You are on page 1of 6

I.

TÍNH CẤP THIẾT CỦA VẤN ĐỀ


“Quyền con người” ba từ đơn giản hầu như ai cũng đã từng nghe hoặc từng nói qua
nhưng thực chất thì có bao nhiêu người hiểu được hết những ẩn ý bao hàm của quyền này
chăng? Chắc có lẽ ai cũng nghĩ quyền con người thôi mà sinh ra thì ai mà chả có, khi
được sinh ra ở thế giới không phải đã có quyền con người rồi sao. Nhưng sâu thẳm bên
trong vẫn có những con người từ khi sinh ra họ đã không được hưởng quyền này, không
được người khác xem là con người. Ở những năm tháng trước Cách mạng tháng Tám thì
ở Việt Nam còn rất nhiều mảnh đời mà những người xung quanh họ còn không xem học
là con người. Để muốn đưa vấn đề này gần hơn với mọi người hôm nay tôi muốn cho
mọi người thấy rõ hơn quyền con người ấy trong tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam
Cao.
II. MỞ ĐẦU
“Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập
ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, không nên ăn
bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay… Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy
nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử
dụng chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải
đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp
khớp…” , có thể nói ngôn ngữ chính là vũ khí lợi hại nhất của con người, nên những cây
bút nổi bật của nền văn học Việt Nam đã dùng chính ngôn ngữ của riêng mình để nói lên
những nỗi lầm than của con người. Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực thời
bấy giờ, cũng chính là đại diện cho nỗi lầm than của nhân dân ta những năm tháng khổ
đau ấy. Bao nhiêu năm trôi qua thì kí ức của mọi người về thời kì tăm tối của xã hội thời
ấy vẫn còn mãi trong lòng mỗi người, số phẩn đau khổ ấy vẫn âm ĩ mãi. Nên hơn năm
mươi năm đã trôi qua, tác phẩm Chí Phèo ngày càng được khẳng định, được khám phá từ
những góc độ mới mẻ và chắc chắn tồn tại vĩnh viễn trong lịch sử văn học Việt Nam như
một tác phẩm xuất sắc.
III. QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TÁC PHẨM CHỈ PHÈO
Truyện ngắn Nam Cao được viết năm 1941 dựa trên cơ sở người thật, việc thật ở
làng Đại Hoàng, ông đã hư cấu, sáng tạo nên một bức tranh thực tại sinh động về xã hội
nông thôn của Việt Nam ta trước Cách mạng tháng Tám với tất cả sự ngột ngạt, tối tăm
cùng sự bức xúc của chính tác giả. Dưới ngọn bút tài hoa, linh hoạt, giàu biến hóa: khi
kể, khi tả, khi sắc lạnh tàn nhẫn, lúc hài hòa bợn cợt, lúc trữ tình thắm thiết, khi triết lý
sắc bén, khi quằn quại đau đớn, … cuộc sống cứ hiện lên với biết bao tình huống, bao
cảnh ngộ, bao chi tiết sống động. Đôi khi, chỉ một cử chỉ, một lời nói, một phác thảo đơn
sơ… mà hiện lên một chân dung, lộ nguyên hình một tính cách…. Cứ thế, tác phẩm tạo
nên một sức lôi cuốn hấp dẫn từ dòng đầu tiên cho đến dòng kết thúc. Gấp sách lại rồi, ta
vẫn bị ám ảnh không thôi bởi tiếng kêu cứu của một con người bị tước mất làm người.
Một tiếng nói khát khao muốn trở về lương thiện nhưng hầu như tất cả mọi thứ đều chống
lại mình, cản trở mình không cho mình trở thành người lương thiện, dẫn đến một kết cục
bi thảm cho chính nhân vật của chúng ta.
Chí Phèo là một đứa trẻ bị bỏ hoang trong cái lò gạch cũ, được người dân làng Vũ
Đại truyền tay nhau nuôi, từ anh thả ống lươn cho đến bà góa mù và bác phó cối. Đến khi
hắn mười tám tuổi thì Chí bắt đầu đi làm thuê cho nhà Bá Kiến. Vợ của Bá Kiến bắt Chí
Phèo phải đấm lưng, xoa đầu cho bà ta và Chí đã bị Bá Kiến sai bọn tay sai giải ra huyện,
rồi Chí bị đi tù bảy, tám năm. Ngay khi được thả ra khỏi tù, Chí đã cầm vỏ chai đến nhà
Bá Kiến để vạch mặt và ăn vạ. Nhưng lão Bá Kiến rất khôn, hắn cho Chí năm đồng bạc
để uống rượu. Chí được xoa dịu bằng năm đồng bạc ấy đã nguôi ngoai, Chí rơi vào hoàn
cảnh lúc nào cũng say xỉn, chỉ cần ai cho tiền là có thể làm bất cứ điều gì. Bá Kiến nhờ
vậy mà khiến cho Chí trở thành tay sai của hắn ta. Chí Phèo trở thành một con quỷ dữ
của làng Vũ Đại. Chí Phèo say xỉn, phá làng, phá xóm, đi đâm thuê chém mướn cho nhà
Bá Kiến. Cho đến một hôm, cũng trong những cơn say như thường ngày, Chí đi về lều thì
thấy Thị Nở đang nằm ngủ há hốc mồm dưới ánh trăng. Thế là Chí ôm chầm lấy Thị Nở
và ân ái với nhau. Sáng hôm sau khi Chí tỉnh rượu, Chí được Thị nấu cho một bát cháo
hành. Cả cuộc đời Chí chưa từng được ai chăm lo cho như vậy, Chí thấy mình muốn làm
người lương thiện. Bát cháo hành của Thị Nở đã làm thức tỉnh lại phần người trong Chí
nhưng cánh cửa làm người lương thiện lại đóng sập lại khi Chí Phèo bị bà cô của Thị Nở
nhất quyết phản đối. Bà cô nói rằng: "Ai lại đi lấy thằng Chí Phèo", "thằng chỉ có một
nghề rạch mặt ăn vạ!" Chí Phèo nghe vậy khóc rưng rức, đành lủi thủi đi về. Cuối cùng,
Chí đến nhà Bá Kiến và chỉ vào mặt hắn nói: "Ai cho tao lương thiện? Tao muốn làm
người lương thiện." Chí giết chết Bá Kiến rồi tự sát, Thị nở chỉ còn biết nhìn vào bụng và
nghĩ về cái lò gạch cũ.
Câu truyện kết thúc nhưng bi kịch về cuộc đời Chí vẫn sẽ mãi làm đọng lại trong
tim người đọc một nỗi niềm sót xa. Được sinh ra là một con người đúng nghĩa, nhưng
trong suốt những năm tháng làm người lại chưa từng được người khác công nhận quyền
làm con người của mình, còn nỗi niềm nào đau khổ hơn. Ngay khi chúng ta vừa hòa mình
vào tác phẩm thì chúng ta đã có thể thấy được một bi kịch được thể hiện qua tiếng chửi
của Chí Phèo ở đầu câu truyện. Tiếng chửi ấy cứ âm ỉ và dai dẳng mãi trong lòng chúng
ta cho đến khi kết thúc cả tác phẩm. Từng là một người bình thường lương thiện, được
bảo bọc bởi những con người trong chính cái làng Vũ Đại này nhưng cũng chính một số
người nơi đây đã gián tiếp đẩy Chí vào cánh cửa trở thành một con quỷ. Con quỷ ấy từng
là một con người cũng có trái tim, cũng biết yêu thương, cũng lương thiện hiền hòa, chịu
thương chịu khó. Giờ đây đã trở thành một kẻ say rượu, hận đời hận cả những người
xung quanh. Cứ say là lại chửi, chửi cho quên đời, cho bỏ tức, cho cả kiếp người đã bị
hủy hoại. Hãy nghe nhà văn miêu tả: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu
xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn
chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng của ai. Tức mình, hắn chửi
tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại, ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”.
Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Tức thật! Ờ! Thế nào thì tức thật! Tức chết đi được mất!
Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra
điều. Mẹ kiếp! Thế có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết
mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà
chửi,hắn cứ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”.
Đây là tiếng chửi của một tên say rượu, một tiếng chửi trong vô thức. Nhưng ông
bà ta có nói lời của người say có thể là lời thật lòng nhất, thể hiện chính bản thân mình
nhất. Qua tiếng chửi của Chí, người đọc có thể cảm nhận được rằng như là đang đối diện
với một con “người – vật” đơn độc ở tận cùng của nổi đau đang trút những oán hờn, thù
hận của mình lên cuộc đời – tiếng nói hằn học, phẫn uất, đầy thống khổ của mình. Chẳng
ai hiểu rằng đằng sau những tiếng chửi ấy là một nỗi niềm khát khao đến cháy bỏng được
quay trở về làm người. Chỉ cần có ai đó chửi lại thôi cũng đủ để Chí thấy rằng mình vẫn
được công nhận làm người. Nếu sống một cách bình thường, có thể không ai để ý đến
Chí. Có lẽ Chí nghĩ rằng phải chửi thật xúc phạm, thật nhiều để xem có ai chửi lại không,
để Chí biết rằng mình vẫn còn được nhìn nhận. Nhưng buồn thay, tiếng chửi của Chí chỉ
có tiếng chó sủa đáp lại.
Và cứ thế, cuộc đời Chí Phèo, theo lời kể của nhà văn hiện lên dần như một cuộn
phim cũ với màu sắc đầy bi thảm, thương đau cho một kiếp người. Kể từ khi hắn là một
đứa trẻ trần truồng và xám ngắt bên cái lò gạch cũ bỏ không, cho đến khi hắn bơ vơ, đi ở
cho người này đến người kia rồi làm canh điền cho Bá Kiến và cuối cùng bị bắt giam vô
cớ và tù tội oan uổng… Nhà văn không miêu tả chi tiết quá trình Chí Phèo bị đối xử ra
sao trong suốt chặng đường dài ấy, chỉ miêu tả chủ yếu kết cục, cái hậu quả thảm khốc
của nó. Chỉ bằng mấy dòng ngắn gọn dường như tác giả đã tiên lượng đầy đủ về số phận
nhân vật. Với một bản "lý lịch" khá đặc biệt như thế dường như trong con người Chí
Phèo sự bất trắc nỗi thống khổ đã được "cài đặt" sẵn chúng tiềm ẩn và sẽ bùng phát bất
cứ lúc nào trên mỗi bước đường đời. Nói cách khác trong bối cảnh cuộc sống lúc bấy giờ
một con người như Chí Phèo không bất hạnh mới là vô lý. Lời đay nghiến của bà cô đối
với Thị Nở khi thị định gắn đời mình với Chí Phèo: "Đàn ông chết hết rồi hay sao mà lại
đi đâm đầu lấy một thằng không cha không mẹ"... chỉ là sự láy lại thái độ nhất quán của
cộng đồng đối với một số phận coi như đã được an bài một cách hiển nhiên trong ý thức
mọi người. Từ điểm nhìn mà ta đang tuân thủ cái thiện của nhân vật Chí Phèo cũng là chi
tiết có độ nén lớn. Khác với Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng - con người hư hỏng từ
trong trứng nước - Chí Phèo vốn lương thiện một sự lương thiện gần như bản năng.
Không phải là kết quả của một sự giáo dục nào đáng kể cái thiện căn của Chí Phèo vẫn
đủ mạnh để giúp Chí ngay giữa tuổi hai mươi vượt qua sự cám dỗ của một người đàn bà
dâm loạn. Nó cũng không dễ dàng bị đánh bật khỏi tiềm thức bởi những trận say triền
miên và những hành vi phá phách.
Hoàn cảnh như vậy, đã làm cho Chí Phèo có cảm giác như bản thân mình bị khước
từ quyền làm người ngay từ khi mình sinh ra. Bởi không biết người sinh ra mình là ai,
không cha, không mẹ, không nhà, không cửa. Trong một khoản thời gian dài đã trải qua
rất nhiều khổ đau, bất hạnh với tuổi thơ chỉ có một mình chưa từng cảm nhận được tình
cảm yêu thương nồng ấm từ gia đình. Nhưng theo như mạch kể của nhà văn thì người
đọc cũng cảm nhận được rằng bản chất ban đầu của Chí là một người lương thiện. Cớ sao
trời lại chẳng thương tình mà ban cho một cuộc sống bình thường như bao người mà lại
phải gặp nhiều hàm oan rồi đi tù. Không ai biết được chuyện gì đã xảy ra trong những
năm tháng gian khổ ấy của Chí Phèo để hắn trở thành một con sâu rượu phá phách, hận
đời như vậy. Hắn như hóa thành một người khác, bị tước mất nhân tính lẫn nhân hình với
“cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cong cong, hai mắt gườm
gườm trông gớm chết”. Sau khi đi tù về hắn trở thành một con quỷ dữ trong cái làng Vũ
Đại này từ khi nào mà không ai biết. Cuộc đời hắn từ đây chỉ là chuỗi ngày chìm trong
những cơn say triền miên. “Hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say, thức dậy vẫn còn say,
đập đầu rạch mặt, chửi bới dọa nạt trong lúc say, uống rượu trong lúc say, để rồi say nữa,
say vô tận. Chưa bao giờ hắn tỉnh và có lẽ chưa bao giờ hắn tỉnh táo để nhớ rằng hắn có ở
đời. Có lẽ hắn cũng không biết rằng hắn là con quỉ dữ làng Vũ Đại để tác quái cho bao
nhiêu dân làng. Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên
vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương
thiện…
Tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi khi hắn qua”.
Chỉ một đoạn văn nhỏ mà chắc chứa biết bao nhiêu nỗi thống khổ của một thân
phận nhỏ bé giữa xã hội. Chí Phèo đã phản kháng lại sự tàn bạo. Đó là “sự phẫn nộ tối
tăm” như Lênin đã từng nói. Trong tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao chỉ ra rằng Chí Phèo
không phải là ngoại lệ. Cùng với hắn còn có Binh Chức, Năm Thọ. Đó là một quy luật
một khi đã có Bá Kiến, Lý Cường, Đội Tảo,… thì ắt sẽ có Chí Phèo, Binh Chức, Năm
Thọ, “không có những thằng đầu bò thì lấy ai mà trị những thằng đầu bò” chính Bá Kiến
đã rút ra lý luận quan trọng ấy. Khi xã hội quá khắc nghiệt thì theo bản năng con người ta
sẽ phản kháng lại với xã hội ấy, như chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố khi
đã bị đẩy vào hố sâu tăm tối chị phải tự vùng dậy mới có thể cứu được mình. Chí Phèo lại
có một cách phản kháng khác là chống lại xã hội này, dùng men say để quên đi tất cả
không muốn chính mình đối diện với cuộc sống khổ ải này nữa. Đúng như nhà phê bình
Nguyễn Đăng Mạnh đã nói: “Khi Chí Phèo ngất ngưỡng bước ra từ những trang sách của
Nam Cao thì người ta liền nhận ra rằng đây mới là hiện thân đầy đủ những gì gọi là khốn
khổ tủi nhục nhất của người dân cày ở một nước thuộc địa: bị giày đạp, bị cào xé, bị hủy
hoại, từ nhân tính đến nhân hình. Chị Dậu bán chó, bán con, bán sữa nhưng chị còn được
là con người. Chí Phèo phải bán cả diện mạo và linh hồn mình để thành con quỉ dữ của
làng Vũ Đại”. Chỉ ra hậu quả thảm khốc của sự bạo tàn, lên tiếng chất vấn và tố cáo gay
gắt sự thống trị bạo tàn, nhà văn đã soi sáng vào quá trình miêu tả một cảm hứng nhân
văn sâu sắc.
Cho tới khi gặp được Thị Nở, cuộc đời Chí bước sang một trang mới. Chí ý thức
được bản thân mình. Lần đầu tiên Chí tỉnh, tỉnh rượu và tỉnh cả những dòng suy nghĩ đau
đáu về lòng thù hận. Không ngờ sự chăm sóc ân cần của một người đàn bà dở hơi lại có
sức mạnh tác động lớn đến Chí như vậy. Tỉnh táo, Chí cũng chẳng mảy may nghĩ rằng thị
chỉ là một người dở hơi, xấu xí. Vì rằng điều mà Chí khát khao bấy lâu nay là được nhìn
nhận là người đã đạt được. Thậm chí thị còn dành cho Chí những hành động, cử chỉ của
một “người yêu” thực sự. Chính thị – một con người chỉ hơn Chí ở cái là được mọi người
nhìn nhận là người – đã đánh thức phần người trong Chí. Có lẽ cũng vì Thị dở hơi nên thị
không ý thức được về hiện trạng của Chí lúc này nên thị mới ngã vào lòng Chí. Nhưng dù
sao điều đó cũng đã là một ân huệ lớn lao cho cuộc đời Chí. Hắn như được tái sinh lại
một kiếp mới muốn được lương thiện, được làm người. Mong muốn nhỏ nhoi là được
làm một con người trong cái xã hội này.
Bằng chi tiết này, Nam Cao như đã mang lại cho cuộc đời Chí một tia sáng nhỏ
nhoi thật đẹp đẽ, Chí như một con quái vật trong tận rừng sâu nay đã gặp được nàng công
chúa của riêng mình đến để giải cứu hắn khỏi cái vòng lẩn quẩn này – Nhà văn như muốn
hòa vào nhân vật để cảm thông, chia sẻ những giây phút hạnh phúc thật hiếm hoi của đời
Chí Phèo….
Như vậy, tất cả mọi người, không một ai còn nhìn nhận Chí là một con người nữa.
Có thể sẽ có người nói rằng: Chí hoàn toàn có thể tự mình làm người lương thiện bằng
cách sống tốt hơn, không chửi bới, không say xỉn và xin đi làm thuê làm mướn kiếm sống
qua ngày. Rồi dần dần mọi người sẽ lại quý mến Chí, cho Chí những cơ hội tốt hơn để
tiến thân. Nhưng cuộc sống đâu phải dễ dàng đến vậy. Nhất là trong xã hội ấy, giai cấp
cầm quyền là đại diện cho những điều gian ác nhất, bất nhân nhất. Liệu rằng Bá Kiến có
để cho Chí được sống một cuộc sống êm đềm không khi hắn đã từng có thù hằn với Chí?
Hơn nữa, khi đã mang trong mình lòng thù hận quá sâu sắc, liệu rằng ai có thể bình thản
mà sống được. Có thể do Chí chưa mạnh mẽ, chưa đi đúng hướng nên đã để xảy ra những
bi kịch đớn đau trong cuộc đời mình. Nhưng khi nhìn bằng cái nhìn khách quan, Chí
chính là kết quả của một xã hội phong kiến thối nát, tàn nhẫn. Chí là đại diện cho những
người nông dân bần cùng bị xã hội dồn ép đến mức đánh mất cả nhân tính, để đến khi
muốn quay trở lại làm một con người bình thường cũng chẳng được nữa. Đây là một loại
bi kịch lạ lùng nhất trong nền văn học Việt Nam nói chung và văn học hiện thực nói
riêng.
Xã hội đã cướp đi của Chí quyền làm con người và vĩnh viễn không trả lại. Những
vết dọc ngang trên mặt, kết quả của bao nhiêu cơn say, bao nhiêu lần đâm chém, rạch mặt
ăn vạ,… đã bẻ gãy cầu nối của Chí với cuộc đời này. Và như Đỗ Kim Hồi nói, “một khi
người được nếm trải chút ít hương vị làm người thì cái xúc cảm sẽ không thể mất… Đấy
là mối bi thảm tột cùng mà cách giải quyết chỉ có thể là cái chết”. (Tạp chí văn học số 3,
1990 trang 32)
Tuy lên tiếng đòi lương thiện nhưng đồng thời Chí cũng đau đớn nhận ra không
thể là người lương thiện được nữa: “ai cho tao lương thiện, làm thế nào cho mất hết
những vết mảnh chai trên mặt này”. Nhận thức được bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người
và nguyên nhân của bi kịch, Chí hành động quyết liệt: giết Bá Kiến. Giết lão bá rồi, Chí
cũng không còn có thể sống mà làm người được, bây giờ, nếu Chí tiếp tục sống, hắn sẽ
phải tiếp tục là con quỷ, hắn “chỉ còn một cách” là tự vẫn. Hai vũng máu thảm khốc cuối
tác phẩm chính là lời tố cáo sâu sắc nhất chế độ nhà tù thực dân và tầng lớp thống trị
phong kiến. Những thế lực này đẩy Chí vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, và cùng
với thế lực hủ tục phong kiến tước đoạt hẳn con đường trở về làm người của Chí.
Bằng nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình, nhà văn tố cáo sâu sắc xã hội thực
dân nửa phong kiến phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống của con người, đẩy con người vào
“bước đường cùng”. Kết cấu truyện theo kiểu tâm lí, không theo thứ tự thời gian mà bắt
đầu truyện bằng tiếng chửi đổng của Chí vừa gây sự chú ý, tò mò cho người đọc, vừa
nhấn mạnh cái bi kịch đau đớn của Chí. Đồng thời, lời văn kể chuyện nửa trực tiếp cũng
góp phần tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện: trong tác phẩm, có đoạn là lời người kể
chuyện hoàn toàn; cũng có đoạn nhà văn như hóa thân vào nhân vật, làm cho đoạn văn
như là lời của chính nhân vật tự kể chuyện mình khiến người đọc thực sự khám phá được
chiều sâu tâm hồn nhân vật. “Đôi mắt” đầy tình người của Nam Cao cùng với tài năng
nghệ thuật của ông đã đưa “Chí Phèo” vào hàng những kiệt tác văn xuôi hiện đại.
IV. KẾT LUẬN
Nam Cao đã khiến cho người đọc phải ám ảnh bằng chính nhân vật của mình. Là
đứa con của quỷ dữ nhưng họ cũng đã từng là một con người, họ cũng biết yêu, biết
buồn, biết hờn, biết ghen tuông. Nam Cao đã soạn thảo rất thành công một bản án về tội
ác của chế độ nửa thực dân nửa phong kiến đã đàn áp, bóc lột nhân dân đến mức nào.
Bên cạnh đó, ông cũng đã kịp thời trân trọng và phát hiện vẻ đẹp trong chính nhân vật
của mình – Chí Phèo, để đến cuối cùng, sau một vòng tròn, ông đã cho họ một kiếp người
mới, chắc chắn sẽ tốt hơn, hạnh phúc hơn, xứng đáng với bản tính tốt đẹp của mình. Qua
tác phẩm, tác giả muốn gửi gắm lòng đồng cảm sâu sắc với bi kịch của nhân vật, niềm tin
về bản chất hiền lành lương thiện của con người sẽ luôn còn đó. Hơn nữa, tác phẩm được
viết lên như 1 lời kêu cứu, cứu lấy quyền làm người, cứu lấy quyền sống, quyền được
hưởng hạnh phúc lứa đôi của con người.

You might also like