You are on page 1of 3

Thu Điếu.

Mùa thu là người bạn đời muôn thưở với thi nhân, là cội nguồn cảm hứng
nâng bước, chắp cánh cho tâm hồn nghệ sĩ. Mùa thu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ
luôn mang một vẻ đẹp yên bình và lãng mạn đặc biệt mà có lẽ ta không tìm thấy ở
một nơi nào khác. Nhà thơ Xuân Diệu đã nhận định: ”Thu điếu là điển hình hơn cả
cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”. Bài thơ là sự gợi tả tinh tế về cảnh sắc mùa
thu đồng bằng Bắc Bộ qua những cảm nhận sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Khuyến –
một tri thức giàu tài năng, có cốt cách thanh cao, khí tiết cao đẹp. “Thu điếu” được
ông viết khi ông cáo quan, sống thanh bạch tại quê nhà. Ẩn sâu trong những dòng
thơ về mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ là tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương,
đất nước sâu sắc của thi nhân.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo,
Tựa gối buông cần lâu chằng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Điểm nhìn của nhà thơ Nguyễn Khuyến trước bước tranh mùa thu là nhìn từ
thấp lên cao, từ gần đến xa rồi lại quay về vị trí xuất phát. Con thuyền được đặt ở
vị trí trung tâm bức tranh khiến cho không gian mùa thu hiện lên thật cân đối, hài
hoà.
Những vẻ đẹp đặc trưng nhất của mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ đã được nhà
thơ Nguyễn Khuyến cảm nhận tinh tế đến từng chi tiết.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Mở đầu bài thơ được thể hiện bằng những hình ảnh quen thuộc của vùng đồng
bằng Bắc Bộ.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Chiếc ao có lẽ là hình ảnh đặc trưng nhất khi nói về vùng đồng bằng Bắc Bộ vì đây
là nơi mà người dân sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật và dường như mỗi gia
đình đều gắn với chiếc ao ấy. Nhưng chiếc ao trong “Thu Điếu” không chỉ là một
chiếc ao đơn thuần nữa mà đó là chiếc ao thu. Chiếc ao mùa thu ấy có sự lạnh lẽo
chứ không còn hơi se lạnh như tiết trời mùa thu, có lẽ nhà thơ đang cảm nhận bức
tranh mùa thu vào khoảng độ cuối thu nên ta cảm nhận được sự lạnh lẽo của đầu
đông sắp sang. Từ “trong veo” là hình ảnh gợi tả lên sự trong xanh, phẳng lặng của
chiếc ao thu nhưng cũng thể hiện sự yên bình, yên tĩnh của mùa thu vùng quê. Nhà
thơ đã khéo léo đặt vào hình ảnh chiếc thuyền câu nhỏ bé giữa một chiếc ao để tạo
nên sự hài hoà cân xứng cho bức tranh. Từ láy “tẻo teo” cùng với nghệ thuật tịnh
tiến làm cho hình ảnh con thuyền càng trở nên nhỏ bé, khiến cho không gian dần
thu hẹp lại. Hai câu thơ mở đầu đã làm hiện lên một không gian nghệ thuật, một
cảnh sắc mùa thu mang nét riêng của đồng bằng Bắc Bộ.
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
“Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” ý chỉ màu xanh của bầu trời và làn nước
mùa thu tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp. Những cơn sóng xanh như ngọc là sự hoà
hợp của sự trong veo của nước và màu xanh của trời đã làm tăng thêm vẻ đẹp cho
chiếc ao mùa thu. Những con sóng chỉ “hơi gợn tí”, chỉ chuyển động nhẹ nhàng,
vừa phải làm cho ta cảm nhận được sự êm ả, thanh bình của mùa thu vùng quê.
Những chiếc lá vùng từ lâu đã trở thành thi liệu của mùa thu, của thơ thu Việt
Nam. “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”, một bút pháp nghệ thuật quen thuộc, lấy
động tả tỉnh, lấy sự chuyển động của chiếc lá trước cơn gió mùa thu để hình tượng
hoá phong cảnh mùa thu yên bình đến nỗi ta có thể cảm nhận được sự chuyển động
của gió.
Tầm nhìn của thi nhân giờ đã được mở rộng lên cao với một bầu trời thu xanh
trong, cao vời vợi:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Đôi mắt của thi nhân không chỉ quan sát không gian nơi mặt ao tĩnh lặng mà còn
hướng lên bầu trời để ghi lại một hình ảnh tuyệt đẹp. “Tầng mây” khiến ta cảm
thấy sự sâu thẳm và độ dày của những đám mây “lơ lửng” trên bầu trời xanh ngắt
đặc trưng của mùa thu. Hình ảnh bầu trời xanh ngắt đã trở thành biểu tượng đặc
trưng cho mùa thu, chính vì thế Nguyễn Khuyến đã đưa bầu trời ấy vào hai bài thơ
thu còn lại của mình. Bài thơ “Thu Vịnh” thì hai câu đầu tiên thi nhân đã viết:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”
Còn ở bài thơ “Thu Ẩm”, thi nhân lại khắc hoạ hình ảnh bầu trời xanh ngắt với một
câu hỏi khắc khoải:
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”
Khác với bầu trời xanh cao, rộng lớn, Nguyễn Khuyến đã đưa vào một hình ảnh
đối lập, “ngõ trúc quanh co khách vắng teo”. Đây là một hình ảnh đơn sơ mà thân
thuộc với người dân làng quê, là chốn đi chốn về của họ sau một ngày dài lao
động, là chốn bình yên nhất để thư thái tâm hồn. Thế nhưng ngõ trúc trong tiết trời
mùa thu lại gieo vào lòng những trái tim yêu thơ một nỗi buồn của sự trống trải,
bởi giờ đây ngõ trúc chỉ còn “khách vắng teo”.
“Thu Điếu” không chỉ là những cảnh sắc mùa thu vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn
chứa đựng những tâm sự thầm kín của thi nhân.
“Tựa gối buôn cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Thực chất nhà thơ Nguyễn Khuyến không hề hứng thú với việc câu cá, “Tựa gối
buôn cần lâu chẳng được” thể hiện một tâm thế ung dung, tự tại, dường như không
mảy may quan tâm đến việc câu cá. Việc câu cá chỉ là cái cớ hoàn hảo của nhà thơ
để ông có thời gian suy ngẫm về cuộc đời, về vận mệnh đất nước. Câu thơ khiến ta
liên tưởng đến Khương Thượng Tử Nha, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử
Trung Hoa. Ông ngồi câu cá bên bờ sông Vị bằng cần câu chỉ có dây, không lưỡi.
Ông ngồi câu cá không phải vì muốn được cá mà vì mục đích chờ thời vận. Tiếng
cá đớp động dưới chân bèo dường như khiến cho thi nhân bừng tỉnh, thoát khỏi
những suy tư cuộc đời. Âm thanh rất nhỏ ấy cũng đủ để nhà thơ giật mình quay trở
về thực tại để rồi nhìn thấy rõ hơn bức tranh hiện tại tăm tối, đau thương của đất
nước.
Bài thơ đã phần nào cho ta cảm nhận được một Nguyễn Khuyến với tình yêu
thiên nhiên da diết. Đồng thời người thưởng thơ cũng cảm nhận được một trái tim
nặng chữ tình, yêu nước thương dân, khao khát giúp dân, giúp nước. Với thể thơ
thất ngôn bát cú đường luật, bút pháp nghệ thuật đối, kết hợp với tả cảnh ngụ tình,
cách gieo vần “eo” đã góp phần làm cho bài thơ trở nên ấn tượng, sống mãi trong
lòng độc giả.

You might also like