You are on page 1of 9

Câu cá mùa thu (nguyễn khuyến)

Mùa thu luôn là một đề tài muôn thủa của các thi sĩ. Trong nền văn học Việt Nam từ thơ Trung
đại cho đến thơ Hiện đại, từ thể thơ cổ cho đến thơ tự do, đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về
mùa thu, nhưng nhắc đến đề tài mùa thu, ta vẫn không thể không nhắc đến nhà thơ Nguyễn
Khuyến. Với ông, dường như mùa thu là nguồn cảm hứng đặc biệt, chẳng vậy mà ông có cả một
chùm thơ hay viết về mùa thu, trong đó nổi bật nhất là bài “Thu Điếu”, hay còn gọi “Câu cá mùa
thu”.

Chùm thơ thu của nhà thơ Nguyễn Khuyến gồm có ba bài thơ: “Thu vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu
điếu”. Bài thơ nào cũng hay, cũng đẹp, cũng dạt dào tình quê, cảnh quê. Tuy nhiên, như Ông
hoàng thơ tình Xuân Diệu từng khẳng định bài thơ “thu điếu” là “bài thơ điển hình hơn cả cho
mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Đây quả là lời nhận xét vừa chính xác, vừa tinh tế!

“Thu điếu” được viết bằng thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, giàu tính hình
tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu, khí thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam hiện lên trong
dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngòi bút Nguyễn Khuyến qua bốn câu thơ đầu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chếc thuyền câu bé tẻo teo

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng theo gió khẽ đưa vèo.”

Với “Thu điếu” cảnh thu được đón nhận theo hướng mở rộng về không gian từ gần ra xa, từ thấp
lên cao, rồi sau đó lại từ cao xa quay trở lại gần. Cụ thể là từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao rồi
sau đó nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với chiếc thuyền câu. Từ một
khung ao nhỏ bé, không gian mùa thu được mở rộng ra nhiều hướng thật sinh động, gần gũi đến
chân thực, nhưng vẫn không mất đi nét đẹp tinh tế.

Ở câu thơ đầu, không khí của mùa thu được gợi lên từ sự dịu nhẹ, thanh sơ của cảnh vật. Nhà thơ
không bắt đầu bằng việc tả cảnh sắc mùa thu qua màu sắc như thông thường, mà ông vẽ những
nét đầu cho bức tranh thu bằng những nét chấm phá mơ hồ từ không khí thu rất dịu nhẹ, pha chút
lạnh se se. Nước ao “trong veo” tỏa hơi thu “lạnh lẽo”. Sương khói mùa thu như bao trùm lên
toàn bộ cảnh vật xung quanh. Nước ao thu trong vắt, khí thu lành lạnh lại càng tô điểm, khiến
nước thu đã trong lại càng trong thấu đáy. Nước ao trong nhờ khí lạnh, khí lại càng thêm lạnh khi
kết hợp với sự trong đến lặng của ao thu. Một sự kết hợp vô cùng hài hoà và đẹp mắt.

Trên bề mặt của nước ao thu trong như ngọc ấy có thấp thoáng hình ảnh một chiếc thuyền câu bé
nhỏ:

“Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”


Chỉ có duy nhất một chiếc thuyền, không những bé mà lại còn là “bé tẻo teo”. Cái ao và chiếc
thuyền chính là hình ảnh trung tâm của bài thơ, nhưng cũng chính là hình ảnh bình dị, dân dã
nhất nơi thôn quê. Tác giả không hề đặc tả độ rộng của ao thu, thậm chí khi đọc câu thơ đầu,
người đọc có thể liên tưởng rằng ao thu ở đây rất nhỏ, ao nhỏ thì theo đó mà thuyền câu cũng “bé
tẻo teo”. Nhưng đọc câu thơ thứ hai, đột nhiên ta có cảm giác ao thu như rộng hơn lên, chính cái
nhỏ bé đến “tẻo teo” của thuyền câu lại càng làm cho ao thu nhỏ bé trở nên mênh mông biết
mấy. Hai câu thơ đầu với các từ ngữ “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo” khắc họa đường nét,
dáng hình, màu sắc của cảnh vật, của nước mùa thu một cách tinh tế. Cách gieo vần trong miêu
tả không chỉ làm tăng mức độ thanh lặng, quạnh vắng của cảnh vật, mà còn tạo nên nhịp thơ âm
vang như thể tiếng thu, như thể hồn thu vọng về.

Nếu như hai câu thơ đầu là những nét chấm phá phác họa bức tranh mùa thu thì đến hai câu thơ
sau, nhà thơ tiếp tục dùng ngòi bút tài ba, vẽ lên một bức tranh thủy mặc đẹp đến thanh bình:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng theo gió khẽ đưa vèo”

Màu “biếc” của sóng nước hòa hợp với màu “vàng” của lá đã khắc lên bức tranh quê đơn sơ ấy
mà không kém phần lộng lẫy.  Nghệ thuật đối quả thực rất điêu luyện, “lá vàng” đối với “sóng
biếc”; tốc độ “vèo” của lá bay tướng ứng với mức độ “tí” của sóng gợn. Ở hai câu đề, chúng ta
đã thấy được độ trong của nước, nhưng đến đây, ta nhận ra nước thu không những trong mà còn
rất xanh, xanh biếc như thể ánh lên màu lấp lánh như ngọc. Gió thu trong thơ Nguyễn Khuyến
cũng rất độc đáo, không phải nhè nhẹ thổi theo khí se lạnh mà lại đủ mạnh để cuốn lá “đưa vèo”.
Tưởng chừng như nghịch lý nhưng lại rất hợp lý với cảnh sắc đang được miêu tả ở phần trên.

Hai câu luận tiếp tục mở rộng không gian mùa thu qua miêu tả của nhà thơ. Bức tranh thu có
thêm chiều cao của bầu trời nhuộm màu “xanh ngắt” với những tầng mây “lơ lửng” trôi theo
chiều gió nhẹ:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Dường như trời thu trong thơ của Nguyễn Khuyến luôn có màu xanh, mà còn là một màu “xanh
ngắt”:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” trong “Thu Vịnh”

 hay “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” trong “Thu ẩm”.

Màu “xanh ngắt” là không chỉ có sắc xanh mà còn có cả chiều sâu, đối với trời thu, xanh ngắt là
không chỉ xanh mà còn trong, tạo cảm giác bầu trời trở nên cao và rộng. Trời thu xanh ngắt, bao
la một màu thăm thẳm gợi ra cái sâu, cái lặng của không gian,cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của
ông lão đang câu cá trên chiếc thuyền “ bé tẻo teo”. Thế rồi ông lão ấy lơ đãng nhìn ra bốn phía
làng quê, đột nhiên nhận ra không chỉ bầu trời trên cao hay mặt nước bên dưới, thậm chí ngay cả
không gian xung quanh cũng trở nên vắng lặng, vắng lặng đến yên bình, thậm chí đến cô đơn. Cô
đơn khi thấy xung quanh không một bóng người, xóm thôn vắng lặng, con đường nhỏ phía trước
chỉ có mấy khóm trúc khẽ đưa trong gió nhẹ, ngõ vắng quanh co lại càng thêm im lìm. Cảnh vật
êm đềm, thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Người câu cá như đang chìm trong giấc mộng tĩnh
lặng của mùa thu, tất cả cảnh vật đều tạo nên cảm giác bâng khuâng, man mác nhưng không vì
vậy mà trở nên xa lạ, ngược lại rất thanh bình, gần gũi đúng chất làng quê Việt Nam.

Khung cảnh ấy càng trở nên thôn dã, giản dị khi xuất hiện rõ nét hình ảnh cả một người ngồi trên
thuyền câu cá ở hai câu kết:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Tư thế “tựa gối ôm cần” xuất hiện trong thơ Nguyễn Khuyến là một hình ảnh đẹp, đẹp đến bình
dị. Phải chăng đó là tâm thế nhàn của một thi sĩ đã thoát khỏi vòng danh lợi? Hình ảnh con người
xuất hiện trực tiếp với tư thế bó gối càng tô điểm cho bức tranh thu thêm sinh động. Tuy nhiên, 
nhà thơ ngồi câu cá đấy mà lại chẳng chú tâm đến việc câu , chẳng vậy mà lại bị giật mình trước
tiếng “cá đớp động dưới chân bèo”. Phải chăng nhà thơ còn mải thả hồn thi sĩ nhìn ngắm trời
xanh, còn ngắm làn nước hơi gợn tí, đưa mắt nhìn lá vàng trước gió khẽ đưa vèo, rồi lại bất chợt
vu vơ buồn trước ngõ trúc vặng lạnh quanh co nên mới bị giật mình trước thanh âm nhỏ bé ấy?
Không gian hẳn phải yên tĩnh lắm, tâm hồn hẳn phải trong trẻo, lắng đọng lắm mới có thể nghe,
có thể cảm thứ âm thanh như vậy. Tuy nhiên, dù có xuất hiện âm thanh nhưng không gian mùa
thu vẫn hoàn toàn yên tĩnh, vì quá tĩnh nên mới nghe thấy thứ âm thanh mỏng và nhẹ như vậy,
nghe được cả tiếng lá rơi, tiếng cá động mà vẫn thấy tĩnh, đó mới chính là cái tài trong nghệ
thuật lấy động tả tĩnh của hồn thơ quê Nguyễn Khuyến.

Đến cả sự bất ngờ trước âm thanh cá đớp động chân bèo của Nguyễn Khuyến cũng rất lạ, rất hay.
Hay ở chỗ nhà thơ sử dụng từ “cá đâu”. “Cá đâu” là cách hỏi vừa tạo nên sự mơ hồ trong không
gian vừa gợi ra sự ngỡ ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như nhất thời mất đi cảm nhận về
không gian thực tại mà chìm đắm trong không gian suy tưởng nên không thể lập tức xác định
được hướng gây ra tiếng động mặc dù đang ở trong một chiếc ao rất nhỏ. Vốn dĩ nhà thơ câu cá
mà không phải để bắt cá. Câu cá chỉ là cái cớ để tìm sự tư thái trong tâm hồn, để tĩnh tâm, để thu
hút hết hương sắc mùa thu vào trái tim nhạy cảm của người thi sĩ. Vì vậy mới nói bài thơ không
phải kể chuyện câu cá vào mùa thu mà chính là mượn việc câu cá để tả trời thu, để khen ngợi trời
thu.

  Tuy đã có rất nhiều thi sĩ viết về mùa thu,song , “Thu Điếu” vẫn luôn mang trong mình một sắc
thu riêng, không lẫn lộn. Cảnh thu trong bài thơ là cảnh đẹp nhưng tĩnh lặng và buồn, không gian
vắng lặng nhưng không tạo cảm giác cô độc, sầu não. Ngược lại, còn nhờ đó mà mở ra một bức
tranh sống động tuyệt đẹp về làng quê cổ Việt Nam, rất gần gũi, rất thanh bình.
Tự Tình ( Hồ xuân hương)
Trong hệ thống những bài thơ mang chứa tâm sự của Hồ Xuân Hương, “Tự tình” là một trong
những bài thơ hay nhất. Bài thơ thể hiện nỗi buồn, nỗi cô đơn thấm thía của người yêu đời,
tràn đầy sức sống nhưng gặp cảnh ngộ éo le, một con người luôn khao khát tình yêu nhưng chỉ
gặp toàn dang dở, bất hạnh. Đó còn là sự bất hạnh của một mơ ước không thành.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy sóng, vHồ Xuân Hương là người chứng kiến và
phần nào chịu ảnh hưởng cái không khí sôi sục của phong trào quần chúng đòi quyền sống,
quyền hạnh phúc cho con người. Không khí ấy tác động đến tâm hồn vốn thông minh và giàu
lòng trắc ẩn của bà. Bà uy nghiêm, thức tỉnh, trăn trở về đời mình, một cuộc đời lắm éo le, bạc
phận: Lấy chồng hai lần, hai lần làm lẽ và hai lần chồng đều chết sớm. Điều đó, với bà là những
biểu hiện cụ thể, đầy nước mắt của nỗi đau “hồng nhan bạc phận”. Mở đầu bài thơ "Tự tình",
tác giả gợi ra một khoảng thời gian, một góc không gian xao xác tiếng gà.

Đây là một thứ không gian, thời gian nghệ thuật được vận dụng làm nền cho sự thổ lộ tâm trạng
tác giả: "Cảnh khuya văng vẳng trống canh dồn". "Văng vẳng” chính là từ tượng thanh nhưng ở
đây nó vừa biểu thị tâm trạng, không khí, cái không khí buồn vắng lặng của một người thao thức
giữa đêm khuya thanh vắng. Câu thứ hai nhức nhối một tâm sự:

“Trơ cái hồng nhan với nước non”

Hay nhất của câu thơ thứ hai là từ “trơ”. Trơ là trơ trọi, cô đơn, lẻ loi. Nhà thơ cảm nhận nỗi
buồn hồng nhan. Một nỗi buồn “cụ thể” càng kinh khủng hơn khi cọ xát với toàn xã hội, toàn
cuộc đời: “nước non”. Một nỗi buồn đè nặng lên tâm sự bà, lên số phận của người phụ nữ.
Không chịu đựng nổi, bà muốn chống lại, thoát khỏi. “Chén rượu hương đưa" là một phương
tiện. Không phải phương tiện duy nhất nhưng hầu như là cuối cùng cho một đè nén quá mức.
Thế nhưng, bi kịch vẫn cứ là bi kịch:

“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”.

Câu thơ nữ sĩ gợi nhớ một câu thơ đầy trầm tư của Lí Bạch:

“Dùng gươm chém nước, nước chẳng dứt


Uống rượu tiêu sầu, sầu vẫn sầu”

Bất lực, câu thơ chuyển sang một sự cám cảnh sinh tình. Hồ Xuân Hương nói:

“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”


Trong quan điểm thẩm mĩ xưa, vầng trăng tượng trưng cho cuộc đời, tuổi tác của người phụ nữ.
Câu "Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn" vừa là một hình ảnh đẹp, có thực nhưng đượm buồn.
Cái buồn của một “vầng trăng khuyết”. Đối với thơ xưa, cảnh là tình, cảnh trăng khuyết man
mác, gợi nhớ cuộc đời bà. Trong “mời trầu " bà đã ẩn ý suy nghĩ như vậy.

Sang câu 5, 6 tứ thơ như đột ngột chuyển biến. Sự cụ thể trong miêu tả khiến việc tả cảnh trở nên
thuần khiết. Một cảnh thực hoàn toàn:

"Xiên ngang mặt đất rêu từng đám,


Đâm toạc chân mây đá mấy hồn”

Nghệ thuật đảo ngữ và đối tạo nên sự sinh động và cảnh đầy sức sống. Một sức sống nhờ tài
quan sát của bà như quẫy đạp, cựa mình. Cảnh này chỉ có thể là cảnh của "Bà chúa thơ nôm" chứ
không phải của ai khác. Rõ ràng, dẫu đang rất buồn, rất cô đơn nhưng điều đó vẫn không suy
giảm chất riêng của Hồ Xuân Hương. Bản lĩnh, sức sống mãnh liệt, sự khao khát với cuộc đời
khiến cho dù lòng đầy cám cảnh bà vẫn nhìn cảnh vật với con mắt yêu đời, tha thiết, chứa chan
sức sống. Đó là sự lí giải về những phản kháng, đối nghịch trong bản chất bà, tạo nên những vần
thơ châm biếm đối lập. Vũ khí ấy hơn hẳn chén rượu “say rồi tỉnh”. Đó là phương tiện kì diệu
nâng đỡ tâm hồn bà. Chỉ như thế mới có thể hiểu tâm trạng, tiếng thở dài của Hồ Xuân Hương, ở
hai câu thơ kết:

“Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,


Mảnh tình san sẻ tí con con!”.

Yêu đời là thế, sức sống mãnh liệt là thế mà cuộc đời riêng thì vẫn: “Xuân đi xuân lại lại.”, điệp
từ chỉ cái vòng luẩn quẩn đáng ghét, vô vị của ngày tháng, cuộc đời. Điều này khiến bà không
tránh khỏi một tiếng thở dài chua xót. Càng chua xót hơn khi giữa cái tuần hoàn thời gian ấy là
một “mảnh tình” đang bị san đi, sẻ lại... chia xới. Đối với trái tim thiết tha với đời kia, điều đó
nhưmộtvếtthương,nhứcnhối.

Người ta nói rằng thơ là tâm trạng, là một bức thông điệp thẩm mĩ. Đọc “Tự tình”, là thấu hiểu
được tâm sự ẩn chứa bi kịch của Hồ Xuân Hương. Là một nhân cách luôn khao khát hạnh phúc,
là một tâm hồn tràn đầy sức sống, yêu đời lại bắt gặp toàn những dở dang, bất hạnh, điều đó tạo
nên trong thơ bà có khi là một tiếng thở dài. Một tiếng thở dài đáng quý của một người có hoài
bão nhưng không thể thực hiện được, trách nhiệm là ở phía xã hội phong kiến, một xã hội mà
hạnh phúc riêng đã đối lập thật gay gắt với cơ cấu xã hội chung. Trong chiều hướng ấy, “Tự
tình" là một bài thơ đòi quyền hạnh phúc, một lời phản kháng độc đáo lại chứa chan tiếng nói
bênh vực của người phụ nữ, tạo được sự thấu hiểu, đồng cảm với những cảnh ngộ éo le, trắc trở.

Thương vợ ( tú xương) (mạng)

Bài ca ngất ngưỡng ( nguyễn công trứ)


1. Mở bài
– Đôi nét về tác giả Nguyễn Công Trứ: một nhân vật lịch sử nổi tiếng in đậm dấu ấn không chỉ
trong văn chương mà còn trong nhiều lĩnh vực khác, thơ văn ông phản ánh nhân sinh và thế sự
sâu sắc
– Bài ca ngất ngưởng là một trong số những bài hát nói tiêu biểu thể hiện tài năng, chí khí và ý
thức cá nhân của Nguyễn Công Trứ
2. Thân bài
a. Cảm hứng chủ đạo
– “ ngất ngưởng” : thế cao chênh vênh, không vững, nghiêng ngả.
⇒ tư thế, thái độ cách sống ngang tàng, vượt thế tục của con người.
⇒ Phong cách sống nhất quán của Nguyễn Công Trứ, Tác giả có ý thức rất rõ về tài năng và bản
lĩnh của mình, kể cả khi làm quan, ra vào nơi triều đình và khi đã nghỉ hưu.
b. 6 câu đầu
– “ Vũ trụ nội mạc phi phận sự”: thái độ tự tin khẳng định mọi việc trong trời đất đều là phận sự
của tác giả ⇒ Tuyên ngôn về chí làm trai của nhà thơ.
– “Ông Hi Văn…vào lồng”: Coi nhập thế là việc làm trói buộc nhưng đó cũng là điều kiện để
bộc lộ tài năng
– Nêu những việc mình đã làm ở chốn quan trường và tài năng của mình:
+ Tài năng: Giỏi văn chương (khi thủ khoa), Tài dùng binh (thao lược)
⇒ Tài năng lỗi lạc xuất chúng: văn võ song toàn
+ Khoe danh vị, xã hội hơn người:Tham tán, Tổng đốc, Đại tướng (bình định Trấn Tây), Phủ
doãn Thừa Thiên
⇒ Tự hào mình là một người tài năng lỗi lạc, danh vị vẻ vang văn vẻ toàn tài.
⇒ 6 câu thơ đầu là lời từ thuật của nhà thơ lúc làm quan, khẳng định tài năng và lí tưởng phóng
khoáng khác đời ngạo nghễ của một người có khả năng xuất chúng
c. 10 câu tiếp
– Cách sống theo ý chí và sở thích cá nhân:
+ Cưỡi bò đeo đạc ngựa.
+ Đi chùa có gót tiên theo sau.
⇒ Sở thích kì lạ, khác thường, thậm chí có phần bất cần và ngất ngưởng
+ Bụt cũng nực cười: thể hiện hành động của tác giả là những hành động khác thường, ngược
đời, đối nghịch với quan điểm của các nhà nho phong kiến.
⇒ Cá tính người nghệ sĩ mong muốn sống theo cách riêng
– Quan niệm sống:
+ “ Được mất … ngọn đông phong”: Tự tin đặt mình sánh với “thái thượng”, tức sống ung dung
tự tại, không quan tâm đến chuyện khen chê được mất của thế gian
+ “Khi ca… khi tùng” : tạo cảm giác cuộc sống phong phú, thú vị, từ “khi” lặp đi lặp lại tạo cảm
giác vui vẻ triền miên .
+ “ Không …tục”: không phải là Phật, không phải là tiên, không vướng tục , sống thoát tục ⇒
sống không giống ai, sống ngất ngưởng
⇒ Quan niệm sống kì lạ khác thường mang đậm dấu ấn riêng của tác giả
d. 3 câu cuối
+ “ Chẳng trái Nhạc.. Nghĩa vua tôi cho trọn đạo sơ chung”: Sử dụng điển cố , ví mình sánh
ngang với những người nổi tiếng có sự nghiệp hiển hách như Trái Tuân, Hàn Kì, Phú Bật…
⇒ khẳng định bản lĩnh, khẳng định tài năng sánh ngang bậc danh tướng. Tự khẳng định mình là
bề tôi trung thành.
+ “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”: vừa hỏi vừa khẳng định vị trí đầu triều về cách sống
“ngất ngưởng”
⇒ Tuyên ngôn khẳng định cá tính, sự mong muốn vượt ngoài quan điểm đạo đức Nho gia thông
thường. Đối với ông, ngất ngưởng phải có thực danh và thực tài
e. Đặc sắc nghệ thuật:
– Vận dụng thành công thể hát
– Giọng điệu thơ hóm hỉnh, trào phúng
– Sử dụng điển tích, điển cố
3. Kết bài
– Khẳng định những nét tiêu biểu nhất về nội dung và nghệ thuật của Bài ca ngất ngưởng
– Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân
****
Nguyễn Công Trứ không chỉ là một vị quan mà còn là một nhà thơ, nhà văn lớn của văn học Việt
Nam nói chung và văn học trung đại nói riêng. Nguyễn Công Trứ sáng tác rất nhiều, đặc biệt là
thơ văn chữ Nôm và thông qua những sáng tác ấy hiện lên rõ nét phong cách độc đáo của ông.
Và có thể nói, bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” – tác phẩm được xem như bản tổng kết về cuộc đời
của Nguyễn Công Trứ là một trong số những sáng tác tiêu biểu nhất của ông. 
Đọc bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ người đọc sẽ dễ dàng nhận thấy “ngất
ngưởng” chính là cảm hứng xuyên suốt toàn bộ bài thơ, nó xuất hiện bốn lần trong tác phẩm.
Vậy từ “ngất ngưởng” trong bài thơ nên được hiểu như thế nào? Như chúng ta đã biết, “ngất
ngưởng” là một từ láy dùng để chỉ độ cao – cao hơn người khác, vật khác và luôn ở trong trạng
thái nghiêng ngả, chực đổ, nó không hoàn toàn vững nhưng cũng không thể nào đổ được. Tuy
nhiên, trong tác phẩm, “ngất ngưởng” không phải được dùng với nghĩa ấy mà nó được sử dụng ở
một tầng nghĩa khác, đó chính là lối sống, thái độ sống của tác giả. Và với cách hiểu đó, chúng ta
sẽ thấy bài thơ có nhiều điều thú vị, hấp dẫn.
Trước hết, trong sáu câu thơ đầu của bài thơ, tác giả đã thể hiện rõ nét sự ngất ngưởng khi ở chốn
làm quan. Đầu tiên, sự ngất ngưởng ở chốn làm quan được thể hiện ở sự khẳng định vai trò, vị trí
của chính mình trong trời đất:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự


Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Với hai câu thơ nhưng tác giả đã cho thấy thái độ về vị trí của mình. Với ông, mọi việc trong vũ
trụ, trời đất đều là việc của mình, đồng thời, ông coi việc nhập thế chính là cách để ông bộc lộ tài
ba, trí tuệ của mình. Và để rồi, từ sự khẳng định ấy, ông đã phô diễn, đã khoe tài năng, danh vị
của mình:

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Trong bốn câu thơ, tác giả đã sử dụng hàng loạt từ Hán Việt – Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc
Đông,… cùng bút pháp liệt kê và điệp ngữ, từ đó cho người đọc thấy rõ tài năng và danh vị của
mình. Có thể thấy, Nguyễn Công Trứ là người văn võ song toàn, đồng thời giữ nhiều chức vị
quan trọng trong cuộc đời làm quan của mình. Như vậy, trong sáu câu thơ đầu nào thơ, tác giả đã
nói về tài năng, khoa danh vị của mình với một thái độ đầy trang trọng, nhấn mạnh và đầy tự
hào.
Không chỉ ngất ngưởng ở chốn làm quan, Nguyễn Công Trứ còn ngất ngưởng cả trong lối sống
sau khi đã cáo quan về hưu, điều đó được thể hiện chân thực và rõ nét trong mười ba câu còn lại
của bài thơ. Trước hết, lối sống ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ khi cáo quan về hưu được
thể hiện ở lối sống khác người, khác đời, trái khoáy.

Đô môn giải tổ chi niên


Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng

Hai câu thơ đã gợi lên trước mắt chúng ta dáng ngồi ngất nghểu của tác giả trên lưng con bò
vàng được trang sức bằng đạc ngựa – một dáng vẻ khác người, như muốn khiêu khích, trêu
ngươi. Và để rồi, khi thả hồn mình vào mây trắng, núi cao, dáng vẻ ngất ngưởng của tác giả vẫn
không thay đổi:

Kìa núi nọ phau phau mây trắng


Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi gì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng

Có lẽ trong văn học, chưa bao giờ chúng ta thấy một người nào đi vãn cảnh chùa giống như
Nguyễn Công Trứ. Đi vãn cảnh chùa – nơi chốn thanh cao, tao nhã vậy mà lại mang theo một cô
gái hầu. Cái dáng vẻ, cái lối sống ấy của ông khiến Bụt cũng phải chào thua, cũng phải bật cười. 
Đồng thời, trong lối sống của mình, Nguyễn Công Trứ không chú ý nhiều đến chuyện được, mất,
khen chê bởi với ông, chuyện được, mất chẳng biết cái nào hơn cái nào.

Được mất dương dương người thái thượng


Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Thêm vào đó, ở Nguyễn Công Trứ ta còn thấy hiện lên lối sống tự do, thỏa chí, muốn gì làm này,
không vướng tục

Khi tửu, khi ca, khi cắc, khi tùng


Không Phật, không Tiên, không vướng tục

Như vậy, có thể thấy, thái độ, phong cách sống của Nguyễn Công Trứ khi về hưu có những biểu
hiện rất riêng. Tuy nhiên, ở ông ta vẫn thấy nhiều điểm nhất quán với cuộc sống trước đó, ông
vẫn luôn là một bề tôi trung thành. Và để rồi, ông đã có một lời tự tổng kết về cuộc đời đầy minh
bạch và đượm vẻ hài lòng ở trong những câu thơ khép lại bài thơ

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú


Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

Tóm lại, bài thơ “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ với âm điệu khẳng định, lối nói
đậm tính khẩu ngữ đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy vẻ đẹp nhân cách con người tác giả –
một con người tài năng, lí tưởng sống hài hòa giữa cái vì đời và vì mình.

You might also like