc then cửa, nhốt ánh sáng bằng một động tác “sập cửa” mau lẹ.. Cảnh
vật như chìm vào giấc ngủ. Không còn là hình ảnh “không khói hoàng hôn nhớ nhà” ảo
não, hoàng hôn trong thơ Huy Cận sau cách mạng tháng Tám là một sức sống âm ỉ, mạnh
mẽ và tươi mới.Thiên nhiên hùng vĩ, mênh mang mà cũng gần gũi biết bao khi được ví
với những thứ thân thuộc trong ngôi nhà của mỗi người. Huy Cận đang nhìn biển bằng
con mắt của những người ngư dân gắn bó cả đời với biển, coi biển là nhà. Và khi thiên
nhiên ngưng nghỉ sau một ngày chiếu sáng vất vả thì cũng là lúc người dân chài bắt đầu
hành trình của một ngày lao động mới. Những người con khoẻ khoắn của biển hào hứng
ra khơi :

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi”,

Tinh thần lao động hăng say khiến họ quên đi màn đêm đang bao trùm biển cả, không
ngại khó, sợ khổ. Một cụm từ “lại ra khơi” đủ để Huy Cận khắc họa cho người đọc thấy
đây là công việc hết sức quen thuộc với những ngư dân này. Nhưng quen thuộc mà không
hề tẻ nhạt, nhàm chán, trái lại vẫn tràn đầy hứng khởi, say mê. Niềm say mê ấy cất lên
thành khúc hát:

“Câu hát căng buồm cùng gió khơi”.

Câu hát chính là lòng say mê, là tinh thần lao động nhiệt thành của con người ngân lên, để
hoà nhập cùng biển khơi mênh mông. Chính tiếng hát ấy đã nâng con người lên ngang
tầm vũ trụ. Câu hát – cánh buồm – gió khơi biểu thị cho mối quan hệ giữa con người với
thiên nhiên – tất cả cùng hoà nhập, trở thành động lực đưa con thuyền tiến ra biển cả hùng
vĩ. Và đoàn thuyền ra khơi mang theo khúc hát lên đường tràn đầy hứa hẹn, hi vọng vào
một thành quả lao động tốt đẹp của những người dân chài.

Với Tràng Giang, ta đã từng lưu luyến, trăn trở bởi “tiếng vãn chợ chiều” đầy chất sầu bi
cùng với ‘con thuyền’ lạc lõng,chơ vơ giữa dòng nước miên man. Nhưng bài thơ “Đoàn
thuyền đánh cá” với những vần thơ đầy hứng khởi, đã mang đến hình ảnh con người nhiệt
tình lao động cùng cất lên bài ca tráng lệ, không phải ‘con thuyền ’nữa mà giờ đây là
‘đoàn thuyền’,đã có sự liên kết giữa người với người,cùng nhau phát triển . Đây cũng
chính là những vần thơ khởi đầu cho hình tượng con người mới – con người lao động
trong thời kỳ đi lên xã hội chủ nghĩa. Khổ thơ ngắn nhưng tràn ngập hình ảnh. Nghệ thuật
liên tưởng, so sánh, nhân hoá độc đáo đã giúp Huy Cận dựng lên một bức tranh hùng vĩ
về thiên nhiên và con người.
Có thể thấy,qua phân tích khổ thơ đầu của hai bài thơ “Tràng giang” và “Đoàn thuyền
đánh cá” , đã sự chuyển mình mạnh mẽ về phong cách thơ của Huy Cận bởi lẽ trước cách
mạng tháng Tám, bạn đọc vô cùng nao lòng vì những vần thơ “gọi dậy cái hồn buồn của
Đông Á” (Xuân Diệu) khi chịu ảnh hưởng của văn học Pháp cũng như niềm yêu thích với
thơ Đường của Huy Cận. Sau cách mạng tháng Tám, vần thơ của tác giả đã bám sát vào
mảnh đất hiện thực màu mỡ và chuyên chở một luồng sinh khí mới cùng cảm hứng sức
sống mới.Sử dụng cùng những hình ảnh mang đậm nét cổ điển nhưng thơ Huy Cận trước
cách mạng mang nỗi ‘sầu ảo não’ còn sau cách mạng thì tươi mới chất hiện thực cùng bút
pháp lãng mạn. Có lẽ,trước sứ mệnh phản ánh hiện thực, Huy Cận không thể để ngòi bút
của mình vấn vương mãi trong nỗi suy tư. Nhà thơ đã phải đặt bút, phải mang những tinh
thần mới vào vần điệu thơ ca.Đây cũng chính là minh chứng cho phong cách của một
người nghệ sĩ chân chính.

You might also like