You are on page 1of 4

Tràng giang

Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Ðời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng, ta đi
tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình
cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng
động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về
hồn ta cùng Huy Cận”. Lời nhận xét ấy quả thật không sai khi Huy Cận đã làm nên hương vị rất riêng đó.
Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng mà triết lý. Điển hình là tác phẩm “Tràng giang” với hai khổ
thơ đầu đã làm bộc lộ nỗi sầu của “cái tôi” cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn mà thấm đượm tình đời tình
người
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu


Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
“Tràng giang” được viết vào tháng 9/1939, in trong tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Cảm xúc được khơi
ngợi nơi bờ nam bến Chèm vào một buổi chiều trước sông Hồng mênh mang sóng nước. Lúc bấy giờ,
Huy Cận đang học trường Cao đẳng canh nông ở Hà Nội. Đồng thời qua bức tranh thiên nhiên mênh
mang sóng nước trong buổi chiều tàn, tác gỉa bộc lộ nỗi sầu của cái tôi cô đơn nhưng thấm đượm tình
người và lòng yêu nước thầm kín
Mở đầu bài thơ, Huy Cận viết một lời đề từ tuy ngắn gọn nhưng lại giàu hình ảnh “Bâng khuâng trời
rộng nhớ sông dài”. Câu đề từ gợi nên hình ảnh một con sông dài, mênh mông, bát ngát. Tuy nhiên ẩn sau
hình ảnh đó là những nỗi buồn, niềm xao xuyến mênh mang của Huy Cận, là cái tôi nhỏ bé, bơ vơ trước
vũ trụ bao la rộng lớn
Thi nhân cho ta bắt gặp những con sóng đong đầy ưu tư, chất chứa những nỗi niềm khó tả qua khổ
thơ đầu bài:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Bài thơ chẳng mở ra bằng những con sóng ồn ào dữ mà chỉ “gợn” nhẹ lăn tăn, như lan tỏa ra
cùng tận rồi tan biến đi mất, từ láy âm “tràng giang” với hai âm “ang” như tạo nên tiếng vọng
cho câu thơ, gợi nên một dòng sông dài rộng, mênh mang. Nhà thơ đã dùng phép lấy động tả tĩnh
để làm bật lên vẻ im ắng, tĩnh lặng của khung cảnh. Từ láy “điệp điệp” như muốn diễn tả nỗi
buồn chồng chất lên nhau, hết lớp này đến lớp khác hay chính nỗi buồn ấy đang thấm dần và làm
biến tan sóng biển để gợn lên những con sóng trong lòng của nhân vật trữ tình. Giữa dòng nặng
trĩu suy tư, hình ảnh “con thuyền xuôi mái” xuất hiện giữa dòng nước mênh mông một cách thụ
động, buông xuôi mái chèo, mặc dòng nước đưa đẩy. Chiếc thuyền cô đơn là ẩn dụ cho con người
đang phó mặc cho cuộc đời, mà như chính tác giả đã có lần tự so sánh:
“Lòng êm như chiếc thuyền trên bến
Nghe rét thu về hạ bớt mui…”
(Mưa – Huy Cận)
Nghệ thuật đối “điệp điệp – song song” như muốn gợi lên nỗi buồn đang lan tỏa trong lòng Huy
Cận, phải chăng chính ông cũng như con thuyền ấy? bơ vơ giữa sóng nước cuộc đời mặc cho dòng đời xô
đẩy. Đến với câu thơ thứ ba, tác giả lại tiếp tục khắc họa nỗi chia ly qua hai hình ảnh “Thuyền” và
“nước”. Vốn dĩ, “thuyền” và “nước” luôn là hai thứ gắn bó, hòa hợp với nhau nhưng qua đôi mắt của Huy
Cận giữa “thuyền” và “nước” lại không có sự giao hòa tạo ra hai thế hoàn toàn đối lập nhau cùng với nỗi
“sầu trăm ngã” làm cho nỗi buồn bã ngày càng dâng lên. Cô đơn lại càng thêm cô đơn, trơ trọi lại càng
thêm trơ trọi khi con thuyền và cảnh củi khô đang cùng trôi nổi trên dòng tràng giang. Tác giả sử dụng
biện pháp đảo ngữ “củi một cành khô” như muốn thể sự đơn độc, nhỏ bé và tầm thưởng của cành củi khô.
Số từ “một”, “mấy” kết hợp cùng biện pháp đối lập càng nhấn mạnh hơn sự cô đơn, tầm thường của cành
củi giữa không gian mênh mông rộng lớn. “Lạc mấy dòng” thoạt nhìn chỉ là một hình ảnh giản dị nhưng
lại mang đầy sức gợi. Không những gợi nỗi cô đơn của nhành củi khô mà còn là nỗi cô đơn về một kiếp
người nhỏ bé, đơn độc, một mình trôi nỗi giữa dòng đời, “lạc” hết từ nơi này đến nơi khác mà không biết
phải dừng lại nơi chốn nào. Như vậy, bốn câu thơ đầu hiện lên với một bức tranh thiên nhiên u buồn, sầu
thảm cùng với nét bút kết hợp giữa hình ảnh cổ điển cùng yếu tố hiện đại đã giúp người đọc cảm nhận rõ
hơn về tâm trạng cô đơn, lạc lõng của nhân vật trữ tình
Khổ thơ tiếp theo với khung cảnh được mở rộng hơn, có sự sống của con người nhưng vẫn tĩnh lặng,
đìu hiu:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Huy Cận đã thật khéo léo khi sử dụng hai từ láy kết hợp cùng biện pháp đảo ngữ để nhấn mạnh sự ít
ỏi thưa thớt từ đó gợi lên sự mênh mông của dòng sông. Trên “cồn nhỏ” làn gió phảng phất không khí
buồn bã, ảm đạm thiếu sức sống của con người. Nó u sầu, vắng lặng đến nỗi không thể nghe được tiếng
ồn ào của phiên chợ chiều, nếu có thì cũng chỉ là một thứ âm thanh mơ hồ của một phiên chợ đã vãn theo
gió xa mãi, không thể xác định được là ở nơi đâu khiến lòng người gợi lên cảm giác khao khát được giao
cảm với đời, với người để sưởi ấm tâm hồn cô đơn lạnh lẽo, để vơi bớt nỗi đơn côi buồn bã của cuộc sống
này. Rõ ràng ta có thể nhận thấy, phiên chợ trong thơ Huy Cận đối lập hoàn toàn với tiếng “lao xao chợ
cá làng Ngư Phủ” (Cảnh ngày hè) của Nguyễn Trãi. Tuy cùng là một phiên chợ nhưng một bên thì rộn
ràng tươi vui tràn ngập sự sống, một bên lại vắng lặng, buồn bã thiếu vắng cuộc sống sinh hoạt của con
người
Một ngày kết thúc với những âm vang yếu ớt của “Tràng giang”, ánh nắng dần buông xuống nhường
chỗ cho sự tĩnh mịch, u uất của màn đêm
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu
Tác giả sử dụng biện pháp đối với hai hình ảnh “nắng xuống”, “trời lên” đã làm không gian mở rộng
hơn về chiều cao. Hai động từ “lên”, “xuống” mang lại cảm giác chuyển động làm cho câu thơ có giá trị
tạo hình đặc sắc. Nắng xuống đến đâu, trời lên đến đó thì bầu trời cũng sẽ được đẩy cao hơn. Không gian
lúc này mở ra đa chiều, nhưng là sự “chót vót” lên cao của mây trời và sự vô biên về chiều dài rộng của
dòng sông. Điều này càng khiến cho con người càng trở nên bé nhỏ, cô đơn trước không gian rộng lớn
của sông, trời. Như vậy, qua bốn câu thơ tiếp theo, bức tranh Tràng giang đã được thi sĩ tô vẽ hoàn chỉnh
hơn bằng những nét bút mới nhưng vẫn không làm cảnh vật sinh động hơn mà còn chìm sâu vào sự tĩnh
lặng, hiu hắt
Xuyên suốt bài thơ “Tràng giang” là nỗi buồn triền miên vô tận được thể hiện bằng thủ pháp tương
phản giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cái nhỏ nhoi với cái lớn lao. Ngoài ra bài thơ còn là sự kết hợp
hài hòa giữa sắc thái cổ điển (sông, nước, thuyền, mây, hoàng hôn, cánh chim…) với yếu tố hiện đại (củi
một cành khô) cùng bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình kết hợp với hệ thống từ láy và thể thơ 7 chữ với
cách ngắt nhịp quen thuộc nên sự cân đối hài hòa cho cả bài thơ
Sau khi bước ra từ bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ đầu “Tràng giang” do Huy Cận vẽ nên ta
như cảm nhận được nỗi cô đơn, nỗi buồn nhân thế của tác giả trước không gian rộng lớn, hùng vĩ của
thiên nhiên, không tìm được sự giao cảm với cuộc đời. Ngoài ra hai khổ thơ đầu của bài thơ còn cho ta
thấy một bức tranh thiên nhiên mênh mang sóng nước nhưng lại vô cùng đìu hiu, buồn bã thiếu vắng sự
sống của con người . Thế nhưng bằng tình yêu thiên nhiên và trái tim của một cái tôi thơ mới, những vần
thơ của Huy Cận tuy thấm đượm những xúc cảm buồn bã nhưng lại vô cùng tinh tế. Và con “sông dài”,
nghe miên man tít tắp ấy cứ vỗ sóng đều đặn khắp các khổ thơ, làm rung động trái tim bao thế hệ người
đọc.

PHÂN TÍCH 2 KHỔ CUỐI


I.Mở bài
Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Ðời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng, ta
đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu, càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình
cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng
động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về
hồn ta cùng Huy Cận”. Lời nhận xét ấy quả thật không sai khi Huy Cận đã làm nên hương vị rất riêng đó.
Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng mà triết lý. Điển hình là tác phẩm “Tràng giang” với hai khổ
thơ cuối đã cho ta thấy được nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu sắc của tác giả trước cuộc đời
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
II.Thân Bài
“Tràng giang” được viết vào tháng 9/1939, in trong tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Cảm xúc được khơi
ngợi nơi bờ nam bến Chèm vào một buổi chiều trước sông Hồng mênh mang sóng nước. Lúc bấy giờ,
Huy Cận đang học trường Cao đẳng canh nông ở Hà Nội. Đồng thời qua bức tranh thiên nhiên mênh
mang sóng nước trong buổi chiều tàn, tác gỉa bộc lộ nỗi sầu của cái tôi cô đơn nhưng thấm đượm tình
người và lòng yêu nước thầm kín
Mở đầu bài thơ, Huy Cận viết một lời đề từ tuy ngắn gọn nhưng lại giàu hình ảnh “Bâng khuâng trời
rộng nhớ sông dài”. Câu đề từ gợi nên hình ảnh một con sông dài, mênh mông, bát ngát. Tuy nhiên ẩn sau
hình ảnh đó là những nỗi buồn, niềm xao xuyến mênh mang của Huy Cận, là cái tôi nhỏ bé, bơ vơ trước
vũ trụ bao la rộng lớn
Bức tranh “Tràng giang” ở hai khổ thơ đầu hiện lên mang đậm nỗi buồn, sự cô đơn của nhân vật trữ
tình. Tưởng chừng như sẽ thêm sinh động khi được Huy Cận điểm thêm sắc màu, nhưng dù có vẽ nên bao
nhiêu những nét mới cũng không làm cảnh vật sinh động hơn mà còn chìm sâu vào tĩnh lặng, u buồn:
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc


Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Hình ảnh những cánh bèo quen thuộc trong thơ xưa một lần nữa lại hiện lên trong bức tranh thiên nhiên
của Huy Cận. Đó chính là hiện thân cho những kiếp người trôi nỗi, bấp bênh giữa dòng đời đầy phong ba
gió bụi này. Nhưng không chỉ là một cánh bèo như “cành củi khô” đơn chiếc, mà là “hàng nối hàng”. Ở
đây có sự đối lập giữa những thứ đang có và những thứ không có. Chỉ có dòng nước mênh mông với
những cánh bèo nối tiếp nhau trôi trong vô định, không có lấy một cây cầu dù hay một chuyến đò đi
ngang, để rồi thi nhân chẳng thể cảm nhận được nhịp sống của con người. Hai bên bờ sông mà như hai
thế giới, cứ thế chạy dài về phía chân trời, “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” ko chút thân mật, không chút
giao hòa nào cả. Tuy không gian đã được thi sĩ mở rộng bằng sự liên kết im lìm của bờ bãi, điểm tô thêm
sắc màu cho bức “Tràng giang” nhưng vẫn còn đó sự vắng lặng, u buồn qua từ láy “mênh mông, lặng lẽ”.
Khung cảnh thiên nhiên ấy cũng như tâm trạng của nhà thơ vậy. Giữa trời đất bao la nhưng không tìm
được những tâm hồn đồng điệu với mình, không ai có thể hiểu mình. Nỗi cô đơn u buồn cứ thế càng chất
chồng, nhưng giờ đây không chỉ còn là nỗi buồn miên man trước sông dài trời rộng mà còn là nỗi buồn
nhân thế: tâm trạng cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời
Những nét vẽ trên cao của mây trời mới được Huy Cận vẽ nên khi bài thơ dần đi đến hồi kết, vẫn
bằng với bút pháp cổ điển xen lẫn hiện đại đầy khéo léo đã tạo nên một bức tranh phong cảnh nên thơ,
tráng lệ
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Khung cảnh thiên nhiên lúc này đã dần thay đổi, không còn là dòng sông mênh mông, vắng lặng mà
thay vào đó là sự tráng lệ, hùng vĩ của bầu trời hoàng hôn. Và trong đó, hình ảnh chòm mây và cánh chim
hiện lên cũng chẳng còn xa lạ. Thế nhưng, những nét vẽ quen thuộc ở bài thơ này vẫn mang đậm dấu ấn
của một hồn Thơ mới. Đó là tầng tầng “lớp lớp” những đám mây trắng chồng lên nhau tựa như những dãy
nút dát bạc dưới ánh hoàng hôn chiều lấp lánh, đặc biệt qua động từ “đùn” ta như cảm nhận được những
đám mây đang chuyển động. Mọi hình khối, màu sắc như vận động, làm cho cảnh tượng kì vĩ hơn bao giờ
hết. Giữa khung cảnh ấy, những chú “chim nghiêng cánh nhỏ” xuất hiện, đập cánh bay giữa những đám
mây trắng chồng lên nhau càng làm bật lên cái nhỏ bé, đơn độc của nó. Thoáng chốc, ánh hoàng hôn đã
dần buông xuống khiến lòng người xa xứ càng buâng khuâng. Không gian dù có thay đổi, tráng lệ đến
đâu thì trong lòng thi nhân vẫn cảm thấy trống trãi. Nhưng lần này nỗi cô đơn đã hóa thành nỗi nhớ nhà,
tình yêu quê hương đất nước tha thiết của nhân vật trữ tình
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
“Lòng quê” hay cũng chính là hồn quê, là nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương đất nước da diết. Từ láy “dợn
dợn” kết hợp cùng cụm từ “vời con nước” là một sáng tạo thật đáng quý. Nỗi nhớ quê nhà cứ ngày một
dâng lên như thủy triều dạt dào, như đang dậy sóng trong lòng tác giả. Cũng giống như Thôi Hiệu năm
xưa, đứng trước lầu Hoàng Hạc, nhìn khói sóng trên sông mà lòng trào dâng nỗi nhớ nhà:
“Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”
Đối với những con người xa xứ, đó vẫn luôn là thứ tình cảm thường trực mà họ cất giấu trong tim.
Nếu như khói sóng hoàng hôn khiến Thôi Hiệu mang nỗi sầu xa xứ thì nỗi nhớ quê hương của Huy Cận là
thường trực, không cần khói sóng làm duyên cớ
Xuyên suốt bài thơ “Tràng giang” là nỗi buồn triền miên vô tận được thể hiện bằng thủ pháp tương
phản giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, giữa cái nhỏ nhoi với cái lớn lao. Ngoài ra bài thơ còn là sự kết hợp
hài hòa giữa sắc thái cổ điển (sông, nước, thuyền, mây, hoàng hôn, cánh chim…) với yếu tố hiện đại (củi
một cành khô) cùng bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình kết hợp với hệ thống từ láy và thể thơ 7 chữ với
cách ngắt nhịp quen thuộc nên sự cân đối hài hòa cho cả bài thơ
III. Kết bài
Qua hai khổ thơ cuối cùng của tác phẩm “Tràng giang”, với sự kết hợp khéo léo giữa bút pháp hiện thực
và cổ điển nhà thơ Huy Cận đã mang đến cho ta một bức tranh thiên nhiên vô cùng xinh đẹp nhưng vô
cùng tĩnh lặng, u buồn. Qua đó khắc họa được nỗi cô đơn, lạc lõng của thi sĩ trước cuộc đời và tình yêu
quê hương, mong ngóng về quê hương tha thiết của Huy Cận

You might also like