You are on page 1of 18

PHÂN TÍCH CHI TIẾT TIẾNG CHỬI CỦA CHÍ PHÈO:

Nhà văn M.Gorki đã từng nói "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Văn học
chính là đứa con tinh thần của mỗi nhà văn, nhà thơ được cấu thành từ nhiều yếu
tố. Đó là sự chắt lọc về mặt ngôn ngữ, việc xây dựng hình ảnh đầy dụng tâm của
nhà văn, nhà thơ. Một tác phẩm dài ngắn không quan trọng, mà hơn cả đó chính là
sự neo đậu trong lòng người. Đôi khi chỉ cần một chi tiết nhỏ nhưng lại để lại dấu
ấn muôn đời, tạo thành nét riêng độc đáo của tác giả. Và chi tiết tiếng chửi trong
Chí Phèo của Nam Cao cũng vậy, nó để lại ấn tượng sâu sắc để mỗi lần nhắc đến
Chí Phèo người ta lại nghĩ ngay đến tiếng chửi bất mãn của hắn.
Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà,
huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân nay là xã Hòa Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam.
Ông đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh là Nam Cao. Với 15 năm
cầm bút, ông đã kịp để lại một khối lượng tác phẩm không nhỏ, đặc biệt trong hệ
thống tác phẩm của ông nổi bật là phong cách trữ tình, sâu lắng, trào lộng, xót xa,
hóm hỉnh mà tế nhị, sang trong mà bình dị, tinh vi mà khái quát. Thời gian đầu
cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Dần dần
nhận ra văn chương đó xa lạ với đời sống lầm than của người lao động, ông đã
đoạn tuyệt với nó và tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa. Nam Cao
nhận thức nghệ thuật phải gắn bó với đời sống, nhìn thẳng vào sự thật tàn nhẫn,
phải nói lên nỗi thống khổ, cùng quẫn của nhân dân và vì họ mà lên tiếng. Chí
Phèo là truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Nam Cao viết vào tháng 12 năm 1941.
Đây là tác phẩm xuất sắc, thể hiện nghệ thuật viết truyện độc đáo của tác giả. Đồng
thời thể hiện tấm bi kịch của một người nông dân nghèo bị tha hóa trong xã hội.
Ngay từ đầu tác phẩm, Nam Cao đã để nhân vật của mình xuất hiện một
cách độc đáo với tiếng chửi. Chí Phèo xuất hiện lần đầu trước mắt người đọc
không phải bằng xương thịt mà là bằng tiếng chửi '' hắn vừa đi vừa chửi '' . Đó là
hình ảnh vừa quen vừa lạ. Quen vì đó là tiếng chửi của những người say rượu,
không thể nhận thức đúng đắn: Chí '' chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi
cha đứa nào không chửi nhau với hắn, chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ ra thân hắn''.
Tiếng chửi hướng tới các đối tượng từ mơ hồ, vu vơ đến cụ thể. Lạ vì Chí chửi
nhưng không có người nghe chửi và cũng không có ai chửi lại Chí ngay cả khi hắn
trực diện '' cả làng Vũ Đại'' và chửi cụ thể có đối tượng '' cha đứa nào không chửi
nhau với hắn''. Càng lạ hơn nữa khi nghe Chí Phèo không còn biết chửi ai, đã quay
ra chửi những người đã đẻ ra thân hắn. Căy đắng thay khi đáp lại những uất ức, bất
mãn của Chí lại là '' tiếng chó cắn lao xao''. Chí đã bị đánh bật ra khỏi cái xã hội
loài người. Xã hội mà dù sống trong nó Chí cũng không còn được xem là con
người.
Đó là một tiếng chửi vật vã, đau đớn của một thân phận con người ít nhiều
nhận thức được bi kịch của chính mình. Tiếng chửi là toàn bộ phản ứng của Chí
với cuộc đời bộc lộ tâm trạng phẫn uất, bất mãn khi ý thức được mình bị xã hội gạt
ra khỏi thế giới loài người và tiếng chửi của Chí Phèo cũng chẳng có ai đáp lại,
không có ai còn ra điều với hắn, cũng có thể vì sợ, cũng có thể vì chẳng ai coi hắn
là người nữa. Tiếng chửi ấy là tiếng kêu tuyệt vọng của một con người cô đơn cần
được giao tiếp dẫu là cách giao tiếp hạ đẳng nhất nhưng người dân Vũ Đại quen
coi hắn là quỷ dữ mất rồi... Qua tiếng chửi ấy, ta nhận ra bốn thái độ: thái độ hằn
học, hận thù của người chửi, thái độ dửng dưng, khinh miệt của người nghe, thái
độ xót xa, thương cảm của nhà văn và thái độ tò mò, thương xót của người đọc...
Cuộc đời cay đắng của con người đau khổ ấy còn đi đến đâu và như thế nào sẽ là
một ẩn số với người đọc…
Tiếng chửi hé lộ cuộc đời đau thương của một con người nhận biết được bi
kịch của mình mà đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra. Đó là bi kịch sống giữa cuộc
đời mà bị tước quyền làm người . Đây là cách vào truyện độc đáo. Bằng cách này,
Nam Cao đã tạo được ấn tượng trong bạn đọc về nhân vật chính với đầy sự băn
khoăn, thắc mắc: vì sao trên đời lại có một kẻ tha hóa đến như vậy? Vì sao nó chửi
mà không có ai chửi lại? Ngôn ngữ kể chuyện, trần thuật, dựng chân dung nhân vật
rất đặc sắc, kết hợp điêu luyện, sinh động các dạng thức ngôn ngữ nghệ thuật như
ngôn ngữ của tác giả, của người kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật, cách trần thuật linh
hoạt, lúc thì theo điểm nhìn của tác giả '' hắn vừa đi vừa chửi'', khi thì theo điểm
nhìn nhân vật: ''Tức thật ! Ờ ! Thế này thì tức thật !...điều đó đã tạo nên một đoạn
văn đa giọng điệu.
Ta đã từng đau xót cho số phận nghèo khổ, tăm tối của chị Dậu, chị Dậu
nghèo tới mức phải bán con, bán chó, bán sữa nhưng Ngô Tất Tố không để chị bán
nhân phẩm của mình. Còn Chí Phèo, hắn đã bán cả linh hồn cho quỷ dữ với cái giá
rẻ bèo và cuối cùng bị ghẻ lạnh, cô đơn trong chính xã hội loài người. Trong đoạn
văn, cứ sau một lời kể khách quan mang tính chất thông báo là một lời nhận xét
của tác giả. Như vậy, bằng hiện tượng đa nghĩa của giọng điệu, ta không chỉ thấy
thái độ, tình cảm của nhân vật mà còn cảm nhận được trái tim nhà văn đang lên
tiếng. Đằng sau lời văn lạnh lùng gần như sắc lạnh ấy lại là một tấm lòng xót
thương sâu sắc cho nhân vật và cả sự căm phẫn xã hội vô nhân đạo đã đẻ ra hiện
tượng Chí Phèo.
Nhìn sâu vào tác phẩm và tâm hồn của Chí, rõ ràng đây không phải là tiếng
chửi, mà là tiếng lòng thống thiết từ trái tim bị chà đạp đến tận cùng và nó bật lên
thành tiếng kêu thương đau đớn với hình thức biểu đạt một cách xót xa đó là tiếng
chửi. Vì vậy, mặc dù chửi, chúng ta vẫn thấy thương, vẫn thấy đau đáu, vẫn thấy
day dứt trăn trở khôn nguôi... dù những trang viết của Nam Cao đã cách xa chúng
ta gần thế kỉ. Chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo đã góp phần làm nên thành công của
nhà văn lớn Nam Cao. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật "nghệ thuật
chân chính không những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát
hiện cái phi thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường". Chỉ có nhà văn
lớn có khối óc và trái tim lớn mới làm được điều đó.

PHÂN TÍCH CHI TIẾT BÁT CHÁO HÀNH

Nhắc đến nhà văn viết về cuộc sống của những người nông dân trước Cách
mạng tháng Tám không thể không kể đến nhà văn Nam Cao. Nam Cao đã để lại
cho kho tàng văn học Việt Nam một tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo
sâu sắc, đó là tác phẩm Chí Phèo. Các nhân vật trong truyện là những con người
hiền lành lương thiện nhưng do xã hội xô đẩy khiến họ thành những con người mất
hết lương tri. Hình ảnh bát cháo hành trong truyện chính là phần thưởng quý giá
mà tác giả ban tặng cho nhân vật, tạo cơ hội cho nhân vật trở về với cuộc sống đời
thường.
Chí cô độc vì Chí không cha không mẹ, không người thân thích. Chí bị nhà
Bá Kiến đẩy vào tù trong nỗi oan ức, căm hận. Ra tù, Chí từ một người hiền lành
tử tế trở thành một thằng săng đá khiến cả làng Vũ Đại kinh sợ. Chí ngập ngụa
trong những cơn say rượu triền miên. Chí rạch mặt ăn vạ, rồi vô tình làm tay sai
chuyên đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến để có tiền uống rượu. Cũng trong cơn say ấy,
Chí đã gặp thị. Hai con người bần cùng nhất của làng Vũ Đại, của xã hội quấn vào
nhau. Để rồi, sau trận ấy, Chí lên cơn sốt hừ hừ. Thị thương tình nấu cho "người
yêu" bát cháo hành để giải sốt. Đang ốm thế thì chỉ có ăn cháo hành, ra được mồ
hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà... Thế là vừa sáng thị đã chạy đi tìm gạo.
Hành thì nhà thị may lại còn. Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra cho Chí Phèo. Bát
cháo ấy làm Chí hết sức ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn
ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào
hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì. Hắn vẫn phải dọa nạt hay là giật cướp. Hắn phải
làm cho người ta sợ. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà bâng khuâng.
Bát cháo hành đã làm cho Chí tỉnh thức sau cơn say dài triền miên, sau
những tháng ngày ngập chìm trong bóng tối. Lúc này, Chí không còn ngật ngưỡng
vừa đi vừa chửi với chai rượu ôm trong tay nữa. Tình người đang nhen nhóm trong
Chí. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao ! Chỉ khói
xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhóm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng :
những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon.
Nhưng tại sao mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo? Có thể lúc này Chí
đang rất đói vì đó là biểu hiện thông thường của những kẻ say rượu khi tỉnh. Lúc
đói ăn gì cũng thấy ngon. Nhưng với Chí thì khác, Chí không những say rượu mà
còn say trong cơn say tội lỗi, tối tăm. Hương cháo hành đã làm Chí tỉnh thức. Và
bây giờ Chí đang say thị. Một cơn say thánh thiện, một cơn say tình yêu.
Lần đầu tiên Chí được săn sóc bởi một bàn tay "đàn bà". Dẫu thị có là người
dở hơi, xấu xí tới mức ma chê quỷ hờn nhưng không ai có thể phủ nhận tấm lòng
của thị khi tình nguyện nấu cho Chí một bát cháo hành ngon lành đến thế. Chí bắt
đầu cảm nhận được những hương vị của cuộc sống giản đơn xung quanh mình.
Tiếng mái chèo gõ cá, tiếng chim hót, tiếng người nói lao xao... Những thứ ấy ngày
nào cũng có nhưng bị khỏa lấp trong men rượu nên Chí chẳng thể nào cảm nhận
được. Chí nghĩ đến những tháng ngày ở nhà Bá Kiến, bị bà ba sai khiến. Chí hiểu
rằng sự ham mê của bà ba không phải là tình yêu mà chỉ là một điều nhục nhã, dơ
bẩn. Hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả, vì thế mà bát cháo hành của thị
Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể tìm bạn được, sao lại chỉ gây kẻ thù ?
Dường như phần người trong Chí đang dần tỉnh dậy. Chí nhận ra rằng mình vẫn
còn cơ hội làm lại từ đầu, làm hòa với mọi người và chính thị sẽ là cầu nối cho
hắn.
Bát cháo hành tình nghĩa đã làm thay đổi cuộc đời Chí. Lúc này trông Chí
rất hiền. Một người đàn bà dở hơi như thị cũng dễ dàng nhận ra điều đó. Dù trên
khuôn mặt Chí đã hằn in bao vết sẹo dài sau mỗi lần rạch mặt ăn vạ, nhưng từ
trong sâu thẳm đôi mắt ăn năn, Chí đang khát khao được quay trở lại làm người
lương thiện. Nếu như bát cháo ấy cũng do Chí giành giật mà có được, hẳn nó sẽ
không mang lại nhiều thay đổi cho Chí như vậy. Bởi bát cháo được nấu lên từ tình
yêu chân thành, từ tấm lòng lương thiện của thị Nở, từ chính lòng đồng cảm, xót
thương của nhà văn Nam Cao. Yêu nhau, người ta chăm sóc cho nhau là chuyện
bình thường. Nhưng với Chí, điều ấy đáng quý, đáng trân trọng hơn bao giờ hết.
Bởi lúc gặp thị, Chí đang ở tận cùng, tận đáy của nỗi đau, nỗi tuyệt vọng.
Không một ai nhìn nhận Chí là một con người nữa. Vậy mà thị không những
làm quen với Chí mà còn yêu Chí, thương Chí bằng một tình yêu rất thật, rất tự
nhiên. Hoặc cũng có thể tình yêu là mù quáng. Nhưng rõ ràng, bát cháo hành vẫn
ẩn chứa tình người thiêng liêng vô cùng. Một người chưa từng được ăn cháo hành
sẽ thấy nó rất ngon, nhưng với Chí, nó không những ngon mà còn rất ý nghĩa. Nó
làm cho Chí tỉnh. Lúc tỉnh táo, hắn cười nghe thật hiền. Thị Nở lấy làm bằng lòng
lắm. Bây giờ thì mấy bát cháo ý chừng đã ngấm. Hắn thấy lòng rất vui.
Bát cháo ấy còn là hiện thân của lòng đồng cảm và sự xót thương của chính
nhà văn dành cho đứa con đẻ Chí Phèo của mình. Đồng thời đó cũng là tình cảm
dành cho những người nông dân đang cùng quẫn như Chí, đang sống lay lắt dưới
chế độ phong kiến tàn ác, bất nhân. Giữa xã hội ấy, họ phải dành lấy mà ăn, kẻ nào
mạnh sẽ sống, kẻ yếu sẽ chết dần chết mòn. Và trong lúc Chí đang dần đi vào cõi
chết một cách tội lỗi thì bát cháo hành của thị đã làm Chí bừng tỉnh. Chí quay đầu
lại, làm lại từ đầu.
Mặc dù sau đó, Thị đã cự tuyệt tình yêu của Chí, đã bỏ rơi Chí giữa những
tuyệt vọng phũ phàng. Dù Chí lại tìm đến rượu nhưng lần này hơi cháo hành đã lấn
át men rượu, làm Chí càng uống càng tỉnh. Chí tỉnh nên tất nhiên Chí biết mình
phải làm gì. Chí đã đến giết Bá Kiến rồi tự vẫn. Không còn một anh Chí hiền lành
hay một con quỷ dữ mang tên Chí Phèo nữa. Nhưng sau câu chuyện, hình ảnh bát
cháo hành vẫn gợi lên cho người đọc bao nghĩ suy. Bát cháo hành là sự nhân đạo,
thể hiện tình người cao quý thiêng liêng, làm thay đổi cái nhìn của người khác về
một kẻ tội đồ. Ai cũng nhìn Chí bằng con mắt kinh sợ. Nhưng sau khi nhận được
ân huệ là một bát cháo của thị Nở, được nấu bằng tình yêu thương thực sự, Chí đã
trở lại con người của chính mình. Đó là một ý nghĩa rất nhân văn. Rằng những kẻ
tội lỗi rất cần được sự quan tâm của mọi người xung quanh. Đừng hắt hủi họ.
Có thể họ đang cảm thấy tự ti, xấu hổ, đang muốn dấn sâu thêm vào tội lỗi,
nhưng khi nhận được tình cảm thật sự, tâm hồn họ sẽ được cảm hóa. Trong xã hội
ngày nay, có biết bao người đang sống trong lầm lỗi. Đừng chỉ nhìn họ bằng ánh
mắt khinh thường, ghét bỏ, bởi phía sau những tội ác họ gây ra, hẳn vẫn còn trắc
ẩn chút ít lòng lương thiện. Vậy hãy dùng lòng lương thiện của mình để làm sống
lại lòng lương thiện của họ. Thị Nở chỉ là một người đàn bà dở hơi, sở hữu "nhan
sắc trời cho" dẫu xấu tới mức ma chê quỷ hờn, thị cũng chẳng giàu có nhưng Thị
vẫn dành cho Chí một tình yêu thương thánh thiện. Còn chúng ta thì sao ? Hãy
nghĩ tới bát cháo hành, nghĩ tới những điều đã thay đổi trong cuộc đời Chí sau khi
được tận hưởng bát cháo ấy.
Nhà văn Nam Cao đã rất khéo léo khi xây dựng nên hình ảnh bát cháo hành
để người đọc thấy rằng tình người mới là thứ đáng quý nhất, đáng trân trọng nhất.
Và tình người là khi không phân biệt giàu nghèo, sang hèn... người tội lỗi lại càng
cần có tình người hơn. Giống như bát cháo hành đã xoa dịu cuộc đời Chí, giúp Chí
lấy lại được phần người trong con người của mình. Chỉ tiếc rằng, trong xã hội ấy,
Chí vẫn chỉ là một người nông dân mang thân phận thấp hèn, vẫn bị chế độ phong
kiến vùi dập, và Chí đã chọn cái chết để hương cháo hành không bị phôi phai bởi
hương rượu nữa.

PHÂN TÍCH QUÁ TRÌNH HỒI SINH CỦA CHÍ PHÈO( BUỔI SÁNG SAU HÔM ĂN NẰM VỚI THỊ NỞ)

Nam Cao là nhà văn tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam ở cả hai giai đoạn
trước và sau Cách mạng tháng Tám.Ông là một nhà văn có quan điểm nghệ thuật
tiến bộ, có tấm lòng đôn hậu,chan chứa tình thương, gắn bó sâu nặng với quê
hương và những người nông dân nghèo khổ. Đặc biệt, đến với truyện ngắn “Chí
Phèo”, một trong những truyện ngắn viết về đề tài người nông dân nghèo trước
cách mạng tháng Tám của Nam Cao, chúng ta không thể không cảm động trước
quá trình hồi sinh của Chí Phèo – một người tưởng đã là quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Chí Phèo sinh ra không cha không mẹ, không họ hàng thân thích, không nhà
không cửa, không tấc đất cắm dùi, cả đời không hề được biết đến một bàn tay
chăm sóc của phụ nữ nếu không gặp thị Nở… Hắn ra đời trong một cái lò gạch cũ
bỏ hoang, trong chiếc váy đụp; tuổi thơ của hắn bơ vơ “hết đi ở cho nhà này lại đi
ở cho nhà nọ”, đến hai mươi tuổi thì làm canh điền cho nhà Bá Kiến.
Sau một thời gian dài hoàn toàn bị tha hóa, Chí Phèo sống triền miên trong
những cơn say, không ý thức được hành động và cuộc sống của chính mình. Cho
đến khi Chí Phèo gặp Thị Nở, Chí đã thật sự được hồi sinh. Có thể nói, đây là giai
đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của Chí với những thời khắc bừng sáng ngắn
ngủi và hạnh phúc, để rồi sau đó tắt ngấm ngay. Chí lại rơi vào bế tắc và thảm kịch
đã xảy ra: đâm chết Bá Kiến rồi tự sát.
Sau một tối say rượu, Chí đã tình cờ gặp Thị Nở.Họ ăn nằm với nhau. Thế
rồi nửa đêm, Chí đau bụng, nôn mửa. Sự xuất hiện của nhân vật thị Nở trong tác
phẩm có một ý nghĩa thật đặc sắc. Con người xấu “ma chê quỷ hờn” ấy lại là
nguồn ánh sáng đã rọi vào chốn tối tăm của Chí Phèo, thức tỉnh, gọi dậy bản tính
người của Chí Phèo, thắp sáng một trái tim qua bao tháng ngày bị hắt hủi.
Bắt đầu là tỉnh rượu: Sáng hôm sau, Chí tỉnh dậy khi “trời đã sáng lâu”. Kể
từ khi mãn hạn tù trở về, đây là lần đầu tiên “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” đã hết
say, hoàn toàn tỉnh táo. Chí thấy lòng “bâng khuâng, mơ hồ buồn”. Lần đầu tiên,
Chí nghe thấy bản nhạc rộn ràng của cuộc sống lao động: đó là tiếng chim hót vui
vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá; tiếng trò chuyện của những người
đàn bà đi buôn vải về. Những âm thanh ấy hôm nào mà chả có, nhưng hôm nay
Chí mới cảm và nghe được, vì hôm nay Chí đã hết say. Phải chăng, những âm
thanh ấy là tiếng gọi thiết tha của cuộc sống Chí đã tỉnh rượu và thức tỉnh về tình
cảm và nhận thức.
Sau đó là tỉnh ngộ: Khi tỉnh táo, Chí đã “ngộ” – nhận thức , nhìn lại cuộc đời
mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai:
Đầu tiên là hắn “nao nao buồn” nhớ về một thời hắn đã từng mơ ước “có
một gia đình nho nhỏ…”. Đấy là quá khứ, còn hiện tại? Chí thấy hiện tại của mình
thật đáng buồn bởi “ hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc”, “hắn đã tới cái dốc bên
kia của cuộc đời”, và cơ thể thì đã “hư hỏng nhiều”. Tương lai đối với hăn, còn
đáng buồn hơn, không chỉ buồn mà còn lo sợ, bởi hắn đã “trông thấy trước “quá
nhiều điều bất hạnh: “tuổi già, đói rét và ốm đau”, nhất là “cô độc”. Sau những
tháng ngày sống gần như vô thức, Chí đã tỉnh táo và suy nghĩ về cuộc đời mình.
Như vậy, với sự trở lại của khả năng nhận thức ngoại giới và nhận thức
chính mình (lý trí), cùng những tình cảm, cảm xúc rất con người, Chí đang thức
tỉnh một cách toàn diện cả về nhận thức và ý thức và bắt đầu hồi sinh để trở về với
kiếp người.
Đúng lúc Chí đang “vẩn vơ nghĩ mãi” thì thị Nở mang “một nồi cháo hành
còn nóng nguyên” vào. Việc làm này của thị khiến hắn hết sức “ngạc nhiên”. Rồi
từ chỗ “ngạc nhiên”, Chí thấy “mắt hình như ươn ướt” (xúc động). Bởi vì một lẽ
hết sức đơn giản, đây là lần đầu tiên “hắn được một người đàn bà cho”, “đời hắn
chưa bao giờ được săn sóc bởi bàn tay đàn bà, mà đàn bà – trong ý niệm của hắn
về bà ba – chỉ là sự nhục nhã, đau đớn. Nay thì khác, thị Nở không chỉ đem cháo
đến cho hắn mà còn múc ra bát “giục hắn ăn nóng”. Hắn “húp xong rồi, thị Nở đỡ
lấy bát cháo và múc thêm bát nữa”.
Hành động chăm sóc đầy tình cảm yêu thương ấy của thị đã khiến Chí “ăn
năn”. Hắn thấy “lòng thành trẻ con” và “muốn làm nũng với thị như với mẹ”. Lúc
này, hắn hiền lành đến khó tin “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí
Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt ăn vạ và đâm chém người?”. Cái “bản tính ngày
thường của hắn bị lấp đi” đã trỗi dậy mạnh mẽ. Chí đã đã sống đúng với con người
thật của mình, trở lại nguyên hình của anh canh điền ngày xưa.
Chí mong muốn được trở lại làm người, làm một người dân hiền lành, lương
thiện ở làng Vũ Đại “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi
người biết bao! Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của
những người lương thiện”.
Cùng với mong ước cháy bỏng được làm người lương thiện, Chí khao khát
hạnh phúc và một mái ấm gia đình. “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”- “cứ thế
này” là thế nào? Đó là cứ được ăn cháo hành, được sống bên cạnh thị Nở, được thị
quan tâm, chăm sóc, yêu thương và được làm nũng với thị…được như thế thì
“thích nhỉ” - tức là sung sướng, hạnh phúc nào bằng.
“Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui” – tức là về sống chung một
nhà, hình thành một mái ấm gia đình vui vẻ, hạnh phúc. Câu nói này giống như
một lời cầu hôn của Chí với thị Nở – một lời cầu hôn “rất canh điền”, chất phác,
giản dị.
Có thể nói đoạn văn viết về quá trình hồi sinh của Chí Phèo trong tác phẩm
là một trong những đoạn văn thể hiện sâu sắc ý nghĩa nhân văn….và giá trị nhân
đạo của tác phẩm. Nhà văn miêu tả số phận bất hạnh và cảm thông sâu sắc với bi
kịch của người nông dân. Đồng thời ông còn khẳng định sức sống bất diệt của
thiên lương. Lương thiện, khát khao hạnh phúc là bản tính tự nhiên, tốt đẹp và
mạnh mẽ của con người. Không thế lực bạo tàn nào có thể hủy diệt. Từ đó, nhà văn
kêu gọi mọi người hãy luôn tin vào con người, tin vào bản chất tốt đẹp của mỗi
người và cùng nhau xây đắp phần Người trong mỗi con người để cuộc sống ngày
càng tốt đẹp hơn.

PHÂN TÍCH TẤN BI KỊCH BỊ CỰ TUYỆT LÀM NGƯỜI

Nếu như Thúy Kiều của Nguyễn Du gặp phải bị kịch đớn đau về tình yêu và
Hộ gặp phải bi kịch éo le về nghệ thuật đương thời thì Chí Phèo của Nam Cao lại
gặp một loại bi kịch vô cùng lạ lùng. Đó là bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người.
Chí Phèo bước ra từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao với một loạt
những khổ đau, những bất hạnh. Và cũng không phải vô tình mà Nam Cao lại dành
hết những gì là đớn đau nhất cho “đứa con đẻ” của mình. Ngòi bút sắc sảo và tấm
lòng giàu yêu thương của ông đã gửi gắm biết bao nhiêu tình cảm cùng với sự cảm
thông sâu sắc tới những con người cùng khổ như Chí. Chí chỉ là một đứa trẻ mồ
côi chưa một lần được biết đến hơi mẹ.
Chí ở cho nhà Bá Kiến nhưng lại bị bà ba dâm dục hãm hại khiến Bá Kiến
ghen tuông đẩy Chí vào tù. Năm tháng của tù đày đã cùng Chí nuôi lòng thù hận
ngày một lớn dần lên. Cho đến khi ra tù Chí trở thành một con quỷ dữ khiến cả
làng Vũ Đại khiếp sợ. Còn Nam Cao chỉ tả Chí với hai từ ngắn gọn “ghê tởm”.
Nhưng khi gặp được Thị Nở – cuộc đời Chí ít nhất cũng đã được biết đến bàn tay
chăm sóc của một người đàn bà thực sự. Nhưng thị lại nghe lời bà cô cự tuyệt mối
tình ấy, khiến Chí một lần nữa trở thành con quỷ dữ. Trong cơn uất hận, Chí đến
giết Bá Kiến và tự vẫn để đòi quyền làm người lương thiện.
Câu chuyện kết thúc nhưng bi kịch về cuộc đời Chí vẫn làm người đọc
không khỏi xót xa. Được sinh ra làm người nhưng lại bị chính những con người
xung quanh mình cự tuyệt quyền làm người. Hay nói đúng hơn là không ai nhìn
nhận Chí là một con người nữa. Thay vào đó là một con quỷ dữ không hơn không
kém. Con quỷ ấy trước đây đã từng là một con người lương thiện, hiền lành chịu
khó. Nhưng giờ đây lại ôm hận trở về làng với những cơn say triền miên. Say lại
chửi. Chửi cho quên đời, cho bõ tức, cho hả lòng hả dạ. Nhưng càng chửi, càng
bực. Bởi ai cũng “chừa mình ra” thì Chí chửi ai bây giờ? Đến ngay cả tiếng chửi
xúc phạm đến người khác Chí cũng chẳng được ai để ý. Bởi nếu là một người bình
thường khi tung ra những lời lẽ chua ngoa ấy kiểu gì cũng bị dân làng xúm vào
chửi lại, thậm chí là đánh đập. Nhưng Chí thì lại khác. Chỉ có lũ chó chạy theo sủa
ầm ĩ. Chẳng ai hiểu rằng đằng sau những tiếng chửi ấy là một nỗi niềm khát khao
đến cháy bỏng được quay trở về làm người. Chỉ cần có ai đó chửi lại thôi cũng đủ
để Chí thấy rằng mình vẫn được công nhận làm người. Nếu sống một cách bình
thường, có thể không ai để ý đến Chí. Có lẽ Chí nghĩ rằng phải chửi thật xúc phạm,
thật nhiều để xem có ai chửi lại không, để Chí biết rằng mình vẫn còn được nhìn
nhận. Nhưng buồn thay, tiếng chửi của Chí chỉ có tiếng chó sủa đáp lại.
Cho tới khi gặp được Thị Nở, cuộc đời Chí bước sang một trang mới. Chí ý
thức được bản thân mình. Lần đầu tiên Chí tỉnh, tỉnh rượu và tỉnh cả những dòng
suy nghĩ đau đáu về lòng thù hận. Không ngờ sự chăm sóc ân cần của một người
đàn bà dở hơi lại có sức mạnh tác động lớn đến Chí như vậy. Tỉnh táo, Chí cũng
chẳng mảy may nghĩ rằng thị chỉ là một người dở hơi, xấu xí. Vì rằng điều mà Chí
khát khao bấy lâu nay là được nhìn nhận là người đã đạt được. Thậm chí thị còn
dành cho Chí những hành động, cử chỉ của một “người yêu” thực sự. Chính thị –
một con người chỉ hơn Chí ở cái là được mọi người nhìn nhận là người – đã đánh
thức phần người trong Chí. Có lẽ cũng vì thị dở hơi nên thị không ý thức được về
hiện trạng của Chí lúc này nên thị mới ngã vào lòng Chí. Nhưng dù sao điều đó
cũng đã là một ân huệ lớn lao cho cuộc đời Chí.
Lần đầu tiên Chí tỉnh rượu sau những cơn say. Chí bắt đầu cảm nhận hương
vị của cuộc sống từ những điều bình dị nhất, giản đơn nhất: tiếng mái chèo, tiếng
chim hót, tiếng người đi chợ qua lại… Và rồi, ước mơ trong sáng đến thánh thiện
ngày nào trở về trong Chí. Chí ước có một gia đình nhỏ, chồng cày thuê cuốc
mướn kiếm tiền, vợ thêu thùa chăm lo việc gia đình. Hạnh phúc nhỏ nhưng cuộc
sống êm đềm ý nghĩa biết bao. Nghĩ vậy, Chí càng quyết tâm quay trở lại làm
người lương thiện. Sẽ bỏ rượu. Sẽ không đi rạch mặt ăn vạ nữa. Từ nay sẽ thay đổi.
Nhưng. Than ôi! Hạnh phúc đang phất lên thì lại bị hất văng ra khỏi bàn tay yếu ớt
của Chí khi thị trở về nghe lời bà cô cự tuyệt Chí. Như vậy, đến ngay cả con người
cuối cùng của xã hội này mà Chí đặt niềm tin vào cũng không thể kéo Chí dậy
được. Thậm Chí còn đẩy Chí vào bờ vực thẳm sâu hơn, đớn đau hơn. Lúc này đây,
hương cháo hành lại làm Chí xôn xao trong người. Niềm khát khao được làm
người chưa bao giờ cháy bỏng và mạnh mẽ đến thế. Nhưng ai sẽ cho Chí được làm
người đây? Và lại là một người lương thiện thì càng khó. Ước mơ giản đơn ngày
nào của Chí chẳng lẽ bị vùi dập nhanh chóng như thế này sao? Hạnh phúc tưởng
chừng như đã ở trong tầm tay nhưng lại bỗng dưng vụt mất. Chí hụt hẫng, khổ đau.
Như vậy, tất cả mọi người, không một ai còn nhìn nhận Chí là một con
người nữa. Có thể sẽ có người nói rằng: Chí hoàn toàn có thể tự mình làm người
lương thiện bằng cách sống tốt hơn, không chửi bới, không say xỉn và xin đi làm
thuê làm mướn kiếm sống qua ngày. Rồi dần dần mọi người sẽ lại quý mến Chí,
cho Chí những cơ hội tốt hơn để tiến thân. Nhưng cuộc sống đâu phải dễ dàng đến
vậy. Nhất là trong xã hội ấy, giai cấp cầm quyền là đại diện cho những điều gian ác
nhất, bất nhân nhất. Liệu rằng Bá Kiến có để cho Chí được sống một cuộc sống êm
đềm không khi hắn đã từng có thù hằn với Chí? Hơn nữa, khi đã mang trong mình
lòng thù hận quá sâu sắc, liệu rằng ai có thể bình thản mà sống được. Có thể do
Chí chưa mạnh mẽ, chưa đi đúng hướng nên đã để xảy ra những bi kịch đớn đau
trong cuộc đời mình. Nhưng khi nhìn bằng cái nhìn khách quan, Chí chính là kết
quả của một xã hội phong kiến thối nát, tàn nhẫn. Chí là đại diện cho những người
nông dân bần cùng bị xã hội dồn ép đến mức đánh mất cả nhân tính, để đến khi
muốn quay trở lại làm một con người bình thường cũng chẳng được nữa. Đây là
một loại bi kịch lạ lùng nhất trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học
hiện thực nói riêng.
Qua tấn bi kịch ấy, nhà văn đã chĩa thẳng ngòi bút của mình đến thế lực
phong kiến độc ác đã lấy đi nhân tính của biết bao nhiêu người nông dân lương
thiện. Đồng thời ông cũng bênh vực và cổ vũ mọi người hãy cùng nhau đứng lên
giành lấy quyền sống, quyền tự do cho chính mình để không ai phải tìm đến cái
chết một cách thương tâm giống như Chí Phèo ở cuối tác phẩm.
PHÂN TÍCH TÌNH YÊU CỦA THỊ NỞ VÀ CHÍ PHÈO

Không son phấn ngọc ngà, cũng chẳng giàu sang. Thậm chí, thị Nở còn có
dung mạo khiến người nhìn khiếp sợ. Nam Cao đã dựng lên thị xấu tới mức ma
chê quỷ hờn. Còn Chí Phèo cũng chẳng hơn gì khi chỉ là một thằng say rượu, trên
mặt chằng chịt những vết sẹo dài do rạch mặt ăn vạ. Nhưng tình yêu của hai con
người ấy dành cho nhau lại vô cùng đáng quý. Họ đã bước vào trang văn của Nam
Cao qua tác phẩm Chí Phèo với một tình yêu bất ngờ, say đắm và lẫn với tình
người cao quý, thiêng liêng.
Không ai có thể ngờ được rằng hai con người ấy lại có thể yêu nhau. Chí
không cha không mẹ, cuộc đời và xã hội đưa đẩy biến Chí thành con quỷ dữ của
làng Vũ Đại suốt ngày chìm trong cơn say triền miên. Còn thị cũng ở dưới đáy của
xã hội, không ai để ý tới vì thị vừa dở hơi lại vừa xấu xí. Ấy vậy mà trong đêm tối,
hai con người ấy đã vô tình ngã vào nhau, gắn bó với nhau và rồi mang đến cho
nhau những hương vị thực sự của tình yêu. Khi yêu người ta vẫn thường chỉ nhìn
thấy những điều tốt đẹp của người yêu. Thị cũng vậy, dẫu trước khi gặp thị, Chí là
kẻ côn đồ, là tay sai của Bá Kiến đi đâm thuê chém mướn để đòi nợ. Nhưng trong
lúc này, bằng đôi mắt của tình yêu, thị lại thấy Chí rất hiền. Thị còn nấu cho Chí
một bát cháo hành đầy tình nghĩa, giúp Chí hạ nhiệt cơn sốt và thoát khỏi vũng bùn
lầy tăm tối mà Chí đang vùng vẫy trong đó.
Tình của thị rất trong sáng, vừa có tình vừa có nghĩa. Có thể do thị dở hơi,
không nhận thức được nhiều. Nhưng về phía Chí Phèo, rõ ràng Chí hiểu rằng thị
chỉ là một người đàn bà dở hơi, xấu xí. Nhưng điều đó có quan trọng không khi
trong lúc tuyệt vọng nhất, đau khổ nhất, chính người đàn bà dở hơi ấy đã đem lại
ánh sáng cho cuộc đời Chí ? Không những là tình yêu mà còn là tình nghĩa, tình
người, khiến Chí bừng tỉnh giữa những cơn say dài tăm tối. Chính tình yêu ấy đã
kéo Chí quay trở lại với ước mơ giản dị đến thánh thiện ngày nào: có một gia đình
nho nhỏ, chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải thêu thùa. Cuộc sống thật bình dị
nhưng ấm áp và yên vui. Cũng chính tình yêu của thị đã khiến Chí thêm yêu đời,
yêu cuộc sống khi Chí cảm nhận được những điều bé nhỏ xung quanh mình : tiếng
chim hót líu lo, tiếng mái chèo gõ cá, tiếng người đi chợ nói chuyện lao xao.
Những điều ấy ngày nào cũng có nhưng đến giờ Chí mới để ý. Chí không muốn
uống rượu nữa. Chí muốn quay lại làm lại từ đầu. Chí cũng hiểu rằng mình có thể
làm được điều đó và chính thị sẽ là chiếc cầu nối cho Chí.
Dù ban đầu họ ngã vào nhau vì ham muốn của thể xác. Nhưng sau đó, họ lại
bẽn lẽn, thẹn thùng và tình tứ nhìn nhau như đôi trai gái mới hẹn hò. Thị thấy thị
như yêu hắn : đó là lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu
của một người chịu ơn. Một người như thị Nở càng không quên được. Cho nên thị
nghĩ : mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau ! Ăn
nằm với nhau như vợ chồng. Tiếng vợ chồng thấy ngường ngượng mà thinh thích.
Đó vẫn là điều mong muốn âm thầm của con người khốn nạn ấy chăng ? Hay là sự
khoái lạc của xác thịt đã làm nổi dậy những tính tình mà thị chưa bao giờ biết đến ?
Đến ngay cả chính tác giả cũng ngờ vực đặt ra câu hỏi đó là ham muốn của thể xác
hay của tình yêu đích thực ? Nhưng ngay sau đó, lại diễn ra rất nhiều điều thay đổi
trong con người Chí. Đó hoàn toàn không đơn thuần là sự ham muốn xác thịt, mà
sâu thẳm là tình người, là tình yêu thực sự. Bởi nếu không yêu, không thương, thị
đã bỏ mặc Chí và Chí cũng không nghĩ nhiều về cuộc đời như thế. Chí nghĩ đến
tình người nhiều hơn là tình yêu. Chí ăn năn, lòng bâng khuâng và khát khao được
trở lại cuộc sống yên bình ngày nào. Rồi Chí nghĩ đến tuổi già cô độc. Sự cô độc
còn đáng sợ hơn cả bệnh tật. Không ai bên cạnh, không người sẻ chia...
May mắn được gặp thị, thị dẫu dở hơi nhưng thị vẫn là người lương thiện.
Thị khác hẳn với những kẻ tỉnh táo, khôn ngoan trong làng. Chỉ có mình Thị còn
nhìn nhận Chí là người. Hoặc cũng có thể thị dở hơi nên không nhận ra Chí là con
quỷ dữ. Nhưng rõ ràng ngay lúc này, trước mặt thị, Chí đâu có dữ dằn gì. Ngược
lại, nụ cười của Chí còn làm khuấy động tâm hồn ngờ nghệch của người đàn bà ế
chồng này. Người khác thấy Thị dở, Thị xấu. Nhưng Chí lại thấy Thị có duyên và
đáng yêu vô cùng. Khi nhìn nhận mọi thứ bằng sự yêu thương chân thành, mọi thứ
đều trở nên đáng quý và đáng trân trọng biết bao. Giá như thị đến với Chí sớm
hơn, có lẽ Chí đã không lấn quá sâu vào con đường tội lỗi, và có lẽ trên khuôn mặt
Chí cũng không có quá nhiều vết sẹo như thế. Nhưng cuộc đời mà, dẫu Nam Cao
cũng thương Chí lắm, thương người nông dân lắm, nhưng ông không thể biến hóa
sự thật một cách quá mức. Lòng đồng cảm của ông rất lớn lao nhưng ông vẫn phải
để nguyên sự thật của xã hội đương thời nghiệt ngã. Ở đó, người nông dân bị kìm
kẹp, bị đàn áp, bị bần cùng hóa tới mức đánh mất nhân tính, đánh mất tình yêu và
những khát khao lương thiện tốt đẹp.
Chí cũng vậy. Dù tình yêu của thị đã làm Chí đổi thay. Nhưng sự nghiệt ngã
của lòng người, của người bà cô ế chồng của thị đã khiến thị quay lại cự tuyệt Chí.
Chí lại rơi vào tuyệt vọng, khổ đau. Chí lại uống rượu để quên đi hết mọi chuyện.
Nhưng lần này, Chí càng uống càng tỉnh. Và rồi Chí chọn cái chết để kết liễu cuộc
đời mình, cũng là kết thúc một cuộc tình bi đát, đau thương. Có người nói, nếu Chí
không yêu Thị, không gặp Thị, có lẽ Chí đã không chết thê thảm như vậy. Nhưng
khi nhìn nhận ở góc độ thực tế của lòng nhân đạo, cái chết đối với Chí là điều nên
làm. Bởi ta hiểu rằng, trong xã hội tàn ác, bất nhân ấy, nếu Chí còn sống, chắc
chắn Chí sẽ lại là tay sai cho Bá Kiến, nối dài thêm cánh tay giết người cho hắn.
Chí sẽ là nỗi ám ảnh khiếp sợ của dân làng Vũ Đại. Thà rằng lúc này Chí chết đi để
được dừng lại những tội ác đó còn hơn tiếp tục sống trong tội lỗi, trong dày vò.
Dù sao tình yêu của Chí Phèo và thị Nở cũng vẫn là một tình yêu rất đẹp.
Tình yêu ấy không những là sự tình cờ, mà còn là tình người thiêng liêng, cao quý.
Đến một người dở hơi như thị còn có tình có nghĩa, huống chi những người khác
tỉnh táo, khôn ngoan? Tình yêu trong xã hội hiện nay cũng vậy, ngoài yêu hãy biết
thương, biết trân trọng nhau, biết cùng nhau cố gắng hướng đến những điều tốt
đẹp. Nhà văn Nam Cao đã dựng lên một cuộc tình thật đẹp, thật ý nghĩa. Có thể
người trong cuộc khiến người ta bật cười mỗi khi nhắc tới, nhưng chính tình yêu
của họ lại là bài học sâu sắc cho mọi người giữa cuộc đời đầy mưu mô, tính toán.
Rằng khi yêu hãy yêu thật lòng, hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp, hãy bỏ qua cho
nhau, cảm thông chia sẻ lẫn nhau. Như Chí không hề để ý đến tính tình dở hơi và
"vẻ đẹp trời cho" của thị, hay chính thị cũng chẳng khinh ghét một người đàn ông
không cha không mẹ, lại chuyên rạch mặt ăn vạ... Họ đã bù đắp cho nhau, làm nên
một tình yêu thật đáng ngưỡng mộ. Dù sau đó cuộc tình tan vỡ nhưng đó là vì thời
thế, vì xã hội. Vì thế, tình yêu ấy vẫn rất đáng trân trọng và ngợi ca.

PHÂN TÍCH CÁI LÒ GẠCH CŨ

Nam Cao nổi lên là một nhà văn lớn, ông được coi là tác giả văn học xuất
sắc và không thể thiếu của sự phát triển của nền văn học Việt Nam. Những tác
phẩm của Nam Cao không chỉ hay, mà còn giàu ý nghĩa hiện thực, nhân đạo, nên
thường để lại cho người đọc nhiều ám ảnh, day dứt. Đặc biệt phải kể đến Chí Phèo
với kết thúc truyện “Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không,
xa nhà cửa và vắng người lại qua…”
Nam Cao, hơn ai hết, người đã thổi hồn vào tác phẩm, để mỗi khi đọc lại
Chí Phèo, ta dường như lại nhìn thấy một anh chàng chứ không phải một kẻ lưu
manh, ngật ngưỡng bước ra từ trang sách. Một mảnh đời khốn cùng, đáng thương
hơn là đáng trách, đã để lại những dư âm không thể xóa nhòa trong lòng bạn đọc.
Chính vì vậy với đoạn kết thúc truyện gợi mở, Nam Cao đã một lần nữa lặp lại,
nhằm nhấn mạnh tới hình ảnh “cái lò gạch bỏ không” là một nỗi ám ảnh về nhân
sinh của Nam Cao.
Mở đầu truyện, ta đã được nghe Nam Cao kể về Chí Phèo, với câu chuyện
đầy đau thương và bất hạnh của Chí. Thì ra, Chí là một đứa trẻ mồ côi, được anh
thả ống lươn nhặt được “trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò
gạch bỏ không”. Chi tiết cái lò gạch đã xuất phát điểm từ đây. Chí không biết bố
mẹ là ai? Sinh ra từ đâu? Quê hương gốc là nơi nào? Nhưng Chí lại bị bỏ lại nơi
cái lò gạch cũ bỏ hoang và tăm tối này. Cuộc đời Chí rồi cũng chính là như vậy,
biết đến ở nơi tối tăm hoang vắng, cuộc đời và số phận cũng tương tự như vậy,
tưởng như là định mệnh.
Chí từ việc là một kẻ lưu manh, chuyên đi cướp bóc, dọa nạt và đánh đập
người dân, thì đến khi Chí gặp Thị và được Thị chăm sóc sau trận ốm, Chí muốn
trở thành người lương thiện, Chí thèm lương thiện biết bao. Lúc này Chí mới nhận
ra tội lỗi mình đã gây ra cho người dân làng Vũ Đại. Tại sao Chí lại không sống
hòa hợp với người ta cơ chứ? Nhưng, số phận vốn đã bất hạnh lại đẩy Chí vào ngõ
cụt. Khi Thị Nở đành lòng rũ bỏ tình nghĩa với Chí, Chí đầy căm thù và oán giận,
hơi cháo hành, tình thương của Thị cứ quấn quýt lấy Chí, giúp Chí nhận ra kẻ đã là
chủ mưu gây ra những bi kịch và làm hắn tha hóa. Chí đâm bá Kiến và chết trên bờ
vực của sự lương thiện, không ai cho Chí lương thiện: “Tao muốn làm người lương
thiện”, “Ai cho tao lương thiện, làm sao để cho mất được những vết mảnh chai trên
mặt này?” Vậy là Chí chết, cuộc đời đầy sa đọa và tăm tối đã kết thúc bằng chính
nhát dao của mình. Chí chết, không ai hiểu vì sao, kể cả Thị, cũng không hiểu vì
sao lại như vậy. Nhưng đúng lúc ấy, Thị lại nhìn xuống bụng: “đột nhiên thị thấy
thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua…”.
Vậy đấy, cuộc đời tối đen của Chí là như vậy. Đứa con của Chí cũng chính
là biểu hiện của một sự quẩn quanh, tù túng và tăm tối, không lối thoát cho những
lần sau, sau nữa. Chí chết, nhưng không phải không thể có một Chí “con” ra đời.
Và thị Nở sẽ lặp lại bi kịch chửa hoang. Đó cũng là một trong những ý nghĩa sâu
sắc, mang tính chất dự báo số phận, những cảnh “quần ngư tranh thực” - tình trạng
tha hóa, lưu manh hóa sẽ còn diễn ra tiếp diễn. Cũng là một hồi chuông gióng lên
sự cảnh tỉnh, sự đáng thương cho bi kịch người nông dân bị đày đến ngõ cụt. Phải
lựa chọn giữa sự sống lương thiện và cái chết. Như cái chết của Chí Phèo, của
những kiếp người trong xã hội cũ…
Kết thúc truyện đã làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của toàn bộ tác phẩm.
Nam Cao thực là một nhà văn tài năng, ông không hề né tránh hiện thực tàn khốc,
mà luôn đề cao hiện thực, luôn muốn “khơi những nguồn chưa ai khơi” và làm
cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó là con mắt đầy lo lắng về sự tha hóa của con người,
luôn cố tìm ra nét đẹp bên trong con người để ca ngợi, cảm thông với họ.
Tuy nhiên kết thúc truyện cũng còn những mặt hạn chế, khác với Kim Lân
đã tìm ra con đường giải thoát sự khốn khổ. Nam Cao sống trong thời kì phong
kiến nên chỉ có thể nhìn ra được sự bế tắc, cùng cực, và chưa tìm ra lối thoát cho
người nông dân.
Chi tiết kết thúc truyện thật sự vô cùng ý nghĩa, đã làm tăng thêm giá trị
nhân đạo của tác phẩm, cách dùng từ ngữ, diễn tả rất tự nhiên và chặt chẽ, và cảm
ơn Nam Cao đã cho ta thấy cái nhìn cuộc sống chân thực và sâu sắc lúc bấy giờ.

PHÂN TÍCH CÁI CHẾT CỦA CHÍ PHÈO VÀ BÁ KIẾN

Nam Cao được coi là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam
hiện đại, với giọng văn tỉnh táo, thấm đẫm những suy tư, triết lý nhưng đằng sau
giọng văn ấy là một tâm hồn đằm thắm yêu thương trĩu nặng những nỗi xót xa về
số kiếp của những con người cùng khổ dưới đáy xã hội lúc bấy giờ. Nam Cao viết
Lão Hạc, viết Đời thừa, rồi viết Chí Phèo, và thực sự mỗi tác phẩm đều là một tấn
bi kịch, là bức tranh hiện thực đầy đau xót của xã hội Việt Nam trước cách mạng.
Và trong Chí Phèo người ta lại càng thêm bàng hoàng, thêm đau xót về cái bi kịch
không lối thoát, đó là bi kịch bị tha hóa, bị từ chối quyền làm người, quyền được
sống hạnh phúc của nhân vật Chí Phèo. Sự bức ép của xã hội, sự tuyệt vọng đến
cùng cực đã đẩy Chí Phèo đến con đường tự sát và giết luôn cả kẻ thù của mình là
Bá Kiến, đây là một cái kết không có hậu nhưng lại là cái kết hợp lý để giải quyết
tất cả các nút thắt và bi kịch trong cuộc đời bất hạnh của Chí.
Cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến chính là kết quả của cái tấn bi kịch cùng
đường tuyệt lộ, mà không còn cách tháo gỡ nào khác ngoài cái chết để giải thoát.
Cuộc đời Chí Phèo lần lượt bước qua những bi kịch đau đớn, đầu tiên là bi kịch bị
cha mẹ ruột bỏ rơi, phải sống cuộc đời thiếu tình thương yêu, sau khi lớn lên cứ
ngỡ yên ổn làm một anh canh điền thật thà chất phác thì lại vướng nỗi oan khuất
phải ngồi tù vì sự ghen tuông của Bá Kiến. Chính cuộc sống không bằng chết ở
trong tù đã khiến Chí Phèo dần lưu manh hóa, bị tha hóa trong nhân cách. Trả thù
đời, trả thù Bá Kiến, hắn tiếp tục trượt dài trên con đường tha hóa ấy, không thể
hòa nhập với cuộc sống, bị cái định kiến đầy ác nghiệt của xã hội chối bỏ quyền
được làm người. Thế nhưng dẫu cuộc sống có nhiều đớn đau, dù hắn có bị lưu
manh hóa, có rạch mặt ăn vạ thì sâu thẳm trong tâm hồn Chí Phèo vẫn còn một
chút tỉnh táo len lỏi trong những cơn say dài. Bản chất hắn vẫn là một anh canh
điền lương thiện, hắn sẵn sàng ra tay rạch mặt mình, nhưng không hề làm tổn
thương đến kẻ thù, kẻ vốn đẩy hắn đến những bi kịch mãi về sau này.
Thế nhưng cuộc gặp gỡ nhân văn với Thị Nở lại cũng chính là cái bi kịch to
lớn nhất, và cũng là bi kịch cuối cùng trong cuộc đời mà Chí Phèo phải gánh chịu.
Gặp thị, Chí Phèo thấy mình như sống lại, tình yêu ấy đã đánh thức cái tâm hồn
ham sống, ham hạnh phúc, mong ước về một mái ấm gia đình trong Chí, dù hắn đã
bước sang đến dốc bên kia của cuộc đời. Thế nhưng cái xã hội vốn bất công, vốn
cay nghiệt với hắn chỉ cho hắn được đê mê, được hạnh phúc có năm ngày chẵn rồi
người ta lại dội cho hắn một gáo nước lạnh, dìm hắn vào vực sâu của tuyệt vọng.
Những lời không thể cay nghiệt hơn của bà cô, chính là thông điệp của cả cái làng
Vũ Đại, của cả cái xã hội này dành cho hắn. Con người ta nhẫn tâm xoáy sâu vào
cái bi kịch vào cái nỗi đau vốn gần liền vảy của hắn, hơn thế nữa những lời ấy giá
như là lời của một người nào khác chứ chẳng phải Thị Nở truyền cho hắn nghe
trong tức tối thì có lẽ Chí đã chẳng đau đớn và tuyệt vọng đến như thế.
Tình yêu của hắn đã bị cả cái xã hội này bóp chết, cả cái xã hội này, thậm
chí đến cả Thị Nở cũng chối từ hắn thì sống liệu có còn ý nghĩa? Tuy nhiên giữa
những người trong cuộc thì chẳng ai có thể nhận ra rằng, thị chẳng hề tức Chí mà
thực chất rằng, thị đang tức thay cho Chí, thị tức cho cái phần người vừa mới quay
lại không bao lâu của Chí bị những lời lẽ đay nghiến vùi dập, thị tức lắm. Bi kịch
của Chí Phèo ở chỗ ấy, họ không hiểu nhau nên thành ra cái tức tối của người đàn
bà dở hơi lại chính là cú giáng đòn cuối cùng vào tâm hồn tàn tạ, tuyệt vọng của
Chí, dồn Chí Phèo đến cái cách giải quyết tiêu cực nhất là chết! Bởi Chí đã ý thức
được cái thân phận lạc loài không cha không mẹ, Chí bàng hoàng tuyệt vọng đuổi
theo nắm lấy tay thị như người chết đuối nắm lấy cọng rơm cứu mạng cuối cùng,
thế nhưng cọng rơm ấy cũng tuột khỏi tay Chí, Chí chết thật rồi chết từ trong tâm
hồn cô độc, lạc lõng.
Hắn lại say, hắn định giết thị, giết cả bà cô để trả thù nhưng Chí Phèo lại
không bước vào nhà Thị Nở, mà theo như Nam Cao nói thì "Những thằng điên và
thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm". Nhưng
có phải như vậy không, xét kỹ người ta mới thấy rằng có lẽ trong tiềm thức của
một thằng say rượu như Chí đã dần tỉnh táo, hắn chợt nhận ra Thị Nở chẳng có lỗi,
tình yêu thương của thị thức tỉnh tính người của hắn, bà cô của thị cũng không có
lỗi, những lời cay nghiệt của bà ta thức tỉnh Chí bằng định kiến của một dân làng
tỉnh táo, để Chí Phèo ý thức về bi kịch của bản thân. Chí nhận ra rằng kẻ thù lớn
nhất, độc ác nhất trong cuộc đời Chí luôn luôn chỉ có một mà thôi đó chính là tên
Bá Kiến, tiềm thức đã ngủ yên biết bao năm nay của hắn bỗng được thức tỉnh,
vùng dậy hét lên trong tuyệt vọng đau đớn "Ai cho tao lương thiện?...Tao không
thể làm người lương thiện nữa. Biết không...Chỉ còn một cách...Biết không...". Chí
Phèo giết Bá Kiến để trả thù, để xả hết bao nỗi khốn nhục uất ức mà hắn phải chịu
bấy lâu nay, để trả thù cho cái lương thiện mà tên Bá Kiến đã cướp mất của hắn.
Nhìn sâu hơn người ta thấy Chí Phèo chính là đại diện cho tầng lớp nông dân cùng
khổ trước cách mạng tháng tám vùng dậy đấu tranh, chống lại cái cường hào áp
bức của tầng lớp thống trị lúc bấy giờ. Dẫu đó là cách thức liều lĩnh, đơn độc
nhưng không còn cách nào khác, chỉ còn con đường bạo lực, chỉ có bạo lực mới có
thể giải quyết được tất cả những vấn đề bất công, tàn ác mà bè lũ tay sai phong
kiến đã gây ra cho nhân dân ta lúc bấy giờ. Mặt khác cái chết của Bá Kiến và Chí
Phèo còn tố cáo mạnh mẽ bộ mặt độc ác và tàn nhẫn của xã hội cũ đã đẩy người
nông dân lương thiện đến chốn cùng đường tuyệt lộ, khiến họ không còn lối thoát
buộc phải giải quyết bằng những cách thức có vẻ tàn ác, suy cho cùng đó là cái giá
mà một kẻ độc ác như Bá Kiến phải nhận. Chí Phèo giết được Bá Kiến rồi, sau đó
hắn tự sát, tại sao hắn lại tự sát? Kẻ thù duy nhất của hắn đã chết đáng lý ra hắn có
thể tiếp tục bước tiếp cuộc đời quỷ dữ của mình như bao nhiêu lâu nay hắn đã
từng, nhưng Chí lại chọn cho mình cái chết. Có thể nói rằng, chi tiết tự sát của Chí
Phèo chính là chi tiết đánh dấu mạnh mẽ sự trở lại của tính người trong cái tâm hồn
vốn tàn tạ của hắn, Chí không thể tiếp tục làm quỷ dữ được nữa, hắn có khao khát
được làm người lương thiện, thế nhưng cuộc đời này không cho hắn được cái
quyền ấy, thì chi bằng hắn chết đi kết thúc hơn 40 năm cuộc đời mòn mỏi, đầy bi
kịch của mình. Chí Phèo chọn cho mình cái chết có thể nói là một phương cách
quyết liệt và tiêu cực để giữ lại cái phần người vừa được thức tỉnh của hắn, để
chống lại cái sự tha hóa đã ăn mòn gần hết nhân cách của hắn. Cái chết của Chí
Phèo chính là cái chết để chứng minh cho khao khát được trở về cuộc đời lương
thiện, của một con người vừa phát hiện ra cái lương thiện quay về ngự trị trong tâm
hồn của hắn, dẫu rằng ngoài hắn và Thị Nở thì chẳng ai hay biết điều ấy.
Với truyện ngắn Chí Phèo bức tranh xã hội hiện thực Việt Nam tàn ác đã
được Nam Cao lột tả một cách sinh động và chân thực nhất, theo đó những giá trị
nhân văn, nhân đạo đã được bộc lộ một cách sâu sắc. Đó là sự xót thương, thông
cảm cho những thân phận con người ở dưới đáy xã hội, bị chèn ép, chà đạp, bị tước
quyền được sống lương thiện. Đồng thời tố cáo bộ mặt tàn ác, vô nhân tính của
chính quyền thực dân nửa phong kiến đã dồn ép con người đến đường cùng, buộc
họ phải lựa chọn cách giải thoát cuối cùng là cái chết để được quay về với tấm lòng
lương thiện thuở ban đầu, để bảo vệ cái nhân cách của mình khỏi sự tha hóa tồi tệ.

GÍA TRỊ HIỆN THỰC VÀ NHÂN ĐẠO CỦA CHÍ PHÈO

Trong nền văn học hiện thực nước ta ngoài những cái tên như Ngô Tất Tố,
Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng...thì cái tên Nam Cao được nhiều nhà nghiên
cứu đánh giá rất cao về những tác phẩm tố cáo hiện thực của nhà văn này. Với
những quan điểm tích cực về văn chương Nam Cao đã cho ra đời những tác phẩm
"khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có". Hẳn ai cũng biết
đến tác phẩm nổi tiếng của ông đó chính là Chí Phèo, vẫn là một đề tài về người
nông dân trong xã hội phong kiến thế nhưng Nam Cao không đi khám phá nhân vật
về cuộc sống nghèo khổ phải bán chó bán con mà nhà văn nói về những số phận
nông dân bị tước đoạt quyền làm người. Đặc biệt qua truyện ngắn này ta thấy được
giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Trước hết là giá trị hiện thực, vậy giá trị hiện thực là gì?. Có thể tạm định
nghĩa là giá trị nói lên những bộ mặt hiện thực của cuộc sống mà từ đó khi nhìn
vào đấy người ta biết rằng hiện thực nước ta lúc bấy giờ phải sống như thế nào.
Chính vì thế nhà văn hiện thực Nam Cao đã xây dựng nhân vật Chí Phèo để từ một
con số không tròn trĩnh để từ đó ta thấy được những bi kịch mà xã hội phong kiến
thực dân đã gây nên cho một người dân lương thiện hiền lành.
Giá trị hiện thực trong truyện ngắn đó là phản ánh quy luật ở nước ta thời
Pháp thuộc, người dân lương thiện bị xã hội xô đẩy vào con đường cùng trở thành
lưu manh hóa bần cùng hóa, thành một con quỷ dữ và không thể quay trở lại làm
người được nữa. Tất cả những điều nói trên được thể hiện rõ qua cuộc đời đầy
những đau thương bi kịch của nhân vật Chí Phèo.
Cách mở đầu câu chuyện của tác giả cũng góp phần thể hiện được hiện thực
cuộc sống những năm ấy. Chí Phèo xuất hiện với dáng vẻ của một thằng say rượu
vừa đi vừa chửi. Đó là cách mà hắn giao tiếp với mọi người xung quanh. Thế
nhưng nào có ai tiếp chuyện Chí, họ không thèm chấp Chí Phèo khi chửi cả làng
Vũ Đại. Cứ say là Chí chửi. Cứ thế chỉ một thằng say rượu với ba con chó cũng
làm inh ỏi cả làng nước lên rồi. Câu văn chua chát ấy giúp cho chúng ta thấy được
Chí vốn là một con người nhưng lại được so ví đồng loại với ba con chó. Những
điều Chí nói không ai thèm đáp lại. Người ta đâu coi Chí là con người.
Ngay từ nhỏ Chí sinh ra đã mang bi kịch lớn. Là một đứa bé mới đỏ hỏn vậy
mà đã bị mẹ bỏ rơi. Chí chỉ được bọc trong một cái khăn, người tím ngắt lại và bỏ
ở chỗ lò gạch cũ. Dẫu có may mắn được một anh nông dân cứu về đem lại sự sống
cho Chí nhưng cuộc đời Chí lại chẳng một chút nào tươi sáng. Sống ở mảnh đất
nghèo khó lại "quần ngư tranh thực" Chí được một người nhận nuôi nhưng vì
nghèo mà Chí cũng phải đi ở đợ cho nhà người ta. Chí quả là một con người bất
hạnh.
Không những tuổi thơ thiếu tình thương cha mẹ đến khi lớn lên anh cũng
vẫn không thoát khỏi bi kịch. Chí lớn lên thành một chàng trai khỏe mạnh hiền
lành. Chí ở đợ cho nhà Bá Kiến thế nhưng bà ba nhà Bá Kiến lại cứ thích Chí đấm
bóp cho. Khổ một nỗi là Bà cứ bắt bóp lên cao cao mãi. Chí chỉ thấy nhục chứ
chẳng thấy yêu thương gì. Thế rồi Bá Kiến phát hiện và đã đẩy anh chàng lương
thiện vào nhà tù thực dân. Thế là quãng cuộc đời nghèo khổ nhưng bình yên của
Chí cứ thế mà kết thúc một cách nhanh chóng.
Chí đi tù ra cánh cửa của nhà tù thực dân đã nhuộm đen tâm hồn chí. Anh
không còn là một chàng thanh niên khỏe mạnh lương thiện nữa mà trở thành một
con quỷ dữ. Người dân cứ thấy anh ở đâu là tránh xa. Nam Cao đã thành công khi
miêu tả ngoại hình Chí Phèo ở tù ra. Nào là cái răng trắng hếu, cái đầu cạo trọc lóc,
cái mặt thì cong cong lên, hai mắt gườm. Trang phục mà Chí mặc trên người là
chiếc quần nái đen và cái áo tây vàng.
Không những thế hình ảnh ông tướng cầm chùy còn được xăm ở cánh tay
hắn. Vậy là hắn trông chẳng còn vẻ gì là một người lương thiện nữa rồi. Từ đây
cuộc đời Chí trải dài trên những cơn say, ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, rạch
mặt ăn vạ trong lúc say. Chí trở thành một tay sai đắc lực của Bá Kiến. Và kết cục
thì Chí vẫn cứ không được làm người. cho đến khi chết thì cả làng Vũ Đại cũng
không ai coi Chí là người cả. Đó phải chăng là bi kịch tinh thần đau đớn nhất mà
một con người phải gánh chịu. Sống là kiếp con người mà cũng không được trọn
kiếp con người.
Không chỉ nói lên quy luật người nông dân lương thiện bị tước quyền làm
người nhà văn còn tố cáo mạnh mẽ chế độ thực dân phong kiến đã cướp đi quyền
làm người của những người nông dân lương thiện. Xã hội ấy đã biến Chí thành
một con quỷ dữ và tuyệt đối không cho Chí quay lại làm người. Chí chỉ còn có cái
chết để kết thúc cuộc sống quỷ dữ ấy chứ không thể nào trở lại làm người được.
Ngoài giá trị hiện thực sâu sắc tác phẩm còn lấp lánh những giá trị nhân đạo
cao cả. Giá trị nhân đạo chính là cái nhìn hướng thiện của con người, nhìn vào
những điểm tốt của con người, yêu thương con người và hướng cho họ đến một
tương lai tươi sáng hơn.
Thứ nhất giá trị nhân đạo của tác phẩm được thể hiện qua sự đồng cảm của
nhà văn dành cho nhân vật của mình. Nhà văn miêu tả Chí Phèo là một con quỷ dữ
không một chút thương tiếc, Nam Cao nhìn nhận vấn đề và nói thật vấn đề thế
nhưng không phải ông không thương nhân vật của mình. Nhà văn càng nói rõ cái
tàn ác của Chí bao nhiêu thì càng thể hiện được tấm lòng thương cảm sâu sắc bấy
nhiêu. Bởi vì tô đậm được cái xấu biểu hiện bên ngoài Chí là nhà văn tố cáo được
xã hội tàn ác kia. Chính bởi đồng cảm với số phận ấy cho nên nhà văn mới dành
nhiều tình cảm cho Chí đến thế. Nam Cao hiểu hết được những suy nghĩ của chí cả
lúc say cho đến lúc tỉnh.
Thứ hai giá trị nhân đạo của tác phẩm là sự yêu thương con người. Nhà văn
khẳng định chính tình yêu thương con người sẽ sưởi ấm và làm trỗi dậy bản chất
tốt đẹp trong Chí. Có thể nói Thị Nở là một món quà mà nhà văn dành cho Chí. Cô
ta là một người xấu ma chê quỷ hờn ế chồng, mả hủi thế nhưng lại có công thức
tỉnh Chí. Tình yêu dù là bồng bột của Thị đã làm cho Chí kết thúc những tháng
ngày say xỉn của mình. Đặc biệt là bát cháo hành của Thị Nở càng làm cho Chí ấm
lòng và thấy thị giống như là mẹ mình vậy. Lần đầu tiên Chí khóc sau khi ra tù.
Thứ ba, nhà văn còn giúp chúng ta thấy được bản chất tốt đẹp của người
nông dân qua hình tượng Chí Phèo. Đồng thời nhà văn hướng cho nhân vật của
mình đến một tương lai tươi sáng hơn. Chí thức tỉnh và nhớ đến ước mơ giản đơn
của mình. Kể cả khi ra tù thành quỷ dữ, Chí vẫn biết rung động trước một người
đàn bà là Thị nở. Điều đó chứng tỏ Chí biết yêu thương. Chí cảm động trước
những hành động săn sóc của Thị. Chí khóc và mong muốn Thị sang ở một nhà
cho vui. Và cái viễn cảnh sẽ diễn ra giống như ước mơ của Chí. Đó chẳng phải là
bản chất tốt đẹp bấy lâu nay của Chí, và anh đang hướng đến một tương lai tươi
sáng hay sao?. Chí muốn làm hòa với mọi người và từ đó phần người trong Chí
được trỗi dậy. Ngay đến khi cái kết cục thảm khốc kia Chí vẫn cứ khẳng định sự
thức tỉnh và đòi quyền làm người của mình. Giá trị nhân đạo là ở đấy.
Chí Phèo trải qua biết bao thời gian đến nay vẫn là một tác phẩm được người
đọc yêu thích. Nó không hấp dẫn bởi những lời hoa mĩ sáo rỗng, không cầu kì
nhân vật mà chỉ với giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc Chí Phèo đã lôi cuốn biết
bao nhiêu thế hệ bạn đọc. Quả thật nhà văn Nam Cao đã có công rất lớn trong việc
phản ánh số phận người nông dân trong xã hội cũ.

You might also like