You are on page 1of 2

 

    Nếu ở khổ thơ đầu, tác giả đã vẽ ra một không gian mênh mông rộng lớn thì đến khổ thơ thứ hai, nhà
thơ đã dựng ra trước mặt người đọc một không gian hoang vắng, hiu quạnh:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”
Ở câu thơ trên, Huy Cận đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ ở cụm từ “lơ thơ cồn nhỏ”. “Cồn nhỏ” ở đây tức
là những gò đất hoặc cát nhỏ nổi cao giữa sông. Tính từ “nhỏ” lại kết hợp với từ láy “lơ thơ” càng gợi ra
vẻ lẻ loi, thưa thớt, tiêu điều của cảnh vật. Tính từ “ đìu hiu”, nó xóa mờ đi ấn tượng về sự sống, để lại
một không gian u buồn, hoang vắng. Phải chăng vì không gian bị bao trùm bởi cái tĩnh lặng đến rợn
ngợp nên nhà thơ muốn tìm kiếm hơi ấm của con người?
" Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều"
Câu thơ với ý tứ hàm súc nhưng lại gợi mở nhiều cách hiểu. Có thể hiểu, từ "đâu" ở câu thơ đóng vai trò
là một từ ngữ phủ định, nghĩa là không có âm thanh nào cả, bức tranh hoàn toàn tĩnh. Nếu hiểu theo
cách hiểu đầu tiên thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận ra bút pháp lấy động tả tĩnh quen thuộc của thơ
xưa.Còn nếu hiểu theo ý thứ hai thì bức tranh hoàn toàn không có dấu vết sự sống con người, một sự
trống vắng đến tuyệt đối. Mà khung cảnh càng hiu hắt, vắng lặng thì lòng người càng chìm trong nỗi cô
đơn nên mới phải ra sức kiếm tìm một bóng hình của con người. Vẻ quạnh hiu, hoang vắng của không
gian như càng nhân thêm gấp bội khi nhà thơ đã kéo rộng tầm kích của cảnh vật vũ trụ: 
" Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu"
Câu trên là sự vô biên được mở về chiều cao. Câu dưới là sự vô cùng về cả  chiều rộng lẫn chiều dài.
Hai động từ ngược hướng "lên" và "xuống" đem lại một cảm giác chuyển động rất rõ rệt. Và nó được
hoàn tất bởi cụm từ “sâu chót vót”. "chót vót" vốn là từ láy độc quyền chỉ độ cao nhưng ở đây nó lại
dùng để đo độ sâu. . Giữa mênh mông đất trời, nhà thơ đã đứng giữa "bến cô liêu" - nơi giao nhau của
vũ trụ ấy. "Sông dài trời rộng" là hình ảnh của thiên nhiên, vũ trụ còn "bến cô liêu" lại là hình ảnh tương
trưng cho nơi con người gặp gỡ, yêu thương. Ấy thế mà không gian lại vô cùng, vô tận còn con người lại
bé nhỏ, bơ vơ. "bến cô liêu" là cách dùng từ tinh tế của thi nhân để diễn tả sự cô đơn đang bao trùm
trong cõi lòng. Thủ pháp nghệ thuật tương phản kết hợp với bút pháp "vẽ mây nảy trăng" đặc trưng của
thơ xưa đã giúp Huy Cận thành công trong việc khắc họa một vũ trụ bao la, vô tận qua đó làm nổi bật
hình ảnh cô đơn, bé nhỏ của con người. 
Tiếp nối mạch sầu ở hai khổ thơ trước, nỗi sầu nhân thế ở khổ thơ này hiện hình ngay trên sóng nước
"tràng giang":
" Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang."
Ở đây, nhà thơ đã sử dụng thi liệu cổ điển quen thuộc là cánh "bèo dạt". Những cánh bèo lênh đênh trên
mặt nước vốn là những hình ảnh quen thuộc của thơ ca phương Đông. Huy Cận đã mượn hình ảnh “bèo”
để diễn tả thân phận nhỏ nhoi, nổi chìm của con người trên dòng nhân thế. Động từ "dạt" đã tả thực về
hình ảnh những cánh bèo (hay những kiếp người) bị xô đẩy một cách phũ phàng, không thể cưỡng lại
được. Với biện pháp điệp ngữ " hàng nối hàng", những cánh bèo hiện ra trước mắt với số lượng nhiều
không kể xiết. Câu hỏi tu từ "về đâu" vang lên như một nỗi xót xa, bàng hoàng, thảng thố trước tình
cảnh vô định, không phương hướng của cả một thế hệ. Lúc này, phóng mắt ra xa, nhà thơ chỉ thấy:
" Mênh mông không một chuyến đò ngang
 Không cầu gợi chút niềm thân mật".
Có lẽ chính cảm giác cô đơn và không gian trống vắng đã khiến nhà thơ dậy lên ước muốn kiếm tìm sự
kết nối, gần gũi và gắn bó. Nhưng trước mắt nhà thơ liệu có  chút dấu hiệu gì của sự nối kết? Đảo ngữ
"Mênh mông" nhấn mạnh không gian sông nước vời vợi, xa hút đến vô cùng. Chẳng những thế, điệp từ
phủ định " không một chuyến đò", "không cầu" như một câu trả lời phũ phàng, giáng vào hi vọng kiếm
tìm của nhà thơ một nỗi thất vọng đau đớn.. Cõi nhân gian như đứt gãy, chẳng có chút dấu hiệu của sự
sống con người. Mà càng không tìm được hơi ấm tình người, nhà thơ lại càng khao khát hơi ấm nó.
Nhưng dù cố kiếm tìm mãi thì thi sĩ nhìn đâu cũng chỉ thấy:
" Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng"
Biện pháp đảo ngữ "Lặng lẽ" đã nhấn mạnh ấn tượng về một không gian vắng lặng, hoang vu. Cùng với
đó là hàng loạt các hình ảnh "bờ xanh", "bãi vàng" đã gợi hình dung về những bờ bãi nối tiếp nhau trải
dài vô tận. Một thế giới "Tràng giang" không hề đứng yên mà luôn được giãn nở ba chiều. Những màu
sắc "vàng", "xanh" chẳng gợi ra cái màu mỡ, phì nhiêu của đất, cũng chẳng nhấn mạnh sức sống của cây
lá mà ánh lên vẻ nhợt nhạt, thê lương. 
     Ở câu thơ đầu của khổ thơ cuối bài, Huy Cận không nhìn ra trước mắt nữa mà hướng tầm mắt lên độ
cao của bầu trời: 
" Lớp lớp mây cao đùn núi bạc".
Thiên nhiên trong câu thơ có sự vận động dữ dội. Động từ "đùn" đã thể hiện độc đáo cách vẽ mây của
Huy Cận. Huy Cận có một cách "vẽ mây" vô cùng khác biệt. Nếu như "mây" xuất hiện trong thơ của
Xuân Diệu hiện lên với những đường nét để miêu tả sự chia tay, chia lìa của tình yêu: 
"Mây vẩn từng không chim bay đi"
thì "mây" trong thơ Huy Cận lại được nhào nặn thành từng hình, khối. Những đám mây lại được kết hợp
với điệp ngữ "lớp lớp" đã gợi hình dung về những áng mây như xô vào nhau, chồng chất lên nhau, trở
thành những núi mây hùng vĩ, chờ ánh tà dương lóe sáng để trở thành những núi bạc. Nhà thơ như bị rợn
ngợp bởi những núi mây khổng lồ ấy. Trên bầu trời cao vời vợi ấy không chỉ có mây mà còn có: 
" Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa". 
Trên cái nền tím sẫm, nhạt nhòa, hiện lên một con chim lạc đàn nghiêng cánh nhỏ. Cánh chim nhỏ bé ấy
như bị bóng chiều và sự vô cùng của vũ trụ nuốt trôi đi. Nét vẽ cánh chim ấy tượng trưng cho những
cảnh chiều hôm trong tâm tưởng người lữ thứ. Nghệ thuật tương phản giữa cánh chim nghiêng nhỏ bé
với núi mây bạc hùng vĩ cùng trời đất bao la đã làm cho khung cảnh thêm mênh mông hơn, xa vắng hơn,
và cũng buồn hơn. Sau khi nhìn lên thăm thẳm bầu trời, nhà thơ cúi xuống để nhìn sâu vào cõi lòng
mình:
" Lòng quê dợn dợn vời con nước".
Hai chữ "dợn dợn" là từ láy nguyên sáng tạo của Huy Cận, diễn tả tâm trạng nôn nao, day dứt của lòng
người đang dợn lên trong tâm hồn. Phải hiểu đúng, "lòng quê" ở đây lấy từ chữ Hán "hương tâm", là tấm
lòng đối với quê hương chứ không phải là tấm lòng chất phác, quê mùa. Dường như, cái lòng yêu quê ấy
cứ trải dài, loang mãi, gợn lên từng đợt trong sâu thẳm cõi lòng của thi nhân. Chữ “vời” đã thể hiện rõ
điều đó. Câu thơ khép lại bài thơ đã diễn tả trực tiếp nỗi niềm, tâm trạng của người con nặng lòng với
quê hương xứ sở:
“ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
Hoàng hôn trong thơ xưa là khoảng thời gian ước lệ, gợi buồn gợi nhớ, dễ làm dậy lên những tâm trạng,
xúc cảm mà con người ta cố giấu kĩ dưới đáy lòng. Lúc này, nhà thơ cảm thấy “nhớ nhà” nhiều lắm! Mà
nỗi nhớ quê hương sẽ thường được trào dâng khi bắt gặp một hình ảnh thân thuộc của quê nhà. Nhưng ở
câu thơ này, nhà thơ “không khói” cũng vẫn dâng trào nỗi nhớ thương tha thiết! Nỗi nhớ ấy như luôn
thường trực trong trái tim nhà thơ và chẳng cần nhờ bất kì “chất xúc tác” nào mà vẫn cháy lên một nỗi
niềm sâu đậm. . Vậy tại sao khi đang sống giữa quê hương đất nước mà nhà thơ vẫn thấy “nhớ nhà”? Có
lẽ nào, nỗi “nhớ nhà” ở đây là vì nhà thơ đang đứng ở Bến Chèm, Hà Nội và hướng lòng mình về quê
nhà Hà Tĩnh chăng? Cũng có thể! Nhưng ở đây, ta cần phải hiểu rộng hơn, “nhà” ở đây chính là quê
hương đất nước. Sống giữa quê hương mà quê hương lại mất chủ quyền nên trong lòng nhà thơ không
khỏi chất chứa nỗi buồn. Đó là nỗi buồn của người thanh niên không tìm ra hướng đi, lẽ sống. Đó là nỗi
buồn của thời đại, nỗi buồn của thế hệ
Có thể nói, “Tràng giang” chính là bài thơ tiêu biểu nhất trong tập thơ “Lửa thiêng”. Với nghệ thuật đặc
sắc cùng sự hòa quyện tuyệt vời giữa chất cổ điển và màu sắc hiện đại cùng với nội dung thể hiện rõ cái
tôi nhỏ bé trước không trời vũ trụ bao la, nhà thơ đã bộc lộ tình yêu quê hương tha thiết.

You might also like