You are on page 1of 4

Đến với phong trào Thơ Mới, ta được hòa mình trong vườn thơ đầy hương sắc

tuyệt diệu của các thi


nhân. Ta không khỏi rạo rực, hứng khởi trước những vần thơ táo bạo, mê hoặc của Xuân Diệu, không khỏi
buồn man mác trước hồn thơ sáng trong của Thế Lữ, thổn thức trước hình ảnh thơ đầy kì dị của Chế Lan
Viên, hay say sưa trước hồn thơ quê bình dị của Nguyễn Bính. Và đặc biệt, đến với thơ Huy Cận, ta bắt gặp
nét buồn riêng biệt, độc đáo – một nỗi sầu rợn ngợp, u hoài, trước vũ trụ vô bờ. Bài thơ “Tràng giang” là tác
phẩm tiêu biểu cho nét phong cách đó của Huy Cận, đặc biệt trong khổ thơ đầu tiên, thi nhân đã khắc họa
một bức tranh sông nước mênh mang, bất tận thấm đượm nỗi buồn miên man trong lòng người.

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận. Nhắc đến thơ của ông, người ta có thể nhớ ngay đến chất thơ
chất chứa những nỗi sầu nhân thế và lòng ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên. Trước Cách mạng tháng Tám,
tên tuổi của Ông gắn liền với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “Lửa thiêng”, “Vũ trụ ca”… .Bài thơ “Tràng
Giang” trong tập “ Lửa thiêng” là một trong những áng thơ tiêu biểu bậc nhất của Huy Cận. Bài thơ được
Huy Cận sáng tác vào một chiều thu, ông đứng ở bến nhìn ra cảnh sông Hồng rộng lớn.

Ban đầu Huy Cận định đặt tên cho bài thơ của mình là "Chiều trên sông" - một cụm từ thuần Việt gợi
cảnh ngày tàn trên dòng sông, thế nhưng sau đó, với cảm quan của một nhà thơ vừa hiện đại nhưng không
kém phần cổ điển, ông đã đổi tên thành "Tràng giang". Tràng giang là từ Hán Việt và có tên gọi khác là
"trường giang", dùng để chỉ con sông dài. Việc sử dụng từ Hán Việt làm nhan đề không chỉ giúp bài thơ gợi
cảnh sông nước cụ thể mà dường như hiện lên là cảnh sông nước muôn đời. Dòng sông không chỉ hiện lên
với chiều dài, chiều rộng của không gian địa lí mà còn mang chiều sâu lịch sử, văn hóa, âm hưởng cổ kính,
trang trọng vì thế được nhấn mạnh hơn bao giờ hết
“Duy chiến trường giang thiên tế lựu”
(Lý Bạch)
Huy Cận đã khéo léo biến "trường" thành "tràng" để tạo hiệu quả nghệ thuật sắc sảo. Việc biến âm này
vừa khiến người đọc không nhầm lẫn con sông này với sông Trường Giang bên Trung Quốc, đồng thời âm
"ang" là âm mở rộng giúp không gian hiện lên không chỉ có chiều dài mà còn như được mở ra về chiều rộng.
Vì thế, bài thơ không đơn thuần là miêu tả cảnh sông nước mà đã trở thành thi phẩm miêu tả không gian
mang tầm vóc vũ trụ. Qua nhan đề, người đọc có thể hình dung ra một không gian vũ trụ bao la và tác giả
dường như ngầm báo hiệu con người sẽ cô đơn trước không gian rộng lớn mênh mang ấy.

Bài thơ Tràng Giang” có lời đề từ:


“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”
Trong một số thi phẩm nghệ thuật, ta bắt gặp một số lời đề từ. Lời đề từ không phải là một thứ đồ trang
sức làm đẹp da cho thi phẩm nghệ thuật. Trái lại lời đề từ là một xuất phát điểm, là một dụng ý nghệ thuật.
Nó cung cấp cho người yêu thơ chiếc chìa khóa nghệ thuật để khám phá nội dung của thi phẩm. Câu đề từ
giản dị, ngắn gọn với chỉ bảy chữ nhưng đã thâu tóm được cảm xúc chủ đạo của cả bài: "Bâng khuâng trời
rộng nhớ sống dài". Trước cảnh "trời rộng", "sông dài" sao mà bát ngát, mênh mông của thiên nhiên, lòng
con người dấy lên tình cảm "bâng khuâng" và nhớ. Nỗi bâng khuâng buồn nhớ, chứa đựng đầy khắp không
gian cảnh nào cũng gợi buồn nên bâng khuâng là cảm giác xao xuyến, trống trải của con người khi đối diện
trước không gian mênh mông, rộng lớn, thì “nhớ” lại là niềm hoài niệm của con người để điều gì đó đã khuất
xa trong thời gian, không gian. Cả dòng thơ đã bộc bạch trực tiếp nỗi niềm, tâm trạng con người bộc lộ nỗi
khắc khoải của hồn thơ Huy Cận
“Huy Cận dường như không ở trong thời gian mà chỉ ở trong không gian”
(Xuân Diệu)

Mở đầu đoạn thơ, nhà thơ đã mang hình ảnh sóng nước sông Hồng buồn man mác vào tác phẩm:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”
Đọc câu thơ người đọc hình dung ra một con sông mênh mang sóng nước. Cụm từ “tràng giang” cho thấy
một dòng sông dài vô tận, dòng sông không chỉ có chiều dài mà còn có chiều sâu. Với động từ “gợn”, ta
tưởng tượng ra một khung cảnh sông nước với những con sóng gợn nhẹ rồi khẽ loang ra, những vòng sóng
liên tiếp gối lên nhau, xô đuổi nhau đến tận chân trời. Qua cái nhìn đa sầu đa cảm của thi nhân, từng đợt
sóng được nhân hóa lên như con người, cũng biết “buồn điệp điệp”. Từ láy “điệp điệp” gợi ra nhiều trường
liên tưởng: là sự vô biên của những con sóng điệp trùng, mà cũng là vô vàn nỗi buồn trào dâng. Từng đợt
sóng gợn trên sông của hình ảnh thật ấy cũng như những nỗi buồn đang trải dài vô tận. Từ láy “điệp điệp”
càng nhấn mạnh nỗi buồn hết lớp này đến lớp khác, nỗi niềm mang nhiều tâm sự của nhà thơ. Dường như
trên sóng nước có bao nhiêu con nước, có bao nhiêu con sóng thì cũng có bấy nhiêu nỗi buồn đang trỗi dậy
trong lòng người. Câu thơ thấp thoáng âm hưởng của Đường thi, trong bài “Đăng cao” Đỗ Phủ có câu:
“Vô biên lạc mộc tiêu tiêu há,
Bất tận trường giang cổn cổn lai”
Trong “Đăng Cao”, Đỗ Phủ dùng phép đối thì Huy Cận dùng phép đối xứng, vì thế mà thơ Huy Cận tạo
âm hưởng không dứt.

Trên nền không gian bao la, rộng lớn ấy, nét bút của Huy Cận đậm tô hình ảnh con thuyền:
“Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”
Khi hình ảnh con thuyền xuất hiện, đó cũng là dấu hiệu của sự sống con người. Nhưng dường như, hình
ảnh con thuyền lại không làm cho khung cảnh của “tràng giang” bớt hiu quạnh mà thậm chí còn tô đậm hơn
ấn tượng về không gian trống vắng, u buồn. Trong văn học truyền thống, con thuyền thường biểu tượng cho
hình ảnh lênh đênh, trôi dạt:
“Bóng buồm đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời”
(Lí Bạch)
Thân em như chiếc bách trôi giữa dòng
(Ca dao)
“Con thuyền xuôi mái” có nghĩa là nó buông xuôi, buông trôi vô định theo dòng nước. Cách sử dụng hình
ảnh cổ điển trong thơ cùng từ láy “song song” càng gợi lên nỗi buồn xa vắng. Con thuyền không mục đích,
không phương hướng. Như vậy, cũng như hình ảnh sóng trên, hình ảnh thuyền cũng là bút pháp lấy động tả
tĩnh. Tưởng như sóng như thuyền đang vận động, song thực tế lại hoàn toàn bất động.
Không giống như con thuyền trên sông Đà của Nguyễn Tuân, mạnh mẽ vượt qua thác ghềnh, con thuyền
trôi trên dòng sông trong thơ Huy Cận “xuôi mái” để dòng nước đẩy trôi đầy hững hờ. Thế nhưng, dưới cái
nhìn của cái tôi Huy Cận, con thuyền ấy không phải là con thuyền bình thường. Nó phải chăng chính là biểu
tượng cho những thân phận nhỏ bé, cho những kiếp người đang lạc lõng lênh đênh giữa dòng chảy cuộc đời
rộng lớn. Từ láy “song song” được sử dụng trong câu thơ càng nhấn mạnh sự bất lực của con thuyền. Nó
dường như chẳng biết mình sẽ trôi về đâu, buông xuôi mái chèo, bỏ mặc tất cả. Nghệ thuật tiểu đối "buồn
điệp điệp" – "nước song song" liên kết hai câu thơ tạo sự nhịp nhàng, chầm chậm đồng thời cũng như lặng lẽ
trút ra tiếng thở dài đầy não nề của Huy Cận trước cuộc đời thực tại.
“Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả”
“Thuyền về nước lại” với cách ngắt nhịp 2/2 gợi trạng thái tan tác, chia lìa. Hình ảnh thuyền và nước
dường như phá vỡ quy luật thường tình: nước chảy thuyền trôi. Xuân Quỳnh từng viết:
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau - rạn vỡ”
Một con thuyền đang xuôi mái tất yếu sẽ di chuyển theo hướng nước chảy. Thế nhưng, hai thực thể vốn
vận động cùng chiều này lại đối lập “về” – “lại”. Tuy vậy, sự phi logic trong tự nhiên lại rất có lí trong vận
động tâm trạng tác giả. Tâm hồn đầy lo âu, mặc cảm, lạc lõng kia có thể nào thấy được cảnh tượng thiên
nhiên hòa hợp, sum vầy? Có lẽ vì vậy mà mối sầu li biệt không chỉ trên những con sóng của TG mà đã bao
phủ cả đất trời – “sầu trăm ngả”. Tưởng như nhìn về các nẻo đường chỉ là những nẻo sầu xa xăm.
Và cái cảm giác con thuyền xuất hiện nhưng không khiến cho không gian không bớt quạnh hiu là còn bởi
tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản. Hình ảnh một con thuyền bé nhỏ, buông xuôi so với những hình ảnh
nước song song, trăm ngả gợi sự bao la, vô tận, sự đối lập ấy càng làm cho không gian trở nên tĩnh vắng,
mênh mông đến tuyệt đối. Con thuyền chỉ hiện ra thoáng chốc rồi nép mình vào bờ bãi, mất hút trên sông
nước, chỉ còn mối sầu trăm ngả.

Nếu như ba câu thơ đầu toàn là những thứ quen thuộc như sóng, thuyền, nước thì câu thơ cuối lại xuất
hiện hình ảnh rất lạ, Huy Cận đã mang chất liệu hiện thực đời sống đi vào trong thơ:
“Củi một cành khô lạc mấy dòng”
Hình ảnh một cành củi khô trôi chông chênh, vô định trên dòng nước cánh bèo trôi dạt nối hàng lênh
đênh, ánh nắng, hoàng hôn nhạt nhòa soi rọi thưa thớt, đâu đây còn có âm thanh vụn vặt của văn chợ chiều.
Tất cả làm nên một bức tranh quê hương gần gũi, quen thuộc bởi nó như một bức tranh thu nhỏ của quê
hương sông nước Việt Nam. Các nhà thơ phương Đông khi muốn diễn tả về thân phận bé nhỏ, chìm nổi của
kiếp người, thường sử dụng những hình ảnh: hoa trôi, bèo nổi, mây dạt.
“Hoa trôi man mác biết là về đâu?”
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Thế nhưng ở đây, Huy Cận lại tận dụng một hình ảnh thơ có lẽ là độc nhất vô nhị trong thi ca Việt – cành
củi khô. Hình ảnh cành củi khô giữa dòng nước vừa giản dị, vừa gợi lên bao cảm xúc khác lạ, mới mẻ trong
lòng người đọc. Một cành củi khô lạc lõng giữa dòng chảy mênh mang của dòng sông, nó bơ vơ, không biết
hướng về đâu. "Cành củi" vốn đã tạo nên một cảm giác thật nhỏ bé, thật tầm thường, vậy mà ở đây lại chỉ là
một cành củi "khô", càng gợi lên sự hoang tàn, héo úa, thiếu sức sống. Cành củi ấy không như con thuyền,
nó nhỏ bé hơn, bị quăng quật trong dòng nước bao la đến nỗi "lạc mấy dòng". Nghệ thuật đảo ngữ được Huy
Cận tận dụng triệt để ở đây, ông nhấn mạnh từ "củi" để gợi lên sự héo úa, thiếu sức sống đồng thời cũng để
nhấn mạnh sự lẻ loi của cành củi giữa dòng sông rộng lớn. Một vật thể nhỏ bé, lại chỉ có một "củi một cành
khô", ít ỏi quá đỗi giữa cái mênh mông của sông nước này. Nhịp thơ 1/3/3, chậm rãi như gợi lên cái bé nhỏ
quá đỗi của cành củi kia. Đặc biệt cách sử dụng đảo ngữ khi đưa số từ “một” ra sau hình ảnh củi càng làm
tăng thêm nỗi hiu hắt của lòng người. Nhấn mạnh sự khô héo thiếu sức sống của tự nhiên. Có thể nói đây là
cảm hứng chung của thời đại, khi các nhà thơ như bị “đánh lưới” trước hàng trăm con đường:
“Tôi là con nai bị chiều đánh lưới,
Không biết đi đâu, đứng sầu bóng tối”
Cả câu thơ như muốn gợi lên hình ảnh của một thân phận bé nhỏ, bơ vơ giữa dòng đời. Cành củi lạc giữa
dòng nước chảy trôi cũng như con người mang trong mình nỗi sầu vô hạn, bơ vơ giữa dòng đời đang xô tới.
"Mấy dòng" nước, mấy dòng đời, vậy mà chẳng thể chọn lấy một con đường đi, con người ấy thật lạc lõng,
thật lênh đênh quá. Như Tố Hữu cũng đã từng nói về sự bơ vơ, vô định, không biết hướng đi cuộc đời mình
trong bài "Dậy lên thanh niên":
"Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước cuốn trôi"
Huy Cận cũng đang trong tình thế ấy, và Huy Cận còn có một nỗi buồn mênh mang, sâu lắng hơn cả Tố
Hữu nữa.

Trong sự nghiệp thơ ca trước cách mạng của Huy Cận, bài thơ "Tràng giang" có một vị trí đặc biệt. Nhà
thơ Sóng Hồng (tức đồng chí Trường Chinh) từng tâm sự rằng ông rất đỗi yêu mến bài thơ này, và mỗi lần
nhớ đến, nó lại gợi cho ông lòng yêu quê hương đất nước. Bạn đọc hẳn không thể hình dung được, để có thể
sáng tác nên một kiệt tác như vậy, nhà thơ Huy Cận đã phải vất vả, công phu đến thế nào. Trong bản thảo
“Tràng Giang”, Huy Cận đã từng đắn đo ở câu thơ thứ tư trong khổ thơ đầu tiên, lần lượt có các câu sau hiện
ra trong "phép thử" của ông:
“Một cánh bèo trôi đã lạc dòng”
Sau đó sửa thành:
“Một chút bèo đơn lạc giữa dòng”
Thay hình ảnh bèo đơn bằng củi khô:
Củi một cành đơn lạc giữa dòng
Để đi đến câu thơ hoàn chỉnh nhất:
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Và quả thật câu thơ "Củi một cành khô lạc mấy dòng" đắc địa hơn cả. Nét đẹp cổ điển "tả cảnh ngụ tình"
thật khéo léo, tài hoa của tác giả, đã gợi mở về một nỗi buồn, u sầu như con sóng sẽ còn vỗ mãi ở các khổ
thơ còn lại để người đọc có thể cảm thông, thấu hiểu về một nét tâm trạng thường gặp ở các nhà thơ mới.
Nhưng bên cạnh đó ta cũng nhìn ra một vẻ đẹp hiện đại rất thi vị của khổ thơ. Đó là ở cách nói "Củi một
cành khô" thật đặc biệt, không chỉ thâu tóm cảm xúc của toàn khổ, mà còn hé mở tâm trạng của nhân vật trữ
tình, một nỗi niềm đơn côi, lạc lõng.

Tứ thơ “Tràng giang” mang nét cổ điển như thơ xưa: Nhà thơ thường ẩn đằng sau cái mênh mông sóng
nước, không như các nhà thơ mới thường thể hiện cái tôi của mình. Nhưng nếu các thi nhân xưa tìm đến
thiên nhiên để mong hoà nhập, giao cảm, Huy cận lại tìm về thiên nhiên để thể hiện nổi ưu tư, buồn bã về
kiếp người cô đơn, nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Hàn Mặc Tử cũng đã từng có những câu thơ:
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)
Thông qua hai bài thơ ta thấy được sự đồng điệu, gặp gỡ của hai thi nhân đó là miêu tả bức tranh thiên
nhiên trời - nước, cảnh vật. Qua đó bộc lộ nỗi buồn và tình yêu của mình đối với tạo vật thiên nhiên và cuộc
sống. Hơn thế nữa, cả hai đều sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ thất ngôn điêu luyện, kết hợp tả cảnh ngụ
tình và miêu tả trực tiếp. Tuy nhiên chỉ gặp nhau ở một tư tưởng nhất định, mỗi bài thơ của mỗi tác giả đều
có một nét hay, nét đẹp riêng. “Đây thôn Vĩ Dạ” là viết về nỗi buồn của một người khát khao được sống,
được yêu và thiết tha gắn bó với cõi đời, cõi người nhưng lại cảm thấy mong manh và vô vọng; bài thơ được
viết từ những thi liệu trực quan từ trải nghiệm của chính mình. Còn “Tràng Giang” là nỗi buồn rợn ngợp
trước tạo vật mênh mông, hoang vắng cùng mặc cảm của thi nhân, của nhân vật trữ tình khi đứng trên quê
hương; bài thơ thành công bởi những thi liệu cổ điển từ trong thơ Đường.

Khổ thơ đầu bài thơ Tràng Giang đã cho chúng ta thấy được một nỗi buồn xuyên suốt trong từng câu chữ.
Tất cả những hình ảnh thơ đều sầu muộn, không có lấy một chút sức sống, chúng đều lênh đênh, bơ vơ, lạc
lõng giữa dòng nước trôi. Có lẽ bởi chính tâm hồn của Huy cận cũng đang trong một nỗi buồn nhân thế,
chính vì vậy, nỗi buồn ấy đã ngấm sang từng cảnh vật quanh ông. Như Nguyễn Du đã từng khẳng định rằng:
"Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"
Ở khổ thơ thứ nhất, nhà thơ đã dựng lên hai không gian đối lập nhau: một bên là không gian là không
gian tràng giang với những hình ảnh trăm ngả, mấy dòng; còn một bên là hình ảnh của cõi nhân gian với
những “con thuyền”, “củi khô”. Nghệ thuật tương phản ấy gợi ra bức tranh thiên nhiên sông nước mênh
mang vắng lặng và tâm trạng của con người lạc lõng, lẻ loi. Bốn câu thơ mở đầu hàm súc, trọn vẹn như một
bài thơ tứ tuyệt cổ điển mà vẫn in đậm dấu ấn của một vần thơ lãng mạn hiện đại Huy Cận.
Bằng việc sử dụng cực kì hiệu quả những phép đối, những hình ảnh thơ, những biện pháp tu từ, ẩn dụ,
nhân hóa, Huy Cận đã thêm cho “Tràng Giang” một cái tôi thật nhỏ bé giữa cuộc đời, đặc biệt khi cái tôi ấy
đứng trước khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, giữa vũ trụ bao la. Khổ thơ nói riêng cũng như bài thơ Tràng
Giang nói chung đều tiêu biểu cho hồn thơ mang nỗi sầu nhân thế của Huy Cận – một nhà thơ thuộc phong
trào thơ Mới vô cùng tài năng
“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm
Nỗi nhớ nhung không biết đã vơi chưa
Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa
Cùng đất nước nặng buồn sông núi”
(Huy Cận)

You might also like