You are on page 1of 6

Đoàn thuyền đánh cá

Đề: Phân tích đoạn trích sau đây:


“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng : cá bạc biển Đông lặng,


Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Bài làm
Huy Cận là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới, nhà thơ tiêu biểu
của nền thơ hiện đại Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám hồn thơ Huy Cận dạt
dào, lãng mạn, ông tập trung ca ngợi thiên nhiên, đất nước, về lao động và
niềm vui của con người trong thời đại mới. Tiêu biểu là bài thơ xuất sắc “Đoàn
thuyền đánh cá” được tác giả sáng tác vào năm 1958, trong chuyến đi thực tế
dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh, lúc miền Bắc đang xây dựng Chủ nghĩa xã hội,
nhà thơ Huy Cận đã xúc động trước vẻ đẹp của cuộc sống và những người lao
động nơi đây, cảm xúc ấy được thể hiện qua bài thơ. Bài thơ là âm vang của lời
ca tiếng hát ấy, ca ngợi thiên nhiên và con người lao động trên vùng biển Hạ
Long. Điều này được thể hiện rõ nét ở hai khổ thơ đầu nhà thơ đã miêu tả
cảnh hoàng hôn xuống, đoàn thuyền bắt đầu ra khơi và tâm trạng phấn khởi
của người lao động.
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hát rằng : cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”
Đến với khổ thơ đầu là cảnh hoàng hôn buông xuống và cảnh đoàn
thuyền đánh cá bắt đầu ra khơi được đặt vào không gian mênh mông rộng lớn.
Tác giả kết hợp hai nguồn cảm hứng về thiên nhiên và lao động để làm nổi bật
sức mạnh của con người trong sự hài hòa giữa con người với khung cảnh thiên
nhiên:
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.”
Mở đầu bài thơ là khúc hát lên đường vào lúc hoàng hôn buông xuống
của những người lao động trên biển. Hình ảnh con người và thiên nhiên hiện ra
đầy tính cách đối lập. Thiên nhiên đi vào trạng thái nghỉ ngơi còn con người bắt
đầu làm việc. Câu thơ tả cảnh hoàng hôn bằng những hình ảnh vừa quen thuộc
vừa mới lạ. Một bức tranh thiên nhiên đẹp, có vẻ gì bí ẩn của bóng tối, của
biển khi đêm xuống. Trong cái mênh mông ấy, nổi bật lên hình ảnh “mặt trời
xuống biển” được so sánh như “hòn lửa” đỏ rực thật độc đáo, thú vị gợi lên
một màu sắc rực rỡ, một sự bừng cháy thật chói lọi nhưng sự chói lọi ấy chỉ là
sự chói lọi cuối cùng trước khi không gian trên biển giảm bớt đi cái nắng chói
chang trong khoảng khắc sắc màu rực rỡ đã thay bằng màu đen của màn đêm,
sự tuần hoàn đều đặn của vũ trụ được tác giả miêu tả thật tài tình bằng hai từ
“xuống biển”. Hòn lửa ấy xuống biển là thiên nhiên đã nghỉ ngơi. Trí tưởng
tượng phong phú với dịp thơ dồn dập, hình ảnh nhân hóa giúp người đọc hình
dung vũ trụ là một ngôi nhà khổng lồ, những con sóng nhấp nhô là then cài cửa
còn màn đêm trên trời cao đang từ từ hạ xuống là cánh cửa của ngôi nhà vĩ
đại. Thêm vào đó, với sự yên nghỉ của bác mặt trời, “sóng” và “đêm” được biểu
hiện như hai con người. Nghệ thuật nhân hóa “cài then”, “sập cửa” đã thể hiện
rõ điều đó, “sóng” và “đêm” đã cẩn thận cài then sập cửa để có một bóng tối
và sự yên tĩnh hoàn toàn cho giấc ngủ của biển khơi. Cái thi vị của những hình
ảnh liên tưởng này đến hướng thiên nhiên về phía con người. Thiên nhiên
không còn đối lập với con người nữa, vì thế con người có cảm giác biển cả vốn
lạnh lẽo, bao la, đầy nguy hiểm nay bỗng trở nên ấm áp, gần gũi, thân quen.
Con người trước biển không còn cô đơn, rợn ngợp.
Hoàng hôn đã buông xuống, thiên nhiên vũ trụ đang chìm dần vào bóng
tối theo quy luật của tạo hóa. Đối lập với trạng thái nghỉ ngơi của vũ trụ, con
người lại bắt đầu công việc của mình. Nhịp sống bỗng chuyển động kết hợp với
hình ảnh vận động nhịp nhàng của đoàn thuyền đánh cá được thể hiện qua
những vần thơ của Huy Cận:
“Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi.”
Vũ trụ bao la rộng lớn giống như ngôi nhà trong trạng thái nghỉ ngơi, yên
tĩnh và màn đêm kia như thử thách lòng can đảm của con người nhưng trong
hoàn cảnh ấy ta lại bắt gặp hình ảnh đoàn thuyền ra khơi. Ở đây, nhà thơ sử
dụng cách nói hoán dụ “đoàn thuyền” để chỉ những người ngư dân, không phải
là từng chiếc thuyền lẻ loi, thấp thoáng như “Thuyền ai lấp loáng cánh buồm xa
xa” trong thơ Nguyễn Du, mà là cả “đoàn thuyền” thể hiện sức mạnh mới của
cuộc đời đổi thay đang bắt đầu căng buồm. Từ “lại” chỉ sự lặp đi lặp lại liên tục
như một thói quen đó cũng là công việc vất vả của người lao động trên biển đã
trở thành qui luật nề nếp, nhịp sống, cũng là tinh thần lao động hăng say quên
mệt mỏi, quên thời gian của những người ngư dân, của những người lao động
mới ở miền Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhịp thơ nhanh mạnh
như một quyết định dứt khoát cho thấy công việc khởi đầu với khí thế hào
hứng, căng trào.
Công việc đánh cá ban đêm trên biển là công việc nặng nhọc, đầy bất
trắc nhưng đoàn thuyền xông trận vẫn cất cao tiếng hát. Tiếng hát vút lên cùng
với những cánh buồm lộng gió của thời đại. Mặt biển đêm không lạnh lẽo mà
ấm áp hẳn lên bởi tiếng hát âm vang náo nức, thể hiện niềm vui to lớn của con
người lao động được giải phóng:
“Câu hát căng buồm cùng gió khơi.”
Câu thơ là cách nói độc đáo, sáng tạo của Huy Cận, khiến chúng ta tưởng
như tiếng hát hòa cùng gió mạnh, thổi căng cánh buồm, đẩy thuyền phăng
phăng rẽ sóng. Cái hay của câu thơ là sự kết hợp khéo léo của ba sự vật, hiện
tượng bao gồm “cánh buồm”, “gió khơi” và “câu hát” của người đi biển tạo
nên một hình ảnh vừa lãng mạn, câu hát của người ngư dân như góp phần
cùng với gió làm căng cánh buồm đẩy thuyền đi nhanh vừa hiện thực. Những
người đi đánh cá thường vừa dong buồm vừa hát tạo không khí vui vẻ, hào
hứng. Những hình ảnh, tâm trạng ấy cũng là tâm trạng chung của những người
ra khơi, ta đã từng bắt gặp tâm trạng hào hứng của những người dân chài
đánh cá về đêm trên biển trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh:
“Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…”
Câu hát thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, niềm vui lao động sôi nổi,
hào hứng trong buổi ra khơi với một niềm tin đó là một chuyến ra khơi thành
công tốt đẹp. Tiếng hát ấy, làm nổi bật khí thế hồ hởi của những người lao
động lạc quan yêu nghề, yêu biển và say mê công việc chinh phục biển khơi
làm giàu cho Tổ quốc. Nó còn thể hiện niềm mong ước một chuyến ra khơi
đánh bắt được thật nhiều hải sản, nhiều cá tôm giữa sự giàu đẹp của biển khơi.
Qua khúc hát ra khơi của người đi đánh cá, ta không chỉ thấy cái náo nức, say
mê của con người mà còn thấy được sự giàu đẹp của biển, của quê hương
cùng những ước mơ tâm tư, ước vọng của họ.
Lời hát làm nổi bật tâm hồn của người dân chài và ngợi ca sự giàu có, trù
phú của thiên nhiên, sự hào phóng của biển cả cùng vẻ đẹp lung linh, diệu kì
của nó trong đêm. Bút pháp lãng mạn của nhà thơ vẽ nên khung cảnh vừa thực
vừa ảo:
“Hát rằng : cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”
Với khả năng quan sát sắc sảo, trí tưởng tượng phong phú, trái tim nhạy
cảm và tài năng nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ như khắc hoạ trước mắt chúng
ta một khung cảnh lao động tuyệt vời trên biển. Tuy công việc đánh bắt cá cực
nhọc nhưng lời ca tiếng hát vẫn song hành cùng ngư dân. Biển cả đã nhường
bước cho con người. Bài ca ngư dân hát là những nốt trầm miêu tả đoàn cá.
Trong câu hát của người ngư dân có gọi tên các loài cá: “cá bạc”, “cá thu” cùng
nghệ thuật so sánh hình ảnh “cá thu” như “đoàn thoi” gợi hình ảnh sống động
vừa là lời ca ngợi nguồn tài nguyên phong phú của vùng mỏ Quảng Ninh. Với
trí tưởng tượng độc đáo kết hợp với ngòi bút vừa hiện thực vừa lãng mạn nhà
thơ như đang được ngắm nhìn từng đoàn cá thu lao nhanh trên mặt biển như
những chiếc thoi trong máy dệt. Con thoi mang sợi tơ dệt vải thì cá thu mang
ánh sáng phản chiếu lấp lánh dệt nên muôn luồng sáng lung linh, kì ảo trên
thảm biển. Trí tưởng tượng của tác giả thật phong phú, đoàn cá được tác giả
nhân hóa thành người thợ dệt lưới, dệt lên những tấm vải lớn lấp lánh, đầy
màu sắc và mời gọi cá vào lưới. Từ hình ảnh đoàn cá “dệt biển” mà kêu gọi
“đến dệt lưới ta” đã nói lên ước vọng về một mẻ lưới nặng tay. Đây là lời kêu
gọi đầy triều mến cũng rất đỗi thân thương. Câu hát của người ngư dân không
những ca ngợi về vùng biển giàu có mà còn hữu ích trong công việc đánh bắt
cá, nó trở thành bài ca trong lao động.
Qua hai khổ thơ có giá trị tạo hình đặc sắc, vẽ lại bức tranh lao động
tráng lệ, tràn ngập ánh sáng và màu sắc, tràn đầy sức sống mãnh liệt. Bằng bút
pháp vừa hiện thực vừa lãng mạn, bằng tài năng liên tưởng phong phú kết hợp
với âm hưởng khỏe khoắn, xây dựng hình ảnh thơ bằng liên tưởng, so sánh,
hoán dụ tác giả đã miêu tả đoàn thuyền ra khơi bằng những hình ảnh thật đẹp
cùng tâm trạng phấn khởi của người ngư dân trên biển. Trong đó, con người
đã hòa hợp với thiên nhiên hùng vĩ, bao la và thậm chí vượt qua cả thiên nhiên
nữa. Qua đó, nhà thơ đã ca ngợi vẻ đẹp của cảnh đoàn thuyền đánh cá trên
biển trong đêm trăng cùng với bầu không khí lao động hăng say và niềm mong
ước của những người lao động làng chài. Đó là niềm vui, niềm tự hào của nhà
thơ trước đất nước và cuộc sống mới. Đoạn thơ giúp em hiểu hơn về cuộc
sống của người lao động miền biển trong thời kì chủ nghĩa xã hội.

You might also like