You are on page 1of 4

Phân tích Vội vàng

“Không có tiếng nói riêng, không mang lại những điều mới mẻ cho văn
chương mà chỉ biết dẫm theo lối mòn thì tác phẩm sẽ chết.” Nhận định của Leonop
đã khẳng định tầm quan trọng của điều mới mẻ, sự sáng tạo trong ngòi bút của nhà
văn để làm nên giá trị và sức sống cho mỗi tác phẩm nghệ thuật. Vậy thì, ”Vội
vàng” của Xuân Diệu xứng đáng là một thi phẩm tân kỳ trường tồn sống mãi trong
lòng người đọc. Bởi lẽ, thi sĩ đã gửi gắm trong từng lời thơ “một sức sống mới,
một nguồn cảm xúc mới thể hiện quan niệm sống mới mẻ cùng với những cách tân
nghệ thuật đầy táo bạo”. Bàn về bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, đã có ý kiến cho
rằng: "Xuân Diệu miêu tả bức tranh mùa xuân với những hình ảnh không mới
nhưng có cái nhìn mới".
“Vội vàng” nằm trong tập Thơ Thơ, tập thơ đầu tay của Xuân Diệu khi
xuất hiện đã ngay lập tức vinh danh tên tuổi của ông như một đại biểu xuất sắc của
của phong trào thơ mới. Trong nghệ thuật, tạo ra cái mới đã trở thành nhu cầu thẩm
mĩ của kẻ cầm bút với mục đích chống lại những lối mòn, gạt bỏ những điều cũ kĩ.
”Cái mới” theo chiêm nghiệm Xuân Diệu không phải cái đầu tiên được độc giả biết
đến mà là cái lần đầu được khám phá, sáng tạo nhờ tác giả. Trong mỗi tác phẩm
nghệ thuật, ”cái mới” không chỉ đem lại luồng ánh sáng tiếp nhận khác lại mà còn
mang lại những chuẩn mực hoàn toàn mới cho cả một thời kì văn học. Trên hành
trình sáng tạo ấy, “Vội vàng” chính là tác phẩm điển hình cho một quan niệm sống,
nhân sinh đầy mới mẻ. Đó là sự đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về cuộc đời
con người, trong quan niệm về thời gian với với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ.
Nhưng dẫu có mới đến đâu, Xuân Diệu vẫn mang trong mình hồn cốt, bản sắc của
một nhà thơ nước Việt. Vì thế, khi miêu tả bức tranh thiên nhiên mùa xuân, nhà
thơ vẫn sử dụng những hình ảnh quen thuộc, giản dị, đặc trưng. Điều đó đã được
thể hiện rõ nhất qua khổ thơ thứ hai của bài thơ Vội vàng.
Trước hết, qua đôi mắt tình tứ của Xuân Diệu, một bức tranh thiên nhiên
mùa xuân đã được vẽ nên bằng những hình ảnh quen thuộc và gần gũi:
Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Dưới đôi mắt si tình của thi sĩ, mọi sự sống, cảnh vật quen thuộc xung quanh bỗng
trở nên vô cùng hấp dẫn, mới lạ. Cảnh thiên nhiên hiện ra như một khu vườn ngập
tràn hương sắc thần tiên, sống động. Nếu thơ xưa, các nhà thơ chỉ sử dung thính
giác, thị giác để cảm nhận vẻ đẹp của ngoại giới thì các thi sĩ thời Thơ mới lại huy
động tất cả các giác quan từ nhiều góc độ để cảm nhân vẻ đẹp và sự quyến rũ đắm
say hồn người của cảnh vật và đất trời lúc xuân sang. Trong đoạn thơ, điệp ngữ
"này đây" được sử dụng 5 lần kết hợp với lối kiệt kê khiến nhịp thơ trở nên dồn
dập, là một sự chỉ trỏ ngơ ngác, ngạc nhiên, lạ lẫm, như một tiếng reo vui sướng tột
cùng của một người lạc vào khu vườn với bao cảnh sắc tuyệt mĩ. Thiên nhiên như
một bữa tiệc trần gian đầy những thực đơn quyến rũ: ở đó có cảnh ong đưa và
bướm lượn, tình tứ ngọt ngào như “tuần tháng mật”. Màu hoa trở nên thắm sắc
ngát hương hơn “giữa đồng nội xanh rì”. Cây cối nảy lộc đâm chồi tạo nên những
“cành tơ” với những chiếc lá tươi non phất phơ tình tứ. Điểm vào phong cảnh ấy là
tiếng hót đắm say của loài chim yến anh đã tạo nên “khúc tình si” say đắm lòng
người. Mọi giác quan của thi sĩ như rung lên, căng ra mà đón nhận tất cả, cảm nhận
tất cả. Sự sống đang phơi bày, thiên nhiên hữu tình xinh đẹp thật đáng yêu như một
sự gợi mở hấp dẫn đến lạ kì, một sự mời mọc mà thiên nhiên là những "món ăn" có
sẵn. Những vẻ đẹp được liệt kê bằng những tính từ đậm nhạt khác nhau để thể hiện
tài năng sử dụng từ ngữ của Xuân Diệu - cảnh vật trong thơ ông đã trở nên cuộn
trào sắc màu, cuộn trào sức sống. Sự vật bình thường ở ngoài đời cũng được đặt
cho một dáng vẻ rất kiêu, rất hãnh diện, được trực tiếp nhận ánh sáng rực rỡ của
lòng yêu cuộc sống từ hồn thơ Xuân Diệu đã trở nên lung linh, đẹp đẽ, là biểu
tượng của mùa xuân và tuổi trẻ ở giữa cuộc đời! Thi pháp hiện đại đã chắp cánh
cho những cảm giác mới mẻ của Xuân Diệu, giúp nhà thơ diễn tả trạng thái hồn
nhiên, bồng bột trước cái sắc xuân trong cảnh vật, trong đất trời và của muôn loài.
Bên cạnh những hình ảnh thân thuộc, gần gũi, Xuân Diệu còn miêu tả
bức tranh mùa xuân với cái nhìn đầy mới mẻ, tạo bạo:
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Cặp mắt “xanh non biếc rờn” của Xuân Diệu còn mang đến cho người đọc một
nguồn năng lượng mới từ mùa xuân. Ánh sáng buổi sớm mai như phát ra từ cặp
mắt đẹp vô cùng của nàng công chúa có tên là Bình Minh. Nàng vừa tỉnh giấc nồng
suốt một đêm qua, mắt chớp chớp hàng mi rồi bừng nở ra muôn vàn hào quang.
Chính ánh sáng ấy đã tưới lên cảnh vật càng làm cho bức tranh thiên nhiên giống
như một nguồn nhựa sống chảy dào dạt xung quanh cuộc sống của con người.
Trong một bài thơ khác, Xuân Diệu đã lấy lại hình ảnh gợi cảm này:
 Tà áo mới cũng say màu gió nước;
Rặng mi dài sao động ánh dương vui,
                                                   (Xuân đầu)
 Người đọc còn bắt gặp cách diễn đạt trên đây trong chuyện ngắn Lệnh, in trong
tập Trường ca (1945): “Khi hứng thú nồng nàn, ánh sáng lấn át cả không gian, ôm
chầm vũ trụ, đè bẹp bóng tối dưới triệu móng chân. Mi của ánh sáng thật dài, tia
của ánh sáng thật đượm (...) ánh sáng đứng ở một chỗ mà ở khắp nơi con mắt diện
quang thấu suốt muôn trùng”. Tuy vậy, gây ấn tượng mới mẻ, tươi đẹp nhất chính
là câu: “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”. Đây là câu thơ hay nhất, mới
nhất cho thấy màu sắc cảm giác và tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng
nhiệt của thi sĩ Xuân Diệu. Tháng giêng là tháng bắt đầu của mùa xuân, mùa xuân
lại là mùa mở đầu cho một năm mới nên tháng giêng luôn gợi vẻ thanh tân, mới
mẻ, tràn trề sức sống. Tháng giêng là khái niệm chỉ thời gian trừu tượng nhưng đã
được cụ thể hóa bằng tính từ chỉ vị giác “ngon” và phép so sánh “như một cặp môi
gần”, cặp môi chín mọng, đợi chờ người thiếu nữ. Một chữ “ngon” chuyển đổi cảm
giác thần tình, một cách so sánh vừa lạ vừa táo bạo. Từ “gần” như gợi lên sự ấm
áp, cái đẹp như kề bên, mời mọc, quyến rũ. Nhà thơ đã huy động mọi giác quan: từ
thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc đời
này. Qua đó có thể thấy, trong sự so sánh giữa thiên nhiên và con người, Xuân
Diệu đã mang đến cho người đọc một quan niệm nghệ thuật về con người rất mới
mẻ. Trong suốt cả mười thế kỉ của thơ ca trung đại, bởi sự chi phối của những quan
niệm thẩm mĩ riêng, con người cá nhân xuất hiện một cách nhạt nhòa, chìm lấp sau
những mô típ sáo mòn đã trở thành công thức. Họ quan niệm thiên nhiên, đất trời,
vũ trụ là cái to lớn, vĩnh hằng, hoàn mĩ, không có gì có thể sánh bằng. Bởi thế, con
người dẫu có xuất hiện thì cũng ẩn chìm đằng sau vẻ đẹp của tạo vật. Ví như khi
miêu tả nét đẹp của Thúy Vân, Nguyễn Du đã lồng vào biết bao nhiêu cái đẹp của
thiên nhiên:
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Hay như vẻ kiều diễm của nàng Kiều được Nguyễn Du so sánh với thiên nhiên:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Nhưng đến với “Vội vàng”, Xuân Diệu đã đưa ra một tiêu chuẩn khác: con người
mới là chuẩn mực của cái đẹp trong vũ trụ này. Bởi con người là tác phẩm kì diệu
nhất của tạo hóa. Nên mọi vẻ đẹp trong vũ trụ phải đem so sánh với vẻ đẹp của con
người. Xuất phát từ quan niệm thẩm mĩ ấy, Xuân Diệu đã sáng tạo ra được nhiều
câu thơ khỏe khoắn, mới lạ đầy sức sống, mang ý nghĩa nhân bản sâu sắc, mà trước
đó có lẽ ta chưa bao giờ thấy:
 Lá liễu dài như một nét mi
(Nhị Hồ - Xuân Diệu)
Hỏi gió thở như ngực người yêu mến
Mây đa tình như thi sĩ đời xưa
(Tình mai sau – Xuân Diệu)
Thế mới thấy thơ Xuân Diệu đã hoàn toàn lột xác và hướng về một nguồn quan
điểm mới rất gần với Shakespears:“Con người là kiểu mẫu của muôn loài”. Nhà
thơ đã lấy con người làm khuôn mẫu để tạo ra những hình thái thiên nhiên mang
một sức hấp dẫn kì lạ, một sự tươi mới chưa từng có. Người cảm nhận thiên nhiên
bằng một lăng kính trái hình với thi ca thời xưa. Việc lấy con người làm chuẩn
mực cho vẻ đẹp của thiên nhiên và tạo vật không chỉ là một nét đổi mới đầy sáng
tạo mà nó còn góp phần khẳng định, tôn vinh giá trị con người – một phương diện
của tinh thần nhân văn cao cả qua bài thơ “Vội vàng”!
  Với bài thơ "Vội vàng", Xuân Diệu đã phả vào nền thi ca Việt Nam
một trào lưu "Thơ mới". Xuân Diệu “mới” không chỉ ở tư tưởng mà “mới” cả ở
cách thể hiện. Bài thơ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa mạch cảm xúc dồi dào và
mạch triết luận sâu sắc. Những cách ngắt nhịp, giọng điệu, cách dùng từ đầy táo
bạo, độc đáo. Ý thơ mới lạ neo đậu nơi bến lòng người đọc, đặc biệt là cách nhà
thơ cảm nhận cuộc sống bằng tất cả các giác quan, bằng một trái tim chan chứa
ngập tràn tình yêu. "Vội vàng" đã thể hiện một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, mang
ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đã mấy thập kỉ trôi qua kể từ ngày nhà thơ Xuân Diệu từ
giã cõi đời bụi bặm, biết bao người trẻ, người đang yêu vẫn say mê tìm và đọc để
cùng được tâm sự với những vần thơ ông viết. Gấp lại trang thơ, người đọc vẫn
luôn rung động mãi với “một cách nhìn mới, một bút pháp mới, một cảm xúc mới”
của Xuân Diệu.

You might also like