You are on page 1of 7

Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở (SGK trang

149
đến hết trang 151)
Dàn bài
I. Mở bài:
II. Thân bài:
1. Khái quát hoàn cảnh Chí Phèo trước khi gặp Thị Nở:
- Từng là một nông dân lương thiện.
- Sau khi Bá Kiến hãm hại, Chí Phèo bị bắt bỏ tù.
- Nhà tù biến Chí từ một nông dân 20 tuổi lương thiện thành một người thay đổi cả nhân
hình lẫn nhân tính.
- Làm tay sai cho Bá Kiến
=> Trước khi gặp Thị, hắn là “con quỷ dữ làng Vũ Đại”
2. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở:
Hoàn cảnh gặp gỡ:
- Không ai đáp lại lời chửi của Chí nên hắn rẽ vào nhà Tự Lãng uống rượu.
- Khi say hả hê, hắn lảo đảo ra về.
- Gặp một người đàn bà ngủ quên ở bờ sông gần nhà (Thị Nở).
- Trong cơn say, Chí Phèo ăn nằm với Thị Nở và ngủ say dưới trăng.
=> Cuộc gặp định mệnh đem đến nhiều chuyển biến tâm lí rõ nét của Chí Phèo.
3. Diễn biến tâm trang sau khi gặp Thị Nở:
a. Sự thức tỉnh
- Lần đầu tiên hắn thực sự “tỉnh”

 Chợt nhận ra trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm
khi bên ngoài vẫn sáng”
 Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài
 Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”
 Cảm thấy “sợ rượu” ⇒ dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất
 Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!
Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá.
Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy”.
 Hắn đủ tỉnh để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc: “trông thấy
trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói
rét và ốm đau”.

⇒ Cuộc gặp với Thị đã làm Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên

b. Niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về

 Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: “ hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ”,
“chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải”; “bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng”,
“khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
 Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo “bâng khuâng”, “ngạc nhiên” và
thấy “mắt mình như ươn ướt” ⇒ xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc:
“Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao!”; “Hắn húp
một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết
rằng cháo hành rất ngon”.
 Thấy Thị Nở có duyên, “tình yêu làm cho có duyên”, cảm thấy vừa vui vừa buồn,
ăn năn.
 Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con
 Chí Phèo thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối
để trở về
 Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là
mình sang ở với tớ một nhà cho vui”

⇒ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến
niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy

Bài làm
Thế gian vẫn cứ thế trôi đi, bốn mùa lại luân chuyển, vạn vật cuốn vào vòng xoáy của
không gian. Sinh ra, tồn tại và rồi lại tan biến vào hư vô. Phải chăng chỉ có cái đẹp tồn tại
với đời? Phải chăng vì thế nên vượt qua bao sự băng hoại của thời gian, văn chương vẫn
cháy lên sức sống mãnh liệt như thể nó là một sự thiên vị của tạo hóa. Văn chương không
chỉ là cái đẹp, cái bóng bẩy của ngôn từ, văn chương không chỉ là giá trị tươi đẹp hiện
hữu giữa đời thường, không chỉ là nghệ thuật thanh cao thuần khiết, không chỉ là thứ
phép màu nhiệm chắt lọc tâm hồn mà hơn thế nữa, văn chương còn là tình yêu, là niềm
sống, nỗi thương cảm, đau xót hay cả những khoan khoái cất lên từ sự va đập giữa cái
xấu xa của cuộc đời, là trái tim ấm nồng kì vọng và khát khao hướng tới cái đẹp. Văn
chương chân chính ngay cả khi nói về cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát vọng hướng
thiện. Một nhành hồng ở lại giữa đời nhờ hương thơm say đắm, không nồng nàn như cúc
họa mi, không ngọt ngào như ngọc lan vừa chớm nở, một chú chim ở lại giữa đời nhờ
tiếng hót thiết tha cất lên giữa đồng ca núi rừng, liệu thứ ở lại giữa đời đối với mỗi nhà
văn phải chăng chính là giọng nói của riêng mình… Văn hào Nga Lép-tôn-xtôi không
phải ngẫu nhiên mà khẳng định rằng: “Khi một nhà văn mới bước vào làng văn, điều đầu
tiên tôi sẽ hỏi anh ta là anh sẽ mạng lại điều gì mới cho văn học?”. Câu nói ấy đã đúc kết
một lẽ sinh tử của văn chương nghệ thuật, một nỗi trăn trở, day dứt của biết bao nhà văn
chân chính. Đó là sự khám phá, sáng tạo cái mới trong văn học. Và nổi bật trong những
ngòi bút mang lại làn gió độc đáo thổi phồng sự sinh động cho thế giới văn học nước ta,
chúng ta không thể quên nhắc đến cái “lạ” trong từng vần điệu của nhà văn Nam Cao qua
tác phẩm cực kì nổi bật mang tên “Chí Phèo”. Qua đó, ta thấy được sức mạnh cảm hóa vô
biên của tình người mà ở đó, những chuyển biến tâm lí được thể hiện sinh động, đặc sắc
nhất là quá trình sau khi Chí gặp Thị Nở.
Hoạt động sáng tạo trong văn học cũng là cốt lõi trong tâm niệm một đời sáng tác của
Nam Cao: “Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu
đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những
nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa – Nam Cao). Khi nhịp sống
hối hả ngày càng hiện đại và đầy đủ tiện nghi, nếu không muốn bị thay thế, con người
chúng ta phải thay đổi. Văn chương cũng thế, một người chân chính vào làng văn có lẽ đã
ý thức được trách nhiệm của mình, biết quý trọng độc giả, biết đào sâu và khơi nguồn
những tư tưởng đậm chất mới, biến những câu chữ gò bó, biến những ý nghĩ cũ mòn, sáo
rỗng thành một hình sắc riêng không lẫn với người khác. Phong thái văn chương của
Nam Cao lấp lánh sáng tạo, dựng lên những con người rất thực, rất gần nhưng lại rất lạ và
rất mới, hệt như Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ trang sách của ông. Tác phẩm cùng tên
là một truyện ngắn thể hiện rõ cách nhìn nhận mới mẻ của Nam Cao về cuộc sống bần
cùng hóa của người nông dân trước cách mạng. Vẫn là những xúc cảm chua chát dai dẳng
tột cùng của người nông dân, nhưng lại đau đớn một cách rất “khác”. Nếu như Vũ Trọng
Phụng tả chân thật sắc sảo, phê phán những giá trị hiện thực mục nát của xã hội nửa
phong kiến đương thời qua “Hạnh phúc của một tang gia”, Vũ Công Hoan viết văn trào
phúng về nhân vật anh Pha trong “Bước đường cùng” hay một Thạch Lam trầm lặng, tinh
tế và nhẹ nhàng nêu lên nỗi đau âm ỉ qua “Hai đứa trẻ” thì, Nam Cao là một phức hợp,
một tổng hòa của những cực đối nghịch: bi và hài, trữ tình và triết lí, cụ thể và khái quát;
là một dòng xám buồn của văn xuôi đời thường tiềm ẩn nhiều lớp nghĩa, phản chiếu lên
những triết lí và cảm xúc con người với một tầm vóc to lớn.

Tưởng chừng những tác phẩm trên đã chạm đến niềm thương cảm tột cùng của con
người, cho đến khi Chí bước ra từ trang sách Nam Cao, ta mới thật sự dằn xé với nỗi khổ
đớn đau nhất của một người nông dân Việt Nam. Đúng như cách nhà phê bình Nguyễn
Đăng Mạnh đã nói: “Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang sách của Nam
Cao thì người ta liền nhận ra rằng đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn khổ,
tủi nhục nhất của người dân cày ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy
hoại từ nhân tính đến nhân hình”. Chị Dậu bán chó, bán con, bán sữa nhưng chị còn
được là con người, còn Chí phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình để thành “con quỷ
dữ” làng Vũ Đại. Nỗi đau đớn, cay đắng, ám ảnh ấy được đúc kết qua dòng thơ:

“Nam Cao chết và Chí Phèo vẫn sống


Nào có dài chi một kiếp người
Nhà văn mất nhân vật từ trong sách
Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai.”

Không đi vào sưu cao thuế nặng, không đi vào nỗi khổ về vật chất mà cái nhìn của Nam
Cao về người nông dân chính là nỗi khổ về gánh nặng và bi kịch tinh thần. Chí Phèo là
một đứa trẻ ngay từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi bên cạnh cái lò gạch cũ, được một anh đi thả
ống lươn nhặt về nuôi rồi lớn lên qua sự truyền tay nhau của dân làng Vũ Đại. Chí Phèo
lớn lên trở thành canh điền cho cụ Bá Kiến. Tuy bất hạnh nhưng Chí vẫn là một người
lương thiện, hiền lành. Hắn khỏe mạnh cày thuê làm mướn cho cụ Bá với tính cách chịu
khó của một người nông dân, hắn tự nuôi sống mình bằng chính đôi tay của mình. Chí
cũng ước mơ, một khao khát hiền lành lương thiện như bao người khác “có một gia đình
nho nhỏ chống cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại nuôi một con lợn làm vốn
liếng, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.” một ước mơ rất đỗi bình dị. Chí là một
người giàu lòng tự trọng nên khi bị bà Ba gọi lại bóp chân, mà cứ bóp cao lên nữa thì Chí
thấy nhục hơn là thấy thích. Khi nhìn thấy cảnh Chí Phèo bóp đùi của vợ mình, tên Bá
Kiến đẩy Chí vào tù và sau nhiều năm, với sự nhào nặn của nhà tù thực dân, Chí đã biến
thành một con người hoàn toàn khác, trở thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại” với sự tha hóa
cả nhân tính lẫn nhân hình. Chí lần này trở về trông khác hẳn “cái đầu thì trọc lóc, cái
răng cạo trắng hớn, mặt đen mà rất câng câng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”;
“trên tay chạm trổ những hình con rồng, con phượng”. Ngoại hình hắn đã thay đổi hoàn
toàn từ một người nông dân hiền lành, khỏe mạnh thành một thằng săng đá. Chí chìm
ngập trong những cơn say, ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, chửi trong lúc say, thức
dậy vẫn còn say. Những cơn say đó cứ nối tiếp nhau thành một cơn say dài miên man
không dứt. Chí say để làm gì? Phải chăng vì để trốn tránh những u uất của quá khứ đau
buồn?. Chí “chửi trời, chửi đất, chửi dân làng Vũ Đại, chửi những ai không chịu chửi
nhau với hắn, cuối cùng là chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ thế này”.
Hắn ăn vạ Bá Kiến nhưng với cái lão già khôn “dóc đời” thì việc thuần hóa Chí Phèo chỉ
là một việc đơn giản, hắn nịnh Chí Phèo nhận họ hàng, thiết đãi cơm rượu cho Chí yên trí
lún sâu vào tội lỗi, hắn mua chuộc Chí khiến Chí trở thành công cụ đắc lực trong việc trị
những kẻ muốn chống chế mình. Chí Phèo từ đó đi sâu vào tội lỗi, lún sâu vào ác nghiệt,
làm chảy máu và chảy nước mắt của bao người dân vô tội.
Tưởng chừng như Chí Phèo sẽ sống mãi trong trạng thái triền miên, ăn, ngủ, hại người
trong lúc say, thế nhưng bằng nhãn quan tinh tường hiếm có qua lăng kính hiện thức của
chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ soi chiếu mọi nỗi khổ đau của con người, Nam Cao xây dựng
một điểm dừng cho nhân vật của mình thẳm sâu trong tâm hồn của con quỷ dữ của Làng
Vũ Đại, đó là phần người vẫn tiềm tày, chực chờ được phát hiện và khai sáng. Chắc hẳn
trong ánh mắt đáng sợ ấy là một nỗi dằn xé tột cùng len lỏi những cảm xúc mỏng manh
còn sót lại, Nam Cao đã tinh tế nhận ra điểm tốt đẹp đó trong tâm hồn của một con người
tưởng như không thể ngóc đầu dậy được nữa, ông mở ra cho hắn một cánh cửa thiên
lương bằng cách đưa Thị Nở rất đỗi mộc mạc, tự nhiên bước vào cuộc đời Chí. Vào một
hôm say khướt sau khi nhậu hả hê bên nhà Tự Lãng, Chí lảo đảo ra về. Bất ngờ, hắn gặp
một người đàn bà ngủ quên bên con sông gần nhà. Trong hơi men, Chí đã ăn nằm với Thị
Nở và ngủ say dưới bóng trăng. Chính nhờ cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, những chuyển
biến tích cực len lói trong tâm trạng của một con người bị đày đọa đến tha hóa.
Lần đầu tiên Chí “tỉnh” sau hàng vạn cơn say khướt, tỉnh để cảm thấy miệng đắng và
lòng thì mơ hồ. Chí nhận ra thực tại của mình qua hình ánh cái túp lều. Đó là túp lều
ngoài bờ sông mà anh đã phải đánh đổi bằng máu, bằng lương tri, làm tay sai cho bá Kiến
mà có được, một cái túp lều ẩm thấp, tối tăm: “Ở đây người ta thấy chiều lúc xế trưa gặp
đêm khi bên ngoài vẫn sáng”. Đây không phải nơi ở của con người, nó là địa ngục trần
gian mà Chí đã và đang chết dần chết mòn. Vậy mà chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế
bởi Chí chưa bao giờ hết say. Lần đầu tiên hắn cảm nhận được sự góp mặt của vạn vật
xung quanh “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi
chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có.
Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy”. Lần đầu tiên con người tha hóa kia bâng khuâng và
“sợ rượu”-một biểu hiện của sự thức tỉnh rõ ràng nhất. Phải chăng Chí Phèo nhớ về anh
nông dân lương thiện với mong ước bé bỏng là một gia đình ấm cúng? Phải chăng hắn
cũng tự giật mình về hoàn cảnh hiện tại của bản thân: “trông thấy trước tuổi già của hắn,
đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”? Bằng khả
năng phân tích tâm lí nhân vật tài tình, Nam Cao đã phân tích sâu vào tâm hồn của Chí để
nhận ra những thay đổi nhỏ nhặt nhất và tinh tế mô tả quá trình thức tỉnh lương tri của
con người tha hóa cả nhân hình lẫn nhân tính.
Xã hội Việt Nam vào những năm 40 đang xáo trộn và quằn quại trong quá trình bần cùng
hóa bởi những cơn đói khát triền miên, những khu làng xóm tiêu điều thảm hại, những số
phận lụi tàn xơ xác, những mối quan hệ nhẫn tâm, tan tác giữa người với người, những sự
tuyệt vọng đổ vỡ trong nhân cách từng cá nhân… tất cả đã được Nam Cao phanh phui hết
thảy qua đôi mắt hiện thực đầy sắc sảo, hệt như câu thoại “Một người đau chân có lúc
nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ
quá thì người ta chằng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị
những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỷ che lấp mất…” (Lão Hạc-Nam Cao). Bởi “bản tính
tốt” của chúng ta có thể bị “che lấp mất’, thế nên mỗi tâm hồn luôn cần có một tâm hồn,
để xoa dịu, đồng cảm và sẻ chia. Trong lúc Chí rơi vào trạng thái sợ hãi và cô độc, Thị
Nở lại xuất hiện trong cuộc sống của hắn. Chí Phèo một lần nữa sôi sục niềm hi vọng của
thời trẻ: “hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ”, “chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt
vải”; “bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng”, “khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
Thế đấy, tình yêu bao giờ cũng gắn kết con người và có sức cảm hóa vô biên. Khác biệt
với các nhà văn khác ca ngợi vẻ đẹp của nhân vật bằng những ca từ hết sức trọn vẹn,
Nam Cao lại dùng những tính từ miệt thị đến cùng khi miêu tả Chí Phèo như thể đang tìm
kiếm những thiên lương cuối cùng trong nhân cách méo mó của con người đáng thương.
Vậy nên hình ảnh Thị Nở bước vào cùng với bát cháo hành là một hình tượng mộc mạc
nhưng lại đẹp đẽ nhất, đồng thời cũng là một chi tiết nghệ thuật đem đến nhiều mĩ cảm
cho độc giả. Lần đầu tiên Chí Phèo cảm thấy xúc động khi có người quan tâm đến mình:
“rất ngạc nhiên”, “mắt ươn ướt”, “bâng khuâng”. “Con quỷ dữ làng Vũ Đại” đã khóc,
điều đó cho thấy rõ sự lương thiện ẩn sâu trong trái tim đã vụn vỡ bởi những đày đọa của
cuộc đời. Thành ngữ “nước mắt cá sấu” để ám chỉ những giọt nước mắt giả dối, nhưng
dường như với nhà văn Nam Cao, ông là không tin vào hình ảnh đó. Có thể thấy, ông là
người rất hi vọng vào giọt nước mắt hướng thiện, thiên lương của con người thông qua
việc xây dựng cốt truyện và tính cách, hình ảnh của các nhân vật trong sáng tác của mình.
Niềm tin mãnh liệt cùng lòng cảm thông sâu sắc của ông đối với cái ác dường như đã dấy
lên lòng trắc ẩn trong con người vô nhân tính, để họ quay trở lại với con đường sống tốt
đẹp, để họ biết quay đầu và không trượt dài trong tội lỗi. Chí đón nhận bát cháo hành
thơm ngon một cách trân trọng “hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời
không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon”. Hình ảnh bát cháo hành –
một chi tiết nghệ thuật đầy dụng ý của Nam Cao góp phần thể hiện tư tưởng ý nghĩa của
nhà văn: điều mà con người chúng ta thiếu đó chính là lòng tốt – một lòng tốt rất đỗi bình
thường cũng có thể cứu rỗi con người. Và thứ Thị Nở cho Chí không đơn giản chỉ là bát
cháo hành mà còn là một tình yêu thương mộc mạc, là ánh sáng soi rọi vào sâu thẳm tâm
hổn Chí làm bừng lên chất người trong anh, khiến cho anh khát khao trở về lương thiện.
Người ta thường nói “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ, mà ở trong
ánh mắt của kẻ si tình”, có lẽ vì thế mà Chí nhìn nụ cười và thấy Thị “có duyên”, “xấu
mà e lệ thì cũng đáng yêu”, nét duyên dáng của một vẻ đẹp nguyên sơ, ngây ngô không
vướng bụi trần. Chí vừa vui và cũng vừa buồn, vừa hạnh phúc nhưng cũng thật ăn năn.
Cầm bát cháo húp, mồ hôi đổ ra những giọt to như giọt nước nhưng Chí vẫn cười, vẫn
đắm say trong niềm hạnh phúc mà bát cháo hành của Thị mang lại. Trước sự chăm sóc
ấy, lòng Chí bỗng trở nên trẻ con, hắn làm nũng với Thị. Nói cho cùng đây là sự kết
duyên của hai tâm hồn đồng điệu: một Thị Nở với ngoại hình xấu xí nhưng vẻ đẹp tâm
hồn thì rạng rỡ, một Chí Phèo bị tha hóa nhưng vẫn còn bản chất lương thiện của người
nông dân. Và khi bản chất ấy sống dậy là khi Chí khao khát tình cảm gia đình “Giá cứ
thế này mãi thì thích nhỉ?”. Như thế này mãi nghĩa là Chí muốn có cuộc sống bình yên
và hạnh phúc không chỉ riêng bên Thị Nở mà còn bên mọi người. Cái tình yêu của Thị và
Chí nói đúng nghĩa hơn là vừa cho vừa nhận “đó là cái lòng yêu của một người làm ơn”.
Tình yêu to lớn ấy khiến Chí Phèo ngỏ lời với Thị Nở “Hay là mình sang đây ở với tớ
một nhà cho vui”. Chí Phèo thật sự mong mỏi được hoàn lương, có một cuộc sống bình
thường như những con người khác “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi
người biết bao”. Đó là lời kể, lời miêu tả nội tâm Nam Cao hay đó chính là tiếng lòng
thẳm sâu của Chí? Chính Thị Nở đã đánh thức lòng thèm khát lương tri của Chí. Qua
những thay đổi tích cực ấy, tác giả một lần nữa khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc về
khát vọng mãnh liệt muốn được sống một cuộc sống lương thiện của người lao động
nghèo mà không một thế lực tàn bạo nào có thể hủy diệt được.
Thông qua quá trình gặp gỡ Thị Nở, Nam Cao đã soi vào tác phẩm một ánh sáng nhân
đạo thật đẹp đẽ, ông hòa vào nhân vật để hiểu, cảm thông và chia sẻ những phút giây
hạnh phúc hiếm hoi của Chí Phèo. Nam Cao ghi đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc bởi
những phát hiện mới mẻ trong tư tưởng nhân đạo, đó là sự trân trọng và đồng cảm với
những khát vọng của một con người, kể cả những người ở tận cùng đáy xã hội. Có lẽ bên
cạnh thứ văn chương trữ tình kết hợp cùng bút pháp phân tích tâm lí sâu sắc, tấm lòng xót
thương, nâng niu và trân trọng những kiếp đời nhỏ bé của Nam Cao đã thắp sáng lòng
trắc ẩn của con người, để rồi góp phần tạo nên những thành công lớn cho tác phẩm.
Một chi tiết nhỏ lại làm nên tên tuổi của nhà văn lớn. Nam Cao thấy được sự phi thường
trong những thứ bình thường cũng như cảm thận được sự bình thường thường trong
những điều phi thường bằng cả khối óc và trái tim. Từ đó, ông chắp bút lên những mảnh
đời bất hạnh, khơi dậy lòng trắc ẩn và tình yêu thương trong lòng độc giả. Nam Cao là
một nét chấm phá đặc biệt điểm xuyến cho nền văn học rực rỡ của nước nhà. Văn Nam
Cao, với tất cả những nét độc đáo, đã, đang và sẽ mở ra nhiều lối tư duy, suy ngẫm tiến
bộ về cuộc đời, về quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Sức sống trong phong cách của ông
là tình cảm không vơi cạn, là nỗi cảm thông cực kì hiếm có đối với những kiếp đời vừa
đáng ghét vừa đáng thương. Hơn hết, ông sống và viết bằng cả trái tim chan chứa tình
yêu thương, bằng cái “nghệ thuật luôn hướng đến con người” để rồi ghi dấu cho đời
những nguồn mạch sữa nhân đạo, dâng hiến bầu máu nóng chan chứa lòng trắc ẩn của
nhân loại. Có phải chăng, thiên chức của nhà văn là suốt đời đi tìm hạt ngọc ẩn dấu trong
bề sâu tâm hồn của con người. Có phải chăng, thiên chức ấy là suốt đời nâng đỡ cái tốt
đẹp, là suốt đời làm nảy nở cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những chân lí quý báu cho
thế gian…

You might also like