You are on page 1of 7

Trần Phương Linh – 11XH

Đề 1: Cảm nhận khổ 1 bài thơ “Tràng giang”


BÀI LÀM
Nhà phê bình Hoài Thanh từng nói “Huy Cận lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi
sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi
tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan
trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích không bao giờ tan được...". Quả
đúng như vậy, từ ngày Huy Cận góp “hồn buồn” vào thi đàn 32 – 45, bài thơ “Tràng giang”
đã trở thành kinh điển của một “hồn buồn”, một góc buồn Thơ mới. Đó là “hồn buồn”, góc
buồn vừa bàng bạc màu sắc Đường thi, lại vừa tươi mới cái tâm tư trẻ tuổi. Và đặc biệt, cái
nỗi buồn bơ vơ, lạc lõng của thi nhân- cũng là của cái tôi điển hình cho thơ mới đã được thể
hiện ấn tượng qua cảnh sông nước mênh mang, heo hút ở khổ thơ đầu:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
“Tràng Giang” được trích trong tập “Lửa Thiêng” và được coi là bài thơ xuất sắc nhất
trong tập thơ ấy. Tứ thơ “Tràng giang” được hình thành vào một buổi chiều thu năm 1939
khi nhà thơ đang ở bờ Nam bến Chèm, nhìn dòng sông Hồng mênh mông vắng lặng mà nghĩ
về những kiếp người trôi nổi. Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, thi phẩm đã thể hiện được nỗi
sầu của cái tôi cô đơn trước thiên nhiên, trong đó thấm đẫm tình đời, tình người thiết tha. Bài
thơ có bốn khổ, mỗi khổ là một bức tranh sông nước Tràng giang thấm đượm nỗi sầu nhân
thế. Vì vậy có ý kiến cho rằng: Bốn khổ thơ đã tạo thành một bộ tranh tứ bình cảnh sông
nước Tràng giang mà khổ thơ đầu chính là bức tranh khởi nguồn cho bộ tranh tứ bình độc
đáo ấy. Bức tranh đầu tiên đã mở ra một cảnh sông nước mênh mông ẩn chứa nỗi buồn về
thân phận, về kiếp người lạc loài, phiêu dạt của thi nhân.
Trước hết, khổ thơ được mở đầu bằng hình ảnh những con sóng dập dềnh, bất tận:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”
Bài thơ có nhan đề “Tràng giang” và từ “tràng giang” được nhắc lại ngay ở câu thơ đầu tiên.
“Tràng giang” là từ Hán Việt mang sắc thái cổ kính, cũng có nghĩa là sông dài nhưng gợi ra
một con sông dài hơn, rộng hơn, bất tận hơn. Điệp vần “ang” trong hai tiếng “tràng giang”
vừa khắc họa cái dài rộng, bất tận của dòng sông, vừa đồng thời góp phần làm nên âm hưởng
trầm hùng vang xa cho thi phẩm. “Tràng giang” cùng nghĩa với “trường giang” gợi ta liên
tưởng tới dòng “Trường giang” đã chảy qua biết bao nhiêu áng thơ Đường nổi tiếng. Sử dụng
hai tiếng “tràng giang” ngay trong câu thơ mở đầu, Huy Cận đã tô nên vẻ đẹp cổ điển mang
phong bị Đường thi cho bức tranh cảnh sông nước quê hương. Hình ảnh “sóng gợn tràng
giang” gợi ra những con sóng đang loang ra, gối lên nhau, xô nhau đến tận chân trời. Không
phải sóng ào ạt vô bờ mà chỉ là sóng gợn nhỏ nhẹ nhưng lại tạo nên những vòng sóng lan xa
khắp không gian sông nước. Câu thơ tả sóng mà lại gợi ra nỗi buồn “điệp điệp”, cộng hưởng
với điệp vần “ang” đã mở ra hình ảnh lớp lớp ngàn trùng của nỗi buồn dây dưa không dứt,
trĩu nặng chồng chất. Sức mạnh của câu thơ không phải là sự miêu tả mà nằm ở sự khơi gợi
đầy ấn tượng về một nỗi buồn trống vắng mênh mang kéo dài xuyên suốt thời gian và mở
rộng bao trùm cả không gian. Dường như những cơn sóng Tràng giang đã điệp điệp cùng với
con sóng lòng của thi sĩ để rồi dòng sông trở thành dòng chảy trôi của tâm trạng. Mỗi con
sóng mang một tâm sự buồn, những đợt sóng là hằng hà sa số những nỗi buồn. Đó không
phải là nỗi buồn man mác mà là nỗi buồn điệp điệp, một nỗi buồn dâng lên từ vạn kỉ, một nỗi
buồn vô tận triền miên hết lớp này đến lớp khác không thôi: “Người một thuở chén sầu vạn
kỉ” (Hoài Thanh).
Không chỉ vậy, trên sông nước “Tràng giang” rộng lớn còn xuất hiện một con thuyền lẻ
loi, đơn độc:
“Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”
Hình ảnh “con thuyền xuôi mái” gợi cảm giác con thuyền buông xuôi thụ động trên dòng
nước mặc cho dòng nước cuốn đi. Phải chăng đây là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những
kiếp người lênh đênh, vô định, cô đơn, yếu đuối và bất lực trước dòng đời nổi trôi. Hình ảnh
đó đặt trong dòng Tràng giang buồn “điệp điệp” tự nó đã làm nên thế đối lập với không gian
sông nước rộng lớn mênh mông, bao la, bát ngát. Chính sự đối lập này càng tô đậm cái nhỏ
bé, đơn độc của con thuyền càng khắc sâu hơn nỗi buồn trĩu nặng, da diết về những thân
phận lạc loài, bơ vơ, phiêu dạt trong xã hội cũ. Trên thực tế, thuyền và nước vốn có mối quan
hệ gần gũi gắn bó chặt chẽ. Thành ngữ có câu “Nước chảy thuyền trôi”. Nhưng trong câu thơ
của Huy Cận, thuyền và nước lại song song với nhau, tồn tại trong trạng thái tách rời, xa
cách. Chúng ở bên nhau mà sao hững hờ, thiếu gắn bó đến thế. Cơ mà không phải bao giờ
cũng gắn bó vì mỗi con sóng chỉ xuôi theo thuyền trong chốc lát, vì những dòng nước trên
tràng giang sẽ chia ra trăm ngả xa xôi. Thực ra thuyền cũng không biết nhờ đâu mà trôi chỉ
biết rằng nước song song không đi với thuyền. Do đó, “thuyền về” đối xứng một cách trớ
trêu với “nước lại”. Vì vậy đọng trong hình ảnh thuyền và nước là nỗi buồn của sự biệt ly.
Cảm giác thuyền và nước chẳng hề có chút gắn bó qua lại. Có lẽ, giữa chúng đang có nỗi sầu
đong đầy như kẻ ở, người đi. Nỗi buồn ở dòng thơ thứ ba là nỗi buồn của sự tan tác chia ly.
Không gian “Tràng giang” của khổ thơ này được vẽ bằng những đường nét song song và sự
đối lập về phương hướng cho thấy mọi vật tồn tại trong mối quan hệ rời rạc và tất cả đều toát
lên một nỗi buồn – nỗi buồn cô đơn. Nếu Xuân Diệu buồn vì sự phai tàn nhan sắc của cảnh
vật theo thời gian thì nỗi buồn trong thơ Huy Cận lại toát lên chủ yếu từ không gian với
những sự vậy dù ở bên nhau vẫn hững hờ xa cách. Khung cảnh Tràng giang hiện lên ở ba câu
thơ mở đầu còn có sự đổ bóng của một tứ thơ Đường nổi tiếng trong “Đăng cao” của Đỗ
Phủ: “Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ/ Bất tận Tràng giang cổn cổn lai”.
Nhà thơ Xuân Diệu từng nhận xét “Giữa dòng Tràng giang đầy màu Đường thi, Huy
Cận đã thả xuống một hình ảnh sống sít của hiện thực”:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Huy Cận đã đưa hình ảnh cành củi vốn là một hình ảnh nôm na, dân dã, nhỏ bé, tầm thường
thậm chí là vô nghĩa ở ngoài đời bước thẳng vào câu thơ không một chút trau chuốt, mĩ lệ.
Đây là hình ảnh mang tính chân thực, đời thường, hầu như chưa hề xuất hiện trong thi ca
trước đó. Bởi vậy khi Huy Cận đưa một cành củ khô vào thi phẩm, nhà phê bình Hoài Thanh
đã coi đó là “một cuộc cách mạng trong thi ca”,hiện đại hoá hình ảnh và thi liệu của thơ ca
lãng mạn. Nhìn hình thức, hình ảnh cành củi tưởng là “sống sít”, không phù hợp với sự trau
chuốt mĩ lệ của thi ca, vì thế nàng thơ chưa từng ghé thăm. Đến Huy Cận, thi nhân đã phải bỏ
ra không ít công phu để đưa được hình ảnh dân dã ấy. Nhà thơ đã phải bỏ công sức sửa đi
sửa lại bản thảo câu thơ này đến bảy lần. Phải đến lần thứ bảy nhà thơ mới chọn được cái
hình ảnh “sống sít” mà lại rất sâu sắc ấy là hình ảnh “cành củi khô”. Nếu hiểu cành củi là
hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho đời người, kiếp người thì ở câu thơ này có đến 6/7 tiếng kết
hợp với nhau theo nghệ thuật tăng cấp để cùng hòa nghĩa, bổ sung nghĩa, làm nổi bật cái gầy
guộc, cái lạc lõng, cô đơn, cái trôi dạt của hình ảnh cành củi khô hay cũng chính là cảm nhận
của thi nhân về những kiếp người, đời người bấp bênh, vô định. Bản thân hình ảnh cành củi
đã là một sự vật mong manh, cạn kiệt sức sống, lại thêm mấy từ sắc thái hóa: “một”, “cành”
càng tô đậm cái nhỏ bé khô héo, cái cô đơn yếu đuối. Đặt hình ảnh ấy trong không gian
Trường giang mênh mông vô tận, trong hoàn cảnh “lạc mấy dòng” đã tạo nên một sự tương
phản làm nổi bật tính chất vô định, bập bênh, bơ vơ lạc lõng của cành củi khô. Hình ảnh này
không chỉ có ý nghĩa tả thực mà còn có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng. Nó chứa đựng nỗi buồn
về sự lẻ loi cô đơn của những kiếp người nhỏ bé trong xã hội cũ. Từ đó ta có thể thấy rằng
đây chính là hình ảnh biểu trưng cho cái tôi lạc loài, buồn bã bơ vơ trong thơ mới, một cành
củi đã trở đi nỗi trăn trở về vị trí của con người giữa dòng đời vô thủy vô chung.
Khổ thơ miêu tả cảnh sông nước “Tràng giang” mà gợi ra nỗi buồn thân phận, nỗi sầu
nhân thế. Nội dung tư tưởng ấy được thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật có sự kết hợp hài hòa
nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại. Đặc biệt, hình ảnh thơ giàu sức gợi tả, gợi
cảm; ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc; các biện pháp tu từ được sử dụng sáng tạo, độc đáo.
Tất cả đã góp phần tô đậm dòng tâm trạng buồn của cái tôi Huy Cận. Nếu thi nhân xưa tìm
đến thiên nhiên để hòa nhập giao cảm thì Huy Cận lại đến với thiên nhiên để thể hiện nỗi ưu
tư buồn bã về kiếp người cô đơn, về thân phận nhỏ bé trong xã hội cũ. Đây cũng là tâm trạng
của người tri thức Việt Nam trước cách mạng khi thấy mình bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời
vạn biến.
Với "Tràng giang" nói chung và khổ một nói riêng, Huy Cận không chỉ mang đến bức
tranh thiên nhiên rộng lớn, mênh mông mà qua đó tác giả còn nhấn mạnh sự cô đơn của "cái
tôi" trước ngân hà rộng lớn. Sự đối lập này phần nào nói lên tình cảnh lẻ loi, sự trôi nổi của
những kiếp người trong xã hội cũ. Chính vì thế mà Hoài Thanh đã hùng hồn khẳng định:
“Người đã khơi dậy hồn buồn Đông Á, người khơi dậy cái mạch sầu mấy ngàn năm vẫn
ngấm ngầm trong cõi đời này.”
ĐỀ 4: Cảm nhận khổ 4 bài thơ “Tràng giang”
BÀI LÀM
Nhà phê bình Hoài Thanh từng nói: “Huy Cận lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi
sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi
tầm thường thì người lại có thể đúc thành bao châu ngọc…” Qủa đúng như vậy, từ ngày Huy
Cận góp “hồn buồn” vào thi đàn 32 – 45, bài thơ “Tràng giang” đã trở thành kinh điển của
một “hồn buồn”, một góc buồn Thơ mới. Đó là “hồn buồn”, góc buồn vừa bàng bạc màu sắc
Đường thi, lại vừa tươi mới cái tâm tư trẻ tuổi. Và đặc biệt, khổ thơ cuối được coi là khổ thơ
sâu lắng, tha thiết nhất trong trường buồn Tràng giang, thể hiện được cái tâm buồn bã, cô
đơn, bơ vơ của tác giả khi nhớ về quê hương, đất nước:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
“Tràng Giang” được trích trong tập “Lửa Thiêng” và được coi là bài thơ xuất sắc nhất
trong tập thơ ấy. Tứ thơ “Tràng giang” được hình thành vào một buổi chiều thu năm 1939
khi nhà thơ đang ở bờ Nam bến Chèm, nhìn dòng sông Hồng mênh mông vắng lặng mà nghĩ
về những kiếp người trôi nổi. Ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt, thi phẩm đã thể hiện được nỗi
sầu của cái tôi cô đơn trước thiên nhiên, trong đó thấm đẫm tình đời, tình người thiết tha. Bài
thơ có bốn khổ, mỗi khổ là một bức tranh sông nước Tràng giang thấm đượm nỗi sầu nhân
thế. Vì vậy có ý kiến cho rằng: Bốn khổ thơ đã tạo thành một bộ tranh tứ bình cảnh sông
nước Tràng giang mà khổ thơ này chính là bức tranh khép lại cho bộ tranh tứ bình độc đáo
ấy. Đoạn thơ ấy đã kết tinh đầy đủ sâu sắc giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm, đồng
thời vẽ nên bức tranh cảnh hoàng hôn trên sông nước thấm đẫm nỗi buồn cô đơn và tâm
trạng nhớ nhà, nhớ quê của thi nhân.
Tâm trạng cô đơn của một cái tôi nhỏ bé, bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời được gửi gắm
vào bức tranh hoàng hôn trên sông nước:
“Lớp lớp cao cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa”
Cảnh hoàng hôn trên sông nước Tràng giang được gợi tả bằng hai hình ảnh đám mây và cánh
chim. Đây là 2 hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường. Chính những thi liệu này đã đem đến
cho bức tranh hoàng hôn trên Tràng giang của Huy Cận vẻ đẹp cổ điển và phong vị Đường
thi. Câu thơ đầu gợi tả hình ảnh bầu trời với “lớp lớp mây cao đùn núi bạc”. Động từ “đùn”
gợi sự vận động liên tục kết hợp với từ láy hoàn toàn “lớp lớp” đặt ngay ở đầu câu thơ đã vẽ
nên thật sống động một bức tranh kì vĩ, hoành tráng về hình ảnh những đám mây bồng bềnh
chồng chất xếp lên nhau. Đẹp hơn nữa khi ánh tà dương chiếu vào những lớp lớp mây trắng
ấy lấp lánh phát sáng như núi bạc đầy hào quang, tráng lệ. Nhìn từ ngoại cảnh, đây quả là
một hình ảnh hùng vĩ và vô cùng sống động. Nhưng nhìn từ tâm trạng của nhà thơ ra nhận ra
cảm giác dợn ngợp của một cái tôi nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Trong thơ xưa,
chim bay về rừng, về tổ, về cuối trời đã trở thành một tín hiệu thẩm mĩ quen thuộc báo hiệu
hoàng hôn: “Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn”, từ đó dễ
gợi lên nỗi buồn xa vắng, nhất là trong lòng những kẻ lữ thứ. Nếu trong thơ xưa đám mây cô
đơn và cánh chim lẻ bầy thường có mối quan hệ tương đồng thì trong bài “Tràng giang” của
Huy Cận, sức mạnh nghệ thuật lại nằm ở sự tương phản. Hai câu thơ đầu của đoạn thơ này có
đến hai sự tương phản: sự tương phản thứ nhất là giữa cánh chim nhỏ bé với lớp lớp mây
cao; sự tương phản thứ hai là “cánh chim nghiêng” với “bóng chiều sa”. Động từ “sa” không
chỉ khiến bóng chiều trở nên có hình, có khối, có sức nặng mà còn nói lên sự ập đến rất
nhanh của hoàng hôn. Cánh chim bay nghiêng về tổ được Huy Cận cảm nhận như đang chịu
sức nặng khổng lồ của cả bóng chiều đè xuống nên đôi cánh nhỏ nghiêng mới lệch hẳn đi.
Nó gợi lên hình ảnh thi nhân một mình đứng lẻ loi giữa vũ trụ bao la, lặng lẽ cảm nhận cái
vĩnh hằng, cái vô tận của không gian đối lập với kiếp người. Qua đây, ta có thể thấy rõ cái
cảm giác bất lực của con người cũng như cảm giác của một cá nhân thấy mình nhỏ nhoi, cô
độc trước cuộc đời. Nhưng chính sự hiện hữu của cái tôi vừa nhỏ bé, vừa lẻ bóng ấy đã làm
nên một cuộc cách mạng trong thi ca như Hoài Thanh nhận xét “Từ cánh chim bay với dáng
chiều của Vương Bột đến cánh chim không bay mà nghiêng mình dưới bóng chiều sa của
Huy Cận có sự cách biệt của mấy trăm năm và của hai thời đại”. Hai câu thơ chính là một
bức tranh thuỷ mặc vừa cổ điển mà vừa hiện đại.
Nếu ở hai câu thơ trước tâm trạng của Huy Cận được gửi gắm vào bức tranh hoàng hôn
thì đến hai câu thơ này tâm trạng ở thi sĩ đã được bộc lộ trực tiếp. Tâm trạng ấy được gọi tên
là lòng quê, là nhớ nhà:
“Lòng quê dờn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
“Lòng quê” là lòng đối với quê hương đất nước. Đứng trước cảnh sông dài trời rộng, “lòng
quê” của nhà thơ như muôn ngàn con sóng “dờn dợn” trong tâm hồn. Từ láy hoàn toàn “dợn
dợn” cho thấy nỗi nhớ thương quê hương từ ý thức đã chuyển thành cảm giác thấm thía.
Mạch cảm xúc từ hai câu trước đến hai câu thơ này đã có sự chuyển đổi logic. Đó là sự
chuyển đổi từ cảm giác buồn cô đơn trước cảnh hoàng hôn. Huy Cận trở về tìm đến quê
hương bởi quê hương chính là điểm tựa tâm hồn của con người. Nếu thay từ “dợn dợn” bằng
các từ láy khác như “rợn rợn” hay “rờn rợn” thì sắc thái biểu cảm sẽ giảm đi phần nào, ý thơ
đánh rơi sự hàm súc. Thật vậy, từ láy "dợn dợn" đã đồng nhất nhịp điệu của sóng nước với
nhịp điệu của cảm xúc. Nó vừa gợi ra sự chuyển động uốn lên uốn xuống rất nhẹ của mặt
nước khi bị xao động vừa gợi cảm giác hoang lạnh trong lòng nhân vật trữ tình. Câu thơ
không diễn tả nỗi nhớ quê được đẩy lên cao trào mà chỉ bâng khuâng man mác nhưng lại
thiết tha, say đắm vô cùng. Nỗi nhớ quê hương bỗng dợn lên như sóng nơi tâm hồn, cứ da
diết trong lòng Huy Cận. Bởi thế khi nhìn cảnh sóng nước mênh mông nhớ đến quê hương
mà lòng người thi sĩ có chút gai lạnh. Hai câu thơ khép lại của thi phẩm gợi liên tưởng đến
hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Thôi Hiệu đời Đường:“Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên
ba giang thượng sử nhân sầu”.Tản Đà dịch là:“Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông
khói sóng cho buồn lòng ai”. Điểm gặp gỡ giữa Huy Cận và Thôi Hiệu là tâm trạng buồn nhớ
quê hương khi đứng trước cảnh sông nước lúc chiều tà. Song, trong thơ Huy Cận, cách thể
hiện tâm trạng mang màu sắc rất hiện đại. Cách nói “không khói hoàng hôn” là cách nói
quen thuộc của thơ mới. Với cách nói này, Huy Cận đã đưa “khói hoàng hôn” và nỗi sầu xa
xứ trong thơ cổ điển vào bài Tràng giang khiến ý thơ thêm cổ kính. Thật đúng là trong thơ
Huy Cận có nỗi sầu dâng lên từ vạn kỉ. Tâm trạng của Thôi Hiệu bắt nguồn trực tiếp từ ngoại
cảnh, nhà thơ nhìn khói sóng bạt ngàn trên sông mà buồn nhớ quê hương. Còn nỗi sầu của
Huy Cận lại có căn nguyên từ chính cõi lòng của nhà thơ nên chẳng cần một thứ khói sóng
nào làm nguyên cớ đúng như Huy Cận chia sẻ: “Tôi buồn hơn Thôi Hiệu đời Đường”. Huy
Cận và người xưa tuy cùng một nỗi nhớ nhà nhưng cái gốc của cảm xúc, tâm trạng thì rất
khác. Xưa, Thôi Hiệu đứng trên lầu Hoàng Hạc nhìn khói sóng mà dâng lên nỗi nhớ quá khứ;
còn Huy Cận đứng giữa quê hương mình mà lòng vẫn da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
Đặt bài thơ “Tràng giang” vào hoàn cảnh sáng tác của thi phẩm, ta mới hiểu hết được tâm
trạng này của thi sĩ. “Tràng giang” ra đời vào năm 1939, trong hoàn cảnh đất nước đang chịu
ách đô hộ của thực dân Pháp. Huy Cận cũng như các nhà thơ mới đang sống trong cảnh ngộ
của một người dân mất nước. Bởi vậy, tâm trạng buồn nhớ quê hương của thi nhân cho thấy
cảm giác bơ vơ, lẻ loi ngay trên chính quê hương mình. Không chỉ Huy Cận mà nhiều nhà
thơ mới khác cũng có cảm giác lạc lõng như thế. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã từng cay
đắng thốt lên:“Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh”.
Hay nhà thơ Nguyễn Bính cũng cảm thấy bơ vơ: “Hôm nay có một người du khách/ Ở ngự
viên mà nhớ ngự viên”. Tâm trạng của Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính là tâm
trạng chung của cả một thế hệ các nhà thơ mới sống trong cảnh ngộ của một người dân mất
nước. Từ đó, ta nhận ra tâm trạng Huy Cận trong khổ thơ cuối cùng này đã được bộc lộ một
cách kín đáo lòng yêu nước tha thiết, sâu lắng của mình.
Khổ thơ họa bức tranh cảnh hoàng hôn trên sông nước thấm đượm nỗi buồn cô đơn và
tâm trạng nhớ nhà, nhớ quê của tác giả. Nội dung tư tưởng ấy được thể hiện bằng bút pháp
nghệ thuật có sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại. Đặc biệt,
hình ảnh thơ giàu sức gợi tả, gợi cảm; ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc; các biện pháp tu từ
được sử dụng sáng tạo, độc đáo. Tất cả đã góp phần tô đậm dòng tâm trạng buồn của cái tôi
Huy Cận. Nếu thi nhân xưa tìm đến thiên nhiên để hòa nhập giao cảm thì Huy Cận lại đến
với thiên nhiên để thể hiện nỗi ưu tư buồn bã về kiếp người cô đơn, về thân phận nhỏ bé
trong xã hội cũ. Đây cũng là tâm trạng của người tri thức Việt Nam trước cách mạng khi thấy
mình bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời vạn biến.
Đúng như Xuân Diệu đã từng nhận xét về thơ Huy Cận: Thơ Huy Cận dường như ngầm
chất chứa cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế. Khép lại bài thơ Tràng Giang, bốn dòng thơ
cuối đã bộc lộ chân thực nhất, sâu đậm nhất nỗi buồn nhớ quê hương của thi sĩ. “Tràng
Giang” đã khơi dậy lên một tình yêu thiêng liêng, cao cả, tha thiết, nó mở đường cho tình yêu
Tổ quốc , tình yêu đất nước . Vì chính vậy thế mà tác phẩm vẫn neo đậu mãi trong trái tim
bạn đọc đến tận bây giờ.

You might also like