You are on page 1of 3

Nhắc đến mùa thu, ta thường liên tưởng đến vẻ đẹp dịu dàng mà bàng bạc một nỗi

sầu khắc khoải, man


mác một nỗi niềm tha thiết. Trong kho tàng thơ văn trung đại Việt Nam, đã nhắc đến mùa thu ta không
thể bỏ qua chùm thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) hiệu Quế Sơn, quê ở làng Và, xã Yên Đổ, Bình Lục, Hà Nam. Ông xuất thân
trong gia đình có nhiều người đỗ đạt, làm quan to dưới triều Lê – Mạc. Nhưng đến đời cụ thân sinh ra
Nguyễn Khuyến thì lại nghèo túng. Do đỗ đầu cả ba kì nên Nguyễn Khuyến được gọi là Tam nguyên Yên
Đổ. Sinh thời, Nguyễn Khuyến viết rất nhiều thơ văn. Ông để lại hơn tám trăm tác phẩm gồm thơ, câu
đối, văn viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Sáng tác của Nguyễn Khuyến trước hết thể hiện tâm sự yêu
nước trước sự đổi thay của thời cuộc. Và nổi bật trong số đó là “Thu điếu”. Bài thơ nằm trong chùm thơ
mùa thu gồm ba bài của ông, được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. . Đọc “Thu điếu”, ta như
được đắm mình vào một không gian thu rất riêng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, qua đó biểu lộ mối
tình thu đẹp mà cô đơn, buồn của nhà nho nặng tình với quê hương đất nước

Ngay từ đầu bài thơ, người đọc đã thấy không gian quen thuộc của một buổi câu cá:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Không gian nhỏ bé ấy được mở ra bởi hai hình ảnh vừa đối lập vừa cân đối, hài hòa: “ao thu-thuyền
câu”. Là “ao” nhỏ chứ không phải “hồ” rộng lớn, bởi vậy mà chiếc thuyền câu “bé tẻo teo” xuất hiện
giữa “ao” tuy đối lập mà không lạc lõng, bất xứng. Bên cạnh đó, từ láy “lạnh lẽo” không chỉ gợi ra cái tiết
trời se lạnh mà còn diễn tả cái tĩnh lặng của không gian. Cả mặt nước lặng yến khiến cho làn nước vốn
đã trong nay càng trong hơn, và thi nhân đã dùng từ “trong veo” để làm nổi bật cái trong ấy, dường như
ông thấy cả rong rêu và bầu trời trong xanh dưới mặt nước không gợn sóng đó. Chỉ trong hai câu thơ
mà đã xuất hiện tới bốn vần “eo”, không chỉ miêu tả được không khí lạnh lẽo, không gian eo hẹp đặc
trưng của ao hồ Bắc Bộ, mà còn gợi ra cảm giác buồn bã, cô đơn trong lòng người.

Tiếp đó, hai câu thực nối bút điểm thêm những nét chấm phá trong bức tranh thu:

“Sóng biếc theo làn hơi gợi tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.”

Từ mặt nước ao thu, thi nhân nhìn ra xung quanh, bắt gặp thu diệp và thu sóng. Ông đã vận dụng tài tình
nghệ thuật lấy động tả tĩnh, lấy cái động “hơi gợn tí” của sóng và “khẽ đưa vèo” của lá rơi để khắc họa
nên cái tĩnh lặng của mùa thu làng quê Việt Nam xưa, nhưng dường như đã có chút nổi sóng với hai
thanh trắc ở cuối và đầu “sóng biếc-gợn tí”. Không đơn thuần chỉ là “sóng”, nó còn mang sắc “biếc”, là
làn nước ánh lên màu xanh ngọc bích trong veo. Điểm xuyết giữa bức tranh thu ấy là màu vàng của chiếc
lá rơi, thế nhưng nó chỉ len lỏi giữa màu xanh của làn nước, bầu trời. Nguyễn Khuyến không lấy màu
vàng làm sắc màu chủ đạo, và màu vàng trong thơ của ông cũng không mang nét héo úa, mệt nhoài. Bên
cạnh đó, người đọc cũng không thể không chú ý đến chữ “vèo”. “Vèo” gợi cảm giác rơi nghiêng của lá, đi
kèm với cấu trúc câu từ lạ “khẽ đưa vèo”, nó đã khiến cho tiếng rơi không thực mà chỉ có trong tiềm
thức. “Vèo” cũng là một nhân tự mà thi sĩ Tản Đà vừa khâm phục vừa tâm đắc, ông thổ lộ một đời mới
có một câu vừa ý: “Vèo trông là rụng đầy sân”. Tóm lại, hai câu thực vẫn tiếp nối ngòi bút vẽ nên bức
tranh thu trong trẻo, nên thơ, qua đó người đọc càng thêm cảm thán tình yêu thiên nhiên của thi sĩ
Nguyễn Khuyến.
Đến hai câu luận, không gian của bức tranh thu được mở rộng cả chiều cao và chiều sâu:

“Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt,

Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.”

Trên cao là bầu trời cao, rộng, thoáng đãng, “xanh ngắt” với những áng mây “lơ lửng” giữa không trung.
Cái màu “xanh ngắt” là nét đặc trưng đặc biệt của bầu trời thu quê hương cụ Tam Nguyên Yên Đổ, bởi
vậy mà bài thơ nào trong chùm thơ thu cũng có màu xanh ấy :

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao”. (Thu vịnh)

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”. (Thu ẩm)

Trên nền trời xanh là những áng mây “lơ lửng”. Từ láy này diễn tả những áng mây dường như không trôi
theo làn gió mà ngưng đọng lại lưng chừng trời; đồng thời gợi ra trạng thái mơ màng của con người.
Dưới mặt đất là “ngõ trúc” “quanh co”, ngoằn ngoèo, sâu hun hút, không hề có bóng người lại qua. Từ
“quanh co” không chỉ tả con ngõ nhỏ sâu hun hút mà còn gợi cho người đọc liên tưởng đến những suy
nghĩ không thông thoát của con người, khiến con người buồn, bởi vậy cảnh tuy đẹp mà tĩnh lặng, đượm
buồn. Đằng sau bức tranh phong cảnh, ta vẫn cảm nhận được tâm hồn tha thiết với thiên nhiên.

Tới hai câu kết, người đọc mới thấy bóng dáng của người đi câu cá :

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Con người hiện ra trong tư thế nhàn “tựa gối buông cần”. “Buông” cần chứ không phải là “ôm” cần, bởi
từ này diễn tả con người đang thả lỏng cần câu, ngồi câu mà không chú ý đến việc câu. Nhà thơ chăm
chú dõi nhìn cảnh sắc mùa thu, cho đến khi nghe tiếng “cá đớp động” dưới chân bèo mới giật mình sực
tỉnh. Ba chữ “đâu đớp động” tạo nên nét đối nghịch chấm phá, cảnh vật là bức tranh thu tĩnh lặng thì
đến cuối, nó được tiếp thêm sức sống như sinh động hẳn lên. Và vừa trở về với thực tại, nhà thơ đã đưa
mình vào trạng thái lửng lơ… Một chữ “đâu” mà không thể phân biệt được đâu là hư, đâu mới là thực.
“Đâu” là đâu có hay “đâu” là đâu đó? Bức tranh thu liệu thực có tiếng cá đợp động hay không? Người
đọc không biết, thi nhân cũng không tài nào lí giải nổi.

Với nhan đề: “Câu cá mùa thu” nhưng nhân vật trữ tình lại chẳng mấy bận tâm đến chuyện câu cá, mà
nói “câu cá” thực ra là để đón nhận cảnh thu vào lòng mà gửi gắm tâm sự. Bức tranh thu tĩnh lặng hay
chính là một cõi lòng tĩnh lặng tuyệt đối. Cái se lạnh của cảnh thu đang thấm vào tâm hồn của nhà thơ
hay cái lạnh của lòng thi nhân đang tỏa lan ra cảnh vật? Ở Nguyễn Khuyến, ta thấy một nỗi buồn u hoài
thăm thẳm cô đơn của một nhà nho lánh đời thoát tục, nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi niềm dân
nước. Cũng giống như Nguyễn Trãi năm xưa về Côn Sơn ở ẩn, Nguyễn Khuyến nhàn thân nhưng không
nhàn tâm. Khi ông đạt đến đỉnh cao sự nghiệp thì cũng là lúc dân tộc bước vào một giai đoạn lịch sử đầy
bi thương. Chế độ phong kiến bấy giờ trở thành một gánh nặng của lịch sử, không còn đủ khả năng để
đưa đất nước thoát khỏi họa ngoại xâm và nô dịch. Hệ tư tưởng Nho giáo mà nhà thơ từng tôn thờ đã
trở nên lạc hậu, lỗi thời. Nguyễn Khuyến ý thức sâu sắc sự bất lực của bản thân. Ông luôn cảm thấy băn
khoăn, bứt rứt vì không thể làm gì hơn cho đất nước, cho nhân dân. Điều duy nhất ông có thể làm là bất
hợp tác với kẻ thù, lui về quê ở ẩn, giữ gìn tiết tháo nhân cách, quên đi những dằn vặt sự đời nhưng
muốn quên mà chẳng thể quên được. Tại nơi thôn quê thanh sơ, Nguyễn vẫn đau đáu một nỗi quan
hoài thường trực – ông là một con người nặng tình với đất nước, với quê hương.
Với bút pháp thủy mặc Đường thi và vẻ đẹp thi trung hữu họa của bức tranh phong cảnh đồng thời với
việc vận dụng tài tình nghệ thuật đối, Nguyễn Khuyễn đã vẽ nên bức tranh thu trong trẻo, thanh sơ, tĩnh
lặng và đượm nỗi buồn man mác từ cõi lòng thi nhân.

Tóm lại, “Thu điếu” thực sự là bài thơ “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân
Diệu). Qua “Thu điếu”, ta thấy được ở Nguyễn Khuyến một tâm hồn gắn bó với thiên nhiên, một tấm
lòng yêu nước thuần hậu, thầm kín. Đó phải là cái nhìn đầy tinh tế của bậc thầy thơ Nôm trung đại mới
có thể họa nên bức tranh đẹp nhường ấy. Nỗi buồn trong cảnh không bị đẩy tới mức độ u uất mà lan tỏa
nhẹ nhàng ra xung quanh, vừa đủ để tạo ra một khoảng lặng trong tâm hồn. Chính nỗi u hoài ấy của tác
giả mới làm nên lưu luyến trong tâm trí người đọc, làm nên nỗi day dứt với đời và tạo thành giá trị
trường tồn, sức sống lâu bền cho tác phẩm.

You might also like