You are on page 1of 5

Trong vườn văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước 1945,

Nam Cao là đóa hoa nở muộn. Vốn là một nhà văn hiện thực đến
sau, bước vào làng văn khi mảnh đất về người nông dân đã được lật
xới nhiều lần, Nam Cao vẫn cày được những đường cày thật đẹp và
nâng tác phẩm của mình trở thành tuyệt tác. Tiêu biểu có thể kể đến
truyện ngắn "Chí Phèo" - tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn. Tác phẩm
viết về bi kịch của người nông dân Việt Nam và đánh dấu một bước phát
triển đáng kể của văn xuôi Việt Nam. Trong đó, chi tiết để lại ấn
tượng sâu đậm nhất trong lòng người đọc có lẽ là diễn biến tâm
trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.:

"Thằng này rất ngạc nhiên ... gây kẻ thù"

Truyện ngắn “Chí Phèo” ra đời trước Cách mạng tháng Tám.
Ban đầu truyện có tên là “Cái lò gạch cũ”, khi in thành sách lần
đầu, nhà xuất bản tự ý đổi thành “Đôi lứa xứng đôi”, sau này, khi in
lại trong tập “Luống cày” (1946) nhà văn đổi lại thành “Chí Phèo”.
Truyện kể về nhân vật Chí Phèo. Thuở nhỏ, Chí bị cả cha lẫn mẹ bỏ rơi,
sống bơ vơ bất hạnh. Lớn lên đi làm thuê cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến
ghen, đẩy vào tù. Khi ra tù, Chí thay đổi hẳn cả nhân hình lẫn nhân tính.
Hắn trở thành tay sai của Bá Kiến, là "con quỷ dữ" của làng Vũ Đại. Rồi
hắn gặp Thị Nở, một cô gái xấu “ma chê quỷ hờn”. Bát cháo hành cùng
với tình thương yêu, sự quan tâm chăm sóc của Thị đã thức tỉnh phần
người bấy lâu nay bị vùi lấp sâu trong tâm hồn Chí. Chí Phèo ao ước
được trở lại làm người lương thiện, hắn hi vọng rằng Thị Nở sẽ mở
đường cho hắn. Nhưng bà cô Thị ngăn cấm. Chí nhận ra bi kịch đau
đớn : bị cự tuyệt quyền làm người. Chí bèn xách dao đến nhà Bá Kiến,
kẻ đã gây ra bi kịch của hắn, giết chết Bá Kiến rồi tự vẫn. Đoạn trích
trên bộc lộ tâm trạng ngạc nhiên của Chí Phèo khi nhận được sự
quan tâm của Thị Nở, đồng thời cũng cho ta cảm nhận được tình
yêu thương của Chí dành cho Thị.

Tưởng chừng như Chí Phèo sẽ mãi triền miên trong những cơn
say, tiếp tục làm "con quỷ dữ" của làng Vũ Đại rồi chết ở một bụi
bờ nào đó, nhưng với tài năng và trái tim nhân đạo bao la, Nam Cao
đã để cho Chí Phèo trở về kiếp sống con người, trở về những phẩm
chất tốt đẹp qua việc xây dựng cuộc gặp gỡ hết sức đặc biệt của Chí
Phèo và Thị Nở. Vẫn như mọi lần, Chí uống rượu say, trên đường trở
về nhà, Chí thấy trong người khó chịu nên đã ra sông tắm. Còn Thị Nở -
một người đàn bà xấu xí, ngẩn ngơ, ế chồng đi gánh nước, mệt nên nằm
ngủ ngay cạnh bờ sông. Và sau đó, Chí Phèo và Thị Nở đã ăn nằm với
nhau, cùng nhau ngủ say dưới ánh trăng. Thị Nở không chỉ đánh thức
bản năng nơi gã đàn ông Chí Phèo mà còn đánh thức bản chất
lương thiện, làm phần người trong Chí sống lại. Sự thay đổi ấy đã
được thể hiện rõ trong trạng thái, suy nghĩ và hành động của Chí qua
đoạn trích trên.

*Sau đêm gặp Nở và trận ốm, cuộc sống của Chí Phèo đã thực sự
thay đổi, sau bao nhiêu ngày chỉ biết đến say sưa, chỉ biết đến rạch mặt
ăn vạ thì sau đêm gặp gỡ với Thị Nở đây là lần đầu tiên Chí tỉnh. Lần
đầu tiên Chí nhận thức thế giới xung quanh, nhận ra sự tồn tại của
mình và tương lai tăm tối của bản thân. Khi Chí Phèo mở mắt ra hì
trời đã sáng lâu: “Mặt trời chắc đã cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ.
Cứ nghe tiếng chim kêu ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm
thấp vẫn chỉ hơi lờ mờ”, chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa
bao giờ hắn hết say. Sự thức tỉnh của Chí Phèo bắt nguồn trước hết
phải là từ sự tỉnh rượu, từ tỉnh rượu hắn mới tỉnh ngộ, mới nhận ra
nhiều điều.

Chí "bâng khuâng" tỉnh dậy sau một cơn say rất dài . Có lẽ đó
là sự lâng lâng, một cảm giác không rõ ràng trong lòng hắn, và rồi
hắn “mơ hồ buồn”. Ta có thể nhận thấy được tâm trạng này ở những
người tỉnh dậy sau triền miên của những cơn say. Hơn thế, đây lại là
Chí Phèo – một kẻ nghiện rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ, tuy nhiên,
sau trận ốm này, hắn lại trở nên sợ rượu. Tác giả đã viết: “Hắn sợ
rượu cũng như người ốm thường sợ cơm”, tuy là một câu văn ngắn
nhưng đủ để ta hình dung ra được sự ngán ngẩm của Chí khi nhắc đến
rượu. Tỉnh dậy, Chí còn nhận thấy những âm thanh vui vẻ, ríu rít xung
quanh mình, đó là tiếng chim, tiếng bàn tán của những người đi chợ. Âm
thanh quen thuộc quá, mà bấy lâu nay trong cơn say triền miên Chí
không hề nhận thấy. Vì sao lại thế? Có lẽ là vì hôm nay hắn mới hoàn
toàn tỉnh táo, các giác quan mới có thể trở nên “minh mẫn”. Chính
những âm thah bình dị ấy đã thôi thúc Chí trở về nhưng đến tận
bây giờ Chí mới cảm nhận được, chính vì vậy mà Chí rất buồn:
“Chao ôi là buồn!”. Hắn nhớ về ngày trước, nhớ về anh nông dân lương
thiện, với những mơ ước thật giản dị về một gia đình ấm cúng và cuộc
sống lao động cần mẫn. Quá khứ thật buồn nhưng hiện tại còn đáng lo
hơn. Chính hắn cũng phải tự giật mình về hoàn cảnh hiện tại của
bản thân: “Tỉnh dậy, hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc. Buồn thay
cho đời ! Có lí nào như thế được ? Hắn đã già rồi hay sao...”. Hơn
thế nữa, hắn còn nhận ra rằng: “Cơ thể đã hư hỏng nhiều”. Dường
như, tương lai của hắn trông vô cùng mịt mù và bế tắc: “Chí Phèo hình
như đã trông thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này
con đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau”. Ngòi bút của Nam Cao đã lách
sâu vào tâm hồn của Chí để nhận ra những thay đổi dù là nhỏ bé nhất.
Qua tâm trạng của Chí sau khi tỉnh rượu với những trạng thái khác nhau
từ bâng khuâng mơ hồ đến thật buồn và cả chi tiết nhìn lại cuộc đời
mình của Chí Phèo, tác giả đã cho ta thấy được sự trở về của phần người
trong Chí Phèo.

*Sự thay đổi của Chí Phèo từ khi Thị Nở mang bát cháo hành
đến

Bản chất lương thiện và phần người trong Chí thật sự trở về
khi hắn nhận được sự yêu thương, chăm sóc của Thị Nở qua chi tiết
bát cháo hành. Có lẽ Chí suy nghĩ vẫn vơ mãi và đến khóc được nếu
Thị Nở không đến. Thị đến với nồi cháo hành còn nóng nguyên. Nồi
cháo hành của Thị Nở ấm áp tình yêu thương và tình người của Thị
dành cho Chí. Điều mà từ trước đến nay hắn chưa bao giờ có được.
Chính vì thế khi mà Nở mang cháo hành đến thì “hắn thấy mắt mình
hình như ươn ướt”. Qua đó, ta thấy được sự ngạc nhiên và xúc động của
Chí Phèo bởi trước giờ thứ hắn muốn thì phải ra tay “dọa nạt, giật cướp”
và lần đầu tiên “hắn được một người đàn bà cho”. “Đôi mắt ươn ướt”
của Chí cho ta thấy sự cảm động tột cùng trước tình người và sự quan
tâm của Thị, không những thế, Chí còn cảm thấy đầy “bâng khuâng”.
Trong mắt của Chí, Nở bây giờ thật có duyên, phải tỉnh táo và ý
thức đã thực sự minh mẫn thì hắn mới có thể cảm nhận được rõ
ràng như vậy và lú này, ngự trị trong Chí là cơn say của tình yêu
nên Chí mới thấy rằng Thị “thế mà có duyên. Và tình yêu làm cho
có duyên”. Tâm trạng này của Chí đã cho thấy phần người của Chí đang
dần trở lại. Không những thế, hắn còn cảm nhận được mùi thơm của
cháo hành: “Trời ơi! Cháo mới thơm ngon làm sao ... cháo hành rất
ngon”. Chí không chỉ cảm nhận được mùi vị của cháo hành mà còn cảm
nhận được tình yêu thương của Thị Nở. Bát cháo hành ở đây cũng đại
diện cho hạnh phúc lứa đôi mà lần đầu tiên hắn có được. Khi ăn bát
cháo hành, Chí trở về thành anh canh điền hiền lành ngày xưa và cũng
khiến hắn nhớ lại cảnh bà Ba hay gọi hắn lên bóp chân. Việc hắn nghĩ
đến bà Ba ngay lúc này bởi hắn phân biệt được đâu là tình yêu, đâu
là xác thịt, Chí cảm nhận được tình yêu thật sự của Thị Nở khác
hẳn với sự lợi dụng của bà Ba đối với hắn. Điều này làm Chí suy nghĩ
rất nhiều.

*Khi ăn cháo hành và cảm nhận được tình yêu của Thị dành cho
Chí.

Bát cháo hành của Thị Nở không chỉ giúp Chí Phèo giải cảm
sau cơn say và trận ốm mà còn đánh thức bản chất lương thiện và
khát khao được hòa nhập vào xã hội của những người lương thiện
của hắn. Khi ăn bát cháo hành tiếp theo, người Chí đổ ra biết bao nhiêu
là mồ hôi. Từ một Chí Phèo hung bạo, một con quỷ dữ thì bây giờ “hắn
thấy lòng thành trở còn. Hắn muốn làm nũng với Thị như với mẹ”. Điều
này cho thấy phần lương thiện, phần người của Chí đã thực sự trở về,
hắn cũng muốn được yêu thương, chiều chuộng. Hành động muốn làm
nũng của hắn cũng cho thấy hắn muốn được sống trong tình cảm,
tình yêu thương mà hắn chưa bao giờ có được. Hình ảnh Chí Phèo lúc
này không còn hung bạo, dữ tợn như trước nữa mà ngay bây giờ hắn rất
hiền lành. Và cũng chính lúc này Chí Phèo nhận ra “hắn đâu còn mạnh
nữa” và “Nếu không còn sức mà giật cướp dọa nạt nữa thì sao”. Bản
thân hắn cũng mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không thể liều
được nữa. Trận ốm và tình yêu chân thành của Thị khiến Chí khát
khao được sống lương thiện: “trời ơi hắn thèm lương thiện, hắn
muốn làm hòa với mọi người biết bao”. Từ thứ “khát khao” ấy, Chí
tin rằng “Thị Nở sẽ mở đường cho hắn” và với khát khao được trở
về con đường lương thiện, hắn nghĩ đơn giản rằng “Thị Nở có thể
sống ... không thể được” rồi Chí tin tưởng rằng mọi người sẽ nhận
hắn vào cái xã hội bằng phẳng của những người lương thiện. Từ
niềm tin ấy, Chí thăm dò Nở “Giá cứ như thế này mãi thì thích nhỉ” rồi
hắn lại “Hay mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui”. Có thể coi đây
chính là một lời cầu hôn của Chí dành cho Thị, đồng thời thể hiện khát
hao xây dựng hạnh phúc của hắn. Nhờ Thị - một người phụ nữ “ma
chê quỷ hờn” đã khơi dậy khát khao trở về con đường lương thiện
của Chí và tiếp sức cho hắn tin tưởng vào tương lai phía trước.

Thông qua diễn biến tâm lý của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở, ta
thấy được khả năng xây dựng tâm lý nhân vật tài tình của Nam Cao.
Nhà văn thể hiện lòng nhân ái, lòng tin vào trái tim lương thiện của con
người trước hiện thực éo le. Không những vậy, việc sử dụng ngôn ngữ
sống động, vừa điêu luyện vừa gần gũi tự nhiên đã cho độc giả hình
dung rõ ràng tất cả sự việc và hành động của nhân vật.

Qua Chí Phèo, Nam Cao đã đóng góp cho dòng văn học hiện
thực phê phán nói riêng và văn học Việt Nam nói chung một tiếng
nói nhân đạo, một nhân vật mang tính điển hình cho người nông
dân trước Cách mạng bị bần cùng hóa, lưu manh hóa đến tha hóa
nhưng luôn dám đấu tranh để chống lại bất công. Nỗ lực không
ngừng, cái tâm - cái tài của Nam Cao đã được ghi nhận xứng đáng:
“Trong văn hóa Việt Nam, với ngòi bút Nam Cao ta bắt đầu thấy thật có
sự sống, thật có con người trong truyện ngắn” (Nguyên Hồng).

You might also like