You are on page 1of 3

“Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm

đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu, chân thành và sự nhạy
cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Quả
thực đúng như vậy, những trang văn của Thạch Lam không đi vào
những biến cố mà đi sâu vào chiều sâu tâm trạng của con người. Cảnh
chờ tàu của hai chị em Liên và An đã được tác giả nắm bắt những
chuyển biến tế vi nhất trong tâm trạng của hai nhân vật.
Liên và An vốn là những đứa trẻ đã từng sống ở thị thành, nhưng gia
đình sa sút nên phải chuyển về phố huyện nghèo. Liên và An tuy còn
nhỏ tuổi nhưng cũng tham gia vào việc nuôi sống gia đình bằng cách
trông một cửa hàng nhỏ ở chợ. Quanh Liên cũng là biết bao kiếp sống
nhỏ bé, mòn mỏi như chị Tí cùng đứa con vất vả mưu sinh, chật vật để
sống qua ngày, gia đình bác xẩm góp vào bằng tiếng đàn bần bật trong
yên lặng,… Cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, quẩn quanh nhưng những
con người nơi đây vẫn luôn hướng về một ngày tươi sáng: “Chừng ấy
người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo
khổ hằng ngày của họ”.
Đêm nào cũng vậy, dù buồn ngủ nhưng cả Liên và An đều cố thức để
chờ hoạt động cuối cùng của đêm, đó chính là đợi đoàn tàu khuya từ Hà
Nội đi ngang qua. Vì sao những đứa trẻ ngây thơ ấy lại phải cố gắng đợi
đoàn tàu đi qua mới có thể ngủ? Có phải chúng nghe lời mẹ dặn? Có
phải cố nán lại để bán thêm phong kẹo, cái bánh từ những người khách
qua đường. Nhưng không phải “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì
muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm
khuya”. Trong sự chờ đợi ấy chứa đựng cả những khao khát, ước mong
cháy bỏng của những trái tim trẻ thơ non nớt. Bởi vậy, An trước khi đi
ngủ đã dặn chị: “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé” khao khát của chúng
là vô thức nhưng cũng thật mãnh liệt. Chuyến tàu đi qua, mang đến một
thế giới khác, thế giới của âm thanh và ánh sáng rực rỡ.
Trong thời gian đợi tàu xuất hiện, chị Liên thả tâm hồn mình vào vũ trụ
để cảm nhận hết thảy vẻ đẹp của thiên nhiên khi đêm về. Qua những kẽ
lá bàng, “ngàn sao vẫn lấp lánh” trên nền trời, những nụ hoa bàng nhỏ
khẽ rơi trên vai chị. Tâm hồn Liên thả trôi theo những cảm xúc bâng
khuâng mà chính chị cũng cảm thấy mơ hồ không hiểu hết.
Tiếng trống cầm canh ở huyện đánh vang cùng với lời thông báo của bác
Siêu: “Đèn ghi đã ra kia rồi” xua tan sự tĩnh mịch của màn đêm, để
chuẩn bị cho sự hoạt động cuối cùng của đêm – con tàu từ Hà Nội dần
dần xuất hiện. Ban đầu là ngọn lửa xanh biếc như ma trơi, rồi tiếp đến là
làn khói trắng bừng lên từ xa. Liên gọi em dậy và cả hai chị em quan sát
kĩ từng chuyển động của chiếc tàu. Tiếng Liên gọi An: “Dậy đi An. Tàu
đến rồi” câu nói không đơn thuần chỉ là để gọi An dậy mà trong đó còn
kèm cả sự vui thích, nó như một tiếng reo vui, hối thúc em dậy để cùng
ngắm nhìn khoảnh khắc đoàn tàu vụt qua.
Khoảnh khắc tàu đến, lòng hai chị em vui sướng, hân hoan đến lạ kì, dù
chỉ là thoáng qua nhưng cũng đủ để hai tâm hồn tinh tế ấy nắm bắt trọn
vẹn sự vật, sự việc đang diễn ra trên tàu: “các toa đèn sáng trưng, chiếu
sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên
sang trọng lố nhố những người, đồng và kền vàng lấp lánh, và các cửa
kính sáng”. Con tàu trong khoảnh khắc đã chỉ còn lại chiếc chấm đỏ
nhỏ, rồi khuất sau rặng tre. Bé An hồn nhiên nhưng cũng đã nhận ngay
ra dường như tàu hôm nay không đông như mọi khi. Còn Liên thì đã
nhận thấy sự thưa thớt cũng như kém sáng hơn của đoàn tàu: “Chuyến
tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém
sáng hơn”. Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có kém đông vui
hơn mọi khi nhưng nó từ Hà Nội về, nó mang theo một thế giới khác hẳn
đối với liên, đó là thế giới của ánh sáng, của niềm vui và của hạnh phúc.
Lòng cô bé trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả khi được sống lại
những ngày xưa khi cô được uống những cốc nước lạnh xanh xanh đỏ
đỏ, và nhớ về một Hà Nội sáng rực, lấp lánh.
Đêm nào Liên và An cũng đợi tàu, dù có buồn ngủ díp mắt, chúng cũng
phải chờ được đoàn tàu đi qua mới ngủ. Đây không phải là một hành
động ngẫu nhiên, vô nghĩa mà nó dường như là một nhu cầu, một đòi hỏi
thiết yếu đối với Liên và An. Đằng sau đó còn chứa đựng cả những mơ
ước, khao khát về một cuộc sống mới đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Hình
ảnh những đoàn tàu vụt xuất hiện rồi biến mất nhưng cũng đủ để chúng
được trở lại, được sống với những kỉ niệm tuổi thơ êm ấm trước đây.
Khao khát chờ đoàn tàu đi qua cũng ánh lên những khát vọng mãnh liệt
của những đứa trẻ, đó là khát vọng đổi đời. Tại sao lại đặt khát vọng ấy
vào hai nhân vật Liên và An mà không phải là chị Tí, bác Siêu, … bởi
chúng là những đứa trẻ, chúng là mầm non, là tương lai của cuộc sống.
Bởi vậy, khao khát đổi đời khi được tập trung thể hiện ở hai nhân vật sẽ
trở nên ý nghĩa hơn, giàu sức gợi hơn. Đồng thời qua khung cảnh đợi
tàu, Thạch Lam cũng thể hiện thái độ cảm thương đối với những số phận
người nhỏ bé, bất hạnh phải sống mòn mỏi với cuộc đời chật vật, bế tắc;
đồng thời ông cũng trân trọng, nâng niu những khao khát, những ước mơ
đẹp đẽ của Liên và An nói riêng, của những người dân phố huyện nói
chung. Không chỉ vậy, qua khung cảnh chờ chuyến tàu đêm, Thạch Lam
còn dóng lên tiếng gọi tha thiết, lay động tâm hồn người đọc: hãy thay
đổi cuộc sống, khiến nó trở nên đẹp đẽ hơn, biến nó thành môi trường
sống lành mạnh để những đứa trẻ được sống cuộc hạnh phúc.
Với nghệ thuật miêu tả tâm lí và cảnh vật tài tình, cảnh đoàn tàu kết lại
tác phẩm đã để lại dư âm, ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc. Đóng
lại cuốn sách người đọc vẫn không khỏi thổn thức trước những số phận
kiếp người mòn mỏi nơi phố huyện. Nhưng đồng thời cũng chân trọng,
nâng niu những mơ ước tha thiết, mãnh liệt của họ về một cuộc sống
khác, về sự đổi đời.

You might also like