You are on page 1of 4

Họ và tên: Hoàng Xuân Mai

Mỗi tác phẩm văn học ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy
tâm huyết của người nghệ sĩ. Bởi đó là nơi để họ gửi gắm những tình cảm sâu
lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất về con người và về cuộc
đời. Dưới mỗi con chữ là biết bao xúc động, biết bao tình yêu cũng như nỗi đau
đời trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Để rồi những tác phẩm văn
chương đích thực ra đời từ những cảm xúc, những chân thành và khát khao sáng
tạo mãnh liệt của người nghệ sĩ, chứ không thể là một sản phẩm hời hợt, máy
móc hay áp đặt, nịnh bợ hay mị dân hay là chỉ để thỏa mãn những thứ tầm
thường. Huy Cận cũng vậy, ông đến với thơ những năm 40 của thế kỉ trước
bằng vẻ đẹp thiên nhiên quê hương đất nước và mang trong mình là nỗi sầu vạn
kiếp khôn nguôi thấm thía trong từng vần thơ. Có thể nói rằng lẽ “Tràng giang”
là thi phẩm tiêu biểu cho hồn thơ ấy Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Mở
đầu bài thơ là khung cảnh sóng gợn, thuyền trôi và nỗi buồn điệp điệp của nhân
vật trữ tình. (Trích văn bản)
Nhà phê bình Hoài Thanh đã nhận xét: “Huy Cận đi lượm lặt những chút
buồn rơi vãi để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên
vì không ngờ với một chút cát bụi tầm thường, thi nhân có thể đúc thành bao
châu ngọc”. Lời nhận xét ấy quả không sai, vào một buổi chiều năm 1939, Huy
Cận ở bờ nam bến Chèm ngắm cảnh sông Hồng mênh mông sóng nước, nghĩ về
kiếp người nhỏ bé nổi trôi, lòng tác giả trào dâng một nỗi buồn và từ đó ông đã
sáng tác ra bài thơ “Tràng Giang”. Xuyên suốt bài thơ là nỗi u buồn của thi
nhân giữa trời đất mênh mang rộng lớn.Và trong đó khổ thơ đầu bài thơ đã miêu
tả xuất sắc cảnh sông nước mênh mang, heo hút, đồng thời thể hiện nỗi buồn
của người thi sĩ trước không gian vô tận.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả,

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Mở đầu khổ thơ hay cũng chính là mở đầu thi phẩm, nhà thơ Huy Cận đã
mở ra bức tranh sông nước Tràng Giang với hình ảnh của sóng.:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”
Giữa không gian vũ trụ mênh mang, rộng lớn của tràng giang, ta thấy “sóng
gợn”, hơi lăn tăn theo chiều gió thổi nhẹ chứ không xô vỗ mạnh mẽ, dữ dội
khiến cho dòng sông dài rộng và hết sức tĩnh lặng. Câu thơ dung chứa cả hai đợt
sóng,sóng nước và cả sóng lòng trong tâm tình của nhà thơ. “Điệp điệp” vốn là
từ dùng để miêu tả trạng thái vận động của sóng nhưng lại được tác giả nhân
hóa bằng cách kết hợp với từ “buồn” là từ miêu tả tâm trạng của con
người.Cách dùng từ thật mới lạ, độc đáo, không phải là buồn bã, da diết mà là
buồn “điệp điệp”, nghĩa là một nỗi buồn tuy không mãnh liệt nhưng nó cứ liên
tục, không ngừng. Qua đó ta thấy được các con sóng buồn nối tiếp nhau hay
cũng chính là lòng người buồn da diết, triền miên, phủ kín trong lòng không nói
thành lời. Đó chính là cảm thức của thi nhân về nỗi buồn, một nỗi buồn giấu
kín, nỗi buồn nằm trong chính bản thân cảnh vật, và cũng nói trực tiếp nỗi buồn
của người Việt Nam đương thời (nói rõ nỗi buồn gì ?????)Đó chính là tâm trạng
chung của những người con mất nước, đang đứng giữa quê hương mà thiếu
vắng quê hương. Cảm giác buồn, bơ vơ ấy cứ thế thấm sâu, thấm buồn vào cảnh
vật, thấm ngược trở lại lòng người, gây bức bối, nặng nề.. Như vậy, ta thấy
"Tràng Giang" buồn ngay từ câu mở đầu, một nỗi sầu triền miên, dai dẳng dâng
lên từ thiên cổ đúng như Hoài Thanh nhận xét: "Người một thuở mà chàng sầu
vạn kỉ".
Bên cạnh hình ảnh “sóng”, ta còn bắt gặp hình ảnh “con thuyền” trên
dòng sông tràng giang mênh mông bất tận ấy:
“Con thuyền xuôi mái nước song song”
Con thuyền mang tính ước lệ gợi sự lênh đênh, trôi dạt và hình ảnh này đã xuất
hiện nhiều trong thơ ca Việt Nam xưa (Thuyền về có nhớ bến chăng…). Con
thuyền đặt trong mối tương quan với dòng Tràng Giang càng trở nên nhỏ bé,
đơn độc, lẻ loi hơn.Trạng thái “xuôi mái” của thuyền như buông thả, tự trôi, bỏ
chèo, phó mặc để dòng nước đưa, thụ động. Đây là nét tâm lý có phần chán
trường, bế tắc, buông xuôi trong những năm Pháp thuộc, bị mất đi chủ quyền,
người dân Việt Nam trong những năm tháng đó như đang mang nỗi đau của
người dân nô lệ. Cùng với cụm từ “nước song song”, giữa thuyền và nước
dường như có sự xa cách một cách hờ hững. Từ đó đã gợi ra chiều dài không
cùng của dòng sông Tràng Giang.Từ xưa tới nay, con thuyền, dòng sông luôn là
những hình ảnh gợi lên những điều xa xôi, những nỗi buồn xa vắng. Ở đây, Huy
Cận cũng sử dụng cái hình ảnh cổ điển ấy để gợi lên tâm trạng, nỗi lòng của
mình.
Đặc biệt, giữa câu 2 và câu 1 ta còn phát hiện ra biện pháp đối xứng giữa hai từ
“điệp điệp - song song”. Theo dạng thức mẫu mực của thơ Đường phải đối triệt
để thế nhưng Huy Cận chọn cách chỉ đối giữa hai từ này. Như cái cách mà Đỗ
Phủ đã làm trong bài thơ Đăng Cao của mình: “Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há/Bất
tận trường giang cổn cổn lại” (Vô vàn lá xào xạc rụng xuống/Dòng sông dài
cuồn cuộn chảy vô tận). Thơ Huy Cận có sự ám ảnh về không gian vũ trụ tầng
bậc nên con thuyền xuất hiện giữa không gian vũ trụ càn trở nên nhỏ bé. Huy
Cận chỉ mượn nguyên tắc đối xứng trang trọng, mở ra các chiều kích của không
gian. Nếu như câu 1 sự vô biên được mở ra về bề rộng với hình ảnh những vòng
sóng liên tiếp xô đuổi nhau, loang xa đến tận chân trời thì câu 2 sự vô biên ấy
lại được mở ra về chiều dài với hình ảnh con thuyền thả mình theo những luồng
nước song song về mãi cuối trời.Đẩy không gian tối đa giới hạn của nó, con
thuyền càng trở nên nhỏ bé, lẻ loi. Nó khiến cho tâm trạng người đọc cũng trải
dài, mênh mang theo dòng chảy của con sông dài vạn dặm ấy. Thổi hơi hướng
hiện đại vào biện pháp cổ điển, đó chính là tài năng của Huy Cận- một sự kết
hợp nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại.

Ở câu thơ thứ hai, hình ảnh thuyền và nước còn sóng đôi thì đến câu thơ
thứ 3 đây đã tan tác , chia lìa:
“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”
Nghệ thuật đối giữa “thuyền về”là hai âm bằng với “nước lại”là hai âm trắc gợi
sự chuyển động trái chiều giữa thuyền và nước. Thuyền thì tiến về phía trước
nhưng nước lại bị đẩy lùi về phía sau. Phải chăng câu thơ ngầm chứa một sự
nghịch ngược, éo le và mang âm hưởng của sự chia lìa, xa cách trong lòng tác
giả. Nghệ thuật đối kết hợp cùng “sầu trăm ngả” là nỗi buồn vô hạn khiến cho
cảnh đã cô đơn càng thêm cô đơn, lẻ loi càng thêm lẻ loi. Nỗi sầu ấy như lan
tỏa, tràn ra khắp không gian và thấm thía lên từng cảnh vật. Nhân vật trữ tình
cũng vì thế mà trở nên cô độc, buồn sầu hơn.Đọc câu thơ lên mà người ta như
thấy con thuyền cứ lênh đênh, cứ đi xa mãi, còn dòng nước cứ lặng lẽ ở lại, heo
hút, mù mịt. Đọc câu thơ mà người đọc như cảm nhận được nỗi buồn ngấm vào
trong gan ruột, ngấm vào từng câu chữ, buồn đến vô cùng vô tận.
Bên cạnh những hình ảnh thân thuộc như sóng, thuyền thì điểm nhấn của
khổ thơ đó là câu thơ cuối cùng với hình ảnh và ý thơ độc đáo:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
“Củi” là một hình ảnh hiện đại trong thơ Huy Cận, hiếm khi ta bắt gặp một hình
ảnh như thế trong thơ ca. Câu thơ giàu giá trị gợi cảm, mang đến hình ảnh cành
củi nhỏ bé tầm thường, lạc lõng. “Củi” đã nhỏ bé tầm thường lại chỉ có”một”
đơn độc và “cành khô” chỉ sự khô héo, cạn kiệt nhựa sống. Biện pháp đảo ngữ
“Củi một cành khô” được tác giả Huy Cận sử dụng nhằm gợi sự nhỏ bé, vô giá
trị của cành củi giữa dòng sông mênh mang, rộng lớn. Cùng với cụm từ “lạc
mấy dòng” mang nghĩa vô định, không phương hướng trong không gian rộng
lớn, thi nhân đã cho ta cảm giác về số kiếp lênh đênh, lạc loài. Tác giả nhấn
mạnh hình ảnh “củi” để ẩn dụ cho những kiếp người nhỏ bé đang bơ vơ,lạc lõng
trước sự mênh mông của dòng đời đồng thời cũng như ẩn dụ cho một cái tôi lạc
loài, bơ vơ trong thơ mới. Cảnh sông nước thì rộng lớn nhưng kiếp người lại
nhỏ bé, trôi nổi, phiêu dạt. Đây cũng là biểu hiện cảm quan của Huy Cận về sự
nhỏ nhoi, vô nghĩa của sự sống một kiếp người đang lạc lối trước thiên nhiên vô
tận.Khi đánh giá thơ ông, nhà thơ Xuân Diệu cũng đã có lời bình: “Cái tôi lạc
loài trong thơ mới đã tìm thấy sự đồng điệu với cành củi khô lạc loài trong câu
thơ Huy Cận”.
Phân tích khổ đầu bài thơ Tràng Giang, có thể thấy xuyên suốt là nỗi
buồn sâu thẳm. Các hình ảnh thơ “sóng”, “thuyền” và “củi” cùng tồn tại trên
nền sông nước bao la nhưng dường như không có sự hội tụ, gặp gỡ mà chỉ là
chia tan, xa rời, nhỏ nhoi và bất lực. Huy Cận đã sử dụng kết hợp khéo léo giữa
cổ điển miêu tả không gian sóng nước, hình ảnh thuyền, sóng, nỗi buồn man
mác và cái hiện đại chính là hình ảnh cành củi khô. Qua đó gợi ra trước mắt
người đọc bức tranh sông nước tràng giang mênh mông, bát ngát và nỗi buồn
mênh mang trong lòng người.
Thơ Huy Cận hàm súc, cổ điển và thấm đẫm màu sắc triết lí suy tưởng.
Một hồn thơ bơ vơ, sầu não ấy luôn hướng tới sự giao hòa giữa con người và
tạo vật trên một không gian mênh mông, vắng lặng. Cảnh sắc trong Tràng giang
đẹp mà buồn. Cả bài thơ nói chung và khổ một nói riêng vừa mang nét đẹp cổ
điển, vừa mang nét đẹp hiện đại và cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh sáng tạo của
Huy Cận đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.Bài thơ sẽ còn trường
tồn mãi mãi trong lòng người dân Việt Nam với phong cách tiêu biểu rất “Huy
Cận” với vẻ đẹp của một tấm lòng yêu quê hương, yêu đất nước chân tình.

You might also like