You are on page 1of 4

Đề bài: Cảm nhận Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở (từ Sáng hôm sau trang 149

đến hết trang 151)


Bài làm
Văn chương chân chính ngay cả khi nói về cái ác cũng chỉ nhằm thể hiện khát
vọng của cái thiện. Một nhành hồng ở lại giữa đời nhờ hương thơm say đắm,
không nồng nàn như cúc họa mi, không ngọt ngào như ngọc lan vừa chớm nở, một
chú chim ở lại giữa đời nhờ tiếng hót thiết tha cất lên giữa đồng ca núi rừng, liệu
thứ ở lại giữa đời đối với mỗi nhà văn phải chăng chính là giọng nói của riêng
mình… Văn hào Nga Lép-tôn-xtôi không phải ngẫu nhiên mà khẳng định rằng:
“Khi một nhà văn mới bước vào làng văn, điều đầu tiên tôi sẽ hỏi anh ta là anh sẽ
mạng lại điều gì mới cho văn học?”. Câu nói ấy đã đúc kết một lẽ sinh tử của văn
chương nghệ thuật, một nỗi trăn trở, day dứt của biết bao nhà văn chân chính: đó là
sự khám phá, sáng tạo cái mới trong văn học. Và nổi bật trong những ngòi bút
mang lại làn gió độc đáo thổi phồng sự sinh động cho thế giới văn học nước ta,
chúng ta không thể quên nhắc đến cái “lạ” trong từng vần điệu của nhà văn Nam
Cao qua tác phẩm “Chí Phèo”. Có lẽ, Nam Cao hiểu hơn ai hết những nỗi đau đớn
trong lòng nhân vật bởi một trái tim nhân ái của người nghệ sĩ, ông đã chắp bút nên
những ca từ cứu rỗi kiếp người đáng thương của Chí, đặc biệt là những trang văn
kể từ sau khi hắn gặp Thị Nở.

Phong thái văn chương của Nam Cao lấp lánh sáng tạo, dựng lên những con người
rất thực, rất gần nhưng lại rất lạ và rất mới, hệt như Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra
từ trang sách của ông. Vẫn là những xúc cảm chua chát dai dẳng tột cùng của
người nông dân, nhưng lại đau đớn một cách rất “khác”, hệt như cách nhà phê bình
Nguyễn Đăng Mạnh đã nói: “Khi Chí Phèo ngật ngưỡng bước ra từ những trang
sách của Nam Cao thì người ta liền nhận ra rằng đây mới là hiện thân đầy đủ
những gì gọi là khốn khổ, tủi nhục nhất của người dân cày ở một nước thuộc địa:
bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy hoại từ nhân tính đến nhân hình”. Chị Dậu (Tắt đèn-
Ngô Tất Tố) bán chó, bán con, bán sữa nhưng chị còn được là con người, còn Chí
phải bán cả diện mạo và linh hồn của mình để thành “con quỷ dữ” làng Vũ Đại.
Nỗi đau đớn, cay đắng, ám ảnh ấy được đúc kết qua dòng thơ:

“Nam Cao chết và Chí Phèo vẫn sống


Nào có dài chi một kiếp người
Nhà văn mất nhân vật từ trong sách
Vẫn ngày ngày lăn lóc giữa trần ai.”
Bằng nhãn quan tinh tường hiếm có qua lăng kính hiện thức của một chủ nghĩa
nhân đạo mới mẻ soi chiếu mọi nỗi khổ đau của con người, cùng điểm gặp là chị
Dậu (Tắt đèn-Ngô Tất Tố) và anh Pha (Bước đường cùng-Nguyễn Công Hoan) đều
nói lên những khổ sở trong đề tài người nông dân, ta thấy một Chí Phèo rất khác so
với những áp bức, bóc lột mà các nhân vật trên trải qua. Bởi hắn đã mất đi phần
“người” do những đày đọa đến độ tha hóa nhân tính. Từ một người lính canh điền
khỏe mạnh lại trở thành cái bóng hình triền miên trong cơn say, trở thành những
tiếng chửi rủa gắt gỏng nửa như giận dữ, nửa như khóc lóc, van lơn, trở thành
khuôn mặt quỷ dữ vằn vện sẹo dọc sẹo ngang sau bao lần rạch mặt ăn vạ. Nhưng
chắc hẳn trong ánh mắt đáng sợ ấy là một nỗi dằn xé tột cùng len lỏi những cảm
xúc mỏng manh con sót lại của một con người, là tia ánh sáng lương tri nhen nhóm
trong trái tim hắn, như lúc hắn gặp thị Nở… Lần đầu tiên Chí Phèo cảm thấy xúc
động khi có người quan tâm đến mình “rất ngạc nhiên”, “mắt ươn ướt”, “bâng
khuâng”. Hắn đón nhận bát cháo hành thơm ngon một cách trân trọng “hắn húp
một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết
rằng cháo hành ăn rất ngon”. Hơn thế nữa, Chí Phèo ngỏ lời với thị Nở “Hay là
mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Chí Phèo thật sự mong mỏi được hoàn
lương, có một cuộc sống bình thường như những con người khác “Hắn thèm
lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”. Qua những thay đổi tích
cực ấy, Nam Cao một lần nữa khẳng định giá trị nhân đạo sâu sắc về khát vọng
mãnh liệt muốn được sống một cuộc sống lương thiện của người lao động nghèo
mà không một thế lực tàn bạo nào có thể hủy diệt được.

Dưới màn đêm thanh vắng, vầng trăng sáng tỏ làm chứng, Chí Phèo đã gặp Thị Nở – tình
yêu thiên sử của cuộc đời mình. Trong buổi đêm ấy, Chí Phèo gặp Thị Nở không chỉ đơn
giản là sự va chạm về xác thịt mà nó đã khơi dậy thứ tình yêu mang tính bản năng của
con người.Một con quỷ của làng Vũ đại cộng với một người phụ nữ xấu nhất làng đã
thành một tình yêu kỳ diệu. Kỳ diệu ở chỗ, một con người lưu manh hóa, bị cả làng xa
lánh lại có tình yêu. Kỳ diệu ở chỗ, một người phụ nữ ngẩn ngơ, xấu ma chê quỷ hờn lại
có tình yêu. Đó là điều kỳ diệu , điều kỳ diệu có thể thay đổi cả một con người.

Quỷ dữ say ngàn năm đã tỉnh dậy sau một đêm, một con người lưu manh đã cảm nhận
được cuộc sống. Trước đây, vây quanh Chí chỉ có rượu cay, rượu thơm, rượu nồng.
Nhưng giờ đây, Chí tỉnh rượu sau bao nhiêu năm say triền miên. Trận thổ nữa đêm đã
loại bỏ hết men rượu trong người Chí, Chí cảm thấy mình tỉnh hơn bao giờ hết. Lần đầu
tiên trong cuộc đời Chí nghe thấy những âm thanh của cuộc sống. “Mặt trời đã lên cao và
nắng bên ngoài chắc là rực rỡ, lúc nghe tiếng chim bên ngoài đã đủ biết… chim hót ngoài
kia vui tai quá! Có cả tiếng cười nói của người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuôi
cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chẳng có, nhưng hôm nay hẳn mới nghe thấy”.
Một người như Chí chỉ có rượu làm bạn mà đã nghe thấy tiếng gọi cuộc sống, đó là một
điều kỳ diệu.

Điều kỳ diệu không chỉ có thế, đây cũng là lần đầu tiên Chí biết chiêm nghiệm về cuộc
đời mình, “ Tỉnh dậy hắn thấy mình đã già mà vẫn còn cô độc”, Chí đã sang con dốc bên
kia của cuộc đời rồi mà vẫn còn lẻ bóng. Những người bằng tuổi Chí thì đã có gia đình
sum vầy hạnh phúc, cha con quây quần. Nhìn lại cuộc đời, Chí thấy mình đã yêu nhiều,
lắm chỗ hư hỏng nặng nề. Chí nhớ rằng, trước kia Chí cũng từng có một ước mơ, có một
gia đình nhỏ bé, chồng cuốc mướn cấy thuê, vợ dệt vải. Nhưng vì cái xã hội này mà Chí
đã quên đi cái cuộc đời này. Mọi người mới sinh ra không ai là độc ác cả mà chỉ tại cái xã
hội tàn bạo này đã biến họ thành một con người khác, bị lưu manh hóa, bị xã hội coi
thường, khinh bỉ, xa lánh.

Và rồi, thị Nở cũng xuất hiện, thị sang mang cho Chí bát cháo hành nóng hổi, bát cháo
hành không chỉ để cho Chí giải cảm mà còn là sự quan tâm bởi tay một người đàn bà. Thị
quan tâm, chăm sóc Chí thật tốt, tình cảm của thị gửi đến cho Chí quá đột ngột khiến Chí
quá ngạc nhiên “ hắn thấy mắt mình hình như ươn ướt”.

Cầm bát cháo trên tay hít một hơi dài, húp một mạch đến cạn bát. Chí thấy cháo hành
mới ngon làm sao, “ những người suốt đời không ăn cháo hành không biết cháo hành ăn
rất ngon”. Giờ đây, Chí tin tưởng rằng thị sẽ làm cầu nối đưa Chí về thế giới bằng phẳng
kia, Chí muốn làm người lương thiện. Thế mới biết, sự lương thiện của một con người
luôn ẩn náu trong một góc khuất nào đó ngay cả khi họ bị biến thành quỷ dữ.

Đương lúc niềm tin dâng trào thì chí Phèo lại rơi vào một bi kịch đau đớn hơn bi kịch lúc
đau gấp trăm ngàn lần, thị Nở cự tuyệt Chí Phèo. Đang lúc tình yêu say đắm ,thị Nở
thương Chí Phèo, Chí Phèo mến thị Nở mà bà cô thị rắp tâm chia cắt mối tình đẹp. Thái
độ của bà cô thị đại diện cho thái độ của những người dân trong làng, họ không thể tiếp
nhận lại Chí Phèo, ước mơ của Chí Phèo đã bị dập tắt , rồi cuộc đời Chí sẽ trôi về đâu?

Theo bản tính sẵn có, cứ buồn là Chí tìm đến rượu, uống cho say để quên đi cuộc đời. lần
này cũng thế, Chí lại uống rượu. Rượu luôn trung thành với Chí nhưng giờ Chí càng uống
lại càng tỉnh, càng tỉnh lại càng buồn. Chí thấy thoang thoảng mùi cháo hành. Trước lúc
uống, Chí định bụng sẽ đến nhà Thị Nở giết cả nhà con mụ đàn bà xấu xí ấy nhưng khi có
rượu trong người, Chí lại xách dao đến nhà Bá Kiến. Chí đòi sự lương thiện: “ ai cho tao
lương thiện”? Chí giết chết Ba Kiến rồi tự sát, Chí chết giãy đành đạch giữa vũng máu,
Chí chết bởi Chí không muốn trở lại kiếp quỷ dữ. Cái chết của Chí là sự giải thoát cho
mọi đau khổ, cuộc đời Chí đặt dấu chấm hết.

Tâm trạng của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở đã được nhà văn Nam Cao miêu tả rất sâu
sắc. Bằng việc sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật như: miêu tả và phân tích tinh tế diễn
biến tâm lí nhân vật, xây dựng được nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, kết
cấu truyện linh hoạt , mới mẻ, phóng túng và cả sử dụng ngôn ngữ tự nhiên, giản dị sử
dụng khẩu ngữ đan xen cách trần thuật linh hoạt, đã tạo nên một tình yêu thiên sứ giữa thị
Nở và Chí Phèo.

Khép lại truyện ngắn “ Chí Phèo”, tác phẩm đã thể hiện cả giá trị hiện thực và giá trị nhân
đạo sâu sắc mới mẻ. Hiện thực ở chỗ đã phản ánh số phận bi thảm của những người nông
dân bị áp bức bóc lột trước cách mạng. Đồng thời tố cáo chế độ thực dân nửa phong kiến
tàn bạo. Còn nhân đạo ở chỗ , phát hiện và miêu tả những phẩm chất tốt đẹp của con
người ngay cả khi họ biến thành quỷ dữ. “ Chí Phèo” là một kiệt tác của nền văn học Việt
Nam.

You might also like