You are on page 1of 5

Đề 4: Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Khuyến qua bài thơ “Câu cá mùa thu”

Bài làm

Đề tài mùa thu là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà văn, nhà thơ từ xưa đến nay. Riêng
Nguyễn Khuyến đã có một chùm thơ thu vô cùng đặc sắc: “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”.
Nhà thơ lấy cảnh thu, tình thu mà nói lòng mình, đồng thời qua thơ thu ta thấy hiện lên một
phần đáng trân trọng trong con người Nguyễn Khuyến. Trong bài thơ “Thu điếu” – “Câu cá
mùa thu”, Nguyễn Khuyến hiện lên với vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc và tấm lòng sâu nặng nghĩa
tình đối với đất nước.

Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, mất năm 1909, tên hiệu là Quế Sơn. Ông xuất thân trong
một gia đình nhà nho nghèo, lớn lên và sống chủ yếu ở quê nội Hà Nam. Năm 1864, ông đỗ
đầu kì thi Hương nhưng mấy kì sau thi tiếp lại trượt. Sau đó, Nguyễn Khuyến được gọi là Tam
Nguyên Yên Đổ vì vào năm 1871, ông đỗ đầu cả thi Hội và thi Đình. Tuy đỗ đạt cao nhưng
ông chỉ làm quan hơn mười năm, còn phần lớn cuộc đời là dạy học và sống thanh bạch ở
quê nhà. Nguyễn Khuyến là người tài năng, có cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước
thương dân, từng bày tỏ thái độ, kiên quyết không hợp tác với chính quyền thực dân Pháp.
Nguyễn Khuyến đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam ta rất nhiều tác phẩm nhưng nổi
bật nhất là mảng thơ Nôm, thơ viết về làng quê, thơ trào phúng. Sáng tác của Nguyễn
Khuyến gồm cả chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, hiện còn trên 800 bài gồm thơ, văn,
câu đối nhưng chủ yếu là thơ, tác phẩm gồm có “Quế Sơn thi tập”, “Yên Đổ thi tập”, “Bách
Liêu thi văn tập”, “Cẩm Ngữ”, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình,
nhuốm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương còn thơ chữ Hán của ông hầu hết
là thơ trữ tình. Thơ Nguyễn Khuyến nói lên tình yêu quê hương đất nước, gia đình, bạn bè;
phản ánh cuộc sống của những con người khổ cực, thuần hậu, chất phác; châm biếm, đả kích
thực dân xâm lược, tầng lớp thống trị, đồng thời bộc lộ tấm lòng yêu nước thương dân lớn
lao.

Tác phẩm “Thu điếu” nằm trong chùm ba bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Bài thơ
được viết trong thời gian khi Nguyễn Khuyến về ở ẩn tại quê nhà, theo thể thất ngôn bát cú.
Bài thơ thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc
mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng
thời thế và tài thơ Nôm và đặc biệt là vẻ đẹp tâm hồn của tác giả.

Bài thơ “Thu điếu” không chỉ khắc họa nên bức tranh mùa thu nơi làng quê Bắc Bộ vô cùng
sinh động và đặc sắc mà qua bức tranh đó nhà thơ còn gửi gắm những tâm sự thầm kín,
những tình cảm riêng tư. Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên mùa thu yên tĩnh, thơ
mộng chốn thôn quê.

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo


Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

Trong hai câu thơ đầu, nhà thơ đang ngồi trên một chiếc thuyền câu nhỏ giữa ao thu lạnh
lẽo và ngắm nhìn, cô độc, tách biệt với thế giới xung quanh để được yên tĩnh suy ngẫm.
Nguyễn Khuyến lựa chọn một điểm nhìn gần gũi, thân thuộc gắn với một thú vui đời thường
của tuổi già hưu trí nơi làng quê là câu cá, từ đó ta thấy được ông là người cả đời gắn bó tha
thiết với làng quê. Bức tranh mùa thu thơ mộng hiện lên qua cảm nhận sâu sắc của tác giả
bằng bằng nhiều giác quan khác nhau. Đầu tiên là cảm nhận qua xúc giác, làn da cảm nhận
được cái “lạnh lẽo” của hơi gió heo may hắt lên từ mặt nước. Câu thơ mang tâm trạng, màu
sắc hiu hắt, u uẩn, cảm giác rùng mình, ớn lạnh. Thị giác cảm nhận cảm nhận làn nước
“trong veo”, soi rõ bóng người và thuyền kết hợp cùng những hình ảnh các sự vật quen thuộc
ở cùng quê chiêm trũng, ao thu yên tĩnh, thuyền câu nhỏ bé, chỉ vừa đủ một người. Những sự
vật ấy kết hợp với cụm từ “bé tẻo teo” khiến cho không gian như thu bé lại, hẹp dần. Tác giả
rất tài tình khi sử dụng vần “eo”- một vần khó, “lẽo”, “veo”, “tẻo teo” mang đến cho người đọc
một nỗi buồn man mác, cảm giác bị đóng kín trong khung cảnh vắng vẻ, yên tĩnh. Hai câu
thơ đã mở ra một bối cảnh không gian nhỏ hẹp, tù túng bầu không khí vắng lặng, đìu hiu, gợi
lên một cảm giác ngột ngạt, bức bối. Tuy nhiên, khi ở trong không gian nhỏ, yên tĩnh ấy,
nhân vật trữ tình có thể thu tất cả cảnh vật vào trong tầm mắt, tập trung suy ngẫm về cuộc
đời và thế sự. Phải là người gắn bó sâu sắc và tha thiết vói quê hương, Nguyễn Khuyến mới
cảm nhận được vẻ đẹp riêng của cảnh sắc quê hương, đồng thời thể hiện vẻ đẹp ấy bằng nét
bút vừa chân thật, vừa tinh tế. Bức tranh Câu cá mùa thu mang được cái hồn dân tộc, vượt
khỏi công thức, ước lệ không chỉ bởi bài thơ mà còn bởi tình yêu thiên nhiên đất nước của tác
giả.

Trong hai câu thực, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã tập trung khắc họa những dấu hiệu đặc
trưng của mùa thu, đó là hình ảnh lá vàng, sóng biếc, là những cơn gió thu nhẹ nhàng, se
lạnh. Bức tranh mùa thu không còn tĩnh lặng tuyệt đối mà đã có những chuyển động nhẹ
nhàng, gợi ra nỗi buồn man mác của sự cô đơn, yên tĩnh:

“Sóng biếc theo làn hơi gợi tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo,
dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. “Biếc” là màu xanh đậm,
sắc nét, nhấn mạnh thêm sự “lạnh lẽo”, miêu tả những con sóng xanh ngắt, mát mẻ của mùa
thu. Động từ “gợn” thể hiện những chuyển động nhẹ nhàng, khẽ của sóng, kết hợp với các
phó từ chỉ mức độ giảm nhẹ “hơi”, “tí” khiến cho câu thơ trở nên gợi hình, gợi cảm. Vận dụng
thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không
gian, của cảnh vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận
tiếng động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác
quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên.
Hình ảnh “lá vàng” vô cùng gần gũi, quen thuộc trong thơ ca truyền thống về mùa thu, đồng
thời cũng là hình ảnh mang chất liệu hiện thực, không sử dụng ước lệ tượng trưng như thơ
thu Trung Quốc. Sắc “vàng” ấm áp của lá mùa thu nhưng lại gợi lên ấn tượng về sự tàn lụi. Từ
“vèo” miêu tả chuyển động nhanh của những chiếc lá mỏng, nhẹ, có thể là lá tre, lá trúc -
quen thuộc với làng quê Bắc Bộ xưa, khi theo gió cuốn tạo âm thanh nhỏ, sắc. Nhà thơ rất
chú ý quan sát và lắng nghe, tinh tế nắm bắt được cái thân của cảnh vật đồng thời làm hiện
lên một không gian tĩnh tại xung quanh, bức tranh ngôn ngữ sống động, khắc họa được linh
hồn của cảnh thu.

Không gian trong Câu cá mùa thu là không gian tĩnh lặng, vắng người, vắng cả những âm
thanh thường nhật của cuộc sống:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”

Hai câu thơ luận khiến cho tầm nhìn được mở rộng biên độ ở những khoảng cách cao hơn và
xa hơn. Bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời "xanh ngắt" với những tầng mây "lơ
lửng", tự do trôi theo chiều gió nhẹ. Giống như trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn
Khuyến, "xanh ngắt" là xanh đậm, nhức nhối, trời thu không mây, cao và sâu, xanh ngắt một
màu thăm thẳm, gợi cho lòng người những bâng khuâng, băn khoăn, tự hỏi. “Xanh ngắt” đã
gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian, cái nhìn vời vợi của nhà thơ, của ông lão đang câu cá.
Thanh sắc ở cuối câu thơ như một vết cứa sâu vào lòng người đau nhói. Thế rồi, ông lơ đãng
đưa mắt nhìn về bốn phía làng quê, hình như người dân quê đã ra đồng hết. Xóm thôn vắng
lặng, vắng teo, con đường quanh co, hun hút, không một bóng người qua lại. “Ngõ quanh co”
là hình ảnh đặc trưng nơi làng quê đồng bằng Bắc Bộ với bụi trúc thân thẳng, dáng cao,
tượng trưng cho phẩm chất của người quân tử với tinh thần an nhiên, tự tại, không mê đắm
quyền lực, vật chất. Cuộc sống dân dã, bình dị, tĩnh lặng của thi nhân nơi thôn quê - cuộc
sống của một ẩn sĩ lánh xa danh lợi tầm thường nhưng vẫn hòa mình vào đời sống người
dân quê. Bức tranh thiên nhiên ẩn chứa những nỗi niềm của một thi sĩ yêu nước bất lực trước
thời cuộc, bức bối trước tình cảnh của đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm.

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe”

Tất cả tạo nên một bức tranh điển hình cho mùa thu làng cảnh Việt Nam với những hình ảnh
đẹp đẽ, thơ mộng, nhiều từ láy, các động từ, tính từ sinh động và nghệ thuật tả cảnh ngụ
tình. Sáu câu thơ đầu đã khắc họa bức tranh thiên nhiên mùa thu làng quê bình dị đồng thời
còn thể hiện tình cảm quê hương, đất nước và tâm trạng thời thế của một tâm hồn thanh
cao.

Không chỉ hướng đến miêu tả không gian, cảnh sắc mùa thu, đến hai câu thơ cuối Nguyễn
Khuyến đã trực tiếp bộc lộ những tâm sự thông qua việc miêu tả chân dung con người trong
không gian mùa thu ấy:

“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Trong sáu câu đầu mới chỉ có cảnh vật: ao thu, chiếc thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng

mây, ngõ trúc thì hình ảnh người câu cá đến tận phần cuối cùng mới thấy xuất hiện với một

tư thế tựa gối ôm cần vô cùng nhàn nhã. Câu thơ không có đại từ nhân xưng, là một đặc

trưng của văn học trung đại, thể hiện tính phi ngã, không có cái tôi cá nhân, con người như

ẩn mình vào bức tranh thiên nhiên. Tư thế là “tựa gối” - ngồi co lại, thu mình lại để vừa trong

“chiếc thuyền câu bé tẻo teo” và tránh cái se lạnh của mùa thu. Đây cũng là tư thế ngồi cho

lâu, khỏi phải thay đổi, tránh gây tiếng động phá vỡ cái tĩnh lặng xung quanh. Tác giả với

hành động “buông cần”, là một thú vui tao nhã gắn liền với đời sống nông nghiệp chốn thôn
quê, giúp con người di dưỡng tinh thần, để tĩnh lại, có thời gian ngẫm nghĩ về thế thái. Người

câu cá như đang không quan tâm đến mọi thứ tạp niệm chỉ tập trung hòa mình vào trong

không gian bây giờ, trong cảnh sắc vô cùng tuyệt đẹp, và trong giấc mộng mùa thu. Người

đọc nghĩ về một Lã Vọng câu cá chờ thời bên bờ sông Vị hơn mấy nghìn năm về trước. Chỉ có

một tiếng cá đớp động sau tiếng lá thu đưa vèo, đó là tiếng thu của làng quê xưa, âm thanh

ấy hòa quyện với một tiếng trên không ngỗng nước nào, như đưa hồn ta về với mùa thu quê

hương. Từ “đâu” có thể là đại từ phiếm chỉ, tự hỏi rằng cá đớp mồi ở đâu đó, hay đại từ phủ

định, là đâu có, không có cá. Nhưng dù hiểu theo cách nào cũng cảm thấy cái mơ hồ, tĩnh

lặng của ao thu. Nguyễn Khuyến sử dụng nghệ thuật lấy động tả tĩnh “đớp động dưới chân

bèo”, âm thanh tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo rất khẽ, nhỏ nhưng cũng khiến nhà thơ giật

mình. Từ đó cho thấy trạng thái suy tư của con người mang nhiều tâm sự, đi câu mà lại

không thực sự để ý vào việc câu cá, chìm đắm trong suy tư, giật mình vì tiếng cá đớp mồi mà

quay về với thực tại. Nhân vật trữ tình đang sống trong một tâm trạng cô đơn và lặng lẽ

buồn, một cuộc đời thanh bạch, một tâm hồn thanh cao đáng trọng. Nỗi u hoài từ tam canh

toa lan ra ngoại cảnh, phủ lên cảnh vật vẻ thanh sơ đến hiu hắt. Không gian tĩnh lặng ở Câu

cá mùa thu đem đến sự cảm nhận về một nỗi cô quạnh, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Vị

Tam nguyên Yên Đổ về sống giữa làng quê, giữa cảnh đời thôn dã nhưng vẫn nặng lòng thời

thế, vẫn suy nghĩ về hiện tình đất nước và âm thầm “thẹn” cho sự bất lực của chính mình.

Đặt trong bối cảnh ra đời bài thơ, đó là tâm trạng “ẩn nhẫn chờ thời” của Nguyễn Khuyến

trước những biến cố lớn lao của thời đại, của một đại tri thức yêu nước thương dân nhưng

bất lực với thời cuộc. Giống như Nguyễn Trãi trong “Cảnh ngày hè”, tác giả vẫn suy nghĩ vì

đất nước, quê hương, dân chúng mặc dù chỉ được nghỉ một ngày.

“ Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Bài thơ “Thu điếu” không chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện câu cá của nhà thơ, mượn hành
động câu cá, nhà thơ đã thể hiện những cảm nhận rất đỗi tinh tế về những khoảnh khắc
buồn nhưng quý giá của ngày thu. Cảnh thơ buồn tẻ, tĩnh lặng hay đó cũng chính là cái tĩnh
lặng trong tâm hồn của nhà thơ. Sự tĩnh lặng, nỗi lòng trong tâm hồn nhà thơ được khắc họa
rõ nét thông qua tiếng động của cá đớp mồi dưới chân bèo. Cái động nhỏ đến từ ngoại cảnh
lại tô nét cho tâm cảnh tĩnh lặng đến tuyệt đối. Sự tĩnh lặng ấy mang đến cho độc giả cảm
nhận về nỗi cô quạnh, u uẩn nhiều tâm sự trong lòng nhà thơ.
“Thu điếu” cùng với hai bài thơ trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến đã góp phần làm

nên sự phong phú và đặc sắc cho đề tài viết về mùa thu của nền văn học dân tộc. Tóm lại, chỉ

với tám câu thơ thất ngôn bát cú, sử dụng nhiều hình ảnh, màu sắc sinh động, sử dụng vần

khó, từ láy cùng với phép tả cảnh ngụ tình, lấy động tả tĩnh, bài thơ đã khắc họa lên bức

tranh mùa thu điển hình ở làng quê Bắc Bộ, đồng thời thể hiện những suy ngẫm, tâm trạng u

uẩn, cô quạnh của nhà thơ giữa khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng. Qua bài thơ, ta thấy được

chân dung đẹp đẽ trong tâm hồn của Nguyễn Khuyến, nhà thơ không chỉ có tấm lòng yêu

thương cuộc sống, tinh tế trong rung động và phát hiện cái đẹp mà còn là con người có lối

sống thanh sạch và luôn trăn trở về trách nhiệm với cuộc đời.

You might also like