You are on page 1of 3

CHIỀU TỐI CỔ ĐIỂN HIỆN ĐẠI

“Làm thơ ta vốn không ham


Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây
Ngày dài ngâm ngợi cho khuây
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”
Đó là lời giãi bày của Bác Hồ khi đang bị giam cầm nơi ngục tù tăm tối. Hồ Chí Minh là
một cái tên mà tất cả con dân Việt Nam đều ghi tạc trong tim với một lòng yêu quý, kính trọng
vô bờ bến. Tuy văn chương không phải sự nghiệp chính của cuộc đời Bác nhưng Hồ Chủ tịch đã
để lại cho nền văn học nước nhà một khối lượng lớn các tác phẩm văn thơ có giá trị. Trong đó,
không thể không kể đến bài thơ “Chiều tối”, sự kết hợp hết sức hài hoà giữa nét cổ điển và
tinh thần hiện đại.
Hồ Chí Minh xuất thân trong một gia đình Nho học, quê làng Kiêm Liên, Nam Đàn, Nghệ
An. Là tác giả của “tuyên ngôn độc lập”, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà.
Thơ Bác vừa đậm đà màu sắc cổ điển vừa hài hoà tinh thần thời đại. “Chiều tối” là bài thơ thứ
31/134 bài thơ trích từ tập “Ngục trung nhật kí”, được gợi cảm hứng trên đường chuyển lao
của Bác khi bị Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Bài thơ chỉ đơn giản là tả lại cảnh nơi thôn dã
vào một buổi chiều tối, thế nhưng mỗi hình ảnh thơ luôn có sự vận động trong sự kết hợp
nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cổ điển và tinh thần hiện đại.
Trước hết, nét cổ điển của bài thơ được thể hiện qua thi đề “Giai thì, mĩ cảnh”, đề tài
thiên nhiên phổ biến trong thơ cổ. Các nhà thơ xưa thường chọn buổi chiều để nói về nỗi nhớ
và nỗi buồn vì nó gợi sự trống trải và nỗi khắc khoải trong lòng. Bác cũng vậy, dường như đây
là khoảng thời gian thật nhất để nhân vật trữ tình thể hiện rõ những nội tâm của mình. Văn tự
chữ Hán và thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật cũng khắc hoạ rõ nét tinh thần cổ điển. Đây
là thể thơ tiêu biểu và quen thuộc của thơ Đường Trung Quốc, đòi hỏi sự hàm xúc cô đọng, đó
là lý do vì sao bài thơ với chỉ vỏn vẹn hai mươi tám chữ cũng đã miêu tả được cảnh vật thiên
nhiên và vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh. Một vẻ đẹp thật cổ điển và nghệ thuật.
Bức tranh thiên nhiên vào buổi chiều trên một quãng đường rừng được chấm phá vài
nét đơn sơ theo bút pháp Đường thi thường thấy trong thơ xưa:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không)
Màu sắc cổ điển trước hết được thể hiện qua hình ảnh cánh chim. Tuy mang phong vị
của thơ cổ nhưng màu sắc hiện đại trong hình ảnh thơ lại rất rõ nét. Khác với cánh chim bay về
chốn vô tận, vô cùng trong thơ của Lý Bạch hay Nguyễn Du, cánh chim trong thơ Hồ Chí Minh
là cánh chim đang tìm về với sự sống thường ngày, do vậy mà nó có hồn và nhuốm màu tâm
trạng hơn. Cánh chim trời sau ngày dài đập cánh, bay đi kiếm ăn cũng mỏi mệt nhưng vẫn cố
gắng vươn mình trở về nơi rừng sâu tìm chốn nghỉ ngơi. Cũng giống như đôi chân của người tù
ấy, vẫn miệt mài từng bước tìm con đường giải phóng cho quê hương, dẫu cho có đớn đau,
mỏi mệt vẫn chưa bao giờ thôi khao khát tự do. Cánh chim bay trong buổi hoàng hôn gợi lên
sự nhỏ bé giữa một không gian rộng lớn của cả cánh rừng. Ta có thể bắt gặp hình ảnh quen
thuộc này trong câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan:
“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn”
(Cảnh chiều hôm)
Hình ảnh chòm mây cũng là hình ảnh đậm chất cổ điển. Một đám mây trôi giữa bầu trời
lặng lẽ như chính sự cô đơn, lẻ loi của Bác giữa không gian mênh mang. “Chòm mây” trôi nhẹ
nhàng như tâm hồn ung dung tự tại, bị giải tù mà như đang thưởng ngoạn cảnh trời chiều và
thả tâm hồn thi sĩ chứ không còn là cảnh tù đày mệt mỏi nữa. Bút pháp tả cảnh ngụ tình trong
thơ cổ cũng được Bác vận dụng đầy sáng tạo, lấy trạng thái của cảnh để bộc lộ những tâm sự,
cảm xúc con người. Một cánh chim tả vẻ êm đềm, tỉnh lặng, một chòm mây tả vẻ bát ngát, thi
vị. Ngoài ra, bút pháp chấm phá, lấy tĩnh tả động, ước lệ tượng trưng được vận dụng sáng tạo.
Không có bất kì từ ngữ nào chỉ thời gian nhưng người đọc vẫn cảm nhận được thời gian lúc
này là chiều tối. Ấy là cái tài tình trong ngòi bút của Hồ Chí Minh.
Nổi bật lên trên không gian chiều tối là bức tranh cuộc sống con người với hình ảnh thơ
gần gũi, vận động hướng về sự sống, đó cũng là nét hiện đại của bài thơ:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
(Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng)
Tinh thần hiện đại được diễn tả qua những hình ảnh ấm áp, dưới bút pháp tả thực sinh
động về cuộc sống đời thường dân giã. Không giống như con người mờ nhạt trong “Lom khom
dưới núi tiều vài chú” hay “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”, hình ảnh người thiếu nữ xay ngô
không chỉ gợi ra những nhịp vận động đầy khỏe khoắn, trẻ trung mà còn khắc họa hình ảnh
đời thường giản dị, ấm áp thể hiện niềm vui tự do lao động. Như vậy, hình ảnh con người
trong lao động trở thành trung tâm của bài thơ, làm chủ bức tranh thiên nhiên. Hình tượng
thơ cũng luôn hướng về sự sống và ánh sáng, từ bóng tối ra ánh sáng, từ buồn sang vui, từ cô
đơn thành ấm áp.
Khi cô gái vừa kết thúc công việc xay ngô thì lò than cũng đã “rực hồng”, đánh dấu sự
chuyển đổi từ chiều tối sang tối hẳn. “Hồng” đã trở thành nhãn tự, là điểm bừng sáng của bài
thơ. Thông thường, bài thơ sẽ kết thúc bằng cảnh tượng màn đêm đen kịt bao phủ khắp núi
rừng, để lại nỗi cô đơn, che phủ con người. Nhưng ở đây, đó lại là điểm hội tụ kết tinh ánh
sáng, toả hơi ấm toàn bài thơ, làm dịu nỗi cô đơn của người tù. Qua đó thấy được tinh thần
hiện đại thể hiện qua quan niệm sống, cách sống của tác giả: Mạnh mẽ đối mặt, vượt qua gian
khổ, bộc lộ cho một tâm hồn lạc quan, phong thái ung dung, quên cảnh ngộ trước mắt, khát
khao tự do, đồng cảm với người dân lao động và cảm nhận sâu sắc về hạnh phúc đơn sơ. Đó
cũng chính vẻ đẹp tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Chiều tối” không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn cả về nghệ thuật. Đó là ngôn ngữ hàm
súc, hình ảnh giàu sức liên tưởng, có sự kết hợp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại. Biện pháp
điệp ngữ, bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình cũng đã góp phần hoạ nên bức tranh chiều
tuyệt đẹp nhưng không mang sắc thái buồn như thơ xưa mà lại toát lên sức sống chủ động của
con người. Thơ Bác đậm đà màu sắc cổ điển, mang trong mình truyền thống phương Đông rất
đậm đà nhưng cũng không hẳn là thơ cổ vì trong đó còn sáng ngời tinh thần thời đại, nó là
tiếng thơ của người cộng sản vĩ đại. Hai vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong “Chiều tối” không
tách rời nhau mà kết hợp hài hoà với nhau làm nên vẻ đẹp riêng độc đáo của bài thơ, của
phong cách Hồ Chí Minh.
Tóm lại, tìm ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài Chiều tối ta mới hiểu được sức sống
lâu bền, sức hấp dẫn của tác phẩm, hiểu được vì sao đã hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng những
thi phẩm của Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên sự trẻ trung, sâu sắc. Ở “Chiều tối”, bên cạnh vẻ
đẹp của tinh thần lạc quan, yêu đời, sống hòa hợp với thiên nhiên, ta còn thấy được vẻ đẹp
tấm lòng của vị lãnh tụ vĩ đại khi luôn hướng về cuộc sống của nhân dân lao động, trái tim ấm
áp luôn có chất thép ngầm mạnh mẽ, vững vàng và tuyệt đối kiên trung với lý tưởng cách
mạng sáng ngời. Trở thành động lực to lớn cho người chiến sĩ bước tiếp con đường giải phóng
dân tộc nhiều vẻ vang, nhưng cũng lắm gian lao sau này. Xin được mượn bốn câu thơ của nhà
thơ Tố Hữu thay cho lời kết:
“Lại thương nỗi đọa đày thân Bác
Mười bốn trăng tê tái gông cùm
Ôi chân yếu, mắt mờ, tóc bạc
Mà thơ bay cánh hạc ung dung”
(Theo chân Bác)

You might also like