You are on page 1of 2

ĐỀ 1

Nam Cao là nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Ông là
một nhà văn có quan điểm nghệ thuật tiến bộ, có tấm lòng đôn hậu, chan chứa tình thương, gắn bó sâu nặng với
quê hương và những người nông dân nghèo khổ. Nam Cao quan niệm rằng “nghệ thuật vị nhân sinh” (vì con
người), vì nhân đạo chủ nghĩa. Nên khi đến với truyện ngắn “Chí Phèo”, một trong những truyện ngắn viết về đề
tài người nông dân nghèo trước cách mạng tháng tám ông đã cho thấy một Chí Phèo – đại diện cho tấn bi kịch
của người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội cũ. Nam Cao thông cảm và tố cáo, lên án xã hội thực dân nửa
phong kiên đã đẩy Chí Phèo vào đường cùng. Đồng thời, nhà văn cũng trân trọng và phát hiện, khẳng định bản
chất tốt đẹp của những con người này khi tưởng chừng họ đã biến thành quỷ dữ. Bản chât tốt đẹp của Chí Phèo
được khơi gợi nhờ sự yêu thương, chăm sóc của thị Nở thông qua bát cháo hành dành cho Chí Phèo: “Thằng này
rất ngạc nhiên.... sao lại chỉ gây kẻ thù?”.
Chí Phèo được viết năm 1941, là tác phẩm kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Nam Cao. Được khai
thác từ người thật, việc thật mà Nam Cao chứng kiến và nghe kể về làng quê của mình. Nam Cao dựng lên một
làng Vũ Đại sống động, hết sức ngột ngạt đen tối. Đây chính là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn Việt Nam trước
cách mạng tháng tám với những mâu thuẫn giai cấp gay gắt. Chí Phèo – là nạn nhân tiêu biểu nhất của làng Vũ
Đại, điển hình cho một bộ phận nông dân nghèo, thể hiện quy luật có tính phổ biến trong xã hội cũ là quy luật
bần cùng hóa, lưu manh hóa con người.
Chí Phèo là một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trong lò gạch cũ, được người dân chuyền tay nhau nuôi lớn. Lớn
lên, hắn làm tá điền cho nhà lí Kiến nhưng vì lí Kiến ghen nên khiến hắn bị đẩy vào tù. Đến khi ra tù, hắn đã trở
thành “con quỷ dữ” và là tay sai đắc lực của bá Kiến. Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, Chí Phèo thức tỉnh, khao khát
một cuộc đời lương thiện. Nhưng lại bị Thị tư chối, bị xã hội cự tuyệt làm người. Quá phẫn uất, tuyệt vọng, Chí
bèn cầm dao đi giết Bá Kiến rồi tự sát.
Mở đầu truyện ta thấy cảnh ngộ cô đơn, bi đát của Chí Phèo sau khi ra tù. Hắn trút hết mọi đau khổ, phẫn
uất của mình vào từng câu chửi: chửi trời, chửi đời và chửi “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn”, chửi cả làng Vũ
Đại… thế nhưng chẳng ai đáp lại hắn. Giờ đây, trong mắt mọi người hắn chỉ là con thú dữ - còn không được xem
là người – dù hắn cũng từng là người lao động lương thiện, chân chính. Hắn bị phá hủy cả thể xác và tâm hồn,
nhưng chẳng ai đồng ý cứu hắn. Thế nhưng Nam Cao không để nhân vật của mình trở thành “con quỷ dữ” mãi,
người như Chí Phèo cũng có thể được cứu, chính nồi cháo hành của thị Nở trong cơn bệnh đã cứu lấy hắn. Giúp
thức tỉnh phần người bấy lâu nay bị vùi lấp, để hắn trở về sống kiếp người một cách tự nhiên. Sự quan tâm, chăm
sóc của thị đã giúp Chí Phèo cởi bỏ cái vỏ “quỷ dữ” để sống làm người, khát khao hoàn lương, sống lương thiện.
Khi Chí tỉnh rượu – lần đầu tiên hắn tỉnh sau khi ra tù, Chí đã nghe và cảm được âm thanh nhộn nhịp của cuộc
sống lao động, cũng là lần đầu tiên hắn được chăm sóc bởi người đàn bà. Trong chốc lát, Chí đã nhận thức được
cuộc đời mình trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai. Hắn nhớ về tội ác hắn gây ra, hắn sợ “già mà vẫn còn cô
độc”, “đói rét, ốm đau” mà chẳng ai lo, hắn biết hắn đã ở cái dốc cuộc đời, mong ước được hoàn lương và có
một gia đình riêng lại mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Phải chăng Chí đang hối hận và ăn năn những việc mà mình đã làm? Chẳng biết có phải hay không mà Chí
thấy lòng buồn man mác. Và nếu như Thị Nở không qua, chắc là hắn đã khóc được mất. Và rồi chính bàn tay ân
cần của Thị Nở cùng với tình yêu của thị đã khơi dậy trong Chí phần người. Bát cháo hành chính là liều thuốc
giải độc góp phần thức tỉnh phần người trong con quỷ dữ. Kỳ diệu làm sao bát cháo hành Thị Nở, một liều tiên
dược vừa giải cảm vừa giải độc. Cháo hành đã tẩy ố đi men rượu, gột rửa những tội lỗi con người. Cháo hành có
hương vị đặc biệt quá, những kẻ vô nhân tính như cha con nhà Bá Kiến làm sao mà biết được. Đó là hương vị
của tình người, hương vị của tình yêu. Khi mà cả làng Vũ Đại không chấp nhận Chí là con người thì Thị Nở đã
giang rộng vòng tay để đón lấy anh. Và bát cháo hành kia vô hình dung đã sưởi ấm cho trái tim nguội lạnh và mở
đầu cho một mối thiên duyên. Nhìn bát cháo bốc khói mà lòng Chí Phèo xao xuyến bâng khuâng. Hắn ăn cháo
hành và lấy làm mãn nguyện vì vị ngon của nó. Chí Phèo quen sống với một kiểu định nghĩa : Muốn có cái ăn
hắn phải kêu làng, phải rạch mặt ăn vạ, hắn phải thực sự hóa thân vào con quỷ dữ...
Mỗi miếng ăn hàng ngày của Chí đều có máu và nước mắt của những người dân lương thiện làng Vũ Đại. Nhưng
hôm nay cái triết lý sống ấy của Chí dường như đã thay đổi, những gì hắn đã từng có giờ phản bội lại hắn trong
hương cháo hành của người đàn bà xấu như ma chê quỷ hờn kia. Hắn hiểu rằng người ta sống với nhau không
chỉ bằng tội ác mà còn bằng cả tình thương yêu nữa. Mắt hắn lần đầu tiên ươn ướt. Hơi cháo hành phảng phất
phục sinh phần người trong Chí... Hắn có thể sống với người ta bằng tình yêu, hắn nhen nhóm một mơ ước về
cuộc sống bình dị... Hương cháo là hương cuộc đời, hương tình yêu mà từ trước đến giờ chưa ai cho Chí cả... Bát
cháo hành giản dị nhưng bao nhân tính ẩn chứa, nó giữ chân Chí Phèo đứng lại ở bờ của phần người...Từ một
con quỉ dữ, nhờ Thị Nở, đúng hơn nhờ tình thương của Thị Nở, Chí thực sự được trở lại làm người, với tất cả
những năng lực vốn có. Một chút tình thương, dù là tình thương của một con người dở hơi, bệnh hoạn, thô kệch,
xấu xí,... cũng đủ để làm sống dậy cả một bản tính người nơi Chí Phèo. Thế mới biết sức cảm hóa của tình
thương kỳ diệu biết nhường nào!
Nam Cao không trách giận Chí Phèo, ngòi bút của ông dành cho nhân vật vẫn nồng nàn yêu thương. Ông
phát hiện trong chiều sâu của nhân vật là bản tính tốt đẹp, chỉ cần chút tình thương chạm khẽ vào là có thể sống
dậy mãnh liệt, tha thiết. Sự xuất hiện của nhân vật Thị Nở trong tác phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người
xấu đến "ma chê quỉ hờn", kỳ diệu thay, lại là nguồn ánh sáng duy nhất đã rọi vào chốn tối tăm của tâm hồn Chí
Phèo để thức tỉnh, gợi dậy bản tính người nơi Chí Phèo, thắp sáng một trái tim đã ngủ mê qua bao ngày tháng bị
dập vùi, hắt hủi. Chính cuộc tình ngắn ngủi với Thị Nở trong một đêm trăng đã vô tình thắp lên ngọn lửa cuộc
sống trong Chí. Có nhà phê bình đã cho rằng: Thị Nở là một sứ giả mà Nam Cao phái đến để thức tỉnh Chí Phèo.
Đó là sứ giả của tình yêu thương và tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Nhưng có lẽ cần phải nói thêm, Thị
Nở không chỉ là vai trò sứ giả của lòng nhân đạo mà Thị còn là một “thiên sứ” của tình yêu. Vị thiên sứ này
không có đôi cánh thiên thần nhưng có đôi tay đầy ắp tình người. Thiên sứ ấy như một ngọn gió, một ngọn lửa
thổi vào tâm hồn của Chí. Nếu là gió, gió sẽ thổi bay lớp tro tàn đang vây quanh anh. Nếu là lửa, lửa sẽ đốt cháy
lớp vỏ quỷ dữ để trả về cho anh một con người.
Chi tiết “bát cháo hành” thể hiện tình cảm nhân đạo và tài năng miêu tả, phân tích tâm lý của nhân vật
Nam Cao. Nam Cao khẳng định sức sống bất diệt của “thiên lương”. Ngay cả khi con người bị tha hóa, đẩy vào
con đường lưu manh thì cái bản tính ấy tạm thời chìm xuống khi gặp trận gió tình yêu thương thổi tới sẽ bùng
cháy mãnh liệt. Đó là bài học: sống trên đời cần có sự quan tâm, chia sẻ và tình cảm yêu thương giữa người với
người. Chính tình yêu thương sẽ giảm bớt thù hận, nuôi dưỡng nhân tính và cảm hóa con người.
Bằng nghệ thuật độc đáo, khắc họa những tính cách điển hình: miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật, ngôn
ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật nhiều khi được lồng ghép vào nhau Tác phẩm ghi lại bức tranh về xã
hội thực dân phong kiến tàn bạo, vô nhân tính. Đồng thời cũng tái hiện lại chân thực bức tranh cuộc sống khốn
cùng, bế tắc của người dân lao động bị xã hội cũ đẩy vào con đường tha hóa. Nhà văn miêu tả số phận bất hạnh
và cảm thông sâu sắc với bi kịch của người nông dân của. Đồng thời ông còn khẳng định sức sống bất diệt của
thiên lương. Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Không
thế lực bào tàn nào có thể hủy diệt. Từ đó, nhà văn kêu gọi mọi người hãy luôn tin vào con người, tin vào bản
chất tốt đẹp của mỗi người.
Chí Phèo là một kiệt tác bất hủ bởi nó chứa đựng trong đó là tư tưởng, tình cảm lớn mang giá trị nhân
đạo và hiện thực sâu sắc mà người đọc rút ra được từ những trang sách giàu tính nghệ thuật của Nam Cao. Tác
phẩm Chí Phèo mãi mãi bất tử, mãi mãi có khả năng đánh thức trí tuệ và khơi dậy những tình cảm đẹp đẽ trong
tâm hồn người đọc mọi thời đại. Có một nhà thơ đã từng viết rằng: "Nam Cao mất và Chí Phèo vẫn sống - Nào
có dài chi một kiếp người - Nhà văn chết, nhân vật từ trang sách - Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai". Vâng!
Gần một thế kỉ qua, giá trị nghệ thuật và ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm, vượt qua gió bụi thời gian, đã chứng
minh sức sống mạnh mẽ, bất hủ của nó.

You might also like