You are on page 1of 6

CHIỀU TỐI

Hồ Chí Minh
Raxun Gamzatop từng nhận định: “ thơ sinh ra từ tình yêu và lòng căm thù, từ nụ cười trong
sáng hay những giọt nước mắt đắng cay”. Vâng thơ chính là tiếng nói của trái tim, của tư
tưởng tình cảm, là nhà thư kí trung thành của thời đại, của người nghệ sĩ. Tiếng nói ấy có khi
là tiếng khóc than thảm thiết và cũng có khi là tiếng reo hân hoan của niềm vui, niềm hạnh
phúc. Thả hồn vào thiên nhiên vào cuộc sống núi rừng Bác đã cất lên tiếng thanh bình êm ả
của núi rừng vào lúc chiều tà qua bài thơ “ chiều tối”. Bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí
Minh dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu thì nhà thơ vẫn hướng tới ánh sáng khiến bạn đọc
trân trọng.
Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà
thơ lớn với nhiều tác phẩm có giá trị. Với Bác, người nghệ sĩ phải là một chiến sĩ chủ động
tích cực trên mặt trận với vũ khí đặc biệt là các tác phẩm văn chương: “Văn hóa nghệ thuật
cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Ta vẫn thường thấy những thi
phẩm nghệ thuật thường ra đời trong hoàn cảnh rất đỗi nên thơ, khi trà dư tửu hậu hoặc lúc
tức cảnh sinh tình, nhưng thơ Bác ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất vẫn vươn mình
để trở thành áng thơ tuyệt bút. “Mộ” (Chiều tối) được Bác lấy cảm hứng từ khung cảnh miền
sơn cước vào một buổi chiều trên đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo cuối tháng
10 năm 1942. Đây được coi là một trong những thi phẩm đặc sắc trích từ tập “Ngục trung
nhật kí” (Nhật kí trong tù), bài thơ mang đậm màu sắc cổ điển song cũng thấm đượm tinh
thần hiện đại qua đó góp phần làm nổi bật cốt cách của “bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”
(Viên Ưng – Trung Quốc).
` “Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời
mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Chính vì vậy mà Bác
đã dùng văn học để miêu tả cuộc đời đầy khổ cực của mình cũng như bức tranh thiên
nhiên nơi đây:
“ chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
Bài thơ được mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên lúc hoàng hôn. Cái hay của HCM là dù
không dùng một từ ngữ nào để miêu tả bóng chiều nhưng thời gian cảnh chiều vẫn hiện lên
rõ nét. Đây là khoảng thời gian những chú chim đang mệt mỏi sải cánh bay về rừng tìm chốn
ngủ cho mình sau một ngày dài kiếm ăn. Cánh chim bay trong buổi hoàng hôn gợi lên sự nhỏ
bé giữa một không gian rộng lớn của cả cánh rừng. Hình ảnh này có sự hòa trộn giữa màu
sắc cổ điển và hiện đại. Đây chính là đặc điểm quen thuộc trong thơ của Bác- những câu thơ
luôn phảng phất phong vị đường thi. Bởi cánh chim gắn với bóng chiều là một thi liệu quen
thuộc trong thơ xưa. Ta có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc này trong thơ ca truyền thống
như câu ca dao: “Chim bay về núi tối rồi” hay trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
(Cảnh chiều hôm)
Giờ đây chiều tà đã buông xuống khép lại một ngày dài để nhường chỗ cho màn đêm và
bóng tối ngự trị. Là thời gian vạn vật quây quần bên nhau nhưng cũng là khoảng thời gian
tâm lý, khoảng thời gian gợi nỗi buồn, gợi tâm tư nỗi niềm đặc biệt đối với những lữ khách
tha phương. Những chú chim đã tìm được nơi chốn để dưỡng sức còn người tù thì không thể
tránh khỏi cảm giác chạnh lòng vì mình cũng đang như thế cũng đang lưu lạc nơi đất khách
quê người. Hơn bao giờ hết lúc này Bác khao khát có một chốn để dừng chân để nghỉ ngơi
sau một ngày chuyển lao vất vả. Mệt mỏi, cô đơn là vậy nhưng người chiến sĩ cách mạng vĩ
đại ấy không hề kêu than. Bác đối mặt với hoàn cảnh bằng một ý chí và nghị lực phi thường.
Bên cạnh màu sắc cổ điển hình ảnh cánh chim trong bài thơ cũng mang màu sắc hiện đại đây
là sự mới mẻ trong thơ ca khi sử dụng thi liệu quen thuộc. Nếu như trong thơ cổ, cánh chim
thường bay về chốn vô cùng, vô định, gợi cảm giác xa xăm, phiêu dạt, chia lìa, mang cái
buồn thương u uẩn thì cánh chim trong thơ Bác lại có mục đích, có phương hướng, có điểm
dừng rõ ràng và gần gũi yêu thương hơn bao giờ hết. Bởi thế nên đằng sau hình ảnh cánh
chim này chúng ta còn nhận ra cái nhìn đầy trìu mến yêu thương của người. Cái nhìn ấy
không đơn thuần là cái nhìn thưởng thức mà còn gửi vào đó sự lưu luyến, trìu mến của một
tấm lòng yêu thương vô hạn của một người luôn luôn dành tình yêu thương cho tất cả làm
cho cánh chim nhỏ bé kia như có linh hồn, có đời sống riêng tư. Vậy nên cánh chim ấy được
cảm nhận ở trạng thái bên trong nên ta mới thấy được sự mỏi mệt, cạn kiệt sức lực sau một
ngày dài kiếm ăn. Sở dĩ Bác làm được như vậy bởi lúc này người và cảnh vật đang có sự
tương đồng. Nếu cánh chim ấy đang mỏi mệt sau một ngày dài kiếm ăn thì Bác cũng đang
rất mỏi mệt sau một ngày lê bước trên đường trường. Đây chính là tình cảm nhân đạo của Hồ
Chí Minh là quan niệm về cái đẹp của Bác : quan niệm cái đẹp ở phía sự sống. Cái nhìn ấy
thể hiện tình cảm nhân ái bao la của Người đối với cảnh vật. Đúng như Tố Hữu đã từng viết
"Bác ơi tim Bác mênh thống thế/ Ôm cả non sông mọi kiếp người". Qua đó ta thấy thêm một
nét nghĩa mới: người tù dường như cũng đồng cảm với cánh chim kia, Người như cũng
muốn được dừng chân sau một ngày đày ải "Năm mươi ba cây số một ngày/ Áo mũ dầm
mưa rách hết giày". Bên cạnh cánh chim mỏi ấy Bác còn quan sát được cả hình ảnh chòm
mây cô đơn trôi lững lờ trên từng không. Thơ xưa cũng mượn thi liệu quen thuộc là hình ảnh
chòm mây để miêu tả cảnh chiều tà:
“Bạch vân thiên tải không du du”
(Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay)
(Hoàng Hạc lâu – Thôi Hiệu)
Song những áng mây trong thơ Bác không phong lưu, cao sang mà rất bình dị, êm ả của bầu
trời miền sơn cước. Chúng ta tiếp tục nhận ra sự tương đồng giữa người và cảnh qua hình
ảnh này. Chòm mây cô độc trôi giữa bầu trời vừa gợi lên sự cô đơn nhưng đồng thời cũng
gợi lên trạng thái phiêu diêu thoát tục. Đó chính là thần thái của cảnh cũng là phong thái ung
dung nhàn hạ của người thi sĩ. Đối chiếu với bản dịch thơ, rất tiếc người dịch đã làm mất đi
sự cô đơn, lẻ loi đó của đám mây (cô vân) và dáng vẻ lững lờ như chất chứa nỗi niềm, giúp
ta hình dung ra cả một khoảng trời trong trẻo, mênh mang, tĩnh lặng cùng chút gió thu nhè
nhẹ hiu hắt buồn (mạn mạn). Đặc biệt hai hình ảnh tương phản ở đầu và cuối câu thơ: “cô
vân” – “thiên không”, đối lập giữa không gian cao rộng, thoáng đạt của bầu trời với sự lẻ loi
của áng mây khiến cho không gian càng rộng mở mênh mông, rợn ngợp và cánh chim càng
nhỏ bé, đơn độc, đáng thương. Lối vẽ chấm phá cổ điển không làm cho hình ảnh chòm mây
rơi vào ước lệ giống với thơ xưa mà ngược lại giúp chúng sống động như mang tâm tình, xúc
cảm. Áng mây dường như không biết đi đâu, về đâu trong cảnh chiều tàn đang dần khép cửa
lặng lẽ trôi từ khoảng không này sang khoảng không khác, nó khiến người tù cách mạng
nghĩ đến thân phận bơ vơ nơi đất khách quê người của mình bị chuyển từ nhà lao này sang
nhà lao khác không biết đâu là điểm dừng không biết đến bao giờ mới được trả tự do. Hai
câu thơ đầu không chỉ là bức tranh ngoại cảnh mà còn là bức tranh tâm cảnh bức tranh tâm
hồn của một tù nhân, một thi nhân và một chiến sĩ. Phải là một người có bản lĩnh tinh thần
thép mới có thể quên đi sự đau đớn mệt nhọc của bản thân để thưởng thức bức tranh thiên
nhiên cảnh vật và đồng cảm với nó. Đây chính là tấm lòng “ nâng niu tất cả chỉ quên mình”
của HCM. Càng đặt hai câu thơ trong hoàn cảnh sáng tác của nó, người đọc càng cảm nhận
được bản lĩnh phi thường, tinh thần thép của người tù chiến sĩ Hồ Chí Minh trước những
khắc nghiệt của cuộc đời:
“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”
(Hoàng Trung Thông)
Nếu hai câu thơ đầu miêu tả bức tranh thiên nhiên núi rừng thì hai câu thơ sau
miêu tả khung cảnh sinh hoạt của cuộc sống con người:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Ta vẫn thường thấy trong thơ xưa, cảnh thiên nhiên thường vắng bóng con người hoặc con
người bị hòa vào thiên nhiên, họ thường cô đơn, thường tĩnh lặng, thụ động và luôn chịu sự
chi phối của ngoại cảnh như trong bài “Qua đèo ngang” của bà Huyện Thanh Quan:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Hay như trong thơ Đường, hình ảnh ẩn sĩ hiện lên dưới cánh chim ngàn mây núi buông câu
thả cá mà cũng như buông xuôi cuộc đời:
“Ngàn non bóng chim tắt
Muôn nẻo dấu người không
Thuyền đơn ông tới nón
Một mình câu tuyết sông”
(Giang Tuyết – Liễu Tông Nguyên)
Nhưng khi đến với bài thơ của Bác trung tâm của bức tranh giờ đây lại là con người – hình
ảnh thiếu nữ xóm núi đang lao động chăm chỉ xay ngô bên bếp lửa như mang đến sức sống
cho khung cảnh chiều tối. Đặc biệt, đó là sự gắn kết “thiếu nữ” – “sơn thôn” đã cho ta thấy
cảm xúc và hồn thơ của Bác. Người luôn luôn phát hiện mối quan hệ hòa hợp giữa người và
cảnh vật. Dường như xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn nhờ vào sự xuất hiện của thiếu nữ.
Và thiếu nữ xuất hiện cũng không hề đơn độc lẻ loi mà gắn liền với cộng đồng “sơn thôn”
của mình, đó vẫn luôn là cách nhìn đặc biệt thường gặp trong thơ Bác:
“Làng xóm ven sông đông đúc thế
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ thênh thênh”
(Giữa đường đáp thuyền đi huyện Ung)
Cái đáng tiếc ở đây là lại một lần nữa bản dịch thơ không thể hiện được hết ý nghĩa của bản
nguyên tác khi “sơn thôn thiếu nữ” dịch là “cô em xóm núi”. Bác không gọi cô gái bên bếp
lửa hồng ấy với hai từ cô em mang sắc thái bông đùa mà Bác trân trọng gọi người con gái ấy
là thiếu nữ – gợi cảm xúc về sức trẻ, tuổi thanh xuân của cô. Mặt khác, thơ cổ cũng đã nhiều
lần nhắc đến hình ảnh người thiếu nữ, nhưng là những thiếu nữ đài các nơi khuê phòng:
“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
(Truyện Kiều)
Là những mĩ nhân, những quý tộc thượng lưu ở lầu son gác tía như trong thơ Lí Bạch:
“Mĩ nhân nhất tiếu khiên châu bạc
Giao chỉ hông lâu: thị thiếu gia”
(Mĩ nhân nở nụ cười vén bức rèm châu
Rồi chỉ về phía lầu hồng nói với ta: ấy là nhà của thiếp)
Còn người thiếu nữ trong “Chiều tối” xuất hiện cùng khung cảnh lao động bình dị nơi xóm
làng là một hình ảnh rất giản dị nhưng người sáng vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của tuổi trẻ căng tràn
sức sống, là vẻ đẹp của công việc lao động đời thường bình dị. Người thiếu nữ với công việc
xay ngô khỏe khoắn chăm chỉ lao động chuẩn bị cho bữa cơm đầm ấm của gia đình. Hơn nữa
đó còn là vẻ đẹp của vị thế con người giữa thiên nhiên. Dù giữa không gian rừng núi bao la
nhưng không bị tan biến và mất hút vào thiên nhiên mà ngược lại trong tư thế nổi bật nhất là
hình ảnh trung tâm nhất của bức tranh này. Mang lại cho người đi đường chút hơi ấm của sự
sống, chút niềm vui và hạnh phúc trong lao động của con người, tuy vất vả mà tự do. Có lẽ
cũng chính vì vậy mà có một nhà phê bình nào đó từng nhận xét rằng "Không rõ trước Hồ
Chí Minh đã có một "sơn thôn thiếu nữ" thực sự là người lao động bước vào thế giới của
nàng thơ hay chưa? Chỉ biết rằng việc đặt hình ảnh "sơn thôn thiếu nữ"ở vị trí trung tâm của
bức tranh phong cảnh chiều tối đã làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh về cuộc
sống con người. Sự chuyển đổi ấy thể hiện một khuynh hướng vận động của hình tượng thơ
và quan điểm nhân sinh của Bác. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh cũng gắn bó với
cuộc sống con người nơi trần thế đặc biệt là cuộc sống nhân dân lao động". Và cũng chính ở
câu thơ thứ ba ở bản dịch thơ, người dịch đã sơ ý đặt thêm chữ “tối” vào khiến giảm đi ít
nhiều tính hàm súc, cô đọng. Xét về thời gian thì quả thực khi cô gái xay ngô thì trời đã tối
nhưng cảm quan nghệ thuật của Bác thì rất dị ứng với bóng tối và hơn cả người đọc hoàn
toàn có thể nhận thấy được bước chuyển biến của thời gian ngay cả khi không có sự xuất
hiện của chữ “tối” như Lê Trí Viễn đã từng bình luận: “Thời gian trôi dần dần theo cánh
chim và làn mây, theo vòng xoay của cối ngô quay mãi quay mãi”. Nếu như ở 2 câu thơ đầu
nét hiện đại được sử dụng khi dùng những thi liệu quen thuộc thì ở 2 câu thơ cuối nó lại
chính là nghệ thuật biểu hiện. Với bút pháp dùng sáng tả tối Bác đã sử dụng hình ảnh lò than
rực hồng để tái hiện bóng tối đã sập xuống, gợi tả sự vận động từ chiều sang tối. Tài hoa của
Người là ở chỗ tả cảnh thiên nhiên, tả cảnh chiều tối mà không phải dùng đến một tính từ chỉ
thời gian nào. Cả bài thơ không hề có chữ tối nào cả mà người đọc vẫn nhận ra chữ tối ( bản
dịch thơ đã làm lộ ý này ). Người dùng ánh lửa đỏ để thể hiện thời gian vì trời có tối mới
nhìn thấy lò than rực hồng. Điệp ngữ liên hoàn (điệp ngữ vòng) "ma bao túc – bao túc ma
hoàn" đã cho ta cảm nhận được thời gian đang vận động đang xoay theo từng vòng quay của
cối xay ngô. Phải chăng Hồ Chí Minh đã có một phát hiện mới trong bút pháp tả thời gian.
Rõ ràng, ngay cả khi tả cảnh chiều tối, thơ Hồ Chí Minh vẫn có sự vận động từ bóng tối ra
ánh sáng. Vòng quay của chiếc cối chấm dứt, công việc kết thúc (bao túc ma hoàn) thì lò
than cũng vừa đỏ (lô dĩ hồng), ánh lửa đỏ ấm nồng xuất hiện thật bất ngờ, tỏa sáng vào đêm
tối xua tan đi cái lạnh lẽo hiu hắt của núi rừng.
Từ “hồng” đã trở thành nhãn tự cho cả bài thơ. Bài thơ có 28 chữ 27 chữ trên là cảnh chiều
chữ cuối cùng là cảnh tối và cũng thể hiện sự vận động từ chiều sang tối. Thông thường, khi
trời từ chiều tối sang tối hẳn có lẽ rằng bài thơ sẽ kết thúc bằng cảnh tượng màn đêm đen kịt
bao phủ khắp núi rừng, che phủ đi hình ảnh con người, để lại nỗi cô đơn, lạnh lẽo và mênh
mang vô tận. Nhưng ở trong Chiều tối, bóng đêm lại được bắt đầu bằng hình ảnh lò than đã
rực hồng “lô dĩ hồng”, như một sự khởi đầu ấm áp, biểu hiện cho cuộc sống ban ngày vừa
kết thúc, nhưng cuộc sống sinh hoạt mới thực sự bắt đầu. Chính thế người ta đã chẳng còn
nhận thấy sự tối tăm, ảm đạm và lạnh lẽo nữa mà thay vào đó là cảm giác ấm áp, không chỉ
là sự ấm áp của lò than mà còn là sự ấm áp của tình người. Vậy nên mới nói “Hồ Chí Minh
rất Đường mà không Đường một tí nào. Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn
bộ bài thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi , sự uể oải,sự vội vã,sự nặng nề đã diễn tả trong 3 câu
đầu, đã làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay ngô tối. Chữ “hồng” trong nghệ
thuật thơ Đường người ta gọi là “con mắt” thơ (thi nhã hoặc nhãn tự), nó bùng sáng lên, nó
cân lại chỉ một chữ thôi với 27 chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa”.

Đặc biệt là từ “hồng” dường như làm rực sáng cả bài thơ, xua đi cái không khí tối tăm, hiu
quạnh miền rừng núi, khung cảnh thiên nhiên rộng lớn bỗng chốc thu bé lại bằng hình ảnh
một lò than, một mái ấm với những con người lao động nhỏ bé, nhưng đậm nét. Thơ của Hồ
Chí Minh luôn tích cực và tươi sáng như thế, Người luôn hướng về ánh sáng, sự sống. Và
qua chữ “hồng” chúng ta còn thấy có sự vận động từ cô đơn sang xum vầy, từ buồn sang vui,
từ bóng tối ra ánh sáng. Trong thơ Bác luôn có sự vận động như vậy đó chính là nhân sinh
quan tích cực của người cách mạng. Nhìn xa hơn về cả cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí
Minh, từ “hồng” cuối bài còn ẩn chứa những ý nghĩa xa xăm. Hình ảnh cô gái xay ngô tối
đầy khó khăn, vất vả, cũng giống như cảnh Bác nặng nhọc gông xiềng quấn thân. Khi cô gái
xay xong ngô thì lò than đã rực hồng, là ẩn dụ cho việc Bác sau khi vượt qua cảnh tù đày,
chính là ngày cách mạng rực sáng, tương lai còn tươi sáng phía trước. Có thể nói rằng
“hồng” còn chính là đại diện cho màu của lý tưởng cách mạng trong người chiến sĩ, ấm
nóng, lạc quan, tràn đầy nhiệt huyết và sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh tối tăm để vụt sáng.
Ấy chính là chất thép ẩn hiện trong thơ Hồ Chí Minh, tinh tế và nhiều ý vị. Từ sự phát hiện
ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động Trung Quốc để tìm thấy niềm vui sự ấm áp trở thành
điểm tựa thành niềm tin để người chiến sĩ cách mạng hướng tới tương lai.
Mỗi tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật vậy nên có thể coi cả bài thơ
Chiều tối là một tác phẩm kiến trúc ngôn từ đồ sộ vừa mang nét đẹp cổ điển, vừa mang nét
hiện đại. Bài thơ sử dụng bút pháp gợi tả ngôn ngữ giản dị chân, bút pháp chấm phá nghệ
thuật tả cảnh ngụ tình và sự vận động của hình tượng thơ đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp tâm hồn
HCM. Con người Bác trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn hướng về ánh sáng và sự sống,
lòng lạc quan luôn gắn liền với lòng nhân ái. Chính vì những yếu tố đó đã giúp Chiều tối
sống mãi trong lòng bạn đọc và nền văn học nước nhà.
Thời gian có thể làm cho cái đẹp bị tàn phai, nhưng không thể giết chết cái đẹp. Hoa
hồng tàn về thân xác cánh hoa có thể rơi, đài hoa có thể rụng nhưng hương hoa vẫn còn thơm
mãi, hồn hoa biết bay đi để tìm người bạn tri âm tri kỉ cùng chia sẻ nỗi buồn, nỗi bất bình, tài
năng của người nghệ sĩ có thể làm cho cái đẹp bất tử. Những vần thơ “Chiều tối” cũng vậy,
nó vẫn vươn mình trong “vùng đất chết” để trở thành một thi phẩm chói lòa, vượt ra khỏi nỗi
khổ của người tù chuyển lao, thoát khỏi “cái dơ bẩn thấp hèn” và thay vào đó là một tâm hồn
yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu con người đến tha thiết.

You might also like