You are on page 1of 5

“Nam Cao đã không hạ mình xuống bắt chước ai, không nói những cái

người ta đã nói, không tả theo cái lối người ta đã tả. Ông đã dám bước chân vào
làng văn với những cạnh sắc của riêng mình. Những cạnh sắc ấy, nếu ông cứ
giữ cho nó sắc mãi thì chúng ta có thể tin ở tương lai văn nghiệp ông. Vườn văn
Việt Nam thiếu những bông hoa lạ, thiếu những nghệ sĩ táo bạo, thiếu những
bản thể đặc biệt.” 
Mỗi tác phẩm văn học mang một sức sống riêng, để lại những ấn tượng,
những nỗi ám ảnh riêng. Mỗi hình tượng nghệ thuật, mỗi hình ảnh hay đơn
giản là một chi tiết trong tác phẩm cũng đủ khiến người đọc nao lòng, bận bịu
bao suy tư.
 
Tác phẩm được viết vào năm 1941, dựa trên những câu chuyện có thật tại
quê nhà làng Đại Hoàng của tác giả. Không như tên gọi “Cái lò gạch cũ” hay “Đôi
lứa xứng đôi”, nhan đề “Chí Phèo” được đặt cùng tên với nhân vật chính, nhằm
hướng người đọc tới một nhân vật cụ thể, với chuỗi bi kịch cuộc đời chẳng khác gì
một thước phim bi thảm, và  tạo ra một hình tượng nhân vật điển hình trong một
hoàn cảnh điển hình. Nhân vật Chí Phèo bước ra từ tác phẩm với một loạt những
khổ đau và bất hạnh. Nhưng có lẽ, bi kịch bị thị Nở khước từ và kết thúc truyện
bằng cái chết trên ngưỡng cửa trở về với lương thiện của Chí là chi tiết gây ám ảnh
tột độ.
       
         Cuộc đời Chí là một tấn bi kịch, không hơn không kém. Từ khi được sinh ra,
sự sống của hắn đã bị chối bỏ, phải sống dựa vào tình thương được bố thí. Lớn lên,
Chí làm canh điền cho nhà Bá Kiến nhưng lại bị bà vợ dâm dục hãm hại, khiến Bá
Kiến ghen tuông đẩy Chí vào tù. Quá trình bị tha hóa của Chí đã bắt đầu từ đây.
Đến khi ra tù, Chí đã trở thành một tên lưu manh bị tàn phá về cả nhân hình lẫn
nhân tính. Qua bàn tay tội ác của Bá Kiến, Chí Phèo bị biến thành một công cụ
đâm thuê, chém mướn, “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại ra đời. Tưởng rằng Chí Phèo
sẽ mãi trượt dài trong cơn say, nhưng dưới ngòi bút của Nam Cao, cuộc gặp gỡ của
thị Nở đã tiếp thêm hy vọng cho hắn quay trở về con đường lương thiện. Tuy
nhiên, có thể nói rằng, thị Nở đã mang đến cho Chí Phèo hy vọng sống, nhưng
cũng là người đẩy hắn vào tuyệt vọng và bi kịch không gì có thể cứu vãn.
 
        Tưởng rằng cuộc đời của Chí Phèo sẽ bước sang một trang mới, thế
nhưng, bi kịch thay, Chí lại bị thị Nở tuyệt tình. Sau hàng loạt những biến cố
trong cuộc đời của một con người bị xã hội ruồng bỏ, Chí gặp thị Nở, như một bàn
tay cuối cùng có thể kéo hắn trở lại làm người lương thiện. Lần đầu tiên, Chí Phèo
được một người đàn bà quan tâm, chăm sóc, cũng là lần đầu tiên hắn được sống
trong tình yêu thương mình chưa từng có. Tưởng chừng như từ giây phút thức tức,
Chí Phèo sẽ được trở về với cuộc sống lương thiện và bắt đầu lại cuộc đời cùng với
thị Nở; thế nhưng, bi kịch thay, hiện thực vẫn sẽ mãi là hiện thực, mọi tia hy vọng
cho một tương lai “làm  người” dù là nhỏ nhoi nhất cũng tựa như một đốm lửa chỉ
vừa mới nhen nhóm đã bỗng chốc hóa thành mây khói; một chân trời tràn đầy hạnh
phúc vừa mở ra trước mắt nay lại bị đạp xuống vực sâu. Chỉ sau vỏn vẹn năm ngày
được sống trong hạnh phúc, bi kịch bị cự tuyệt tình yêu của Chí Phèo chính thức
bắt đầu. Đáp lại lời giãi bày của Chí Phèo “Hay mình sang đây ở với tớ một nhà
cho vui”, thị nghĩ bụng “Hãy dừng yêu để thị hỏi cô thị đã”. Vốn là người ngớ
ngẩn, dở hơi; nghe theo lời xúi giục của bà cô, thị đã thẳng tay đá Chí ra khỏi cuộc
đời mình. Và bà cô già của thị thẳng tay đóng sầm lại cánh cửa quay trở về làm
người lương thiện của Chí Phèo. Bà gào lên như một con mẹ dại “Ai lại đi lấy cái
thằng Chí Phèo?”, “đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao mà phải lấy một thằng
không cha, không mẹ chi biết rạch mặt ăn vạ”. Suy nghĩ của bà cô thị Nở cũng
chính là những định kiến xã hội hẹp hòi, đầy rẫy những bất công với Chí. Với họ,
Chí vẫn sẽ mãi là một thằng lưu manh. Và thế là cái xã hội với những quan niệm
tàn nhẫn, lạc hậu đã đẩy một người như Chí thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại rồi
thẳng tay ruồng bỏ hắn.  Hạnh phúc mong manh vừa hé mở thì đã bị xã hội độc
đoán bóp nghẹt. Hay phải chăng người đàn bà già cô độc ấy “thấy tủi cho thân
bà” nên  mới ngăn cản thị Nở đến với hạnh phúc riêng? Ban đầu, thị tức lắm,
“nhưng thị biết cãi bà làm sao?”. Cũng vì cái tính dở hơi, thị nào biết mình đã vô
tình gieo lên hy vọng cho Chí, cũng không hiểu được sự săn sóc của thị lại có ý
nghĩa lớn lao nhường nào đối với hắn thế nào hay hắn thương thị đến nhường nào.
Thị chỉ biết là “Thị tức lắm!” và “cần đổ cái tức ấy lên một người”. Vậy là thị
“lon ton chạy đến nhà nhân ngãi”, “chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và
đớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô”. Ngòi bút hiện thực của
Nam Cao đã không né tránh sự thối nát, cổ hủ của xã hội thực dân nửa phong kiến
đã cướp đi của Chí cái quyền được làm người và vĩnh viễn sẽ chẳng bao giờ trả lại.
 
Bị cự tuyệt, nỗi đau đớn, tuyệt vọng bủa vây lấy tâm hồn Chí Phèo. Một
người lần đầu biết đến hơi ấm của tình người chưa được bao lâu thì đã bị khước từ
thẳng thừng. Người đem đến hạnh phúc và lẽ sống cho hắn là thị Nở, nhưng người
đẩy hắn vào tận cùng của tuyệt vọng cũng chính là thị. Với Chí, Thị Nở không chỉ
là tình yêu mà còn là niềm hy vọng cuối cùng, là mái ấm, là ánh sáng dẫn lối trở về
con đường lương thiện mà hắn hằng ao ước. Ở đây, Nam Cao như đã đặt mình vào
tình cảnh của nhân vật để khắc họa một cách rõ nét nỗi tuyệt vọng tận cùng của
Chí với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Thoạt đầu, Chí thảng thốt, bàng
hoàng đến chết lặng. Chí dường như không hiểu nổi, đến khi hiểu ra, hắn ngồi
ngẩn người choáng váng như không tin vào tai mình nữa. Cả bầu trời hy vọng của
Chí bỗng chốc sụp đổ trong chốc lát, hắn hiểu rằng hắn chẳng còn cơ hội bước đi
trên con đường lương thiện nữa, bởi xã hội này, làng Vũ Đại này đâu cho phép
hắn. Trong tâm trí hắn lại thấy thoáng hiện ra hương vị của cháo hành,  cái hương
vị ấy giờ đây như hàng ngàn nhát dao đâm thẳng vào trái tim vốn đã rỉ máu của
hắn. Nam Cao quả là một bậc thầy trong miêu tả nội tâm nhân vật, ông đã miêu tả
từng cung bậc cảm xúc của con người với nỗi đau bị cự tuyệt không chỉ qua biểu
cảm, nét mặt mà còn bởi hành động của họ. Chí giật mình sửng sốt, hắn đuổi theo
thị, níu lấy tay thị như níu kéo hy vọng “làm người” cuối cùng. Hắn nắm lấy tay thị
như một người đang chơi vơi, sắp chết đuối dưới nước bấu víu lấy mạn thuyền.
Trớ trêu thay, thị Nở không nao núng mà gạt phăng đi, đẩy hắn “lăn khoèo ra
đất”, bỏ lại một thằng Chí trong vô vọng. Trống rỗng… đau đớn… tuyệt vọng…
hắn lại uống rượu, hắn uống để quên đi thực tại đớn đau, uống thật say để cầm dao
“đâm chết cái con khọm già nhà nó”. Chí lại uống rượu, nhưng nghịch lý thay, cái
liều thuốc độc ấy khi xưa làm hắn say thật say, say để quên đi cái muộn phiền,
quên đi số phận bi kịch của mình thì giờ đây, hắn càng uống lại càng tỉnh, lại càng
đau. Mùi hương cháo hành cứ thoang thoảng đâu đấy khiến con quỷ dữ chuyên
rạch mặt ăn vạ giờ đây chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức, khóc tức tưởi như thể chưa
bao giờ được khóc. Những giọt nước mắt cuối cùng của Chí Phèo phải chăng chính
là giọt nước mắt của Nam Cao đã thấm đẫm những dòng văn về tấn bi kịch cuộc
đời Chí. Đối với Chí, thị Nở đóng vai trò một cây cầu, một cánh cửa để đưa hắn về
với cộng đồng - nơi mà hắn đã từng bước chân ra đi. Nhưng thật đáng tiếc, mọi sự
như đặt một dấu chấm hết ngay trước ngưỡng cửa trở về với lương thiện của Chí
Phèo. Chi tiết bát cháo hành được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như nhát dao cứa sâu
vào nỗi đau của Chí, đồng thời, nó cũng góp phần tô đậm niềm khát khao yêu
thương luôn sôi sục trong sâu thẳm tâm hồn hắn. Mối tình Chí Phèo - thị Nở cũng
được Nam Cao phác họa dưới ngòi bút chan chứa tình người, "mùi cháo hành" đẩy
lùi "hơi rượu" chĩnh là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc bắt nguồn từ trái tim nhân
đạo của nhà văn.
 
Khi bị đẩy vào cùng đường của tuyệt vọng, chi tiết Chí Phèo cầm dao đến
nhà Bá Kiến diễn ra như một kết thúc tất yếu cho câu chuyện. Tận cùng tuyệt
vọng, Chí thấm thía bi kịch tinh thần đầy bi đát của cuộc đời mình không còn cách
nào có thể cứu vãn. Hắn càng phẫn uất hơn bao giờ cái tội ác của kẻ đã cướp đi
tâm hồn mình, biến mình trở thành con quỷ lạnh máu tanh lòng. Chí Phèo xách dao
ra đi, vừa đi vừa chửi rủa sự đời, nhưng không hiểu sao, Chí lại không vào nhà Thị
Nở để giết chết “con khọm già” – bà cô của Thị như ý định ban đầu, mà tâm trí lại
điều khiển hắn đi thẳng đến nhà Bá Kiến. Cả cuộc đời mình, chưa bao giờ Chí lại
dõng dạc đến thế, dứt khoát đến thế và “tỉnh” đến thế. Khung cảnh đã được nhà
văn miêu tả vô cùng tinh tế. Chính vào buổi trưa “trời nắng, đường vắng” ấy, Chí
Phèo đến nhà Bá Kiến, nhưng hắn không xin tiền như mọi khi mà đòi quyền được
“làm người lương thiện”. Chí Phèo “xông xông” đi vào, Bá vẫn tưởng hắn đến để
vòi tiền, ném năm hào xuống đất rồi “quát một câu cho nhẹ người”. Nhưng điều
đấy chỉ khiến Chí Phèo càng thêm căm hận cái kẻ đã biến hắn thành một kẻ người
không ra người, ngợm không ra ngợm. Trong cơn say rượu, hắn vẫn ý thức rõ được
lão ta là người cướp đi sự lương thiện của mình, đẩy hắn vào con đường tha hóa
khiến hắn không còn nhớ mình đã ra sao. Hắn không đến nhà Bá Kiến để vòi tiền
như mọi khi mà hắn đến để đòi lại “lương thiện”, điều mà hắn biết rõ lão đã cướp
đi.  Nam Cao đã từng nói: “Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia xuất phát từ
cuộc sống lầm than”. Vậy phải chăng “tiếng đau khổ” ấy lại chính là câu hỏi “Ai
cho tao lương thiện?” của Chí Phèo. Câu hỏi ấy là câu hỏi mang tính thời đại, gieo
vào lòng người biết bao xót xa, đau đớn, day dứt và ám ảnh vô cùng. Cuộc đời của
Chí Phèo không còn gì có thể cứu vãn, vì vậy hắn quyết định giết chết cái kẻ biến
mình thành một kẻ mất hết cả nhân tính: “Chí còn một cách… biết không?”. Nói
rồi, hắn rút dao ra, xông đến, đâm Bá Kiến một nhát khiến lão chỉ kịp kêu lên một
tiếng. Rồi cũng chính lưỡi dao đấy, Chí Phèo dùng nó để kết liễu chính mình. Hắn
không thể tiếp tục sống lưu manh, cũng không thể trở về con đường lương thiện
đúng đắn. Chí chọn cái chết như một sự trả giá về những sai lầm đã gieo giắt trong
suốt hai mươi năm lưu manh, chém mướn. Đó là một cái chết tất yếu, cái chết bi
thảm, vật vã, quằn quại trên vũng máu của mình, trong tiếng kêu uất hận đầy đau
xót, ám ảnh. Chí đã chết trên ngưỡng cửa trở về với cuộc sống của một con người
lương thiện, khi cánh cửa cuộc đời đóng chặt lại trước mặt hắn. Chí Phèo sinh ra
không ai vui vẻ, khi chết đi lại chẳng ai thương, nên hắn đã nguyện giết chết con
quỷ trong hắn để giải thoát số phận đầy ắp những bi kịch này, để giữ cho phần
người của anh Chí được sống lại. 
 
Chi tiết cuối cùng kết thúc truyện đã gợi ra cho người đọc có nhiều liên
tưởng, suy nghĩ. Thị Nở nhìn xuống cái bụng bầu của mình, “đột nhiên, thị thấy
thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua lại…”.
Ở phần đầu câu chuyện, hình ảnh cái lò gạch cũ đã giới thiệu sự ra đời của Chí
Phèo, vậy phải chăng, đây cũng sẽ là sự ra đời của một Chí Phèo con? Chí Phèo
cho dù có chết đi thì sẽ có một Chí Phèo con ra đời, sống một cuộc đời bi thương
như cha nó. Có thể nói, hình ảnh cái lò gạch cũ một lần nữa được xuất hiện đã gợi
mở một bi kịch kinh hoàng không lối thoát rất có thể sẽ được lặp lại. Và chi tiết thị
Nở nhìn xuống cái bụng bầu của mình rồi thoáng hiện lên hình ảnh cái lò gạch cũ
vừa làm nhiệm vụ khép lại câu chuyện, nhưng cũng tạo ra kiểu kết cấu đầu cuối
tương ứng cho tác phẩm, báo hiệu về một vòng tròn của kiếp sống lầm than rất có
thể sẽ xoay vòng mãi mãi. 
 
Nam Cao đã rất thành công trong việc khai thác nỗi khổ về mặt tinh thần,
nỗi đau về thể xác của những người nông dân thời kì trước Cách mạng tháng tám.
Kết hợp với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên mà sống
động,  dù tác phẩm được kể lại qua góc nhìn thứ ba, song người đọc vẫn đến được
thật gần với diễn biến tâm trạng của Chí Phèo - một nhân vật điển hình trong hoàn
cảnh điển hình. Qua tác phẩm, tác giả đã gửi gắm lòng đồng cảm sâu sắc với bi
kịch của nhân vật, niềm tin vào bản chất hiền lành lương thiện của con người sẽ
luôn còn đó.  
 
“Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”, những chi tiết đặc sắc mà đầy tinh tế
trong cái chất văn lạnh lẽo của nhà văn Nam Cao đã góp phần làm nên thành công
của ông. Nó đã khái quát lên một chân lý nghệ thuật: nghệ thuật chân chính không
những tìm thấy cái bình thường trong sự phi thường mà còn phát hiện cái phi
thường trong sự bình thường, thậm chí tầm thường. Với những giá trị hiện thực,
nhân đạo hàm chứa, truyện ngắn “Chí Phèo” với những nhân vật bất hủ sẽ không
bao giờ phai mờ trong tâm trí mọi thể hệ độc giả.
 

You might also like