You are on page 1of 4

Nền văn học Việt Nam giai đoạn trước cách mạng đã làm nổi bật

nên nhiều cái tên sáng giá trong làng văn chương hiện thực với các tác
phẩm giá trị mang đậm dấu ấn của một thời đại không thể nào quên. Đề
tài viết về tình cảnh người nông dân trước Cách mạng tháng Tám 1945
là một trong những đề tài tập trung nhiều nhà văn tiêu biểu của văn học
Việt Nam trong thời kì đó. Trong mảng đề tài viết về người nông dân thì
sẽ là thiếu sót lớn khi để lỡ hai cái tên Kim Lân và Nam Cao với một Vợ
nhặt và Chí Phèo, vừa hiện thực đau đớn, xót xa cho những kiếp người
cùng khổ, vừa mang đậm tính nhân văn sâu sắc, ở đó ta thấy tình người
dẫu bị cái đói, cái nghèo vùi dập nhưng nó vẫn chưa từng và chưa bao
giờ đánh mất cái bản ngã khiến con người ta thức tỉnh và có hy vọng
vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bằng phong cách riêng, cách nhìn nhận
riêng của mình, mỗi nhà văn đã viết nên những tác phẩm đặc sắc về số
phận riêng của người nông dân.

Tuy cùng viết về người nông dân, thế nhưng Nam Cao dường như tập
trung viết về cái hiện thực khốc liệt và những chi tiết về tình người cao
cả chính là cái để đẩy bi kịch của nhân vật lên cao nhất, để lột tả sự tàn
ác của chế độ cũ với con người. Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã
làm sống dậy một làng Vũ Đại với những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến…
Những số phận khác nhau, những tính cách khác nhau ở trong một môi
trường nhỏ. nhân vật Chí Phèo chính là điển hình cho số phận bi kịch
của bi kịch. Cuộc đời Chí từ khi sinh ra đã bất hạnh vì bị bỏ rơi, phải sống
kiếp mồ côi 20 năm, đến khi lớn khôn anh mang một tấm lòng lương
thiện bước vào đời, thế nhưng cũng không được như ý nguyện. Cuộc đời
anh gần như khép lại bởi cái tính gian dâm của bà ba và cái thói ghen
tuông đỏ mắt của Bá Kiến, anh bước vào tù. Cái nhà tù khốn nạn của chế
độ thực dân phong kiến, bước vào làm người lương thiện nhưng bước ra
thì thành kẻ lưu manh. Cái hình dáng dữ tợn của hắn khiến cho trẻ con
trông thấy phải khóc thét lên. Hắn chẳng biết hắn bao nhiêu tuổi, cha
mẹ hắn là ai, mà chỉ biết hắn được một anh đi đặt ống lươn tìm thấy
trong cái lò gạch cũ. Đi tù bảy tám năm, ra tù hắn về làng suốt ngày ngồi
quán rượu và cũng suốt ngày hắn chửi. Hắn chửi trời, chửi đời nhưng trời
có của riêng nhà nào, đời cũng chẳng của riêng ai. Vậy là hắn quay sang
chửi cả làng Vũ Đại, nhưng hắn cũng không được ai đáp lại, vì họ có coi
Chí là người đâu. Hình tượng Chí Phèo chính là một khám phá riêng đặc
sắc của Nam Cao. Vì khi ông miêu tả Chí, ta không những không thấy
ghê sợ mà còn thương cảm cho Chí. Qua “Chí Phèo” ta cũng thấy sống
dậy cả một tầng lớp nông dân đói khổ bị dồn đến con đường cùng, bị
chà đạp cả nhân tính lẫn nhân hình và bị tước mất những quyền cơ bản
nhất của một con người. Không dừng lại ở khám phá đó, Nam Cao đã đi
dần, bóc vỏ bọc để lộ rõ chân tướng của thế lực đen tối đó. Đó chính là
giai cấp thống trị trong xã hội thực dân phong kiến mà đại diện tiêu biểu
là cha con Bá Kiến. Trong quá trình tha hóa nhân phẩm của Chí, Bá Kiến
luôn có mặt, can thiệp thô bạo hay nói đúng ra là nguyên nhân đẩy Chí
đi vào con đường tha hóa.

Nam Cao không chỉ lạnh lùng chỉ ra cho ta thấy một Chí Phèo lưu
manh, tha hóa đến tột cùng, một Thị Nở ngây ngây dại dại, xấu đến nỗi
ma chê quỷ hờn; mà trong những con người đó, ông tìm ra cái phần
nhân tính cao đẹp vẫn ẩn giấu trong tâm hồn họ qua bao nhiêu lớp
bọc. khi đã bước qua đến bên kia con dốc của cuộc đời, thì Thị Nở đến
với hắn như một món quà của tạo hóa và cũng lại là một bi kịch khác
của Chí. Dường như cuộc đời thấy bi kịch bị tha hóa, bi kịch bị lưu manh
hóa đối với Chí Phèo là chưa đủ, nên vẽ thêm cho hắn một bi kịch khác,
bi kịch bị từ chối quyền làm người. "Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại
đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề
rạch mặt ăn vạ", câu nói cay nghiệt mà bà cô của Thị Nở nói với thị đã
làm Chí sực tỉnh khỏi cái giấc mơ tốt đẹp. Đó chính là lời của cả cái xã
hội ngoài kia, họ đã hoàn toàn chặn đứng ước mơ làm lại cuộc đời của
Chí Phèo, ước mơ được làm người lương thiện của hắn. Sự cứu vớt của
hắn là tình yêu của Thị Nở - một người đàn bà dở dở ương ương cũng bị
xã hội coi thường. Thị cũng như Chí, cũng là con người dưới đáy xã hội.
Nhưng trong con người thị vẫn tiềm ẩn một khả năng, khả năng yêu –
cái chức năng cơ bản của người phụ nữ, một con người. Bát cháo hành
của thị đã có một sức mạnh làm trỗi dậy khát vọng làm người trong Chí.
Tình yêu ấy đã khiến Chí sống lại với mơ ước một thời là có một gia
đình, một hạnh phúc đơn sơ, giản dị. Song khi chuỗi thời gian năm ngày
hạnh phúc ngắn ngủi của Chí kết thúc thì Chí nhận ra tất cả đã quá
muộn rồi: “Tao muốn làm người lương thiện” nhưng “Ai cho tao lương
thiện?”. Cuối cùng nhân tính trong con người của anh trai trẻ đã thức
dậy sau hơn 20 năm bị cái tàn ác, cái lưu manh vùi dập. Chí Phèo giết Bá
Kiến rồi tự tử, để kết thúc chuỗi ngày tăm tối, sa đọa của mình, đánh dấu
sự thức tỉnh nhân tính trong con người Chí, đồng thời bộc lộ khát khao
được làm người lương thiện cùng cực, đến đau đớn đến mức phải lấy cái
chết để chứng minh.

Còn ngược lại ngòi bút của Kim Lân lại chan chứa tình cảm hơn, giọng
văn cũng nhẹ nhàng và thấm đẫm giá trị nhân văn, hướng đến một
tương lai tốt đẹp hơn cho các nhân vật. Với Vợ nhặt ta nhận rõ được
rằng giọng văn của Kim Lân nhẹ nhàng và hóm hỉnh, khác hẳn với giọng
văn ngưng trọng và lạnh lẽo của Nam Cao. “Vợ nhặt” là bức tranh về
cuộc sống của người nông dân nơi xóm ngụ cư tồi tàn, nhưng trong
những lúc đói khát khốn cùng nhất, họ vẫn nuôi mơ ước về một hạnh
phúc đầm ấm, giản dị trong tương lai. Kim Lân đã miêu tả về cuộc sống
của những con người đang lay lắt giữa cái sống và chết, khi nạn đói cứ
rình chực như cơn bão lăm le cướp đi tất cả. Tràng một anh trai thiết
nghĩ rằng đỡ bất hạnh hơn Chí Phèo bởi Tràng có mẹ nuôi nấng, Tràng
không phải chịu kiếp mồ côi. Thế nhưng nói cuộc đời Tràng không có bi
kịch thì không phải, sinh ra giữa đói nghèo, xấu xí, ế vợ chính là bi kịch
của Tràng. Thế nhưng dưới ngòi bút của Kim Lân, trong nhiều truyện
khác và truyện này cũng không ngoại lệ, nhân vật dẫu rằng có thảm hại,
chịu nhiều khổ sở nhưng họ vẫn luôn tìm được cho mình một ánh sáng.
Mà ánh sáng của Tràng có lẽ bắt nguồn từ người vợ nhặt, có vợ Tràng
thấy mình sống có trách nhiệm hơn, khao khát về một gia đình đầm ấm
sâu sắc, cũng từ lời vợ mà Tràng nhận ra được hướng đi mới để dẫn cả
gia đình ra khỏi cơn nguy khốn khi cái đói cứ rình rập. Chi tiết cuối
"Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới...", là
một chi tiết đắt giá, nó trước hết là gợi ra cái cảnh nạn đói thê thảm năm
44-45, sau là gợi ra sự hiện diện của cách mạng đã về với những người
nông dân cùng khổ. Ở trong Tràng và gia đình Tràng đã dần có nhận
thức, giác ngộ về cách mạng. Họ hiểu rằng có lẽ chỉ có cách mạng về thì
người nông dân mới thoát khỏi cái cảnh khốn đốn, cầm cự trước nạn đói
do lũ phát xít tàn ác gây ra. Cũng như Chí Phèo kết của Vợ nhặt cũng là
một cái kết mở, cũng mang đậm tính nhân văn, nhưng không phải là tố
cáo, lên án hay thương cảm cho số kiếp của nhân vật. Mà thay vào đó
vào tác giả lại nhìn nhận ở một khía cạnh khác có phần nhẹ nhàng hơn,
đó là lòng trân trọng những khát khao sống, khát khao thay đổi cuộc đời
đang kề cận bên bờ vực thẳm, là niềm tin bất diệt vào một tương lai tươi
sáng. Thay vì luẩn quẩn bế tắc trong cái bi kịch đói kém, thì chính họ lại
tự giải thoát cho mình, bản thân Tràng nghĩ đến việc phá kho thóc, nghĩ
đến việc làm cách mạng, hướng về lá cờ đỏ sao vàng. Dù là cách nào
cũng được, nhưng chúng đều là những con đường sáng đưa cả gia đình
Tràng thoát ra khỏi sự tăm tối, khổ cực, thoát khỏi cái vị đắng nghét của
nồi cháo cám.

Như vậy nhìn chung điểm giống nhau của hai tác phẩm chính là tính
hiện thực sâu sắc khi phản ánh một cách rất rõ nét về cuộc đời và số
phận đầy những bất hạnh của người nông dân trong xã hội cũ, mà tất cả
những bi kịch khốn khổ ấy đều đến từ sự xâm lược của bọn thực dân
phát xít, cùng với sự tàn ác đốn mạt của chế độ phong kiến vốn đã mục
rỗng, thối nát. Chí Phèo và Vợ nhặt mỗi tác phẩm đều mang những nội
dung và tư tưởng khác nhau, làm nên sự đa dạng và phong phú cho nền
văn học Việt Nam. Đồng thời cũng là cách để mỗi nhà văn tự đánh dấu
tên tuổi của mình trên văn đàn nước ta. Đọc từng tác phẩm ta lại nhìn
nhận được một khía cạnh của vấn đề, khiến chúng ta phải trăn trở suy
nghĩ, nếu Chí Phèo được cưới Thị Nở thì câu chuyện sẽ đi về đâu, liệu Chí
có thể làm người lương thiện như hắn hằng mong muốn. Rồi nếu như
cách mạng về, Tràng liệu có đi theo cách mạng hay không, vợ chồng
Tràng sẽ hạnh phúc chứ? Và còn rất nhiều những câu hỏi xung quanh
từng câu chuyện để độc giả tự suy ngẫm và tưởng tượng.

You might also like