You are on page 1of 10

CẢM NHẬN VỀ CHI TIẾT

“ BÁT CHÁO HÀNH ”


1. KHÁI QUÁT TÁC GIẢ, TÁC PHẨM, NỘI DUNG
CƠ BẢN CỦA “CHÍ PHÈO”
Nhà văn Thạch Lam từng bày tỏ trong tập “Theo Dòng” : “Đối với tôi văn
chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự
quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà
chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa
làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn” Quả thực văn
chương chính là tiếng nói chân thực nhất phản ánh toàn bộ góc nhìn của
nhà văn trước thời cuộc, là công cụ soi sáng cho con người trong thời kì
lịch sử tăm tối. Và phải chăng, văn đàn hiện thực Việt Nam những năm 40
là minh chứng sáng ngời cho giá trị tồn tại của văn chương trong dòng
chảy của lịch sử. Đề tài người nông dân có thể coi là mảnh đất màu mỡ
mà các nhà văn hiện thực những năm 1930 -1945 đã gieo nên những mầm
mống nghệ thuật kì cựu và gặt hái được những mùa bội thu với nhiều
thành tựu nổi bật, lưu lại cho đến nay những dấu ấn khó phai. Là người
đến sau khi mảnh đất màu mỡ ấy được khai phá, Nam Cao nổi bật với
những trang viết phản ánh sâu sắc bi kịch của những con người nghèo khổ
- những kẻ sống dưới đáy xã hội với một cuộc đời lầm than, tủi cực. Nam
Cao gắn nhân vật của mình vào cái không khí ngột ngạt tối tăm của chế độ
thực dân phong kiến, vạch trần bộ mặt tàn bạo của giai cấp thống trị và thể
hiện sự thương cảm với nỗi đau của con người. Từ những tư tưởng vượt
thời đại cùng những nhận thức sâu sắc về tình cảnh bi thảm của người
nông dân thấp cổ bé họng mà “Chí Phèo” bước vào văn đàn chủ nghĩa
hiện thực Việt Nam với chỗ đứng riêng vươn lên hàng kiệt tác, trở thành
đỉnh cao văn học trong những năm 1930-1945.
Nam Cao là một nhà văn hiện thực, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có
đóng góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hoá truyện ngắn và tiểu
thuyết Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX. Ông có quan điểm nghệ thuật sâu sắc
đoạn tuyệt với thứ văn chương lãng mạn xa lạ với đời sống lầm than của
nhân dân lao động mà tìm đến những tác phẩm thật có giá trị “ca tụng lòng
thương, tình bác ái, sự công bình…làm cho người gần người hơn!”  Ông là
người có tấm lòng nhân hậu, thương yêu đối với những con người nghèo
khổ bị áp bức. Mỗi tác phẩm của ông là sự đồng cảm sâu sắc, là sự chia
sẻ đầy ân tình đối với những số phận bất hạnh và là sự khẳng định bản
chất tốt đẹp bất diệt của người lao động. Các tác phẩm của Nam Cao
hướng về đề tài người tri thức nghèo và người nông dân cùng khổ đặc biệt
là niềm quan tâm sâu sắc tới đời sống tinh thần của con người, đau đớn
trước tình trạng con người bị rơi vào thảm cảnh sống mòn , bị xói mòn về
nhân phẩm, thậm chí bị huỷ hoại cả nhân tính. Chính những tâm huyết
cùng tài năng văn chương độc đáo mang tầm triết lý của nhà văn đã giúp
ông khẳng định được vị trí của mình trên văn đàn chủ nghĩa hiện thực Việt
Nam và đưa các sáng tác của ông vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời
đại.
Theo như Nguyễn Tuân từng khẳng định : “Nếu như với Nguyễn Công
Hoan đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, với Thạch Lam đời là
miếng vải có lỗ thủng, những vết ố, nhưng vẫn nguyên vẹn, thì với Nam
Cao, cuộc đời là tấm áo cũ bị xé rách tả tơi từ cái làng Vũ Đại đến mỗi gia
đình, mỗi số phận.”, cái nhìn về cuộc đời cùng tư tưởng sáng ngời của
Nam Cao được thể hiện thông qua thành công của truyện ngắn “Chí
Phèo”- kiệt tác văn xuôi Việt Nam hiện đại có giá trị hiện thực và nhân đạo
sâu sắc. Tác phẩm Chí Phèo được sáng tác vào năm 1941, được tác giả
viết nên dựa trên cơ sở người thật việc thật. Đó là làng Đại Hoàng – quê
hương của nhà Văn Nam Cao. Dựa trên cơ sở đó, Nam Cao hư cấu, sáng
tạo nên câu chuyện về cuộc đời của Chí Phèo, khắc họa bức tranh chân
thực về nông thôn Việt Nam xơ xác , bần cùng trong khoảng thời gian
1940 -1945. Viết về nông dân, Nam Cao kết án đanh thép xã hội thực dân
phong kiến đã huỷ hoại nhân hình, sói mòn nhân tính của những con
người lương thiện. Không “bôi nhọ” người nông dân, ông đi sâu vào nội
tâm nhân vật để phát hiện, khẳng định nhiều phẩm chất cao cả của những
người bị xã hội vùi dập. Cuộc sống con người trong xã hội cũ vô cùng ngột
ngạt, tối tăm với nhiều sự áp  bức, bóc lột, những bi kịch đau đớn, kinh
hoàng... Điều đó đã được nhà văn thể hiện một cách chân thực trong tác
phẩm “Chí Phèo”. Dẫu vậy, cảnh ngộ cùng quẫn, bi đát ấy không thể giết
chết đi khát vọng sống, khát vọng được làm người lương thiện của người
dân lúc bấy giờ.
Tác phẩm Chí Phèo kể về nhân vật Chí Phèo, hắn vốn là một đứa trẻ
bị bỏ hoang trong một lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Khi lớn lên Chí
Phèo đi ở hết nhà này nhà khác để nuôi thân. Đến năm 20 tuổi, Chí làm
canh điền cho nhà Bá Kiến, và bi kịch cuộc đời hắn từ diễn ra từ đây. Vì bị
Bá Kiến ghen nên Chí bị giải lên huyện và bị bắt bỏ tù.  Đi tù bảy, tám năm,
hắn trở lại làng, mặt mày trông khác hẳn, gớm chết! Về hôm trước thì
chiều hôm hắn xách vỏ chai đến thẳng nhà Bá Kiến gây sự. Xô xát với Lý
Cường, hắn đập vỏ chai, rạch mặt kêu trời ăn vạ. Sau cái vụ Năm Thọ,
Binh Chức, cụ Bá róc đời xử nhũn với Chí Phèo. Cụ mời hắn vào nhà, giết
gà đãi rượu, lúc hắn ra về còn đãi một đồng bạc uống thuốc.
Hắn trở thành anh đầy tớ chân tay mới của Bá Kiến, chuyên đâm thuê
chém mướn, rạch mặt ăn vạ. Hắn đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt
trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say mãi, say vô tận. Hắn chửi
trời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi con mẹ chết tiệt nào đẻ ra hắn cho hắn khổ.
Cả làng Vũ Đại đều sợ hắn một khi hắn đi qua trước mặt. Tình cờ một đêm
trăng, hắn gặp Thị Nở đang há hốc mồm ngủ dưới trăng, và ăn nằm cùng
thị. Gần sáng Chí bị cảm, hắn được thị Nở người đàn bà xấu ma chê quỷ
hờn cho ăn cháo hành. Cũng là lần đầu tiên hắn được ăn cháo hành lại do
bàn tay một người đàn bà cho. Hắn bâng khuâng nhớ lại một thời trai trẻ,
hắn muốn cùng thị làm thành một cặp rất xứng đôi. Chí Phèo thèm lương
thiện. Và hắn say thị lắm. Nhưng đến hôm thứ 6, thị nghĩ bụng: hãy dừng
yêu để hỏi cô thị đã. Thị Nở bị bà cô xỉa xói vào mặt. Thị ton ton chạy sang
lều trút tất cả giận dữ lên Chí. Chí Phèo ngẩn mặt ra, chạy theo Thị Nở,
hắn đã bị nhân tình đấm cho một cái ngã lăn khoèo xuống đất. Hắn toan
đập đầu ăn vạ nhưng hắn chưa thật say. Và hắn uống, uống thêm chai
nữa, càng uống càng tỉnh. Hắn đi đến nhà Bá Kiến với con dao ở thắt lưng
để đòi lương thiện. Chém chết Bá Kiến, hắn đâm cổ tự sát. Cả làng Vũ đại
xôn xao kéo đến xem 2 con quỷ giết nhau. Bà cô chì chiết Thị Nở. Thị nhìn
nhanh xuống bụng mình, và thoáng chợt thấy một cái lò gạch cũ bỏ không,
xa nhà cửa, và vắng người lại qua... Xuyên suốt tác phẩm là nghệ thuật
xây dựng nhân vật điển hình bất hủ hết sức chân thực cùng lối trần thuật
linh hoạt, tự nhiên, nhất quán kết hợp với nghệ thuật ngôn ngữ rất thần
tình của nhà văn. Tuy vậy, một trong những điều làm nên thành công của
các phẩm chính là những “chi tiết bụi vàng” trong nhận định của Pau-top-
xki. Và có lẽ khi “Chí Phèo” đến với thế giới quan của độc giả, cũng là lúc
mà người ta bị ấn tượng bởi chi tiết “ bát cháo hành” mà Thị Nở dành riêng
cho Chí Phèo.

2. CẢM NHẬN VỀ CHI TIẾT “BÁT CHÁO HÀNH”


Bát cháo hành đến với Chí Phèo được ví như ngọn hải đăng giữa biển
đen sâu thẳm vô hướng, Cánh cửa của xã hội lương thiện vốn đã đóng
sầm trước mặt hắn từ khi hắn hồi hương giờ đây dường như bị chốt
chặt, chèn cài kỹ lưỡng, im ỉm như một khối băng. Chí Phèo hiện diện
như một bóng hình hắc ám đi bên lề cuộc sống của làng Vũ Đại. Trong
khi Chí Phèo đang vùi mình trong vũng lầy bần cùng tha hoá, thì phía
cuối đường hầm ấy, vẫn có một người đàn bà khốn nạn chịu nhiều khổ
đau thiệt thòi nhìn đến Chí Phèo, đó là Thị Nở - con người xấu đến ma
chê quỷ hờn. Sau một đêm trăng gió với Chí, Thị lại trằn trọc suy nghĩ
có hay chăng thương cho thân xác tội nghiệp kia “Đang ốm thế thì chỉ
ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà”. Xét
cho cùng, biểu hiện tình người lớn nhất của Thị Nở là bát cháo hành.
Và đây là một chi tiết thiên tài của Nam Cao. Việc Thị Nở chăm sóc cho
khi bị cảm gió ngoài vườn, thực ra, chỉ là cử chỉ của một lòng tốt bình
thường của một con người dành cho một con người. Nhưng trong cái
thế giới ngày càng vô tình, tha hóa của làng Vũ Đại, đây là lòng tốt hiếm
hoi duy nhất mà Chí nhận được kể từ ngày về làng. Vì thế nó quý giá,
nó mới làm cảm động Chí Phèo sâu xa đến thế. Gửi niềm tin vào lòng
tốt bình thường, Nam cao đã tỏ rõ tầm cỡ của một nhà văn nhân đạo
lớn. Bởi cái mà nhân loại thiếu không phải một lòng tốt xa vời và hư ảo
của một ông thánh, cũng không phải lòng tốt suông của những nhà lập
thuyết viển vông: “Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình
thường”, lời nói đó đã luôn vang lên như một điệp khúc khắc khoải trong
tác phẩm của Rơmác. Chỉ cần mỗi con người mang cho nhau một lòng
tốt bình thường là đủ để cả hành tinh này tốt đẹp rồi.

Cháo hành là thứ cháo xoàng xĩnh ấy thế mà đến này, khi sang đến cái
dốc bên kia của cuộc đời, Chí mới lần đầu tiên được hưởng. Chí Phèo ý
thức được sự hiếm hoi muộn màng đó. Và hắn nhận ra đó là hương vị
của tình người. Kề bát cháo hành lên miệng, hắn đã khóc. Nam Cao đã
tả bằng những lời văn bè ngoài lạnh lùng mà bên trong đầy thương cảm
xót xa: “ Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt
mình như ươn ướt”. May mà Chí Phèo vẫn còn những giọt nước mắt
ấy. Nếu không còn khả năng khóc, Chí Phèo không còn khả năng lương
thiện, nghĩa là lương tri đã chết hẳn trong con người Chí. Nam Cao tin
vào nước mắt của con người. Với Nam Cao, nước mắt là biểu hiện của
tính người. Sống trong xã hội Vũ Đại héo khô tình người, giọt nước mắt
trong Chí Phèo tưởng đã khô cạn, tiêu tan. Hóa ra chưa hẳn. Nó chỉ bị
vùi lấp trong sâu thẳm lòng Chí, nó vẫn còn cháy len lỏi, âm thầm và
trong suốt. Vậy là tình người đã được thức tỉnh, đã hồi sinh tính người
trong Chí. Vừa chạm đến tình người thì cái lốt quỷ dữ của Chí dường
như đã được trút bỏ, con người lương thiện đã hiện nguyên bản tướng.
Đó chẳng phải là sự kì diệu của bát cháo hành, kì diệu của tình người
hay sao.

Ngọn lửa của tình người cháy lên trong tâm hồn Chí, thôi thúc sự thưc
tỉnh lương tri của 1 con người bị tha hoá, bị đày xuống đáy xã hội. Bát
cháo hành đến với Chí Phèo như một liều thuốc giải cảm. Nhận bát
cháo từ tay Thị mà hắn “ngạc nhiên”. Ngạc nhiên cũng đúng thôi vì “từ
trước đến giờ đã ai cho hắn cái gì. Muốn cái gì hắn phải dọa nạt hay
cướp giật”. Bát cháo hành của Thị Nở tuy giản đơn, mộc mạc chỉ có một
chút cháo trắng với hành nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự hồi
sinh thức tỉnh của Chí. Bát cháo được nấu lên bằng tình yêu thương
chân thành, sự cảm thông, thấu hiểu của Thị Nở dành cho Chí, chính vì
vậy mà nó có sức lay động mạnh mẽ bản chất lương thiện vốn đã bị vùi
sâu trong tâm hồn Chí. Nếu như trước đây, hắn chỉ biết uống rượu, rạch
mặt, ăn vạ, rồi gây nên biết bao nhiêu tội ác thì giờ đây sau khi ăn bát
cháo hành của Thị Nở hắn thấy lòng thành trẻ con. Hắn muốn làm nũng
với Thị như với mẹ. Chưa bao giờ ta thấy hắn hiền như lúc này…Một
cảm xúc khác thay cho cái ngạc nhiên ban đầu “hắn thấy mắt ươn ướt,
một chút gì như là ăn năn”. Vậy là Chí đã khóc, một con người đã lấy đi
biết bao nhiêu nước mắt của người khác vậy mà giờ đây chính hắn lại
khóc. Hắn đã khóc, khóc vì đây là lần thứ nhất hắn được người ta cho,
lại được cho bởi tay một người đàn bà. Hắn nhìn bát cháo bốc khói mà
bâng khuâng, vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giống như là ăn năn,
hối lỗi… Chí ăn năn về những gì mình đã gây ra, có thể là như lời nhà
văn “người ta thường ăn năn về những việc mình làm khi người ta
không ác được nữa” nhưng dẫu sao điều ấy là không muộn. Bát cháo
hành đã làm cho Chí tỉnh thức sau cơn say dài triền miên, sau những
tháng ngày ngập chìm trong bóng tối. Lúc này, Chí không còn ngật
ngưỡng vừa đi vừa chửi với chai rượu ôm trong tay nữa. Tình người
đang nhen nhóm trong Chí. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi
cháo mới thơm làm sao ! Chỉ khói xông vào mĩ cũng đủ làm người nhẹ
nhóm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng : những người suốt đời không
ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon. Nhưng tại sao
mãi đến tận bây giờ hắn mới nếm mùi vị cháo ? Cái tình người đầu tiên
Chí nhận được sao không ngon cho được. Sự chăm sóc đầy ân tình
dẫu chăng còn thô vụng của Thị Nở nhưng vẫn đáng quý biết bao. Còn
gì quí giá hơn khi người ta ốm còng queo một mình mà lại được một
bàn tay chăm sóc. Chí đã khao khát biết bao một bàn tay chăm sóc như
thế. Sự gặp gỡ với Thị Nở như là một điều kì diệu đối với Chí, hình ảnh
của Thị giống như một vị cứu tinh trong cuộc đời u ám, say triền miên
với những chuỗi dài bi kịch của Chí Phèo. Hương cháo hành đã làm Chí
tỉnh thức. Và bây giờ Chí đang say thị. Một cơn say thánh thiện, một
cơn say tình yêu. Lần đầu tiên Chí tỉnh, lần đầu tiên cảm nhận được
cuộc sống, nghe thấy những âm thanh xung quanh. Và ước mơ xa xăm
năm nào trở lại trong trí não của hắn. Ước mơ về gia đình nho nhỏ,
chồng mướn vợ dệt vải. Chúng lại bỏ vốn nuôi một con lợn. Khá giả thì
mua dăm ba sào ruộng làm. Trận ốm đã làm cho hắn thoát khỏi cơn say
triền miên mà nhận thức được mình, thấy mình đang ở cái dốc bên kia
của cuộc đời, biết sợ tuổi già, ốm rét và cô độc. Trận ốm đã làm cho
hắn biết sợ – cái mà có lẽ trước giờ chưa bao giờ hắn nghĩ tới. Bát
cháo hành – sự chăm sóc, quan tâm vô tư của Thị Nở làm Chí nghĩ tới
bà Ba Bá Kiến– “con quỷ cái” cứ hay gọi hắn đấm lưng, bóp chân “mà
lại cứ bắt bóp lên trên, trên nữa”. Hắn thấy nhục chứ sung sướng gì.
“Hai mươi tuổi người ta không là đá, nhưng cũng không hoàn toàn là
xác thịt. Người ta không thích những cái người ta khinh …”. Rõ ràng
đến đây, Chí hiện lên là một chân dung con người đầy đủ, vẹn toàn có
cả quá khứ, hiện tại, có những suy nghĩ sâu xa, những tâm trạng phong
phú, ý thức đầy đủ về bản thân. Người nông dân lương thiện trong Chí
đang trở về sau những năm tháng dài bị đi đày xa tắp. Nhưng có ai
nhận thấy đâu, họa chăng chỉ có thị Nở vì thị thấy chí rất hiền, “ai dám
bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt mà đâm chém
người?” Bát cháo hành dẫn đường cho hi vọng hoàn lương. Khát khao
lương thiện bùng dậy khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở. Bát cháo
hành đã hoàn thiện thiên chức gọi chất người, đưa Chí qua cuộc lột xác
để trở về với lương thiện.

Bát cháo hành – vị thuốc giải độc cho cuộc đời Chí. Không chỉ giải cảm,
bát cháo hành – tình người duy nhất đã gợi thức phần lương tri ngủ
quên trong lốt “con quỷ dữ Chí Phèo”. Từ ăn năn, hối hận, Chí bỗng
thấy thèm lương thiện, thèm trở về cuộc sống ngày trước. Bát cháo
hành đã dẫn đường cho hi vọng hoàn lương: Thị Nở có thể làm hòa với
hắn thì mọi người cũng có thể làm hòa với hắn. Khát khao lương thiện
bùng dậy mãnh liệt đã khiến Chí dồn hết hi vọng vào Thị Nở – về cây
cầu đưa hắn về với cuộc đời lương thiện. Hạnh phúc chớm nở như hoa
hàm tiếu và hy vọng được nhen lên rồi bùng cháy mãnh liệt như ngọn
lửa được tiếp oxy. Chí khao khát cuộc đời lương thiện, muốn làm hòa
với mọi người. Thị Nở sẽ là cầu nối, là hy vọng, mở ra cánh cửa của thế
giới lương thiện vẫn đóng im ỉm cho Chí. Bát cháo hành của tình yêu,
tình người đã làm tươi lại, thanh lọc tâm hồn Chí. Cái ước mơ của Chí
rất giản dị mà thiêng liêng, cao cả xiết bao. Nó mang tư tưởng nhân văn
sâu sắc, mới mẻ của nhà văn Nam Cao. Bởi đã là con người, dù dị
dạng, dù tha hóa nhưng họ vẫn có quyền được sống lương thiện, vẫn
không thôi ước mơ, không hết sự khát thèm cuộc đời bình dị trong hạnh
phúc và tình yêu.Bát cháo hành đã hoàn thành thiên chức gọi chất
người, khơi hòn than đỏ vùi trong lớp tro tàn đang âm ỉ, nó đưa Chí qua
một cuộc lột xác để về với sự lương thiện.

Nhưng bát cháo hành cũng chính là chi tiết đẩy bi kịch của Chí lên tới
đỉnh điểm, dẫn tới một kết thúc thảm thương đầy đau đớn. Sau năm
ngày ở với Chí Phèo, Thị Nở “bỗng nhớ ra mình còn một bà cô trên đời”
và quyết định “dừng yêu” để xin ý kiến bà cô. Thị bị bà cô xỉa xói vào
mặt và khi quay lại nhà Chí Phèo, Thị chửi Chí bằng tất cả những lời
của bà cô và vùng vằng quay về. Chí “ngẩn người ra” và chạy vội ra níu
tay Thị nhưng bị Thị dúi cho một cái rồi bỏ về. Chí rơi xuống hố sâu của
tuyệt vọng. Thị Nở đã phụ bạc hắn, hắn không còn cơ hội để quay về
với cuộc sống lương thiện.Thị Nở có lẽ là niềm hy vọng duy nhất và
cuối cùng để Chí có thể thoát ra khỏi “con quỷ dữ” trở về với cuộc sống
lương thiện nhưng hy vọng cuối cùng ấy cũng đã bị dập tắt, dập tắt một
cách phũ phàng, đầy đau khổ. Tuyệt vọng, hắn uống rượu nhưng càng
uống càng tỉnh và thoang thoảng cứ thấy “hơi cháo hành”. Chí yêu Thị
và biết ơn “bát cháo hành” của Thị nhiều biết mấy nhưng nó cũng chỉ là
dĩ vãng khi Thị rời bỏ Chí. Đó là biến thể của “bát cháo hành”. Hắn
không say, vị ngọt tình người cứ thoang thoảng để hắn đau khổ “khóc
rưng rức”.Trong cuộc đời, dù đau khổ, không ai coi Chí là người, dù
phải làm tay sai cho nhà Bá Kiến đầy tủi nhục nhưng chưa bao giờ Chí
khóc, chỉ khi Thị rời đi- khi mà ánh sáng duy nhất vụt tắt, Chí đã khóc-
nước mắt đau khổ tuyệt vọng đến ngất lịm. Cuối cùng Chí lựa chọn cầm
dao đến nhà Bá Kiến, đâm Bá Kiến và tự sát. Hơi cháo hành đã không
cho phép hắn trở lại cuộc sống con quỷ một lần nữa, để trở về lương
thiện chỉ còn cách duy nhất là tự sát. Bát cháo hành đã gọi dậy con
người trong Chí để nó thức dậy mặc dù chỉ khổ đau và bi kịch. Dường
như bát cháo hành ấy đã đưa con người ta đi dúng hướng khi Chí lựa
chọn đâm chết Bá Kiến- kẻ đã gây ra bao đau khổ, là ngọn nguồn của
những bi kịch trong cuộc đời Chí. Nhưng dẫu thế nó cũng không chấp
nhận chết đi mãi mãi. Và bát cháo hành chính là cánh cửa đưa nó thoát
khỏi kiếp đọa đày
Đặt bên cạnh hình ảnh bát cháo hành thì làm sao ta có thể quên được
chi tiết nồi cháo cám trong tác phẩm vợ nhặt của nhà văn Kim Lân. Sự
xuất hiện Hình ảnh này vị trí là nằm ở cuối truyện, trong bữa cơm đầu
tiên đón nàng dâu mới của gia đình bà cụ Tứ.Khi ta biết rằng bữa ăn
đầu tiên của con dâu về nhà chồng vốn dĩ phải là một bữa ăn đầy đủ và
thịnh soạn, thì trái với lẽ thường, đó là một bữa ăn có mùi vị khó chịu,
người đọc làm sao có thể quên được chi tiết này, vừa đau đớn mà vừa
xót xa cho đôi vợ chồng son trong cảnh đói.Xét về mặt ý nghĩa nội dung.
Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món
ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về. Qua đó, tác giả đã
khắc sâu sự nghèo đói, cực khổ và rẻ mạt của người nông dân trong
nạn đói 1945. Từ chi tiết nồi cháo cám,đó chính là nút thắt để tác giả tập
trung lách sâu ngòi bút của mình khắc họa tính cách của nhân vật trong
thế giới truyện được bộc lộ. Bà cụ Tứ gọi cháo cám là “chè khoán”, bà
vui vẻ, niềm nở, chuyện trò với các con ->> là người mẹ nhân hậu,
thương con, và có tinh thần lạc quan. Nồi cháo cám là nồi cháo của tình
thân, tình người, niềm tin và hy vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, mẹ con
Tràng dám cưu mang, đùm bọc thị, chia sẻ sự sống cho thị. Bà cụ Tứ
nói toàn chuyện vui, đem nồi cháo cám ra đãi nàng dâu vốn để làm
không khí vui vẻ hơn.

Vợ Tràng đã có sự thay đổi về tính cách. Hết sức ngạc nhiên trước nồi
cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để
làm vui lòng mẹ chồng. Chứng tỏ, Thị không còn nét cách chỏng lỏn
như xưa nữa mà đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng
gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.Về phương diện
nghệ thuật: Chi tiết góp phần bộc lộ tính cách các nhân vật, thể hiện tài
năng của tác giả Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.

Từ hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, người yêu văn chương dễ dàng nhận
ra sự đồng điệu của chúng.Cả hai hình ảnh đều là biểu tượng của tình
người ấm áp.Mặt khác, cả hai chi tiết nghệ thuật này đều thể hiện bi
kịch của nhân vật và hiện thực xã hội: Ở “Chí Phèo” là bi kịch bị cự
tuyệt quyền làm người (bát cháo hành rất bình dị, thậm chí là nhỏ bé,
tầm thường nhưng đó là lần đầu tiên Chí được cho mà không phải đi
cướp giật). Ở “Vợ nhặt”, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt( theo
không về làm dâu cũng chỉ bằng bốn bát bánh đúc), bữa ăn đầu tiên
con dâu về nhà chồng cũng chỉ đơn thuần là một nồi cám lợn chẳng
hơn.Thế nhưng hai chi tiết này đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc,
cái nhìn tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu thương con người của
các nhà văn vượt lên số phận.
Bên cạnh những điểm đồng điệu của hai nhà văn với các chi tiết nghệ
thuật độc đáo thì ta cũng nhận thấy sự khác nhau ở đây.Nếu bát cháo
hành: biểu tượng của tình thương mà thị Nở dành cho Chí Phèo nhưng
xã hội đương thời đã cự tuyệt Chí, đẩy Chí vào bước đường cùng. Qua
đó, chúng ta thấy bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của XH thực dân nửa
phong kiến cũng như cái nhìn bi quan, bế tắc của nhà văn Nam
Cao.Thế nhưng nồi cháo cám: biểu tượng tình thân, tình người, niềm tin
và hy vọng vào phẩm chất tốt đẹp của người dân lao động trong nạn
đói. Sau bát cháo cám, mọi người nói chuyện về Việt Minh. Qua đó,
thức tỉnh ở Tràng khả năng cách mạng. Như vậy ở Kim Lân có cái nhìn
lạc quan, đầy tin tưởng vào sự đổi đời của nhân vật, dưới sự lãnh đạo
của Đảng.Đó là sự khác biệt về cái nhìn của một nhà văn trước cách
mạng, còn một nhà văn là lá cờ đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại
khi được giác ngộ lý tưởng vào ngòi bút của mình.Ta có thể lí giải
tường tận sự giống và khác nhau đó.Khi hai nhà văn đều viết về người
nông dân trong nạn đói 1945.Có sự khác nhau đó là do ảnh hưởng của
lí tưởng Cách mạng với mỗi nhà văn . Nam Cao có cái nhìn bi quan, bế
tắc về số phận của người nông dân. Kim Lân có cái nhìn lạc quan, tin
tưởng vào tương lai tươi sáng.

Thông qua “Bát cháo hành” – một chi tiết nghệ thuật mang đầy dụng
công của Nam Cao. Nó góp phần thể hiện tư tưởng nghệ thuật của nhà
văn: Điều mà chúng ta thiếu đó chính là lòng tốt – một lòng tốt rất bình
thường cũng có thể cứu rỗi con người. Và kết cục của Chí Phèo thể
hiện một niềm tin của nhà văn: dẫu có bị bầm dập về nhân hình lẫn
nhân tính, lương thiện trong con người đặc biệt là những người nông
dân cũng không mất đi, nó chỉ cần đợi có cơ hội là sẽ bùng lên mạnh
mẽ.Chi tiết đó cũng cho ta thấy một hiện thực mà nhà văn đau đáu: đó
là những định kiến làng xã nông thôn đã tước đi quyền được sống của
con người… Qua đó nhà văn cũng gióng lên một hồi chuông khẩn thiết
đòi thay máu cho xã hội để ít nhất con người được sống lương thiện.
Thạch Lam đã từng khẳng định: “Công việc của nhà văn là phát hiện
cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự
vật, để cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức.” Có ai nghĩ
được rằng lại có thể tìm kiếm cái đẹp từ con người được coi là “con quỷ
dữ” của làng Vũ Đại – Chí phèo? Có ai thấy được vẻ đẹp lương thiện từ
con người chỉ biết “rạch mặt ăn vạ” hay không? Chính Nam Cao đã
khám phá được vẻ đẹp không ai ngờ tới đó- vẻ đẹp vốn có bị vùi lấp
trong tâm hồn Chí Phèo khi được Thị Nở cho bát cháo hành. Bát cháo
hành ấy tuy không vẹn toàn nhưng đầy ắp hương vị tình người, hương
vị của tình yêu thương, ánh sáng hy vọng cho cuộc đời đầy tăm tối của
chí Phèo, đó cũng chính là “chi tiết vàng” mang giá trị nhân đạo sâu sắc,
tạo nên tầm vóc của tác phẩm trên văn đàn văn chương Việt Nam.

You might also like