You are on page 1of 9

Đề bài: Phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn

Nam
Cao.
Khi văn đàn văn học hiện thực phê phán 1930-1945 đã có Ngô Tất Tố, Nguyễn
Công Hoan, Nguyên Hồng…là những vì sao chói lọi, nổi bật và tiêu biểu cho bầu
trời văn học thì Nam Cao bắt đầu xuất hiện. Nhà văn trẻ tuổi ấy đến sau biết bao
cây bút tên tuổi mà không bị chìm lấp đi, trở thành đại diện tiêu biểu xuất sắc nhất
của giai đoạn cuối 1930-1945. Sở dĩ đạt được vị trí trang trọng như thế Nam Cao
đã viết văn với ý thức trọn vẹn và thấm thía thiên chức của nghệ thuật như Nguyễn
Minh Châu từng nhận định rằng “Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công
việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ bị cái ác hoặc
số phận đen đủi dồn đến chân tường bênh vực cho những con người không còn
được ai bênh vực”. Đọc những trang văn của Nam Cao mỗi chúng ta đều “giật
mình” tự vấn lương tâm, sám hối để hoàn thiện nhân cách làm một “con người”.
Trong những đóng góp mang tầm khái quát thời đại của nhà văn này không thể
không nhắc đến việc xây dựng nhân vật điển hình Chí Phèo trong tác phẩm cùng
tên là đại diện tiêu biểu cho nỗi khổ về vật chất và nỗi đau về tinh thần của người
nông dân An Nam trong hoàn cảnh thuộc địa. Một tác phẩm đã có thâm niên hơn
nửa thế kỉ tồn tại, mọi vấn đề dường như đã được lật xới nhưng ý nghĩa của nó đã
vượt qua “sự băng hoại của thời gian” để hậu thế về sau vẫn còn nhiều bài học cần
phải suy ngẫm về con người, cuộc sống.
Truyện ngắn “Chí Phèo” ban đầu có tên là “Cái lò gạch cũ” – một hình ảnh thể
hiện cho sự quẩn quanh, bế tắc của người nông dân nhưng chưa thể hiện một cách
đầy đủ và sâu sắc về vấn đề có ý nghĩa lớn lao của tác phẩm. Đó là tiếng nói đòi
quyền sống, đòi lương thiện của con người. Sau đó nhà xuất bản tự ý đổi tên thành
“Đôi lứa xứng đôi” – một nhan đề rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, làm giảm đi tư tưởng
nhân đạo mà tác phẩm hướng tới. Đến năm 1946, khi Nam Cao đổi lại thành “Chí
Phèo”, người đọc mới thấy rõ được ý nghĩa nhan đề. Tên tác phẩm cũng chính là
tên nhân vật chính, nhân vật điển hình cho một bộ phận người nông dân bị đẩy vào
con đường lưu manh hóa mà nhà văn cương quyết bảo vệ. Truyện viết về một đề
tài quen thuộc là người nông dân trước cách mạng nhưng ở mảnh đất đã được cày
xới rất kĩ càng, Nam Cao lại có sự sáng tạo rất mới, rất riêng, bởi lẽ ông quan
niệm: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài
kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm
tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (“Đời thừa” –
1943). Nếu như trước đó Nguyễn Công Hoan hay Ngô Tất Tố khi viết về cái đói,
cái nghèo, họ thường xoáy sâu vào nỗi khổ đời sống vật chất thì Nam Cao với
truyện ngắn “Chí Phèo” lại khai thác nỗi khổ về đời sống tinh thần. Dười ngòi bút
tỉnh táo, sắc lạnh nhưng cũng thấm đượm tình người của mình, Nam Cao đã đã
khám phá và khẳng định bản chất lương thiện đẹp đẽ của người nông dân ngay cả
khi họ bị vùi dập đến mất cả nhân hình lẫn nhân tính mà điển hình đó chính là nhân
vật Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Chí Phèo xuất hiện đầu tiên trong tác phẩm qua tiếng chửi: “Hắn vừa đi vừa
chửi, bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”. Đó là một tiếng chửi đau đớn
của một thân phận con người ít nhiều nhận thức được bi kịch của chính mình. Đây
là cách giời thiệu nhân vật hấp dẫn giúp người đọc bắt đầu hành trình tìm hiều về
số phận của Chí.
Lật lại trang đời của Chí Phèo ta sẽ thấy hoàn cảnh của Chí thật đáng thương.
Hành trang vào đời của Chí là một con số không tròn trĩnh: ngay từ khi mới ra đời,
Chí đã bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch cũ rồi được dân làng nhặt về nuôi nấng. Từ anh
đi thả ống lươn đến người đàn bà góa mù sau đó là bác phó cối. Từ khi bác phó cối
chết, Chí bơ vơ một mình, đứa trẻ bị bỏ rơi ấy có những tháng ngày tuổi thơ bất
hạnh, cơ cực, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà khác. Đến năm 20 tuổi, Chí làm
canh điền cho nhà Bá Kiến. Dù hoàn cảnh xuất thân như vậy nhưng Chí là là người
lương thiện, có tâm hồn đẹp đẽ và trong sáng, Chí hiền đến mức Bá Kiến phải thốt
lên rằng: “Cái thằng hiền như đất”. Thời trẻ, Chí đã từng ước mơ một cuộc sống
gia đình giản dị: “Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại bỏ một con lợn
nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Đó là một ước mơ
nhỏ nhoi, bình dị, được sống bằng chính đôi tay của mình. Chí còn là một chàng
trai nhút nhát, giàu lòng tự trọng. Khi bị bà Ba bắt bóp chân, Chí vừa làm “vừa run,
hắn chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì”, Chí hiểu rằng “hai mươi tuổi, người ta không
là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt”. Biết phân biệt giữa tình cảm chân
chính với sự thỏa mãn xấu xa, biết khinh những hành vi không chính đáng, rõ ràng
đó là hiện thân của một con người có ý thức về nhân phẩm, một con người lương
thiện. Nhưng đau đớn thay một xã hội bất lương đã bóp chết tất cả ước mơ đó của
Chí. Chỉ vì sự ghen tuông vô lối mà Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào cảnh tù tội. Nhà
tù thực dân đã nhào nặn Chí thành con người hoàn toàn khác hẳn. Chỉ vỏn vẹn 7, 8
năm ở tù mà anh canh điền khỏe mạnh ngày xưa đã trở thành một tên lưu manh nát
rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Bi kịch là sự mâu thuẫn giữa hiện thực đời sống và khát vọng cá nhân. Khi hiện
thực đời sống không đủ điều kiện để cá nhân thực hiện khát vọng của mình dẫn
đến cá nhân rơi vào hoàn cảnh bi đát. Trong văn học Việt Nam ta đã từng bắt gặp
bi kịch tình yêu của Thúy Kiều với Kim Trọng, bi kịch nghệ thuật của nhà văn Hộ
hay bi kịch của Vũ Như Tô nhưng có lẽ làm người đọc xót xa và suy nghĩ nhiều
nhất phải nhắc tới bi kịch của Chí Phèo.
Trước hết, đó là bi kịch tha hóa cả về nhân hình và nhân tính. Thực ra không
cần đến nhà tù thực dân thì những người nông dân cùng quẫn, tứ cố vô thân như
Năm Thọ, Binh Chức hay Chí Phèo cũng có thể bị đây vào con đường tha hóa, lưu
manh. Mảnh đất “quần ngư tranh thực” của làng Vũ Đại có thể coi là hình ảnh thu
nhỏ của xã họi nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Sống trong mảnh đất ấy, xã
hội ấy, muốn tồi tại được, người ta phải đâm chém, giành giật lẫn nhau để có cái
ăn, cái mặc. Địa chủ, cường hào chỉ là một “đàn cá tranh mồi” nhưng khi cần,
chúng vẫn “đu lại với nhau để bóc lột con em”. Mà “thói đời già néo đứt dây”,
những thằng “cùng hơn cả dân cùng” khi bị đè nén, ức hiếp quá đáng đều có thể
“vùng dậy, dở toàn những giọng uống máu người không tanh”. Nếu như nhà tù vốn
là nơi để giáo dục tội phạm thì ở đây, nhà tù thực dân lại đẩy quá trình tha hóa của
Chí đến sớm hơn, nhanh hơn, khiến người trai cày chất phác, hiền lành, lương
thiện thành một tên lưu manh nát rượu để rồi sau đó trượt sâu vào vũng bùn tha
hóa, biến thành con quỷ dữ mà cả làng Vũ Đại đều khiếp sợ.
Ở tù về hình hài của Chí thật méo mó, quái dị: “đặc như thằng săng đá, cái đầu
thì trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt thì
gườm gườm trông gớm chết. Hắn mặc quần nài đen với cái áo tây vàng. Cái ngực
phanh đầy những nét chạm trổ rồng phượng với một ông tướng cầm chùy – trông
gớm chết”. Rõ ràng đây không phải dáng vẻ của một người hiền lành, lương thiện
ngày xưa mà là dáng vẻ của một kẻ côn đồ lưu manh, du thủ du thực. Không
những thế khuôn mặt Chí sau biết bao nhiêu lần đâm thuê chém mướn, rạch mạch
ăn vạ, say khướt trong rượu đã biến dạng, bị hủy hoại đến mức không còn là con
người. Chí giờ đây mang bộ mặt của một con vật lạ, bị đẩy ra khỏi thế giới loài
người, hắn vừa lạc loài với vật, vừa quái đản với người, thử hỏi còn gì đau đớn
hơn?
Hủy hoại về nhân hình đã đành, nhưng xã hội ấy đâu có buông tha cho riêng ai,
đến cả nhân tính của mình, Chí cũng không còn giữ nổi. Nhân tính là tính người,
được thể hiện rõ nét ở ý thức, tiếng nói và những hành động được hướng dẫn bởi ý
thức. Nếu trước đấy, Bá Kiến thông qua nhà tù thực dân tước đi một phần lương
thiện của Chí, thì bây giờ, dưới bàn tay của hắn biến Chí thành con quỷ dữ, đẩy
Chí xuống vực thẳm của tha hóa, hủy hoải phần nhân tính còn lại trong con người
ấy.
Ở tù về việc đầu tiên Chí làm là uống rượu, và từ đó rượu đã trở thành người
bạn tri kỉ của Chí. Bao giờ người ta cũng thấy Chí say, ăn trong lúc say, ngủ trong
lúc say, thức dậy vẫn còn say, đập đầu, rạch mặt, chửi bới, dọa nạt trong lúc say,
uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa, say vô tận. Chưa khi nào Chí tỉnh để thấy
mình còn tồn tại trên cõi đời, bởi những cơn say của hắn tràn từ cơn này sang cơn
khác thành những cơn say dài mênh mang, chìm đắm trong tình trạng vô thức,
thậm tệ rằng hắn còn quên đi ý thức tối thiểu về thời gian và tuổi tác: “đối với hắn,
không còn ngày tháng nữa…hắn chỉ nhớ mang máng…” về cái thời hai mươi tuổi
của mình. Chí Phèo cũng không còn nhận biết về không gian, trong căn lều ẩm
thấp của hắn, người ta “thấy chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”.
Thiên nhiên và cuộc sống trở nên xa lạ và cách biệt hoàn toàn với Chí, đắm chìm
trong cơn say, hắn chẳng còn những cảm xúc thông thường của con người nữa:
không yêu thương, không sợ hãi, không lo âu và cũng không phải suy nghĩ, dường
như trong con người ấy đã hoàn toàn mất đi ý thức mà đáng lẽ một con người phải
có.
Gắn liền với những cơn say của Chí không thể thiếu đi tiếng chửi. Ngay từ đầu
tác phẩm Nam Cao để cho Chí xuất hiện ấn tượng với tiếng chửi lạ lùng có một
không hai. Chí chửi rất vu vơ, đầu tiên hắn chửi trời rồi chửi đời nhưng chẳng ai
thèm lên tiếng. Sau đó hắn quay ra chửi cả làng Vũ Đại nhưng cả làng Vũ Đại ai ai
cũng nghĩ chắc nó trừ mình ra và và rồi cũng chẳng ai thèm lên tiếng. Tức mình,
Chí lại chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn, hắn chửi đứa chết mẹ nào đã đẻ
ra thằng Chí Phèo. Nhìn bề ngoài câu chữ, không ít người sẽ phì cười vì bức tranh
như biếm họa của Nam Cao. Nhưng đằng sau câu chữ lạnh lùng ấy lại là nỗi niềm
thương cảm mà nhà văn dành cho Chí, dù say nhưng Chí vẫn lơ mơ hiểu rằng anh
đang chìm sâu vào nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Cộng đồng đã loại bỏ anh, người ta đã
không thèm giao tiếp với anh dù chỉ là tiếng chửi đi chăng nữa và rồi cứ thế, anh
mất dần đi tiếng nói hiền lành, bình dị vốn có của mình.
Từ khi về làng, Chí đã xác định được kẻ thù của mình là Bá Kiến vì vậy Chí đã
đến nhà hắn gọi cả tên tục ra mà chửi. Nhưng với sự gian hùng, những lời phỉnh
phờ, bịp bợm, một chuỗi cười Tào Tháo, một đồng bạc quẳng ra là Bá Kiến đã xoa
dịu nỗi căm hờn của Chí. Và chính từ giây phút ấy, Chí đã bị lợi dụng để trở thành
tay sai đắc lực của Bá Kiến. Mất đi ý thức về nhân phẩm, Chí Phèo bắt đầu những
hành động phi nhân tính, tội ác mà hắn gây ra cứ tăng dần theo những cơn say, vì
khi say, hắn sẽ “làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm”, mà hắn thì lại say triền
miên, say mãi không tỉnh. Chí Phèo chẳng hề biết hắn đã “phá nát bao nhiêu tổ ấm,
làm đổ máu và nước mắt của bao nhiêu con người lương thiện”. Với giai cấp thống
trị, Chí đã trở thành thứ công cụ mù quáng còn với dân làng Vũ Đại hắn lại đã trở
thành một con quỷ dữ.
Xây dựng nhân vật Chí Phèo với bi kịch tha hóa, Nam Cao đã cho người đọc
thấy một thực tế đau lòng về cuộc sống của người nông dân Việt Nam trong xã hội
thực dân nửa phong trước Cách Mạng Tháng Tám. Đó là cuộc sống bị bóp ngạt
ước mơ, khát vọng, bị bần cùng hóa, lưu manh hóa. Nhà văn xót thương cho nhân
vật đồng thời lên án đanh thép giai cấp thống trị đã đẩy biết bao con người lương
thiện vào con đường lưu manh. Trước Chí từng có Binh Chức, Năm Thọ, sau Chí
chắc chắn sẽ có một Chí Phèo con ra đời, phải chăng đó là vòng luẩn quẩn mà
người nông dân lúc bấy giờ chẳng thể nào thoát ra được?
Cứ tưởng Chí Phèo sẽ mãi sống kiếp thú vật, rồi kết thúc cuộc đời bằng cách
vùi xác ở một xó xỉnh nào đó. Nhưng bằng tài năng và bằng trái tim nhân đạo của
một nhà văn lớn, Nam Cao đã tìm thấy trong con người bị tha hóa ấy là khát khao
cháy bỏng được hoàn lương, được trở về sống kiếp người một cách tự nhiên, bởi lẽ
“Nói đến nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao
cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người
nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả” (Nguyễn Đình Thi). Ông soi rọi thứ
ánh sáng tình yêu vào tận đáy tâm hồn của con quỷ dữ làng Vũ Đại, nhờ cuộc gặp
gỡ với Thị Nở mà con quỷ dữ ấy đã được cảm hóa, đã bắt đầu biết yêu thương và
sống như một con người. Nhưng rồi niềm vui chưa đến được bao lâu thì Chí lại
phải gánh chịu một bi kịch đau đớn nhất của một đời người đó là bi kịch bị cự
tuyệt quyền làm người.
Thị Nở là một người đàn bà rất xấu, xấu đến ma chê quỷ hờn, nghèo khổ lại còn
dở hơi và được cả làng coi là một “con vật rất tởm”. Miêu tả Thị như vậy chẳng hề
khiến ngòi bút của Nam Cao trở nên nhẫn tâm mà chỉ làm thêm phần chua xót cho
cuộc đời của Chí khi một người đàn bà như thế còn khước từ, ruồng bỏ hắn thì thử
hỏi còn có một cây cầu nào để cho con người khát khao được làm người ấy trở về
với cuộc đời lương thiện. Lúc đầu, Chí Phèo đến với Thị Nở bẳng bản năng sinh
vật của một gã đàn ông say rượu, bằng tính cách của một thằng lưu manh vừa ăn
cướp vừa la làng. Nhưng rồi tình yêu thương mộc mạc, chân thành của Thị Nở đã
đánh thức phần người, phần lương thiện còn sót lại trong con quỷ dữ làng Vũ Đại.
Sau một đêm chung sống với Thị Nở, buổi sáng thức dậy, dường như đây là lần
đầu tiên Chí tỉnh rượu để nghe được những âm thanh bình dị của cuộc sống. Đó là
tiếng chim hót ríu rít, tiếng người đi chợ nói chuyện, tiếng anh thuyền chài gõ mái
chèo đuổi cá,… Nằm trong chiếc lều tăm tối, Chí đã có thể cảm nhận được không
gian tràn ngập ánh sáng và âm thanh của thiên nhiên cuộc sống, Chí bắt đầu hình
dung cuộc sống vợ chồng hạnh phúc và rồi Chí cũng chợt nhận ra bấy lâu nay hắn
sống trong cõi tăm tối, u mê mà tách biệt hoàn toàn với đời sống con người. Như
một lẽ tự nhiên, tiềm thức của Chí đã bị lay động, hắn cảm thấy chua xót khi nhớ
về những kí ức xa xôi, nhưng ước mơ nhỏ nhoi, bình dị: “hình như một thời hắn đã
ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, chúng lại
bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”.
Giây phút ngắn ngủi nhớ về một thời lương thiện rồi Chí chợt thấy tuổi già của hắn
đã đến cận kề, Chí nhìn về tương lai và thấy sợ cảnh cô đơn, lẻ loi lúc xế bóng,
mãn chiều. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm chìm đắm trong những cơn say miên
man, khi nhận ra bản thân hoàn toàn sống ngoài lề với cuộc sống con người, Chí
nhận ra sự cô độc còn “đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”, và dường như những cung
bậc cảm xúc của con người đã quay về với Chí. Hắn nuối tiếc cho giấc mơ hiền
lành, lương thiện trong quá khứ, buồn bã cho hiện tai, sợ hãi trước tương lai để rồi
trong đầu hắn tràn ngập những nỗi buồn “Chao ôi là buồn! Buồn thay cho đời”. Có
thể thấy, Chí đã cảm được sâu sắc về thời gian và không gian, Chí đã nhận biết
được tình yêu và cảm nhận được nó. Con quỷ dữ làm đổ máu biết và nước mắt biết
bao nhiều người nay lại thấy “mắt hình như ươn ướt”, đúng lúc hắn đang cảm nhận
được nỗi buồn của cuộc đời thì may sao Thị Nở xuất hiện cùng bát cháo hành. Bát
cháo hành ấy vừa liều thuốc giải cảm, vừa là liều thuốc giải độc góp phần thức tỉnh
phần người còn lại trong Chí. Nó mang lại hương vị của một tình yêu mộc mạc,
hương vị của một tình yêu chân thành và bát cháo mà Thị mang tới đã sưởi ấm cho
trái tim đang nguội lạnh của Chí. Cầm trên tay bát cháo hành, Chí thấy mắt mình
rưng rưng, lòng bâng khuâng vô hạn. Đến bây giờ hắn mới biết cháo hành thơm và
ngon đến vậy. Trước đây, để có cái ăn, Chí Phèo phải cướp giật, dọa nạt nhưng
hôm nay triết lí sống ấy của Chí đã thay đổi. Chí hiểu rằng, người ta sống với nhau
không chỉ bằng tội ác mà còn bằng cả tình yêu thương. Rồi Chí “muốn làm nũng
với Thị như với mẹ”, một so sánh thật xót xa vì hắn đã bao giờ có mẹ? Có lẽ trong
tâm trí hắn, mẹ có thể là người đem lại tình yêu thương, sự hiền hậu bao dung và
che chở mà tất cả điều ấy đều có ở Thị, thậm chí lần đầu tiên trong cuộc đời khốn
khổ của mình, “hắn thấy lòng rất vui”.
Chí không chỉ khao khát thành người lương thiện mà giờ đây, khi ở với Thị hắn
đã thực sự trở thành người lương thiện. Tình yêu giản dị của Thị đã cảm hóa được
con quỷ dữ suốt ngày chỉ biết “đập đầu, rạch mặt, đâm chém người” nay bỗng chốc
“thấy lòng thành trẻ con” cũng những ước muốn chân thành, ngây thơ: “hắn không
còn kinh rượu nhưng cố uống cho thật ít. Để cho khỏi tốn tiền, nhưng nhất là để
tỉnh táo mà yêu nhau”. Nếu trước đây, tiếng nói của Chí Phèo dần mất đi, thay
bằng những tiếng chửi vu vơ, phẫn uất, cô độc nhưng từ ngày chung sống với Thị,
tiếng nói lương thiện đã quay về với hắn. Mặc cho Thị là người đàn bà xấu đến ma
chê quỷ hờn, quá lứa lỡ thì, dòng dõi mả hủi lại có tính ngẩn ngơ nhưng Chí vẫn
yêu Thị một cách đắm say. Hắn ao ước hạnh phúc và nói ra những lời tình tứ như
bất cứ người đàn ông nào khi yêu: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho
vui”, “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”. Như vậy, tình yêu thương đồng loại đã
đánh thức tâm hồn chủa Chí, cứu vớt lấy phần nhân tính tưởng như đã bị cái ác
gặm nhấm, hủy hoại.
Tình yêu thương của Thị Nở như những mạch nước ngọt thấm vào những thớ
đất khô cằn lâu ngày vì nắng hạn, nó đã làm cho Chí Phèo hồi sinh một cách mạnh
mẽ. Cuộc gặp gỡ giữa hai con người ấy giống như tia chớp lóe sáng giữa cuộc đời
dằng dặc tối tăm của Chí. Cánh cửa cuộc đời đang mở ra trước mắt, Chí bắt đầu
trên hành trình hoàn lương. Đoạn văn miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Chí và Thị là đoạn
văn thấm đẫm chất thơ và đạt được giá trị nhân đạo sâu sắc, từ đó Nam Cao muốn
gửi gắm tới người đọc thông điệp: Hãy đừng bao giờ từ bỏ những con người vô
tình lần đường, lạc lối, hãy cứu giúp họ bằng chính tình yêu thương.
Tưởng như cuộc đời Chí đã sang trang để Chí biến ước mơ thành hiện thực,
tưởng như giờ đây Chí sẽ được sống với cộng đồng trong tình yêu thương nhưng
bà cô Thị Nở đã đóng sập cánh cửa hoàn lương của Chí. Bà cô Thị Nở không chấp
nhận cuộc hôn nhân giữa hai người, lời nói của mụ như một gáo nước lạnh làm dập
tắt ngọn lửa vửa được nhen nhóm trong con người Chí: “Ai lại đâm đầu đi lấy một
thằng không cha, không mẹ như cái thằng Chí Phèo”. Suy nghĩ của bà cô Thị Nở
cũng chính là định kiến nghiệt ngã của dân làng Vũ Đại. Bấy lâu nay, người ta
quen coi Chí là con quỷ dữ nên hôm nay tâm hồn anh thức tỉnh nhưng nào có ai
hay. Định kiến của xã hội một lần nữa đẩy Chí vào bi kịch đau đớn, tuyệt vọng
không lối thoát.
Chí Phèo chỉ biết trông cậy vào Thị Nở thì nay Thị cũng không thắng nổi sự chi
phối về định kiến xã hội nên đã khước từ Chí, vậy là cây cầu duy nhất có thể đưa
Chí về với cuộc đời lương thiện đã bị rút ngược trở lại. Đối diện với buồn đau,
tuyệt vọng, như một thói quen Chí lại uống rượu, uống cho đến khi say mềm rồi
Chí lại ôm mặt khóc rưng rức. Đây là nỗi đau quằn quoại trong cơn tuyệt vọng của
con người khi “thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành”. Nhưng rồi
rượu không phải bao giờ cũng làm cho người ta say, lần này Chí càng uống càng
tỉnh. Trong trạng thái ấy, hắn đứng dạy xách con dao đi tìm kẻ thủ, vừa đi miệng
vừa nói “tao phải đâm chết nó”. Tưởng rằng “nó” chính là bà cô Thị Nở - người đã
ngăn cản hạnh phúc của Chí. Nhưng sự thức tỉnh ý thức về thân phận và bi kịch đã
đẩy bước chân Chí Phèo đến nhà Bá Kiến. Hơn ai hết, lúc này Chí hiểu rằng, kẻ đã
làm mình phải mang lốt quỷ chính là Bá Kiến. Chí đã thấm thía tội ác của kẻ đã
cướp đi quyền làm người, cướp đi bộ mặt và linh hồn của mình. Đến nhà Bá Kiến,
việc đầu tiên Chí làm là đòi lương thiện “tao muốn làm người lương thiện” nhưng
Chí cũng ý thức được rằng “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được
những mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa…” Câu
hỏi vụt lên đầy cay đắng và không lời đáp. “Lương thiện”có ngay trong mỗi người
nhưng tại sao Chí phải đi đòi? Có lẽ là vì Chí nhận thức được lương thiện của mình
đã bị xã hội vô nhân tính cướp mất. Những câu hỏi của Chí là những câu nói của
con người hoàn toàn tỉnh táo, là lời chất vấn, kết tội kẻ thù, là tiếng nói đòi quyền
làm người đầy chua xót và cay đắng. Đau đớn, tuyệt vọng, Chí vung dao giết chết
Bá Kiến và cũng kết thúc cuộc đời mình trên vũng máu của kẻ thù. Hành động Chí
Phèo giết chết Bá Kiến là hành động trả thù của một con người tỉnh táo khi bị dồn
đến bước đường cùng. Hành động ấy thể hiện sự xung đột gay gắt, quyết liệt, mối
thù của Chí đã được thanh toán nhưng Chí phải chết bởi ý thức nhân phẩm đã trở
về với Chí.Trước đây để được tồn tại Chí phải bán linh hồn cho quỷ dữ. Giờ đây,
linh hồn ấy đã trở về nhưng con đường trở về làm người lại bị chặn đứng. Chí
không muốn trở về với cuộc sống thú vật một lần nữa. Bởi vậy, Chí đã chết để giữ
gìn nhân phẩm của mình, chết trong sự thanh sạch của tâm hồn và cái chết ấy chính
là lời kết tội đanh thép xã hội vô nhân đạo, là tiếng kêu cứu về quyền làm người.
Với nhân vật Chí phèo, Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước
cách mạng: đó là bi kịch con người sinh ra là người mà không được làm người.
Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện
trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy. Tác
phẩm mang ý nghĩa triết lí sâu sắc đc thể hiện dưới hình thức nghệ thuật vô cùng
độc đáo. Tác giả đã khéo lựa chọn những chi tiết rất chân thực, miêu tả tâm lí nhân
vật, xây dựng nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình cộng với cốt truyện với
các tình tiết hấp dẫn, biến hóa bất ngờ.
Người nông dân nghèo luôn là chủ đề mà các nhà văn đương thời hướng ngòi
bút đến, tuy nhiên Nam Cao vẫn để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả
qua lối văn riêng biệt của mình, với ông: “Văn chương không cần đến những người
thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những
người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những
cái gì chưa có…’’ Vì vậy có thể nói “Chí Phèo” chính là vàng được đãi từ dòng
sông hiện thực đã qua tay bao nhà văn đi trước, tuy nhiên tác phẩm không vì thế
mà đi theo khuôn mòn của chủ đề người nông dẫn mà đã đột phá theo cách riêng
để trở thành một kiệt tác. Chính điều đó đã giúp cho tác phẩm trở thành một áng
văn chương bất hủ neo đậu vững chắc trong lòng người đọc muôn đời.

You might also like