You are on page 1of 3

2 câu đầu: VY

Tiếp nối nỗi buồn thiên thu ở khổ 1, đến khổ thứ 2 thì nỗi buồn ấy được nhân lên
gấp bội. Bức tranh sông nước được vẽ thêm đất, thêm làng nhưng vẫn buồn đến tê
tái, nỗi buồn ấy được gợi tả từ những cồn nhỏ, thêm vào đó là sự hiu hắt thổi nhẹ
của gió, sự tĩnh lặng vắng vẻ của cảnh vật.
“Lơ thơ cồn cỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”
Trong “Chinh Phụ ngâm” ta đã từng bắt gặp:
“Non kỳ quạnh quẽ trăng treo,
Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”
Dường như ngọn gió đìu hiu ấy đã vượt thời gian, xuyên không gian và trôi vào
thơ Huy Cận. xNgắm mãi cảnh sông nước dập dềnh, Huy Cận hướng tầm mắt buồn
của mình về phía những cồn nhỏ "lơ thơ", từ láy ấy gợi cho độc giả một cảm giác ít
ỏi, nhẹ tênh, lơ lửng. Dường như mấy cái cồn cát nho nhỏ bên bến sông ấy đang
phe phẩy, phiêu lãng cùng với cơn gió "đìu hiu", buồn bã biết mấy. Cả cồn cả gió
đều gợi nên một nỗi buồn khôn tả, ấy là cảm giác chơi vơi, lạc lõng của người thi
sĩ cô đơn trước cảnh sông nước, buồn bã trước thời cuộc. Câu thơ như chùng
xuống càng xoáy sâu vào tâm hồn của nhà thơ, khiến ông càng trở nên bất lực và
muốn tìm đến hơi ấm của con người. Rồi Huy Cận bỗng nghe "Đâu tiếng làng xa
vãn chợ chiều", đó là một câu hỏi ngỏ, nhà thơ tự hỏi chính bản thân mình hay hỏi
trời đất như thế. Huy Cận hỏi gì? Hỏi tiếng làng xa vãn chợ ở đâu hay hỏi dường
như đâu đây có tiếng vãn chợ chiều văng vẳng vọng về cũng đều có ý nghĩa cả.
Nghệ thuật lấy động tả tĩnh thật đặc sắc và khéo léo, "làng xa" như thế nhưng Huy
Cận vẫn có thể nghe thấy tiếng người râm ran buổi chợ chiều thì chứng tỏ bến
Chèm này phải thật hoang vắng tĩnh lặng đến nhường nào chứ? Thoang thoảng
trong khổ thơ thứ hai này đã có sự sống xuất hiện, nhưng nó cứ thấp thoáng và
mỏng manh, thế nên Huy Cận lại càng trở nên cô đơn hơn. Cùng viết về chợ nhưng
trong thơ của Nguyễn Trãi hình ảnh ấy lại hiện lên thật náo nhiệt đông đúc. “Lao
xao chợ cá làng ngư phủ” Vui nhất là âm thanh của chợ vui, buồn nhất là âm thanh
của chợ vãn. Ở câu thơ này cái tinh tế của Huy Cận là ở chỗ ông lấy động để nói
tĩnh, lấy tiếng chợ vãn để gợi nên không khí vắng lặng của không gian đồng thời
thể hiện mong muốn được giao hòa, giao cảm của con người dù đó chỉ là thính
giác. Cảm nhận chung về những dòng thơ này là một khung cảnh hoang vắng.
Làng xóm ven sông vắng lặng, cảnh sông nước thật mênh mang trong một không
gian nhiều chiều. Câu thơ đã gợi ra cảnh tượng: một vài cồn cát chạy nổi giữa dòng
sông với sự đơn độc, lẻ loi. Trên những cồn cát đó chỉ thấy lơ thơ vài cây mọc
hoang. Đây là dòng sông mùa nước, nước sông cứ dềnh mãi lên. Cảnh tượng thực
này lại mang rất nhiều tính biểu tượng trong nó. Nếu trước đó ta thấy con thuyền bị
vây bủa bởi những lớp sóng như những nỗi buồn điệp điệp thì ở đây ta lại gặp con
người như những cồn cát nhỏ bé, chơi vơi đang bị dòng lũ cuộc đời nhấn chìm
dần.Hình tượng thơ đó còn gợi lên cảm giác suy ngẫm về những cuộc đời trong xã
hội cũ.
2 câu cuối: DUYÊN
Đến đây, tác giả tiếp tục phóng tầm mắt của mình xa hơn, ra rộng bát ngát: “Nắng
xuống, trời lên, sâu chót vót. Sông dài trời rộng bến cô liêu” Tạo vật ở đây có
nhiều nét độc đáo. Độc đáo trước hết ở chỗ tạo dựng không gian: những chữ
“xuống, lên, dài, rộng, sâu” đã gợi được một không gian nhiều chiều, với chiều
cao- “nắng xuống”, “trời lên”, chiều rộng của “trời rộng” và chiều dài của “sông
dài”, thậm chí có cả chiều sâu -”sâu chót vót”. Tất cả gợi cho ta có cái gì thăm
thẳm hun hút, lại dài rộng, mênh mang. Chút nắng chiều sót lại, rơi xuống tạo cảm
giác bầu trời như “sâu” thêm lên. Những tia nắng của ngày tàn đó đang rơi vào
thăm thẳm để đẩy bầu trời lên chót vót, xa vời. Tại sao Huy Cận không thấy trời
“cao chót vót” mà lại “sâu chót vót”? Có lẽ vì “cao” không đủ sức để gợi lên nỗi
lòng của tác giả. “Cao” chỉ nói về chiều cao vật lí, nhưng “sâu” còn đem đến cảm
giác rợn ngợp trước không gian bát ngát. Huy Cận hướng về bầu trời như ông bị
hút vào cái thăm thẳm của vũ trụ trong một cảm giác rợn ngợp không cùng. Cách
sử dụng từ hết sức độc đáo của Huy Cận đã lồng chiều cao vào chiều sâu; ông đang
ngắm cảnh bầu trời cao “chót vót” dưới mặt nước “sâu” thăm thẳm. Không gian
càng rộng, hình ảnh con người lại càng nhỏ bé, cô độc, lẻ loi đến tội nghiệp. Sự cô
đơn ấy cũng được tác giả gửi gắm trong từ “bến cô liêu”. Hình ảnh ấy với âm
hưởng man mác của hai chữ “cô liêu”, một lần nữa lại gợi ra nỗi buồn nhân thế,
nỗi buồn về sự sống quá nhỏ nhoi, rất hữu hạn trong thiên nhiên, mà vũ trụ thì cứ
mở ra mãi đến vô tận, vô cùng. Hai câu thơ này còn tạo nên sự đối nghĩa rất đặc
sắc. Nếu câu thứ 3 gợi cảm nhận về bầu trời cao cùng sự hiu hắt thì câu thứ 4 lại
gợi về hình ảnh dòng sông dài, rộng mênh mang đang chất chứa một nỗi sầu, cảm
giác cô độc, lẻ loi vô cùng. Chính sự lạc lõng ấy đã tạo nên cho hai câu cuối khổ
thơ này một nỗi buồn tê tái, mang đậm cảm xúc của thi sĩ, và nỗi buồn ấy ẩn chứa
nỗi sầu vạn cổ, buồn thiên thu của người cầm bút. Ông đang thầm thở dài trước cái
thân phận nổi trôi, cô đơn của người thi sĩ trong một xã hội rối ren bấy giờ.
Kết đoạn: TRÚC
Sau khi nghe 2 bạn phân tích trên, mình xin chốt lại một số ý chính về nghệ thuật
và tổng kết đoạn như sau:
- Ở 2 câu thơ đầu:
+ Thứ nhất, hình ảnh “cồn cỏ” và từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu”, hình ảnh “chợ chiều”,
“làng xa”, “bến cô liêu” gợi ra một không gian cảnh vật nhỏ bé, cô độc, thoáng lên
cái vắng lặng, lạnh lẽo, cô đơn đến rợn ngợp. Đặc biệt, từ láy “lơ thơ” gợi ra sự ít
ỏi, từ láy “đìu hiu” gợi ra sự quạnh quẽ. Sự kết hợp giữa 2 từ láy trong cùng 1 dòng
thơ làm tô đậm, nhấn mạnh vào cái khung cảnh thiên nhiên vắng vẻ, tiêu điều. Tất
cả các hình ảnh kết hợp trên tiếp tục gợi lên nỗi buồn và cô đơn trong lòng con
người.
+ Cái không gian và âm thanh của sự sống dường như bị nuốt hết vào trong cái từ
“đâu” này, bởi nó có 2 cách hiểu: vừa có thể hiểu là “đâu có” (không có), vừa có
thể hiểu là “đâu đó” (vọng lại). Từ “đâu” ấy khiến cho chúng ta cảm nhận dường
như đó là một không gian và âm thanh từ xa vắng vọng lại. Đó còn là một câu hỏi
gợi ra nỗi mong mỏi, nỗi khát vọng của tác giả về tiếng làng xa hay chính là âm
thanh của sự sống. Từ đó, ta thấy được bức tranh không gian vắng lặng, cô tịch, âm
thanh sự sống của con người lại xa vắng và mơ hồ.
- Ở 2 câu thơ cuối:
+ Không gian mở ra theo nhiều chiều khác nhau: Thứ nhất là độ cao, chiều cao
được thể hiện qua hình ảnh “trời lên”, tiếp theo là chiều dài qua hình ảnh “sông
dài” và cuối cùng là chiều rộng qua hình ảnh “trời rộng”. Tất cả tạo nên một
khoảng không vô tận. Khoảng không ấy còn được nhấn mạnh bằng một tính từ đó
là “sâu chót vót”.
“Sâu chót vót” là một tính từ có cách biểu đạt hết sức mới mẻ: “sâu” ở đây gợi ấn
tượng về sự thăm thẳm, hun hút đến khôn cùng; còn từ láy “chót vót” lại khắc họa
được chiều cao tưởng chừng như vô tận. Và từ đó chúng ta thấy được rằng, không
gian dường như được đẩy đến độ vô biên.
+ Bút pháp Đường thi đối lập giữa cái vô hạn “sông nước”, “bầu trời” với cái hữu
hạn là “cồn nhỏ”, “bến cô liêu”.
+ Không chỉ vậy, “sông dài”, “trời rộng” đối lập với “bến cô liêu”. Sự đối lập ấy là
sự đối lập giữa cái nhỏ bé với cái vô cùng, vô tận của vũ trụ để gợi ra cảm giác
trống vắng trong lòng người đọc. Đó cũng chính là bút pháp “họa vân hiển nguyệt”
(hay còn gọi là “vẽ mây nảy trăng”): vẽ ra không gian vô tận, bao la, rộng lớn thế
nhưng lại chỉ nhằm biểu hiện sự cô đơn, trống trải của cái tôi lãng mạn thông qua
hình ảnh “bến cô liêu”.
+ Qua khổ thơ thứ 2, ta thấy được đây là một khổ thơ đậm chất Đường thi qua việc
tác giả tả cảnh ngụ tình cũng như tạo ra những nét vẽ đối lập giữa sự vật để làm rõ
cái tôi nhỏ bé, rợn ngợp trước không gian bao la, rộng lớn. Tiếp theo, nội dung của
khổ thơ: tác giả đã thể hiện được cái tôi “lạc loài giữa mênh mông của đất trời, cái
xa vắng của thời gian” – đây cũng chính là lời nhận xét của nhà phê bình Hoài
Thanh.
Đó cũng là tất cả nội dung của khổ thơ thứ 2 bài “Tràng giang” mà chúng em vừa
phân tích. Chúng em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

You might also like