You are on page 1of 7

ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

Phương Lựu đã từng quan niệm rằng: “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi
hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc”. Sáng tạo là một yếu tố mà
lịch sử văn học luôn trân trọng. Văn học không cho phép người nghệ sĩ lặp lại người khác và
lặp lại chính bản thân mình. Nhờ đó, ta biết đến Nam Cao với một Lão Hạc chết trong sự đau
đớn, một Chí Phèo lưu manh, tha hoá. Hay là Nguyễn Tuân với áng văn hoài niệm những
điều đã vang bóng một thời âu rồi lại làm lành với thực tại. Cũng không ngừng mang đến cho
đời một cái nhìn mới, Huy Cận vốn được biết tới với những vần thơ ảo não nhưng sau cách
mạng tháng Tám, các sáng tác của nhà thơ đã khoác lên mình màu sắc tươi vui. Đặc biệt là
hình ảnh con người lao động mới trong tác phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”.

Phong cách sáng tác vốn là nét riêng như một dạng vân chữ của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, nét
riêng ấy ổn định trong sự đối mới, tức là có sự biến đổi, “chuyển mình” mà như Thảo Nguyên
đã nhận xét về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá. Gọi là sự “chuyển mình mạnh mẽ” bởi lẽ trước
cách mạng tháng Tám, bạn đọc vô cùng nao lòng vì những vần thơ “gọi dậy cái hồn buồn của
Đông Á” (Xuân Diệu) khi chịu ảnh hưởng của văn học Pháp cũng như niềm yêu thích với thơ
Đường của Huy Cận. Sau cách mạng tháng Tám, vần thơ của tác giả đã bám sát vào mảnh đất
hiện thực màu mỡ và chuyên chở một luồng sinh khí mới cùng cảm hứng sức sống mới. Đó
chính là hình ảnh của con người bước ra khỏi cuộc kháng chiến với tinh thần sục sôi, hứng
khởi trong lao động để đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước sứ mệnh phản ánh hiện thực, Huy Cận
không thể để ngòi bút của mình vấn vương mãi trong nỗi suy tư. Nhà thơ đã phải đặt bút,
phải mang những tinh thần mới vào vần điệu thơ ca. Và “Đoàn thuyền đánh cá” chính là một
cú hích sáng tạo xuất phát từ trong tâm hồn đầy hứng khởi của thi sĩ.

Đoàn thuyền đánh cá – bài thơ được đánh giá là “một trong những sáng tác hay nhất” của
Huy Cận ra đời vào tháng 10 năm 1958. Đương lúc miền Bắc từ trong máu lửa, “Rũ bùn
đứng dậy sáng lòa” (Đất nước – Nguyễn Đình Thi). Sự thay da đổi thịt ấy chính là sức sống
mới mở ra những sáng tác mang khuynh hướng vui tươi của Huy Cận. Nhà thơ đã chuyển
mình mạnh mẽ để đón nhận làn gió mới, hương sắc mới mang đến cho bạn đọc một khám
phá mới.

Bàn về sự chuyển mình, những áng thơ ca của Huy Cận trước cách mạng tháng Tám như một
con thuyền cô đơn trên biển trời mênh mông đầy sóng gợn. Các sáng tác giai đoạn này luôn
khiến bạn đọc phải trăn trở. Trăn trở bởi tâm hồn dường như thu mình trong nỗi buồn vô
định. Cụ thể với khổ thơ sau, tác giả viết:

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.”


(Trích Tràng Giang – Huy Cận)

Cũng là hình ảnh con thuyền nhưng đến với bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” không còn nỗi
buồn lẻ loi, cô đơn mà thay vào đó là một sức sống mới. Đó là sức sống của thiên nhiên đất
nước buổi hoàng hôn tráng lệ:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa


Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

Mặt trời – thứ ta vốn coi thật xa xôi, vĩnh hằng, thậm chí ta còn chưa một lần dám nhìn thẳng,
ấy vậy lại được Huy Cận so sánh với hòn lửa – một vật tưởng chừng như hoàn toàn đối lập,
nhỏ bé, tầm thường, thứ ngày nào ta cũng thấy trong đời sống hàng ngày. Bằng cách coi mặt
trời như một hòn lửa, nhà thơ đã khéo léo khiến cảnh sắc thiên nhiên không còn vời vợi như
thực tại mà đem lại cảm giác gần gũi, sinh động hơn bao giờ hết. Đối với Huy Cận, thiên
nhiên không phải kẻ thù để ta chinh phục, cũng chẳng phải điều gì đó nguy hiểm mà ta phải
tránh xa. Thiên nhiên là một người bạn đồng hành, một người mẹ có tấm lòng bao la, thấm
thía tình cảm với con người, cho ta miếng ăn cái mặc. Nên phương thức ông nhắc đến thiên
nhiên, như thể một người bạn cũ đã lâu, vẫn luôn lặng thầm kề bên ta. Nhà thơ so sánh như
vậy sở dĩ không phải để làm mất đi tầm vóc cao cả của thiên nhiên mà là nhằm đưa những
điều tưởng chừng vĩ đại, bất tận như sóng hay màn đêm đều bỗng hóa thành một ngôi nhà
thân thương của những người dân, luôn chào đón họ trở về trong vòng tay mỗi khi hoàng hôn
dần buông. Lao động lúc nào không còn là một nghĩa vụ mà đã trở thành một niềm vui, một
chuyến ngao du độc tấu lên những câu hát cùng ngọn gió, cùng thiên nhiên:

“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi”

Khi vị chủ nhân thứ nhất của thiên nhiên là mặt trời đi ngủ thì vị chủ nhân thứ hai – những
người dân chài của cuộc sống mới lại mở cửa đêm để ra biển đánh cá. Công việc của những
người dân chài diễn ra như một nhịp sống đều đặn trở thành quen thuộc, nền nếp. Nếu như
sức sống của thiên nhiên như ngưng lại thì sự có mặt của đoàn thuyền như nối tiếp nhịp sống
đó. Dù đã cài then, sập cửa nhưng biển không chìm trong lạnh lẽo hoang vu mà trái lại biển
đang là chứng nhân cho sự làm việc hăng say, không nghỉ của những người lao động:

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Câu thơ xuất hiện ba sự vật khác biệt là câu hát, căng buồm và gió khơi nhưng lại được gắn
kết, hoà quyện với nhau. Tiếng hát khỏe khoắn của cả tập thể hoà với tiếng gió thổi căng
buồm đẩy thuyền phăng phăng rẽ sóng. Câu hát là niềm tin, sự phấn chấn của người lao động.
Sự kết hợp của nhịp điệu gấp gáp khẩn trương ở hai câu đầu với cái thanh thoát, đĩnh đạc của
nhịp thơ hai câu sau đã vẽ nên bức tranh hào hùng về cảnh đoàn thuyền ra khơi. Khổ thơ còn
là sự kết hợp của những liên tưởng táo bạo với những phép tu từ so sánh, nhân hoá đặc sắc đã
giúp tác giả thể hiện khúc ca ra khơi hào hùng của người dân chài.

Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ Huy Cận không chỉ làm rõ nội dung câu hát là ca ngợi sự giàu
có, trù phú của biển cả quê hương mà còn lồng ghép trong đó là lòng biết ơn dào dạt của
những người dân, đã cho họ được sống vì những vẻ đẹp non nước của thiên nhiên hữu tình,
đa dạng này:

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng


Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Quả đúng như ta vẫn thường hay nhắc nhở con cháu từ đời này sang đời sau “Rừng vàng biển
bạc”. Nhà thơ Huy Cận sử dụng hình ảnh cá bạc mang giàu tính liên tưởng, vừa phác họa rõ
nét cái màu bạc của vảy cá lấp lánh trên mặt biển. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh thủy mặc
tĩnh lặng nhưng đẹp đến mức khiến lòng người dậy sóng, như nhìn thấy trước mắt cảnh tượng
hùng vĩ, như nghe được bên tai tiếng sóng vỗ hòa với tiếng gió hát, như ngửi được mùi nồng
mặn của biển khơi. Đồng thời cũng khiến người đọc cảm nhận sâu sắc biển cả quê hương, đất
nước ta có chăng từng đẹp đẽ, quý báu đến nhường này. Có lẽ đọc những dòng thơ của Huy
Cận, ta cũng đôi lần tự hỏi như nhà thơ Chế Lan Viên rằng “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này
chăng?” Hơn thế nữa, nhà thơ còn đan xen vào đó là hình ảnh so sánh “cá thu như đoàn thoi”
được nhân hóa lên “đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng” đã thể hiện khung cảnh biển cả qua
“lăng kính” của ông trở nên phong phú, thú vị đến kì lạ. Cả đại dương trở nên lấp lánh, rực rỡ
vì tấm vải khổng lồ được dệt nên bởi muôn vàn loài cá quý.

Càng hân hoan hơn nữa khi người lao động cũng dành tình cảm cho biển cả như biển cả luôn
dành cho họ. Họ thân thương gọi rằng “đoàn cá ơi” và xưng “ta”, dường như giữa con người
và thiên nhiên không còn là bức tưởng xa cách mà trở nên khăng khít tựa những người bạn,
người thân đáng mến. Điều ấy khiến ta chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?
Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?
Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy
Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?”
Nếu con người không trân trọng, mến yêu thiên nhiên đến vậy, thì có lẽ chẳng nơi đâu có sắt
có vàng, chẳng nơi đâu còn luồng cá chạy và cũng chẳng nơi đâu cho điện quay chiều. Chính
vì tình cảm ấy vẫn luôn sâu đậm, có trước có sau nên thiên nhiên và con người vẫn luôn đồng
hành cùng nhau:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng


Lướt giữa mây cao với biển bằng”

Gọi Huy Cận là một nhà thơ, chẳng bằng gọi ông là một họa sĩ. Ông tạc ra một kiệt tác theo
phong cách của chính mình, riêng tư, kín đáo mà lãng mạn, thơ mộng, khó phân thực ảo.
Cánh “buồm trăng” kia chẳng biết là cánh buồm đầy đặn, no gió, từ xa nhìn lại tựa một vầng
trăng thứ hai, hay “buồm trăng” ấy là bóng dáng vầng trăng phản chiếu dưới mặt nước, dát
vàng dát bạc khắp thế gian. Chẳng ai rõ, chỉ biết mỗi người có một câu trả lời thi vị cho riêng
mình, còn đối với Huy Cận, có lẽ chiếc thuyền với cánh “buồm trăng” ấy bước ra từ một thế
giới cổ tích khác. Mạch liên tưởng ấy tiếp tục được khai thác ở câu thơ thứ hai. Hình ảnh
“mây cao với biển bằng” đã trả lại cho thiên nhiên cảm giác vũ trụ bạt ngàn, kì vĩ quen thuộc
trong thơ Huy Cận. Nhưng điều ấy không đồng nghĩa với việc con người được đặt giữa
không gian ấy sẽ trở nên đơn lẻ, lo lắng mà càng thêm vẻ hào hứng, phấn khởi bởi những con
ng lao động ấy mang trong mình tinh thần của những con người của cuộc sống mới:

“Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.

Hai câu thơ gợi lên những cuộc đánh bắt cá xa bờ đầy những gian khổ hiểm nguy. Nhưng
không vì thế khiến lòng người nao núng. Bởi họ mang trong mình nỗi khát khao chinh phục
biển cả, thám hiểm, thăm dò “bụng biển” để tìm kiếm những luồng cá lớn. Dưới ngòi bút
miêu tả tài hoa, sáng tạo, lãng mạn của Huy Cận, cuộc đánh bắt cá của ngư dân trên biển
bỗng trở thành những cuộc thuỷ chiến đầy gay go, quyết liệt. Con người dùng chính trí tuệ và
sức mạnh của mình để chinh phục đại dương, biển cả. Thế trận con người bày ra bằng những
tấm lưới chắc chắn đan vào nhau, bủa vây sẵn sàng chờ đón cá. Vừng bước, từng bước con
người dành lấy từ bàn tay vĩ đại của thiên nhiên những nguồn khoáng sản, những gì quý giá
nhất để góp phần làm giàu thêm quê hương đất nước, hàn gắn những vết thương của chiến
tranh.
Hát khi ra khơi, hát cho cuộc hành trình và những người lao động còn hát để ca ngợi sự giàu
đẹp của biển cả:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé


Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

Hai câu thơ đầu được nhà thơ sử dụng nghệ thuật liệt kê làm nổi bật lên sự giàu có của biển
cả quê hương. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn có chất lượng rất cao. Đặc biệt nhất trong
số đó, được Huy Cận quan sát tỉ mỉ nhất là loài cá song. Biển khơi vốn mang tính thủy nhưng
qua biện pháp ẩn dụ độc đáo “cá song lấp lánh đuốc đen hồng” đã đưa tính thủy đứng cùng
với tính hỏa, tạo thành sự đối lập mới mẻ, thú vị trong câu thơ của ông.Hai câu thơ cuối, Huy
Cận tiếp tục sử dụng nghệ thuật nhân hóa, tưởng chừng đơn giản nhất là gọi chú cá song là
“em” nhưng lại đem đến sự thân thương, gần gũi gắn kết giữa những người dân chài với thiên
nhiên một cách bất ngờ. Bên cạnh đó, động từ “quẫy” như tô thêm “tính người” cho chú cá
song, khiến chú xem chừng là một đứa trẻ tinh nghịch, tò mò, hồn nhiên đùa giỡn với ánh
trăng hư ảo trên mặt nước. Câu thơ cuối là một vết chấm phá độc đáo khác của nhà thơ Huy
Cận. Ta có thể hiểu từ “thở” nhằm chỉ hơi thở của biển khơi, như thế một cơ thể tràn đầy sức
sống, có hơi thở, nhịp đập của riêng mình. Biển đêm không hoàn toàn tĩnh lặng, im mỏi mà
như đang thức để dõi theo chuyến hành trình của những người dân. Nhịp thở ấy chính là
những cơn sóng nhịp nhàng, nhấp nhô như xô đẩy bóng sao trên mặt biển đêm, kiến tạo nên
một không gian trữ tình, lãng mạn mà người đọc khó quên. Bên cạnh đó ta cũng có thể hiểu
rằng “sao” là một từ để hỏi. Màn đêm như một người già đang thở than, phàn nàn trước trò
đùa nghịch hồn nhiên của chú cá song. Đây cũng là đặc trưng của bút pháp Huy Cận sau năm
1945. Khi thiên nhiên trong thơ ông không còn một vẻ ủ ê, xót xa mà đã tươi sáng và có hồn
hơn. Chẳng còn bóng hình thiên nhiên “lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” của “một chiếc linh
hồn nhỏ mang thiên cổ sầu” đâu nữa. Và thiên nhiên đôi lúc cũng nghiêm khắc, soi sáng để
thức tỉnh con người khỏi những điều sai trái như trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.”

Tiếng hát theo những người dân chài trong suốt cả cuộc hành trình và giờ đây tiếng hát cất
lên là để gọi cá vào lưới:
“Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”
Mặt trăng không chỉ dát bạc cho cánh buồm, đưa con thuyền ra khơi mà nó còn phác họa một
khung cảnh mờ ảo, cùng với sóng xô vào mạn thuyền, tạo nhịp điệu cho bài ca gọi cá đến.
Chưa lần nào chông chênh trên biển mà chẳng biết mọi thứ sẽ đi về đâu, ta chẳng thể nào
hiểu hết nỗi lòng của những người dân chài vẫn luôn không ngừng lao động để hướng tới một
hậu phương vững chắc, một xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh làm tiền đề cho chiến tuyến miền
Nam. Biển cả cho họ miếng cơm manh áo, dù đôi lần bão táp gió mưa nhưng không có biển
cả, họ cũng chẳng còn là một người dân chài được nữa. Tự buổi nào, từ khi sinh ra hay đã
bao thế hệ trôi qua được biển khơi nuôi nấng như những đứa con, biển khởi trở thành một
phần máu thịt của mảnh đất Việt Nam này. Đó là một lối liên kết từ ngàn đời, từ thật xa xưa
khó nhớ, nhưng nó khó mà chặt đứt, từ bỏ. Ca dao cũng từng dùng cái dạt dào của nước để
nói về lòng mẹ:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

In sâu vào trong tâm thức người Việt, không chỉ là cảnh núi non hùng vĩ, bao la mà còn là
một tình thương vô tận: bao dung, vị tha, che chở cho con người như một người mẹ. Đối với
người dân nơi đây, biển cả còn hơn cả một kế sinh nhai, nó đã trở thành nhà, trở thành quê
hương sẽ mở rộng vòng tay chào đón, ôm ấp ta mỗi khi ta quay về. Và dù người dân chài có
đến hay đi, thiên nhiên nói chung và biển cả nói riêng đều đồng hành cùng họ như một lời
động viên âm thầm, lặng lẽ mà chân thành, ý nghĩa hơn bất cứ thứ hình thức gì khác.

Suốt dọc cả bài thơ là tiếng hát, sau những tiếng hát ca ngợi, những tiếng hát lao động hăng
say là tiếng hát niềm vui thu hoạch:

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,


Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Đây là chi tiết cụ thể duy nhất về hình ảnh con người hiện ra trong sớm mai trên biển. Hình
ảnh những người dân chài như có hình, có khối đó là hình ảnh khoẻ mạnh, đẹp đẽ của con
người trong sự làm chủ. Kéo xoăn tay – kéo mạnh, kéo bằng tất cả sức lực, khiến cho các cơ
bắp nổi lên cuồn cuộn. Hình ảnh thơ như tạc bức tượng đồng về người ngư dân:

Vẩy bạc đuôi vàng loé rạng đông,


Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu thơ vừa thực mà vừa có nghĩa ẩn dụ.Dưới ánh sáng bình minh loé lên, những con cá mắc
vào lưới càng trở nên rực rỡ. Dường như ngoài bản chất nhà thơ, Huy Cận còn mang trong
mình tố chất của người hoạ sĩ. Cách phối màu “bạc, vàng” được vận dùng tài tình khéo léo, tô
đậm thêm thành quả lao động của người dân vùng biển. Không chỉ tả màu của vẩy, sắc của
đuôi cá trong sớm mai mà còn gợi nghĩ đến bạc, vàng – những tài sản quý giá lấy lên từ biển
cả. Bởi không chỉ nhận ánh sáng phản chiếu từ tràng sao. Vẩy bạc đuôi vàng tự phát sáng loé
rạng đông tạo nên ngày mới, làm cuộc sống đổi thay. Đó cũng chính là mục đích của người
lao động, là hướng đi của nhân dân ta trong những năm đó.Câu thơ “Lưới xếp buồm lên đón
nắng hồng” với các động từ “xếp, lên, đón” và cách ngắt nhịp 2/2/3 diễn tả mọi công việc
diễn ra theo trình tự một cách thành thạo, nhanh chóng để kịp thời trở về đất liền. Hình ảnh
lưới xếp và cánh buồm được căng phồng lên trong gió như khép lại một màn đêm mệt mỏi
mở ra một buổi sáng đẹp trời với những phiên chợ tấp nập đông vui

Thống nhất với cảm hứng và bút pháp lãng mạn, khổ cuối của bài thơ là bức tranh hoành
tráng với âm thanh, hình ảnh tràn đầy sức mạnh của con người, đoàn thuyền và ngập tràn ánh
sáng:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.

Đây là lần thứ 3, Huy Cận nhắc lại câu hát này. Lần đầu là tiếng hát hứng khởi lúc ra khơi:
“Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Tiếng hát lần thứ hai là tiếng hát say mê lao động: “Ta
hát bài ca gọi cá vào”. Và lần cuối cùng chính là tiếng hát của niềm vui thắng lợi: “Câu hát
căng buồm với gió khơi”. Câu hát thay ngọn gió làm căng cánh buồm đẩy thuyền về đất liền
trong một tư thế mới: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Tác giả đã nhân hoá và nói quá
hai sự vật “đoàn thuyền và mặt trời” đang chạy đua cùng nhau. Trong cuộc đua không cân
sức ấy, con người đã thắng. Đất liền chào đó những đứa con thắng trận trở về với khung cảnh
thật đẹp đẽ kì vĩ. Vầng dương bao la toả những tia nắng ấm áp, đẹp lung linh xuống mặt biển.
Và mặt trời như từ từ dưới lòng sâu biển cả đang từ từ đội nước nhô lên. Một cảnh tượng thật
nên thơ, hùng vĩ, tràn đầy sức sống. “Mắt cá huy hoàng” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho
một cuộc đời mới vui tươi xán lạn đang chờ đợi con người phía trước. Dưới ánh sáng mặt trời
hàng trăm đôi mắt cá li ti đầy ắp dưới khoang thuyền phản chiếu những giọt vàng chan chứa,
bống chốc tất cả đều lấp lánh rạng rỡ, nhìn về đâu người ta cũng thấy những mắt cá chiếu
sáng lấp lánh như hứa hẹn một cuộc sống đủ đầy no ấm.

Để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, đấy là một sự lao tâm khổ trí của những người
phu chữ. Nhưng suy cho cùng, việc sáng tạo không cần một mảnh đất mới mà cần một đôi
mắt mới. Với sự khám phá và đưa đến cho bạn đọc một sức sống, một hồn thơ mang sự
chuyển mình, Huy Cận đã phản ánh tinh thần cuộc sống cũng như hình tượng con người lao
động trong thời kỳ đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Nhằm thể hiện được ý thơ này, tác giả đã
tài năng trong việc xây dựng các yếu tố nghệ thuật. Đầu tiên đó là thể thơ bảy chữ kết hợp với
kết cấu đầu cuối tương ứng nhằm thể hiện dòng chảy ngầm của thời gian và sự phóng khoáng
của tâm hồn. Đặc biệt, mở đầu tác phẩm bạn đọc đến với hình ảnh hoàng hôn khi đoàn
thuyền ra khơi và kết thúc tác phẩm là cảnh bình minh khi đã bội thu trở về. nhà thơ sử dụng
các biện pháp nhân hoá và lặp lại các hình ảnh như thuyền, trăng, mặt trời, gió giúp cho bài
thơ như một lời kể chuyện về hành trình ra khơi của những con người mới. Quả thật, thơ hay
là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài.
Bài thơ có hai nguồn cảm hứng lớn, song hành, hài hòa và trộn lẫn vào nhau. Đó là cảm hứng
về thiên nhiên vũ trụ và cảm hứng về con người lao động trong cuộc sống mới. Sự thống nhất
của hai nguồn cảm hứng ấy được thể hiện qua kết cấu và hệ thống thi ảnh trong bài. Không
gian của bài thơ là một không gian lớn lao, kỳ vĩ với trời, biển, trăng, sao, sóng, gió; cũng là
không gian của cảnh lao động. Thông qua việc miêu tả cảnh lao động đánh cá của người ngư
dân vùng biển Hạ Long, bài thơ ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, sự giàu có của biển
khơi; ngợi ca khí thế lao động hăng say, yêu đời của người lao động mới đã được giải phóng,
đang làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và đất nước:

Tập làm chủ, tập làm người xây dựng

Dám vươn mình cai quản lại thiên nhiên!

You might also like