You are on page 1of 4

Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, một cái tên mà tất cả con dân

Việt Nam đều khắc sâu trong tim với một lòng yêu quý, kính trọng vô bờ
bến. Trong quá trình tìm lại tự do cho dân tộc, Bác đã phải chịu rất nhiều khổ
cực, gian khó, đã rất nhiều lần bị bắt giam, chuyển từ nhà tù này sang nhà tù
khác, bị đánh đập, tra tấn dã man. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn ấy, ở
Người vẫn ánh lên một tinh thần lạc quan, một niềm tin vào một ngày mai
tươi sáng. Bài thơ "Chiều tối" nằm trong tập thơ "Nhật kí trong tù" đã thể
hiện được phần nào tinh thần ấy của Người. Bài thơ chỉ đơn thuần là tả cảnh
thiên nhiên vào một buổi chiều tối, thế nhưng ẩn chứa trong đó là tình yêu
đời, một ước mơ tự do cho bản thân, ước mơ được quay trở lại quê hương để
tiếp tục sứ mệnh của mình
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
“Chiều tối” (Mộ) là bài thơ thứ 31 của tập thơ “Nhật kí trong tù” . Cảm
hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ
Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942. Cảnh thiên nhiên lúc chiều
tối nơi rừng núi và hình ảnh lao động của con người trong bài thơ đã thể hiện
lòng yêu đời và tinh thần lạc quan của Bác: luôn hướng về sự sống, hướng về
tương lai
Bức tranh thiên nhiên nơi núi rừng lúc chiều tối bỗng chốc hiện ra qua
những nét vẽ đơn sơ, mang vẻ đẹp cổ điển của thơ Đường:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Bằng bút pháp chấm phá vô cùng độc đáo, mở đầu bài thơ là cảnh thiên
nhiên nơi núi rừng lúc chiều tối được gợi lên bằng những thi liệu rất quen
thuộc trong thơ ca xưa: cánh chim, chòm mây, bầu trời. Chiều tối là lúc ánh
sáng ban ngày dần biến mất, nhường chỗ cho màn đêm ngự trị, là khoảng
thời gian thông báo cho chúng ta phải mau trở về đoàn tụ với gia đình sau
một ngày làm việc vất vả. Cánh chim lẻ bầy mỏi mệt sau một ngày kiếm ăn
cũng bay về rừng tìm nơi trú ngụ. Thế nhưng chẳng phải tự nhiên mà cánh
chim ấy lại rơi vào điểm nhìn của Bác, phải chăng là Người đã thấy được sự
tương đồng giữa hoàn cảnh của chính mình và cánh chim ấy? Suốt một ngày
bay đi kiếm ăn, cánh chim đã mỏi mệt, người tù cũng mệt mỏi sau một ngày
chuyển lao vất vả. Những cánh chim ấy còn có tổ ấm để quay về khi màn
đêm buông xuống còn người tù thì lại bơ vơ nơi đất khách quê người, phải
rảo bước trên những con đường gian khổ mà chẳng biết nay mai sẽ đi về đâu.
Hai câu thơ của Bác gợi cho ta nhớ đến những vần thơ quen thuộc của Lý
Bạch trong bài Độc toạ Kính Đình sơn
Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn
Hình ảnh trong thơ Lý Bạch và Hồ Chí Minh có những nét tương đồng
nhưng chỉ là giống nhau về thi liệu, còn hai thế giới cảm xúc là hoàn toàn
khác nhau. Thơ Lý Bạch tái hiện hình ảnh cánh chim bay mất hút vào cõi vô
tận, gợi sự vô định xa xăm thì cánh chim trong thơ Bác có điểm đến rất rõ
ràng: về rừng, về với tổ ấm thật thân thương. Giữa thiên nhiên bao la hùng vĩ,
con người và cảnh vật đều như dừng lại, chỉ có chòm mây ấy vẫn nhẹ nhàng
trôi, càng làm nổi bật lên sự mênh mông cao rộng của không gian chung
quanh, cái yên ắng, êm ả của buổi chiều tối nơi rừng núi. Chòm mây ấy cũng
giống như Bác cô đơn, lẻ loi nơi đất khách quê người, Bác luôn khao khát
được tự do được thoát khỏi cảnh xiềng xích tù tội này để trở về hoàn thành sứ
mệnh với đất nước. Một cánh chim bay uể oải, một áng mây trôi chậm chạp,
hai hình ảnh ấy kết hợp với nhau gợi nên sự chuyển động nhỏ nhoi, sự vắng
lặng của bầu trời lúc chiều tà
Hai câu thơ đầu tuy ngắn gọn nhưng cũng đã khiến cho người đọc tưởng
tượng ra cảnh chiều tối vắng vẻ, quạnh hiu nơi núi rừng mênh mông. Qua đó
làm nổi bật lên hình ảnh con người. Dù trong cảnh tù đày xiềng xích trên
đường chuyển lao nhưng vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, điều đó
thể hiện ở Bác một phong thái ung dung tự chủ, sự tự do tuyệt đối của một
tâm hồn nghệ sĩ tinh tế và tình yêu thiên nhiên vô cùng sâu sắc. Bằng những
thi liệu cổ điển quen thuộc, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và bút pháp chấm
phá đã dựng nên bức tranh thiên lúc chiều muộn thanh bình miền sơn cước
kết hợp cùng nghệ thuật lấy điểm tả diện, lấy động tả tĩnh làm nổi bật sự hàm
súc của thơ Đường
Trong khung cảnh thiên nhiên mênh mông, đượm nét buồn lúc chiều
muộn nơi rừng núi, bỗng xuất hiện sự sống con người:
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng
Bức tranh thiên nhiên đượm nỗi buồn bỗng chốc trở nên sinh động, vui tươi
hơn nhờ sự xuất hiện của cô sơn nữ. Trung tâm của bức tranh giờ đây lại
chẳng phải là núi rừng, cỏ cây hay cánh chim mà lại chính là “cô em xóm núi
xay ngô”. Bức tranh chiều tối miền sơn cước như chuyển từ trạng thái tĩnh
sang động nhờ sự xuất hiện của cô gái và hành động xay ngô. Bức tranh vừa
có người, vừa có hoạt động khỏe khoắn của con người. Đó chính là nét đẹp,
nét đáng quý của người dân lao động. Hình ảnh cô gái đang miệt mài xay ngô
để chuẩn bị bữa tối gợi cho người đọc cảnh gia đình sum họp, quây quần bên
nhau thưởng thức bữa tối sau một ngày dài mệt mỏi như mang đến hơi ấm, sự
sống cho bài thơ. Ở đây, bản dịch thơ không thể hiện được hết ý nghĩa của
bản nguyên tác. “Ma bao túc – bao túc ma” lối thơ liên hoàn gợi những vòng
quay nhịp nhàng nối tiếp nhau của cối xay song song với dòng lưu chuyển
của thời gian. Vòng quay của chiếc cối chấm dứt cũng là lúc lò than vừa đỏ.
Ánh lửa hồng xuất hiện bất ngờ tỏa sáng vào đêm tối đã xua tan cái lạnh lẽo,
tối tăm mang đến ánh sáng và sự ấm áp cho đêm miền sơn cước. Chữ “hồng”
nằm ở cuối bài thơ có một vị trí đặc biệt, nó được xem là nhãn tự của toàn
bài. Ánh hồng không chỉ tỏa ra từ bếp lửa mà còn tỏa ra từ tấm lòng nhân ái,
tinh thần lạc quan của người tù cách mạng. Như vậy, chữ “hồng” trong câu
thơ vừa xua tan cái lạnh lẽo, tối tăm của màn đêm vừa là biểu tượng cho sự
lạc quan, yêu đời của Bác. Bức tranh vừa ấm áp bởi cảnh tượng lao động
khỏe khoắn của người thôn nữ lao động, vừa rực sáng bởi cái ánh hồng của
bếp lò, dường như ẩn sâu trong đó chính là mơ ước về một cuộc sống tự do
thanh bình của người tù cách mạng Hồ Chí Minh. Dẫu cho đó chỉ là một thứ
hạnh phúc bình dị, vậy mà Người vẫn gạt bỏ hết những đau đớn, vượt lên
hoàn cảnh khắc nghiệt để đồng cảm với niềm vui cuộc sống đời thường
Như vậy, hai câu thơ cuối cùng đã cho ta thấy cách nhìn cuộc sống luôn có
sự vận động hướng tới cái tốt đẹp, tươi sáng của Bác. Từ cảnh thiên nhiên
buồn vắng chuyển sang cảnh sinh hoạt sống động của con người, từ không
gian lanh lẽo hiu hắt đến ấm áp bừng sáng, lòng người từ nỗi buồn chuyển
sang niềm vui cuộc sống đời thường. Tất cả những hình ảnh ấy kết hợp lại
với nhau tạo nên những ý thơ tươi đẹp để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc
giả
Bài thơ “Chiều tối” đã phần nào khẳng định ý chí, nghị lực và tinh thần lạc
quan của người tù cộng sản. Dù là trong cảnh tù đày, Bác vẫn chia sẻ và đồng
cảm với người lao động. Bộc lộ khát vọng tự do và thể hiện chất thép kiên
cường. Bài thơ là sự kết hợp hài hòa giữa nét cổ điển và nét hiện đại ( cô gái
xay ngô, lò than rực hồng ) cùng bút pháp tả thực sinh động với những hình
ảnh dân dã đời thường, ngôn ngữ thơ linh hoạt và sáng tạo
Thời gian có thể làm cho cái đẹp bị tàn phai, nhưng không thể giết chết cái
đẹp. Những vần thơ “Chiều tối” trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Hồ Chí
Minh cũng vậy, nó vươn mình lên trong hàng vạn tác phẩm để trở thành một
tác phẩm chói lòa trong kho tàng văn học Việt Nam. Và Bác Hồ cũng vậy, dù
là trong hoàn cảnh tù đày, xiềng xích vô cùng khó khăn, đau khổ nhưng
Người vẫn vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt, vượt ra khỏi nổi khỗ của người tù
chuyển lao và thay vào đó là một tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời và con
người đến tha thiết. Đồng thời, ở Bác, chúng ta vẫn luôn thấy ánh lên một vẻ
đẹp của tinh thần quên mình, của một trái tim giàu lòng yêu thương luôn biết
quan tâm đến những điều bình dị nhất.

You might also like