You are on page 1of 6

Văn học trung đại Việt Nam khép lại ở cuối thế kỉ XIX nhường lối cho văn

học
hiện đại phát triển. Thời kì này thể loại văn xuôi thành công nhất được kết tinh ở
tiểu thuyết và truyện ngắn. Nhắc đến truyện ngắn ta phải nhắc đến Thạch Lam –
một “cây bút truyện ngắn tài hoa, xuất sắc”. Đặc trưng truyện ngắn của Thạch Lam
là “truyện không có chuyện” song vẫn có sức lôi cuốn riêng. Thạch Lam sáng tác
không nhiều nhưng đủ để mọi người nhận thấy ông là một nhà văn có phong cách
riêng trong sáng, giản dị mà thâm trầm sâu sắc. Mỗi truyện của ông giống như một
bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc thương
yêu con người và cảnh vật. con người hiện thực dưới cái nhìn và ngòi bút của ông
“không dữ dội như Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao hay bị đày đọa như chị Dậu
của Ngô Tất Tố” nhưng vẫn để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc. Và nhân vật
Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là con người như thế. Một con người có một
tâm hồn tinh tế và nhạy cảm được nhà văn quan sát và thể hiện qua diễn biến tâm
trạng của cô từ lúc chiều tối cho đến đêm khuya với trạng thái cơ bản là nỗi buồn
triền miên và đặc biệt hơn cả là đoạn trích viết về tâm trạng của cô bé Liên trong
cảnh đợi tàu thực sự là những trang văn độc đáo, thể hiện được tư tưởng nhân đạo
sâu sắc của ngòi bút Thạch Lam.
Trong tác phẩm” Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã rất chú tâm khi miêu tả tâm trạng của
Liên- một cô bé 9 tuổi phải sống mưu sinh ở phố huyện nghèo qua 3 thời điểm: lúc
chiều tàn, khi đêm xuống và trong cảnh đợi tàu. Mở đầu tác phẩm, Liên hiện lên là
một cô gái mới lớn mang tâm hồn nhạy cảm với cuộc sống khi thấy buồn man mác
trong cảnh chiều tà. Tiếp đến là tâm trạng buồn sâu thăm thẳm khi màn đêm buông
xuống. Và đặc biệt là điểm nhấn tâm trạng” mơ hồ khó hiểu” và háo hức, hồi hộp,
vui mừng lúc chờ tàu đã minh chứng cho ngòi bút tài năng này.
Dù buồn ngủ díu cả mắt nhưng đêm nào, Liên cà An cũng cố thức đợi chuyến tàu
khuya từ Hà Nội về. Tại sao vậy? Để bán hàng theo lời mẹ dặn? Hay là để chờ đón
người thân trở về như bao người khác? Hoàn toàn không phải vậy. Hai chị em Liên
cố thức không phải để mở hàng đón khách như bao người buôn bán khác trên sân
ga, trái lại hai chị em đóng cửa hàng, chờ tàu là vì cớ khác. Vậy thì là gì? Phải
chăng vì hai chị em học muốn được nhìn thấy chuyến tàu – là sự hoạt động của
cuối cùng của đêm khuya. Có lẽ vậy, và cũng bởi vì con tàu như đem một thế giới
khác đi qua, một thế giới khác hẳn với vầng sáng ngọn đèn của chị Tý và ánh lửa
của Bác Siêu. Phố huyện chìm trong màn đêm tối tăm, lụi tàn, nghèo nàn, mòn mỏi
thì con tàu như đem một thế giới sáng rực, giàu sang, vui vẻ và huyên náo.
Tâm trạng buồn chán của Liên đã dẫn đến khát vọng muốn thoát ra khỏi cuộc sống
mà cô đang phải sống, dù chỉ để hi vọng vu vơ về một cái gì ở bên ngoài khác với
cái thế giới ngưng đọng và tàn lụi này. Cô phải tìm đến một cuộc sống khác, dù
cuộc sống ấy chỉ đi qua trong khoảnh khắc. Và cô đã tìm thấy nó trong hình ảnh
đoàn tàu đi qua phố huyện mỗi đêm.
Đoàn tàu xuất hiện trong hoàn cảnh đầy tăm tối của những kiếp người mỏi mòn nơi
phố huyện mà cuộc sống của họ đang chìm ngập trong bóng tối. Từ xa, hình ảnh
đoàn tàu đã hiện lên với “ngọn lửa xanh biếc như trơi”, với “tiếng còi vọng lại theo
ngọn gió xa xôi”. Rồi đoàn tàu đến gần trong âm thanh dồn dập, ồn ào, rầm rộ,
tiếng ghi rít mạnh lên. Khói bừng sáng, đèn sáng trưng chiếu sáng xuống mặt
đường. Một thứ âm thanh mạnh mẽ và huyên náo hẳn. Một thứ ánh sáng lấp lánh,
rực rỡ ngập tràn phố huyện. Nhưng đoàn tàu đi qua trong khoảnh khắc rồi dần dần
mất hút vào khoảng sâu của đêm tối. Tiếng vang động nhỏ dần rồi tắt hẳn, trả lại
phố huyện nét vẻ vốn có của nó. Chi tiết đoàn tàu xuất hiện đã góp phần soi rõ tâm
trạng các nhân vật, đặc biệt là chị em Liên.
Con tàu như đem một thế giới khác đi qua, chị em Liên lặng lẽ đón đợi tàu với bao
xúc cảm vừa bâng khuâng, mơ hồ, vừa hồi hộp, háo hức. Chị em Liên đón đợi
chuyến tàu như đón đợi phút giây giao thừa thiêng liêng mỗi khi Tết đến, xuân về.
Cậu bé An buồn ngủ, mí mắt sắp sửa rơi mà vẫn còn dặn chị: “ Tàu đến, chị gọi em
thức dậy nhé!”. Liên là cô gái nhạy cảm, tâm hồn dễ xao động. Khi An đã ngủ, chị
ngồi yên lặng, cảm nhận đêm của quê, cảm nhận bầu trời ngàn sao lấp lánh, ánh
sáng đom đóm, hay hoa bàng rụng xuống vai. Chị thấy tâm hồn mình yên tĩnh, có
những cảm giác mơ hồ, không hiểu. Dường như cô bé đã hoàn toàn bứt mình ra
khỏi cuộc sống mưu sinh cơ cực để đắm vào thế giới thần tiên, mộng mơ.
Lúc này, “tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu”. Cô
bé đang suy nghĩ gì không ai biết, thế nhưng chắc chắn đó là giấc mơ về một tương
lai tươi sáng, khác biệt với phố huyện tồi tàn, ù đọng này.
Nghe tiếng bác Siêu nói như reo lên: “Đèn ghi đã ra kia rồi”. Liên lắng tai nghe,
lắng lòng mình để nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc con tàu đi qua. Những làn khói
trắng sáng từ đằng xa rồi tiếp đến những tiếng hành khách ồn ã vọng tới, Liên ngay
lập tức gọi em dậy để có thể nhìn thấy đoàn tàu rõ hơn, lo sợ rằng nếu chậm một
chút thôi sẽ bỏ lỡ khoảnh khắc quan trọng ấy.. Vẫn như mọi khi cô nhận ngay ra
“các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy
những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các
cửa kính sáng”. Một không gian rực rỡ, huyên náo, sang trọng hiện ra, đó là hình
ảnh của cuộc sống sung túc, đẹp đẽ, của một Hà Nội rực sáng mà cô đã từng được
sống. Đó là niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm của hai chị em. Niềm háo
hức ấy như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt
thường ngày nơi phố huyện.

Chờ đợi lâu như vậy, thế nhưng chuyến tàu ấy lại đi qua rất nhanh, dường như chỉ
trong một khoảnh khắc rất ngắn. Chưa kể, chuyến tàu hôm ấy còn không trọn vẹn
như những lần khác: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng
người và hình như kém sáng hơn”. Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có
kém đông vui hơn mọi khi nhưng nó là từ Hà Nội về. Dù mỗi ngày đều thấy tàu
qua, thế nhưng lần nào Liên cũng háo hức, ngỡ ngàng, không thốt lên lời. Cô bé
không trả lời câu hỏi của An, rằng con tàu hôm nay sao thưa thế. Trong đôi mắt và
trái tim của Liên khi ấy, chỉ toàn ngập tràn ánh sáng, tiếng nói cười của đoàn tàu
chạy qua. Và có lẽ, Liên cũng khao khát được hòa mình vào dòng người ấy, hưởng
cái tươi sáng, rực rỡ ấy, mơ ước về một miền đất mới đang chờ phía trước.
Con tàu ấy mang theo một thế giới khác hẳn đối với hai chị em Liên. Đó là thế giới
của ánh sáng, của niềm vui và của hạnh phúc. Lòng cô bé trào dâng niềm vui, niềm
hạnh phúc khó tả khi được sống lại những ngày xưa khi cô được uống những cốc
nước lạnh xanh xanh đỏ đỏ. Nỗi nhớ nhớ về một Hà Nội sáng rực, lấp lánh cuộn
trào trong tâm trí Liên. Háo hức, vui sướng đấy, nhưng khi con tàu đi qua, nó như
đã chở những niềm vui, hi vọng của nhân vật đi theo, để lại nỗi buồn và niềm tiếc
nuối khôn nguôi.
Con tàu đến rồi đi nhanh như chớp mắt. Sau những nhộn nhịp chóng vánh, gieo rắc
vào tâm trí Liên cũng như người dân nơi đây niềm “mong đợi một cái gì đó tươi
sáng cho cuộc sống hằng ngày”, phố huyện trở về sự cô tịch như cũ. Con tàu đến,
đem chút niềm vui nhỏ bé và hi vọng về tương lai lóe lên trong chốc lát rồi tan
biến. Nó làm cho con người mơ tưởng rồi lại chìm vào trong bóng đen dày đặc của
phố huyện tồi tàn. Không gian sau đó lại chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù.
Ngọn đèn ấy chỉ le lói, đủ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn
của Liên. Nó thể hiện nỗi tiếc nuối, niềm suy tư thao thức của Liên về cuộc sống
hằng ngày nơi phố huyện nghèo. Đồng thời cũng là niềm khao khát của nhân vật
về tương lai tươi sáng hơn, không còn bị chìm đắm trong nỗi u ám, cô tịch nơi đây
Có thể thấy, xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh về một cô bé với tâm hồn nhạy,
nhiều suy tư nhưng chính những mạch suy nghĩ đó của Liên đã phản ánh sự đối lập
của hai thế giới: một bên là cuộc sống tươi đẹp, tràn ngập ánh sáng với bên còn lại
là phố huyện nghèo nàn, vất vả. Điều đó dường như làm cho nỗi buồn càng thêm
thấm thía trong tâm hồn hai đứa trẻ; để lại cho chúng sự khát khao, nuối tiếc không
nguôi. Gần như đã thành nếp, những người dân nơi phố huyện chỉ chấm dứt hoạt
động của một ngày khi chuyến tàu đêm đã đi xa.
Đoàn tàu thực sự là chi tiết giàu ý nghĩa biểu tượng, góp phần thể hiện tư tưởng,
chủ đề tác phẩm. Đoàn tàu là hình ảnh biểu trưng cho quá khứ. Nó chạy về từ Hà
Nội, từ miền kí ức tuổi thơ thể hiện ước mơ và khát vọng của chị em Liên. Đó là
ước mơ được quay trở về quá khứ, sống một cuộc sống tươi đẹp như quá khứ đã
qua. Khi hiện tại cuộc sống làm con người không thỏa mãn, người ta thường có xu
hướng quay trở lại quá khứ, đặc biệt là quá khứ tươi đẹp. Đặt trong mối quan hệ
với hiện tại, đoàn tàu là một thế giới khác hẳn với cuộc sống tràn đầy bóng tối, tẻ
nhạt, đơn điệu nơi phố huyện nghèo. Thế giới rực rỡ ánh sáng, ngập tràn âm thanh,
chứa đựng bao điều mới mẻ, thú vị. Và thế giới ấy còn giúp những người dân nơi
phố huyện nhận ra còn có một cuộc sống đáng sống hơn nơi phố huyện nghèo kia.
Chi tiết đoàn tàu xuất hiện còn khơi dậy khát vọng và ước mơ của chị em Liên, của
những người dân phố huyện về một tương lai sáng lạn. Nó đánh thức khát vọng mơ
hồ trong cõi vô thức của hai tâm hồn thơ dại: khát vọng vượt thoát, khát vọng đổi
thay, khát vọng kiếm tìm. Nhưng rồi đoàn tàu ấy lại biến mất. Ước mơ thoát khỏi
hiện tại vốn đã rất mong manh, xa xôi. Hình ảnh đoàn tàu như niềm vui, tia hi vọng
chợt lóe lên rồi vụt tắt. Tất cả trở nên mơ hồ hơn và càng khắc sâu vào nỗi khổ của
chừng ấy con người nơi phố huyện nghèo.
Hấp dẫn ta ở thiên truyện không chỉ bởi những nội dung tư tưởng sâu sắc thấm
thía, tình cảm nhân đạo nồng nàn, mà còn ở những yếu tố nghệ thuật mang đậm
phong cách Thạch Lam. Không xây dựng một cốt truyện bề thế hay một tình huống
độc đáo li kì, “Hai đứa trẻ” chỉ như một “bài thơ trữ tình cảm thương” với những
dòng tâm trạng đan xen, những chi tiết nhỏ lẻ, đủ gợi dư âm dư ảnh trong lòng bạn
đọc. Tình huống Thạch Lam xây dựng không phải tình huống nhận thức, tình
huống hành động, mà là tình huống tâm trạng – những dòng tâm trạng men theo lối
chữ mà trải đều ra trên trang giấy. Nhân vật vì thế cũng là nhân vật tâm trạng. Liên
hiện lên là một cô bé có những xúc cảm mong manh mơ hồ, chứ không phải những
dòng tâm lí phức tạp như nhân vật của Nam Cao. Giọng văn vì thế cũng chỉ là
giọng tâm tình thủ thỉ, ngôn ngữ nồng nàn chất thơ, mang đúng “cái tạng” của
Thạch Lam.

Chỉ với đoạn văn ngắn miêu tả cảnh tâm trạng chờ tàu của chị em Liên, nhưng
người đọc không thể suy ngẫm về ý nghĩa sâu xa của hình ảnh chuyến tàu đêm mà
Thạch Lam đã cố tình miêu tả rất công phu và tinh tế. Phải chăng Thạch Lam đã cố
tình miêu tả nó để làm cuộc sống buồn tẻ đáng thương của chị em Liên? Với các
em, chuyến tàu ấy là tất cả niềm vui và hy vọng. Đó là Hà Nội trong quá khứ êm
đềm xa xôi. Đó là niềm vui duy nhất để giải toả cho tâm trí sau một ngày mệt mỏi,
đơn điệu và buồn chán. Đó là âm thanh, ánh sáng, vẻ lấp lánh của cuộc đời khác,
hoàn toàn không giống với cuộc đời nghèo nàn và tẻ nhạt nơi đây. Có lẽ, qua
truyện ngắn này, Thạch Lam muốn nói với chúng ta rằng: Có những cuộc đời mới
đáng thương làm sao, có những ước mơ nhỏ bé, tội nghiệp nhưng chân thành tha
thiết và cảm động làm sao! Nhưng dẫu sao, sự chờ đợi của các em cũng cho chúng
ta hiểu rằng: trong cuộc đời, phải biết vượt lên cái tẻ nhạt, cái vô vị hàng ngày để
mà hy vọng, dẫu cho hy vọng có nhỏ bé. Hãy biết hy vọng, đừng chìm đắm trong
bóng tối. Một chút hy vọng nhỏ bé thôi cũng sẽ là một liều thuốc tiên giúp chúng ta
đứng dậy, trụ vững trong cuộc đời. Đừng để cuộc sống chìm trong cái “ao đời
phẳng lặng” (Xuân Diệu). Con người phải sống cho ra sống, phải không ngừng
khao khát và xây dựng cuộc sống có ý nghĩa. Những ai phải sống trong một cuộc
sống tối tăm, mòn mỏi, tù túng, hãy cố vươn ra ánh sáng, hướng tới một cuộc sống
tươi sáng.
“ Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Đọc truyện của Thạch Lam ta thấy nhà văn không đi vào tố cáo sự đàn áp bất công
của xã hội, cũng không khiến người đọc phải uất ức, căm giận những cảnh bóc lột,
hành hạ của giai cấp thống trị đương thời. Nhưng tác phẩm vẫn chất chứa tư tưởng
nhân đạo đặc sắc. Tư tưởng nhân đạo ấy được toát lên trước hết ở niềm thương xót
chân thành của nhà văn trước những cảnh đời đơn điệu, hắt hiu nơi phố huyện nhỏ
bé. Nhà văn xót xa bởi họ phải sống một cuộc sống vô nghĩa trong “cái ao đời bằng
phẳng”, cuộc “đời tẻ nhạt như tàu không đổi chuyến”. Từ chị em Liên, mẹ con chị
Tí đến bà cụ Thi Điên, gia đình bác Sẩm, bác Siêu, họ đang tồn tại chứ không phải
đang sống. Họ tồn tại trong một nhịp sống uể oải, tù túng , bế tắc với những công
việc tẻ nhạt, buồn chán, lặp đi lặp lại “ngày nào cũng vậy”, “chiều nào cũng thế”,
“đem ra rồi lại dọn vào”, “gánh đi rồi lại gánh về”…. Đọc thấu được nhịp điệu ấy,
nhà văn thương họ, thương cho tất cả những ai phải sống một cuộc đời tẻ nhạt,
bằng phẳng. Và hơn thế, giá trị nhân đạo của truyện ngắn Hai đứa trẻ còn được thể
hiện ở chỗ Thạch Lam trân trọng vô cùng những ước mơ bé nhỏ, giản dị của những
con người nơi đây về một tương lai tươi sáng hơn. Tác giả trân trọng những hoài
niệm của chị em Liên khi hai chị em hồi tưởng về cuộc sống ở phố thị trước kia
"khi ở Hà Nội chị được thưởng thức những thức quà ngon, lạ - bấy giờ mẹ Liên
còn nhiều tiền – được đi chơi bờ Hồ uống những cốc nước lạnh xanh đỏ". Hoài
niệm ấy của Liên là sự khao khát được trở lại những ngày tháng còn sung túc, bởi
"kỉ niệm còn nhớ lại không rõ rệt gì, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh". Những
hoài niệm ấy là một vùng kí ức, giờ đây trở thành khát vọng mà hai chị em Liên
mong mỏi được trở về, nó thật tươi sáng và đẹp đẽ biết mấy. Thạch Lam trân trọng
vô cùng cái mơ ước nhỏ bé ấy của hai chị em Liên, bởi ông hiểu, cái mơ ước ấy
giờ đây quá xa vời, nhưng những niềm hi vọng thì không bao giờ lụi tàn cả.

Câu chuyện khép lại, thế nhưng, đó đây, người ta vẫn cảm thấy nao lòng trước
cuộc sống quá đỗi tăm tối, tù túng và vô ý nghĩa của con người lao động nơi phố
huyện này. Vậy nên, chắc hẳn, miêu tả phố huyện nghèo điển hình thời Pháp thuộc
cùng với những kiếp người tàn, Thạch Lam đã kín đáo lên án cái xã hội thực dân
ấy đã không đảm bảo được quyền sống cho con người, bào mòn những kiếp người
trong đói nghèo và u tối. Hai đứa trẻ đã làm nổi bật lên giá trị nhân đạo sâu sắc mà
Thạch Lam muốn gửi gắm.Có lẽ bởi thế, Hai đứa trẻ đã trở thành một tác phẩm
thành công bậc nhất trong nền văn học hiện thực Việt Nam. Nó không chỉ minh
chứng cho tài năng miêu tả nội tâm bậc thầy của Thạch Lam, phô bày xã hội Việt
Nam dưới thời Pháp thuộc mà còn bộc lộ những tình cảm trân trọng, yêu mến ông
dành cho con người lao động.

You might also like