You are on page 1of 5

Có người đã từng nói với tôi rằng: “Thời gian trôi qua như thoi đưa, phủ lên

muôn
vật một lớp bụi mờ và sàng lọc mọi giá trị cả vật chất lẫn tinh thần.” Thật vậy, ta
chẳng thế trách cũng chẳng thở than, bởi đó vốn là quy luật của cuộc sống. Không
phải mọi giá trị được ngưỡng mộ, được tôn vinh ngày hôm nay sẽ đều có đủ sức để
bước tiếp với con người vào một thời kỳ mới. Thế nhưng đi ngược lại với những
quy luật nghiệt ngã của thời gian ấy, có những tác phẩm giá trị mà nó trường tồn
mãi theo thời gian dù cho người làm ra nó đã không còn sống trên cõi đời này nữa.
Một trong số đó chính là bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến, nằm trong
chùm ba bài thơ thu của ông. Có thể nói đây là bài thơ thấm đẫm chất Việt Nam,
dân dã và bình dị – một bức tranh mùa thu mà Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Là
điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
…….
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Nguyễn Khuyến hiệu là Quế Sơn, ông vốn là một nhà nho nghèo, lớn lên ở xã Yên
Đổ, huyện Lục Bình, Tỉnh Hà Nam. Ông còn được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ do
đỗ đầu trong cả ba kì thi Hương, Hội, Đình. Tuy đỗ đạt cao nhưng ông chỉ làm
quan hơn mười năm. Có lẽ là vì không giúp được nước trong khuôn khổ của chế độ
thực dân tàn nhẫn, bất công nên ông đã cáo quan về quê ở ẩn, dạy học và làm thơ.
Chính điều này đã cho thấy, Nguyễn Khuyến là một người không chỉ tài năng mà
còn có cốt cách thanh tao, có tấm lòng yêu nước thương dân rất đáng ngưỡng mộ.
Thơ ông lại đong đầy hình ảnh thiên nhiên đất trời tươi đẹp, bình yên mà ẩn sau đó
là tâm hồn thi nhân, một tâm hồn không chịu khuất phục trước bọn cướp nước và
bán nước.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đưa người đọc trở về với chốn thôn quê bình yên,
thân thuộc của mình. Cảnh vật được miêu tả từ gần đến xa rồi từ xa trở lại gần.
Trong tâm trạng một lão nông tri điền một mình câu cá trên chiếc thuyền nhỏ giữa
một ao bèo nơi xóm làng thanh tĩnh, nhà thơ đã quan sát không gian, cảnh sắc thu
một cách đầy sinh động:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”
Trước hết đến với người đọc là cảm giác se se lạnh xung quanh ao làng vào buổi
sáng mùa thu được thể hiện qua hình ảnh “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”.
“Ao thu” là một điều rất riêng mà chỉ mùa thu mới xuất hiện. Có lẽ bởi vì mục đích
là “câu cá mùa thu” nên cảnh được chú ý trước hết là cái ao. Ao thu “lạnh lẽo”
nhưng vẫn “trong veo” như có thể nhìn thấy tận đáy. Tuy cảnh vật bị bó hẹp trong
khoảng không ao làng nhưng vẫn gợi nên một vẻ đẹp gì đó rất riêng, ấy là vẻ đẹp
thanh bình, bình dị, thanh sơ mà chỉ có ở làng quê Việt Nam. Từ bao giờ, trên mặt
ao đã xuất hiện “ một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Một chiếc thuyền bé lại còn “bé
tẻo teo”, bằng nghệ thuật sử dụng từ láy “tẻo teo”, tác giả đã thu nhỏ hình ảnh lại
hết cỡ. Vần “ eo” liên tục được lặp đi lặp lại “ lạnh lẽo”, “ trong veo”, “ tẻo teo”
tạo nên sự dồn nén về không gian trong cái khuôn khổ nhỏ nhất của nó. Chính điều
này lại gợi lên một điều gì đó rất cô đơn, lạc lõng. Cảnh thu đẹp nhưng lại đượm
buồn cũng như chính tâm trạng của tác giả vào thời khắc này.
Hai câu thơ tiếp theo tiếp tục làm rõ nên bức tranh mùa thu:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”.

Chỉ với hai mảng màu xanh biếc của sóng nước và màu vàng của lá thu, Nguyễn
Du đã khéo léo vẽ nên bức tranh quê đơn sơ nhưng cũng không kém phần lộng lẫy.
Điều đặc biệt là hai câu thơ này có điều gì đó rất “lạ”, rất dễ thương, cuốn hút vô
cùng. Ao thu ở đây không còn tĩnh lặng nữa mà đã nổi sóng. Bằng sự kết hợp từ
ngữ độc đáo, mới lạ đã đưa những hoạt động như  có như không đạt đến độ vi mô,
tế vi nhất. Gợn vốn là sự chuyển động, rất nhỏ, khó thấy, ấy vậy mà câu thơ
Nguyễn Khuyến lại dùng “hơi gợn tí”. Ngay cả lá vàng trước gió cũng chỉ “khẽ
đưa vèo” nhẹ nhàng.  Rõ ràng câu thơ không tả gió mà chỉ tả lá rơi thế nhưng cái
hay ở đây đó là ta vẫn cảm nhận được sự hiện diện, vẻ nhẹ nhàng man mác của
gió. Hai câu thơ, hai hình ảnh, hai nét vẽ mà hình ảnh nào cũng nhỏ bé, nhẹ nhàng,
nét vẽ nào cũng thanh thoát. Ắt hẳn phải gắn bó với làng quê Việt Nam, phải tinh
tế trong cảm nhận lắm, Nguyễn Khuyến mới thu vào trong thơ mình nét dịu nhẹ,
cơ hồ như có như không, như hữu hình mà cũng như vô hình của nét thu. Chẳng
cần nhiều sắc vàng của lá. Không gian mùa thu Việt Nam dưới cái nhìn của
Nguyễn Khuyến ngợp sắc xanh, khác hẳn màu áo mơ phai trong thơ Xuân Diệu:

                                         Đây mùa thu tới – mùa thu tới

                                         Với áo mơ phai dệt lá vàng.

Đâu cứ phải sắc vàng mới dệt nên mùa thu, đâu phải chỉ bức tranh “Mùa thu vàng”
của Levitan mới đẹp, mới đắm say lòng người. Nguyễn Khuyến, bằng vốn ngôn
ngữ giàu chất gợi, chất họa, đã vẽ nên một màu thu xanh nên thơ rất Việt Nam. Nó
không chỉ làm say đắm lòng bất cứ một người nào đã từng sống với thu, với làng
quê đất Việt, mà còn giúp ai chưa từng sống ở cảnh ấy, không gian ấy thêm yêu
mến và khát khao tìm về chốn thôn quê để cùng hoà điệu với cảnh vật, lòng người.
Dường như nhà thơ tạo cho người đọc cảm giác ta đã sống, đã cảm nhận sâu sắc,
cảm nhận đủ đầy mùa thu Việt Nam nơi chốn quê thanh bình, yên tĩnh.

Bức tranh thu yên ả, khẽ lay động giờ đây lại được mở rộng dần ra qua hai câu thơ:
“ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”

Đến với tâm trí người đọc là màu da trời “xanh ngắt” thật là đẹp, màu xanh xao mà
vô cùng tha thiết. Vẫn là bầu trời thu xanh ngắt nhưng mỗi bài thơ là một sắc điệu
riêng:

                          “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao.”

                                                                 ( Thu vịnh)

Hay

                          “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt?”

                                                                 ( Thu ẩm)

Tiếp nối là từng tầng mây lơ lửng nhè nhẹ trôi thật thoáng đãng, êm đềm và thanh
bình.Trong màu “xanh ngắt” có thêm cái thăm thẳm của chiều cao. Bầu trời xanh
ngắt đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian và cũng là cái nhìn vời vợi của nhà
thơ, một lão nông đang câu cá. Từ bầu trời cao xanh, ông lão lại đưa mắt nhìn về
bốn phía làng quê, một xóm thôn vắng lặng, vắng teo với con đường quanh co
không một bóng người qua lại. Bỗng chốc ta cảm nhận được nỗi buồn cô tịch, hiu
hắt. Phải chăng ấy chính là tâm sự cô đơn, cô quạnh của chính tác giả khi mà đã
cáo quan về quê song vẫn không nguôi nghĩ về đất nước, về nhân dân, về sự bế tắc,
bất lực của bản thân? Cảnh thu đẹp đến nao lòng nhưng lại mang nét đượm buồn.
Dường như các thi sĩ đều thích miêu tả cảnh thu trong tĩnh lặng, đẹp, nhưng buồn.
Sau Nguyễn Khuyến, nhà thơ lãng mạn Xuân Diệu cũng viết:

Đã nghe rét mướt luồn trong gió


Đã vắng người sang những chuyến đò.
(Đây mùa thu tới)
Giờ đây đến hai câu thơ cuối, bức tranh thu mới hiện lên một hình ảnh khác là con
người câu cá với một tư thế nhàn:
“ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Con người dần xuất hiện với tư thế ngồi bó gối, trong trạng thái trầm tư suy ngẫm.
Ta có thể thấy rõ ràng tác giả vốn đang ngồi câu cá nhưng lại chẳng hề chú tâm
đến việc câu. Chính vì vậy nên mới giật mình trước tiếng cá đớp động dưới chân
bèo. Ắt hẳn không gian phải yên tĩnh lắm, tâm hồn nhà thơ phải trong trẻo lắm thì
mới nghe rõ âm thanh nhỏ nhẹ như vậy. “Cá đâu” không phải là không có cá mà
dường như ấy là cách hỏi vừa tạo nên sự mơ hồ trong không gian vừa gợi ra sự ngỡ
ngàng của lòng người. Nhà thơ dường như mất cảm giác về không gian thực tại mà
chìm đắm trong không gian suy tưởng nên không thể xác định rõ hướng gây ra
tiếng động mặc dù đang ngồi trong một chiếc ao rất nhỏ. Rõ ràng nhà thơ câu cá
mà chẳng phải để bắt cá. Câu chỉ là cái cớ để tìm đến sự thư thái trong tâm hồn.
Bằng nghệ thuật lấy động để tả tĩnh, chính cái âm thanh mơ hồ, xa xôi ấy lại tượng
trưng cho sự chờ đợi, sự mong mỏi về một điều gì đó tốt đẹp sẽ đến với đát nước.
Cảnh thu tuy đẹp mà buồn, buồn vì quá quạnh quẽ, vắng lặng, buồn vì người ngắm
cảnh cũng đang chất chứa nỗi niềm trước cảnh mất nước mà chính bản thân lại
nhàn nhã đến như vậy.

Bằng thể thơ thất ngôn bát cú kết hợp với cách gieo vần độc đáo vần "eo" vốn
được biết đến là “tử vận”, khó gieo, ấy mà đi vào thơ của Nguyễn Khuyến rất tự
nhiên, thoải mái chứ không hề bị gò bó, ép buộc hay khiên cưỡng đã để lại ấn
tượng khó quên cho người đọc. Cùng với đó là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình vốn là
đặc trưng của văn học trung đại. Chỉ bằng vài nét vẽ tinh tế, mùa thu của thiên
nhiên đất trời vùng Bắc Bộ đã hiện lên thật đẹp. Đó cũng là cách để Nguyễn
Khuyến thể hiện tình yêu của mình đối với quê hương, với đất nước.

Có thể nói, Nguyễn Khuyến, bằng tài năng và trái tim người nghệ sĩ, đã cảm nhận
và thể hiện tinh tế mùa thu với sắc vẻ riêng, nên thơ và hấp dẫn lạ lùng. Nó đã đạt
được những yêu cầu chung đối với bất kì tác phẩm văn học chân chính nào: “ Thơ
là hiện thực, là cuộc đời và còn là thơ nữa”. Tác phẩm có giá trị sẽ trường tồn mãi
cùng thời gian. Cùng với nó, tên tuổi nhà văn, phong cách tác giả sẽ sống mãi. Thật
vậy, dù cho “Câu cá mùa thu” đã ra đời từ rất lâu về trước nhưng đến tận ngày nay,
mỗi khi nhắc đến mùa thu, đâu đó trong tim của người dân Việt Nam vẫn vẳng
vẳng lên những dòng thơ trong tuyệt tác này. Nguyễn Khuyến bằng một tâm hồn
đẹp, một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết, cùng với đó là tình yêu đối với quê
hương, đất nước đã khiến cho người đọc  thêm yêu mùa thu quê hương, yêu thêm
xóm thôn, đất nước.

You might also like