You are on page 1of 2

1

Đỗ Mai Linh – 10D – THPT Chuyên Ngoại ngữ

BÀI TẬP CÁ NHÂN – DỰ ÁN “VĂN HỌC VÀ CUỘC SỐNG”


Bài làm

Như bông cúc nhỏ sinh ra để luôn hướng câu hát về vùng đất mênh mang gió, như ánh mặt trời sinh ra để
xóa tan mây mù của mùa đông lạnh lẽo; văn học ra đời để “làm công việc như kẻ nâng đỡ giấc mơ cho
những người cùng đường tuyệt lộ, để bênh vực cho những người không còn có ai bênh vực”. Có thể thấy,
con người từ lâu đã là điểm xuất phát cũng như mục tiêu hướng tới của văn chương; và văn chương
không gì khác hơn là phải phản ánh hiện thực, chiếu rọi nhân sinh, thể hiện trải nghiệm cùng sự sáng tạo
qua “đôi mắt mới” của người nghệ sĩ. Chính vì thế, có những nhân vật trong văn học “không bao giờ hết
khả năng kể chuyện kể cả khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc”; mà sẽ bước ra từ trang sách đến
với đời thực, sống mãi trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ tiếp theo. Trong số những nhân vật ấy, nền văn
học Việt Nam nổi bật lên với hình tượng Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao –
một bản chất nông dân lương thiện ẩn sau lớp vỏ bọc “con quỷ dữ làng Vũ Đại”.

Đọc “Chí Phèo”, trước nhất, người ta sẽ nhìn thấy hình ảnh một người dân lương thiện bị tha hóa thành
một kẻ lưu manh bị lạnh lùng xa lánh, và từ một kẻ lưu manh trở thành “con quỷ dữ làng Vũ Đại”. Chí
vốn là một thằng sinh ra đã không cha không mẹ, không nhà không cửa, không họ hàng thân thích; từ
thuở bé đã lang thang phiêu bạt “đi ở cho hết nhà này sang nhà nọ”. Rồi năm hai mươi tuổi, hắn làm
canh điền cho cụ bá Kiến; cuối cùng bị đổ oan và bị bắt đi tù “biệt tăm bảy, tám năm”. Bước ngoặt quan
trọng của câu chuyện bắt đầu từ đây. Vốn Chí là người “hiền như đất”, lại chỉ có một ước mơ giản dị nhỏ
nhoi là một gia đình “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải”; vậy mà sau những năm biệt tăm quay về
hắn lại trở thành một kẻ “đầu trọc lốc, răng cạo trắng hớn” cùng những hình xăm chi chít trên người.
Nhà tù đã làm gì, bọn cường hào đã làm gì hắn mà để ra nông nỗi như thế? Đau đớn thay cho Chí khi hắn
từ một người canh điền thiện lương hiền lành lại biến thành một kẻ đầu đường xó chợ! Mỗi nơi hắn đi
đến trong làng Vũ Đại đều văng vẳng những tiếng chửi tục tĩu: hắn chửi trời, chửi đất, chửi người, chửi ai
không chửi nhau với hắn, chửi cả “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”. Nhưng người ta không nhận ra, hắn
chửi thế là vì hắn còn muốn là một con người, hắn chửi thế vì muốn có câu trả lời cho câu hỏi “Ai cho tôi
lương thiện?”; vậy mà chẳng có ai đáp lại. Thậm chí hắn còn bị chính kẻ thù của mình là cụ bá Kiến mua
chuộc làm tay sai, sống trên bao mồ hôi nước mắt và máu thịt của những người dân vô tội. Hắn cứ thể
chìm sâu vào ác mộng của sự tha hóa, chìm sâu vào bi kịch của sự bị cự tuyệt đầy đớn đau. Những tưởng
chẳng còn cách nào để thoát khỏi kiếp sống khốn nạn ấy, thì Nam Cao lại tinh tế nhận ra điểm sáng trong
tâm hồn Chí: rằng dù có trải qua bao nhiêu bi kịch thì sâu thẳm trong Chí vẫn là sự thiện lương, là mong
muốn được làm một con người chân chính; để rồi viết nên cuộc gặp gỡ giữa hắn và Thị Nở. Sau khi gặp
được thị, hắn như sống lại cuộc đời của mình trước khi đi tù: hắn nghe ra tiếng chim ríu rít, hắn thấy chợ
búa rôm rả, hắn trông được cả chiếc thuyền gõ mái chèo đuổi cá. Chi tiết bát cháo hành do Thị Nở nấu
cho hắn đã trở thành một “bụi vàng” lấp lánh của tác phẩm, khơi gợi mong muốn yêu và được yêu của
Chí Phèo, thể hiện niềm tin của tác giả vào khả năng cảm hóa diệu kì của tình thương. Chao ôi, ta chẳng
còn nhận ra con người đã từng cào đến rách mặt để ăn vạ giữa làng; mà chỉ thấy một chàng thanh niên trẻ
với tình yêu và khát khao được hạnh phúc. Hắn còn nhận ra mình đang dần đi về phía bên kia cuộc đời,
để rồi cũng biết sợ tuổi già, sợ ốm yếu và cô độc. Nhưng rồi bà cô của Thị Nở, với cái định kiến hẹp hòi
2

về xuất thân, nguồn gốc và quá khứ trong xã hội xưa, đã chửi mắng Chí Phèo một cách đầy lạnh lùng
nhẫn tâm, lấy đi ánh sáng le lói duy nhất là Thị Nở trong cuộc đời ngàn vạn tăm tối của hắn, khiến hắn
thực sự rơi vào cùng đường tuyệt lộ, mất đi hoàn toàn tư cách được làm người. Để rồi Chí lựa chọn kết
liễu cuộc đời bá Kiến và chính mình, như một cách tìm lại sự lương thiện cuối cùng còn sót lại trong tâm
khảm. Nhìn vào bề nổi, cái chết là một kết thúc bất hạnh cho câu chuyện đầy bi thiết ấy; nhưng thực chất
lại hết sức hợp lí, mang đậm giá trị nhân văn và nghệ thuật. Ấy là sự tố cáo sâu sắc xã hội phong kiến với
bọn cường hào quan lại vô nhân tính; nhưng cũng thể hiện bản chất thiện lương vốn có trong tâm hồn mỗi
người, thể hiện niềm tin vào “ác giả ác báo” – cái ác sẽ phải nhận hình phạt xứng đáng cho tội lỗi của
mình.

Nhân vật Chí Phèo đã thành công khắc họa hình ảnh người nông dân trong xã hội phong kiến đương thời
– họ bị đẩy vào cùng đường tăm tối, bị ép phải tha hóa và sống trong cảnh lầm than. Bi kịch của Chí là bi
kịch của toàn thể những “dân đen” thời ấy, khi mà khát khao lương thiện mãi mãi bị che lấp trong vòng
xoáy số phận nghiệt ngã và những trò đùa cuộc đời đau đớn. Chủ đề khai thác mà Nam Cao lựa chọn
không mới; nhưng bằng giọng văn sắc sảo và chua chát mà ẩn sâu trong đó là lòng nhân ái lớn rộng bao la
cùng ngòi bút tinh tế bậc thầy, nhà văn đã khắc họa một tượng đài nhân vật mà không có bất kì ai thay thế
được, biến con chữ trên trang sách sống dậy và bước ra ngoài đời thực. Kể cả ở thời điểm hiện tại, người
ta cũng không quá khó để nhìn thấy những “Chí Phèo” như thế - những kẻ lang bạt đáng thương tưởng
chừng độc ác nhưng thật ra vẫn luôn muốn được làm người. Nam Cao đã biến “Chí Phèo” thành “chứng
tích” của một xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, của những con người lương thiện “bị cái ác
hoặc sinh mệnh dồn đến chân tường”; nhưng cũng để tác phẩm nói chung và nhân vật Chí Phèo nói riêng
là “hiện thân cho chân lí giản dị của muôn đời”: cái ác nhất định sẽ gặp quả báo, và bản chất hiền lành
vẫn luôn ẩn sâu bên trong mỗi con người kể cả khi họ đã trở thành quỷ dữ.

Người nghệ sĩ phải lang thang trong cõi đời, phiêu du giữa thời đại, phải sống và trải nghiệm rồi mới có
thể làm nên nghệ thuật. Nhà văn cần đi tìm bản chất người ở những cá nhân nhỏ bé nhất, những phận đời
khốn khó nhất để thấy được “cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”, cũng như mở ra “một bài học trông
nhìn và thưởng thức”. Và Nam Cao đã thành công khơi gợi cho độc giả một bài học như thế thông qua
“Chí Phèo”, với hình tượng nhân vật bước ra khỏi trang văn, thâm nhập vào đời sống và đem đến những
chiêm nghiệm nhân sinh ý nghĩa. Người ta chẳng khó để bắt gặp những tác phẩm có sức sống mãnh liệt
như “Chí Phèo”; nhưng để một tác phẩm trở thành kiệt tác và nhân vật chính trở thành huyền thoại, thì
quả thực không nhiều người làm được như Nam Cao – thật xứng với danh xưng một trong những nhà văn
hiện thực xuất sắc nhất!

You might also like