You are on page 1of 4

CẢNH ĐOÀN TÀU ĐÊM QUA PHỐ HUYỆN

“Nếu như thời gian trong văn học hiện thực là thời gian dồn nén của sự kiện thì thời gian trong
văn học lãng mạn như là sự lặp lại đơn điệu những cái cũ nhàm chán, luôn đè nặng lên số phận
nhân vật. Trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, thời gian không chỉ là thời gian nối tiếp từ chiều
đến tối mà nó còn là thời gian của những cuộc đời đơn điệu cứ lặp đi lặp lại mãi trong một nhịp
sống không bao giờ thay đổi. ” Thạch Lam viết nhẹ lắm, nhưng càng nhẹ lại càng đau, càng thấm.
Cảnh đoàn tàu đêm trong “Hai đứa trẻ” đã chứng minh điều đó, những sự trông chờ rồi háo hức,
vui mừng khi nhìn thấy đoàn tàu đi qua, một hình ảnh cứ ngỡ bình yên đến lạ nhưng phía sau nó lại
là những câu chuyện dài của những kiếp người đau khổ, lầm than.

Thạch Lam (1910 – 1942) sinh ra và học tập tại Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm
Giàng - Hải Dương. Sau khi đỗ Tú tài, ông thôi học về làm báo với anh và gia nhập Tự lực văn
đoàn. Ông là người thông minh, trầm tĩnh, điềm đạm, đôn hậu và rất tinh tế. Theo Thạch Lam văn
chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của
con người. Ông quan niệm: “văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát
ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa
tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và
phong phú hơn".

Tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam in trong tập “Nắng trong vườn”, xuất bản năm 1938.
Truyện nhưng không có chuyện, chỉ là câu chuyện tâm tình. Câu chuyện không phát triển theo
logic sự kiện mà giống như một bài thơ trữ tình đầy xót thương, gói gọn trong không gian nhỏ hẹp
nơi phố huyện nghèo hẻo lánh với những con người nhỏ bé, những cảnh đời đơn điệu hắt hiu. Toàn
truyện là những cảm xúc và tâm trạng của những đứa trẻ nơi phố huyện đó trong khoảng thời gian
từ chiều đến đêm. Ngòi bút của Thạch Lam tỏ ra thật tinh tế trong việc diễn tả những rung động
của hai đứa trẻ.

Toàn thiên truyện tác giả tập trung vào những chi tiết nhỏ nhặt, vụn vỡ tưởng như rời rạc nhưng
lại có một sức gợi cực tả. Khi tái hiện lên một bức tranh làng quê nơi phố huyện nghèo nàn với sự
leo lét của những ánh đèn, sự tối tắm của không gian, sự quẩn quanh của cuộc sống. Nhưng có lẽ
hình ảnh đoàn tàu ở cuối thiên truyện là hình ảnh nổi bật rõ nét nhất toàn bài. Hình ảnh đoàn tàu
mang rất nhiều lớp nghĩa khác nhau, tưởng chừng nhỏ giản đơn nhưng chất chứa trong đó bao bài
học, tư tưởng cao cả của một nhà văn trữ tình lãng mạn tinh tế bậc nhất.

Buổi chiều nơi phố huyện mở ra bằng những đường nét đầy ảm đạm, cô quạnh báo hiệu một ngày
sắp tàn theo đúng như nghĩa của nó. Với những âm thanh, hình ảnh: “tiếng trống thu không” trên
cái chòi huyện nhỏ, những “đám mây hồng như hòn than”, “dãy tre làng đen lại”… nhưng không
kém phần nên thơ trữ tình. Hai nhân vật chính ở đây là hai chị em Liên và An. Sau một ngày làm
việc vất vả cực nhọc. Con người nơi đây mới bắt đầu cuộc sống với những gánh phở, những chén
nước nguội lạnh, mảnh chiếu trải đất kéo đàn….tất cả thoáng hiện lơn đơn lẻ, lặng lẽ, nhần chìm
trong bóng tối.

Trên nền trời tối tăm của khung cảnh đó tác giả miêu tả đoàn tàu và thói quen đón đoàn tàu của
hai đứa trẻ thật cho tiết, tỉ mỉ. Trời đã khuya, sương thấm ướt cả vai tạo nên một cái lạnh buốt da,
buốt thịt. Thế nhưng tại nơi phố huyện, những người dân và chị em Liên vẫn cố thức khuya để đợi
chuyến tàu đi qua. Lí do đợi tàu của hai đứa trẻ bao gồm cả việc chờ tàu đến để bán hàng cho các
hành khách trên tàu xuống mua bán và cả việc để nhìn thấy đoàn tàu đi qua rồi vụt mất. Đó chính
là sự thỏa mãn niềm khao khát, mong mỏi được ngắm nhìn tàu của hai chị em Liên. Hai chị em
Liên đã sống một ngày vô cùng mệt mỏi và tẻ nhạt. Chúng chỉ bán được vài món hàng bao diêm,
gói thuốc lá, xà phòng… Đến tối thì kiếm hàng và đếm lại số tiền ít ỏi đó. Hai đứa trẻ trơ trọi trong
bóng tối, trên chiếc chõng cũ sắp gãy giữa không khí oi bức và tiếng muỗi kêu ran. Chỉ có một
người đến với các em, là bà cụ Thi, một bà già hơi điên tối tối thường ghé mua rượu hàng các em.

Được nhìn thấy chuyến tàu, có lẽ là ước mơ duy nhất có thể thực hiện được với mỗi con người
nơi đây. Với nhiều người, nó thật vô vị và bình thường, sẽ có người phải thốt lên rằng, đây là ước
mơ ư, nhưng với người dân nơi đây, nó là cả một điều kỳ diệu. Chuyến tàu đi qua mang một ý
nghĩa rất đặc biệt, có một cái gì đó sâu hơn nhiều đối với chị em Liên và càng sâu sắc hơn đối với
những người khốn cùng ở phố huyện. Mỗi chuyến tầu từ Hà Nội sẽ qua phố huyện trong mấy phút.
Mỗi đêm, hai đứa trẻ lại chờ đờ đợi. Hẳn các em phải chờ chuyến tầu ấy qua suốt một ngày buồn
tẻ. Nỗi chờ đợi càng trở nên khắc khoải hơn khi đêm đổ xuống : đèn thắp sáng ở các nhà xung
quanh, ngọn đèn leo lét nơi hàng nước nhà chị Tí, cái chấm lửa nhỏ của bác phở Siêu… đó chính là
những điểm mốc, bước đi của thời gian đang đưa các em xích lại gần với chuyến tàu. Ngay cả khi
buồn ngủ ríu cả mắt nhưng hai đứa trẻ vẫn cố thức để được nhìn thấy đoàn tàu, bé An khi ngủ còn
dặn chị đánh thức khi tàu đến. Tàu chưa đến nhưng hai đứa trẻ đã nhanh chóng nhận thấy dấu hiệu
qua sự xuất hiện của người gác ghi. Và khi tàu còn ở phía xa, Liên trông đã thấy ngọn lửa xanh
biếc, sát mặt đất như ma trơi, rồi tiếng còi xe lửa ở xa vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo
ngọn gió xa xôi – trong tâm trí Liên tiếng còi trở thành một âm thanh mơ hồ, ngân vang, tiếng còi
dịu dàng trong đêm, trong sự chờ đợi da diết của con người.

Họ khao khát chờ đón đoàn tầu như chờ đón một sự kiện trọng đại. Bởi chính chuyến tàu đêm đã
mang một thế giới khác đến gợi cho các em nhớ lại một vùng sáng rực rỡ lấp lánh có nhiều thứ quà
ngon lạ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, mà giờ đây với các em đã là một thứ xa xỉ nhiều
tiền không bao giờ mua được. Đoàn tàu gợi cho các em nhớ lại một hồi ức đẹp. Hồi ức đó, ước mơ
đó như trong truyện cổ tích nhưng chẳng khác gì một ảo ảnh, vụt chớp sáng rồi vụt qua ngay, xa
dần, xa dần để rồi ngày mai lại xuất hiện, lại hi vọng mơ hồ. Đoàn tàu còn là niềm an ủi nỗi khát
khao mơ hồ, ước mơ không bao giờ tắt về một chút tươi sáng cho sự nghèo khổ hàng ngày.

Đối với cảnh phố huyện về đêm nó chỉ có những âm thanh của những con côn trùng như ếch
ngoài đồng… hay những tiếng hát dong, những tiếng hát xẩm của những người đang kiếm sống,
chính vì vậy, họ luôn mong muốn có một điều gì đó lạ lạ để cho họ có thêm niềm hy vọng mới về
chính cuộc đời của mình. Đây là những giây phút mà họ ngập tràn trong một ánh sáng lớn, nó
không còn là hình ảnh sáng lập lòe của những chiếc đèn dầu nữa, chính vì vậy, hình ảnh chuyến
tàu đêm đã thu hút sự chú ý, và mong đợi của tất cả mọi người. Nhất là đối với Liên và An, hai đứa
trẻ này trước đây đã được sống nơi phồn hoa đô thị, được chứng kiến những nơi giàu sang, những
ánh sáng lộng lẫy, được thưởng thức những cốc nước xanh đỏ… Chính vì vậy chuyến tàu này cũng
mang lại cho hai chị em những hoài niệm về một thời đã qua.

Thế rồi khi đoàn tàu rầm rộ đi tới, hai chị em choáng ngợp trước nó, háo hức lắng nghe tiếng dồn
dập, tiếng rít mạnh vào ghi, …tiếng hành khách đầy ồn ào, chúng còn quan sát thấy cả một làn
khói bừng sáng trắng phía xa…Một thế giới đẹp đẽ, huyên náo đối lập với cái tối tăm của phố
huyện nghèo, kiếp người nghèo, đoàn tàu đi ngang sáng rực với các ánh đèn tỏa ra từ các toa tàu,
cuộc sống của những con người trên đoàn tàu chính là cuộc sống mà người dân nơi đây chưa từng
dám nghĩ đến dù chỉ một lần. Niềm khao khát đã khiến giờ khắc đoàn tàu đi ngang ga xép nhỏ của
phố huyện trở thành một giờ khắc thiêng liêng, trang trọng, nó có ý nghĩa to lớn đến mức nếu bỏ lỡ
thời khắc ấy thì cuộc sống cả ngày tiếp theo, và tiếp theo nữa của hai đứa trẻ sẽ đầy vô nghĩa. Và
sau cùng khi đoàn tàu khuất xa dần trong bóng đêm, chỉ còn lại những đốm than đỏ bay tung trên
đường sắt, nó xa, xa mãi rồi khuất dần sau rặng tre nhưng hai đứa trẻ vẫn ngẩn ngơ dõi theo nó
trong sự tiếc nuối vô hạn.

Cách quan sát, miêu tả của Thanh Lam rất tinh tế và giàu tính nghệ thuật. Tác giả quan sát, miêu
tả hình ảnh đoàn tàu đêm từ Hà Nội về theo trình tự lúc tàu từ xa, lúc tàu đến rồi xa dần bằng nhiều
giác quan cùng với rất nhiều sắc thái cảm giác; bằng sự đan xen giữa hồi ức và thực tại. Chuyến
tàu đi qua phố huyện chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã để lại cho hai đứa trẻ bao
nhiêu cảm xúc và nuối tiếc. Phố huyện rầm rộ, ồn ào lên trong chốc lát rồi lại chìm sâu vào bóng
đêm yên tĩnh. Gần như đã thành nếp, những người dân phố huyện chỉ chấm dứt hoạt động khi
chuyến tàu đêm đã đi xa.

Trong một khoảnh khắc nào đó, phố huyện đã rầm rộ lên trong chốc lát rồi lại chìm sâu vào bóng
tối, phố huyện lại trở lại với phố huyện. Rồi chuyến tàu cũng nhanh chóng xa dần, khuất dần. Phố
huyện hết náo động, chỉ có bóng đêm lồng với bóng người đi về. Chị Tí sửa soạn đồ đạc. Bác phở
Siêu gánh hàng vào làng, vợ chồng bác Xẩm ngủ gục trên manh chiếu tự bao giờ. Liên như chiếc
đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ cũng ngập dần vào giấc ngủ yên tĩnh như đêm
trong phố huyện tịch mịch và đầy bóng tối, làm ta nhớ đến cái tối tắm ở “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố:
“Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của
chị”

Niềm vui thoáng qua, và ngay sau đó là nỗi buồn ập đến day dứt, thấm thía vì sự ngậm ngùi,
thương cảm cho hiện tại nơi phố huyện nghèo xơ nghèo xác mà sự xuất hiện của đoàn tàu chỉ làm
rõ sự tương phản đến xót xa, sự tương phản của biểu tượng sự sống mạnh mẽ, giàu sang và rực rỡ
với phố huyện tăm tối, buồn tẻ, với những kiếp người cơ cực. Thực chất, đoàn tàu chỉ lướt qua bên
ngoài không gian phố huyện để rồi rất nhanh sau đó, trả phố huyện trở lại với màn đêm mênh
mang, yên lặng. Đêm nào đoàn tàu cũng qua, vậy mà đêm nào cũng từng ấy cư dân cũng khắc
khoải, kiên nhẫn chờ tới lúc đoàn tàu đi qua rồi mới lặng lẽ chìm vào bóng tối sâu thẳm, quen
thuộc của mình. Thạch Lam đã thể hiện niềm trân trọng, xót thương của mình đối với những kiếp
người nhỏ bé sống tăm tối, nghèo nàn, đồng thời cũng để thể hiện khát vọng hướng tới tương lai
tươi sáng hơn.

Hình tượng con tàu ngoài ý nghĩa tả thực còn mang ý nghĩa biểu trưng. Tính chất biểu trưng của
nó được xác nhận qua luồng ánh sáng rực rỡ. Ánh sáng mà đoàn tàu đêm đem lại như một tia hồi
quang soi rọi làm bừng lên quá khứ tươi đẹp của chị em Liên. Nó như một con thoi ánh sáng xuyên
thủng màn đêm, đem đến cho phố huyện tăm tối ánh sáng rực rỡ của chốn thị thành. Đồng thời,
đoàn tàu đem lại cho nơi yên tĩnh vắng lặng như phố huyện một âm thanh mãnh liệt của cuộc sống
rộn ràng, át hẳn đi cái lớp áo khoác tịch mịch của đêm trường, khác hoàn toàn với âm thanh của
cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt của phố huyện thường ngày.

Trong cảm nhận của những tâm hồn thơ trẻ như Liên và An, ánh sáng con tàu gợi về một thế giới
khác "vui vẻ và huyên náo" hơn. Nó đối lập với cái u buồn, thinh lặng của không gian phố huyện.
"Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn
các vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa của bác Siêu". Đoàn tàu là biểu tượng của một thế
giới đáng sống: mạnh mẽ, giàu sang, đầy lấp ánh sáng, đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo khó,
tù túng của phố huyện. Trên nền cảm nhận về sự đối lập của hai thứ ánh sáng đó, tâm hồn Liên nảy
sinh những khát khao về sự đổi thay cuộc sống. Rõ ràng, những đứa trẻ như Liên đã mất đi cái hồn
nhiên, trong trẻo của tuổi thơ. Thay vào đó là nỗi buồn, là sự tự cố gắng để hy vọng vào một ngày
mai. Ta hiểu vì sao khi con tàu vừa rời khỏi sân ga, Liên lập tức "lặng theo mơ tưởng". Tâm hồn
Liên đang tìm về với thế giới của ánh sáng rực rỡ và âm thanh huyên náo. Khi viết câu văn "Liên
lặng theo mơ tưởng", Thạch Lam hình như cũng đang đau đáu về một sự đổi thay.

Là một nhà văn nổi tiếng, với lối viết tâm tình và một quan điểm nghệ thuật tiến bộ, Thạch Lam
đã sớm thoát ly khỏi thứ văn chương xa rời, hiện tượng chạy theo thị hiếu thẩm mỹ, thời đại. Ông
luôn tìm tòi và khám phá để tạo ra thứ “văn chương vị nhân sinh”, gắn liền với hiện thực đời sống
và từ đó nâng cao tâm hồn con người. “Hai đứa trẻ” chính là một minh chứng điển hình cho thứ
văn chương mẫu mực ấy. Khung cảnh trong truyện “Hai đứa trẻ” có lẽ được Thạch Lam sáng tạo
ra dựa trên không khí tù túng, ngột ngạt, đơn điệu của nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng
8. Đâu đây ta bắt gặp hình ảnh Phố huyện Cẩm Giang nghèo đói có chợ, có ga tàu, có cánh đồng
mênh mông đến hiu quạnh. Phải chăng TLam để những trải nghiệm của đời mình, một phố huyện
nhỏ bé nghèo nàn tù túng và rất đỗi tẻ nhạt. Cái buồn ấy nghèo ấy thấm sâu vào cảnh vật và tâm
trạng con người. Chừng ấy mảnh đời chừng ấy con người Thạch Lam đã làm sống dậy một xã hội
Việt Nam trước cách mạng Tháng 8. Đó là một cuộc sống tù đọng, ngột ngạt, tăm tối, nơi đó có
những kiếp người đang tồn tại chứ không phải sống:
“Quấn quanh mãi với vài ba dáng điệu
Tới hay lui cũng chừng ấy mặt người
Vì quá quen nên quá đỗi buồn cười
Môi nhắc lại cũng chỉ ngần ấy truyện”.
(Quanh quẩn – Huy Cận)

Đoàn tàu sang trọng giàu sang khác hẳn với vẻ nghèo đói tính mình nơi Phố huyện. “Những toa
tàu hạng sang những đồng và Kền lấp lánh”. Bị giam cầm trong bóng tối và ám ảnh bởi cuộc sống
cơ cực, buồn tẻ nơi phố huyện, Liên nhớ về cuộc sống tươi đẹp trong quá khứ ở Hà Nội. Đoàn tàu
chở đi khát vọng của những con người, của chị em Liên, về một Hà Nội xa xăm, huyên náo, vui vẻ
trong kí ức. Hoài niệm trong Liên trỗi dậy không chỉ kích thích quá khứ sống dậy mà còn nhen
nhóm bao khát vọng âm thầm về ngày mai, dẫu chỉ là một ngày mai mơ hồ. Chỉ đợi đoàn tàu như
là hướng về một ngày mai tươi đẹp hơn, đó là sự thức tỉnh của cái tôi cá nhân của Thạch Lam, bắt
cặp với sự đồng điệu trong quan điểm sống của Xuân Diệu:
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

Giống như những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời, mỗi con người là một vì tinh tú xuất hiện giữa
cuộc đời. Bản thân mỗi người quyết định việc ngôi sao là hiện thân cho mình có tỏa sáng lấp lánh
giữa bầu trời của tạo hóa hay không. Thạch Lam như muốn nhắn nhủ chúng ta, đừng bao giờ sống
trong cái phẳng lặng mà phải sống cho ra sống, không ngừng khao khát một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Mỗi người sống trên đời đều lưu lại dấu ấn của riêng mình, có người sống như một đóa hoa hồng
rực rỡ, đắm say, có người như loài hoa thạch thảo giản dị và nhẹ nhàng. Dù bất kì vị trì nào ta đều
có thể ghi lại dấu ấn của bản thân trong cuộc đời với khát khao về tương lai tươi sáng. Và đây cũng
chính là một trong những giá trị nhân đạo của “Hai đứa trẻ”: ca ngợi khát vọng về cuộc sống mới
mẻ.

“Hai đứa trẻ” là một truyện ngắn trữ tình, đặc trưng cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam,
với những câu chuyện không có cốt truyện, với những cảm xúc mong manh, mơ hồ mà bất cứ ai
trong chúng ta cũng đã từng gặp, ít nhất một lần trong đời. Thạch Lam với ngòi bút lãng mạn đã vô
cùng thành công trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật trong khoảng thời gian từ khi hoàng hôn
buông xuống đến khi đêm về. Kết hợp với không gian nghệ thuật hẹp nhưng cụ thể tác giả đã để
cho các nhân vật của mình xuất hiện và bộc lộ mình. Không chú trọng vào những xung đột gay gắt,
Thạch Lam tỉ mỉ xây dựng chi tiết điển hình. Ông dựng lên một cốt truyện đơn giản, thủ thỉ, nhẹ
nhàng đúng với phong cách sáng tác của ông: viết truyện không có chuyện. Và với tác phẩm “Hai
đứa trẻ”, bút pháp tương phản đối lập của Thạch Lam như đã đạt đến cái cảnh giới của lãng mạn,
sự tương phản đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hai loại ánh sáng: nơi phố huyện và nơi đoàn
tàu đêm.

“Cuộc sống đang cùn đi, gỉ đi” (Nam Cao). Giữa cái bóng tối dày đặc của không gian, của cuộc
đời, ánh sáng nhỏ nhoi trở nên quý giá hẳn lên, tất cả ánh sáng trong “Hai đứa trẻ” dù thiên tạo hay
nhân tạo đều như vẽ ra những vạch đích khát vọng của những người dân, của chị em Liên. Hình
ảnh đoàn tàu đã làm nổi bật lên nghệ thuật đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thực tại tối tăm
và quá khứ ngập tràn ánh sáng. Truyện ngắn có kết cấu vòng tròn như một bài thơ. Tác phẩm đâu
đó phảng phất một tự truyện. Đây cũng có thể là lí do khiến câu văn của câu chuyện trở nên mềm
mại, sâu lắng và tế nhị, chứa nỗi buồn man mác của nhân vật chính và cũng là của Thạch lam khi
hồi cố tuổi thơ của mình.

You might also like