You are on page 1of 2

Huy Cận - một trong số những nhà thơ nổi bật nhất trong phong trào thơ mới

giai đoạn 1930- 1945. Linh hồn


Huy Cận là một linh hồn trời đất, đứng trên áng thiên văn dài của linh hồn, Huy Cận mang đến cho ta nỗi buồn
vời vợi chạm ngưỡng hư vô. “Tràng Giang” là bài thơ tiêu biểu và đặc sắc nhất của ông, được viết trong tập
“Lửa thiêng” (1940) khi nhà thơ đang nhìn ngắm cảnh thiên nhiên sông nước mà suy ngẫm về cuộc đời mình.
Đứa con tinh thần này đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp thiên nhiên cũng như nỗi buồn nhân thế của người bố đẻ.

Ngay từ những nốt đầu – nhan đề - đã mang đến cho ta nét đẹp của một thời vang bóng, một nét đẹp mà ít hồn
thơ nào có được. Nhan đề bài thơ – “Tràng giang” – mang ý nghĩa là sông dài, sông lớn. Nhưng cớ sao lại
không phải “Trường giang”? “Trường giang” và “Tràng giang đều là tiếng Hán cổ, “tràng” là biến âm của
“trường” nhưng “Trường giang” lại trùng với tên một dòng sông của Trung Hoa, ngược với mục đích mà Huy
Cận hướng đến. Và bởi, với “Tràng giang”, điệp vần “ang” tạo ra dư vang, lời đi rồi mà ý tứ vẫn còn đọng mãi,
mang nỗi buồn đi suốt cả bài thơ. Ngay theo sau, là bảy từ ôm trọn cả không gian cùng nỗi niềm da diết: “Bâng
khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Trước mắt ta có chăng đã xuất hiện dòng sông rộng lớn cùng cái nắng chiều rực
hồng, và trong trái tim Huy Cận lúc ấy, những dòng suy nghĩ như cuốn lấy ông. “Người nói cùng ta nỗi buồn
nơi quán chật, đèo cao, nỗi buồn của sông dài trời rộng, nỗi buồn của người lữ thứ dừng ngựa trên non, buồn
đêm mưa, buồn nhớ bạn” (Hoài Thanh – Hoài Chân), trong năm loại buồn ấy, Tràng giang thuộc loại thứ hai.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”

Khổ thơ đầu như đưa ta về thời đã cũ, những hình ảnh cổ điển như “tràng giang”, “con thuyền”, “củi một cành
khô” mà ta thường chỉ bắt gặp ở thơ cổ, nay lại xuất hiện trong chất thơ mới mẻ của Huy Cận. Cùng với loạt từ
ngữ gợi lên cái buồn vô tận: “xuôi mái”, “sầu trăm ngả”, “lạc mấy dòng” kết hợp với cách sử dụng từ láy “điệp
điệp”, “song song” dường như đã lột tả được tất thảy tâm tình của nhà thơ, của trường giang rộng lớn. Cảnh vật
sông Hồng tuy bao la, rộng lớn, nhưng lại phủ lên mình nỗi buồn “điệp điệp” trào dâng, khiến con sông dù lăn
tăn từng đợt sóng thế mà lại yên ắng lạ thường. Sóng gợn như những mối âu lo, buồn phiền chồng chéo lên nhau
của con người. Động từ “gợn” miêu tả làn sóng nhẹ nhàng, mong manh nhưng lại lan mãi không thôi. Trên dòng
sông gợn sóng lăn tăn ấy là “con thuyền xuôi mái”, trôi đi lững lờ. Ta nghe cảnh chuyển động là thế, nhưng sao
chỉ thấy vẻ lặng tờ, “Tràng giang” bao la rộng lớn đến thế, nỗi buồn của thi nhân hẳn cũng ắp trong lòng. Từ
ngày trước, đến tận ngày nay, “thuyền” và “nước” vốn luôn giao hòa, ấy vậy mà lúc này đây, chúng lại lạc điệu
đến lạ.“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”, nghe sao mà xót xa, hiu hắt. Nó như sự chia cắt giữa “thuyền” và
“nước”, giữa con người ta với cuộc đời, hơn thế nữa là sự cô độc giữa đất trời rộng lớn. Cùng với nghệ thuật đối
“thuyền về - nước lại”, cảnh vật lúc này đây chẳng còn là “buồn điệp điệp” mà là “sầu trăm ngả”, người buồn
khiến cả thiên nhiên ủ rũ. “Tràng giang” càng mênh mông, rộng lớn, đất trời càng bao la, rợn ngợp bao nhiêu thì
thi nhân càng cô độc, u sầu bấy nhiêu. Câu cuối của khổ thơ xuất hiện một hình ảnh độc đáo “Củi một cành
khô” cùng nhịp thơ 1/3/3 càng tô đậm nét đặc trưng của tác giả. Khéo léo sử dụng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ
cùng phép đối “một - mấy” càng nhấn mạnh sự trơ trọi của “củi” trước sông nước mênh mông. “Lạc mấy dòng”
gợi lên một kiếp người nổi trôi, vô định, lênh đênh như cành củi nhỏ bé. Thông thường, người ta hay hòa mình
vào thiên nhiên tận hưởng cái đẹp, nhưng Huy Cận lại gặm nhấm nỗi u sầu vô biên. Có chăng, là do “cảnh nào
cảnh chẳng đeo sầu”, hay bởi “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”? Bằng lời thơ trầm buồn, nhịp nhàng,
cùng với những nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ, Huy Cận đã đàn lên một khúc ca buồn, bế tắc trước không gian
mênh mông, rợn ngợp và hoang vắng. Đồng thời, còn gợi lên một cái tôi bơ vơ giữa khoảng Thơ mới.

Huy Cận thu tầm nhìn lại gần, gần hơn nữa với những:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều


Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”

Bức tranh thiên nhiên sông nước ấy được tô điểm thêm nhờ những “cồn nhỏ” nhô lên giữa lòng sông. Chúng “lơ
thơ” thưa thớt và có những cơn gió “đìu hiu” thổi qua, ta thấy rõ sự nhỏ nhoi, thưa thớt, vắng lặng của cảnh vật
đồng thời cũng là nỗi buồn cô đơn của hồn thơ buồn trước không gian tiêu điều. Nghệ thuật sử dụng từ láy tài ba
gợi lên màu sắc cổ điển, đưa người đọc về với những dòng thơ cổ: “Lơ thơ tơ liễu buông mành...” (Truyện
Kiều). Huy Cận lặng người, quan sát kỹ đến từng ngóc nghách của cuộc sống bằng cả thị giác và thích giác. Quả
thật, nhà thơ phải là người có cảm nhận, quan sát sâu lắng và đặc biệt hơn cả. Chợt, “đâu” đây có tiếng “làng xa
vãn chợ chiều”. Không như “Lao xao chợ cá làng Ngư phủ” của Nguyễn Trãi, trong thơ Huy Cận, là phiên chợ
đã vãn từ lâu. Từ phiếm chỉ “đâu” kết hợp với âm thanh “tiếng làng xa” tạo cho ta cảm giác âm thanh vừa hư
vừa thực. Tưởng chừng nó xuất hiện khiến ta vui thêm, nhưng lại điểm thêm phần cô đơn, lẻ loi trên chính mảnh
đất quê hương. Chi tiết gợi ra cái hoang tàn, xơ xác, hiu quạnh của làng quê sông nước, đồng thời gợi mở ra cả
nỗi sầu vô hạn của thi nhân. Ở khổ thơ này, bức tranh thiên nhiên rộng lớn xuất hiện rõ nét nhưng nó không
“xanh non biếc rờn”, căng tràn sự sống như “thiên đường mặt đất” của Xuân Diệu mà nó mang đậm dấu ấn Huy
Cận. Như những nốt cao hiếm hoi giữa bản đàn trầm buồn triền miên, nỗi buồn nhuốm thêm màu vàng của trời
chiều, tô đậm thêm nỗi cô đơn, lẻ loi của con người. Không gian không chỉ được mở theo chiều rộng, mà còn
theo chiều sâu: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót”. Nắng càng xuống thấp, trời càng lên cao, chiếu xuống lòng
sông sâu chót vót. Tiểu đối “nắng xuống - trời lên” làm nổi bật lên cái bao la, rợn ngợp của dòng sông, bầu trời
và bến đò xa vắng. Cũng như cái ngược chiều của hai thời đại thơ ca, cổ thi và thơ mới. Tính từ gợi cảm xúc
“sâu chót vót” vừa miêu tả độ cao, lại vừa cảm nhận được độ cao ấy. Con người đã nhỏ nay lại càng bó nhỏ
mình trước dòng đời. Sông càng dài, trời càng rộng, “bến” càng “cô liêu”. Bến đã nhỏ, nay lại càng hiu quạnh
giữa sông nước mênh mang và khoảng trời rộng lớn, tựa như con người nhỏ bé, cô đơn trước sự hùng vĩ của
thiên nhiên.

Với tài năng vượt trội, từng con chữ trau chuốt, sự sáng tạo và kết hợp giữa cổ điển và hiện đại. Huy Cận đã
dựng lại không gian vô cùng, vô tận của tràng giang ở mọi chiều kích. Vị thi nhân tài hoa ấy đã xây nên một tòa
tháp với ống kính nhìn ra thiên nhiên mênh mông sóng nước nhưng sầu buồn trăm ngả. Qua ống kính ấy, ta thấu
hiểu được nỗi ám ảnh về cái vô biên của nỗi buồn trước cảnh nước mất nhà tan và sự trống trải vĩnh hằng của
cảnh vật và lòng người,

Cổ kính, trang nghiêm xen lẫn nét hiện đại, “Tràng giang” sinh ra từ khao khát muốn được gắn bó với quê
hương đất nước của người cha đẻ. Dưới ngòi bút ấp ủ một phần Thơ mới cùng hồn thơ riêng biệt, Huy Cận tạo
ra một hạt bụi vàng “đạt đến trình độ cổ điển của một hồn thơ mới” (Xuân Diệu), “Tràng giang” sẽ đi mãi cùng
thời đại, in dấu sâu sắc trong lòng mỗi độc giả.

You might also like