You are on page 1of 8

"Tao muốn làm người lương thiện

Không được ! Ai cho tao lương thiện ?..."


Mỗi lần nhớ đến nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, tôi lại nghe văng vẳng bên tai mấy
câu nói trên đây và hình dung rõ như in một gương mặt đàn ông vừa đáng thương vừa
đáng sợ, vằn vện những vết sẹo dữ dằn. Từ đôi mắt nửa tỉnh táo, nửa đờ đẫn của anh
ta ánh lên một cái nhìn thật thiết tha, khắc khoải. Cái nhìn pha lẫn cả hăm doạ với cầu
khẩn, pha lẫn hận thù, khổ đau, sám hối và khát vọng,... Cái nhìn dường như không
phải hướng đến một điểm, một người, mà hướng đến mọi điểm, mọi người.

Những lúc ấy, tôi hiểu rằng, đối với tôi, điều thú vị và tâm đắc mà tác phẩm Chí Phèo
mang lại, thật giản dị và cũng thật sâu xa : đó là việc nhà văn đã nói thay cho những
người khốn khổ như Chí Phèo một tiếng nói thật cảm động, thấm thía - tiếng nói khát
khao được sống như một con người.

Phải, tiếng nổi khát khao được sống như một con người. Chỉ thế thôi, nhưng với Chí
Phèo là cả một kì vọng. Bởi hai tiếng "Con người" đối với người đàn ông thua thiệt, bất
hạnh này là một cái gì thật tốt đẹp, mà cao xa. Đó là một viễn ảnh. Viễn ảnh ấy vừa
như là một hồi ức, vừa là niềm ước mong ; vừa như một cái gì hiển nhiên, đã có, sắp
có, lại vừa như một cái gì chưa có và còn xa, còn lâu Chí Phèo mới chạm tới được.
Sức sống tươi tắn của hình tượng chí Phèo chính là ở những chỗ như thế này. Sức
sống ấy toát ra từ cả hình tượng lẫn ngôn từ, từ cả câu chuyện lẫn cách kết cấu.

Trong tác phẩm, để làm nổi bật tính chất viễn ảnh về con người và khơi sâu niềm khát
khao tha thiết ấy ở Chí Phèo, ngoài phần kể tả về những ngày Chí Phèo tỉnh táo tận
hưởng hạnh phúc, tình yêu bình dị mộc mạc mà ngọt ngào với thị Nở, thỉnh thoảng
Nam Cao lại lồng vào bức tranh hiện tại bi đát của Chí Phèo một vài mẩu hồi ức vui,
trong sáng :

- ..."Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho ông lí Kiến, bây giờ là cụ bá Kiến ăn tiên
chỉ làng..."

- ..."Hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình
như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê,
vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào
ruộng làm.
" - ..."Hồi ấy hắn hai mươi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn
là xác thịt. Người ta không thích cái gì người ta khinh." - v.v.

Những hình ảnh bình dị như thế từng là có thật, rất thật trong đời Chí Phèo. Nhưng tất
cả đã thuộc về hồi ức, tức là thuộc một thế giới khác, một cõi xa xăm. Rõ ràng là Chí
Phèo rất tha thiết sống như một con người, ít nhất là con người đã có "năm hai mươi
tuổi...", hoặc "hồi ấy...".

Giữa những trang kể về khoảng thời gian năm sáu ngày ngắn ngủi Chí Phèo tỉnh táo
tận hưởng hạnh phúc, tình yêu bình dị mộc mạc mà ngọt ngào với thị Nở, và những
câu, đoạn gợi lại hồi ức vui, trong sáng hiếm hoi như vậy, Nam Cao đã kể khá dài và
khá kĩ về những cơn say, những tiếng chửi, những hành động đập phá đang đẩy Chí
Phèo trượt dài xuống hố thẳm tha hoá. Càng lúc Nam Cao càng làm cho người đọc
hiểu thấm thía cái giá để được sống như một con người. Gập ghềnh và cheo leo thay là
con đường trở về với bản tính lương thiện của Chí Phèo!

Niềm khao khát làm người lương thiện ấy càng cháy bỏng trong đoạn nhà văn kể lại
việc Chí Phèo đến nhà bá Kiến và dõng dạc tuyên bố yêu sách tối hậu của mình : Tao
muốn làm người lương thiện". Nhưng : " - Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào
cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết
không ! Chỉ có một cách... biết không !... Chỉ còn một cách là... cái này ! Biết không !... Hắn rút
dao ra, xông vào. Bá Kiến ngồi nhổm dậy, Chí Phèo đã văng dao tới rồi. Bá Kiến chi kịp kêu
một tiếng. Chí Phèo vừa chém túi bụi vừa kêu làng thật to. Hắn kêu làng, không bao giờ
người ta vội đến.
Bởi thế khi người ta đến thì hắn cũng đã đang giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu
tươi. Mắt hắn trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng. Ở cổ
hắn, thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra." Đó cũng là trang cuối cùng đẫm lệ và đẫm máu
trong cuộc đời hơn bốn mươi năm của Chí Phèo : Mấy mẩu đối khẩu căng thẳng đầy
kịch tính vang lên, được điểm nhịp bằng những nhát dao bi phẫn, căm hờn. Và điều
phải xảy đến đã xảy đến. Một kết cuộc thảm khốc : hai cái xác cùng đổ gục trên một
vũng máu tươi,...

Khi trang cuối cuộc đời Chí Phèo sắp khép lại, người đọc đã hiểu rằng thế là hết, ước
muốn "làm người" của anh vẫn chỉ là một ước muốn. Chuyện "làm người" thậm chí đã
thành ảo ảnh chứ không còn là viễn ảnh nửa ! Thật đáng thương, Chí Phèo mắt vẫn
"trợn ngược", "mồm ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng". Cơ duyên tìm cuộc
sống lương thiện của anh đã đứt gãy giữa chừng.

Nhưng thế nào mới được xem là người ? Và vì lẽ gì mà một ước muốn làm người thật
bình dị, đối với Chí Phèo lại thành ra quá xa vời, thậm chí, thành không tưởng như
vậy ?

Thật ra, thế nào là quỷ, thế nào là người ? Thế nào là dữ, là bất lương, thế nào là hiền,
là lương thiện,... ? Câu trả lời không dễ. Truyện ngắn của Nam Cao cũng không hề đưa
ra một định nghĩa, một lời giải thích trực tiếp về những điều này. Nhưng đọc tác phẩm,
mỗi người chúng ta đều có thể tự tìm được câu trả lời tương đối thỏa đáng cho mình.
Câu trả lời có thể rút ra từ chính quan niệm và cách miêu tả của Nam Cao trong tác
phẩm, nhất là từ các đoạn tả, kể về phần người của Chí Phèo trước khi đi ở tù và sau
khi đã tỉnh rượu (trong sự đối chiếu với phần quỷ của Chí Phèo sau khi đi ở tù về và
trước khi tỉnh rượu). Câu trả lời phần nào cũng có thể tìm kiếm từ những đoạn văn triết
lí trữ tình của Nam Cao về bản tính và giấc mơ lương thiện của Chí Phèo, chẳng hạn :
"Hai mươi tuổi, người ta không là đá, nhưng cũng không toàn là xác thịt" ; "Trời ơi ! Hắn
thèm lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao ! Thị Nở sẽ mở đường cho
hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy
rằng hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng
phẳng, thân thiện của những người lương thiện".

Theo cách đó, tác phẩm như ngầm đưa ra một lời giải thích quan niệm, một cách định
nghĩa về con người và cuộc sống con người. Là người thì phải có khả năng sống bằng
bàn tay và sức lao động của mình (như Chí Phèo sống bằng nghề làm canh điền cho lí
Kiến). Là người thì phải biết sống tự trọng (như Chí Phèo biết tự trọng trước bà Ba). Là
người thì phải có bạn, có người thân, có khả năng và được quyền sống thân thiện với
mọi người (như Chí Phèo có thị Nở và sống chan hoà cùng thị Nở),...

Phải rồi, đã là người thì ít ra phải như thế. Khóc, cười, yêu ghét, buồn nhớ, giận hòm,
bất bình, căm uất,... cũng phải như một con người. Nhưng đây mới là điều tối quan
trọng : ý thức về quyền sống như một con người, sống cho ra một con người. Là người
thì có quyền đòi hỏi cả xã hội phải công nhận mình như một con người. Hiểu như thế,
người ta thấy càng đáng thương cảm cho Chí Phèo. Người đàn ông bị cả làng Vũ Đại
xa lánh, từ chối này nào có ước muốn điều gì cao xa ? Chỉ là những gì tối thiểu và
chính đáng nhất. Thế mà "không được !". Lỗi ấy tại ai và do đâu ? Vì Chí Phèo ? Vì bá
Kiến ? Vì định kiến xã hội làng Vũ Đại ? Nam Cao đã không hề dễ dãi, đơn giản một
chiều khi giúp người đọc tìm cách trả lời những câu hỏi nhức nhối này. Bi kịch bị từ
chối quyền làm người của Chí Phèo, tất nhiên suy cho cùng là xuất phát từ hiện thực
xã hội đen tối của làng Vũ Đại, từ mưu ma chước quỷ của những kẻ cai trị sâu mọt,
gian ngoan, thâm hiểm như lí Kiến. Nhưng cũng vì cả Chí Phèo nữa. Đưa Chí Phèo
vào con đường tự huỷ hoại là bá Kiến, nhưng thực hiện các hành động, hành vi tự huý
hoại ấy không ai khác, là Chí Phèo.

Việc Chí Phèo không được trở lại làm người có thể giải thích bằng nhiều lí do. Có nhiều
lí do khách quan lẫn lí do chủ quan. Nhưng có lẽ quan trọng nhất vẫn là hai lí do này :
Thứ nhất, định kiến xã hội quá nghiệt ngã là thứ rào cản không thể vượt qua ; thứ hai,
Chí Phèo đã trượt dốc quá xa, đến lúc tỉnh ra thì đã quá muộn và trong Chí Phèo xuất
hiện một thứ rào cản khác : rào cản tâm lí. Lí do thứ nhất thuộc về phía khách quan xã
hội, đã được bà cô thị Nở nói toạc ra : "Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm
đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ra ăn
vạ." Ở cái làng Vũ Đại này, từ lâu, Chí Phèo đã thành "con vật lạ". Từ lâu, Chí Phèo đã
sống ngoài rìa xã hội (một mình ở bên kia bờ đê). Chí Phèo chửi, người ta bỏ ngoài tai
(thường chỉ có ba con chó dữ đáp lại thằng say rượu). Trong mắt người làng, cũng như
bà cô thị Nở, Chí Phèo chỉ có thể sống kiếp thú vật ("chỉ có một nghề rạch mặt ra ăn
vạ"), không thể sống chung với người, hoặc sống mà cũng như đã chết. Cái định kiến
này sâu sắc, nghiệt ngã đến mức, giả dụ thị Nờ có trái lời bà cô, vẫn cứ chấp nhận
chung sống với Chí Phèo, thì xã hội làng Vũ Đại vẫn không thể tha thứ và đón nhận
anh ta. Lí do thứ hai, thuộc về phía chủ quan Chí Phèo, liên quan đến sự tự ý thức của
Chí Phèo.

Đúng là Chí Phèo đã trượt dốc quá xa. Chí đã phạm quá nhiều tội lỗi (cho dù là phạm
trong lúc say). Đến mức hầu như không thể tính sổ được với dân làng rằng anh "đã phá
bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm
chảy máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện". Món nợ ấy biết trả đến bao
giờ cho xong để thanh thản trở lại làm người ? Khi Nam Cao lần thứ hai miêu tả ngoại
hình Chí Phèo : "Cái mặt hắn vàng vàng mà lại muốn xạm màu gio ; nó vằn dọc vằn
ngang, không thứ tự, biết bao nhiêu là sẹo. Vết những mảnh chai của bao nhiêu lần ăn
vạ kêu làng, bao nhiêu lần, hắn nhớ làm sao nổi ?", ta không nên hiểu đó là miêu tả chỉ
để nhận dạng hay để thấy Chí Phèo đã mất hẳn nhân hình, mà quan trọng hơn, nhà
văn như muốn nói với độc giả rằng, đấy, tội lỗi Chí Phèo còn ghi chằng chịt trên gương
mặt kia, không bao giờ có thể xoá sạch được. Nó sẽ trở thành một thứ mặc cảm tội lỗi,
ám ảnh không nguôi phần đời tỉnh táo của Chí Phèo. Chính Chí Phèo trong cơn tuyệt
vọng đã ý thức rõ hơn ai hết về điều này : "Không được ! Ai cho tao lương thiện ? Làm
thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này ? Tao không thể là người
lương thiện nữa. Biết không !". Đến lúc tỉnh ra thì đã quá muộn : có bao nhiêu vết sẹo
trên mặt thì cũng có bấy nhiêu vết thương không lành được trong tâm hồn.

Bấy giờ ở Chí Phèo đã xuất hiện một thứ rào cản khác lại còn khó vượt qua hơn rào
cản định kiến xã hội. Đó là rào cản tâm lí. Đến lúc đó, một cách tỉnh táo nhất, chính Chí
Phèo cự tuyệt quyền làm người của mình bằng một án mạng và bằng những nhát dao
oan nghiệt. Có lẽ một trong những nguyên do sâu xa nhất khiến Nam Cao dể cho Chí
Phèo gặp thị Nở, tỉnh táo ăn cháo hành, đón nhận tình yêu, tình người,... chính là để
chuẩn bị cho anh ta ý thức được đầy đủ - thoạt tiên thì chỉ lờ mờ, nhưng càng lúc càng
rõ - tình cảnh bi đát, tuyệt vọng của mình. Phải chăng vì vậy mà nhà văn đã miêu tả
nhân vật của mình như một nạn nhân tuyệt vọng vừa đáng thương, vừa đáng trách ?
Tuy nhiên, dù đáng thương nhiều hay đáng trách nhiều thì rốt cuộc Chí Phèo không thể
tha thứ cho kẻ thù của mình cũng như tội lỗi của mình. Nam Cao đã rất khách quan.
Nhưng ông không vô tình. Trái lại, ông đã nhiêu lần kín đáo biện minh cho Chí Phèo.
Nhà văn quả là rất cận nhân tình khi viết rất nhiều cầu văn tương tự : "Chưa bao giờ
hắn tỉnh...", "Có lẽ hắn cũng không biết rằng...", "Hắn biết đâu..." "Hắn biết đâu vì hắn
làm tất cả trong lúc say." Mà "Hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm".
Và, hơn thế, ông còn tìm cách khẳng định thêm rằng : chính lúc Chí Phèo nhận ra là
mình đã bị cả xã hội làng Vũ Đại gạt phăng mất cái quyền được làm người, thì niềm
khát khao được sống như một con người càng cháy bỏng hơn bao giờ hết ; rằng : về
bản chất, chưa bao giờ Chí Phèo là một gã lưu manh hay một tên quỷ dữ ; rằng : con
người luôn phải chịu trách nhiệm về chính nó, nhưng con người cũng chỉ là sản phẩm
của hoàn cảnh mà thôi ; v.v. Khi Chí Phèo ngắc ngoải chết trong vũng máu tươi, sau
tiếng kêu tuyệt vọng, và những dòng đời bi thảm cuối cùng của anh ta khép lại, thì
người ta không chỉ thấy giận (giận kẻ gieo tai hoạ cho Chí Phèo), thấy thương (thương
một kẻ có số phận bi đát), mà còn thấy tiếc. Tiếc thay cho Chí Phèo. "Giá cứ thế này
mãi thì thích nhỉ" ; "Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui.", "Chúng sẽ làm
thành một cặp rất xứng đôi". Những cái "giá...", cái "sẽ...", cái "hay là..." như vậy - trong
sự ngân vang của ngôn từ trần thuật - rốt cuộc cũng vẫn chỉ là ao ước, là giả thiết, là
viễn ảnh, ảo ảnh mà thôi. Nó cũng thoảng qua, cũng mong manh như hương vị cháo
hành của thị Nở mang cho Chí Phèo lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vậy. Cháo
hành "rất ngon" ăn hết từ hôm trước mà trớ trêu thay mãi đến hôm sau, khi bị thị Nở
phũ phàng dúi ngã "lăn khoèo xuống sân", chí Phèo vẫn "thoáng một cái, hắn lại như
hít thấy hơi cháo hành".

Cứ như thế, biết bao nhiêu là tiếc nuối cho cái cơ duyên "làm người lương thiện" của
Chí Phèo đã được nhà văn thông qua nghệ thuật, gieo vào lòng người đọc, khiến
người ta phải cùng ông thao thức mãi không thôi. "Chí Phèo" là tiếng nói của niềm khao
khát. Nhưng đó là tiếng nói bên trong, tiếng nói của một niềm khát khao bình dị được
cất lên từ sâu thẳm tâm hồn. Dựa theo sự miêu tả của Nam Cao trong truyện ngắn Chí
Phèo, người ta hoàn toàn có quyền gọi nhân vật chính của truyện ngắn này - Chí Phèo
- là một "thằng đầu bò", một "con vật lạ", "gã lưu manh" hay "tên quỷ dữ",... Cũng như
vậy, người ta hoàn toàn có thể hiểu và tin rằng, từ trong bản chất, Chí Phèo là một
người lao động lương thiện, một anh canh điền "hiền như đất". Nhưng dù là nhìn nhân
vật từ cả hai phía, hoặc giả, nhìn chủ yếu từ phía này hay phía kia thì cái gã lưu manh
hay cái người lương thiện trong Chí Phèo, ám ảnh người đọc không phải bằng hành
động bên ngoài mà bằng một thứ hành động bên trong, tiếng nói bên trong : ám ảnh
bằng những cơn địa chấn lớn lao của số phận cùng những vang động của nó trong
chính tâm hồn anh ta. Hầu hết những cảnh ngộ, những sự kiện tạo ra những va đập và
biến đổi sâu sắc số phận, tính cách, tâm lí Chí Phèo đều được nhìn bằng con mắt bên
trong, con mắt của nhân vật Chí Phèo và kể bằng tiếng nói tâm hồn, theo mạch suy tư
của tâm hồn. Ai đó đã rất có lí khi gọi cách trần thuật và kết cấu truyện Chí Phèo là trần
thuật và kết cấu theo dòng ý thức của nhân vật chính. Sự lựa chọn này của tác giả là
rất hợp lí và có ý nghĩa. Các diễn biến tâm lí và tiếng nói ở đây đều thuộc về một chủ
thể : Chí Phèo. Nương theo dòng ý thức và điểm nhìn của nhân vật, nhà văn, người
đọc cùng nhân vật nhìn vào hiện tại, quá khứ, tương lai của anh ta. Từ đó, tác phẩm
mở ra một hành trình để nhân vật chính tự nhận thức, tự phát hiện con người bên trong
của mình.
Hành động tự nhận thức và tự phát hiện này, đặc biệt từ sau khi Chí Phèo tỉnh rượu,
được diễn đạt rất ấn tượng và hiệu quả bằng một kiểu lời văn nửa trực tiếp độc đáo và
bằng một khung cú pháp đặc thù : Hắn + động từ tâm lí (Hắn thấy..., hắn nghe..., hắn
sợ,...). Người đọc, vì thế, cơ hồ không cưỡng lại được, cứ trôi miên man theo dòng
chảy cảm xúc, suy tư của Chí Phèo : "Hắn thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn...", "Hắn
sợ rượu...". "Hắn lại nao nao buồn...", "hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc.". "Hết ngạc
nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt.". "Hắn húp một húp và nhận ra rằng : những
người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon". Ngược về
quá khứ, "nhớ đến bà Ba", "hắn chỉ thấy nhục, chứ yêu đương gì.". Nhìn vào hiện tại,
hắn "trông thị thế mà có duyên", hắn thấy "như yêu thị", và khám phá ra rằng "đàn bà
không có men như rượu nhưng cũng làm người say". Rồi, "hắn thấy lòng thành trẻ
con", "hắn muốn làm nũng với thị như với mẹ". Và điều tự phát hiện này mới cực kì
quan trọng : "Hắn có thể tìm bạn được, sao lại gây kẻ thù ?". Hoặc : "Trời ơi ! Hắn thèm
lương thiện, hắn muốn làm hoà với mọi người biết bao ! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn.
Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được. Họ sẽ thấy rằng
hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ lại nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng,
thân thiện của những người lương thiện." Cứ thế, mỗi một lần "Hắn thấy...",
"Hắn .vợ...", "Hắn nhớ...", "Hắn muốn..." là mỗi lần cõi thầm kín của Chí Phèo dược tự
nhận thức, tự phô diễn, cũng là mỗi lần niềm khao khát từ bên trong vang vọng lên
tiếng nói làm tái tê, xao xuyến lòng người.

Trọng tâm của tác phẩm Chí Phèo không phải kể về quá trình lưu manh hoá mà vé quá
trình thức tỉnh, vỡ lẽ của nhân vật. Những đoạn hay nhất cũng thuộc phần này (những
diễn biến tâm lí của Chí Phèo từ sau khi gặp thị Nở đến khi tự kết liễu đời mình).

Ở đây rõ ràng có nỗi đau, tiếng kêu tuyệt vọng, nhưng bao trùm, và sâu thẳm vẫn là
tiếng nói khát khao. Khát khao được sống cho ra một con người : biết cười khóc, buồn
vui như một con người, được yêu thương, hạnh phúc bình dị như một con người, được
đón nhận bằng những vòng tay bè bạn như một con người. (Chí Phèo muốn xóa bỏ thù
oán, để được sống trong tình thân hữu, tình yêu — tình yêu được xem như một biểu
hiện đặc biệt của tình bạn, tình người). Hơn bốn mươi năm vật lộn với đời, Chí Phèo
chỉ được thực sự sống như con người trong vỏn vẹn năm sáu ngày ngắn ngủi, ấm áp
tình người. Việc gặp và chung sống với thị Nở là một sự bù đắp cho Chí Phèo tất cả
những loại tình cảm của giống loài mà trước đó anh chưa từng biết đến : Thị Nở đâu
chỉ là người tình, thị còn là người yêu, hơn thế, còn như là bạn, là mẹ (không phải ngẫu
nhiên mà Chí Phèo đón nhận tình cảm và sự săn sóc của thị Nở, phần nào tựa như
đón tình mẹ ; thích được làm nũng như với mẹ, đón nhận bát cháo hành như đón
hương vị thơm thảo của tình người).

Tiếc rằng, khi giấc mơ ấy sắp thành hiện thực thì cũng là lúc đổ vỡ tất cả, tiêu tan thành
mây khói tất cả. Thế là, Nam Cao miêu tả Chí Phèo vỡ lẽ, tuyệt vọng mà làm cho người
đọc choáng váng. Và, nhân vật càng tuyệt vọng, người đọc càng choáng váng thì tiếng
nói khát khao được sống như một con người càng khắc khoải thiết tha.

Đọc sáng tác của Nam Cao, nhiều khi ta không khỏi sửng sốt, băn khoăn. Việc Nam
Cao thường viết rất hay về những bi kịch, những nỗi niềm của người trí thức nghèo
như Điền, như Hộ, như Thứ,... thực ra, cũng dễ hiểu. Là một giáo khổ trường tư, một
văn sĩ nghèo, bản thân ông từng nếm đủ buồn vui, đau thương và cơ cực của những
cảnh, những người trong truyện, thì viết về người trí thức gần như là viết lại những gì
ông đã sống.

Nhưng còn việc ông viết về đời sống của đủ hạng nông dân nghèo thì, hẳn là khó khăn
hơn và xem ra không được thuận tay, thuận lí cho lắm. Thế mà ông vẫn viết rất hay, và
nhiều tác phẩm ông viết về nông dân nghèo cứ như là chuyên của chính đời ông. Khả
năng nhập cuộc, nhập vai của ông thật đáng phục và dáng trọng. Điều đó càng chứng
tỏ rằng Nam Cao có một cái nhìn thật tinh nhạy, mẫn cảm, sâu sắc, và một tấm lòng
cảm thương hết sức tha thiết, chân thành đối với những khổ đau, khát vọng của con
người.

You might also like