You are on page 1of 6

Đề bài: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn Tràng qua đoạn trích sau.

Từ đó, nhận xét


cách xây dựng của nhà văn Kim Lân:

“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người
êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay
hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải.

Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè
sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái,
và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác
lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng.
Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã
thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín
nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch.

Ngoài vườn người mẹ đang lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở. Vợ hắn quét
lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất. Cảnh tượng thật đơn
giản, bình thường nhưng đối với hắn lại rất thấm thía cảm động. Bỗng nhiên hắn
thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình.
Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng.
Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới
thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa
lại căn nhà.

Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu:

- Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.

- Vâng.
Người đàn bà lẳng lặng đi vào trong bếp. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ
ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như
mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh. Không biết có phải vì mới làm dâu mà thị tu chí
làm ăn không? Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt
bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn thu dọn, quét tước nhà
cửa. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp
thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.”

BÀI LÀM

Nam Cao đã từng nói: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối,
nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.
Thật vậy, văn chương phải bắt rễ từ cuộc đời thì câu từ mới thực sự sống, mới có
linh hồn. Mỗi tác phẩm văn chương được ví như tấm gương phản chiếu thời đại.
Trong nền văn học Việt Nam, có những tác phẩm bất hủ ra đời giữa thời kì huy
hoàng của dân tộc, nhưng cũng có không ít những bài ca sự sống cất lên giữa thời
kì tăm tối của tổ quốc. Trong số đó phải kể tới “Vợ nhặt” của Kim Lân – người
con đẻ của đồng quê. Qua đoạn trích “Sáng hôm sau ... có cơ khấm khá hơn.”,
Kim Lân đã khắc họa chân thực, cảm động chân dung nhân vật Tràng là hiện thân
cho khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc mãnh liệt và niềm tin tưởng về một
tương lai tươi sáng.

Kim Lân là nhà văn “một lòng một dạ đi về với đất, với người, với thuần
hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn”. Tiêu biểu cho văn phong ấy là tác
phẩm “Vợ nhặt” trích trong tập “Con chó xấu xí” sáng tác năm 1954. Lấy bối cảnh
nạn đói khủng khiếp của dân tộc năm 1945, thông qua tác phẩm Kim Lân bày tỏ
lòng thương cảm và trân trọng sâu sắc dành cho những con người luôn hướng về
sự sống, dù trong hoàn cảnh bi đát nhất. Câu chuyện được kể nhẹ nhàng, thấm
thía, theo trình tự thời gian từ chiều tà, vào đêm tối, đến sáng hôm sau và cũng
theo trình tự những cảm xúc mộc mạc nơi tâm hồn ba số phận đau khổ, ánh sáng
của hạnh phúc gia đình, ngọn lửa tình người được nhen nhóm và thắp lên để cuộc
sống không chỉ còn là cái đói, cái khổ hay cái lo cho từng miếng cơm manh áo.
Nằm trong mạch phát triển tự nhiên của văn bản, đoạn trích trên thuộc phần trung
tâm tác phẩm, diễn tả cảnh cuộc sống của gia đình Tràng từ khi có nàng dâu mới.
Ta có thể thấy rõ vẻ đẹp tâm hồn nhân vật Tràng với khát vọng sống, ý thức xây
dựng hạnh phúc gia đình qua cách tác giả miêu tả sự xáo trộn rất lớn trong tâm trí
và tính cách anh vào buổi sáng ngày hôm sau.

Trước hết, tác giả đặt nhân vật vào hoàn cảnh éo le, bi đát làm tiền đề khai
thác vẻ đẹp tâm hồn nhân vật. Tràng là người lao động nghèo khổ, sống cùng mẹ
già với nghề "đẩy xe bò thuê" bấp bênh vất vả. Ngay từ đầu tác phẩm, tác giả đã
miêu tả Tràng hiện lên bằng vài nét chấm phá “mắt ti hí", "mặt thô kệch", "đầu trọc
nhẵn"...; không chỉ có ngoại hình xấu xí mà anh Tràng ấy còn dở tính "vừa đi vừa
ngẩng mặt lên trời cười hềnh hệch". Hình ảnh Tràng khiến ta liên tưởng tới nhân
vật Chí Phèo của Nam Cao với điệu bộ “vừa đi vừa chửi, hắn chửi trời, chửi đất,
chửi cái đứa nào đẻ ra hắn…”. Hai nhân vật này cùng chung một số phận bi kịch,
một hoàn cảnh sống éo le và một ngoại hình xấu xí nhưng ở họ lại là hai nét tính
cách, hai lựa chọn làm người đối lập hoàn toàn. Có thể nói, Tràng chính là nhân
vật tiêu biểu cho tầng lớp lao động nghèo khổ trước Cách mạng. Hoàn cảnh sống
đặc biệt được miêu tả chỉ qua vài nét vẽ mộc mạc chính là cơ sở để ta khám phá vẻ
đẹp tâm hồn nhân vật này.

Sức sống mãnh liệt, ý thức xây dựng hạnh phúc gia đình được bộc lộ rõ nét
qua tâm trạng sững sờ, sung sướng vì hạnh phúc lứa đôi của Tràng. Sáng hôm ấy,
Tràng thấy “êm ái lửng lơ như người vừa đi từ trong giấc mơ ra”. Ấy là cảm giác
ngạc nhiên, ngỡ ngàng hòa quyện với niềm hạnh phúc phơi phới của một người
đàn ông trẻ khi đã có vợ. Tràng chợt nhận ra "xung quanh có cái gì thay đổi mới
mẻ, khác lạ". Trước mắt anh là cảnh tượng nhà cửa vốn “vắng teo đứng rúm ró
bên mảnh vườn mọc lổm nhổm những búi cỏ dại” nay lại trở nên ấm cúng, nhộn
nhịp và được dọn dẹp rất tinh tươm, sạch sẽ do có bàn tay chăm sóc của người vợ.
Khung cảnh ấy tuy rất đỗi giản dị, đời thường nhưng vừa có ý nghĩa tả thực, lại
vừa mang ý nghĩa biểu trưng cho niềm tin, hi vọng hướng về ngày mai tươi sáng.

Mạch tâm trạng tiếp diễn với những cảm xúc không chỉ là hạnh phúc, sung
sướng mà hơn cả lần đầu tiên ta thấy ở anh con trai xấu xí ấy tình yêu thương gắn
bó với gia đình, để rồi, tình yêu thương đã dẫn lối cho ý thức trách nhiệm gắn liền
với ước mơ đổi đời được tỏa sáng. Khi thấy cảnh mẹ và vợ cùng dọn dẹp nhà cửa,
tâm trạng của Tràng đi từ từ thấm thía cảm động tới thương yêu gắn bó với cái nhà
rồi Tràng thấy mình trưởng thành hơn, thấy mình có bổn phận phải lo lắng cho vợ
con sau này. Ở đây, tác giả đã phát hiện nhiều thay đổi trong tâm trạng của Tràng
trước một sự kiện quan trọng của cuộc đời - cảm động trước hạnh phúc bất ngờ,
gắn bó yêu thương với căn nhà và có ý thức trách nhiệm. Tình yêu thương ấy còn
được thể hiện bằng hành động cụ thể: ”Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng
muốn là một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Từ láy "xăm xăm" gợi ra biết
bao háo hức trong những bước chân của Tràng tới hạnh phúc. Sự háo hức ấy đánh
dấu cho quá trình chuyển đổi từ quãng đời đau khổ sang một tương lai hạnh phúc,
là minh chứng rõ nhất cho ý thức trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình. Có thể
thấy, tình yêu không chỉ gắn kết con người mà dưới ngòi bút nhân đạo của Kim
Lân, tình yêu khiến con người thay đổi nhận thức, khiến con người có bổn phận
trách nhiệm để sống người hơn. Hành động và tâm lý của chàng vừa chân thực, lại
vừa rất đỗi thiêng liêng. Như vậy, cái đói là một hoàn cảnh, một tình huống để tác
giả khám phá và ngợi ca những vẻ đẹp của tình người và sức sống tiềm tàng ẩn
chứa trong hoàn cảnh bi đát nhưng vẫn cháy sáng đúng như Kim Lân tâm niệm:
"Dù trong hoàn cảnh bi thảm nhất, con người vẫn khát khao được sống và
sống cho ra người".

Đoạn trích trên đặc biệt thành công với nghệ thuật xây dựng hình tượng
nhân vật Tràng. Kim Lân không chỉ miêu tả cụ thể, chi tiết ngoại hình của Tràng,
mà còn chú trọng hơn cả việc diễn tả những trạng thái và diễn biến tâm trạng của
anh. Với ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày, giọng kể hồn
hậu, hóm hỉnh, tác giả đã khắc họa vô cùng chân thực, tinh tế sự thay đổi rõ nét
trong tâm lí Tràng vào buổi sáng hôm sau khi "nhặt được vợ". Sự nhập thân và
thấu hiểu sâu sắc cảnh ngộ của người nông dân, cũng như cách đặt nhân vật vào
hoàn cảnh khốn cùng của nạn đói đã giúp Kim Lân khắc họa lên Tràng là nhân vật
điển hình cho số phận người lao động nghèo khổ trong xã hội xưa, tuy cuộc sống
cơ cực nhưng vẫn nguyên vẹn khát khao sống bền bỉ, niềm tin vững chắc vào một
tương lai tươi sáng.

Với cách xây dựng tình huống truyện độc đáo, khả năng nhập thân và thấu
hiểu tâm lý nhân vật, cùng ngôn ngữ kể chuyện đậm chất nông thôn, Kim Lân đã
xây dựng rất thành công hình tượng nhân vật Tràng. Tràng xuất hiện trong "Vợ
nhặt" không một vẻ ngoài hào nhoáng cũng không trí tuệ thông minh sắc sảo hay
lòng gan dạ phi thường, anh chỉ đơn giản là một người lao động xấu xí lại rách
rưới, nghèo khổ. Tuy nhiên ẩn sau vẻ ngờ nghệch "vừa đi vừa nói" ấy lại ngời sáng
lên vẻ đẹp tâm hồn của sức sống tiềm tàng, hi vọng sống vững chắc bất chấp hoàn
cảnh. Câu chuyện nhặt được vợ một cách dễ dàng của người thanh niên nghèo khổ
trong hoàn cảnh bi thương đã trở thành khúc ca bất tử về khát vọng sống ẩn chứa
trong tâm hồn người lao động. Ngay trên bờ vực thẳm của cái đói, cái chết, khi
miếng ăn trở thành tiếng gọi khẩn thiết nhất của bản năng thì tình người, niềm tin,
sức sống vẫn cao quý hơn cả. Những khát khao đầy tính nhân bản ấy không hề bị
mất đi mà ngược lại càng khiến con người ta sống người hơn.
Khi nói về truyện ngắn "Vợ nhặt", Kim Lân đã tâm sự: "Những người đói,
họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống". Sức sống mãnh liệt của
Tràng đã trở thành tấm gương soi sáng cho biết bao thanh niên ngày nay, rằng đã
sống ta phải sống cho đúng ý nghĩa một con người, đừng để cuộc đời trôi qua một
cách vội vã như cái máy tự động, mà bỏ qua những cảm xúc hàng ngày vẫn luôn
âm ỉ bên trong chính mình, đúng như Jack London đã từng nói “Con người sinh
ra là để sống chứ không phải là tồn tại”.

You might also like