You are on page 1of 3

CHIỀU TỐI

“Nhật kí trong tù” tỏa sáng tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh. Tâm
hồn tha thiết yêu con người, đất nước bao nhiêu thì cũng thiết tha yêu thiên nhiên cuộc sống bấy nhiêu.
Tâm hồn ấy trong những tháng ngày tù đày tăm tối luôn hướng về tự do, ánh sáng, sự sống và tương lai.
Trên đường chuyển lao trong chiều buồn ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), lòng nhà thơ - người tù bỗng ấm
lên, phấn chấn, vui vẻ trước cảnh thiên nhiên tươi đẹp và hình ảnh cuộc sống bình dị, ấm cúng. Và bài thơ
“Chiều tối” cứ thế được ra đời. Ở “ Chiều tối ” điều ta cảm nhận rõ nhất chính là sự hòa quyện giữa cổ
điển và hiện đại, tâm hồn của một thi sĩ phương Đông và chất thép cao cường của người chiến sĩ cộng sản.
Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà trên đường Bác bị giải lao. Chỉ vài nét chấm
phá, hai câu đầu của bài thơ đã để lại một tiểu hoạ về cảnh thiên nhiên vùng sơn cước ở thời điểm "Chiều
tối".

“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không”

Hai nét vẽ “động” cánh chim mỏi mệt “quyện điểu” bay về rừng, tìm cây trú ẩn, một áng mây cô đơn (cô
vân) đang lửng lơ trôi (mạn mạn). Cấu trúc hai câu thơ đăng đối, âm điệu thơ nhẹ, thoáng buồn. Bác sử
dụng cánh chim chiều như người xưa để gọi về thời gian nhưng Người lại nhìn thấu cả vào trong sự vật,
hiện tượng, điều này được thể hiện rõ ở từ “quyện” mệt mỏi sau một ngày dài kiếm sống. Hình ảnh “cánh
chim” và “chòm mây” đã ko còn xa lạ trong thơ ca xưa. Đó là hai nét chấm phá cổ điển, ước lệ đã gợi ra
khung cảnh bát ngát, trong sáng êm đềm của hoàng hôn vùng rừng núi. Mặt trời dần dần chìm sâu vào
giấc ngủ. Ánh trăng chuẩn bị lấp ló sau rặng tre đầu làng. Sau ngày dài kiếm ăn, từng đàn chim nối đuôi
nhau trở về nơi rừng mong tìm chốn nghỉ ngơi, phải chăng đó là khát vọng đoàn viên của người tù cộng
sản như Bác khi đang bị bắt giam ở nơi đất khách quê người. Cánh chim mỏi mệt đập nhẹ giữa không
trung trong buổi chiều tàn. Chòm mây cô độc trôi lững lờ giữa khoảng không vô định, cảnh vật tuy nhẹ
nhàng nhưng mang một nỗi buồn man mác. Thời khắc của ngày tàn cũng là khi màn đêm buông xuống,
đây là lúc người ta tạm gác mọi công việc để trở về nơi gia đình quây quần bên bữa cơm gia đình. Phải
chăng ngay lúc ấy, Bác cũng đang mệt mỏi và khát khao được nghỉ ngơi. Vậy mà, thực tại muôn nỗi khó
khăn, bởi vậy mà cảnh cũng đeo sầu, đám mây cô độc, cánh chim mỏi mệt là những hình ảnh ẩn dụ cho
những lúc yếu lòng, cảm thấy cô đơn, lẻ loi của Người nơi đất khách quê người. Nỗi nhớ quê hương da
diết trong tâm khảm nhà thơ, càng cô độc bao nhiêu thì nỗi nhớ lại càng lớn bấy nhiêu. Bài Độc tọa Kính
Đình sơn của Lí Bạch cũng có hai câu là:

“Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn”

Cả hai bài thơ đều là những nét chấm phá cổ điển gợi cảnh không gian bao la, với những cánh chim cao
bay. Nhưng nếu những cánh chim trong thơ của Lí Bạch bay về chốn vô cùng, vô định, gợi cảm giác xa
xăm, phiêu dạt, chia lìa, mang cái buồn thương u uẩn thì cánh chim trong thơ Bác lại gần gũi thân thương
hơn bao giờ hết. Bác không nhìn theo cánh chim bay về hướng rừng chỉ với cái nhìn thưởng thức thẩm mĩ
của một người nghệ sĩ, mà nhiều hơn là với đôi mắt lưu luyến, trừu mến của một tấm lòng yêu thương,
cảm thông đối với một biểu hiện của sự sống. Đây là những con chim có sự sống, có sinh hoạt nhịp nhàng
hàng ngày của chúng. Chúng là những cánh chim “về rừng tìm chốn ngủ”, sau một ngày “lao động”
chuyên cần mệt mỏi, ngủ để sáng hôm sau lại tiếp tục nhịp sống tuần tự của đời chim. Cuộc sống giản dị
nhưng nhịp nhàng, bất diệt. Nó chỉ là cánh chim tìm về tổ ấm sau một ngày dài mỏi mệt kiếm ăn. Cái hay
nằm ở chỗ, nhìn cánh chim bay mà thấy được "quyện điểu", thấy được trong dáng bay của cánh chim có sự
mỏi mệt của nó. Nghĩa là nhà thơ nhìn thấy được sự vận động bên trong của cánh chim kia. Đây chính là
tình cảm nhân đạo của Hồ Chí Minh. Cái nhìn ấy thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh
vật. Đúng như Tố Hữu đã từng viết:

“Bác ơi tim Bác mênh mông thế


Ôm cả non sông mọi kiếp người”

Thiên nhiên trong thơ Bác mang nét đẹp cổ điển với những hình ảnh thơ gần gũi, bình dị. Ẩn sau bức tranh
ấy là tình yêu thiên nhiên tha thiết của Bác. Bác đã vượt lên hoàn cảnh, ung dung ngắm cảnh làm thơ. Đó
chính là chất thép vĩ đại của con người cộng sản Hồ Chí Minh. Trở lại bài thơ, áng mây cô đơn, lẻ loi đang
lơ lửng, trôi nhẹ trên bầu trời là hình ảnh ẩn dụ về bước đi chầm chậm và cô đơn, lẻ loi của người tù cộng
sản trong một ngày dài bị áp giải. Tiếc rằng, dịch giả đã dịch thành “mạn mạn” thành trôi nhẹ, chưa thực
sự sát nghĩa.

Cảnh chiều tà nơi vùng sơn cước có chút hiu hắt, vắng lặng gợi lên cái bâng khuâng, man mác trong
lòng người đọc nhưng sự biến chuyển của hai câu sau nhanh chóng xóa đi cái hiu hắt vốn có của núi rừng.
Đó chính là lúc mà đôi mắt yêu thương và trái tim nhân ái bao la của Người bắt gặp vẻ dẹp của con người
lao động:

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”

Phần lớn người phụ nữ trong cổ thi đều mang nỗi buồn thương man mác vì chiến tranh sinh ly tử biệt hay
lỡ dỡ tình duyên, Vương Xương Linh đời Đường từng viết Khuê oán:

"Cô gái phòng the chửa biết sầu


Ngày xuân trang điểm dạo lên lầu
Đầu đường chợt thấy tơ xanh liễu
Hối để chồng đi kiếm tước hầu."

Cái mới ở đây là cũng viết về hình ảnh người phụ nữ nhưng thơ Bác lại viết về người dân lao động với cái
nhìn trân trọng yêu thương mang niềm vui của tấm lòng nhân đạo. Hai chữ "thiếu nữ" gợi lên vẻ trẻ trung,
tươi tắn của cô gái cùng với hoạt động xay ngô đã làm hiện lên vẻ đẹp khỏe khoắn, nhịp nhàng trong lao
động. Hình ảnh này đã làm xôn xao cả buổi chiều cô quạnh mang đến cho bức tranh thơ sức sống và niềm
vui lan tỏa. Việc đặt hình ảnh "sơn thôn thiếu nữ"ở vị trí trung tâm của bức tranh phong cảnh chiều tối đã
làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh về cuộc sống con người. Sự chuyển đổi ấy thể hiện một
khuynh hướng vận động của hình tượng thơ và quan điểm nhân sinh của Bác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào,
Hồ Chí Minh cũng gắn bó với cuộc sống con người nơi trần thế đặc biệt là cuộc sống nhân dân lao động".
Hình thức điệp vòng “Ma bao túc” “Bao túc ma” đã tạo nên nhạc điệu nhịp nhàng như vòng quay đều đặn
và luẩn quẩn của cối xay ngô. Bác đã rất trân trọng cái khoảnh khắc này, trân trọng sức lao động của con
người trong mỗi khoảnh khắc của thời gian. Phải có một tâm hồn tinh tế, nhà thơ mới có thể nhận ra được
vẻ đẹp rất đỗi bình dị trong đời sống như thế. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, trái tim nhân ái
của Bác cũng hướng tới những con người khốn khổ. Bác xót xa khi nghe tiếng khóc trẻ thơ vang lên trong
ngục tối. Âm thanh non nớt đó kể lể với Bác một điều cay đắng trong ngàn điều cay đắng trên đời:

Oa…! Oa…! Oa…!


Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi,
Phải theo mẹ đến ở nhà pha.

(Cháu bé trong nhà lao Tân Dương)

Vòng quay của chiếc cối chấm dứt, công việc kết thúc (bao túc ma hoàn) thì lò than cũng vừa đỏ (lô dĩ
hồng), ánh lửa đỏ ấm nồng xuất hiện thật bất ngờ. Hình ảnh lò than hồng đã đem đến một luồng gió mới
cho bài thơ. Ánh hồng đã tỏa ấm bức tranh thơ, xua tan cái lạnh, vắng của cảnh chiều nơi núi rừng. Đó là
hình ảnh của hạnh phúc đời thường bình dị. Bác chia sẻ và cũng ấm lòng. Ánh hồng ấy không chỉ tỏa ra từ
chiếc bếp lửa bình dị của một "sơn thôn thiếu nữ" mà chủ yếu được tỏa ra từ tấm lòng nhân ái, tinh thần
lạc quan của Hồ Chí Minh. Dù cho con đường cách mạng trước mắt còn nhiều chông gai gian khổ nhưng
là con đường tất thắng. Dù trong hoàn cảnh bị giam cầm nhưng tư tưởng của Bác vẫn luôn vận động
hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Bác tin tưởng về một tương lai tự do, hạnh phúc của dân tộc.

Với từ ngữ cô đọng, hàm súc, hình ảnh ước lệ, bút pháp tả cảnh ngụ tình, việc kết hợp điêu luyện
giữa màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại cùng với bút pháp chấm phá trong cách xây dựng không gian đã
khiến cho người đọc hình dung cả khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống con người chỉ bằng vài nét vẽ. Bài
“Chiều tối” cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt trong
cuộc sống.

Thành công trong việc kết hợp cổ điển và hiện đại,”Chiều tối” đã cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu
cuộc sống của của người tù chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. dù trong hoàn cảnh tù đày nơi đất khách quê
người nhưng Người vẫn vượt lên trên tất cả để đưa đến cho người đọc những vần thơ tuyệt bút. Qua bài
thơ ta càng hiểu, càng yêu hơn lãnh tụ Hồ Chí Minh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

“Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp


Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác, vần thơ thép


Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”

You might also like