You are on page 1of 7

Phân tích Tràng giang

“Có lẽ tạo vật đau thương, đất trời vắng lạnh vì nỗi lòng ta xa cách tạo vật đó thôi. Ta
hãy trở về, ta hãy nhập cuộc, có nhịp sống đưa nâng, có dòng đời xô đẩy, cái vui lớn, cái vui
trọng đại dâng sóng tràn khắp cõi đời.” Đó là Huy Cận- cây bút đến từ Hà Tĩnh, là một thành
viên xuất sắc của phong trào thơ mới. Với vốn văn hóa phong phú, dòng cảm xúc tinh tế, chân
thực và quan điểm nghệ thuật rõ ràng cùng màu sắc riêng biệt, Huy Cận đã trở thành một trong
bốn đỉnh cao của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ. Càng trưởng thành, con người ấy càng nhạy
cảm với cuộc sống của chính mình để rồi sự tinh tế cùng lòng yêu mến, trân trọng thiên nhiên và
con người trong ông ngày càng nở rộ bởi truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương. Thơ của
ông chia ra làm hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng tám. Trong đó “ Tràng giang” có lẽ
là tác phẩm đại diện cho nét thơ trước Cách mạng tháng tám của thi sĩ- sự hòa quyện giữa cái tôi
hồn nhiên và vẻ u hoài. Thi phẩm không chỉ mang nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước thiên nhiên
mênh mông, hiu quạnh, mà còn thấm đượm một nỗi sầu nhân thế và tình yêu nước thầm kín.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song”
“Tràng giang” được viết vào thu năm 1939 và ra mắt lần đầu vào năm 1940, in trong tập
“Lửa thiêng”. Tập thơ mang một nỗi buồn da diết cùng hình ảnh thiên nhiên bao la, hiu quạnh
nhưng chính nó đã giúp Huy Cận trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của phong trào
Thơ mới lúc bấy giờ. Tràng giang được gợi cảm hứng từ một buổi chiều cuối thu nơi bờ nam bến
Chèm, trước khung cảnh sống Hồng đang mùa nước lớn. Chàng thi sĩ chứng kiến những cánh
bèo, cành củi đang trôi nổi giữa dòng nước mênh mông mà gợi ngay lên một tứ thơ. Bao trùm
bài thơ dường như là một nỗi buồn mênh mang vô tận của thi sĩ khi đứng trước thiên nhiên, đất
nước và cuộc đời. Ngay từ nhan đề bài thơ đã gợi ra chất cổ điển rất riêng của ông. Huy Cận là
tiếng thơ mang âm hưởng Đường thi rất đậm, bởi thế ngay ở nhan đề thi nhân đã sử dụng từ Hán
Việt gợi không khí trang trọng, cổ điển, phản phất chất thơ thời Đường. Nhưng cớ sao không
phải “trường giang” mà Huy Cận biến âm lại thành “tràng giang”. Hai âm “ang” liên tiếp nhau là
âm mở vừa gợi được cái dài cái rộng, vừa gợi được cái mênh mang, bát ngát trong từng xúc cảm
của cái “tôi” trữ tình. Bên cạnh đó “tràng giang” còn có sức khái quát. Nó không phải là một con
sông cụ thể nào, không phải con sông đời thường, dường như là con sông của lịch sử, của văn
học, của thi nhân và là con sông cảu cuộc đời.
Bước qua nhan đề, người đọc lại gặp ngay lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông
dài” như bao trọn xúc cảm của toàn bài thơ. Trước cảnh “trời rộng”, “sông dài” kết tinh thành
bức tranh thiên nhiên bát ngát, mênh mông của thiên nhiên, con người hòa vào một nỗi “bâng
khuâng” với trời đất. Trời tuy rộng nhưng lại buồn thương, mênh mang, sông tuy dài nhưng lại
quạnh hiu đến thê lương. Phải chăng, thời gian lúc ấy đang là buổi xế tà với ráng lam chiều
hoang hoải, con người một thân một mình bâng khuâng giữa không gian rộng mở của cả trời và
đất. Nỗi niềm nhà thơ trôi cùng dòng nước lặng lờ dưới sông, cùng đám mây chùng chình trên
khoảng không vời vợi
Mang nỗi buồn ấy vào trong từng nhịp thở, mở đầu bài thơ là những nét chấm phá mộc
mạc về thiên nhiên:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song”
"Tràng giang" là con sông dài, con sông bất tận với những gợn sóng lăn tăn. Nhịp thơ 4/3
mang âm hưởng chậm rãi, đìu hiu với từ láy "điệp điệp" tả nỗi buồn. Từng đợt sóng trên mặt
nước làm nên một câu thơ động. Con sông như trải rộng ra theo tầm nhìn của thi nhân. Câu thơ
không hề tĩnh, sự lay động của thiên nhiên được tác giả bắt trọn vào câu chữ. Người xưa có câu:
"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ", con sông không đơn thuần chỉ mang dòng nước, mà còn
mang có nỗi u buồn của nhân vật trữ tình. Con sông rộng dài hay nỗi buồn ngày càng rộng thêm
ra. "Con thuyền xuôi mái nước song song", trong cái không gian cao vời vợi của trời mây, cái
miên man của những con sóng, thuyền trở nên đơn côi đến lạ lùng. Thuyền xuôi theo dòng nước,
thuyền vô định để mặc sóng xô đi. Chàng thơ Huy Cận ẩn mình vào “con thuyền” ấy trôi nhẹ
theo dòng chảy mang hơi thở của vạn vật, trôi nhẹ giữa thiên nhiên vũ trụ kì vĩ khi mang trong
mình nỗi buồn nhân thế. Không chỉ là "tràng giang", con sông dài, mà còn là "song song", những
luồng nước nối đuôi nhau xa mãi tận chân trời. Hai từ láy "điệp điệp" và "song song" tạo âm
hưởng vang vọng như âm thanh dội lại giữa núi rừng, khiến câu thơ dài hơn, trầm hơn, mang cho
ta xúc cảm lạc lõng, trầm luân, dội vào lòng người đọc một nỗi buồn tha thiết.
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Con thuyền thì nhỏ bé, hữu hạn mà dòng sông thì rộng lớn vô hạn. Cái hữu hạn đối với
cái vô hạn dường như càng tô đậm cảm giác nhỏ bé cô đơn. Lấy nỗi sầu làm tinh thần chủ đạo,
Huy Cận luôn chọn thiên nhiên, nói thiên nhiên sầu hay là nói ra chính cái sầu trong tâm khảm.
Người đời “mượn rượu giải sầu” còn chàng thơ lại mượn cái thần, cái sắc của vạn vật, qua lăng
kính của con người ấy nỗi buồn say không lối thoát, trôi ra vô hạn, chảy vào dòng thơ. "Thuyền
về nước lại sầu trăm ngả", bóng thuyền chỉ mới vừa xuất hiện đã lại biến mất, nước "sầu", nước
buồn nhớ thương thuyền hay chính tác giả buồn sầu. Thuyền đi rồi, nỗi "sầu trăm ngả" có phần
mơ hồ, vô cớ. Thuyền nào đi mãi rồi chẳng đến bờ, nhưng nước vẫn mang nỗi nhớ nhung, buồn
bã. Trên mặt nước lặng lờ ấy, hình ảnh "củi một cành khô" trôi vô định, "lạc mấy dòng" giữa
luồng nước mênh mang. Hình ảnh động, biện pháp đảo ngữ "một cành củi khô" thành "củi một
cành khô" gợi sự cô tịch đến tang thương. Sóng cứ lăn tăn, nước cứ hững hờ, chỉ có một cành củi
nhỏ bé, khô khốc lạc trôi theo dòng nước, như tiếng lòng kẻ say tình cứ cô độc, man mác trôi.
Những dòng thơ đều có những hình ảnh, chi tiết tả sự vận động của nước, của trời, nhưng những
âm thanh ấy chẳng đủ để khỏa lấp nỗi chơi vơi trong lòng. Kết cục lại vẫn là sự lạc lõng, cô đơn,
hoang hoải trôi theo con nước tới nơi vô định. Tâm hồn Huy Cận chứ nhiều mâu thuẫn, nhà thơ
vừa khao khát cái xa xôi lại vừa xợ cái xa xôi. Muốn thoát cái nhỏ hẹp nhưng khi đối diện với cái
rộng lớn vô hạn lại cảm thấy cô đơn, bé nhỏ:
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
Những nàng tiên dần chết
Mơ mộng thuở xưa đâu”
( Ê chề - Huy Cận)
Tràng giang là một bức tranh miêu tả đa chiều về cảnh sắc thiên nhiên của vùng ven sông
trong một buổi chiều tà hiu quạnh. Mở đầu với tầm nhìn ngút mắt của sông, của trời, Huy Cận
bắt đầu những nét chấm phá về cây cối, cảnh vật bên bờ sông:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống trời lên sâu chót vót,
Sông dài trời rộng bến cô liêu.”
Biện pháp đảo ngữ đẩy từ “lơ thơ” lên đầu đã nhấn mạnh vào cảm giác thưa thớt, nhỏ bé
của những cồn cát. Cùng với đó là hai từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đứng ở đầu và cuối câu thơ như
gợi ra cái hiu quạnh, vắng vẻ, lẻ loi, cô đơn của cảnh vật. Những cồn cát nhỏ ven sông trong cái
gió đìu hiu của lau lách, hoang vu như làm dấy lên trong lòng người nỗi cô đơn, buồn vắng.
Cảnh vật đan xen với nhau, hòa trong nỗi buồn của chàng thơ. Không gian tĩnh lặng ấy càng
được nhấn:
“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Chợ trong tâm thức người Việt gắn với tươi vui, bởi đó là nơi gặp gỡ, giao lưu của người
dân xưa. Thế nên chợ vãn, chợ tàn sẽ gợi nên sự vắng vẻ, gợi nỗi buồn. Nó làm ta khơi gợi lại
cảnh chợ tàn trong chiều hoàng hôn đỏ rực qua đôi mắt của cô bé Liên trong “Hai đưa trẻ”, nơi
khu chợ vắng vẻ ảm đạm đến nao lòng. Ở đây, nhà thơ của cảnh sắc quê hương tiếp tục dùng
biện pháp lấy động để tả tĩnh. Âm thanh vang lên những lại chỉ là âm thanh từ xa vọng lại và
cũng là âm thanh của chợ vãn nên dường như có như không, gợi cái tĩnh lặng hơn cái ồn ào, tấp
nập. Từ “đâu” đứng ở đầu câu thơ tạo ra nhiều cách hiểu. Nó có thể là từ để hỏi như đâu đó tiếng
chợ chiều vọng đến, cũng lại có thể là từ phủ định, làm gì có, đâu có đâu tiếng chợ chiều. Đến cả
tiếng chợ vãn, chợ tan mà cũng như có như không thì bức tranh đó phải tĩnh lặng, buồn vắng tới
mức nào. Một lần nữa bút pháp cổ điển lại giúp tác giả gợi được cái vô hạn của không gian và sự
nhỏ bé của sự vật, cái tĩnh lặng của cảnh sắc với những âm thanh bé nhỏ của cuộc sống. Trong
bức tranh ráng lam chiều bên triền sông Hồng màu mỡ, thời điểm đáng ra là giờ khói cơm với
những làn khói đụn lên từng hồi thì ở nơi đây, thời gian và cảnh vật chỉ rặt một nỗi buồn. Buồn
của lòng người đượm vào thiên nhiên, buồn của giọt nắng sắp tắt. Từ sự đối lập tương phản đó
bức tranh buổi chiều, cảnh ngày tàn hiện lên:
“Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu.”
Câu thơ đầu như một sự mở rộng về không gian. Huy Cận đã có sự quan sát tinh tế và kĩ
càng để nhận thấy nắng càng xuống trời càng lên cao. Không gian như được mở ra hai chiều
rộng dài đến bát ngát. Thêm nữa chuyển động trái chiều mang lại cảm giác mạnh cho người đọc
về một không gian như được mở dần ra. Nhưng chưa dừng lại ở đó, “người dệt nên những vần
thơ hàm súc, triết lí” đã có cách dùng từ ngữ thật sáng tạo. Nếu thông thường chúng ta dùng từ
“chót vót” để gợi độ cao thì ở đây ông dùng từ này để chỉ độ sâu. Sự bất thường này lại mang
đến một hiệu quả lớn. Bạn đọc như nhận ra một chiều khác nữa của không gian sông nước đó là
chiều sâu, không gian được đẩy tới tận cùng tạo ra một chiều kích mới. Và phải sâu đến độ nào
để thi nhân phải thốt lên “sâu chót vót”. Cụm từ sáng tạo này càng khiến cho khung cảnh thêm
rợn ngợp, cái lẻ loi chống chếnh của con người càng được tô đậm thêm. Ở câu thơ sau một lần
nữa các chiều kích của không gian được nhắc lại trong cái vô hạn của đất trời. Và không gian
càng mở ra bao nhiêu thì cảm giác cô liêu càng được nhấn mạnh bấy nhiêu. Cái điểm dừng bé
xíu của bến cô liêu như lạc giữa đất trời, như lẻ loi đến cô độc. Bức tranh xuất hiện những gam
màu vốn không đen tối nhưng lại chẳng thể làm cảnh sắc thêm tươi sáng, thêm sức sống. Huy
Cận luôn mang nỗi khắc khoải không gian. Chủ thể trữ tình xuất hiện giữa không gian trần thế,
bị đóng khong trong những giới hạn chật chội nên luôn khát vọng giao tiếp, khát vọng chiếm lĩnh
không gian trên cao. Trong khổ thơ thứ hai qua cái nhìn bao quát toàn cảnh vật của thi nhân đã
mở rộng không gian ra mọi chiều kích, tới không giới hạn để rồi nhìn lại con người càng thêm bé
nhỏ, trống vắng và cô quạnh.
Hướng điểm nhìn vào hai bên bờ sông, chàng thi sĩ phát hiện ra hàng loạt những hình ảnh
khác nhỏ bé của bến sông và dường như các hình ảnh này càng giúp thi nhân tô đậm sự buồn
vắng, cô quạnh, chia lìa.
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
Từng hình ảnh hiện ra theo trình tự quan sát, nhìn từ điểm gần trước mắt cho đến tầm
nhìn xa bao quát cả dòng sông. Những cụm bèo "hàng nối hàng" gợi sự chen chúc, nhưng lại
"dạt về đâu", trôi vô định, mất phương hướng. Dường như dó là sự chen chúc trong dòng chảy
đầy tâm tư của một linh hồn đa sầu đa cảm. Mắc kẹt ở đó là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn thời
cuộc, nhưng lại trôi xa vô định, bất lực. Từ "dạt" cũng bày tỏ sự lênh đênh, chìm nổi. Ngay cả
những phương tiện để di chuyển trên con sông dài thường ngày nay cũng chẳng hề xuất hiện.
"Không một chuyến đò ngang", "không cầu", không có sự kết nối nào với thế giới từ vị trí của thi
sĩ. Cuộc sống dường biệt lập, tách lìa hoàn toàn nơi nhà thơ đang đứng. Phải chăng, hình ảnh bèo
trôi dạt chính là thân phận của nhà thơ trong xã hội đương thời, số phận của một trí thức yêu
thiên nhiên, yêu cái đẹp nhưng chẳng thể xác định được bản thân muốn gì, cần gì. Trong tâm
thức thi ca lạc lõng người bạn của Huy Cận- Xuân Diệu cũng đã có những dòng thơ đầy thao
thức ở nơi sông nước trong “Đây mùa thu tới”:
“Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò”
Giữa mênh mông bể sở, không cầu, không thuyền, hay chẳng có sự giao lưu nào với nhân
loại. Sông nước dài rộng, "bờ xanh tiếp bãi vàng" lại càng làm không gian dài dằng dặc, hun hút.
Người đọc hình dung về hai luồng suy nghĩ trong thâm tâm tác giả, rằng Huy Cận khao khát một
sự liên lạc với con người, khao khát một chuyến đò, một cây cầu để được giao tiếp, được tìm
kiếm tri âm, hay chính ông đã từ bó cái náo nhiệt ngoài xã hội kia để về với nơi cồn cát đồng
không mông quạnh này, nhìn chuyến đò dần dần biến mất mà tiếc nuối, níu kéo. Tất cả đã tạo
nên một âm hưởng buồn thương, đìu hiu, bao trùm lên cả sự vật.
Sau những bãi bồi, nhà thơ đặt hồn vào những sự vật đang di chuyển trên tầm trời cao:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Hai câu đầu của khổ thơ mang đậm ý vị của Đường thi, nhuốm màu sắc cổ điển. Đó là cảnh buổi
chiều, cảnh hoàng hôn với cánh chim và chòm mây những thi liệu vô cùng quen thuộc trong thơ
ca. Ở “Thu điếu”, Nguyễn Khuyến viết lên bầu trời tinh khiết bay bổng một cách trong lành :
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”
Nhưng ở thi phẩm này hình ảnh lớp lớp mây cao bảng lảng trôi trên bầu trời, từ láy "lớp
lớp" hô ứng với "điệp điệp" tạo cảm giác chồng chất. Thời gian đã ngả từ xế trưa sang chiều, rồi
cuối cùng là "bóng chiều sa" theo cánh chim vội vàng tìm nơi trú ẩn. Hoạt động của một ngày
thường nhật đang chạy đua với thời gian. "Núi bạc" là núi bạc vì sương khói, vì những đám mây
trung thấp xuống che phủ đỉnh núi cao. Như một bức tranh thủy mặc, có mây, có núi, có sông
nước, điểm xuyết vài cánh chim nhỏ hối hả trốn màn đêm, bao phủ là sự cô đơn, ảm đạm. Một từ
rất đắt trong câu thơ tả cảnh, "đùn núi bạc", từ "đùn" thể hiện sự vận động với tốc độ nhanh
chóng. Từng đợt mây bay nhanh, những đám mây khổng lồ xếp chồng, đùn đẩy nhau tạo nên
một bức màn bạc mờ ảo. Trước cảnh thiên nhiên cô tịch ấy, lòng người thi sĩ không khỏi thốt lên
một tiếng đời:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Dòng sông miên man với những con sóng chạy đua, chạy đua đến cùng trời cuối đất để
rồi lắng tai nhận ra một tiếng sóng khác biệt, tiếng sóng của làng quê. Thả hồn mình vào thiên
nhiên, để cho tâm hồn được dạo chơi với vũ trụ, cuối cùng, Huy Cận cũng gom lòng mình lại,
quay trở về với thực tại trong thời khắc giao thoa giữa ngày đêm. Dòng sông dài, "Tràng giang"
của đất trời hay chính là tràng giang của lòng người, tiếng thôn quê mộc mạc giản đơn rốt cuộc
cũng là cái để người ta mơ, người ta nhớ khi một mình một thân phận bé nhỏ. Dòng sông giống
như biểu tượng của sự trường tồn và vĩnh cửu, là chất điểm đạm, hiền hòa hàng ngàn năm vẫn
thế. Tổ hợp từ láy từ "điệp điệp", "song song", "lớp lớp" và cuối cùng là "dợn dợn" gợi sự triền
miên, dòng sông vẫn chảy như thế, con nước vẫn một đi không bao giờ trở lại, chỉ còn nhà thơ ở
đây, lòng khôn nguôi nỗi khắc khoải thương nhớ quê nhà. "Khói hoàng hôn" chính là khói bếp,
là bữa cơm của bà, của mẹ, là những ngày tháng tuổi thơ rong chơi vơ vẩn, chỉ mong đến giờ
chiều về nghi ngút khói bếp, lấm lem nhọ nồi. Tâm trạng của một người con xa quê hiện rõ mồn
một trong tâm lí tác giả, buổi chiều, cái dớp chiều tàn buồn bã khiến tâm hồn ấy không tránh
khỏi nhớ nhung. Nỗi nhớ của chàng thơ cũng là nỗi nhớ hàng ngàn năm trước của Thôi Hiệu:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Nhưng nỗi nhớ ấy có phần cao hơn khi Huy Cận gợi lên trong tâm khảm một nỗi nhớ da
diết nhưng không phải của kẻ tha hương nơi đất khách nhìn khói sóng mà buồn sầu. Đó là nỗi cô
đơn cố hữu của phận người, là nỗi cô đơn khi con người không được hòa hợp đồng điệu với thế
giới này. Giống như lời tâm sự trữ tình, sự vấn vương, tình cảm da diết cho quê hương được Huy
Cận gửi gắm vào tác phẩm. Ở đây, thi nhân không bị cô đơn, mà là tự cô đơn mà ngày một chìm
đắm vào nỗi cô đơn bản thể..
Tràng giang có mặt trong thi ca, gắn bó với thi ca, hòa quyện với thi ca có lẽ là một điều
không quá khó hiểu. Huy Cận đem tác phẩm đến với cuộc đời không chỉ với một tâm hồn da diết
đầy thổn thức, mà còn là những tinh hoa văn học nhuần nhuyễn chẳng biết từ thuở nào. Nghệ
thuật đặc sắc trong Tràng giang là những hình ảnh sinh động nhưng đầy ý vị. Đó là chủ thể trữ
tình nấp sau cảnh sắc thiên nhiên nơi bờ nam bến Chèm, đó là những cành củi, sông dài, trời
rộng,… Tràng giang được kết tinh bởi sự giao thoa của những biện pháp đảo ngữ, ẩn dụ đầy hàm
súc, là cái vô hình ẩn sau những thứ hữu hình. Bài thơ thấm đậm chất Đường thi từ thi đề, thể thơ
đến một thiên nhiên cổ kính, vô biên bao trùm cả tác phẩm. Những điều nhỏ lẽ nhưng tất yếu ấy
tạo nên một cảnh sắc Tràng giang đầy thao nức.
Ta nhận thấy trong tác phẩm là sự dửng dưng lạnh lùng của tạo vật với con người. Hình
tượng cái “tôi” trữ tình trong bài thơ như một kẻ chơi vơi không một chỗ đứng xác định nào
trong không gian tràng giang. Nó là kẻ lạc bước, lạc chân, không được tạo vật chào đón, đoái
hoài. Diễn tả sự hòa điệu con người với thiên nhiên tạo vật, nghệ thuật thường tạo dựng một bầu
quan hệ thân thiện giữa người và vật. Trong đó, thiên nhiên thường mở lòng, thậm chí quây
quần, quấn quýt quanh con người. Một thiên nhiên hữu tình. Theo đúng tinh thần sâu khổ, buồn
thương, bài thơ mang đến cho ta một cảm giác thê lương, cô quạnh đến nao lòng. Tràng Giang là
lời tâm sự, giãi bày của một người con tha hương xa quê, trước cảnh đẹp động lòng của thiên
nhiên xế chiều mà tức cảnh sinh tình, xuất khẩu thành thơ. Giữa cái mênh mông, rộng lớn tột
cùng của thiên nhiên là một trái tim khao khát được cảm, được yêu thương, một cái tôi cô tịch,
nhạy cảm, mỏng manh.
Huy Cận bước tới thi đàn bằng một tâm hồn đa sầu đa cảm. Nhà thơ buồn vì kiếp người
nô lệ đau khổ cũng chỉ vì nhà thơ rất thiết tha với cuộc sống tự do và niềm vui hành phúc của
con người. Tình cảm yêu đời của thi nhân biểu hiện ngược thành nỗi đau quằn quại. Bởi thế, nỗi
buồn ấy không chán chường, bi lụy mà trong trẻo, dễ cảm thông. Trong “Tràng giang” nhà thơ tự
nhận ra cái tôi cô đơn của mình trước vũ trụ, thiên nhiên bao la. Triền miên trong nỗi buồn
thương nhưng Huy Cận không bị cuốn vào vòng xoáy tuyệt vọng hay một thế giới siêu thực như
nhiều nhà thơ khác giai đoạn ấy. Ông vẫn tha thiết với cuộc đời và dành trọn những gì chân
thành nhất cho nó, đắm say vào cảnh sắc của đất nước, quê hương và hòa mình với hương vị
nồng nàn của cây cỏ.
“Bắt gặp mùa tươi lên rún rẩy
Trong cành hoa trẻ, cổ chim non.
Có ai gửi ý trong xuân cũ,
Đất nở mùa xuân vẫn chẳng mòn.”

You might also like