You are on page 1of 4

“Văn học thực chất là cuộc đời.

Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc


đời mà có” (Tố Hữu). Đời sống luôn là nguồn đề tài không bao giờ vơi cạn để mỗi
người nghệ sĩ chắp cánh ngòi bút tinh hoa của mình, tạo ra những sáng tác đầy nảy
nở. Và tác phẩm “Vợ nhặt” của tác giả Kim Lân đã làm được điều đó khi phác họa
thành công bức tranh chứa đầy sự khốc liệt và đau thương của nạn đói năm Ất Dậu
khi xưa. Đặc biệt là những chuyển biến về tâm trạng Tràng trong buổi sáng đầu
tiên sau khi có vợ qua đoạn trích: “Sáng hôm sau,… tu sửa lại căn nhà” đã để lại ấn
tượng trong lòng người đọc.
Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Bắc Ninh, thuộc hàng những cây
bút truyện ngắn tài năng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân am hiểu sâu
sắc nông thôn và là một trong số ít những nhà văn thành công khi viết về cái
nghèo, cái đói. “Vợ nhặt” lấy bối cảnh của nạn đói Ất Dậu năm 1945, in trong tập
“Con chó xấu xí” (1962), tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau
Cách mạng tháng Tám nhưng bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954) ông
dựa vào một phần truyện cũ để viết nên “Vợ nhặt”. Người ta thường nói nhặt được
vật này, vật khác, không ai nói “nhặt” được vợ hay chồng, thế mà ở đây anh Tràng
lại “nhặt” được vợ một cách dễ dàng. Chỉ qua nhan đề, ta đã thấy được thân phận
rẻ rúng, đáng thương của con người trong xã hội cũ, nhất là vào nạn đói năm 1945,
trong đó đáng thương không kém là nhân vật Tràng.
Tràng hiện lên qua ngòi bút của Kim Lân là một chàng trai có vẻ ngoài kỳ lạ,
xấu xí, thô kệch: “Hai con mắt nhỏ tí”, “cái đầu trọc nhẵn”…v..v...Không chỉ vậy
Tràng còn nghèo, là dân ngụ cư tha hương cầu thực, phải đi đẩy xe bò thuê kiếm
miếng cơm qua ngày trong căn nhà “mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”, và Tràng
hầu như không có khả năng lấy vợ khi đã nghèo, xấu mà còn phải chiến đấu với
nạn đói khốc liệt. Tuy thế anh vẫn luôn khát khao hạnh phúc và có ý thức xây dựng
hạnh phúc mãnh liệt. Giữa lúc đói khát, Tràng vẫn quyết định đưa người phụ nữ xa
lạ về làm vợ. Tràng phân vân giữa khước từ hay cưu mang thị. Nhưng sau một
thoáng do dự Tràng đã “chậc, kệ”. Đây dẫu là một quyết định có vẻ liều lĩnh nhưng
xuất phát từ nỗi khát khao hạnh phúc thầm kín. Trên đường dẫn vợ về nhà, tình
nghĩa nảy nở choáng ngợp lòng Tràng. Khuôn mặt Tràng “phớn phở khác thường”.
Và có lúc hạnh phúc quá bất ngờ làm cho anh ngượng ngùng, vụng về xúc động.
Khi về đến nhà Tràng tỏ ra gắn bó với cô gái một cách chân thành và nghiêm
trang, không hề có thái độ coi thường người con gái rách rưới đã theo không mình.
Qua đoạn trích ta thấy, vào buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, Tràng sung
sướng đắm chìm trong men say của tình yêu, hạnh phúc. Nếu như trong Chí Phèo
của Nam Cao khi nhân vật Chí Phèo tỉnh dậy sau một đêm cùng Thị Nở, hắn như
được sống dậy từ những ngày chìm trong men say của rượu, lần đầu tiên cảm nhận
được cuộc sống xung quanh hắn thì giờ đây trong những câu văn của Kim Lân, ta
cũng thấy được một con người vừa thức tỉnh. Tràng tỉnh dậy sau đêm đầu tiên hắn
có vợ, tỉnh dậy từ một giấc ngủ rất ngon mà đến khi “mặt trời lên bằng con sào”
hắn mới dậy, dường như sự hạnh phúc ngập tràn trong tâm hồn đã giúp cho Tràng
có một giấc ngủ ngon khi tạm gác lại sự nhọc nhằn của công việc. Nếu như Chí
Phèo cảm nhận sự sống xung quanh sau khi dậy thì với Tràng, hắn cảm nhận được
trong người mình “êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Tính từ
“êm ái”, “lửng lơ” kết hợp cùng biện pháp so sánh góp phần diễn tả sự lâng lâng
hạnh phúc không tin mình đã có vợ của Tràng. Trong lòng Tràng bây giờ tràn ngập
sự lửng lơ vô định: “Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như
không phải”. Hạnh phúc lớn đến quá nhanh khiến chính bản thân hắn cũng ngỡ
ngàng không tin nổi. Sự ngỡ ngàng ấy không phải bắt nguồn từ những e sợ về
miếng ăn, về cuộc sống mà bởi lẽ giữa hiện thực đói nghèo làm sao có thể có chỗ
cho yêu thương và hạnh phúc để mà mong? Vậy mà trong buổi sáng ấy, chính
Tràng đã cảm nhận được dư vị ngọt ngào của thứ gọi là tình cảm gia đình, chính
điều đó khiến anh hơi ngỡ ngàng “êm ái lững lơ” như vẫn đang chìm trong giấc
mộng. Chỉ với hai chi tiết, tác giả đã miêu tả tâm trạng nhân vật Tràng rất hạnh
phúc, sinh động.
Không chỉ ngạc nhiên vì việc mình đã có vợ, đoạn trích còn thể hiện sự ngạc
nhiên, ngỡ ngàng của Tràng trước những đổi thay trong chính căn nhà của mình.
“Hắn lững thững bước ra sân”, cảm nhận ngày mới với: “Ánh nắng buổi sáng mùa
hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn”. Tràng đi lững thững tựa hồ
thật chậm để cảm nhận được hạnh phúc đang len lỏi vào từng ngõ ngách trong trái
tim mình. Tràng bỗng cuộc chợt nhận ra xung quanh mình hôm nay có điều gì đó
khác lạ. Từ dáng vẻ của ngôi nhà, từ những đổi thay của nhà cửa, sân vườn, đến
không khí đầm ấm, tươi mới của gia đình mình:“Nhà cửa, sân vườn sạch sẽ gọn
gàng”, “Mấy chiếc quần áo rách đã thấy đem ra sân hong”, “Hai cái ang nước
đã kín nước đầy ăm ắp”, “Đống rác mùn đã hót sạch”. Hàng loạt những hình ảnh
đã được tác giả liệt kê như để khắc họa rõ nét sự thay đổi từng ngóc ngách trong
căn nhà của Tràng. Quả thật, một người đàn ông trước giờ ít khi chăm lo cho nhà
cửa, chỉ biết hăng say lao động để kiếm từng miếng ăn thì giờ đây thấy xung quanh
mình sạch sẽ, gọn gàng ắt sẽ cảm thấy “mới mẻ, khác lạ”. Có thế mới thấy, Tràng
giờ đây đã thực sự thay đổi, không còn vô tâm, ngờ nghệch mà đã có những quan
sát, nhận thức về cuộc sống, về thế giới xung quanh. Trong thiên truyện “Chí
Phèo” của Nam Cao ta đã từng bắt gặp những ước mơ giản đơn và bình dị
đến nao lòng của một “con quỷ dữ”, Chí mơ về một gia đình, một mái nhà ấm
êm, chồng cuốc mướn cày thuê vợ dệt vải…Và từ một người không sợ trời
không sợ đất, hắn bỗng dưng cảm thấy sợ cô độc. Những khát khao tưởng
chừng như có thể vung tay ra để nắm bắt thế nhưng trong xã hội lúc bấy giờ -
nơi mà ngay cả quyền làm người cũng bị tước đoạt thì ước muốn của Chí trở
nên thật xa xỉ. Đến với những trang viết của Kim Lân ta lại bắt gặp mơ ước bình
dị ấy thông qua Tràng, nhưng giữa cái nghèo, cái đói năm nào khiến “người chết
nhưng ngã rạ” thì con người ta còn nghĩ được gì ngoài miếng ăn?
Sau đó hắn thấy một khung cảnh đơn sơ mà ấm áp đến lạ: Bà cụ Tứ - mẹ
Tràng đang lúi húi giẫy những búi cỏ nham nhở, vợ hắn thì đang cặm cụi quét
sân, từng tiếng sàn sạt của chổi quét sân khiến Tràng cảm nhận rõ hiện thực
diễn ra ngay trước mặt. Bằng việc sử dụng biện pháp liệt kê, tác giả đã khắc
họa rõ nét sự chăm sóc chu đáo của bà cụ Tứ và thị. Tràng từng khát khao
một mái ấm với người vợ hiền, điều đó dường như xa xỉ đối với người đàn ông
ngụ cư nghèo khi ấy nhưng giờ đây, ước mơ của hắn trở thành hiện thực khi
hắn được chứng kiến những sinh hoạt hết sức đời thường, bình dị. Cảnh tượng
ấy tuy đơn giản nhưng đối với hắn lại rất “thấm thía cảm động”. Cuộc sống của
Tràng đã từng là một màu đen tối nhưng sự xuất hiện của thị, những đổi thay trong
cuộc sống làm hắn nhận ra cuộc sống vẫn còn nhiều điều tươi đẹp, từ đó dẫn đến
những sự chuyển biến tích cực trong tâm hồn Tràng:“Bỗng nhiên hắn thấy thương
yêu, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. Hai chữ “lạ lùng” đã nói lên sự thay đổi
lớn lao trong suy nghĩ của Tràng. Tình cảm với gia đình của Tràng không hề hời
hợt bâng quơ, dù lúc trước có thể là như thế còn bây giờ đã làm máu thịt là mạch
kết nối bền chặt trong Tràng. Hắn nhận thức được “hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ
cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như tổ ấm che mưa che nắng”. Từng câu
văn ngắn diễn tả niềm hạnh phúc trào dâng mãnh liệt trong lòng Tràng, những
khát vọng thầm kín về một mái ấm gia đình, một nơi che mưa che nắng, một tổ ấm
có “vợ” và “con cái”. Khát vọng ấy thật thiêng liêng, cảm động biết bao. Vậy nên,
trong lòng hắn, “Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”.
Một loạt những tính từ “vui sướng”, “phấn chấn” kết hợp với từ “đột ngột” như thể
hiện cảm xúc hưng phấn bất ngờ ập đến trong lòng Tràng.
Cuối cùng, qua đoạn trích trên ta còn thấy được từ niềm vui, hạnh phúc khi có
vợ, Tràng lại càng ý thức hơn được bổn phận, trách nhiệm của mình. Không còn là
một chàng trai “ngờ nghệch”, suốt ngày chơi đùa với đám trẻ con, Tràng giờ đây
mang những suy nghĩ, tâm tư của người trưởng thành, trở thành một người đàn ông
biết gánh vác trọng trách, trách nhiệm cao cả trên đôi vai đã từng nặng nề và cô
độc: “Bây giờ hắn thấy nên người, hắn thấy hắn có bổn phận lo lắng cho vợ con
sau này”. Cụm từ “nên người” đã đánh dấu một sự chuyển biến của Tràng cho thấy
hắn đã thực sự trưởng thành, chín chắn, có trách nhiệm với mái ấm của mình.
Người ta thường gán hai từ “bổn phận” là một điều nặng nề, trách nhiệm to lớn mà
một người buộc phải gánh vác, nhưng với Tràng, hắn lấy làm vui vẻ, tự nguyện
hoàn thành bổn phận của mình, nhận lấy nó trong một niềm vui sướng, phấn chấn
khó tả. Đã từ lâu, Tràng đã có khát khao về một mái ấm, gia đình nhỏ để có thể
nương tựa vào nhau, cùng nhau san sẻ những khó khăn, và nay khi đã có vợ, ước
mơ thành hiện thực, Tràng nhận thấy mình phải có trách nhiệm giữ lấy hạnh phúc
của riêng mình. Kim Lân đã đặt nhân vật của mình vào những sự chuyển biến độc
đáo và dẫn đến hành động cụ thể - một hành động khiến bao độc giả phải cảm
động, thấm thía: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì
để thì dự phần tu sửa lại căn nhà”. Tính từ “xăm xăm” thể hiện những bước chân
vội vàng của Tràng, hắn hành động ngay lập tức không chút chần chừ. Đó là bước
chân của trách nhiệm, là sự trưởng thành của một người đàn ông biết yêu thương
gia đình, không còn muốn một cuộc sống tạm bợ trong ngôi nhà “rúm ró”, rách
rưới như trước nữa. Chính niềm hạnh phúc được sống trong tình yêu thương, tình
mẹ con vợ chồng hòa thuận đã nhen nhóm trong lòng hắn biết bao ước vọng về
hạnh phúc, bao niềm tin vào cuộc sống sẽ thay đổi tốt đẹp hơn.
Sau đoạn miêu tả Tràng trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ, tâm trạng của
Tràng vẫn còn được khắc họa trong bữa ăn ngày đói. Khi nghe vợ kể chuyện trên
Thái Nguyên , người ta không đóng thuế mà đi cướp kho thóc của Nhật, “trong óc
Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Hình ảnh đó là triển
vọng tươi sáng cho tương lai của gia đình Tràng cũng như của người nông dân
nghèo trong nạn đói.
Qua diễn biến tâm trạng Tràng trong buổi sáng đầu tiên sau khi có vợ ta thấy
Tràng là một thanh niên tuy nghèo vật chất nhưng đẹp đẽ và tâm hồn: biết yêu
thương người khác, luôn khát khao hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc.
Qua nhân vật Tràng ta hiểu thêm về phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong
nạn đói. Đồng thời qua nhân vật này ta cũng thấy được ngòi bút nhân đạo sâu sắc,
luôn thấu hiểu, yêu thương con người của Kim Lân. Để làm được điều đó Kim Lân
tạo nên nhan đề ấn tượng, gây chú ý, xây dựng tình huống truyện độc đáo, giàu ý
nghĩa, lối trần thuật tự nhiên, hấp dẫn miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và khéo léo
kết hợp cùng giọng văn mộc mạc giản dị, ngôn ngữ giàu sức ngợi. Tất cả đã đúc
kết nên hình ảnh một nhân vật Tràng với những chuyển biến tâm lí vô cùng đặc sắc
sau đêm tân hôn.
Kim Lân từng tâm sự: “Tôi muốn cho độc giả thấy dù hoàn cảnh thế nào đi
nữa thì tình người vẫn vượt lên trên tất cả. Có tình người là có cuộc sống. Có tình
người là có hi vọng vào tương lai”. Khép lại đoạn trích miêu tả Tràng trong buổi
sáng đầu tiên sau khi có vợ, những chuyển biến tâm lí của nhân vật Tràng đã để lại
ấn tượng khó phai trong lòng độc giả, ấn tượng về một anh Tràng đầy trách nhiệm,
mang trong mình niềm khao khát về một tương lai tươi đẹp, về viễn cảnh của một
cuộc sống yên bình, hạnh phúc hơn.

You might also like