You are on page 1of 3

Với bút pháp chấm phá điểm nhấn cùng với nghệ thuật ước lệ tượng trưng mang

đậm chất cổ điển của


thơ ca phương Đông, một khung cảnh thiên nhiên được họa lên với sự hiện diện của núi, rừng,… bao la,
rộng lớn dưới những nét chữ của Bác. Trên bức tranh ấy, Người không nghiêng về tả thực, lấy từng nét
một của khung cảnh kì vĩ ấy mà chỉ gợi ra một vài nét cốt ghi lại linh hồn tạo ra vạn vật vào buổi chiều tối
hôm ấy. Đấy vốn vẫn luôn là thời điểm mà những xúc cảm nhớ nhung, cô đơn bật chợt được gợi ra
trong những người con xa quê, xa xứ. Lạ thay, chúng ta lại không hề cảm thấy điều tương tự như vậy ở
Bác. Người đã vượt lên cảnh ngộ đau buồn của hiện tại để cảm nhận cái đẹp của thiên nhiên nơi đây.

Với tâm trạng ấy, Bác đã khắc họa hình ảnh miền sơn cước nơi đây bằng hình ảnh chim mỏi mệt bay tìm
chốn ngủ sau một ngày ròng rã kiếm ăn. Đó là chi tiết gợi không gian mênh mông, cũng như gợi ý niệm
về thời gian là buổi chiều đã tới. Hình ảnh cánh chim ấy ta đã bắt gặp không ít lần trong kho tàng thơ ca
VN như trong Truyện Kiều- Nguyễn Du có viết: “Chim bay thoi thót về rừng” hay trong thi phẩm Tràng
Giang-Huy Cận là hình ảnh: “ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”.Tuy nhiên, cánh chim thơ của Bác
lại không mang dáng vẻ phiêu bạt, xa xăm như hút vào hư không ấy mà lại rất gần gũi, gắn bó với cuộc
sống con người. Từ “ quyện” trong câu thơ mang nghĩa mỏi mệt chỉ tâm thế của con người nay lại là
định nghĩa cho danh từ “ điểu “ dùng để đặc tả cho hình ảnh cánh chim. Hơn thế, hình tượng cánh chim
trong thơ Bác không chỉ được quan sát ở trạng thái vận động bên ngoài mà còn được cảm rất sâu ở
trạng thái mỏi mệt bên trong. Có thể thấy ở đây một sự gần gũi, tương đồng trong tâm trạng giữa người
tù và cánh chim chiều. Phải chăng sau một ngày đi đường dài “Năm mươi ba dặm một ngày” cổ đeo
gồng, thân vướng xiềng, Người đã thấm mệt nên nhìn cánh chim bay trên trời Bác cũng cảm nhận được
điều ấy. Trong ý thơ có sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên mà cội nguồn của sự đồng điệu ấy
chính là tình yêu thương mênh mông của Bác dành cho sự sống của vạn vật trên đời.

Không chỉ vậy trên chính bầu trời ấy, Người con quan sát thấy hình ảnh những chòm mây cô lẽ, đơn độc
đang nhẹ trôi đi một cách vô định. Đây cũng là một thi liệu rất quen thuộc trong thơ ca xưa. Trong thi
phẩm “Hoàng Hạc Lâu” Thôi Hiệu đã từng viết: “Bạch vân thiên tải không du du” (Ngàn năm mây trắng
bây giờ con bay” hay đám mây xanh ngắt trong thơ của Nguyễn Khuyến với câu “Tầng mây lơ lửng trời
xanh ngắt”. Tuy vẫn là một thi liệu thơ quen thuộc nhưng mây trong thơ Bác không gợi sự vĩnh viễn hay
mang cái khắc khoải mơ hồ của con người khi đứng trước bầu trời hư không mà “chòm mây” của Bác lại
mang dáng vẻ, tâm trạng chứa đầy sự cô đơn, lẻ loi của người tù nơi đất khách đang trăn trở băn khoan
trước tương lai của bản thân khi chẳng thể biết sẽ đi đâu về đâu. Đáng tiếc thay bản dịch lại chưa thật
sự bộc tả được ý nghĩa của từ “cô” nên đã làm mất đi cái vẻ lẻ loi, cô độc vốn có ở đám mây trong bản
gốc. Chòm mây trôi nhẹ nhàng, nhàn tản như chính tâm thế của người tù chiến sĩ hiện tại – ung dung mà
tự tại tuy đang bị giải tù nhưng thật ra lại đang thưởng ngoạn sắc trời về chiều nơi đây. Nếu không có
nghị lực phi thường vượt lên trên mọi hoàn cành cũng như bản lĩnh tinh thần tự chủ, tự do của Bác thì
khó mà có được những vần thơ đầy tinh tế mà sâu sắc như thế về thiên nhiên trong hoàn cảnh lúc bấy
giờ. Đó chính là tinh thần thép của Hồ Chí Minh.

Trên nền cảnh thiên nhiên ấy, hình ảnh con người bỗng dưng hiện lên trong thơ Bác. Con người được
nói đến ở đây là thiếu nữ đang lao động giữa chốn núi rừng mênh mông như một điểm sáng làm đẹp
cho nơi đây. Bức tranh sinh hoạt đời thường mở ra tưởng chừng bình thường thế mà lại đẹp đẽ đến
đáng quý:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lỗ dĩ hồng”

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng.)

Trong thi ca xưa cũng đã xuất hiện hình ảnh con người nhỏ nhoi, lẻ bóng ẩn hiện giữa một trời thiên
nhiên, cảnh vật hùng vĩ. Sự xuất hiện đó chỉ càng tô đậm thêm cái nét hoang sơ, đồ sộ của cảnh vật tự
nhiên như trong thi phầm “Qua đèo ngang” của bà Huyện Thanh Quan:

“ Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”

Trái lại trong thơ Bác, hình ảnh cô gái xay ngô tối. khỏe khoắn, đầy trẻ trung giữa núi rừng mênh mông –
người thiếu nữ miền Sơn Cước ấy không những không bị hòa tan với cảnh vật thiên nhiên hay bị lu mờ
trở nên nhỏ bé, đơn điệu mà yếu ớt mà trái lại còn nổi bật chói lòa trong không gian nơi đây làm điểm
nhấn sống động cho toàn bộ bức tranh. Công việc của cô gái từ ngọn lửa hồng của lò than cùng với lòng
nhiệt huyết của tuổi trẻ đã làm bừng sáng và sưởi ấm lên cả một không gian heo hút, lạnh lẽo của buồi
chiều tối. Khung cảnh xinh đẹp ấy như một niềm an ủi, hơi ấm sưởi ấm những người tù chuyển lao, cho
họ thấy được rằng niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống vốn vẫn luôn tồn tại trong những điều bình dị
và thường nhật nhất. Hai chữ “thiếu nữ” không chỉ đơn giản thể hiện vẻ đẹp của người lao động mà còn
thể hiện cái nhìn đầy chiều mến, trân trọng hướng về cuộc sống mà Bác dành cho người lao động.
Dường như Bác đã quên bẵng đi hiện thực cực khổ của bản thân để có thể sẻ chia, đồng cảm với niềm
vui, hạnh phúc của những mảnh đời vất vả, cực nhọc nhưng lại rất tự do và tự chủ.

Ba chữ “ma bao túc” ở cuối câu ba được điệp vòng ở câu thứ tư với cụm từ “bao túc ma hoàn” không
chỉ diễn ta sự nối tiếp nhịp nhàng, không dứt của động tác “xay ngô tối”, qua đó khắc họa sự siêng năng,
chăm chỉ của cô gái miền Sơn Cước làm bật lên vẻ đẹp lao động của con người triền miên kéo dài mãi
trong đêm mà ta còn cảm được mạch vận động, luân chuyển liên hồi của thời gian từ “chiều tà” sang
“đêm khuya”. Vòng quay kết thúc, công việc dừng lại thì lò than cũng đã rực hồng. Bằng tài năng của
chình mình, Bác đã vận dụng tài tình thủ pháo nghệ thuật “Lấy anh sáng để tả bóng tối”. Chữ “hồng” ở
cuối bài khiến cả bài dù không xuất hiện chữ “tối” nhưng vẫn giúp người đọc hình dung ra bóng rối đang
dần buông xuống xóm núi nhờ ánh lửa rực hồng của lò than.

Bài thơ là cả một thành công của nghệ thuật kết hợp hài hòa giữa bút pháp cổ điển và sự cách tân hiện
đại trong ý thơ. Đặc biệt là chữ “hồng” ở cuối bài thơ có ý nghĩa như nhãn tự của cả bài. Trong nghệ
thuật Đường thi, chữ “hồng “ được xem như là con mắt thần của tác phẩm mang ý nghĩa sâu sắc được
Hoàng Trung Thông nhận xét rằng: “Với chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài thơ, đã làm
mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn ra trong 3 câu đầu, đã làm sáng rực lên
khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối”. Ánh hồng ấy không chỉ đơn giản tỏa ra từ chiếc bếp lửa
bình dị mà hơn cả là từ chính tấm lòng nhân ái, tinh thần lạc quan, tự tại của Bác khi luôn hướng bản
thân tới một tương lai tươi sáng hơn, tích cực hơn vào ngày mai. Dù bản thân có bị đặt vào trong bất kì
tình huống khó nhằn thế nào, con người ấy sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước số phận.

Với 28 chữ thất ngôn tứ tuyệt được kết hợp hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại, giữa tâm hồn thi sĩ và
trái tim thép của người chiến sĩ, “Chiều tối” đã làm người đọc không khỏi xúc động trước tinh thần nhân
đạo, ý chí vượt lên trên nghịch cảnh của nhà thơ-chiến sĩ Hồ Chí Minh .

Như vậy, tác phẩm “Chiều tối” đã khép lại để lại dư âm đầy sống động trong cảm nhận của từng đọc giả.
Đến với bức họa “Chiều tối” của Hồ Chí Minh, ta không khỏi cảm thán vẻ đẹp của hình tượng nhân vật
trữ tình trong bài được xây dựng dưới những con chữ đầy sáng tạo của Bác dành cho cánh chim mỏi,
áng mây trôi hay người lao động cũng như công việc của chính họ.

You might also like