You are on page 1of 3

Đề: Tâm trạng của nhân vật Liên trong bài “ Hai đứa trẻ”.

Bài làm
Có những tác phẩm ta chỉ mới vừa đọc xong là đã quên ngay. Nhưng cũng có những tác phẩm sẽ
để lại trong ta những ấn tượng sâu sắc, khiến ta mãi không thể quên được. Và có lẽ, truyện ngắn
“Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam chính là một tác phẩm như vậy. Có thể nói, “Hai đứa trẻ”
vừa là bức tranh hiện thực, vừa là bài thơ trữ tình đặc sắc. Tác phẩm đã gieo vào lòng người đọc
một nỗi buồn bâng khuâng, day dứt về kiếp sống cơ cực, quẩn quanh, tăm tối của người dân nơi
phố huyện nghèo trước Cách mạng. Đồng thời, thông qua bức tranh phố huyện ấy, Thạch Lam
cũng đã khắc họa nên những nét đẹp và sự biến chuyển tinh tế trong tính cách và tâm hồn của
nhân vật Liên, hay cũng chính là những sự đổi thay trong tâm tư tình cảm của tác giả.
Truyện ngắn “ Hai đứa trẻ” dường như không có cốt truyện cũng chẳng có xung đột gay gắt, chỉ
là khung cảnh một buổi chiều tàn kéo dài đến tận đêm khuya ở một nơi phố huyện nghèo, với vài
ba con người lặng lẽ, âm thầm trong đêm tối mông lung. Nhân vật chính của truyện là Liên, gần
như số phận của các nhân vật trong truyện đều được nhìn nhận qua lăng kính của Liên, từ đó thể
hiện tấm lòng đầy trắc ẩn của một cô gái mới lớn cũng như thể hiện sự cảm thông của nhà văn.
Tâm trạng nhân vật Liên trong tác phẩm được thể hiện qua nhiều giai đoạn, nhưng có lẽ tâm hồn
của một cô gái sẽ có sự nhạy cảm hơn khi cảnh chiều tà và ngày tàn buông xuống. Với một cô
gái trẻ đầy suy tư, những đường nét, âm thanh và màu sắc của chiều xuống càng khiến cho tâm
trạng cô thêm lâng lâng khó tả. Thiên nhiên lúc chiều tàn nơi phố huyện vừa bình dị, gần gũi vừa
có gì đó xơ xác, tiêu điều. Đó là âm thanh của tiếng trống thu không, là tiếng kêu râm ran của
những chú ếch, chú nhái, là tiếng muỗi đã bắt đầu vo ve. Đó còn là màu sắc, là hình ảnh của
“phương tây đỏ rực” và “những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”, là hình ảnh của dãy
tre làng. Tất cả, tất cả những âm thanh, hình ảnh ấy đã quyện hòa vào nhau và tạo nên bức tranh
phố huyện lúc chiều về, đồng thời, bức tranh ấy đã có tác động rõ nét đến tâm trạng, cảm xúc của
Liên. Trước giờ khắc của ngày tàn, trong đôi mắt của Liên “bóng tối ngập đầy dần”, “cái buồn
của buổi chiều quê thấm thía vào tầm hồn ngây thơ của chị” và rồi “Liên thấy lòng buồn man
mác”. Dường như, có một nỗi buồn ngập tràn và thấm thía trong nỗi lòng của Liên. Nhưng
không dừng lại ở đó, Liên còn cảm nhận được vị riêng của đất, của quê hương đã thấm vào trong
nỗi lòng, trong con người của chị, đó là “mùi ẩm mốc bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn với
mùi cát bụi”. Trước sự thay đổi của đất trời, cộng với mùi hơi đất bốc lên hay chính mùi đất mà
chỉ phố huyện này mới có, trong lòng Liên lại dâng lên một nỗi buồn man mác, có lẽ là do suy
nghĩ của Liên về cuộc sống nơi đây.
Tâm trạng nhân vật Liên còn được thể hiện qua cái nhìn của chị về bức tranh con người nơi phố
huyện khi chợ tàn. Xuất hiện giữa cảnh chợ tàn là hình ảnh của những người bán hàng vẫn đang
nán lại dù đã vãn chợ từ lâu. Mấy đứa trẻ con thì nhặt nhạnh những thứ còn sót lại, đó chỉ là
những thanh tre thanh nứa thôi, nhưng chúng cũng tỏ ra mải mê với công việc. Hình ảnh những
rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía cùng với những gì xuất hiện trong đầu một cô gái
khiến cho chị buồn. Buồn không chỉ là vì Liên cảm thấy cuộc sống của những người ở đây đều
nghèo khổ như Liên mà còn vì chính chị cũng không thể giúp được gì cho họ, kể cả những đứa
trẻ. Qua đây ta cũng thấy được rằng Liên là một cô gái có tâm hồn nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn,
thương yêu con người.
Ngoài ra, ở Liên, người ta còn nhận thấy được một tâm hồn với vẻ đẹp nhân hậu, thương yêu và
thấu hiểu con người. Chính tâm trạng của chị đối với từng nhân vật trong tác phẩm đã thể hiện
rất rõ nét điều ấy. Liên thể hiện tấm lòng yêu thương đối những kiếp người cơ cực, nghèo khổ,
quẩn quanh nơi phố huyện. Đó chính là mẹ con chị Tí gắn với công việc ban ngày mò cua bắt
tép, tối đến dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét, tuy vắng khách nhưng chiều
nào chị cũng dọn từ sớm cho đến đêm. Bên cạnh đó là gia đình nhà bác Sẩm với hình ảnh manh
chiếu rách và hình ảnh đàn bầu, đứa con bò ra nghịch cát, bác chưa hát vì chưa có ai nghe. Còn
bác Siêu thì lật đật với gánh hàng phở dù cho chẳng có mấy người ăn ở nơi phố huyện nghèo khổ
này. Trong Liên cảm nhận được tất cả sự cố gắng của tất cả mọi người vì cuộc sống mưu sinh.
Đặc biệt tình cảm và lòng trắc ẩn của Liên được thể hiện qua tình thương với bà cụ Thi điên.
Ngày nào bà cũng đến quán của chị em Liên để mua rượu uống, rồi lại lảo đảo bước ra cười
khanh khách. Liên rót đầy rượu cho bà cụ, không nói gì về hành động hay nhận xét gì về cụ
nhiều, chị thông cảm, thấu hiểu cho một kiếp người tàn tạ vì nghèo đói.
Khi trời đã bắt đầu về đêm, khi bóng tối đã bao trùm lấy cả không gian phố huyện nghèo, trong
Liên lại hiện lên bao nỗi niềm cảm xúc. Liên đưa mắt nhìn về phía vòm trời xa xa để tìm lấy
niềm vui với bao điều bí mật và xa lạ của bầu trời đêm “vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau
lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là là trên mặt đất” rồi liên tưởng chúng
với dải Ngân Hà, với những nhân vật trong thế giới truyện cổ tích thần bí. Và để rồi, những kỉ
niệm tuổi thơ với những tháng ngày tươi đẹp lại hiện về trong tâm hồn của Liên. Đó là những
ngày tháng gia đình chị còn sống ở Hà Nội, được thưởng thức những món quà ngon và lạ. Nhưng
giờ đây, tất cả đã là quá khứ, nó chỉ còn là một miền kí ức không còn rõ nét trong tâm trí Liên,
để chị lại quay về với cuộc sống thực tại, ngắm nhìn cảnh vật, cuộc sống của những con người
phố huyện lúc đêm khuya. Đó là không gian với bóng tối ngập tràn khắp muôn nẻo, là những
ngôi nhà đã “đóng cửa im ỉm”. Liên cố đưa mắt tìm ánh sáng nhưng có chăng chỉ là những vệt
sáng nhạt nhòa, leo lét trong đêm tối, chỉ là những “vệt sáng”, “chấm sáng” từ “ngọn đèn con của
chị Tí”, “cái bếp lửa của bác Siêu”, ngọn đèn nhỏ trong cửa hàng của chị em Liên,... Bóng tối
ngập tràn cảnh vật, còn cuộc sống của những con người phố huyện nghèo thì tẻ nhạt, đơn điệu,
ngày này qua ngày khác vẫn mãi một công việc, một suy nghĩ. Trước cuộc sống của những con
người nơi phố huyện lúc đêm khuya, Liên không thể không cảm thấy xót xa, cảm thông với
những kiếp người nhỏ nhoi sống lay lắt trong bóng tối của cơ cực đói nghèo.
Có thể trên bầu trời cao xa kia còn có biết bao thứ ánh sáng kì thú, huyền ảo của thiên nhiên vạn
vật, nhưng với chị em Liên, sáng nhất, đẹp nhất và cũng khiến lòng người náo nức nhất là hình
ảnh đoàn tàu: “ Tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe
vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường”. Đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội,
mang theo dư vị, những kỉ niệm thời ấu thơ, một thời sung túc, được bố mẹ cho đi ăn kem, được
ngắm những đèn màu của chị em Liên. Quá khứ huy hoàng ấy nay đã xa rồi. Chỉ còn lại hiện tại
tù túng, bế tắc, ngột ngạt và thiếu thốn. Đó cũng chính là lí do mà hai chị em Liên cố gắng để đợi
chuyến tàu đi qua. Dù cho đoàn tàu chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng với các toa đèn sáng
trưng, đối lập với “ hột sáng”, “đốm sáng”, “vùng sáng” nhỏ nơi đây, đoàn tàu đã làm sống lại
trong Liên một cuộc sống nhộn nhịp, huyên náo để rồi khi chuyến tàu hi vọng ấy qua đi, Liên cứ
nhìn theo nó mãi dù không bán được gì, hay chị cũng chẳng mong chờ gì nhiều vào những hành
khách trên tàu. Nhưng chi cần như thế thôi cũng đã đủ mang lại cho Liên những giây phút hạnh
phúc, xua đi cả một ngày buồn chán, tẻ nhạt của chị, khiến chị hi vọng vào một tương lai tươi
sáng hơn. Đoàn tàu ấy cũng chính là một ảo ảnh, một hình ảnh giàu chất lãng mạn, tính nhân văn
của nhà văn Thạch Lam.
Chỉ là một cô gái mới nhưng tâm hồn của Liên lại chẳng khác gì một thiếu nữ trưởng thành, cùng
với đó là sự nhạy cảm, giàu lòng trắc ẩn mà không phải ai cũng có. Sự yêu thương, thấu hiểu,
cảm thông và cả những ước mơ lẫn kí ức đẹp đẽ đã tạo nên hình ảnh nhân vật Liên rất đặc biệt,
qua đây cũng thể hiện tâm hồn của chính tác giả Thạch Lam. Khi miêu tả tâm trạng nhân vật
Liên, Thạch Lam muốn thể hiện được sự nghèo khổ của hiện thực chua xót ấy nhưng vẫn mang
những nét thi vị của chốn bùn lầy nước đọng. Và đó cũng là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối
với những nhân vật nhỏ bé của mình.
Có thể thấy, nhà văn Thạch Lam đã rất thành công trong việc xây dựng cốt truyện đơn giản, vận
dụng tài tình ngôn ngữ giàu hình ảnh cùng giọng điệu tâm tình, thủ thủ cũng như ngòi bút miêu
tả tâm lí nhân vật đặc sắc. Nhờ vậy, truyện ngắn “Hai đứa trẻ” đã khắc họa rất rõ nét nhân vật
Liên - một nhân vật với nhiều cung bậc tình cảm, cảm xúc tinh tế và xúc động. Đồng thời, qua
nhân vật Liên cũng giúp chúng ta thêm hiểu và thêm trân trọng tấm lòng của nhà văn Thạch Lam
với những con người nơi phố huyện nghèo.
Cảm ơn Thạch Lam vì đã viết nên một thiên truyện thấm đẫm tính nhân văn và hiện thực như
thế. Gấp lại truyện ngắn “ Hai đứa trẻ”, chắc hẳn trong lòng mỗi người đọc chúng ta vẫn sẽ lưu
luyến, vấn vương cái cảm giác man mác buồn, lâng lâng khó tả mà mỗi nhân vật mang lại.

You might also like