You are on page 1of 4

PHÂN TÍCH TRÀNG GIANG (1,2)

Huy Cận là một tác giả nổi tiếng của làng thơ Mới, trong đó ông được biết đến với một
hồn thơ “cổ điển nhất”. Ông đã từng tâm sự “Trước Cách mạng, tôi thường có thú vui vào chiều
chủ nhật hàng tuần đi lên vùng đê Chèm để ngoạn cảnh sông Hồng. Phong cảnh sông nước đẹp
gợi cho tôi nhiều cảm xúc.” Và bài thơ Tràng giang đã được ra đời vào một chiều lãng mạn như
vậy của Huy Cận, tác phẩm không chỉ có cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước mà còn chứa đựng
tâm trạng, nỗi niềm sâu kín của người thi sĩ. Đặc biệt qua 2 khổ thơ đầu, từng dòng thơ thấm
đượm nỗi sầu nhân thế của cái tôi ảo não:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
...
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
“Tràng Giang” được sáng tác năm 1939, được xem là một nốt nhạc buồn trong bản giao
hương đa sầu đa cảm “Lửa thiêng”. Xuyên suốt bài thơ, cảm xúc chủ yếu được khơi gợi từ cảnh
sông Hồng mênh mang sóng nước. Bài thơ gồm 4 khổ với khung cảnh tràng giang mênh mông
được tác giả khắc họa trong từ câu chữ, đoạn trích trên thuộc khổ 1 và 2.
Huy Cận đã mở màn cho bài thơ bằng bức tranh tràng giang mênh mông, buồn
thăm thẳm:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, buồn trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Ba câu thơ đầu tiên đậm chất cổ điển. Mở đầu bằng hình ảnh sông nước mênh mông của
“sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”. Tràng giang dài rộng đang trải ra từng đợt sóng điệp điệp
không dứt. Với tài năng của mình, tác giả khéo léo sử dụng âm Hán Việt “ang” cho danh từ
“tràng giang” đã gợi ra một không gian rộng lớn, rờn ngợp. Đây cũng là một trong những phong
cách làm thơ rất nổi bật của Huy Cận. Ông đã sử dụng nhịp thơ 4/3, đó là một cách ngắt nhịp
quen thuộc của Đường thi. Động từ “gợn” đã diễn tả làn sóng nhẹ nhàng có vẻ mong manh, mơ
màng nhưng lại lan mãi không thôi. Nỗi buồn trải ra cùng các gợn sóng, bao nhiêu gợn sóng là
có bấy nhiêu nỗi buồn. Với phép điệp ngữ “buồn điệp điệp”, đã gợi ra cho người đọc 2 cách
hiểu. Cách hiểu thứ nhất là Sóng điệp điệp gối lên nhau mòn mỏi không dứt, những con sóng ấy
hết lớp này đến lớp khác triền miên, vô tận. Còn cách hiểu thứ hai là Nỗi buồn vì nhìn dòng sông
mà gợn sóng lòng. Đây chính là một sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ bởi từ láy “điệp điệp” thường
chỉ để miểu tả hình ảnh núi sông kì vĩ, bao la, rộng lớn thì nay Huy Cận lại dùng nó để miêu tả
nỗi buồn.
Dường như nỗi buồn của tâm cảnh đã nhuộm vào ngoại cảnh để rồi những nỗi buồn ấy
gợi lên theo từng đợt trong lòng thi nhân. Không chỉ từ láy nguyên "điệp điệp" mà còn từ "song
song" ở cuối câu thơ cũng mang đậm sắc thái cổ kính của Đường thi. Và không chỉ mang nét đẹp
ấy, nó còn đầy sức gợi hình, gợi liên tưởng về những con sóng cứ loang ra, lan xa, gối lên nhau,
dòng nước thì cứ cuốn đi xa tận nơi nào, miên man miên man. Trên dòng sông gợi sóng "điệp
điệp", nước "song song" ấy là một "con thuyền xuôi mái", lững lờ trôi đi. Trong cảnh có sự
chuyển động là thế, nhưng sao chỉ thấy vẻ lặng tờ, mênh mông của thiên nhiên, một dòng "Tràng
giang " dài và rộng bao la không biết đến nhường nào. Dòng sông thì bát ngát vô cùng, vô tận,
nỗi buồn của con người cũng đầy ăm ắp trong lòng. Hai câu thơ kết hợp làm cho không gian vừa
mở ra theo bề rộng, vừa vươn theo chiều dài. Tác giả tiếp tục khắc họa nỗi chia ly qua câu thơ
thứ ba. "Thuyền" và "nước" vốn dĩ là hai hình ảnh gắn bó, khăng khít với nhau nhưng qua con
mắt của nhân vật trữ tình thì lúc này hai hình ảnh ấy không còn song hành với nhau nữa. Nhưng
với Huy Cận thì “thuyền về, nước lại”. Hai thế đối lập gợi ra cái vô lí trong logic nhưng thực
chất, xét ở bề sâu, bề sâu, bề xa, ta càng hiểu được hơn nỗi lòng của người lữ khách miền sông
nước. Thuyền là hiện diện của sự sống con người, nhưng đó chỉ là sự xuất hiện thoáng qua trong
giây lát, “con thuyền xuôi mái” là hình ảnh thực nhưng cũng đầy chất suy tưởng nó gợi cho ta
nhớ tới hình ảnh của những kiếp người trôi nổi, lạc lõng không biết đi đâu. Phải chăng đó là mặc
cảm chia lìa trong cảm nhận của Huy Cận khi đứng trước sông dài trời rộng? Cũng như Hàn Mặc
Tử khi còn nằm trên giường bệnh, nhìn ra xa mà thấy “Gió theo lối gió, mây đường mây”. Đó là
nỗi buồn đầy ám ảnh trong mặc cảm chia li. Thế nên Huy Cận “sầu trăm ngả”,đó là một nỗi
buồn, sự u hoài, buồn bã càng ngày càng dâng lên. Với câu thơ thứ tư tác giả sử dụng biện pháp
đảo ngữ "củi một cành khô" để nói về sự cô đơn, trơ trọi của "củi". Số từ "một" chỉ một mình, cô
đơn cùng với tính từ "khô" - hết nhựa sống, càng làm cho hình ảnh khô héo hơn. Tác giả thật tài
tình khi đã sử dụng nghệ thuật đối "một" - "mấy" như nhấn mạnh hơn sự cô độc của củi trên
dòng sông. "Lạc mấy dòng" không chỉ diễn tả nỗi niềm cô đơn của củi mà còn nói đến sự bấp
bênh, trôi nổi khi "lạc" hết dòng sông này đến dòng sông khác. Nét độc đáo của câu thơ không
chỉ là phép đối mà còn ở cách ngắt nhịp 1/3/3. Với cách ngắt nhịp ấy "củi" xuất hiện "độc lập" và
điều đó càng làm rõ hơn tình cảnh lẻ loi của sự vật này. Có thể nói, hình ảnh " củi một cành khô"
đã phần nào nói lên tâm trạng thi sĩ - một con người tài hoa nhưng vẫn đang loay hoay giữa cuộc
sống bộn bề. Như vậy, Toàn bộ nỗi lòng của nhà thơ cuối cùng được kết đọng cả trong hình ảnh
“củi một cành khô lạc mấy dòng”. Thơ ca từ cổ chí kim, nỗi buồn được cắt nghĩa dưới vô vàn
hình hài góc cạnh khác nhau. Có cái nỗi buồn khi thấy “cây ngô đồng, vàng rơi vàng rơi thu
mênh mông” (Bích Khê), có cái nỗi buồn trước “rặng liễu đìu hiu” (Xuân Diệu), lại có cái buồn
khi nghe thấy tiếng gà gáy não nùng trong thơ Lưu Trọng Lư. Nhưng có lẽ, buồn trước một cành
củi khô thì chưa bao giờ xuất hiện trong kho tàng văn học Việt Nam. Củi chỉ những kiếp người
nhỏ bé, bất hạnh, cũng trôi lênh đênh vô định trong dòng chảy của cuộc đời. Vậy nên, “củi một
cành khô lạc mấy dòng” là điều không thể tránh khỏi.
Tiếp đến khổ thơ thứ hai, dường như nỗi hiu quạnh lại được tăng lên gấp bội:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
Với tài năng cùng ngòi bút khéo léo, Huy Cận đã gây ấn tượng trong lòng độc giả là phép
đảo ngữ. Từ láy “lơ thơ” được đặt lên đầu câu, gợi sự vắng vẻ, ít ỏi và thưa thớt. Lác đác trên
dòng tràng giang mênh mông chỉ có vài cồn nhỏ nhưng vẫn là cái cảm giác thiếu sự sống xuất
hiện từ đầu bài thơ đến giờ. Bức tranh thiên nhiên sông nước ấy có phần tăng thêm sức sống khi
có thêm những “cồn nhỏ”. Những gò đất nổi lên giữa lòng sông ấy lại chỉ “lơ thơ” thưa thớt gợi
lên một sự đơn sơ, hoang vắng, “đìu hiu” cô quạnh khi những làn gió thổi qua. Những cơn gió
không ồn ào mà chỉ “đìu hiu” làm cho nỗi buồn của thi nhân như được nhân lên khi đứng trước
một không gian tiêu điều. Nỗi buồn vô hạn ấy lại được miêu tả qua một không gian bao la. Cái
bé nhỏ tương phản với cái mênh mông, vô cùng. Cồn thì nhỏ bé thưa thớt, buồn bã: "Lơ thơ cồn
nhỏ gió đìu hiu". Vần lưng: "nhỏ - gió", kết hợp với láy âm: "lơ thơ" và "đìu hiu", âm hưởng câu
thơ như trĩu lòng người về một nỗi buồn hiu hắt, cô quạnh.
Thay vì là bức tranh thiên nhiên như khổ một, khổ thơ thứ hai lại tái hiện cuộc sống sinh
hoạt hàng ngày mà tiêu biểu nhất là hình ảnh chợ chiều thời điểm vãn. “Chợ” là nơi mà khi đến
đó ta biết được cuộc sống nơi đây có ấm no sầm uất hay không. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Lao
xao chợ cá làng Ngư Phủ”, Đủ để thấy cái vui tươi nhộn nhịp của một phiên chợ. Huy Cận không
như thế, ông chọn cho mình thời điểm vãn chợ như một tín hiệu nghệ thuật đặc sắc. Chợ vãn là
khi “người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía…”
(Thạch Lam). Chi tiết gợi ra cái hoang tàn, xơ xác, hiu quạnh, heo hút của làng quê miền sông
nước, cũng là gợi mở cái buồn vô hạn trong lòng thi nhân. Chỉ với một từ “Đâu” đã gợi cho
chúng ta cảm giác mơ hồ không biết có phải là có âm thanh đó hay không, tác giả cũng chỉ nghe
thấy cảm nhận thấy chứ không được nhìn thấy. Âm thanh ấy cũng mờ mờ ảo ảo, vừa thực mà
vừa hư. Tưởng chừng như âm thanh xuất hiện làm con người thêm vui nhưng chính nó lại khiến
tác giả thêm cô đơn, lẻ lõi trên chính mảnh đất quê hương mình:
“Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu”
Nỗi sầu không chỉ nhuốm màu vào không gian mà còn trải dài theo thời gian bất tận.
Không gian được mở ra theo nhiều chiều vừa cao, vừa sâu, vừa rộng… “Nắng xuống” và “trời
lên” tạo nên một sự ngăn cách, chia li theo hai chiều đối nghịch “lên” và “xuống”. Đây là cảm
nhận mà chỉ khi đến với con người hiện đại chúng ta mới thấy mới cảm nhận được. Không gian
không chỉ được mở rộng theo chiều rộng, chiều cao mà còn theo chiều sâu. Nắng càng xuống
thấp, trời càng trở nên cao hơn ngả bóng xuống lòng sông sâu “chót vót”. Tác giả đã sử dụng từ
rất đặc biệt, không phải cao “chót vót” mà là “sâu chót vót” để làm nổi bật hai tiểu đối: "nắng
xuống" và "trời lên" kia, cái bao la, mênh mông đều rợn ngợp của dòng sông, bầu trời và bến đò
xa vắng. Con người trở nên bó nhỏ cô đơn trước vũ trụ bao la vô tận… “Sông dài, trời rộng”
cảnh vật càng rộng lớn, kì vĩ bao nhiêu thì con người càng bé nhỏ bấy nhiêu với hình ảnh “bến
cô liêu”- bến đã nhỏ lại còn hiu quạnh gợi đến cảm giác trống vắng cô đơn đến tội nghiệp và
trống vắng, trơ trọi.
Thành công của hai khổ thơ chính là sự sáng tạo nghệ thuật, sự kết hợp hài hòa giữa cổ
điển và hiện đại. Sử dụng nhiều thi liệu trong thơ cổ, từ ngữ giản dị, giàu hình ảnh. Bút pháp tả
cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm, hình ảnh thơ phong phú. Tất cả đã
dệt nên bức tranh tràng giang thật đẹp nhưng cũng thật buồn,.
Góp lại những trang thơ của Huy Cận ta không khỏi quên được nỗi buồn tê tái của thi sĩ
trước cảnh vật, cảnh nước mất nhà tan. Đoạn thơ mang một nỗi buồn thấm đẫm vào cả không
gian thời gian. Bức tranh thiên nhiên trong Tràng giang vừa có sự vận động, vừa hữu hình vừa
vô hình, thời gian, không gian phụ họa, hài hòa với nhau khiến cho cảnh vật càng lúc càng âm u,
xa vắng, xúc cảm càng nặng nề. Nỗi buồn của cảnh vật khiến cho lòng người càng thêm cô
quạnh hay chính nỗi buồn của lòng người khiến cho không gian cũng nhuốm màu u ám.

You might also like