You are on page 1of 3

Huy Cận là một trong những tác giả xuất sắc của phong trào Thơ mới với

những tác
phẩm mang phong cách rất riêng. Thơ của Huy Cận hàm súc, giàu suy tưởng, có sự kết hợp
độc đáo giữa hai yếu tố cổ điển và hiện đại. Bài thơ “Tràng Giang” là một trong những tác
phẩm tiêu biểu của ông trong giai đoạn trước Cách mạng năm 1945, bộc lộ nỗi sầu của một
cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời và lòng
yêu nước thầm kín mà thiết tha. Đặc biệt hơn cả, hai khổ thơ đầu đã gợi ra cả không gian
rợn ngợp, tráng lệ nhưng con người lại mang cảm giác sầu buồn, cô đơn và nỗi buồn ấy
dường như trải dài đến vô tận.

Tác phẩm “Tràng Giang” – một trong những bài thơ tiêu biểu nhất được viết trước
Cách mạng, được trích trong tập thơ “Lửa thiêng – 1939”. Cảm xúc của bài thơ được khơi gợi
chủ yếu từ cảnh sông Hồng mênh mông sóng nước, khi nhà thơ đứng ở bờ nam bến Chèm,
trong một buổi chiều mùa thu. “Tràng Giang” không chỉ miêu tả bức trang thiên nhiên hùng
vĩ, tráng lệ mà còn miêu tả về tâm trạng, nỗi lòng của nhân vật trữ tình – đó là tâm trạng
buồn, cô đơn, lẻ loi khi đứng trước sông dài, trời rộng.

Nhan đề “Tràng Giang” là một từ Hán Việt, có nghĩa là sông dài. Tác giả đã rất kéo léo
khi sử dụng điệp vần “ang” gợi về con sông mênh mông, rộng lớn, cổ kính, xa xăm và mang
tính khái quát, bao trùm lên tất cả. Lời đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” lại là một
câu thơ chất chứa đa tầng cảm xúc. Nếu “bâng khuâng, nhớ” là tâm trạng buồn, cô đơn, lạc
lõng thì dường như nó đang đối nghịch với không gian mênh mông, rộng lớn trải dài – “trời
rộng, sông dài”. Khi đứng trước sông dài, trời rộng, thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, hình ảnh
của con người bỗng chốc trở nên thật nhỏ bé, tâm trạng thi nhân cũng trở nên lẻ loi, hiu
quạnh.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song son”

Mở đầu bài thơ, Huy Cận đã sử dụng những hình ảnh rất đỗi quen thuộc: sóng,
thuyền, sông để gợi lên dòng cảm xúc. “sóng gợn” là sự chuyển động nhẹ nhàng, lăn tăn hay
cũng chính là sự tĩnh lặng của con sóng, được kết hợp cùng với từ láy “điệp điệp” gợi lên
trước mắt độc giả là hình ảnh những con sóng nối tiếp nhau tầng tầng, lớp lớp lan tỏa đến
tận chân trời. Câu thơ mở đầu phải chăng chỉ đơn thuần là miêu tả về những đợt sóng nối
nhau liên hồi, hay là chính tấm lòng của người thi nhân cùng với tâm trạng u buồn triền
miên, dai dẳng, âm ỉ mãi không dứt trong lòng tác giả. “con thuyền” vừa gợi lên sự lênh
đênh, trôi dạt, vừa mang hình bóng của những kiếp người nhỏ bé, mà chất chứa trong đó là
cả nỗi buồn sầu, đơn độc. Hình ảnh ấy được sử dụng cùng động từ “xuôi mái” – buông xuôi,
phó mặc một cách thụ động, vô cảm và từ láy “song song” - sự thờ ơ, hờ hững, không liên
quan, vướng bận gì đến nhau giữa “thuyền” và “nước”. Trong thi ca xưa, hình ảnh “thuyền”,
“nước” vốn là hai hình ảnh đẹp, lãng mạn luôn đi đôi với nhau, ấy thế mà trong thơ của Huy
Cận, con thuyền lại đang lênh đenh thả mái, xuôi dòng. Qua hai câu thơ đầu, nhà thơ đã gợi
tả lên nỗi buồn sầu thăm thẳm, sự đơn độc, lẻ loi của những kiếp người cô đơn, nhỏ bé đang
trôi dạt trên dòng đời vô định.

“Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Ở hai câu thơ tiếp, Huy Cận đã vô cùng tài tình khi sử dụng nghệ thuật đối lập, tương
phản giữa hai hình ảnh “thuyền” và “nước. “thuyền về”, “nước lại” sử dụng các động từ chỉ
hướng trái ngược nhau gợi sự chia ly, tan tác kết hợp cùng cụm tính từ “sầu trăm ngả”, nỗi
buồn chia lìa ấy lại được lan tỏa ra khắp mọi hướng, mọi phương. Cảnh đã được nhìn bằng
tâm cảnh, chính tâm trạng buồn, cô đơn, sầu muộn của chủ thể trữ tình đã bao trùm lên
cảnh vật nên khi nhìn thiên nhiên, vạn vật xung quanh đều nhuốm một màu u buồn, ảm
đạm. Trong tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử cũng có một câu thơ mang hàm ý
tương tự:

“Gió theo lối gió mây đường mây”

Câu thơ cuối chính là một sự lựa chọn từ ngữ tinh tế của Huy Cận, có lẽ, ông cũng
chính là người đầu tiên sử dụng hình ảnh cành “củi khô” trong lời thơ của mình – một hình
ảnh độc đáo, mới lạ. Người thi nhân cũng đã thật khéo léo khi sử dụng nghệ thuật đảo ngữ
và nghệ thuật đối “củi một cành khô” với “lạc mấy dòng”, gợi lên trước mắt là hình ảnh cành
củi khô héo, gầy guộc, cạn kiệt nhựa sống với số từ “một” – ít ỏi đang trôi nổi, bập bềnh giữa
sông trời rộng lớn, mênh mông. Đây cũng là một hình ảnh biểu trưng cho kiếp người nhỏ
nhoi, lạc lõng, cô đơn, mất phương hướng giữa dòng đời vô tận. Từ sự đối lập giữa không
gian tràng giang và cõi nhân gian, khổ thơ đầu đã vẽ nên bức tranh sông nước mênh mang,
vắng lặng mà ẩn sâu trong chính là tâm trạng lẻ loi, lạc lõng của con người.

Đến khổ thơ thứ hai, nỗi hiu quạnh dường như lại được tăng lên gấp bội:

“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”

Hai câu thơ đầu phảng phất một khung cảnh buồn thiu, đìu hiu và vắng lặng của một
làng quê thiếu sức sống. Bức tranh thiên nhiên sông nước của Huy Cận cũng có thêm hình
ảnh “cồn nhỏ” và “gió”, chúng được kết hợp cùng biện pháp nghệ thuật đảo ngữ, các từ láy
“lơ thơ”, “đìu hiu” đều gợi lên sự lẻ loi, thưa thớt, tiêu điều, hoang sơ và hiu quạnh của cả
một vùng trời sông nước. “gió đìu hiu” của Huy Cận được lấy cảm hứng từ thứ thơ trong
“Chinh phụ ngâm”:

“Non kì quạnh quẽ trăng treo


Bến phì gió thổi đìu hiu mấy gò”

Hình ảnh “cồn nhỏ” nghe rất rõ tiếng gió đìu hiu đến tái lòng ở ven dòng sông dường
như khoác lên mình một nỗi buồn mặt định. Ngay cả một tiếng ồn ào của phiên chợ chiều ở
nơi xa cũng không thể nghe thấy, hay chính phiên chợ ấy cũng buồn đến hiu quạnh như vậy.
“đâu” – một câu hỏi tu từ gợi lên bao nỗi niềm chất chứa, hỏi rằng đâu đó có âm thanh tiếng
làng xa vọng lại hay đang phủ định, tự vấn với chính lòng mình. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh –
một bút pháp quen thuộc của đường thi được sử dụng thật tài tình, miêu tả rõ nét không
gian vắng lặng, cô tịch, có sự tồn tại của âm thanh, sự sống con người nhưng lại tưởng chừng
như rất mơ hồ, xa vắng. Không gian đã được mở rộng theo đa chiều khác nhau:

“Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Tầm nhìn của thi nhân lúc này không còn chỉ dừng lại ở chiều dài của sông và bề rộng
của sóng nước nữa, mà nó đã được mở rộng cao hơn theo hướng “trời lên”, song song với
“sông dài” và rộng lớn hơn theo “trời rộng” mênh mông. Trời lúc này không phải là trời
“cao” mà lại là trời “sâu chót vót”, “sâu” gợi lên ấn tượng về sự thăm thẳm, hun hút đến
không cùng, “chót vót” lại khắc họa được chiều cao dường như vô tận. Huy Cận đã lấy chiều
cao để đo chiều sâu, đó thực sự là một nét tài tình, tinh tế và độc đáo của ông. Nghệ thuật
đối lập “xuống – lên”, “dài – rộng”, “cao – sâu” khiến không gian được đẩy đến vô biên, tựa
như không có giới hạn. “sông dài, trời rộng” là cái chỉ thiên nhiên vô hạn, vô cùng lại đối lập
với “bến cô liêu” – hình ảnh con người hữu hạn, nhỏ bé trong vũ trụ tuần hoàn. Bức tranh
trời nước bao la, hoang vắng và rợn ngợp cùng với tâm trạng con người trống trải, cô đơn
đến khát khao gắn bó với cuộc đời. Qua đó, Huy Cận cũng thể hiện “cái tôi” lạc loài giữa cái
mênh ông của đất trời và cái xa vắng của thời gian.

Với thể thơ thất ngôn rõ ràng, rành mạch, kết hợp cùng nghệ thuật đảo ngữ, đối, sử
dụng những từ ngữ giàu sức gợi, qua hai khổ thơ đầu bài “Tràng Giang”, Huy Cận đã đem
đến một không gian rợn ngợp với nỗi buồn và sự cô đơn trải dài vô tận. Đó là một sự lẻ loi,
đơn côi của con người trước dòng đời, không tìm thấy sự kết nối với thế giới ngoài kia. Đồng
thời, bài thơ không chỉ khắc họa bức tranh thiên nhiên u buồn mà ẩn sâu trong đó còn là nỗi
niềm, sự khắc khoải, chờ mong về một ngày đất nước sẽ giành lại được độc lập, tự chủ.

You might also like