You are on page 1of 2

ĐỀ BÀI: CẢM NHẬN BÀI CHÍ PHÈO

Chí Phèo là kiệt tác của Nam Cao, là kiệt tác nói của dòng văn học hiện thực
Việt Nam. Nam Cao đã vẽ lên bức tranh làng quê Việt trước Cách mạng tháng
Tám, nơi mà nghèo đói và những luật lệ áp chế con người, biến con người trở
thành những kẻ khốn nạn, đẩy con người vào cảnh khốn cùng. Chí Phèo được
sinh ra và lớn lên giữa một xã hội như thế, một xã hội mà định kiến có thể giết
chết một con người và luật lệ thì được dựng lên trong tay những kẻ có quyền.
Chí Phèo đã sống và bị những định kiến, luật lệ ấy áp tới đường cùng, trên con
đường ấy, hắn đã tha hóa, biến thành một "con quỷ" sống của làng Vũ Đại để rồi
đến khi chết, hắn vãn chỉ ở bên ngưỡng cửa được trở thành người lương thiện.

Chắc hẳn không một tác phẩm nào trong nền văn học Việt lại có một cách vào
truyện đặc sắc như Chí Phèo của Nam Cao. Mở đầu câu chuyện không phải là
những lời hoa mĩ, đẹp đẽ mà lại là tiếng chửi vang vọng qua từng câu trong
trang sách. Tiếng chửi ấy mở ra hoàn cảnh xuất hiện của hình tượng Chí Phèo –
một con người "từng lương thiện".

Chí Phèo không xuất hiện như Từ Hải rằng "Râu hùm, hàm én, mày ngài",
không có một lời miêu tả hình dáng, bởi hắn xuất hiện bằng tiếng chửi trong cơn
say "Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi". Sự xuất
hiện của hắn thật đặc biệt! Chẳng cần một lời miêu tả hình dáng, chúng ta vẫn
như thấy hình ảnh của một tên say rượu, lảo đảo cất bước và cất tiếng chửi giữa
xóm làng.

Thế nhưng, không như những người say rượu bình thường hay gây sự chửi bới
vô cớ khác, Chí Phèo lại chửi theo một cách hợp lý mà hợp lý đến bất thường.
Tiếng chửi ấy nghe có vẻ vô lý thế nhưng lại khiến cho người đọc cảm thấy vô
cùng logic, vô cùng đúng đắn với một tên say rượu đang ngất ngưởng cãi nhau
với đời. Tiếng chửi của Chí bắt đầu từ trời, cái chung nhất của thế gian, nhưng
"Trời có của riêng nhà nào?", thế là hắn "chửi đời", nhưng "đời là tất cả nhưng
chẳng là ai". Rồi hắn lại chửi cả làng Vũ Đại, rồi chửi đứa không chửi nhau với
hắn, chửi đứa đẻ ra hắn. Cái chửi của Chí Phèo cứ liên tiếp thay đổi, tưởng như
vô cớ mà ta lại thấy hợp lý vô cùng. Hắn chửi từ cái chung đến cái riêng, từ cái
vô cùng đến cái cụ thể. Chửi vậy mới đúng là một tên say rượu đang khật
khưỡng bước đi, mong được một lời đáp trả từ xã hội, dù chỉ là một tiếng chửi,
vậy mà chẳng ai quan tâm đến "không ai lên tiếng cả", chỉ bởi hắn là một "con
quỷ" khiến ai cũng khiếp sợ.

Nam Cao rất thành công khi khắc họa hình ảnh Chí Phèo xuất hiện chỉ bằng một
vài tiếng chửi. Nhưng chỉ thông qua đó thôi, chúng ta cũng mường tượng ra một
kẻ lưu manh, khố rách áo ôm, không người thân thích, một kẻ luôn triền miên
trong những cơn say mà cả xã hội xa lánh trong sợ hãi. Chỉ những kẻ như vậy
mới có thể chửi đời, chửi trời, chửi cả làng mà chẳng ai hề để ý để tâm. Nhưng
nhìn sâu vào trong ta mới thấy, có lẽ tiếng chửi là phương tiện giao tiếp cuối
cùng của Chí với cuộc đời để hắn nhận ra là hắn đang được sống giữa xã hội
chứ không phải đơn độc một mình. Thế nhưng, chẳng ai thèm đếm xỉa đến hắn,
cô lập hắn vào giữa cái xã hội thu nhỏ, để hắn trở nên lạc lõng, cô đơn.

Chí Phèo đã xuất hiện đặc sắc như thế khiến cho chúng ta tò mò tự hỏi, tại sao
Chí lại là người như thế? Phải chăng từ khi sinh ra Chí đã trở thành một kẻ
nghiện rượu, một tên lưu manh như thế? Hay còn vì sao, vì lý do gì đã đẩy hắn
đến bước đường cùng như thế?
Phải, Chí Phèo vốn đã từng là một người nông dân lương thiện như bao người
nông dân khác trong xã hội đương thời ấy, trong cái làng Vũ Đại ấy. Hắn có ước
mơ, có lòng tự trọng, có sự ý thức về nhân phẩm, tự trọng của mình, hắn biết
làm việc chăm chỉ làm lụng bằng đôi bàn tay, bằng mồ hôi, sức lao động của
mình để nuôi thân và hơn hết hắn có sự lương thiện mà bất cứ con người nào từ
khi lọt lòng vẫn luôn có.
Với tác phẩm “Chí Phèo”, tác giả Nam Cao đã vạch trần bộ mặt của xã hội thực
dân nửa phong kiến phi nhân tính đẩy con người vào bước đường cùng, tha hóa
về nhân hình và nhân tính. Nhưng bên cạnh đó còn thể hiện giá trị nhân đạo sâu
sắc, niềm tin vào bản chất tốt đẹp trong mỗi con người. Qua tác phẩm cũng thể
hiện lòng cảm thương với số phận người nông dân bất hạnh.

You might also like