You are on page 1of 3

PHÂN TÍCH CẢNH ĐỢI TÀU

Nguyễn Cẩm Anh

Thạch Lam là một nhà văn với tâm hồn rất đỗi tinh tế và đôn hậu. Ông
có quan niệm văn chương lành mạnh, tiến bộ và có biệt tài về truyện
ngắn, văn phong của ông trong sáng, giản dị mà thâm trầm, sâu sắc.
Ông từng bày tỏ quan điểm của mình về sứ mệnh văn chương như sau:
"Đối với tôi, văn chương không phải là thứ đem đến cho người đọc sự
thoát ly hay lãng quên, mà văn chương là 1 thứ khí giới thanh cao và
đắc lực chúng ta có được, để vừa tố cáo và thay đổi 1 thế giới tàn ác và
giả dối, vừa làm cho lòng người đọc trong sạch và phong phú hơn." Có
thể nói, cảnh đợi tàu trong tác phẩm "Hai đứa trẻ" thuộc tập truyện
"Nắng trong vườn" (1938) chính là minh chứng sinh động nhất cho
quan niệm ấy của Thạch Lam.
Truyện diễn ra trên nền bối cảnh phố huyện Cẩm Giàng, trong
khoảng thời gian từ chiều tối đến đêm khuya. Tác giả mở đầu câu
chuyện bằng tiếng trống thu không, hoàng hôn dần buôn xuống nơi phố
huyện heo hút. Rồi ánh đèn leo lét xuất hiện, cuộc sống con người quẩn
quanh nơi phố huyện khi màn đêm dần bao phủ. Hai chị em Liên ngồi
lặng im nhìn ngắm phố huyện, chìm trong suy nghĩ với nỗi nhớ về Hà
Nội qua gánh phở bác Siêu, cũng là lúc tàu chuẩn bị đến. Cảnh đợi tàu
nằm ở phàn cuối của tác phẩm, đây là chi tiết mang ý nghĩa nhân văn
sâu sắc. Việc đợi tàu đã giúp 2 chị em tạm thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt,
quẩn quanh. Chuyến tàu là hoạt động kết thúc lại một ngày dài nơi phố
huyện, nhưng cũng là khởi đầu cho cuộc hành trình theo đuổi ước mơ
và chống lại 1 cuộc sống vô nghĩa của Liên và An.
Hai chị em đợi chuyến tàu từ Hà Nội về, một phần vì lí do liên quan
đến vật chất - mẹ dặn thức đợi tàu để bán hàng, để xem xem "may ra
còn 1 vài người mua". Nhưng quan trọng hơn, An và Liên đợi tàu còn vì
lý do tin thần: đoàn tàu từ HN về mang theo quá khứ tươi đẹp và hạnh
phúc, như cũng mang 1 thế giới khác đi qua, 1 thế giới của giấc mơ và hi
vọng.
An và Liên trong lúc chờ tàu đã buồn ngủ ríu cả mắt, thậm chí An đã
"nằm xuống gối đầu lên đùi chị" và mi mắt em "sắp sửa rơi xuống". Ấy
thế nhưng, chúng vẫn "gượng để thức khuya chút nữa". Hai chị em đợi
tàu trong nỗi mong chờ đến háo hức, dù cho chuyến tàu ấy ngày nào
cũng vế qua phố huyện.
Phố huyện về khuya dần chìm vào bóng tối, màn đêm tịch mịch bao
trùm lấy không gian. Mọi hoạt động, âm thanh đều trở nên nhỏ bé như
sắp hoà tan vào trong đó, đến mức Liên cũng thấy “tâm hồn yên tĩnh”.
Và rồi khi tàu đến với âm thanh náo nhiệt và ánh sáng rực rỡ, nó như là
“cái gì tươi sáng” mà những con người nghèo khổ nơi phố huyện đang
mong đợi. Đoàn tàu mang đến những âm thanh dồn dập, âm thanh của
“tiếng xe rít mạnh vào ghi”, của “tiếng hành khách ồn ào khe khẽ” và
của “tiếng còi rít lên”. Đoàn tàu cũng mang tới ánh sáng. Xuyên suốt tác
phẩm, ánh sáng được miêu tả với tần suất dày đặc, đó là ánh đèn hoa kì
leo lét, là hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, là vệt sáng của những
con đom đóm, là vầng sáng ngọn đèn của chị Tí,… Ấy thế nhưng chúng
lại có cường độ rất yếu ớt, le lói, đối lập lại với ánh sáng của đoàn tàu.
Nhìn đến phía xa, người ta đã có thể thấy “ngọn lửa xanh biếc” như ma
trơi, để rồi “một làn khói bừng sáng trắng lên” và một loạt các loại ánh
sáng “các toa đèn sáng trưng”, “đồng và kền lấp lánh”, rồi “cửa kính
sáng”, “các đốm than đỏ bay tung trên đường sắt” liên tiếp xuất hiện.
Âm thanh của đoàn tàu vang động, phá tan không khí tịch lặng, cùng
với ánh sáng rực rỡ, chói loà, chúng như lấn át đi màn đêm tăm tối. Hai
chị em lặng quan sát đoàn tàu khi nó chạy băng qua, và khi nó đã đi rồi,
chúng còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau
cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre như muốn lưu lại những dư âm
cuối cùng của hi vọng. Chuyến tàu lướt qua nhưng trong tâm hồn hai
đứa trẻ vẫn sống lại bao kỉ niệm của tuổi thơ tươi đẹp, bao kí ức về Hà
Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo nhưng giờ đã là quá khứ xa xăm.
Đoàn tàu giờ đây không chỉ đơn thuần là chở khách, mà còn mang theo
cả một thế giới khác đi qua, một thế giới hoa lệ và kì thú.
Dù đoàn tàu chỉ vụt qua trong một khắc ngắn ngủi, nhưng nó đã kịp
chở đầy sức sống, niềm tin và hi vọng của những con người trong hoàn
cảnh sống quẩn quanh. Đoàn tàu cũng chính là hoá thân cho khát vọng
đổi đời, khát khao vươn tới ánh sáng và được thoát ra khỏi “thứ bóng
tối nhẫn nại, uất ức đời thôn quê”. Giữa xoáy nước bế tắc của cuộc
sống tẻ nhạt, nghèo khổ, hình ảnh đoàn tàu giống như chiếc phao tinh
thần, cứu vớt những tâm hồn con người bé nhỏ, quẩn quanh. Và đây
cũng chính là giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc được gửi gắm trong tác
phẩm.
Như nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã từng nhận xét, truyện ngắn “Hai
đứa trẻ” có “Giọng điệu chậm, buồn, không thừa lời, thừa chữ, không
uốn éo làm duyên một cách cầu kì nhưng vừa giàu hình ảnh, giàu nhạc
điệu lại vừa uyển chuyển, tinh tế”. Không chỉ vậy, Thạch Lam còn xây
dựng được những cặp tương phản đối lập của ánh sáng – bóng tối, hiện
thực – ước mơ hay quá khứ - hiện tại,… đồng thời kiến tạo những chi
tiết mang giá trị biểu tượng như ngọn đèn của chị Tí và hình ảnh đoàn
tàu. Câu chuyện không có diễn biến kịch tính thế nhưng điều ấy lại
khiến chính nó giống như một bức tranh được dệt bằng cảm giác mà
nổi bật lên trên đó là nét hoạ của cảm xúc, cảm giác các nhân vật.
Như vậy, tác phẩm “Hai đứa trẻ” đã phản ánh được cuộc sống tối
tăm, nghèo khổ, bế tắc của người lao động trước CMT8 năm 1945.
Truyện ngắn kết thúc lại bằng cảnh đợi tàu của 2 chị em Liên và An,
hình ảnh đoàn tàu vội tới rồi vội đi thế nhưng đã mang theo cả ước mơ
và hi vọng cũng như sự đồng cảm, xót thương của tác giả cho kiếp sống
cùng quẫn của những con người nơi phố huyện. Thạch Lam khẳng định
và trân trọng khao khát được đổi tuy còn rất mong manh, mơ hồ của
họ, qua đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về ý nghĩa sự sống mỗi
cá nhân trong cuộc đời: Có thể sống vô danh nhưng không được sống
vô nghĩa.

You might also like